Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Tình đau ấy thành thơ





Thơ viết cho em


Em ra đi đột ngột ánh sao băng
Trời đất đảo điên, quay cuồng bão tố
Cây chẳng còn xanh
Chim không còn tổ
Núi bỗng vô hồn
Suối cạn sông khô.

Anh thắp nén nhang
Lửa đốt thiêu lòng
Không tin được mình xa nhau vĩnh viễn
Không thể tin cõi âm dương cách biệt
Em hồi sinh
Trong vạn vật thế gian.

Giấc mơ đêm
Thảng thốt gọi tên em
Thương thương lắm cái phút giây định mệnh
Nỗi oan khiên hay là số phận
Mong manh khiếp người như lá khô rơi!

Mất em rồi
Anh mất nửa nhân gian
Lạc lõng mình anh trong vườn hoa đôi lứa
Ngôi nhà vắng, bếp không đỏ lửa
Tiếng côn trùng rỉ rả chẳng nguôi quên
Mùa đông đến
Quờ tay tìm hơi ấm
Vòng tay ôm khoảng trống - bóng hình em.

Nhan Sinh
(Rút trong tập Mùa yêu- NXB Hội nhà văn, 2010)



Lời bình của Bùi Thanh Tùng:

Tôi với Nhan Sinh (*), có thể nói là biết mà không quen. Ông hơn tuổi tôi, nhưng tôi cũng không chủ động đến làm quen. Ngay cả tập thơ Mùa yêu, tôi chỉ vô tình được biết, khi được một người bạn làm ở Báo Văn nghệ Hoà Bình cho mượn. Nhưng phải nói thật, lâu lắm rồi mới có một bài thơ làm tôi phải giật mình! Có lẽ, chính sự chân thành trước nỗi đau mất mát, đã đưa Nhan Sinh đến với thành công.


Em ra đi đột ngột ánh sao băng
Trời đất đảo điên, quay cuồng bão tố
Cây chẳng còn xanh
Chim không còn tổ
Núi bỗng vô hồn
Suối cạn sông khô.


Ai trong đời mà chẳng một lần chứng kiến: “ánh sao băng” hay khi “Trời đất đảo điên, quay cuồng bão tố”. Nhưng đã mấy ai hình dung ra cảnh: khi tất cả đến cùng lúc, mà những “ánh sao băng”, “bão tố” đó lại đến từ trong lòng mình, đến với riêng mình. Nhưng nó đã đến với Nhan Sinh! Nỗi đau gợi cho ông nghĩ về cội nguồn của hạnh phúc. Phụ nữ là người xây tổ ấm, ngọn nguồn hạnh phúc. Thế mà nay tổ ấm không còn ấm, ngọn nguồn hạnh phúc không còn. “Núi bỗng vô hồn” là hồn núi không còn;“Suối cạn sông khô” là không còn hồn suối, hồn sông. Nỗi đau đã khiến Nhan Sinh, chạm đến tận miền sâu thẳm của tâm thức người Việt nghìn xưa.

Anh thắp nén nhang
Lửa đốt thiêu lòng
Không tin được mình xa nhau vĩnh viễn
Không thể tin cõi âm dương cách biệt.Em hồi sinh
Trong vạn vật thế gian.

Nhan Sinh có lẽ là người cứng cỏi; nhưng trong giờ phút này ông cũng không còn là mình nữa, nỗi đau như dẫn dắt ông đi. Lửa khói nhang rồi sẽ tắt, nhưng lửa thương đau còn cháy đến bao giờ:

Anh thắp nén nhang
Lửa đốt thiêu lòng


Trong đời người ta, có thể không tin nhiều thứ, cho dù đó là sự thật mười mươi đi chăng nữa! Nhan Sinh đã không tin mình vĩnh viễn mất đi hạnh phúc; bởi tình yêu không tin và chẳng bao giờ cần tin vào điều đau đớn ấy! Tình yêu, sự thủy chung tự tìm lí lẽ cho mình. Lí lẽ của ngàn đời yêu thương, hi vọng:

Không tin được mình xa nhau vĩnh viễn
Không thể tin cõi âm dương cách biệt
Em hồi sinh
Trong vạn vật thế gian.


Nhưng nỗi đau vẹn nguyên là nỗi đau, ta chỉ không đau khi ta không nhớ; nhưng Nhan Sinh thì không thể quên:

Thương thương lắm cái phút giây định mệnh
Nỗi oan khiên hay là số phận
Mong manh khiếp người như lá khô rơi!


Có lẽ đây là những câu thơ hay nhất của Nhan Sinh mà tôi từng biết. Ông viết: “Thương thương lắm” là tự an ủi mình, an ủi hạnh phúc của mình thôi chứ đằng sau câu chữ là nỗi đau còn lại. Nhan Sinh còn nhớ đến “ phút giây định mệnh” đó, thì biết bao giờ ông mới được nguôi quên! Và rồi ông tự đặt câu hỏi, như là cho mình hay cho cả hư không: “Nỗi oan khiên hay là số phận”. Câu hỏi thì bỏ ngỏ, nhưng còn mãi sự mong manh của kiếp người, mà anh đã phải chứng kiến, trải nghiệm đớn đau: “Mong manh khiếp người như lá khô rơi!”. Hình ảnh thơ tưởng như không mới mà lại mới. Nếu Nguyễn Du viết: “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương” (Truyện Kiều) thì kiếp người “như lá khô rơi” của Nhan Sinh lại có điểm khác. Nguyễn Dunhấn mạnh sự đột ngột; Nhan Sinh nhấn mạnh sự lặng lẽ. Nguyễn Du thương người tài sắc; Nhan Sinh thương người đã cùng ông vất vả nhọc nhằn. Không chỉ xót xa, tiếc nuối trong chốc lát, đó còn là lòng yêu thương với cả một đời người.

Mất em rồi
Anh mất nửa nhân gian
Lạc lõng mình anh trong vườn hoa đôi lứa
Ngôi nhà vắng, bếp không đỏ lửa
Tiếng côn trùng rỉ rả chẳng nguôi quên
Mùa đông đến
Quờ tay tìm hơi ấm
Vòng tay ôm khoảng trống - bóng hình em.


Ai đã từng sống trong cảnh ngộ của Nhan Sinh, có lẽ sẽ hiểu hơn những gì ông viết. Đó không phải là những gì ta đọc, mà là những gì ông đau đớn xót xa, Nhan Sinh như đứa trẻ đang phải tập làm quen với nỗi đau:

Ngôi nhà vắng, bếp không đỏ lửa
Tiếng côn trùng rỉ rả chẳng nguôi quên

Nếu trong cuộc đời, người ta hạnh phúc với tình yêu bao nhiêu, thì dường như cũng đau khổ vì tình yêu như thế. Nhưng chỉ những ai sống chân thành, thủy chung thì mới (phải) hay (được) cái quyền đau đớn ấy. Cũng như nhiều người trong chúng taNhan Sinh “phải” đớn đau khi hạnh phúc không còn và viết nó thành thơ!



----------------------------

(*) Tên thật là Nhan Hữu Sinh, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên hội Văn học Nghệ thuật Hoà Bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét