Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Ngôn ngữ Việt thể hiện Văn hóa Việt



 Thích Chúc Độ




(Vận dụng quan điểm của Ferdinand de Saussure về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và dân tộc để nghiên cứu tiếng Việt và văn hoá Việt)

A. ĐẶT VẤN ĐỀ

Giữa tiếng nói của một dân tộc với nền văn hoá của dân tộc ấy chắc chắn phải có một mối quan hệ nhất định. Vì ngôn ngữ trực tiếp phản ánh cách tri giác và tư duy thế giới của cộng đồng dân tộc, mà văn hoá dân tộc không thể không liên quan đến cách tri giác và tư duy ấy [2, 287]. Thật vậy, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá từ lâu đã trở thành một mối quan tâm đặc biệt của các của các nhà ngôn ngữ học trên thế giới. Ở châu Âu, phải kể đến W. Humboldt (1767 – 1835) với những quan niệm nổi tiếng về ngôn ngữ và linh hồn của dân tộc, về hình thái bên trong của từ; đặc biệt là F. de Saussure (1857 – 1913) khi ông cho rằng: “phong tục của một dân tộc có tác động đến ngôn ngữ, và mặt khác, trong một chừng khá quan trọng, chính ngôn ngữ làm nên dân tộc” [1,47]. Ở châu Mỹ phải nhắc đến F. Boas (1858 – 1942) và nhất là E. Sapir (1884 – 1939) và B. Whorf (1897 – 1941) với nguyên lý về tính tương đối của ngôn ngữ.

Tất cả những lý thuyết về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá đã tạo điều kiện cho các nhà Việt ngữ học khám phá ra những cái đặc sắc của văn hoá Việt thông qua tiếng nói hằng ngày của dân tộc này. Cho đến nay, trong giới Việt ngữ học đã có một số nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề này và bước đầu đã mang lại nhiều kết quả đáng kể. Đáng kể đến là Nguyễn Đức Tồn, Lý Toàn Thắng, Cao Xuân Hạo, Đào Thản … đã chỉ ra rằng ngôn ngữ Việt và văn hoá Việt luôn có một mối quan hệ nhất định, đó chính là “cách nghĩ”, “ cách tư duy” của riêng người Việt mà ở các dân tộc khác không có. Như vậy, có thể nói, trong số các kiểu tư duy khác nhau cùng tồn tại ở con người hiện đại, mỗi dân tộc sẽ có thiên hướng nổi trội hay “ưa thích” một kiểu nào đó. Chính điều này là sự biểu hiện đặc trưng tư duy ngôn ngữ ở một dân tộc [7, 29].

Để làm rõ những nét đặc trưng văn hoá dân tộc của người Việt thông qua ngôn ngữ, chúng tôi tập trung vào những vấn đề chính sau: ngôn ngữ Việt phản ánh rõ nét nền văn minh lúa nước (nông nghiệp) thể hiện cách thức chia cắt thế giới khách quan; thể hiện qua cách tri nhận về không gian.
NỘI DUNG
I. Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ

Cho đến nay, chúng ta thể nói rằng quan điểm của Saussure về ngôn ngữ ở một mức độ nào đó là quá cực đoan. Chẳng hạn khi ông cho rằng tính chất của tín hiệu ngôn ngữ là hoàn toàn võ đoán, nghĩa là mối quan hệ giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện (vỏ ngữ âm của từ và nội dung mà từ chứa đựng) là hoàn toàn không có lý do. Nhưng mặt khác ông vẫn thừa nhận vai trò của dân tộc đối với ngôn ngữ, thậm chí chính ngôn ngữ còn làm nên dân tộc.

Các nhà nghiên cứu đi sau vịn vào luận điểm “tính vỏ đoán” để chỉ trích ông, nhất là từ khi học thuyết tương đối ngôn ngữ học của E. Sapir và B.L. Whorf ra đời, nó dường như đã đặt lại nhiều vấn đề về mối quan hệ giữa vỏ âm thanh và nội dung của một từ, về cách thức chia cắt thế giới khách quan, phạm trù hoá kinh nghiệm của một cộng đồng văn hoá - ngôn ngữ … Có nghĩa là, thế giới khách quan luôn bị bóp méo, khúc xạ qua lăng kính chủ quan của người bản ngữ. Tuỳ vào mỗi một dân tộc, mỗi một nền văn hoá khác nhau mà có cách nghĩ, cách nói khác nhau về các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan, đôi khi ngay cùng một sự vật hiện tượng cũng có nhiều cách thức thể hiện không giống nhau giữa các ngôn ngữ - dân tộc.

Thật vậy, các nhà khoa học đều thừa nhận rằng giữa ngôn ngữ và văn hoá, ngôn ngữ dân tộc và văn hoá dân tộc, có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, chúng phát triển trong sự tác động qua lại lẫn nhau. Như vậy, là một thành tố của nền văn hóa tinh thần, ngôn ngữ giữ một vị trí đặc biệt trong nó. Bởi vì ngôn ngữ là phương tiện tất yếu và là điều kiện cho sự nảy sinh, phát triển và hoạt động của những thành tố khác trong văn hoá. Ngôn ngữ là một trong những đặc trưng nhất của bất cứ nền văn hoá - dân tộc nào. Chính trong ngôn ngữ, đặc điểm của nền văn hoá dân tộc được lưu giữ rõ ràng nhất [ 6 ,20 – 21].

Thế nhưng, bên cạnh cái rất riêng của mỗi ngôn ngữ thì giữa các ngôn ngữ vẫn có nhiều điểm tương đồng trong sự phản ánh thế giới hiện thực, hay nói rõ hơn là giữa ngôn ngữ A và ngôn ngữ B sẽ có một mức độ gần gũi nào đó trong cách tư duy ngôn ngữ (trong khi giữa ngôn ngữ A và C thì mức độ gần gũi sẽ kém hơn …. Ví dụ: tác giả Nguyễn Đức Tồn đã chứng minh rằng, về phương diện lựa chọn đặc trưng để làm cơ sở định danh thực vật, tư duy ngôn ngữ ở người Việt gần gũi với người Kazakstan nhất, sau đó là với người Anh và khác biệt nhất với người Nga [7, 5].

Tóm lại, theo giáo sư Cao Xuân Hạo thì, về vấn đề quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá, chân lý hình như nằm ở một vùng nào đó giữa hai thái cực: một bên là tương đối luận của Whorf, chủ trương rằng ngôn ngữ là một cái lăng kính mà qua đó người bản ngữ tri giác thế giới, và do đó quy định cách tư duy của họ về hiện thực; và một bên là phổ quát luận của Chomsky, chủ trương rằng mấy nghìn thứ tiếng được các cộng đồng ngôn ngữ sử dụng trên thế giới chẳng qua là những dị bản địa phương của một hệ thống ngôn ngữ duy nhất thể hiện những nguyên lý phổ quát chi phối cách khái niệm hoá thế giới của chúng ta [2, 288].

II. Ngôn ngữ Việt phản ánh rõ nét nền văn hoá của người Việt

1. Ngôn ngữ Việt phản ánh rõ nét nền văn minh lúa nước – cách thức chia cắt thế giới của người Việt.

Người Việt thuộc nhóm cư dân trồng lúa nước điển hình ở Đông Nam Á, và cũng là chủ nhân quan trọng của nền văn minh lúa nước ở khu vực này. Chính điều này đã để lại dấu ấn một nền văn minh lúa nước đậm nét trong ngôn ngữ Việt, mà rõ nét nhất là hai từ lúa và nước, hai từ này có sự gắng kết với hàng loạt các từ khác với nhiều tầng nghĩa khác nhau, đã làm nên cái phong phú và đặc sắc của chúng mà trong các ngôn ngữ khác không thể tìm thấy được.

1.1 Từ lúa

Như đã nói, Việt Nam là một trong những cái nôi đầu tiên và là quê hương của cây lúa ở Đông Nam Á. Từ xưa đến nay cây lúa và những sản phẩm do nó tạo ra đã là lẽ sống, máu thịt, vận mệnh của con người sống trên dải đất này. Tất cả những tình cảm tốt đẹp, những cách tư duy của người Việt đều mang một dấu ấn độc đáo từ cây lúa, điều này thể hiện qua hàng loạt các từ vựng nói về lúa hay có liên quan đến lúa.

Nếu như ở các ngôn ngữ không thuộc văn minh lúa nước, thì các từ như cây lúa, lúa, thóc, gạo, cơm, xôi, nếp … chỉ được thể hiện bằng một từ duy nhất rice (tiếng Anh), riz (tiếng Pháp) hoặc puc (tiếng Nga). Còn đối với tiếng Việt thì cùng chỉ một đối tượng là lúa nhưng có rất nhiều tên gọi khác nhau tuỳ vào giai đoạn sinh trưởng của cây lúa: thóc, giống, mộng, mạ, cây lúa, đòng, gié, chẽn, bông, rơm, rạ … Những từ có liên quan đến câylúa và các sản phẩm làm ra từ lúa đã được Đào Thản [5], chia thành 10 nhóm:

- Nhóm từ ngữ gọi tên cây lúa, tiền thân của cây lúa và các bộ phận chính của cây lúa: thóc giống, mộng, mạ, cây lúa, đòng, gié, chẽn, bông, rơm, rạ…

- Nhóm từ ngữ chỉ các hoạt động hoặc công đoạn gieo trồng, chăm bón cho cây lúa phát triển: gieo, cấy, làm cỏ, bón phân, tát nước …

- Nhóm từ ngữ chỉ các thời kì sinh trưởng và quá trình kết thúc cuộc đời của cây lúa: con gái, chia vè, đứng cái, làm đòng, trổ bông, ngậm sữa, đông sữa …

- Nhóm từ chỉ các động tác gặt hái, thu hoạch và làm ra thóc gạo: cắt, gặt, trục, đập, phơi, quạt, rê, xay, giã …

- Nhóm từ chỉ các sản phẩm của thóc sau khi xay giã: gạo lứt, gạo cội, tấm, cám, trấu …

- Nhóm từ chỉ tính chất của hạt thóc, hạt gạo: khén, mẩy, chắc, lép, gẫy, đớn, hẩm .

- Nhóm từ chỉ các động tác từ gạo làm thành cơm: vo, đãi, thổi, nấu, sơ, xới, ghế, hẩm …

- Nhóm từ chỉ phẩm chất của cơm: dẻo, rền, thơm, bùi, chín tới, sống, khê, nhão …

- Nhóm từ ngữ chỉ các loại xôi (cơm nếp): xôi trắng, xôi vò, xôi đỗ, xôi lúa, xôi gấc, xôi hành mỡ, xôi nén …

- Nhóm từ ngữ chỉ các loại bánh làm bằng gạo, nếp: bánh đa, bánh đúc, bánh bèo, bánh trôi, bánh trán…

Như vậy, qua sự tìm hiểu của tác giả Đào Thản đã cho ta thấy cây lúa có một vị trí quan trọng như thế nào trong đời sống tinh thần của người dân đất Việt. Chính cái vị trí đặc biệt của nó mà trong lời ăn tiếng nói hàng ngày ít nhiều cũng mang dáng dấp của cây lúa: “đổi bát mồ hôi lấy bát cơm”, ‘tấc đất tấc vàng” , “ chân lấm tay bùn”, “một nắng hai sương”… hay người nông dân mỗi ngày vác cuốc ra đồng thì gọi là đi thăm lúa, thăm đồng … tất cả những tục ngữ , thành ngữ ấy đều để nói lên cái công khó nhọc để tạo ra hạt gạo, ra bát cơm … cũng chính vì vậy mà người Việt luôn xem hạt cơm không những là một loại thực phẩm đơn thuần mà là ngọc thực. Cho nên, một khi chúng ta lỡ làm rơi vãi một vài hạt cơm, hay phí phạm cơm gạo thì bị xem là một việc làm tội lỗi … phải chăng đó chính là một hành vi văn hoá rất đáng cảm động và mang một ý nghĩa thiêng liêng.

1.2 Từ nước

Một từ nữa cũng có một vị trí không kém phần quan trọng trong đời sống tâm thức người Việt là nước. Nướcluôn là một yếu tố quan trọng nếu không nói là quyết định đối với nghề trống lúa nước. Chính vì lẽ đó mà từnước hiển nhiên trở thành một từ văn hoá điển hình trong vốn từ vựng tiếng Việt.

Trong tiếng Việt từ nước có một trường ngữ nghĩa rất rộng nó luôn luôn gắn liền với những ý nghĩa thiêng liêng của dân tộc ( dựng nước, giữ nước), nước còn là biểu tượng của sự sinh thành dân tộc với truyền thuyết “Lạc Long quân và Âu Cơ” [8, 43]. Và chưa có một ngôn ngữ nào trên thế giới như tiếng Việt khi lấy khái niệmNước một loại chất lỏng tồn tại trong ao hồ , sông, biển … để gọi tên một vùng đất (Country) mà những người thuộc một dân tộc hay nhiều dân tộc khác nhau cùng chung sống. Rồi dần dần chúng ta mới có một tổ hợp đất nước để chỉ cho vùng lãnh thổ của tổ quốc. Tuy nhiên, từ đất nước ngoài nét nghĩa trên còn mang một nét nghĩa gần gũi hơn, đó là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người … hay nhà nước (government) là cơ quan quản lý xã hội cao nhất cũng xuất phát từ nước .

Trong vốn từ vựng tiếng Việt có 3 từ nước đồng âm, khác nghĩa nhưng giữa các từ này đều nằm trong quan hệ phái sinh từ một từ nước duy nhất, chúng thể hiện cái mối quan hệ có lí do về mặt văn hoá ẩn sâu trong tâm thức người Việt:

- Nước (1): chất lỏng tồn tại trong tự nhiên ở sông, hồ, biển;

- Nước (2): Vùng đất, quê hương trong đó những người thuộc một dân tộc hay nhiều dân tộc khác nhau cùng chung sống dưới một chế độ chính trị - xã hội;

- Nước (3): (yếu tố hạn chế) với nhiều nghĩa:Bước đi nhanh chân (phi nước đại), bước đi của quân cờ (nước cờ), Cách thức hành động (chỉ còn một nước là ra đầu thú; hết nước, hết cái rồi), thế hơn kém (chịunước lép), mức độ không thể chịu đựng được (đến nước ấy là cùng) [8,46].

Như vậy, chúng ta có thể xây dựng một vốn từ vựng lớn về các nước hướng tới khái niệm nước qua 3 từ nước nói trên theo phương thức ghép từ trong tiếng Việt. Khi đó chúng ta sẽ có: đất nuớc, làng nước, nhà nước; nước non, non nước, sông nước, mây nước; nước lửa, cơm nước, gạo nước … Đồng thời, trong hệ thống tục ngữ Việt Nam cũng có một số lượng lớn lấy nước với những dạng thức khác nhau làm hình ảnh biểu trưng: Nước chảy đá mòn, Nước khe đè nước suối; nước đổ đầu vịt, Nước đổ lá khoai; Nước đến chân mới nhảy, Uống nước nhớ nguồn, Nước sông công lính, Nước mắt cá sấu, Còn nước còn tát, Một giột máu đào hơn ao nước lã …

Tóm lại, từ nước là từ văn hóa tiêu biểu trong văn hoá Việt, trong tâm thức người Việt nước luôn có một vị trí hết sức quan trọng, nó có mặt trong hầu hết các lĩnh vực từ cái thiêng liêng đến câu nói cửa miệng hay hướng đến những khái niệm có tính khái quát cao như tục ngữ, ca dao.

2. Văn hoá – tâm lý dân tộc Việt thể hiện qua cách tri nhận không gian
Ở một góc độ khác trong sự phản ánh thế giới khách quan của người bản ngữ là sự tri nhận về mối quan hệ của các sự vật hiện tượng với nhau trong không gian. Tuỳ vào mỗi ngôn ngữ – dân tộc mà sự tri nhận này không giống nhau. Khi so sánh với tiếng Anh, tiếng Nga về cách thức gọi tên các chi tiết của một chiếc cốc, tác giả Lý Toàn Thắng [4,3] đã cho ta thấy rằng người Việt có cách tri nhận về cấu trúc không gian rất khác và khá đặc biệt so với tiếng Anh (và tiếng Nga):

Cấu trúc không gian của một cái cốc được người Việt phân chia thành: miệng cốc, lưng, đáy, đít. Trong tình hình như vậy, chúng ta không thể nào tìm một từ tương đương để dịch sang tiếng Anh.

Ví dụ: Nước đầy đến miệng cốc, thì miệng thường được chuyển thành từ khác với nghĩa là “mép” hay “đỉnh”:The glass is full (to the top).

Nước đầy đến lưng cốc. Trong tiếng Anh phải dịch ý niệm “lưng cốc” thành “quá nửa cốc”: The glass is over half full (of water).

Có quả mận ở đáy cốc. Được chuyển dịch sang tiếng Anh với từ tương đương có nghĩa “đáy”: there is a plum at the bottom of the glass.

Cốc này (bị) sức ở đít. Không thể dịch chính xác sang tiếng Anh, mà phải dịch ý niệm “đít” cốc thành “phía dưới” hay “đáy ngoài”: This glass is chipped at the (outside) bottom.

Như vậy, ta thấy rằng tiếng Việt khác với tiếng Anh, tiếng Việt thường dùng những hoán dụ phái sinh từ bộ phận cơ thể người: miệng, lưng, đít, Nhưng đặc biệt là ý nghĩa của từ đít, nó gợi cho ta sự liên tưởng đếnchân (trong chân núi, chân tường) chỉ bộ phận dưới cùng, có tác dụng đỡ cho toàn bộ phần thân còn lại. Nhưng tại sao lại là đít cốc mà không là chân cốc? Có lẽ, chiếc cốc được hình dung từ tư thế ngồi của con người, và chỉ khi ấy thì bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt sàn (đất) là đít chứ không phải là chân.

Một vấn đề nữa cũng hết sức thú vị là cách thức định vị các sự vật, hiện tượng trong không gian của người Việt. Cụ thể ở đây là qua các gới từ trên, dưới, trong, ngoài, trước sau … vấn đề này sẽ rất khác biệt khi so sánh với tiếng Anh. Theo tác giả Lê Văn Thanh, Lý Toàn Thắng [ 3, 31]thì trong khi ở tiếng Anh chỉ dùng ba giới từ at, in, on để định vị sự vật thì tiếng Việt lại dùng đến 10 giới từ: ở, tại, bên, cạnh, ven, trên, dưới, sau, trong, ngoài.

Ví dụ, người Việt khi muốn mô tả có một người đang bơi dưới sông thì nói:

Hắn đang bơi dưới sông
Trong khi đó tiếng Anh phải nói là:

He is swimming in the river (chứ không phải là under- dưới)

Chim bay trên trời

Cá bơi dưới nước

Tàu đi ngoài biển

Có thể hiểu sự khác nhau này là do cách thức tri nhận về không gian hoàn toàn khác nhau giữa người Việt và người Anh. Người việt thường lấy vị trí của người nói để là điểm quy chiếu cho sự vật, trong khi đó, người Anh thường lấy chính mối quan hệ giữa các sự vật với nhau làm điểm quy chiếu. Như vậy, điểm quy chiếu của người Anh thường không liên quan nhiều đến vị trí của người nói. Do sự khác nhau cơ bản đó, mà cùng một sự vật đang tồn tại nhưng người Việt có rất nhiều cách để định vị. Ví dụ:

Cùng nói mô tả về có một con mèo đang nằm ở trong sân, thì người Việt có ít nhất hai khả năng thể hiện:

(1) Con mèo nằm ở trong sân.

(2) Con mèo nằm ở ngoài sân.

(1) Khi vị trí của người nói đang ở phía ngoài của sân (xa hơn sân), như ở ngoài vườn, ngoài cổng nhà chẳng hạn.

(2) Khi người nói đang ở vị trí bên trong sân (gần hơn sân), như đang ở trong nhà chẳng hạn.([1])

Chính điều này nên người Việt có những cách định vị như trên trời, dưới đất, trong nhà, ngoài sân, trên cây, dưới gốc cây …

Tóm lại, do cách tri nhận về không gian của người Việt là dựa vào mối quan hệ giữa vị trí của người nói với sự vật mà tuỳ vào trường hợp cụ thể sẽ có những cách nói không giống nhau; trong khi người Anh do tri nhận dựa vào mối quan hệ trực tiếp giữa đối tượng với đối tượng mà có cách nói không giống với người Việt khi cùng chỉ về một sự vật hiện tượng trong không gian.

C. KẾT LUẬN

Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và dân tộc được Saussure cho là những yếu tố bên ngoài của ngôn ngữ tức là “ngôn ngữ học ngoại tại”. Theo ông vấn đề này bao gồm nhiều mối liên hệ, như là ngôn ngữ học tiếp giáp với dân tộc học, ngôn ngữ và lịch sử chính trị, ngôn ngữ với những thiết chế thuộc đủ các loại như nhà thờ, nhà trường ... Tuy nhiên, thật đáng tiếc là vấn đề này chưa được ông tập trung nghiên cứu nhiều.

Như vậy, vấn đề mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá - dân tộc là một vấn đề quá hiển nhiên trong ngôn ngữ. Tuy nhiên để thấy được tính chất văn hoá của ngôn ngữ ấy thì không phải chỉ dựa cần dựa vào một vài sự kiện ngôn ngữ là khẳng định được mà cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc; đồng thời, phải so sánh đối chiếu với các ngôn ngữ – dân tộc khác mới có thể thấy được đâu là cái đặc trưng văn hoá của dân tộc.

Văn hoá Việt – linh hồn của người Việt không phải chỉ thể hiện ở một vài sự kiện ngôn ngữ nêu trên mà còn rất nhiều vấn đề khác nữa (vấn đề định danh sự vật, xưng hô trong giao tiếp xã hội, những hiện tượng chuyển nghĩa của từ vựng …) nhưng vì khả năng và tài liệu không cho phép nên người viết chỉ trình bày được một vài vấn đề nho nhỏ trên mà thôi. Thế nhưng chỉ qua một hài hiện tượng ngôn ngữ như trên cũng đã phần nào nói lên được cái rất riêng trong cách tư duy ngôn ngữ của người Việt và đó cũng chính là văn hoá, linh hồn của người Việt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ferdinand de Saussure, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Nxb KHXH, H, 1973.
Cao Xuân Hạo, Ngôn ngữ và văn hoá, in trong Tiếng Việt văn Việt người Việt, Nxb Trẻ, 2001.
Lê Văn Thanh, Lý Toàn Thắng, Ba giới từ tiếng Anh: at, on, in (Thử nhìn từ góc độ cơ chế tri nhận không gian trong sự so sánh đối chiếu với tiếng Việt), t/c Ngôn ngữ số 9 năm 2002.
Lý Toàn Thắng, Bản sắc văn hoá: thử nhìn từ góc độ tâm lý – ngôn ngữ , t/c Ngôn ngữ số 15 năm 2001.
Đào Thản, Cây lúa, tiếng Việt và nét đẹp văn hoá, tâm hồn Việt Nam, t/c Ngôn ngữ số 5 năm 1999.
Nguyễn Đức Tồn, Tìm hiểu đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.
Nguyễn Đức Tồn, Thử đề xuất phương pháp xác định mức độ gần gũi về tư duy ngôn ngữ giữa các dân tộc, t/c Ngôn ngữ số 5 năm 2002.
Nguyễn Văn Chiến, Nước – Một biểu tượng văn hoá đặc thù trong tâm thức người Việt và từ nước trong tiếng Việt (nghiên cứu ngôn ngữ – văn hoá học), t/c Ngôn ngữ số 15 năm 2002.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét