Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Ngôn Ngữ Và Văn Hóa


Diệu Tần



Văn hóa và ngôn ngữ có liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời. Ngôn ngữ là phương tiện chuyên chở văn hóa và văn hóa chứa đựng trong ngôn ngữ. Người ta đã nói rằng ngôn ngữ và văn tự là kết tinh của văn hóa dân tộc, nhờ ngôn ngữ và văn tự để được lưu truyền và trong tương lai, nền văn hóa cũng nhờ vào ngôn ngữ để phát triển. Sự biến đổi và phát triển ngôn ngữ lại luôn luôn đi song song với biến đổi và phát triển văn hóa. Vậy muốn nghiên cứu sâu về văn hóa phải nghiên cứu ngôn ngữ, và tất nhiên muốn đi sâu vào ngôn ngữ phải chú tâm đến văn hóa. Ðiều đó được thể hiện rõ ràng trong trường hợp tiếp xúc giao thiệp văn hóa mà hai bên (khác dân tộc, khác quốc gia) có bối cảnh văn hóa khác nhau.

Thông thường thì trình độ sử dụng một ngôn ngữ như một ngoại ngữ (khả năng nghe, nói, đọc và viết, mà nghe là quan trọng nhất) được quyết định bằng hai yếu tố: Sự am hiểu về ngôn ngữ đó và sự hiểu biết về kiến thức văn hóa trong bối cảnh của ngôn ngữ đó. Khi một người đã nắm được đầy đủ những kiến thức ngôn ngữ mà vẫn không giải thích thỏa đáng được ngoại ngữ là vì họ không có đủ kiến thức về bối cảnh của ngôn ngữ đó. Do sự khác biệt về óc thẩm mỹ, cách suy tư, quan niệm giá trị, đặc trưng tâm lý và tập quán của từng dân tộc, cách giải thích và diễn đạt cùng một sự vật cũng sẽ khác nhau. Cho nên có khó khăn hoặc có khi dẫn tới sự hiểu lầm trong tiếp xúc là lẽ đương nhiên.

Chúng tôi xin nêu một số trường hợp đáng chú ý sau đây:

CÁCH THỨC ÐỐI THOẠI

l. Chào hỏi

Người Việt Nam và người Á đông có thói quen (thói quen, tập quán là văn hóa) chào nhau bằng cách hỏi: ông ăn cơm chưa?; bác đi đâu đấy?; Bà đang làm gì đấy? Hỏi mà không cần nghe câu trả lời, đó chỉ là cách thức chào, không phải thật sự muốn biết người được hỏi ăn cơm chưa; đi đâu; hay đang làm gì. Khi trả lời, người ta có thể đáp lại một cách không đích xác, hoặc không trả lời. Nếu dịch những câu hỏi trên sang tiếng Anh, tiếng Pháp thì sẽ là những câu hỏi rõ ràng, cần phải trả lời. Nếu chúng ta chào hỏi người Pháp người Mỹ những câu như thế có thể có sự hiểu lầm , vì họ chào nhau bằng những câu như: Bon soir, Good morning... Trái lại với chúng ta khi muốn chào như thế, chúng ta không cần phải nói rõ là chào buổi chiều, hay chào buổi tối.

2. Làm quen.
Người Việt Nam và người Á Ðông có thói quen ưa tìm hiểu quan sát và đánh giá người mình tiếp xúc. Tuổi tác, quê quán, trình độ văn hóa, địa vị xã hội, mức thu nhập cá nhân, tình trạng gia đình. (Bố mẹ còn hay mất, đã lập gia đình chưa, đã có con chưa, mấy trai mấy gái. Nhũng câu hỏi về biography và background cho người đối diện luôn là những điều chúng ta quan tâm và đặt câu hỏi). Chúng ta hỏi những điều đó là xuất phát từ óc cộng đồng, tự thấy có trách nhiệm phải chú ý đến người khác, cần biết rõ người đối thoại. Nhưng thói quen ưa tìm hiểu này hoàn tòan trái ngược với người Tây phương. Người Âu Mỹ đề cao chuyện riêng tư của con người, coi như bất khả xâm phạm, nhất là về lương bổng và tuổi tác phụ nữ. Ở Mỹ, ngay cả trong mẫu đơn xin việc và trong các cuộc phỏng vấn nhận nhân viên, công nhân, không có quyền hỏi người đứng đơn về tình trạng gia đình. Người Tây phương khi làm quen thường khen nhau trẻ, đẹp, quần áo hợp thời trang, hoặc nói về thời tiết, hay bàn về trận đấu thể thao vừa qua. Nếu cứ hỏi người Tây phương về chuyện riêng của họ, họ cho mình là tò mò, hay dò tìm những điều bí ẩn của người khác và có thể họ sẽ chán nản, tức giận.

3. Lời khen hay lời chê?

Khoảng 30, 40 năm trở lại đây, phụ nữ Âu Mỹ rất sợ béo mập, vì béo mập là hình dáng không đẹp, lại là mầm mống cuả nhiều thứ bệnh. Trong khi người Á đông khen: béo tốt, tốt tướng, lên cân, bệ vệ thì người được khen hài lòng. Ngược lại khen như thế lại là lời sỉ mạ người được khen! Người Việt và người Trung Hoa có thói quen nói lớn tiếng ngoài đường phố, nơi công cộng. Trong khi đó người Âu, Mỹ thường nói chuyện vửa đủ nghe, tôn trọng bầu không khí yên tĩnh, tôn trọng người khác. Người Á đông vào những tnlờng hợp ông, Bà, Cha, Mẹ nhận quà tặng cua con cháu, nhận lời chúc mừng, nhận lời khen tặng, không cần phải cảm ơn. Các vị đó xem như con cháu có bổn phận phải làm như thế.

Người Việt, có khi khen thật lòng, có khi lại khen mỉa mai, khen mà là chê. Ví dụ có người hỏi: Cô ấy, bà ấy đẹp nhỉ, người đối thoại sẽ trả lời: Ðẹp? Ðẹp thật à? À, đẹp thật, đẹp chín nghìn ! Hoặc dùng ca dao: Ðẹp như con tép kho tương! Trái lại khi khen một đứa bé bụ bẫm thì dùng hình thức chê, vì e sợ mụ quở, sợ ma quỷ bắt đứa bé đi: "Ấy cháu nó xấu xí lắm, nó hư lắm." Có nghĩa là cháu nó bụ sữa lắm! Cháu nó ngoan lắm! Nếu dịch lời chê rồi giải nghĩa cho người Âu Mỹ hiểu đó là lời khen thì họ phải cố hiểu mới hiểu nổi.

4. Cách xưng hô

Trong một ngôn ngữ, cách xưng hô luôn luôn biểu lộ đặc trưng tâm lý, nếp suy tư và văn hóa của dân tộc đó. Trong tiếng Việt cách xưng hô rất phong phú và phức tạp. Ngoài các đại từ nhân xưng như: tôi tao, tớ, mày, nó, hắn; chúng tôi, chúng tao, chúng tớ, chúng nó, bọn hắn còn có một số lượng lớn các danh từ chỉ liên hệ họ hàng như: anh - em, bà - cháu, chú - cháu... để thay thế cho đại từ nhân xưng và những danh từ này có xu hướng lấn át các đại từ nhân xưng. Hệ thống xưng hô này nói lên đặc điểm của văn hóa Việt Nam. Chúng được ứng dụng tùy theo tình cảm của người phát biểu và trường hợp cụ thể khi nói chuyện. Cùng tiếp xúc một người, người ta có thể dùng những cặp từ xưng hô khác nhau như : anh- em, anh - tôi, ông -tôi, mày - tao tùy theo từng trường hợp. Trái lại trong ngôn ngữ Tây phương và cách nói phổ thông của Trung Hoa chỉ sử dụng các đại từ nhân xưng như: I, You, he, she, Hán ngữ thì ngã, nhĩ (ngổ, nỉ).

Nếu so sánh các danh từ chỉ liên hệ họ hàng trong các ngôn ngữ, chúng ta sẽ thấy nhiều điểm khác nhau có khi thú vị, khôi hài và kỳ lạ. Ví dụ trong tiếng Việt cháu (trai, gái) chỉ người thế hệ sau, nhưng không phải là con, gồm: con của con; con của anh, chị và em. Trong tiếng Anh cũng có grand child, nephew và niece. Nhưng nếu dạy tiếng Việt cho người Anh, Mỹ thì cháu lại có thể là con, có thể là tôi nữa. Ví dụ hỏi một thanh niên: Anh đã có cháu nào chưa?; hay nói: Thưa các cụ , cháu không dám ạ!

Như vậy cách xưng hô nói lên những đặc trưng bối cảnh văn hóa xã hội của từng ngôn ngữ, cần được nghiên cứu bằng kết hợp văn hóa và ngôn ngữ.

5. Lối khiêm tốn (nhún nhường)

Khiêm tốn là một đức tính, nhưng mỗi dân tộc thường có cách thức riêng để tỏ ý khiêm nhường. Người Việt Nam và Á đông thường tỏ ý khiêm tốn bằng cách tự khiêm, là tự hạ mình xuống. Ví dụ trong một cuộc họp, người Á đông thường mở đầu bằng mấy câu như sau: "Trình độ của tôi không bằng ai, tôi chưa chuẩn bị kỹ, nếu có chỗ nào tôi sơ xuất thì mong quý vị thông cảm và bo åtúc cho" Nói như thế là lịch sự. Nhưng người Tây phương sẽ không hài lòng và phản ứng: nếu trình độ yếu, chưa chuẩn bị kỹ thì nói làm gì?" Họ không hiểu rằng khi nói thế chỉ là cách nhún mình thôi, thật ra người ấy rất giỏi, và chuẩn bị hết sức kỹ càng. Người Á Ðông không bao giờ tự khen mình tự tâng bốc mình, e bị chê cười. Trái lại người Tây phương cho rằng chúng ta thiếu tự tin, và tự tin không có nghĩa là tự khoe khoang. Khi tặng quà, người Việt thường muốn giảm giá trị món quà, dù món quà đó họ đã bỏ ra nhiều công sức tiền bạc mới mua được. Họ chỉ nói "Ðây là chút quà mọn chẳng đáng gì bao nhiêu". Nói thế để người nhận quà yên lòng. Người Âu Mỹ thì trái lại. Khi tặng quà họ thường nói rõ: Món quà này tôi đã có chủ ý đi mua cho bằng được, hoặc là: "Ðây là hàng nổi tiếng, hiếm có". Người phương Tây cho rằng nói thế mới tỏ lòng chân thành.

Lối tự khiêm còn thể hiện ngay trong cách sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ: "Ông lại chơi nhà chúng tôi; Ông cho tôi món quà" nhưng lại nói để nâng cao giá trị người đối thoại: "Tôi xin lại thăm ông bà"; "Tôi xin biếu ông bà món quà mọn".

SỬ DỤNG CÁC TỪ NGỮ VĂN HÓA TRONG GIAO THIỆP
Từ ngữ văn hóa có ý nghĩa văn hóa xã hội. Ý nghĩa văn hóa xã hội là chỉ nghĩa bóng, ẩn dụ, tượng trưng, biểu cảm.

l. Từ ngữ tượng trưng
Ðó là các từ ngữ có hàm nghĩa tựng trưng văn hóa, ngoài chức việc định danh ra, các từ ngữ gợi lên một sự liên tưởng nào đó. Ví dụ trong tiếng Việt, từ "con rồng" ngoài chức năng định danh là chỉ một con vật tưởng tượng ra, là biểu tượng của nhà vua thời xưa và tượng trưng của dân tộc Việt. Người Việt thường tự nhận là con rồng cháu tiên. Người Trung Hoa cũng thường nhận là con cháu của Rồng. Nhưng trong các tiếng Tây phương , Dragon (rồng) lại không có nghĩa đẹp như vậy. Ðó chỉ là con vật huyền thoại rất hung ác, luôn luôn làm hại con người. Bởi thế người Tây phương không hiểu tại sao tại sao người Việt, người Trung Hoa lại sùng bái một con ác thú như thế!

Trong Hán ngữ con bò vàng già (lão hoàng ngưu) là chỉ tượng trưng những người làm việc cần cù, có góp công sức lớn lao và không bao giờ khoe khoang, là một danh hiệu rất quý Nhưng trong tiếng Việt, con bò là một biểu tượng cho ngu đần. Người ta nói: ngu như bò; đầu bò đầu bướu (bướng bỉnh, ngang ngạnh) con bò vàng già chỉ là người già yếu chậm chạp ngu dốt. Trong khi đó để chỉ người kém thông minh, người Mỹ nói: óc nó nhỏ như hạt đậu (bean).

Ngôn ngữ Việt , tiếng lóng dê có nghĩa không đẹp, dùng để chỉ đàn ông đa dâm: nó có máu dê, nó là dê cụ, dê xồm! Nhưng trong Hán ngữ thì dê và cừu là hình ảnh dịu hiền, rất dễ thương. Ngoài ra vì đồng âm với dương (trái với Âm) và cùng vần với chữ may mắn, nên người Trung Hoa xem con dê và cừu là tượng trủng cho may mắn.

Người Việt và Trung Hoa cho con chim khách là biểu tượng cho điềm lành, tin rằng nó đem đến tin vui. Người Âu Tây hình ảnh chim khách không quý báu gì, ở nước Nga người ta cho loại chim này là tượng trưng cho kẻ đâm bị thóc, chọc bị gạo và kẻ trộm.

2. Hình thức tôn kính

Ở Á Ðông như Nhật, Cao Ly và Tây tạng có hình thức nói và viết tôn kính đối với những bậc tu hành, lãnh đạo... Hình thức này được biến cải ngay vào trong ngôn ngữ. Ở Việt Nam và Trung Hoa không có lối viết như thế, nhưng dùng những từ đặt thêm vào để bày tỏ lòng quý trọng tôn kính. Ví dụ tiên sinh, tiền bôí; ông anh, đàn anh. Riêng Việt Nam có những có những chữ không dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp được, để bày tỏ kính trọng người hơn mình về tuổi tác, học vấn, tư tưởng... Ðó là thưa, trình, bẩm, ở đầu câu và ạ ở cuối câu. Người Mỹ chỉ có từ Sir và Mam đặt ở cuối hoặc đầu câu để bày tỏ sự tôn kính thôi.

3. Con số

Ngôn ngữ nào cũng phải có số đếm, nhưng có vài con số có những hàm nghĩa đặc biệt.

Chính con số không có gì thần bí, nhưng từ chỗ sùng bái linh vật về ngôn ngữ, người ta đi đến sùng bái về con số. Người ta cho rằng có những số lành, may mắn, có những số dữ, xui xẻo.

Ví dụ ở các nước phương Tây, số 13 bị coi là số xấu, người ta luôn luôn kiêng và cố lẩn tránh con số này Ở các nhà lầu, ngườii ta không lấy số 13, các bệnh viện và giường bệnh số 13; trên máy bay xe lửa và ở mỗi hàng ghế đều không có ghế số 13. Người ta tiến hành những việc quan trọng cũng cố tránh ngày 13. Nhưng ở Việt Nam và Trung Hoa lại không tin như thế. Một vài tỉnh ở Trung Quốc người ta cho các số 3, 6, 9 là số đẹp, chọn những ngày 3, 6, 9, 13, 16, 26, 29 âm lịch làm lễ cưới. Ở Nhật, người ta cho số 4 là xấu, vì tiếng Nhật số 4 đọc lên nghe gần như chết (Xi = tứ, xi = tử) nên người Nhật thường kiêng số này. Nhiều bệnh viện Nhật không có tầng số 4, phòng số 4 và giường số 4. Tiếng trung Hoa cũng như vậy, tứ đọc lên theo phương ngữ nào nghe cũng gần giống với tử, nên nhiêu bệnh nhân nằm bệnh viên kiêng số đó. Ngay cả số điện thoại, người ta cũng không thích số 4. Gần đây vì ảnh hưởng Hương Cảng và Quảng Ðông, họ rất chuộng con số 8. Bát đọc lên gần như phát (tài), nên người ta rất thích số 8, nếu có số 168 là nhất lộ (lục) phát hay 598 đọc như ngã cửu phát (ngũ cửu bát) = tôi phát tài được lâu. Ở Việt Nam, người ta có quan niệm riêng về các con số, coi số lẻ là tốt đẹp. Làm đám cưới cũng có thói quen chọn ngày, có người kiêng ngày 3 và ngày 7, vì đã có câu: Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba. Nhưng so với hai nước nói trên, quan niệm lành dữ về con số của người Việt vẫn nhẹ hơn. Người Việt chuộng nhất số 9 và kỵ nhất số l0, gọi là số bù, bảng số xe các loại, họ đều thích có số 9, hoặc cộng lại số thành là 9.

4. Từ ngữ chỉ màu sắc

Màu sắc có ảnh hưởng đến tâm lý con người điều đó đã được công nhận. Trong ngôn ngữ, các từ ngữ chỉ màu sắc có thể phản ảnh được tâm lý văn hóa dân tộc. Cho nên các từ ngữ chỉ màu sắc thường có nghĩa tượng trưng văn hóa rất phong phú.

Từ xưa, người Việt chịu ảnh hưởng Trung Hoa có quan niệm tôn sùng màu vàng, vì từ đời Hán, lấy năm sắc tượng trưng cho ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và ngũ phương là Ðông, Tây, Nam, Bắc. Vàng là tượng trưng cho Thổ và Trung ương và là màu của vương quyền. Từ đời Hán trở xuống, các nhà vua đều mặc áo vàng, và đó là độc quyền của nhà vua.

Nhưng từ hơn chục năm nay, màu vàng lại có nghĩa tượng trưag cho khiêu dâm, dâm ô, vì mấy chữ điện ảnh màu vàng nghĩa là phim ảnh khiêu dâm; phòng khiêu vũ màu vàng, băng hình màu vàng là cùng nghĩa dó. Ở Việt Nam thì coi nhẹ hơn , nhạc vàng có nghĩa là nhạc buồn ủy mị, lãng mạn. Người Á đông cũng thích màu đỏ, cho đó là tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, vui vẻ, thành đạt. Vào các dịp ngày Tết, ngày lễ lớn thường treo câu đối đỏ, thắp nến đỏ... Ở Trung Hoa còn treo đèn lồng đỏ, trong đám cươi cô dâu mặc toàn màu đỏ, trang hoàng trong nhà toàn bằng màu đỏ. Trái lại ở Tây phương, cô dâu mặc bộ áo cưới màu trắng, họ cho rằng màu trắng tương trưng cho sự trong sạch, tinh khiết của cô dâu. Nhưng ở Trung Hoa dân gian lại kiêng màu trắng trong đám cuới, vì họ vẫn coi màu trắng là màu tang tóc. Người Á đông không thích màu đen cho rằng đó là vận không may, số đen, đen đủi trong khi vẫn có nhiều người Tây phương thích sơn cửa màu đen cổ điển.

Các từ ngữ văn hóa còn rất nhiều, như những chữ kiêng kỵ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, tiếng lóng v. v.. Ví dụ một từ có cùng nghĩa nhưng lại thay đổi, hay thêm bớt nghĩa, tùy theo cáh dùng, cách đặt câu của từng quốc gia. Như từ nóng = chaud = hot của Việt, Pháp và Anh. Nóng của Việt Nam giống như hot của Anh có nghĩa nữa là nóng nảy; mới tinh, nhưng tiếng Anh còn thêm nghĩa là cay (hot pepper). Chaud (e), chaleur của Pháp là nóng, nhưng nếu nhầm lẫn nói một người đàn bà đang "en chaleur' thì thật là nguy hiểm!

Những điểm nói trên cho thấy yếu tố văn hóa có vai trò quan trọng trong giao thiệp, tiếp xúc đặc biệt là trong tiếp xúc văn hóa. Ðây cũng là vấn đề ngôn ngữ và vấn đề bối cảnh văn hóa. Chú tâm đến khía cạnh văn hóa khi nghiên cứu ngôn ngữ là cần thiết và là cách tìm hiểu mới, một địa hạt mới trong ngôn ngữ học.

Vài chục năm nay, ở Mỹ, Nga, Trung Quốc, các nhà ngôn ngữ học đã làm nhiều việc nghiên cứu ngôn ngữ qua văn hóa và thu được một số thành quả. Chẳng hạn muốn học một ngoại ngữ, cần phải học qua về văn hóa của thứ tiếng đó. Ðặc biệt là phải hiểu phong tục, tập quán, sử, địa... của nước đó. Họ nghiên cứu các mặt ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, ngữ nghĩa để kết hợp ngôn ngữ với các ngành khoa học xã hội khác và từ đó tạo dựng một số môn học liên ngành, trong đó có môn ngôn ngữ văn hóa (Cultural linguistics).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét