Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Cách dạy con khác biệt như người sáng lập của Tập đoàn Sony






Theo Masaru Ibuka, để con trẻ có thể phát triển tốt có thể “diễn giải” thành 5 bước cơ bản như sau:

1. Siêng năng bế ẵm, âu yếm con. Việc tiếp xúc, gần gụi với thân thể cha mẹ không chỉ giúp ươm “mầm lương tri”, lòng trắc ẩn, sự nhạy cảm trong bé mà còn tác động rất tích cực lên trí thông minh của “thiên thần nhỏ”.
Cho bé ngủ chung giường và thường xuyên ôm ấp bé thực ra không hề làm hư bé như nhiều người vẫn nghĩ. Sự trìu mến dành cho trẻ nhỏ chính là nền tảng tốt nhất để các bé phát triển lành mạnh.

2. Tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của con. Điều đó không có nghĩa là phải trang bị cho ngôi nhà của bé thật tiện nghi và đầy ắp đồ chơi xịn. Khi quá tiện nghi, bé sẽ ít động não hơn, và khi có quá nhiều đồ chơi bé sẽ bị phân tâm, khó tập trung.

Ví như chỉ có một chú gấu bông thì bé sẽ “nghiên cứu” nó thật kỹ và cố nghĩ ra thật nhiều trò để chơi cùng nó. Nhưng nếu có cả một bầy thú nhồi bông, búp bê, siêu nhân… vây quanh thì bé sẽ không dừng lại lâu với món nào để “tư duy” kỹ lưỡng cả.

Ngoài ra, để trẻ có thể phát triển lối tư duy khác biệt, tích cực, bạn chớ vội mua ngay cho con những thứ mà con thích. Cứ để con thiếu thốn một chút thì trí tưởng tượng của con càng có cơ hội bay bổng. Đôi giày sành điệu của mẹ có thể biến thành một cặp… chiến xa. Còn thùng đồ sửa xe của bố ư? Có thể được bé hình dung như một tòa lâu đài đầy bí hiểm.

3. Trao cho con chì màu, đất nặn càng sớm càng tốt! Tất cả những gì mà trẻ tự tạo ra bằng đôi tay của chính mình – vẽ, nặn, tô, hay thậm chí là xé tan, đập nát thứ gì đấy… thì cũng giúp trí thông minh và bản năng sáng tạo của trẻ phát triển.


Và phụ huynh đừng nên liên tục phê bình, chỉnh đốn con kiểu như: “Cầm bút cao cao lên nào!”, “Không được dùng tay trái”, “Sao mặt trời lại màu tím, màu đỏ chứ”…. Vì như vậy ta chỉ cản trở sự sáng tạo của trẻ mà thôi. Nhân tiện xin nói thêm là việc sử dụng tay trái hay tay phải đều có tác dụng như nhau trong việc tăng cường khả năng của bộ não ở trẻ nhỏ.

4. Thường xuyên đọc sách cho con nghe và dạy con học thuộc thơ. Bộ nhớ của các bé lên ba có thể lưu giữ cả trăm bài thơ ngăn ngắn và càng được rèn luyện nhiều thì bộ nhớ ấy càng… mênh mông hơn.
Ban đầu bé có thể ngắc ngứ mãi không đọc trôi một câu thơ, nhưng dần dần bé có thể làu làu cả một tập thơ vài chục rồi vài trăm bài. Ngoài tác dụng luyện trí nhớ, việc đọc thơ còn đem cho bé niềm hứng khởi đối với thơ ca, bồi dưỡng cho tâm hồn bé thêm phong phú.

5. Khi bé đã biết đi, hãy dắt bé đi dạo thay vì đặt bé trong xe nôi. Lý do là đi bộ trên đôi chân của chính mình sẽ kích thích trẻ tư duy tốt hơn.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà bác học, nhà văn, kiến trúc sư nhiều khi bị “bí” ý tưởng hay “tụt” cảm hứng đã đứng lên đi bộ loanh quanh và ý tưởng bỗng dưng lại xuất hiện, cảm hứng đột nhiên quay về.

Theo Masaru Ibuka, lý tưởng nhất đối với trẻ con là được lớn lên trong một đại gia đình với nhiều thế hệ. Sự hiện của ông bà, cô dì, chú bác, anh chị em tạo ra một môi trường xã hội tuyệt vời cho sự phát triển của trẻ nhỏ.

Bản thân Masaru đã từng dành rất nhiều thời gian, tâm sức cho đứa con trai bị bệnh bại não của mình. Ông cho rằng trong gia đình, người cha chỉ làm trụ cột kinh tế thôi chưa đủ mà còn phải là nhà giáo dục thực sự đối với các con và ông kêu gọi các ông bố hãy đi tiên phong trong sự nghiệp giáo dục con cái.

Phương pháp của “ông Sony” từng bị phản đối vì quan điểm dùng hình phạt thể chất đối với trẻ dưới ba tuổi nhưng Masaru Ibuka lý giải rằng trẻ cần được đưa vào nề nếp từ lúc chưa đầy một tuổi, vì đến ba tuổi thì ở trẻ đã hình thành lòng tự trọng và việc quở mắng hay dùng roi vọt lúc ấy sẽ rất nan giải, thậm chí là vô nghĩa.

Tuy nhiên, Masaru Ibuka cũng nhấn mạnh rằng không bao giờ nên dùng những hình phạt khiến trẻ cảm thấy bị sỉ nhục và nảy sinh lòng thù hận.
Và nói chung, đối với con trẻ thì khen ngợi, khích lệ luôn cần được ưu tiên, còn trừng phạt thì hãy giảm thiểu. Đặc biệt là đừng bao giờ trách phạt, đánh mắng trẻ trước mặt người khác.
Bạo hành và sỉ nhục không bao giờ có thể là bạn đồng hành với sự phát triển của trí tuệ.




Chỉ có sự ham mê hiểu biết và niềm vui khám phá mới có thể giúp trẻ vươn đến những chân trời mới của tri thức.

Đêm chết





Nguyễn Bính Hồng Cầu

Đêm,
những ý nghĩ rối rắm
như lũ mối xông vào cắn xé tâm não
giấc mơ èo uột thiếu hụt hình hài
lửng lơ mạng nhện
giấc thức ngoạm lấy chiếc ly cơ hội
chén chú chén anh thù thù tạc tạc
khật khưỡng no nê
từng giọt từng giọt đêm
rơi vào vùng trắng
đêm chết.


Ta gom tia nắng đầu ngày
đắp điếm thành nắm mộ
chôn đêm
giấc thức tỉnh cơn say
tỉ tê ngồi khóc
ngộ ra sự sống chết
qui luật của tuần hoàn
biết đâu khởi đầu từ giấc thức.

Nữ nhi ngoại tộc






Chuyến về quê này của bố con tôi ngoài việc thăm lại bà con họ hàng còn có một việc rất trọng đại. Chả là mấy năm rồi, ông trưởng họ đã năm lần bảy lượt nhắc bố tôi rằng phải cho thằng Tùng và thằng San về để nhập gia phả dòng họ, chứ đứa nào đứa ấy to ngồng cả rồi mà tên tuổi vẫn để trống trong cuốn gia phả đã lâu. Nghe thế, anh em chúng tôi rất lấy làm buồn cười, bởi không có tên trong gia phả dòng họ thì có ảnh hưởng gì đến mọi chuyện. Chúng tôi sống nơi xứ người văn minh, thật không thể hình dung nổi tầm quan trọng của vấn đề như ông trưởng họ luôn gay gắt nhắc bố tôi; còn bố tôi thì không thể không nghe lời ông trưởng họ, dù năm nay ông mới ngoại ngũ tuần, cùng lứa tác với bố tôi nhưng theo vai vế thì bố tôi phải gọi ông bằng ông và với chúng tôi thì đã là bậc cố.

Chuyến đi khá vất vả, phải sắp xếp mãi, vì công việc, lại còn vì chuyện kinh tế, cuối cùng mẹ tôi ở lại để bốn cha con về quê. Trong bốn người, thì riêng chị Mộng Hằng là đơn thuần đi chơi, còn tôi và thằng San là nhân vật chính, bởi dòng họ tôi có truyền thống chỉ ghi gia phả những đứa con trai thôi, con gái bị xem là “nữ nhi ngoại tộc” nên không thể có tên trong gia phả! Thật buồn cười, thật không thể hiểu nổi. Vì sao đàn bà con gái lại không có tên trong gia phả, mặc dù đều cùng dòng máu cả đấy thôi? Gia phả ghi “Trần Bá phả tộc” rành rành, bố tôi kể vậy, thế vì sao chị tôi, Trần Bá Mộng Hằng, bố tôi đẻ ra, là cháu nội của ông tôi… sao lại “ngoại tộc”, sao lại không được có mặt trong cuốn sổ ghi tên người trong họ? Bố tôi cười mỗi lần chúng tôi hỏi, và chính ông cũng không thể giải thích được, chỉ nói xưa nay thế rồi, từ tận đời nào đã thế rồi…

Thấy chúng tôi về, ông trưởng họ mừng lắm. Ông mời các chi trưởng, nhánh trưởng cùng các bậc cao niên trong họ tới rồi lôi trong tủ ra hai cuốn gia phả với hai thứ tiếng. Một cuốn chữ Hán, cũ kĩ, một cuốn mới được dịch ra tiếng Việt. Cuốn này được tục biên từ độ bốn năm nay. Theo ghi chép, thì thủy tổ của dòng họ Trần Bá là một viên võ tướng tài ba của Chúa Trịnh thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Sau nhiều trận giao chiến kịch liệt máu chảy đầy đồng, thây trôi đầy sông của quan lính đôi bên, ông thấy đau buồn quá, bèn cùng mấy kẻ thủ túc bỏ trốn. Họ đi ngày đi đêm suốt mấy hôm, thì đến một miền rừng, bèn trú lại lập nghiệp rồi dần dà tạo nên làng xã có được như bây giờ.

- Thế cuốn gia phả có từ cái thời ấy à bố? - Thằng San nhe hàm răng sún ra hỏi.

- Chắc phải lâu sau này cơ, nhưng thời nào thì không biết.

Cây phả hệ dòng họ Trần Bá rườm rà chi nhánh được ghi rất khoa học. Mọi người cùng ông trưởng họ dò một lúc thì tìm thấy vị trí còn bỏ trống dành cho chúng tôi. Khăn áo chỉnh tề, ông trưởng họ khấn trước bàn thờ tổ, đại khái dòng họ Trần Bá có hai trai đinh sống ở ngoại quốc nay về xin được đưa vào gia phả. Ông dâng cuốn gia phả lên thưa trình một lúc rồi quay lui, trên ban thờ mâm cỗ cúng nghi ngút khói hương. Ông lui ra dắt chúng tôi bước tới ban thờ khấn vái một lúc, rồi trịnh trọng đặt bút ghi danh anh em chúng tôi vào gia phả với nét chữ nghiêng nghiêng rất đẹp theo lối xưa như thể chỉ có ông mới xứng đáng được cầm bút viết vào cuốn sổ. Sau đó ông đứng dậy tuyên bố:

- Dòng họ Trần Bá chúng ta nay có thêm hai trai đinh là Trần Bá Tùng và Trần Bá San cháu cố ông Trần Bá Phấn, con ông Trần Bá Phùng đã được đưa vào gia phả.

Ông giải thích thêm rằng theo phép tắc thì trẻ trai lên năm đã được ghi danh nhưng do điều kiện ở xa xôi nên đến nay Trần Bá Tùng đã mười sáu tuổi, Trần Bá San bảy tuổi mới được nhập sổ.

Mọi người uống rượu mừng chúng tôi có tên trong gia phả rồi chia tay.




Ba ngày sau, lúc bố con chúng tôi đang ở chơi nhà một người quen trên phố thì nghe hung tin ông trưởng họ chẳng may bị tai nạn giao thông rất nặng đã được đưa lên bệnh viện tỉnh. Chúng tôi chạy ngay tới thì thấy tình hình rất nguy kịch. Ông trưởng họ bị xe công nông tông phải, gãy xương đùi và rách nặng mấy chỗ, mất máu nhiều. Vấn đề bây giờ là phải có máu để truyền, mà bệnh nhân lại thuộc nhóm máu hiếm. Theo giải thích của bác sĩ tôi hiểu lờ mờ là con người ta số đông thuộc các nhóm máu A, B, AB và O nhờ có tố chất gì đó; rất ít người vì không có tố chất ấy nên thuộc nhóm máu hiếm với cái tên gọi bằng tiếng Anh tôi chưa bao giờ nghe. Đại khái tình hình rất nguy kịch, gấp gáp. Trong ngân hàng máu của bệnh viện từ lâu không có nhóm máu hiếm, giờ chỉ còn trông vào người nhà may ra có ai cùng nhóm máu đó không. Thế là mọi người có mặt ở đó đều được thử máu, nhưng không ai có! Vậy là bó tay!

Trong lúc các bác sĩ đi rửa tay còn người nhà ngồi ôm nhau khóc thì chị Mộng Hằng đến. Do theo bạn bè, chị đến chậm mất một lúc. Vị bác sĩ trưởng khoa liền gọi ngay Mộng Hằng đi thử máu. Một lúc sau, ông vội vàng chạy tới nói cô gái nầy có cùng nhóm máu với bệnh nhân Trần Bá Đổng. Thật không? Mọi người mở to mắt. Ông bác sĩ không nói gì, bỏ đi, và một lúc sau thì mọi chuyện được tiến hành nhanh chóng: Họ lấy máu chị tôi kịp thời truyền cho bệnh nhân; và không nói bạn đọc cũng hiểu là ông trưởng họ vô cùng khả kính và tội nghiệp của chúng tôi đã được cứu sống! Thật hú vía!

Truyện ngắn của Hoàng Thái Sơn

THAO THỨC TIẾNG RAO KHUYA


Hàng rong thì thời nào cũng có và hầu như hiện diện ở bất kỳ địa phương nào. Bài viết này tôi chỉ muốn nhắc nhớ những kỷ niệm về những gánh, những xe bán thức ăn, uống bình dân rong ruỗi về đêm. Ở khu xóm tôi sống từ thuở bé cho đến trung học, nhớ nhất ba người theo nghề bán hàng rong, có tuổi nghề hơn hai mươi năm…

Một ông bán bánh mì, cứ khoảng 8 giờ tối là đạp xe ngang với tiếng rao “Bánh mì… nóng đây!”. Một giỏ cần xé khá lớn phía sau đựng bánh mì, đậy giữ nóng bên trên là lớp bao vải trắng, loại bao bột mì. Ông đạp chầm chậm, có khi dừng lại một chút bên cột đèn chờ khách. Ban đêm trời lạnh mau xót ruột, người trong xóm cũng thường mua ăn chơi. Sau này ông có được cái cát-sét loa rè rè, lúc nào cũng để phát các bài vọng cổ xưa do danh ca Út Trà Ôn, Út Bạch Lan… hát. Ngồi nhà nghe giọng ca văng vẳng từ xa tới gần, rồi lại xa dần theo vòng quay bánh xe, man mác dư âm còn vọng. Ông bán bánh mì hai cữ, tối và sáng sớm, đều đặn từng ngày. Thời gian sau thấy vắng ông, hỏi ra mới biết sức khỏe ông sút kém nên con cháu không cho đi bán nữa…

Một bà bán chè đậu đen đường cát rất ngon, bọn trẻ chúng tôi gọi là bà Bảy. Cô con gái duy nhất của bà thường gánh phụ mẹ tới ngã tư ra phố chợ. Gánh chè xuất phát lúc vừa đỏ đèn nên khu xóm ít ai ăn. Bà bán tới khuya, gần 10 giờ mới về lại. Bữa nào còn thức, nghe tiếng rao “Ai ăn chè đậu đen đường cát… hôn…” thì biết bà bán ế, còn chè. Mua một chén, ngồi bên gánh ăn, thấm thía hương vị thơm, ngọt từ hột đậu đen bùi bùi. Tôi biết gánh chè này đâu chừng mươi năm thì bà Bảy mất. Cô con gái tiếp tục bán một thời gian ngắn, một thân một mình, sau đó dời nhà đi đâu không rõ. Những đêm mưa, tôi ngồi trước hàng hiên hay vẩn vơ nhớ tiếng rao của bà, mùi chè đậu đen, nhớ dáng gầy gầy liêu xiêu hắt bóng dưới ngọn đèn đường vàng úa…

Một ông tuổi gần bảy mươi bán bánh dừa nhân tôm thịt, có dịp ăn một lần thì không thể quên cái ngon đặc biệt. Có thể nói chắc, cả thị xã hồi ấy chỉ một mình ông bán loại bánh này, với bí quyết, kinh nghiệm riêng khó bắt chước. Ông gói bánh bằng lá dứa gai. Sáng nào cũng đạp xe lên xã Bình Công cách nhà gần 5 cây số, tìm gò hoang rọc lá dứa gai. Nhìn hai bàn tay ông lúc nào cũng có vết cắt, xây xác bởi gai đâm. Trời tối một lúc thì ông đạp xe ngang xóm, một bao cà-ròn bánh dừa nóng cột sau xe, tiếng rao quen thuộc “Ai… bánh dừa tôm thịt… bánh dừa…”. Hai tiếng “bánh dừa” đệm sau nghe như lên giọng, như nhấn mạnh điệp khúc rao hàng có trầm, có bổng. Bánh nóng, thơm, khách ăn một cái chưa hết, ngước thấy ông dợm đạp xe vội kêu lấy thêm vài cái nữa chút ăn tiếp. Ông tà tà vừa đạp xe vừa rao, mỗi con phố ít khi ông qua hai lần, khách quên đón thì chờ đêm sau. Ông mất đột ngột, khách đến viếng bùi ngùi nhìn chiếc xe đạp cũ dựng cạnh mớ bao, liềm dùng cắt lá dứa gai…

Kỷ niệm tuổi thơ cho dù đã trôi qua rất lâu, nhưng không hề mất. Thỉnh thoảng ký ức quay về, lòng tôi lại bồi hồi tiếng rao khuya, thao thức…

Nguyễn Kim

Tình đau ấy thành thơ





Thơ viết cho em


Em ra đi đột ngột ánh sao băng
Trời đất đảo điên, quay cuồng bão tố
Cây chẳng còn xanh
Chim không còn tổ
Núi bỗng vô hồn
Suối cạn sông khô.

Anh thắp nén nhang
Lửa đốt thiêu lòng
Không tin được mình xa nhau vĩnh viễn
Không thể tin cõi âm dương cách biệt
Em hồi sinh
Trong vạn vật thế gian.

Giấc mơ đêm
Thảng thốt gọi tên em
Thương thương lắm cái phút giây định mệnh
Nỗi oan khiên hay là số phận
Mong manh khiếp người như lá khô rơi!

Mất em rồi
Anh mất nửa nhân gian
Lạc lõng mình anh trong vườn hoa đôi lứa
Ngôi nhà vắng, bếp không đỏ lửa
Tiếng côn trùng rỉ rả chẳng nguôi quên
Mùa đông đến
Quờ tay tìm hơi ấm
Vòng tay ôm khoảng trống - bóng hình em.

Nhan Sinh
(Rút trong tập Mùa yêu- NXB Hội nhà văn, 2010)



Lời bình của Bùi Thanh Tùng:

Tôi với Nhan Sinh (*), có thể nói là biết mà không quen. Ông hơn tuổi tôi, nhưng tôi cũng không chủ động đến làm quen. Ngay cả tập thơ Mùa yêu, tôi chỉ vô tình được biết, khi được một người bạn làm ở Báo Văn nghệ Hoà Bình cho mượn. Nhưng phải nói thật, lâu lắm rồi mới có một bài thơ làm tôi phải giật mình! Có lẽ, chính sự chân thành trước nỗi đau mất mát, đã đưa Nhan Sinh đến với thành công.


Em ra đi đột ngột ánh sao băng
Trời đất đảo điên, quay cuồng bão tố
Cây chẳng còn xanh
Chim không còn tổ
Núi bỗng vô hồn
Suối cạn sông khô.


Ai trong đời mà chẳng một lần chứng kiến: “ánh sao băng” hay khi “Trời đất đảo điên, quay cuồng bão tố”. Nhưng đã mấy ai hình dung ra cảnh: khi tất cả đến cùng lúc, mà những “ánh sao băng”, “bão tố” đó lại đến từ trong lòng mình, đến với riêng mình. Nhưng nó đã đến với Nhan Sinh! Nỗi đau gợi cho ông nghĩ về cội nguồn của hạnh phúc. Phụ nữ là người xây tổ ấm, ngọn nguồn hạnh phúc. Thế mà nay tổ ấm không còn ấm, ngọn nguồn hạnh phúc không còn. “Núi bỗng vô hồn” là hồn núi không còn;“Suối cạn sông khô” là không còn hồn suối, hồn sông. Nỗi đau đã khiến Nhan Sinh, chạm đến tận miền sâu thẳm của tâm thức người Việt nghìn xưa.

Anh thắp nén nhang
Lửa đốt thiêu lòng
Không tin được mình xa nhau vĩnh viễn
Không thể tin cõi âm dương cách biệt.Em hồi sinh
Trong vạn vật thế gian.

Nhan Sinh có lẽ là người cứng cỏi; nhưng trong giờ phút này ông cũng không còn là mình nữa, nỗi đau như dẫn dắt ông đi. Lửa khói nhang rồi sẽ tắt, nhưng lửa thương đau còn cháy đến bao giờ:

Anh thắp nén nhang
Lửa đốt thiêu lòng


Trong đời người ta, có thể không tin nhiều thứ, cho dù đó là sự thật mười mươi đi chăng nữa! Nhan Sinh đã không tin mình vĩnh viễn mất đi hạnh phúc; bởi tình yêu không tin và chẳng bao giờ cần tin vào điều đau đớn ấy! Tình yêu, sự thủy chung tự tìm lí lẽ cho mình. Lí lẽ của ngàn đời yêu thương, hi vọng:

Không tin được mình xa nhau vĩnh viễn
Không thể tin cõi âm dương cách biệt
Em hồi sinh
Trong vạn vật thế gian.


Nhưng nỗi đau vẹn nguyên là nỗi đau, ta chỉ không đau khi ta không nhớ; nhưng Nhan Sinh thì không thể quên:

Thương thương lắm cái phút giây định mệnh
Nỗi oan khiên hay là số phận
Mong manh khiếp người như lá khô rơi!


Có lẽ đây là những câu thơ hay nhất của Nhan Sinh mà tôi từng biết. Ông viết: “Thương thương lắm” là tự an ủi mình, an ủi hạnh phúc của mình thôi chứ đằng sau câu chữ là nỗi đau còn lại. Nhan Sinh còn nhớ đến “ phút giây định mệnh” đó, thì biết bao giờ ông mới được nguôi quên! Và rồi ông tự đặt câu hỏi, như là cho mình hay cho cả hư không: “Nỗi oan khiên hay là số phận”. Câu hỏi thì bỏ ngỏ, nhưng còn mãi sự mong manh của kiếp người, mà anh đã phải chứng kiến, trải nghiệm đớn đau: “Mong manh khiếp người như lá khô rơi!”. Hình ảnh thơ tưởng như không mới mà lại mới. Nếu Nguyễn Du viết: “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương” (Truyện Kiều) thì kiếp người “như lá khô rơi” của Nhan Sinh lại có điểm khác. Nguyễn Dunhấn mạnh sự đột ngột; Nhan Sinh nhấn mạnh sự lặng lẽ. Nguyễn Du thương người tài sắc; Nhan Sinh thương người đã cùng ông vất vả nhọc nhằn. Không chỉ xót xa, tiếc nuối trong chốc lát, đó còn là lòng yêu thương với cả một đời người.

Mất em rồi
Anh mất nửa nhân gian
Lạc lõng mình anh trong vườn hoa đôi lứa
Ngôi nhà vắng, bếp không đỏ lửa
Tiếng côn trùng rỉ rả chẳng nguôi quên
Mùa đông đến
Quờ tay tìm hơi ấm
Vòng tay ôm khoảng trống - bóng hình em.


Ai đã từng sống trong cảnh ngộ của Nhan Sinh, có lẽ sẽ hiểu hơn những gì ông viết. Đó không phải là những gì ta đọc, mà là những gì ông đau đớn xót xa, Nhan Sinh như đứa trẻ đang phải tập làm quen với nỗi đau:

Ngôi nhà vắng, bếp không đỏ lửa
Tiếng côn trùng rỉ rả chẳng nguôi quên

Nếu trong cuộc đời, người ta hạnh phúc với tình yêu bao nhiêu, thì dường như cũng đau khổ vì tình yêu như thế. Nhưng chỉ những ai sống chân thành, thủy chung thì mới (phải) hay (được) cái quyền đau đớn ấy. Cũng như nhiều người trong chúng taNhan Sinh “phải” đớn đau khi hạnh phúc không còn và viết nó thành thơ!



----------------------------

(*) Tên thật là Nhan Hữu Sinh, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên hội Văn học Nghệ thuật Hoà Bình.

10 bức ảnh đoạt giải trong cuộc thi Canon PhotoMarathon tại Hà Nội 2013 11/03/2013 08:19:00 SA Daily News 0 10 bức ảnh đoạt giải trong cuộc thi Canon PhotoMarathon tại Hà Nội 2013 Trí Thức Trẻ 1. Giải đặc biệt: anh Mai Đức Thành 2. Giải nhất chủ đề “Cửa sổ” : anh Phạm Duy Thành 3. Giải nhì chủ đề “Cửa sổ”: anh Phạm Tiến Dũng 4. Giải ba chủ đề “Cửa sổ” : anh Nguyễn Đình Minh 5. Giải nhất chủ đề “Lòng tốt”: anh Đỗ Xuân Gia 6. Giải nhì chủ đề “Lòng tốt”: anh Phạm Đình Lương 7. Giải ba chủ đề “Lòng tốt”: anh Mạc Hoàng Phúc 8. Giải nhất chủ đề “Trống vắng”: chị Trần Thuỷ Linh 9. Giải nhì chủ đề “Trống vắng”: anh Nguyễn Xuân Chính 10. Giải ba chủ đề “Trống vắng”: anh Dương Minh Thành





10 bức ảnh đoạt giải trong cuộc thi Canon PhotoMarathon tại Hà Nội 2013






Trí Thức Trẻ



1. Giải đặc biệt: anh Mai Đức Thành



2. Giải nhất chủ đề “Cửa sổ” : anh Phạm Duy Thành



3. Giải nhì chủ đề “Cửa sổ”: anh Phạm Tiến Dũng



4. Giải ba chủ đề “Cửa sổ” : anh Nguyễn Đình Minh



5. Giải nhất chủ đề “Lòng tốt”: anh Đỗ Xuân Gia



6. Giải nhì chủ đề “Lòng tốt”: anh Phạm Đình Lương



7. Giải ba chủ đề “Lòng tốt”: anh Mạc Hoàng Phúc



8. Giải nhất chủ đề “Trống vắng”: chị Trần Thuỷ Linh



9. Giải nhì chủ đề “Trống vắng”: anh Nguyễn Xuân Chính



10. Giải ba chủ đề “Trống vắng”: anh Dương Minh Thành

"Người Đức nghĩ gì về Trung Quốc"



Trên báo Spiegel có bài báo "Người Đức nghĩ gì về Trung Quốc" phân tích về những quan điểm mà họ cho rằng đó là cách áp đặt của người Đức dành cho Trung quốc. Họ cho rằng trong đó có những điều đúng, tuy nhiên cũng phần nhiều điều sai.
Xin sơ lược vài điểm chính:

Theo điều tra của Pew Research Centers từ Washington, đánh giá về quan điểm người Đức về Trung quốc:
- Người Đức lo sợ rằng Trung quốc sẽ trở thành cường quốc trong tương lai.
- Chỉ có 28% có cảm tình với đất nước và con người Trung quốc và muốn làm ăn với họ.
- 10% coi Trung quốc là kẻ thù của họ. Trong tất cả các nước châu Âu, Đức là nước có quan điểm về Trung quốc tệ nhất.
- 70% dân số cho rằng chính quyền Trung quốc coi thường quyền lợi của quốc gia khác.
- 87% tin rằng Bắc kinh coi thường quyền công dân.

Điểm sai lầm tiếp theo trong điều tra đề cập tới đó là có liên quan tới quyền lực của đảng cộng sản Trung quốc: Tất nhiên là đảng CS TQ luôn tìm mọi cách để giữ hoặc mở rộng thêm quyền lực. Tuy nhiên đảng CS TQ không phải là một tổ chức khép kín mà còn có các lãnh đạo quyền lực của từng địa phương. Giới chức đó cũng có những mối quan tâm riêng cho địa phương của họ và như vậy đảng CS TQ tự kiểm soát mình còn chưa xong chứ đừng nói gì kiểm soát được tất cả các góc cạnh của đất nước đông dân như vậy.

Karel Phùng

EU sắp sụp đổ như đông Âu trong quá khứ?



Dạo này đọc nhiều bài người ta dự đoán rằng EU đang chuẩn bị tan vỡ. Xét ở khía cạnh nào đó dưới quan sát của dân thường như tôi cũng có thể thấy được điều phán đoán đó rất có thể sẽ trở thành hiện thực. Bởi vì chỉ nói riêng về kinh tế và chính trị đã cho thấy châu Âu là một châu lục với quá nhiều khác biệt. Bên cạnh những quốc gia giàu nứt đố nổ vách là quá nhiều nước ở đó có nhiều người không có nổi miếng ăn.
Từ những nước có thể coi là xuất khẩu phụ nữ đi làm mại dâm như Rumania, Bulgaria hay thậm chí cả Ukraina cho tới những nước đầu tàu như Pháp và Đức, khủng hoảng kinh tế đang là gánh nặng đè lên vai chính những người dân thường đi làm để đóng thuế nộp cho nhà nước chứ không phải là giới thượng lưu và những người làm việc trong chính trường. Sự bất công có thể thấy rõ trong những cuộc xuống đường vừa qua và sẽ còn diễn ra tới đây.

Áo là một quốc gia có thể nói xưa nay luôn đứng ngoài những gì liên quan tới ý thức hệ, nay sự ra đời của đảng lao động Áo tuy chưa gây được tiếng vang lớn, nhưng nó cũng đánh dấu một bước chuyển biến mạnh mẽ trong tầng lớp lao động Áo.

Liên minh Die Linke tại Đức cho dù chỉ chênh lệch số phiếu rất thấp nhưng dù sao vẫn dành vị trí thứ ba trong kỳ bầu cử vừa qua cũng có thể thấy rõ, chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội không còn hợp với thời điểm này (Soziale Marktwirtschaft = "Kinh tế thị trường theo mục tiêu xã hội" khác với = "Kinh tế thị trường" ). Nhất là khi quĩ lương hưu đang bị teo dần mà số lượng những người già ở Đức quá nhiều. Trên khắp nước Đức, từ thành phố lớn tới thành phố nhỏ, đi đâu người ta cũng nhìn thấy mọc lên nhiều nhất là các căn nhà dưỡng lão. Thêm vào đó là số lượng người nhận trợ cấp vì không đủ sống mặc dù có công ăn việc làm và những người thất nghiệp ở con số quá cao.
Các quốc gia đông Âu cũ đang ở thời kỳ chuyển biến rõ rệt khi các đảng từng nắm quyền trước thập niên 1990 đang dần trở lại được dân tín nhiệm. Hóa ra cái thời mà nhiều người cho rằng là "độc tài" là "cộng sản" nhưng lại là thời hoàng kim của rất nhiều người thuộc tầng lớp lao động hay các dân tộc bị kỳ thị như người Roma.

Ukraina so với Việt Nam có thể có nhiều triệu hay tỷ phú đô la hơn, công nghiệp có thể phát triển hơn, nhưng hiếm ai biết rằng, phụ nữ Ukraina cùng với Bulgaria và Rumania đang chiếm lĩnh thị trường thân xác tại Đức nói riêng và châu Âu nói chung. Những căn nhà Thai Rose, Bankok Pub đã bị mất thế so với những cô gái trẻ, đẹp, có học thức đến từ các quốc gia đông Âu. Nói theo cách dân chơi cho đơn giản và dễ hiểu: gái Thái đã hết thời!

Chẳng phải riêng gì trên những tờ báo hàng ngày mà ngay cả trên các trang tìm bạn đời, rao bán thân thể ở Đức, phụ nữ từ các quốc gia đông Âu chiếm hầu hết các trang quảng cáo thân xác. Dọc đường quốc lộ chưa bao giờ có nhiều xe của gái mại dâm như thời nay. Đó là loại xe cũ kỹ mà người ta hay dùng để đi du lịch được các chủ chứa cải thiện lại làm xe để các cô gái tiếp khách. 20 năm về trước đi cả ngày mới gặp vài chiếc xe, chủ yếu gần các căn cứ quân đội Mỹ, Anh và chỉ có ngày làm việc. Thời nay đường nào cũng gặp, nhiều khi cách nhau chỉ vài mét là có một xe, thứ bảy, chủ nhật ngày lễ, lúc nào cũng có mặt họ và gần như 99% đến từ đông Âu.

Có tiền là có tất cả ở xứ này! Bạn có thể "mua vợ" một cách dễ dàng. Bạn có thể mua một đêm, một tháng, một năm và thậm chí lâu dài có bảo hành. Và còn nhiều câu chuyện cho thấy rằng, nếu bạn có quốc tịch Đức, cưới thuê cho một cô gái đó miễn làm sao để cô ấy sang được Đức định cư, bạn cũng sẽ được trả một khoản tiền lớn. Còn việc người ta qua Đức làm gì, đó không phải là việc của bạn. Có thể định cư với bồ bịch, đoàn tụ gia đình hay thậm chí sang để vào các nhà thổ làm việc.

Đông Âu đang ở thời kỳ suy sụp và EU quá vội vã cho một số quốc gia đó ra nhập vào khối khi không để ý tới sự khác biệt quá lớn.
Với tình hình hiện nay, EU có thể sẽ sụp đổ trong vòng 5 năm tới nếu kinh tế của các nước kém phát triển trong khối không được cải thiện, điều vô cùng khó hiện nay. Tuy nhiên sự sụp đổ của khối không hẳn là tan thành từng nước riêng biệt mà có thể thành từng khối nhỏ khác nhau: Các nước EU cũ, các nước nam Âu, các nước đông Âu và Balkan.

Karel Phùng

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Thơ Tây Ninh chặng đường khai phá và tìm kiếm







TRẦN HOÀNG VY



NVTPHCM- Trong quá trình tìm hiểu và viết bài này, do tài liệu thiếu và ít ỏi nên có thể vẫn còn những thiếu sót, rất mong các nhà thơ, những người yêu thơ ở khắp nơi và trong tỉnh góp ý kiến để tác giả bổ sung, hoàn chỉnh bài viết được đầy đủ hơn. Xin chân thành cám ơn.


1. Lịch sử đất Tây Ninh:

Vào giữa thế kỷ 17, Tây Ninh khi ấy còn là đất hoang vu, nhiều rừng rậm, đầm lầy và thú dữ. Dân bản địa gồm một số người Khmer, gọi Tây Ninh là Romdum Ray (tức là Chuồng Voi). Chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài gần nửa thế kỷ (1627- 1672), nhân dân lầm than, cực khổ. Các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Thuận liên tục bị đói kém mất mùa, dân chúng bỏ làng di cư vào Nam, đến cửa Cần Giờ khai hoang lập ấp thành Phiên Trấn Dinh, tức gia Định, và từ đó lần lên hướng Bắc khai thác mở đất từ Trảng Bàng lên Gò Dầu Hạ, đến chân núi Bà Đen, thành đạo Quang Phong của Phủ Gia Định từ năm 1698, năm 1838 trở thành Phủ Tây Ninh của tỉnh Gia Định.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì “Phủ Tây Ninh cách tỉnh thành 147 dặm. Đông Tây cách nhau 103 dặm. Nam, Bắc cách nhau 95 dặm. Phía đông đến địa giới huyện Bình Long, Phủ Tân Bình 66 dặm, phía Nam giáp 2 huyện Bình Dương và Cửu An 77 dặm; phía Bắc vượt núi Chiêng ( Bà Đen) giáp đất Miên 18 dặm…”

Năm 1858, thực dân Pháp nổ tiếng súng xâm lược đất nước ta. Tây Ninh bị chiếm (1861) và được sát nhập về Sài gòn, mãi cho đến Cách Mạng tháng 8/ 1945 Tây Ninh cùng miền Nam mới trở về tay nhân dân. Nhưng sau đó lại thuộc chính quyền Sài Gòn cho đến ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tây Ninh luôn là một mảnh đất lửa, nóng bỏng. Người dân kiên trinh, trung dũng kiên cường. Tây Ninh là “Đất Thánh” của một vùng đạo Cao Đài, hiền hòa thơ mộng với con sông Vàm Cỏ êm đềm và ngọn núi Bà Đen cao nhất miền Đông Nam bộ đầy huyền thoại. Tây Ninh còn là “Thánh địa” của Cách mạng với nhiều vùng căn cứ nổi tiếng, đặc biệt là khu căn cứ TW. Cục, là chiến khu “đầu não” của Cách mạng miền Nam.

2. Thơ ca Tây Ninh trong từng giai đoạn phát triển:
Vì là một vùng đất mới khai khẩn trong tiến trình mở cõi của người dân Việt, lại là đất “biên cương”, phên dậu của Tổ quốc, có lẽ con người Tây Ninh phần nhiều dành tâm huyết cho việc thuần hóa đất đai, chăm sóc ruộng lúa, nương rẫy, phần lo chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của cái nắng “nung người”, và trên hết là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cương thổ. Người Tây Ninh ít có dịp tổ chức các hoạt động mang tính chất “văn học”, nên suốt một thời kỳ dài, chưa thấy sự “phát tích” của những cây bút, nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như những mảnh đất khác của đất nước.

Tra cứu thư tịch, tìm trong các tài liệu ít ỏi mà chúng tôi có được, người Tây Ninh thành đạt trên mặt “văn học” dưới thời phong kiến, thực dân Pháp dường như không có. Trong phạm vi của bài nghiên cứu nhỏ này, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến mảng Thơ ca của vùng đất Tây Ninh, xin tạm chia nhỏ các giai đoạn:

a) Thời kỳ khai khẩn, thành lập đất Tây Ninh (1650- 1860):

Đầu và cuối giai đoạn này, là cuộc phân tranh Trịnh- Nguyễn, sau đó là cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, dân tình ly tán. Tập trung vào việc mở đất, củng cố làng xã, gìn giữ biên giới, chưa tìm thấy những tác phẩm thơ ca phản ánh cuộc sống của con người Tây Ninh và của con người Tây Ninh sáng tác, nổi tiếng trên thi đàn (?).



b) Thời kỳ Pháp thuộc (1861- 1945):

Giai đoạn này, thơ ca Tây Ninh vẫn chưa thấy xuất hiện (?), chủ yếu chỉ những bài cảm tác hoặc tiếc thương của các bậc nhân sĩ, nhân dân đối với những bậc tiền bối chống lại thực dân Pháp đã hy sinh như ông Hoàng Pu Cầm Pô, Lãnh binh Tòng, Lãnh binh Két, anh em Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Nghệ v.v…

Mùa xuân năm 1901, theo sách Tây Ninh xưa và nay của Huỳnh Minh thì làng thơ Tây Ninh tổ chức cuộc hành hương lên núi Điện Bà, có mời nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (Con gái cụ Đồ Chiểu) tham dự, và tại đây nữ sĩ đã hứng bút đề thơ vịnh hoa Bạch mai trên núi : “ Non linh đất phước trổ hoa thần/ Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân/ Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng/ Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân/ Mây lành gió tạnh nương hơi chánh/ Vóc ngọc mình băng bặt khói trần/ sắc nước hương trời nên cảm mến/ Non linh đất phước trổ hoa thần” cùng với hai bài thơ chữ Hán là “Linh sơn nhất thụ mai” và bài “Hựu”. Theo nhiều người thì đây có lẽ là những bài thơ đầu tiên viết về hoa bạch mai trên núi Bà.

Từ năm 1915 trở đi, cũng theo tác giả Huỳnh Minh, nhóm nhà thơ tiền bối ở Tây Ninh thường hội họp để ngâm thơ xướng vịnh có các cụ: Tô Ngọc Đường, Huỳnh Văn Tâm, hương lễ Tịnh, Võ Sâm còn gọi là ông giáo Xôm, nổi tiếng trên văn đàn với tác phẩm “ Thi phú văn từ” được giới văn học nhiệt liệt tán thưởng.

Nối gót các danh sĩ trên có cụ Quốc Biểu Nguyễn Văn Hiến thành lập văn đàn Quốc Biểu trong năm 1923, gồm các ông Thanh Vân, Nguyễn Toại Chí, Thanh Phong, Nguyễn Văn Trí, lâm tuyền Võ Trung Nghĩa, tân sắc Võ Văn Tấn, Sầm Sơn, Sầm Văn Đá, Nguyễn Văn Vàng, Du Tử, Mai Huê, cổ lệ Lê văn Thành, Nhà Quê, Dương Văn Kim, Nhất Thiện, Huỳnh Long Huỳnh Văn Cầu.

Dòng chảy của thơ ca trong giai đoạn này, thường là thơ cảm tác, xướng họa, gắn liền với thú du sơn ngoạn cảnh, người làm thơ hướng về nét đẹp đạo đức của đạo và đời, có những bài thơ ca ngợi công đức, ý chí chống giặc ngoại xâm của tiền nhân. Thơ gắn liền với thực tế dầu sôi lửa bỏng và cuộc sống cơ cực lầm than của người dân dường như còn ít? Việc quảng bá rộng rãi ra các vùng miền phụ cận và cả nước không có đa phần mang tính chất nội bộ.

c) Thời kỳ 1945 – 1975:

Thời kỳ này tạm chia thơ ca Tây Ninh trong kháng chiến và trong vùng tạm chiếm (Chính quyền Sài Gòn).

+ Thơ ca trong kháng chiến: Như hầu hết các văn nghệ sĩ Cách mạng, hầu hết đều rút vào bí mật, hoặc tập trung vào căn cứ với nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng căn cứ cách mạng, chống Mỹ cứu nước.

Tiểu ban Văn nghệ thuộc căn cứ TW Cục, tập trung các Văn nghệ sĩ cách mạng ở miền Nam và của miền Bắc chi viện, những cây bút của Tây Ninh thành danh trên lĩnh vực thơ ca không nhiều, nhưng các văn nghệ sĩ Tây Ninh làm thơ có các ông như Bảy Dũng, Ba Phát, Tư Văn, Xuân Quang, Xuân Thới…Nhà thơ Hoài Vũ ( quê Long An) có những bài thơ về sông Vàm Cỏ Đông được phổ nhạc và được mọi người ưa thích. Nhiều bài thơ trong lúc này là tuyên truyền cho chủ trương đường lối giải phóng dân tộc của Mặt trận giải phóng miền Nam, số còn lại nằm ở dạng bản thảo trong sổ tay của các văn nghệ sĩ kháng chiến.

+ Thơ ca vùng tạm chiếm:Ở Tây Ninh, dưới chế độ Sài Gòn có Đạo Đức Văn Đàn do ngài Cao Tiếp Đạo, bút tự Huyền Quang, Chánh Đức thành lập vào năm 1950, hoạt động hai năm thì ngưng. Năm 1957, ngài bảo pháp Nguyễn Trung Hậu, phục hồi sinh hoạt của Văn Đàn Đạo Đức.

Những người Tây Ninh làm thơ lớp sau như : Hi Đạm Nguyễn Hữu Trí, Lâm Tuyền Võ Trung Nghĩa, Hàn Y Nguyễn Ngọc Diệp, Ngữ pháp Nguyễn Văn Tâm…

Các nhà thơ Phan Yến Linh, Từ Trẩm Lệ, Yên Giang Nguyễn Khắc Chánh đều có những tác phẩm riêng, thơ xuất hiện nhiều trên báo chí ở Sài Gòn. Nhà thơ Thái Phong với thi phẩm thơ “Linh Sơn thắng cảnh” xuất bản năm 1968, Yên Giang Nguyễn Khắc Chánh với tập “Mưa phổi” xuất bản năm 1969, Trường Anh với thi phẩm “ Mưa đêm nay” xuất bản năm 1964 được giới văn chương Sài Gòn đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, bên cạnh là bút nhóm “Đất Lành” với những tên tuổi: Hưng Huyền, Thảo Anh, Bảo Tồn, Phi Yến, Thái Thường, Thuần Khiết…cùng các cây viết độc lập khác như Phan Phụng Văn, Võ Phụng Kiều, Linh Hữu, Thái Châu, Hoài Trinh, Thanh Việt Thanh, Thẩm Thệ Hà, Vân Đằng, Tinh Sắc, Lan Chi v.v… Những nhà thơ này, hầu hết đã mất, số còn lại tuổi đời đã vượt “Cổ lai hy”!

Bên cạnh là những cây viết ở độ tuổi thanh xuân với các Thi văn đoàn, bút nhóm “Động đất”, “Đất đứng”, “ Thi văn đoàn Trăng núi Điện”, với các cây viết Sa Chi lệ, Phương Đình, Mai Duyên Căn, Hoàng Hương Trang, Sa Mạc Linh, Vũ Anh Sương, Dạ Sầu Vĩnh Thụy, Trần Thế Hòa Bình, Vũ Miên Thảo, Nguyễn Quốc Nam…

Phần lớn người làm thơ trong thời kỳ này ở Tây Ninh, thành phần nhân sĩ, quan chức đã ít đi, phần đông là giáo viên, học sinh, sinh viên, có người là quân nhân, công chức của chế độ Sài Gòn. Ngoại trừ những tập thơ đã đứng được trong lòng người yêu thơ như “ Mưa phổi”, “Mưa đêm nay” ( Có bài Mưa Cẩm Giang, được nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc, được nhiều người ưa thích). Số còn lại cũng chỉ là những tiếng vang trong một tỉnh lẻ đang tự tìm hướng cho thơ ca.

Thơ ở giai đoạn này, vẫn chưa thoát khỏi “tháp ngà” của thi ca, phần lớn hướng về tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước thông qua những dằn vặt trăn trở nội tâm của thân phận “nhược tiểu da vàng”, không cổ súy tuyên truyền cho chiến tranh. Một số bài dành cho sự ca ngợi cảnh đẹp quê hương, nói chung vẫn còn trong vòng suy nghĩ “Văn học vị nghệ thuật”. Có tác giả tỉnh ngoài nhưng có bài thơ về Tây Ninh rất hay đó là trường hợp Vũ Anh Khanh với thi phẩm “Tha La xóm đạo”. Dòng chảy của thơ ca Tây Ninh vẫn chưa hội nhập với dòng chảy chung của thơ ca trong vùng tạm chiếm. Những bút nhóm thi văn đoàn trong xu thế chung của miền Nam xuất hiện và mọc lên như nấm sau mưa, song cũng chỉ qui tụ bạn bè, thân hữu, những người yêu thích thơ ca, chủ yếu sinh hoạt nội bộ, không có tầm lan xa, đó cũng là một nét mới mẽ của đời sống văn học lúc bấy giờ.

d) Thời kỳ sau 1975 đến nay…:

Từ sau ngày 30/4 năm 1975, Tây Ninh cũng như nhiều đô thị miền Nam khác bước vào cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa, rất nhiều sách báo, sách văn học, thơ ca cùng nhiều ấn phẩm văn hóa khác trong vùng tạm chiếm đều được mang ra tiêu hủy, các văn nghệ sĩ trong vùng ngưng hẳn sáng tác, có người thay đổi bút hiệu, hoặc trở về quê hương bản quán “từ giã” cuộc chơi văn chương. Cuộc sống khó khăn, vất vả nên những thú vui ngâm thơ vịnh cảnh cũng dần mai một. Tiếp theo là cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, không khí văn học chùng xuống nhường chỗ cho những nhiệm vụ quan trọng trước mắt.

Giai đoạn này, các văn nghệ sĩ từ trong chiến khu về như các anh Tư Văn, Bảy Dũng, Bảy Phát, Xuân Thới, Xuân Quang, Thanh Hiền… Từ báo Thống Nhất chuyển về có nhà văn Vân An, bên Đài truyền thanh có nhà thơ Cảnh Trà, cùng những cây viết tại chỗ như Phan Phụng Văn, Phan Kỹ Sửu, Xuân Sắc…mở một quán thơ trên núi Bà Đen, mục đích tuyên truyền cho nền văn học mới cách mạng, động viên tập hợp các văn nghệ sĩ trong tỉnh tiến tới thành lập Hội VHNT tỉnh, đưa văn học đến với đời sống của nhân dân qua các đợt lao động xây dựng thủy lợi Lòng Hồ Dầu Tiếng, khai hoang phục hóa ruộng đồng Tây Ninh, xây dựng truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Tây Ninh… cụ thể qua thơ ca, điển hình là tập thơ “Dũng sĩ núi” của nhiều tác giả.

Lúc này những cây bút thơ của Tây Ninh đã bắt đầu được tập hợp lại như Vũ Mậu Tý, Phan Kỹ Sửu, Hồ Chí Bửu, Phương Đình, Xuân Đường, Trần Viễn Thông, Nguyễn Quốc Nam, Thu Hương, Nguyên Hạ. Một số khác từ tỉnh khác chuyển về có Trần Hoàng Vy (Thuận Hải chuyển về), Nguyễn Đức Thiện (Thái Nguyên), Nguyễn Quốc Việt (Nam Định), Nguyễn Văn Tài (Tiền Giang), Nguyệt Quế (Bảo Lộc), Hà Trung (Sở Giáo dục), Huỳnh Văn Dung ( CĐSP)…Các cây viết văn xuôi như La Ngạc Thụy, Dương Mộc Hóa, Thiên Huy, Thu Trâm, Bạch Tuyết, Phạm Đình Trúc Thu… cũng góp sức để xây dựng nền Văn học cho tỉnh nhà. Những cây bút mới bắt đầu xuất hiện như Mộng Trung Nhân, Hường Liên, Minh Phương. Lớp trẻ trưởng thành sau những năm 1980, 1990 có Ngô Hồng Phước, Phan Thị Liên Giang, Đặng Mỹ Duyên, Đào Phạm Thùy Trang, Lê Thị Phù Sa, Tuyết Anh, Thiên Kim, Sông Hương, Trương Thứ Bảy…”Bản đồ” thơ ca của Tây Ninh thời kỳ này chủ yếu cũng chỉ tập trung tại Thị xã, Hòa Thành và Gò Dầu. Bên cạnh là dòng thơ của người cao tuổi, những người yêu mến thơ Đường vẫn âm thầm chảy, hòa chung vào tiếng thơ của tỉnh. Tiêu biểu phải kể đến các tác giả Vân Đằng, Linh Hữu, Văn Bảnh, Tinh Sắc, Minh Đức, Lan Chi v.v… cùng những câu lạc bộ thơ sáng tác và lưu hành nội bộ. Thơ ca Tây Ninh ban đầu chỉ xuất hiện khiêm tốn trên các trang báo tỉnh, sau đó xuất hiện trên các trang báo của Tp. HCM, rồi của cả nước, song nội lực vẫn chưa mạnh. Các tác phẩm in mới chỉ có của Nguyễn Đức Thiện, Trần Hoàng Vy, Hồ Chí Bửu…

Bước vào thập niên sau năm 2000, bước đi của thơ ca Tây Ninh đã dần vững chắc, sau các giải thưởng thơ có tầm vóc cả nước của Nguyễn Quốc Việt, Trần Hoàng Vy. Thơ đã lan tỏa khắp các huyện thị trong tỉnh, có thêm những cây viết của Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên…Thêm những người trẻ tuổi như Hạ Vi Phong, Thanh Nhã, Thanh Thi, Lương Hoài Sơn… Thơ ca lúc này đã được Hội VHNT tỉnh tập hợp in thành sách. Rất nhiều tác giả xuất bản sách thơ như Cảnh Trà, Phan Phụng Văn, Nguyễn Đức Thiện, Trần Hoàng Vy, Vũ Miên Thảo, Vũ Anh Sương, Khaly Chàm, Hồ Chí Bửu, Nguyễn Văn Tài, Phan Kỷ Sửu, Sông Hương, Nguyệt Quế, Minh Phương, Xuân Đường, Lê Thị Phù Sa, Trương Thứ Bảy…đã gây được tiếng vang và để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người yêu thơ. Sinh khí thơ đã được khởi sắc, dòng chảy thi ca đã vượt qua khỏi ranh giới “Suối Sâu” của tỉnh để hòa chung vào nền thơ ca phương Nam đầy nắng, đầy gió và hào phóng góp phần vào giọng điệu, không khí chung của thơ ca cả nước.

Suốt quá trình khai phá và tìm kiếm của thơ ca Tây Ninh, công đầu phải kể về nội lực, tự thân vận động của bản thân mỗi người làm thơ, bên cạnh là sự gợi mở, hổ trợ của Hội VHNT tỉnh, của trang văn học báo Tây Ninh. Còn phải kể đến sự góp sức của các câu lạc bộ thơ ca như Câu lạc bộ thơ Vàm Cỏ Đông (Gò Dầu) và gần đây là Câu lạc bộ thơ Tân Châu, Tân Biên…đã giúp người làm thơ nuôi dưỡng cảm hứng, đam mê mà sáng tác.

Chưa có phát hiện rõ ràng về những cây bút thơ học trò trong đội ngũ đông đảo sinh viên học sinh của tỉnh. Song đã có những bạn viết trẻ từ các trường PTTH Lý Thường Kiệt (Hòa Thành), Tân Châu, Tân Biên, trường Trung học Thực nghiệm…như Bùi Bảo Kỳ và những em khác là tín hiệu vui, đáng mừng.

* Những mặt mạnh yếu của Thơ ca Tây Ninh từ sau 1975:

+ Thơ ca Tây Ninh từ sau 1975 đến nay, cơ bản đã ghi danh mình trên Thi đàn trong cả nước. Một số tác giả đã hòa nhập chung vào dòng chảy thi ca của cả nước, được bạn đọc yêu mến.

+ Nhiều tác giả thơ của Tây Ninh đã có riêng cho mình những đầu sách, khẳng định năng lực của chính bản thân.

+ Thơ ca đã có nhiều giọng điệu, đề tài cảm hứng phong phú. Đã có sự cọ sát, tìm tòi và thể hiện cao năng lực, sánh với mặt bằng chung.

Cái yếu hiện nay của thơ ca Tây Ninh là vẫn chưa khai thác được hết bề dày lịch sử đầu tranh của Tây Ninh qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

+ Một số ít tác giả còn thiên về lối viết truyền thống, chưa chú ý đến câu chữ ngày càng mới lạ của cuộc sống, hạn hẹp về đề tài.

+ Lực lượng viết trẻ còn mỏng, thiếu sự chăm sóc kế thừa.

+ Chưa có kế hoạch, phương pháp quảng bá tác phẩm, chủ yếu chỉ trao đổi nội bộ…

* Thay lời kết:

Như trên đã trình bày, Tây Ninh là mảnh đất sơn thủy hữu tình, nhưng khí hậu khô khan khắc nghiệt. Con người Tây Ninh hiền hậu chất phác, song kiên cường trong đánh giặc giữ nước, kiên trinh bất khuất. Tây Ninh lại là tỉnh giáp biên giới với Campuchia, là cửa ngõ vào TP.HCM (Giáp với Củ Chi). Một tỉnh lỵ đang từng bước hội nhập và phát triển, có bề dày truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất, là lớp “trầm tích” để văn học khai thác. Tây Ninh cũng đã có một…Nghĩa trang với những bài thơ được khắc trên bia mộ. Một Đồi Thơ với những câu thơ hay của các thế hệ được khắc sâu vào đá. Nhưng vì sao độ dày và độ sâu của các tác phẩm văn học chưa được phát lộ, còn tiềm ẩn đâu đó dưới ngòi bút của anh em Văn nghệ sĩ. Về thơ ca, từng có bài thơ “Tha La Xóm đạo” đi vào hàng triệu trái tim người yêu thơ một thời, rồi bài thơ “Vàm Cỏ Đông”. Thơ Tây Ninh hiện nay còn thiên về cái cũ? Chưa tự bức phá với chính mình? Người làm thơ ở một tỉnh lẻ, ít có điều kiện giao lưu, cọ sát với các cây bút tên tuổi trong cả nước chăng? Hay vì đang phân vân giữa “vô vàn” nhà thơ với các chủ trương Tân hình thức, Hậu hiện đại và cách tân thơ? Làm thơ theo hướng nào: Truyền thống thì e bị chê quá cũ, lạc hậu? Còn cách tân hiện đại thì khó chấp nhận bởi những ý tưởng xa lạ, câu chữ ngắt ngứ, ý tình bí hiểm đến… tắc tị. Thơ thù tạc, thơ ca ngợi dường như cũng “Lỗi mốt”, vậy khai phá những gì? Viết những gì? Tự thân mỗi người làm thơ phải tự mình xác tín với chính mình, chọn cách viết phù hợp với năng lực và nội lực của chính mình chứ không ai khác. Đề tài mới lạ nhưng phải chạm vào trái tim của con người, bùng nổ nhưng phải lay động được tâm thức của người yêu thơ. Đòi hỏi gì ở công chúng yêu thơ, trước hết phải có thơ hay.

Thơ Tây Ninh trong những năm qua vẫn có thơ hay, nhưng chưa thật xuất sắc, và cũng không nhiều. Còn những bài sáo rỗng, khuôn cứng. Dường như tác giả chưa chịu tìm kiếm đề tài, hoặc quá “ngợp” trước ngồn ngộn sự kiện của lịch sử, của đời sống mà cuộc đời và thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất Tây Ninh. Những bóng hình nhàn nhạt trong thơ, đích thực không phải bằng những xúc cảm tự đáy lòng. Lộ liễu sự gượng ép trong thơ là cái nghề của ta chưa tới.

Mảnh đất thơ ca phía trước vẫn còn đó sự màu mỡ, phì nhiêu. Người làm thơ tự cày bừa, gieo trồng và gặt hái. Hãy kỳ vọng cho một mùa bội thu tới…

Người đàn ông của chợ



Nguyễn Hồng Nhung



Trước đó mười năm, họ đã từng nhìn thấy nhau. Trong công viên thành phố. Người đàn ông ngồi trên chiếc ghế đá, lặng lẽ hút thuốc, ngắm nhìn những đứa con nhỏ vui đùa. Cô đang lang thang giữa những khóm hoa, chợt nhìn thấy anh, nhận ra người bạn học cùng khóa thuở nào. Anh mời cô ngồi, họ trò chuyện bâng quơ về mọi đề tài, sôi nổi và đầy lo lắng.

- Phải đi thôi, sống thế này ngột ngạt quá- anh bảo.

- Tuần sau em đi, anh nói đúng, em luôn mơ về một chân trời khác…



Họ lại tình cờ gặp nhau, sau nhiều năm.

Vẫn người đàn ông hút thuốc, khói mờ bay, phủ kín đôi mắt nhìn xa xăm.

Một thùng sắt bưu điện chuyên dùng để chở hàng hóa, thường được gọi là côngtenơ mở toang, giữa chợ. Một chợ giời đông Âu. Những năm cuối của thế kỷ XX.

Anh ngồi một góc trong cái hộp kiên cố đó, trước mặt, sau lưng, bên phải bên trái la liệt hàng hóa, một người đàn bà châu Á, vợ anh, tay lăm lăm chiếc máy tính, mê mải đánh vật với cái đám đông lố nhố chen nhau chọn, bới trước mặt. Thỉnh thoảng, sau tiếng hét cuống cuồng của vợ, anh bật dậy, nhào ra tham dự vào công việc mua bán có vẻ không liên quan gì đến nét mặt dửng dưng, lãnh đạm của anh. Khi đám đông dãn bớt, anh lui về góc ngồi và lại hút thuốc.

Cô thấy hình ảnh ấy ngay từ khi bước vào chợ.

- Chào anh !

- Em ? cũng ở đây à ?

- Không, em sống ở tỉnh lẻ, anh có khỏe không ?

- Cũng thường…

Anh tỏ ra không thích bắt chuyện, càng không muốn nhớ lại một thời quen biết. Cô vội vã bước đi, không quên được hình ảnh người đàn ông tựa cửa thùng sắt hút thuốc, cô cứ thấy hình ảnh ấy nhảy múa trước mắt, ngày nọ qua ngày kia, tháng nọ qua tháng kia, và lần lần, năm nọ qua năm kia.

Một cái chợ, bãi đất trống heo hút, ngẫu nhiên thành bến đậu cho nhiều mảnh đời hy vọng từ xa tụ họp tới. Những mảnh đời như lá, gió cuốn phăng bứt khỏi cành, bay tha thẩn tứ phương, mệt mỏi xoay tròn trước khi rơi xuống và bám chặt lấy đất, đất nào cũng được, miễn đủ cho một kiếp trú chân.

Đôi khi, anh và cô chạm trán nhau trong chợ, họ mỉm cười xã giao, nói mấy câu vơ vẩn, rồi ai việc nấy, biến mất. Dường như sự hiện diện của họ ở chốn này đã thừa đủ cho một nội dung bẽ bàng của kiếp tha hương, không cần ai lên tiếng. Nhưng cô luôn đau nhói trong lòng, khi nhớ đến chiều công viên xưa, nơi phác họa tương lai có màu xanh như bầu trời trên đầu họ lúc đó.



Năm tháng cứ thế trôi, người ta dần lãng xa ký ức của mình, lùi quên những cơn trăn trở và những nỗi đau gợi miền xuất xứ. Bởi cái chợ giời cùng những ngày nắng mưa vật lộn kiếm ăn, đã biến họ thành những nét vẽ trần trụi không phương che dấu, trong bức tranh lạnh lùng dửng dưng của cuộc sống hiện tại.

Dần dần hình ảnh những người đàn ông khác trong chợ cũng len vào óc cô, đọng lại bên cạnh hình ảnh người bạn cùng khóa . Đây là gã béo tròn, kẻ bả lả với khách mua bên bà vợ nhấm nhẳng luôn tay giao hàng phía cổng chính của chợ, kia là anh chàng cao ngẳng, đang hò hét đám cửu vạn đẩy những xe hàng cao ngất ngưởng ra vào kho, một người đàn ông khác quần áo lôi thôi, ngáp ngắn ngáp dài, đầu và chân gác lên những thùng hàng to hơn người, ngổn ngang xung quanh gã, một cậu chàng đờ đẫn, nở nụ cười hiền lành ngây độn nhìn đăm đăm vào khoảng không trước mặt… Họ là những người đàn ông của chợ.

Có những quãng đời đọng lại như một vũng bùn lầy sau cơn mưa, đất và nước nhào lộn vào nhau, dính bết tạo thành. Dường như trong đời mình, nhiều người đã vô tình biến thành những vũng bùn lầy như thế. Nếu niềm kiêu hãnh bẩm sinh không thức tỉnh, để một hôm người ta chợt nhận ra vị trí thật của mình, thì sau đó những cảm giác đau, như những cơn ốm vặt, sẽ quật họ ngã xuống, những cơn ốm không làm chết người, chỉ khiến cuộc đời họ trở nên què quặt.

Cô sửng sốt, không tin ở mắt mình khi gặp anh gật gù với chai rượu cạnh chiếc bàn bẩn thỉu, trong quán bufê đông đặc giữa chợ. Đã khá lâu họ không gặp nhau, anh không còn chút gì của người đàn ông cô biết xưa kia. Tóc anh bạc trắng, mặt mũi chỗ đỏ chỗ tái, sần sùi vì những vết xước nham nhở, như một người mắc bệnh cùi. Và điều khiến cô ngạc nhiên nhất, là khi xưa nói ít bao nhiêu, giờ đây anh lải nhải liên tục bấy nhiêu. Cô định bỏ đi, nhưng không kịp :

- Em đấy ư ? Lại đây, lại đây uống với anh, bao lâu rồi chúng mình không gặp nhau.

- Chào anh ! Em không ngờ…

- Anh lại thế này, phải không ? Thôi, tao chán những trò đạo đức giả của đời lắm rồi, uống đi..

Hôm đó, cô bỏ một ngày để nghe thiên hạ kể về gia đình anh. Như những người ở chợ, anh cũng chuyển hết từ buôn mặt hàng buôn này đến bán mặt hàng kia, chuyển từ góc chợ này sang đứng góc chợ khác, cuộc sống gia đình anh quay cuồng với vài ba trục cố định : chợ, tiền, hàng, con cái, nhà cửa, giấy tờ…Từ đôi tay trắng, như mọi người, anh bắt đầu có những gì xưa kia hằng mơ ước : nhà, xe, tiền. Nhưng, như có sự dẫn dắt theo thứ tự của quỷ sứ, anh bắt đầu uống rượu.

Cô thôi ngạc nhiên trước sự thay đổi mới mẻ này của anh, vì nhìn đâu cô cũng thấy những người đàn ông với những chai rượu, khắp chợ. Anh đã thành một trong những người đàn ông của chợ. Cô quan sát họ, từ mọi phía, từ nhiều góc độ, lặng im tìm lời lý giải, và bắt đầu viết. Khi đó, trái tim thổn thức của cô dịu đi.







Câu chuyện đầu tiên cô viết có hình ảnh một người đàn ông như sau :



- Giấc mơ ban ngày -



Ông uể oải đứng nhìn vợ và hai người làm thuê dọn hàng. Chả ai để ý đến ông, mỗi người một việc. Thậm chí chả ai nói nửa lời. Bởi ngày nào cũng như ngày nào, công việc chỉ có thế.

Và ngày nào cũng như ngày nào, ông chỉ uể oải đứng nhìn. Vợ ông quen đã đành, vì mỗi ngày hai tư tiếng đồng hồ, nàng phải chịu đựng sự tồn tại của ông. Nhưng cả hai người làm thuê cũng quen nốt, cái cảnh chỉ có bà chủ hỳ hục. Còn ông chủ, y như một người thừa. Không, nói đúng hơn, chẳng có việc nào dành cho ông.

Thấy mọi người bày biện xong, ông bắt đầu chờ đợi, trong im lặng, chỉ thỉnh thoảng ngước đôi mắt thỏ non về phía vợ.

Cuối cùng, như bao lần khác - kẻ thua trận vẫn là vợ ông :

- Này đây, anh cầm lấy mà mua rượu. Uống vừa vừa thôi - nàng làu bàu.

Khi cầm cái chai bé xíu, trong vắt quay về, trông ông hý hửng như một cậu học trò vừa được mẹ cho tiền mua một thứ đồ chơi đang mơ ước.

Ông cẩn thận rót vào một cái cốc cũng bé xíu, chui vào góc ngồi quen thuộc mà ông yêu thích. Rồi vừa nhâm nhi, ông vừa vui vẻ đưa cặp mắt đã tinh nhanh lạ thường quan sát xung quanh. Ông âu yếm nhìn cả thế gian đột nhiên đầm ấm và quen thuộc xiết bao, một thế gian gồm những bà già lê đôi chân vừa ngắn vừa to như chân voi, những ông già mặt mũi khó đăm đăm, những cô gái mảnh khảnh xinh đẹp, đang nườm nượp kéo nhau vào chợ.

Sau chén thứ hai, những vần thơ bất thần từ đâu ập tới.

Trời ơi ! Ông muốn đọc cho ai nghe quá. Phải, giá có một người bạn tri kỷ ! chỉ cần một người thôi, để gật gù tán thưởng, hoặc cau mày ngẫm nghĩ, thêm cho ông vần này, bớt cho ông từ kia, đời sẽ hoàn hảo biết bao.

Không có ai hết. Hay nói đúng hơn, nhiều người xung quanh ông quá, mà chả ai để ý đến ông. Vợ ông mải đếm tiền, cô làm thuê mải trả lời giá của mấy cái áo, anh giúp việc mải khuân hàng, từ xe vào quầy, từ quầy xuống xe của một ông khách nào đó. Mấy bà già mải trầm trồ cái áo thêu, mấy cô con mọn mải ướm quần cho bé.

Ông cảm thấy buồn, mắt ông ươn ướt. Rồi ông gục xuống bàn, ông khóc hay ngủ ? Ai mà biết được ? Cũng chẳng cần ai biết.

Thực ra ông đang bước vào một giấc mơ.

Hôm đó là một buổi sáng chủ nhật kỳ lạ. Nắng rực rỡ từ rất sớm, chợ rộn ràng ngay từ khi chuyến tàu điện đầu tiên đi ngang qua hàng rào. Dường như cả thành phố đang đổ vào đây.

Vợ ông cũng vội vàng, nàng bảo :

- Hôm nay anh trông hàng hộ em, em phải đi có việc, trưa mới về. Anh chỉ cần để mắt đến lũ ”con ở”, em đã giao việc cho từng đứa rồi.

Và nàng vội vã ra đi.

Ông ngồi sừng sững trong quầy. Vì quá vội, nàng đã cắt mất suất rượu buổi sáng, khiến ông rầu rĩ ngồi ngắm cái đám đông chuyển động trước mặt mình. Kỳ lạ thật, một đám đông đầy ắp người mua mà chả ai nói với ai một lời. Mấy bà già chỉ tay vào mấy cái áo, rồi hất hàm ra hiệu cho cô làm thuê. Cô này vớ lấy cái máy tính bấm tanh tách giơ lên, mấy bà già trả tiền, đi. Cô làm thuê đập vào vai anh giúp việc, anh này hiểu ý đi vào kho rồi lặng lẽ trải áo lôi từ một thùng đầy ắp lên bàn.



- Hừ, làm việc với cái lũ câm điếc này, rồi sẽ có lúc mình tàn tật nốt- Ông bực bội nghĩ thầm.

Không có rượu, ông thấy đời nhạt thếch. Biết làm gì cho hết hai tư tiếng đồng hồ đây ?

Đã từ lâu, rượu thành bạn tri kỷ của ông. Kẻ ngu trong đời không biết uống, cứ gọi đó là ”con ma men”, mà không hiểu đấy là một thiên thần vui vẻ. Anh ta không biết buồn là gì, càng không bao giờ biết chán. Khi nâng cốc lên môi, là ông gọi anh ta tới, rồi cả hai vật lộn với đống chữ nghĩa, vần điệu, viết ngoằn ngoèo lên trí nhớ xiên xiên của ông một bài thơ tùy hứng.

Một độc giả nữ nhí nhảnh bảo ông :

- Em đọc thơ anh xong, em cứ muốn trồng cây chuối như hồi còn bé.

Một nhà thơ có bề dày kinh nghiệm, đứng đắn hơn lại bảo :

- Thơ ngài có hồn, nhưng phiêu lãng. Ngài định dừng lại ở chân trời nào vậy ?

Ông lộn ruột khi nghe vài kẻ đầy ghen tỵ bảo nhau :

- Đấy là rượu viết chứ có phải ông ấy viết đâu. Thử không uống viết xem nào ?

Tất nhiên là ông đã thử viết khi chưa uống, thơ ông lúc đó quả thật na ná giống bài thơ xổ số mà trẻ con thị xã quê ông hay hát.

Dù sao mặc lòng ! Rượu là thơ và thơ là rượu ! Cộng hai thứ đó vào sẽ thành ta !- ông khoái trá nghĩ thầm và vui vẻ hẳn lên.

Ông đứng lên, định đi loanh quanh cho đỡ mỏi, bỗng ông chú ý đến một khuôn mặt thập thò, lúc ẩn lúc hiện sau dãy áo treo. Ông đi tới : một cô gái có mớ tóc dài và đôi mắt đen nhánh như hai hột nhãn lúng túng nhìn ông.

- Em là ai ? Em tìm ai ?- ông hỏi.

- Dạ thưa chú, ấy chết, thưa anh, dạ…- Cô gái ấp úng.

Ông khẽ cau mày :

- Em đẹp như Nàng thơ, trong thơ không có cháu có chú có bác. Tình yêu là vĩnh cửu. Anh và em là mùa xuân của cuộc đời. Hãy mạnh dạn lên xưng Em và gọi Anh !

- Vâng, em đồng ý- Cô gái gật đầu- nhưng em đang đi trốn.

Ông giật nảy mình :

- Trốn ? Tại sao phải trốn, em trốn ai ?

- Suỵt, anh nói khẽ chứ, rồi em sẽ kể…

Cô thì thào :

- Anh có tiền không ?

Ông suy nghĩ và bảo :

- Chờ anh !

Ông chạy vào kho, may quá ông sờ thấy túi tiền vợ vẫn giấu trong tủ đá lạnh toát.

Cô gái đợi ông ngoài quầy, cô bảo :

- Anh có dám đi với em không ?

- Đi đâu ?

- Trước hết đi khỏi chỗ này, rồi em sẽ nói…

Ông ngẫm nghĩ, nhìn đồng hồ, vợ ông sắp về. Cô gái đẹp như một nàng thơ hiện hình, lúc khác ông toàn mượn hơi men đi tìm ý trung nhân, giờ đây nàng đứng trước mặt, lẽ nào không theo sao được ?

Thế là giống Bánh Tròn trong chuyện cổ tích ”Bỏ ông tôi đi ! Bỏ bà tôi đi !”

Ông cũng ”Bỏ vợ ta đi ! bỏ chợ ta đi !”

Hai người cùng bước ra đường.

Trong một quán ăn cô gái cho ông biết :

- Em trốn trại hai ngày rồi.

- Tại sao em rơi vào đấy ? - ông ngạc nhiên hỏi.

- Em tự nguyện vào, không phải bị bắt đâu.

Cô kể cho ông nghe, cô trốn khỏi quê nhà cách đây vài năm. Bởi cô muốn biết châu Âu như thế nào, thế giới ra sao. Cuộc sống của thế kỷ hai mốt khác gì thế kỷ hai mươi.

- Thế em thấy những gì ? - ông hỏi.

- Em thấy nhiều thứ lắm, nhưng em chả hiểu gì hết. Y như một người đứng trước một đống sắt vụn, nhận ra đủ loại phụ tùng ôtô, nhưng chịu chết, không hình dung nổi cái xe sẽ được lắp vào như thế nào.

- Thế rồi sao ? - ông sốt ruột.

- Thế là em cứ loay hoay từ ngày nọ qua ngày kia, tháng nọ qua tháng kia, em làm đủ việc, kể cả việc không thích, để sống. Nhưng hình như để hiểu một điều gì đó, em cần quay về.

- Về đâu ? – ông vội vã.

- Về lại nơi từ đó em ra đi, em cần gặp lại mảnh vườn của em.

- Mảnh vườn ? - ông kinh ngạc hỏi.

Cô gái cười bẽn lẽn, cặp mắt hạt nhãn sáng long lanh :

- Anh biết không, nhà em có một mảnh vườn thiêng lắm. Em cứ nằm ngoài vườn một ngày là em biết mình muốn gì. Hồi đi học, mảnh vườn bảo em học nốt, rồi cũng từ đó em quyết định trốn cha mẹ đi nước ngoài lao động.

- Bây giờ em muốn biết gì ?

- Em cần nằm dài một ngày ngoài vườn, rồi sẽ biết.

- Thế ở đây, em không thể biết được ư ? - ông buồn rầu hỏi.

- Không, ở đây tương lai là những câu tự hẹn ước ”mai sẽ nghĩ, để mai”Ở đây có mọi thứ, nhưng không phải là của em, trừ những ý nghĩ. Em đã tự vào trại xin về.

- Anh sẽ đi theo em - ông đột nhiên đề nghị.

- Từ lâu rồi, anh chả biết mình muốn gì nữa, rượu là bạn duy nhất, anh giống lão say trong „Hoàng tử nhỏ”. Một hôm Hoàng tử nhỏ đến một hành tinh, trên đó chỉ có một người duy nhất ngồi giữa đống chai.

- Ông làm gì thế ? - Hoàng tử nhỏ hỏi.

- Ta uống.

- Tại sao ông uống ?

- Ta uống để quên đi

- Quên cái gì ?

- Quên là ta uống.

-Đấy là anh, anh muốn gặp mảnh vườn của em, biết đâu nó nói cho anh một điều gì mới mẻ ?

Thế là họ cùng vào trại, xin về. Trong những ngày chờ đợi hồi hương, ông tuyệt nhiên không nhớ đến vợ, không nhớ đến chợ, mà cũng chẳng thèm rượu. Hình như có một nàng Thơ đã hiện hình, một mục đích nào đấy cụ thể là đủ, ông không cần phải đi tìm cảm giác và ảo ảnh nữa, ông đang sống trong thực tại.

Vậy mà khi về đến quê hương, bước vào mảnh vườn bé nhỏ của cô gái, ông lại ngỡ mình nằm mơ.

Góc vườn mảnh dẻ này mới quen thuộc với ông làm sao, với vài cây đu đủ đang đơm hoa, cạnh bức tường sắp đổ là khóm xương xông trổ những chiếc lá dài đầy gai. Một đàn gà con lông vàng óng đang nhớn nhác theo chân mẹ, và con đường mờ ảo dấu dưới vệt cỏ, chính là con đường dẫn ra bờ sông.

Phải rồi, vào một thuở xa xưa nào đó, ông đã dẫn một người con gái mình yêu thương về thăm quê, đã ngồi với nhau những buổi chiều trong góc vườn này, để nói những lời yêu đương cho một tương lai không đơn độc.

Cô gái thành phố cười nói suốt ngày vì vui sướng. Chỉ đến tối, khi hai người dạo chơi trên con đường nhỏ đầy sao dẫn ra dòng sông, cô mới im lặng và bật khóc.

- Em làm sao vậy ? - ông thiết tha hỏi.

- Em sợ- nàng trả lời.

- Em sợ cái gì ?

- Tương lai ! Em sợ chúng mình sẽ không chịu nổi những bão tố của cuộc đời ! cuộc đời dài lắm anh ơi !

Ôi người đàn bà bé bỏng, những ý nghĩ gì đã đến với nàng trong lúc ấy ? ôi cái tâm hồn nhạy cảm bất hạnh này ?

Ông ôm lấy người vợ tương lai của mình, nâng cằm nàng lên và nhìn vào mắt nàng :

- Dù có bất kỳ điều gì xảy ra trong đời, anh cũng không để em buồn đâu. Nhất là phải buồn vì anh thì không bao giờ, em có tin không ?

Nàng gật gật đầu, nhưng nước mắt vẫn tuôn, làm ướt đẫm tay áo ông.

Ông rùng mình tỉnh dậy, vợ ông đang đứng cạnh. Nàng khẽ đưa tay vuốt tóc ông và buồn bã nói :

- Về nhà đi anh, tan chợ rồi !...

Mẩu truyện của cô như một ngọn lửa cháy lan trong chợ. Những người đàn ông chợt nhận ra mình, hoặc nghi ngờ tìm dấu vết để so sánh câu chuyện. Họ đoán già đoán non, đặt nhiều giả thuyết. Rồi đi tìm cô. Một người mời cô vào côngtenơ trò chuyện, muốn trọn vẹn, anh đóng cửa hàng sáng hôm ấy, anh pha trò và kể những câu chuyện rất có duyên. Một chàng khác đột nhiên thích đi theo sau lưng cô để ngắm, khi cô chợt quay lại, anh ta lảng sang hướng khác. Chàng nọ tâm sự với cô rằng, anh cảm thấy thương yêu vợ hơn, sau khi đọc truyện ngắn này. Vài ba người khác nhắn tin.

Chỉ người đàn ông học cùng khóa thuở nào không hề lên tiếng.

Một hôm, bắt gặp anh bên chai rượu cạnh bàn bufe bừa bộn, cô muốn bỏ đi thì đột nhiên anh gọi :

- Ngồi xuống đây một tý đi em ! Em sợ anh à ?

- Không…- cô nói, ngồi xuống, và lập tức đứng lên ngay.

Khi anh rút thuốc, châm lửa, hút, khói mờ bao phủ đôi mắt buồn xa xăm. Khuôn mặt sần sùi xấu xí bỗng rạng một nét cười, rồi thoắt vụt tắt.

Cô bỏ đi, còn nghe sau lưng giọng anh cất cao, lè nhè như một kẻ say chính cống :

- Tao yêu mày ! Tao yêu mày vì tâm hồn mày trong suốt như pha lê, biết chưa em ? biết chưa ?...

Cô tiếp tục giam cầm mình vào những trang giấy, như vậy dường như cô bớt buồn hơn, bớt suy nghĩ và bớt cô đơn.


Cô viết một truyện ngắn khác :

„ Hoa trắng”

Mỗi lần cầm bút lên, ngồi trước tờ giấy trắng, cô không phải là mình nữa.

Giống như một ngọn núi khi chiều tà, màn sương ập xuống. Vẫn mờ mờ hình dáng ngọn núi ấy, nhưng những rừng cây xanh bên triền núi, con đường mòn nhỏ ngoằn ngoèo dẫn lên tận đỉnh, chỉ còn là những dấu chấm phẩy mờ nhạt. Màn sương đã vẽ lên một bức tranh huyền bí, ai nhìn vào cũng vương vấn một nỗi niềm bí hiểm và trầm tư, quả thật có gì sau rặng núi đầy sương ấy ?

Quả thật, sau những trang giấy đầy chữ, ai biết gì về cô ?

Suốt ngày cô nói cười vui vẻ, cô hoan hỷ và hài hước. Trái tim cô mở toang như cánh cửa sổ đón nắng ấm và gió, để mặc cho từng tiếng động của cuộc đời tràn vào. Cô sống như một công dân gương mẫu nhất, làm tất cả những việc phải làm, chỉ cảm thấy thân xác rã rời khi đặt lưng xuống ngủ.

Nhưng giấc ngủ tưởng chừng sẽ đến trong giây lát không tới.

Nó lùi dần, nhường chỗ cho một giấc mơ từ thuở còn thiếu nữ, tái hiện lại trong trí não cô…

Một con đường dài tới vô tận, hai bên đường toàn hoa trắng nở rộ. Một chàng trai cao lớn, thanh mảnh chạy phía trước, thỉnh thoảng lại ngoái đầu về phía sau, nhìn cô cười khúc khích, đôi khi chàng đứng lại và chờ đợi, thậm chí còn giơ tay cho cô nữa. Nhưng cô cứ chạy tụt đằng sau, càng cố gắng càng tụt lại xa hơn, đôi khi tưởng đôi tay vươn ra phía trước sẽ chạm vào tay chàng, nhưng không , cô vẫn bị tụt lại. Cô chỉ kịp nhìn thấy khuôn mặt tươi cười, xiết bao yêu dấu trong giây lát, rồi cái ảo ảnh ấy biến mất, chỉ còn mình cô vẫn chạy một mình trên đường. Ôi con đường toàn hoa trắng, và một bóng hình thân thương…



Thế là cô nhảy ra khỏi giường, ngồi vào bàn, và cầm bút.



Những câu chuyện từ đâu trôi đến, những mẩu đời chả liên quan gì đến cô cứ hiện dần trên giấy. Chẳng lẽ vì những điều ấy, cô mất ngủ ?

Cô tuyệt nhiên không nhớ đến giấc mơ hoa trắng của mình.

Nó chỉ tái hiện khi cô buông bút, chui vào chăn và chập chờn thiếp đi.

Đôi khi trong đêm, mắt cô đẫm ướt, và lòng cô tự hỏi :”ta đi tìm ai ?”



Nhưng sáng ra, khi mặt trời rọi nắng vào cửa sổ, cô tỉnh dậy và thoáng mỉm cười vì lũ chim cãi nhau chí chóe ngay bên tai.

Cô lại hăm hở bước vào một ngày mới, với tất cả nhiệt tình của dòng máu hừng hực chảy trong tim.

Bỗng một hôm, đi qua một con đường nhỏ, cô thấy một thùng thư với dòng chữ bên dưới : ”Ở đây nhận đăng các loại bản thảo đã viết. Xin ghi số điện thoại để tiện liên hệ.”

Thế là cô ném tất cả đống giấy cô đã viết vào đấy. Cô giữ lại làm gì kia chứ ? Chỉ một bóng hình trong mơ cô còn chả nắm bắt được, nữa là bao nhiêu mẩu đời sống, cô đã từng biết và sao chép?

Cô cảm thấy lòng nhẹ nhõm, y như thuở còn thơ bé, hay thả lá xuống dòng nước, để chúng biến thành những con thuyền trôi đi thật xa…



Rồi ngày ngày, cô đều đặn tới thùng thư. Ngày nào cô cũng phải viết, bởi sau một ngày hoan hỷ, cô không thể không thông báo với thế giới, cô tồn tại để làm gì.

Cho đến một hôm, từ đầu giây điện thoại, một giọng nói trong trẻo báo với cô rằng : họ đã biên tập tất cả những bài viết của cô, in vào một quyển. Ban biên tập muốn được trao tận tay cô cuốn sách, và chút phần thưởng họ dành cho cô.

Cô náo nức chờ ngày được hẹn.



Trong đêm mất ngủ cuối cùng, chẳng hiểu sao, cô viết lại toàn bộ giấc mơ hoa trắng của mình. Một giấc mơ thanh xuân có dáng hình người con trai tươi trẻ, cô chưa một lần với tay tới anh, để cùng nhìn vào gương mặt rạng rỡ của nhau mà cười phá lên, y như những buổi ban ngày vui vẻ, chụm đầu soi mắt nhau, rồi tay trong tay tung tăng trên con đường vô tận trải đầy hoa trắng…

Cô cắp tập giấy vào nách và rón rén đi đến nơi hẹn.

Đấy là một tòa nhà đồ sộ, với cánh cửa cao vút đầy song sắt. Cô bấm chuông. Có tiếng nói cười lao xao bên trong vọng ra, khi cửa bỗng vụt mở. Cô ngước mắt nhìn những người đàn ông trong Ban biên tập đang nhất loạt đứng trước mặt cô, mỗi người một vẻ. Người thì có dáng bệ vệ với cái bụng phệ, và cái đầu hói. Người nở nụ cười thật tươi, khi quầng mắt sụp xuống đã viền những đường vòng cung. Người thì xộc xệch trong bộ quần áo nhàu nát, dấu tích của công việc không ngơi tay…

Cô không thể nhìn rõ họ có bao nhiêu người, với những bộ dạng như thế nào nữa, cô nức nở khóc. Những giọt nước mắt rơi lã chã xuống tập bản thảo.

Một người hoảng hốt kêu lên :

- Cô làm sao thế ? Ai đã bắt nạt cô ? Ai đã xúc phạm đến cô, hãy nói cho chúng tôi…

- Không, không ! - cô cố gắng kìm cơn nức nở. –Không phải đâu…chỉ tại trong này - cô chỉ vào tập bản thảo- nhân vật chính của tôi đã chết !...



Một dòng sông lại len lỏi chảy khắp chợ. Đấy là câu chuyện cô vừa viết.

Những người đàn ông của chợ bỗng hoang mang đôi chút. Một cái gì đó họ chưa thực sự nắm bắt được, chưa hiểu hết được, trong đó có đàn bà. Cô biến thành nỗi bí hiểm, chứa sức hút và tạo ra những nỗi niềm tâm sự khác nhau, xô đẩy những tình cảm trái ngược gập gềnh trong trái tim những người đàn ông chợ. Họ rì rào trò chuyện, và lặng ngắt khi gặp cô.

Cô càng lặng lẽ hơn khi đến, lặng lẽ quan sát và rồi lại đi.



Một hôm, cô nhận được mảnh bao thuốc lá. Cô mở ra, đấy là một bài thơ :



- Hoa trắng -


Người thiếu nữ với giấc mơ hoa trắng
Lạc loài vào cõi trần gian
Nàng dâng hiến trong một giây rực rỡ
Giờ đây ca khúc riêng mình

Người ơi ! Người ơi !
Trinh trắng hát tình ca hoa trắng
Vời vợi
Xa vời
Chới với
Chơi vơi.

Vào một đêm những bông hoa trắng
Nức nở trên đống trắng hoa
Trời đất thương em đổ mưa nổi gió
Giao hoan bất tận nhợt nhòa

Thế rồi cũng đến bình minh
Nhìn sao khát nước hôn tình mắc oan.




Cô tựa lưng vào một gốc cây, tim buốt đi vài giây lạnh toát. Bài thơ của người bạn cùng khóa. Anh đã nhấn chìm anh vào chai rượu, nhưng thơ anh không say.

Không còn nghi ngờ gì nữa, có một người đàn ông đã đến và đã hiểu.

Từ một góc chợ giời của những năm tháng buồn tủi, những linh hồn quằn quại sống, giãy giụa sinh tồn, muốn dựa vào chữ để an ủi mình, an ủi nhau, để cùng nhau choệch choạng bước tiếp …Có phải vì thế lịch sử về con người luôn đau đớn và bất diệt ?

Một thời gian sau, cô nghe tin anh đã bỏ về quê hương, nơi có những cơn sóng biển hiền hòa và những gốc dừa lao xao nắng.

Để nghiền ngẫm tiếp chăng, những gì anh và cô đã bàn luận buổi chiều nào : đến bao giờ kiếp sống của anh, của em, của người quê ta mới thôi trôi dạt theo thời thế ?