Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Quan Điểm Của Phật Giáo Trước Sự Đau Đớn Và Bệnh Tật


 Dilgo Khyentse Rinpoche Hoang Phong


Người ta thường đề cập đến quan điểm của các tôn giáo về cái chết, nhưng không mấy khi chúng ta được nghe bàn luận về việc phải làm thế nào để đối đầu với sự đau đớn và bệnh tật mặc dầu con người lại thường hay đau ốm mà chưa chết ngay. Là những người Phật giáo, chúng ta hãy thử tìm hiểu xem mình nên phản ứng ra sao trước sự đau đớn và bệnh tật có thể xảy đến với mình?
Tất nhiên là chúng ta sẽ không quan tâm đến các hình thức cúng kiến, cầu nguyện, dâng lễ..., thường thấy trong tất cả các tôn giáo nói chung. Ngay cả đối với những người không hề tin vào tôn giáo đi nữa, đến khi bất thần phải đối đầu với các thử thách đó thì ngoài việc chữa chạy thuốc men, họ cũng sẽ không biết phải làm gì hơn và đôi khi cũng đành phải cầu khẩn các đấng thiêng liêng, hay ông bà, cha mẹ đã qua đời, kể cả ông táo, ông địa... giúp mình qua khỏi cơn bệnh ngặt nghèo. Người tu tập Phật Giáo cũng như tất cả mọi người, sẽ không sao tránh khỏi những lúc đau yếu, như vậy thì sự tu tập của họ có thể giúp gì được cho họ khi phải đối đầu với những khó khăn ấy? Nhằm giải đáp phần nào câu hỏi trên đây, chúng tôi xin trình bày ba bài giảng ngắn dưới đây của các nhà sư thuộc ba tông phái khác nhau:
- Bài 1: Cái chết là một thứ bệnh "ung thư", do vị tỳ kheo Thái Lan tu tập theo Phật Giáo Theravada là Ajahn Liem (1941-) thuyết giảng.
- Bài 2: Y khoa cũng chỉ là phép luyện đan, do vị sư Tây Tạng là Dilgo Khyentsé Rinpoché (1910-1991) thuyết giảng.
- Bài 3: Không nên hẹn sang ngày hôm sau, do thiền sư Nhật Bản thuộc thiền phái Tào Động là Đạo Nguyên (Eihei Dôgen, 1200-1253) thuyết giảng.



Bài 1:

Cái chết là một thứ bệnh "ung thư"
Ajahn Liem

Bài giảng dưới đây của nhà sư Ajahn Liem Thitadhammo được ghi lại từ một buổi giảng theo cách "hỏi-đáp" giữa các người tu hành và thế tục, ổ chức ở chùa Bodhivana ở Úc Châu vào tháng 6, năm 2004. Ajahn Liem Thitadhammo sinh năm 1941 trong vùng đông bắc Thái Lan, xuất gia rất sớm và năm 20 tuổi thì được thụ phong tỳ kheo. Năm 1969 ông gia nhập hệ phái Khất Sĩ và được thụ giáo với nhà sư danh tiếng Ajahn Chah, trụ trì ngôi chùa Wat Pah Pong trên miền bắc Thái, người được xem là một trong các vị thiền sư lỗi lạc nhất của thế kỷ XX. Năm 1982 nhà sư Ajahn Chah ngã bệnh và giao việc quản lý chùa cho Ajahn Liem. Khi bệnh tình trở nên trầm trọng và không còn nói năng được nữa thì tăng đoàn liền bầu Ajahn Liem chính thức giữ chức trụ trì cho đến nay.

Cách thuyết giảng của nhà sư Ajahn Liem thật trong sáng, giản dị và thực tiễn, vượt lên trên các khái niệm mang tính cách lý thuyết, giúp cho nhiều người có thể theo dõi dễ dàng. Cũng mạn phép xin lưu ý rằng giảng những điều thật sâu sắc và khúc triết một cách giản dị và dễ hiểu không phải là chuyện dễ vì người giảng phải đạt được một cấp bậc hiểu biết thật cao. Nếu độc giả nào thấy thích lối giảng này thì nên tìm đọc các sách của ông. Độc giả có thể xem bài giảng dưới đây bằng tiếng Anh trong quyển No Worries của Ajahn Liem, xuất bản tại Úc năm 2005, hoặc bằng tiếng Pháp trong quyển Aucune inquétudedo bà Jeanne Schut dịch. Cả hai quyển sách này đều có thể đọc trên mạng:
-bản tiếng Anh: http://www.watnongpahpong.org/ebooks/liemenglish/no_worries.pdf
-bản tiếng Pháp: http://www.dhammadelaforet.org/sommaire/liem/aucune_inquietude.pdf

Ajahn Liem Thitadhammo

(Hỏi) : Cô bé gái đang ngồi đây bi ung thư não. Bác sĩ cho biết là cô bé sẽ được chữa khỏi, thế nhưng cái bướu ung thư hiện vẫn còn nguyên. Vậy cô bé phải làm thế nào để sống với nó?

Nhà sư Ajhan Liem bật cười và trả lời rằng : Đã là người thì tất cả đều mang bệnh "ung thư" - kể cả chúng ta đang ngồi đây ! Tất cả mọi người đều bị "ung thư", đấy là một thứ bệnh ngặt nghèo không sao chữa lành được: ấy là cái chết. Dù có chữa chạy cách mấy đi nữa thế nhưng loại "ung thư" này không sao chữa lành được. Các bạn có hiểu được điều ấy hay chăng?

Chúng ta không thể suốt đời cứ tin rằng rồi đây mình sẽ vượt thoát tất cả mọi thứ khó khăn (có nghĩa là bệnh nào cũng sẽ chữa lành được). Thân xác con người là cả một ổ bệnh tật - bản chất của nó là như thế. Không nên quá lo nghĩ... thế thôi. Hãy tận dụng những gì mình đang có một cách hữu ích. Lo lắng và buồn phiền chỉ là cách tạo ra thêm sự lo sợ và gây trở ngại cho sự vận hành suông sẻ của toàn thể thân xác.

Chính tôi cũng đang mang bệnh "ung thư" trong người. Tôi đi khám bệnh, sau khi khám xong bác sĩ bảo rằng nhịp tim của tôi không đều: "Không được bình thường lắm". Tôi đáp lại ngay: "Không, phải nói là bình thường chứ! Trái tim của tôi hoạt động đã lâu rồi, nay nó thấm mệt, chỉ có thế thôi".

Trong kiếp sống của con người, vào một lúc nào đó thân xác sẽ suy sụp. Tất cả mọi sự đều vận hành phù hợp với các quy luật thiên nhiên - chẳng có gì phải lo lắng cả. Khi thời điểm đã đến thì mọi sự cũng sẽ tự động xảy ra, đúng với những gì sẽ phải xảy ra. [Vị sư Ajahn Liem nở một nụ cười thật nhân ái]. Hãy cố giữ sự thư giãn. Nếu tim mình không bị xao động thì mình cũng sẽ cảm nhận được hạnh phúc.

Dù phải tiếp tục sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, thì Đức Phật cũng đều khuyên chúng ta nên giữ thái độ "ai mà biết được" (xem mọi sự "là như thế"), và nên tiếp cận với sự sống này như thế nào hầu giúp mình buông xả và để cho mọi sự vận hành phù hợp với dòng luân lưu của chúng. Nếu biết buông xả thì chúng ta cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Chỉ khi nào vác lên người đủ mọi thứ thì chúng ta mới cảm thấy nặng nề. Vác lên người các thứ ấy có nghĩa là bám víu vào chúng và xem chúng là thuộc của mình, thế nhưng trên thực tế thì chẳng có gì trong thế giới này là của mình cả.

Có hai thế giới: thế giới bên ngoài - tức là những gì trên mặt hành tinh này – và thế giới bên trong. Thế giới bên trong gồm có các thành phần thân xác tạo ra một con vật mà chúng ta gọi là "chính mình". Dầu sao cũng không thể nào bảo rằng cái tổng thể gồm các thành phần ấy là "chính mình" được, bởi vì đến một ngày nào đó thì nó cũng sẽ phải sụp đổ. Tất cả những gì hiện hữu sẽ phải tan rã. Tất cả đều biến đổi và sau cùng sẽ đưa đến một tình trạng mà chẳng còn có gì thuộc về mình nữa .

Đức Phật khuyên chúng ta nên nhìn vào cuộc sống của mình theo chiều hướng ấy, đấy là cách giúp chúng ta nhận biết mọi sự một cách đúng đắn. Nếu không sẽ khiến chúng ta nắm bắt và bám víu vào chúng; và đấy cũng chính là cách tự tạo ra cho mình đủ mọi thứ lo buồn và mang lại cho mình cảm tính bị bủa vây và trói chặt bởi đủ mọi thứ ràng buộc –chúng ta sẽ không còn một chút tự do nào nữa.

Dù các bạn phải gánh chịu bất cứ một thứ bệnh tật nào thì tôi cũng xin các bạn đừng xem đấy là một vấn đề to lớn. Tất cả cũng là tự nhiên mà thôi. Bất cứ gì hiện ra sẽ phải biến đổi khác đi. Thật hết sức bình thường.

Bệnh tật là một thứ gì đó thật bình thường và tự nhiên. Vì thế mà Đức Phật khuyên chúng ta hãy xem nó như một đề tài để khảo sát và nghiên cứu hầu giúp mình khám phá ra các phương pháp thích nghi nhằm tìm hiểu nó. Nhờ đó chúng ta sẽ có thể hướng sự cảm nhận của mình vào con đường giúp mình loại bỏ mọi thứ chướng ngại. Thể dạng an bình, tươi mát hay một hình thức an trú nào đó đều có thể hiện ra với chúng ta từ bệnh tật.

Trái lại nếu chúng ta cố tình bám víu vào mọi sự vật, thì các yếu tố khác theo đó cũng sẽ hiện ra và bủa vây chúng ta, chẳng hạn như giận giữ, thèm muốn và vô mình. Dục vọng, ác cảm và các ý niệm sai lầm là những nguyên nhân chính yếu nhất mang lại đủ mọi thứ khó khăn tàn phá chúng ta. Đức Phật dạy chúng ta nên luyện tập và tìm hiểu thấu đáo mọi sự vật và nhờ đó chúng ta sẽ có thể ngăn chận các thể dạng bất an không thể xảy ra được nữa. Một cách thật ngắn gọn thì trên đây là cốt lõi của toàn bộ giáo lý mà Đức Phật đã giảng dạy.

Sở dĩ dukkha (khổ đau) hiện hữu là do nguyên nhân thèm khát (ham muốn, dục vọng) làm phát sinh ra nó. Sự thèm khát ấy sẽ trở nên thật mạnh mẽ nếu cứ mặc cho nó tự do tung hoành. Trái lại nó sẽ phải giảm xuống nếu chúng ta biết cách ngăn chận nó và ý thức được là tại sao lại phải ngăn chận nó. Nếu muốn loại bỏ khổ đau thì chúng ta phải biết buông xả. Do đó chúng ta phải cần một số phương pháp giúp mình buông xả các thứ bám víu ấy. Chúng ta phải tập trung sự chú tâm vào các phương pháp luyện tập nhằm giúp mình làm giảm bớt cảm tính về "cái tôi", tức là sự nắm bắt mà Đức Phật gọi là attavâdupâdâna: sự bám víu vào cái ngã.

Đức Phật dạy chúng ta một phương pháp thật đơn giản nhằm làm giảm bớt sự nắm bắt "cái tôi " và xem nó như là một thứ gì đó thật quan trọng: đấy là cách phải biết dừng lại và phát huy một thể dạng tâm thức gọi làekaggatâ (tập trung vào một điểm duy nhất) – nói cách khác là phải hoàn toàn tỉnh thức trong từng giây phút của hiện tại - tức là trong khoảnh khắc hiện đang xảy ra. Tự đặt mình trong khoảnh khắc hiện tại với một tâm trí thật cảnh giác sẽ mang lại cho chúng ta không những một thể dạng thăng bằng và vững chắc mà còn giúp chúng ta hiểu được chính mình (trở về với con người của mình hầu hiểu được chính mình là gì).

Các phương pháp mà Đức Phật đem ra giảng dạy cho chúng ta cũng không đến nỗi nào quá phức tạp. Đấy là cách phát huy sự chú tâm và khảo sát những gì hiện ra với một tâm thức đã hoàn toàn loại bỏ được mọi sự lo lắng, hoang mang và mọi hình thức lo sợ.

Trước hết chúng ta hãy tập trung sự chú tâm vào các thành phần vật chất của thân xác, các cấu hợp và các cơ duyên tác tạo ra nó, sau đó sẽ tiếp tục suy tư về toàn bộ thân xác và các ý niệm quy ước của thế giới thường tình về chính cái thân xác ấy (có nghĩa là tự hỏi thân xác từ đâu mà sinh ra, nó có trường tồn hay không, nó có phải là "cái tôi" của mình hay không, hay đấy chỉ là những thứ cấu hợp tạm thời, mang đầy bệnh tật và khổ đau. Các tên gọi như đầu, mình, chân, tay, đẹp, xấu, đàn ông, đàn bà, thơm tho, hôi hám... cũng chỉ là những quy uớc của thế giới thường tình), và sau cùng sẽ tự hỏi xem có thứ nào thuộc của mình hay không(đầu, tóc, lông, đàn ông, đàn bà, thơm tho, hôi hám... có phải là "cái tôi" của mình hay không?). Người ta có thể phân chia thân xác ra nhiều thành phần: trên đầu có tóc, trên thân thể có lông, móng chân, móng tay, răng và sau hết là một lớp da bao trùm toàn thể những thứ ấy.

Đức Phật khuyên chúng ta hãy quan sát và phân tích các thành phần thân xác ấy để thấy rằng chúng không hề vững bền và trường tồn. Một ngày nào đó chúng cũng sẽ tan rã và lại trở thành các thành phần căn bản (đất, nước, lửa, khí). Khi nào nhận thấy được điều ấy thí chúng ta cũng sẽ không còn xem chúng là "chính mình" hay thuộc "của mình" nữa. Chúng ta cũng không thể cho rằng mình có quyền giữ nguyên các thành phần ấy trong tình trạng giống như hiện nay. Sư nối kết giữa chúng ta và thân xác chỉ mang tính cách tạm thời.

Có thể ví chuyện ấy như ngủ qua đêm ở một khách sạn hay trong một gian nhà thuê mướn. Thời gian lưu ngụ có giới hạn – một đêm chẳng hạn. Khi giới hạn ấy đã hết thì chủ nhà tất sẽ mời mình ra đi. Kiếp sống của mình cũng chỉ là như thế.

Đức Phật xem các quá trình ấy (tức là sự đổi thay và tính cách tạm thời của các hiện tượng) là các biểu hiện của thiên nhiên, chúng gắn liền với tất cả mọi sự vật. Và các sự vật một khi đã hiện ra thì sẽ phải chấm dứt và cuối cùng sẽ biến mất. Thấu hiểu được sự kiện ấy sẽ khiến các thứ đam mê phải lắng xuống. Nhờ đó chúng ta sẽ bớt bám víu vào các sự vật và các cảm tính cho rằng mình là một nhân vật quan trọng. Chúng ta sẽ không còn lo sợ khi nghe nói đến bệnh tật hay bất cứ thứ gì khác. Tất cả mọi người đều mang bệnh, ít nhất là một thứ bệnh gọi là dukkha vedâna - tức là cảm tính về sự bất toại nguyên - một căn bệnh mà ngày nào chúng ta cũng phải lo tìm cách để chạy chữa: đấy là cảm giác đau đớn do cái đói gây ra. Mỗi khi chúng ta làm cho sự đau đớn của cái đói phải giảm xuống bằng cách đút thức ăn cho thân xác, thì nó lại hiện ra dưới các nhu cầu khác và các đòi hỏi khác, chẳng hạn như phải tiểu tiện và đại tiện, đấy là cách làm phát sinh ra các sự trói buộc khác. Tất cả những thứ ấy đều là bệnh tật.

Bệnh tật là một thứ gì đó cần phải nghiên cứu và suy tư, thế nhưng đồng thời Đức Phật cũng khuyên chúng ta không nên quá lo lắng về các chuyện ấy (nghiên cứu và suy tư để hết sợ, không phải là cách mang thêm lo lắng), chỉ cần luyện tập một cách "nhẹ nhàng", có nghĩa là chỉ cần vừa phải - chẳng hạn như khi hô hấp, chẳng cần phải cố gắng hít vào mà cũng chẳng cần phải cố gắng thở ra.

Từ bản chất, các thành phần và các cấu hợp thân xác đều biết tự quán xuyến lấy chúng. Đấy cũng chính là cách mà chúng ta phải nhìn vào các hiện tượng nhằm giúp mình tránh khỏi mọi sự nắm bắt và bám víu. Chúng ta phải luôn đặt mình trong một vị thế thật bình thản.

Chúng ta may mắn (nhờ sự giảng dạy của Đức Phật) sớm nhận biết được ba đặc tính của sự hiện hữu:anica, dukkha và anatta [vô thường, khổ đau và vô ngã], nhờ đó tâm thức cũng sẽ lắng xuống. Chúng ta hiểu rằng chẳng có gì bền vững và trường tồn cả, và phải chấp nhận hiện thực là như thế. Đấy là phương cách phải nhìn vào mọi sự vật hầu mang lại cho mình một sự quán thấy đúng đắn (và nếu muốn vượt xa hơn tầm nhìn đó thì dù đang ốm đau thế nhưng cũng nên cố gắng ngồi thiền và sử dụng hơi sức còn lại để mang lại một chút lợi ích nào đó cho tất cả chúng sinh).

Bures-Sur-Yvette,
Hoang Phong chuyển ngữ






Bài 2:


Y Khoa chỉ là phép luyện đan chống lại sự đau đớn

Dilgo Khyentsé Rinpoché



Dưới đây là bài giảng thứ hai về chủ đề thái độ của một người tu tập Phật Giáo trước bệnh tật và sự đau đớn, do nhà sư Tây Tạng Dilgo Khyentsé Rinpoché thuyết giảng. Dilgo Khyentsé Rinpoché sinh năm 1910 tại tỉnh Kham (Tây Tạng), xuất gia khi vừa được 11 tuổi. Ông biệt tu trong các hang động thuộc vùng núi Denkhok suốt trong thời gian từ 15 đến 28 tuổi. Năm 1959 khi Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng và sau khi Đức Đạt-Lai Lạt-Ma vượt biên sang tỵ nạn ở Ấn Độ, thì ông cũng trốn sang Nepal.
Ông được tăng đoàn đưa lên lãnh đạo học phái Ninh Mã từ năm 1987 đến khi ông qua đời vào năm 1991. Ông là một trong số các vị thầy của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma XIV và cả của nhà sư người Pháp là Matthieu Ricard.

Tựa của bài giảng có nghĩa là ngành y khoa cũng chỉ là một phép luyện đan (alchimie / alchemy / chế biến "cao đơn hoàn tán") nhằm tạm thời chống lại sự đau đớn và bệnh tật mà thôi, không phải là một giải pháp tối hậu. Phương thuốc của Phật Giáo mang tính cách đích thật hơn, sâu sắc và dứt khoát hơn, nhằm giúp chúng ta đối đầu với mọi thứ bất hạnh, khổ đau và bệnh tật. Dưới đây là phần chuyển ngữ của bài giảng này. Độc giả có thể tìm xem bản tiếng Pháp trên mạng (http://www.buddhaline.net/Medecine-L-alchimie-de-la).


Dilgo Khyentsé Rinpoché (1910-1991)


Một cơn đau đớn cực độ cũng có thể đưa đến một thể dạng giác ngộ nào đó giúp mình mở rộng tâm thức và con tim hướng vào kẻ khác. Nếu quý vị luyện tập bằng thiền định và nhờ vào phép hiến dâng trong tâm thức tất cả hạnh phúc của mình để đổi lấy khổ đau của kẻ khác và ước mong rằng những gì mình đang gánh chịu là một cách để khổ đau thay cho kẻ khác, thì quý vị cũng sẽ thực hiện được các kinh nghiệm cảm nhận trên đây(tức là đạt được giác ngộ. Nếu bị bệnh tật hay những cơn đau cực độ hành hạ thì mình nên ý thức là tất cả chúng sinh cũng đang khổ đau như thế và ngoài những khổ đau của mình thì mình cũng xin nhận chịu thêm khổ đau của tất cả chúng sinh. Để đổi lại thì mình cũng xin hiến dâng tất cả hạnh phúc của mình cho họ và hy vọng rằng sự đau đớn đang hành hạ mình sẽ làm giảm bớt đi sự đau đớn của tất cả chúng sinh. Sức mạnh từ bi đó sẽ mang lại sự giác ngộ cho mình. Câu trên đây phản ảnh một trong những phương pháp tu tập căn bản của Kim Cương Thừa gọi là "tonglen" tức là sự "trao đổi").

Trước hết quý vị hãy phát lộ trong nội tâm mình tình thương thật mãnh liệt đối với tất cả chúng sinh. Nhằm giúp mình thực hiện điều ấy quý vị nên nghĩ đến một người nào đó thật nhân từ, chẳng hạn như mẹ của mình. Hãy hồi tưởng lại tình thương yêu của mẹ đối với mình. Mẹ phải mang nặng đẻ đau để mang lại sự sống cho mình và nuôi mình không hề quản ngại khó khăn. Người mẹ bao giờ cũng xem hạnh phúc của con mình lớn hơn hạnh phúc của mình và luôn hy sinh tất cả vì con.

Tiếp theo đó quý vị hãy hình dung ra trước mắt mình cảnh mẹ đang phải gánh chịu những nỗi đau thương thật khủng khiếp, người ta đạp mẹ xuống đất và đánh đập mẹ thật tàn nhẫn, hoặc ném mẹ vào lửa, hoặc hành hạ mẹ; hoặc thấy mẹ gầy còm chỉ còn xương bọc da và đang chìa tay van xin mình: "Con ơi, cho mẹ một bát cơm!" Hoặc tưởng tượng mẹ phải hóa thân làm một con hươu và đang bị bọn thợ săn xua chó đuổi bắt. Hươu rơi xuống hố sâu, gãy chân và hấp hối, bọn thợ săn xông đến lấy dao đâm chết!

Quý vị tiếp tục hình dung ra những cảnh khổ đau cùng cực mà mẹ mình (hoặc bất cứ một người nào khác làm đối tượng cho việc thiền định của mình) đang phải gánh chịu. Hãy cảm nhận thật mạnh tất cả sự đau đớn ấy của mẹ, đến độ mà lòng xót xa thương mẹ tràn ngập tất cả tâm thức mình. Sau đó thì quý vị mở rộng sự thương cảm đó đến tất cả chúng sinh, và nghĩ rằng tương tự như thế, tất cả chúng sinh cũng đều có quyền được hưởng sự xót thương đó của mình và họ cũng có quyền tránh khỏi những hoàn cảnh đau thương của họ. Quý vị cũng phải nghĩ đến là trong số đó có cả những người mà mình xem như kẻ thù, hay những người đã từng gây ra mọi điều khó khăn cho mình. Hãy nhìn vào các chúng sinh ấy như một đoàn người thật đông và tất cả đang phải gánh chịu đủ mọi thứ khổ nhục dưới muôn nghìn cách khác nhau, kéo dài từ chu kỳ hiện hữu này sang chu kỳ hiện hữu khác.

Quý vị nên hình dung thật chi tiết trong tâm thức mình các hoàn cảnh khổ đau của tất cả chúng sinh. Có những người già nua và đau ốm đang rên siết, có những kẻ nghèo khó không đủ ăn. Có những người đang bị đói khát hành hạ. Có những người đang bị đủ mọi thứ ám ảnh bệnh hoạn đày đọa, hoặc bị các sự thèm khát và hận thù bùng lên mãnh liệt khiến họ trở thành điên rồ.

Khi nào phát lộ được sự thương cảm vô biên đối với các chúng sinh đang đau khổ ấy thì quý vị cũng có thể bắt đầu chuyển sang giai đoạn luyện tập tiếp theo gọi là sự "trao đổi". Nếu có thể thì quý vị hãy hình dung ra trước mắt mình những kẻ đang gánh chịu khổ đau, và đồng thời tưởng tượng rằng mình đang thở ra tất cả không khí trong lồng ngực mình cùng với tất cả hạnh phúc, sức sống, sự may mắn, sức khỏe của mình để hiến dâng cho họ. Nói một cách vắn tắt là quý vị hiến dâng cho họ tất cả những gì quý giá nhất của mình, và tưởng tượng tất cả những thứ ấy là một bát nước cam lồ màu trắng, thật mát và rạng ngời. Quý vị hiến dâng bát nước ấy với tất cả lòng chân thật của mình cho tất cả chúng sinh đang đau khổ và ước mong họ đều được hưởng sự mầu nhiệm của bát nước ấy. Hãy tưởng tượng họ uống đến giọt cuối cùng và nhờ đó khổ đau của họ sẽ chấm dứt và mọi ước nguyện của họ cũng đều sẽ trở thành sự thật. Nếu mạng sống của họ đang lâm nguy thì họ cũng tránh khỏi được và sống lâu hơn; nếu họ là những người nghèo khó thì sẽ được no đủ hơn; nếu họ đang đau ốm thì sẽ được khoẻ mạnh và tràn đầy sức sống.

Đến khi hít vào thì quý vị hãy tưởng tượng rằng mình hít vào phổi một đám khói đen gồm mọi thứ bệnh tật và các độc tố tâm thần của tất cả chúng sinh, trong số đó phải kể cả những kẻ thù của mình nữa. Hãy tưởng tượng rằng sự trao đổi đó sẽ làm nhẹ bớt đi những nỗi đọa đày của họ, và đồng thời những thứ khổ đau của họ sẽ hiện ra như một đám sương mù do gió đưa đến. Quý vị hít vào lồng ngực mình tất cả những thứ khổ đau ấy của họ, và khơi động trong lòng mình một niềm hân hoan mênh mông và kết hợp niềm hân hoan ấy với sự cảm nhận Tánh Không (kết hợp khổ đau của chúng sinh và của mình và hòa nhập tất cả trong một niềm hân hoan tỏa rộng và hòa nhập tất cả với Tánh Không).

Hãy chuyên cần luyện tập như thế đến một lúc nào đó thì phép quán tưởng ấy sẽ hóa thành một bản chất thứ hai của con người quý vị (có nghĩ là bản tính của mình là như thế: sẵn sàng hiến dâng hạnh phúc của mình cho tất cả chúng sinh để đổi lấy những khổ đau của họ). Quý vị không nên nghĩ rằng chúng sinh không cần đến sự giúp đỡ của quý vị, và cũng không bao giờ cho rằng những gì mình làm là đã đầy đủ.

Quý vị có thể thực hiện phép luyện tập này dù là mình đang ở đâu và đang làm gì, kể cả trong những lúc ốm đau. Ngoài những giờ thiền định thường lệ, nếu thực hiện được thêm phép luyện tập này cùng với sự luyện tập tâm thức (sự tỉnh thức, chú tâm và cảnh giác) trong những lúc sinh hoạt thường nhật thì nhất định quý vị sẽ gặt hái được nhiều kết quả.

Ngoài ra quý vị cũng có thể tập luyện bằng cách tưởng tượng trong lúc thở ra thì quả tim mình sẽ hóa thành một bầu không gian rạng rỡ, và từ bầu không gian đó sẽ tỏa ra một vầng hào quang màu trắng mang theo với nó tất cả hạnh phúc của mình để hiến dâng cho toàn thể chúng sinh trong khắp miền không gian. Khi hít vào thì quý vị tưởng tượng rằng mình đang thu vào tim mình mọi thứ xúc cảm bấn loạn và khổ đau của chúng sinh, tương tự như như hít cả một đám khói đen dầy đặc, và đám khói ấy sẽ tan biến hết trong vầng hào quang màu trắng, và không để lại một dấu vết nào. Hãy tưởng tượng rằng tất cả những ai đang phải chịu khổ sở và đớn đau đều trút bỏ được những thứ ấy và tìm thấy được niềm hân hoan.

Thỉnh thoảng quý vị cũng nên tập bằng cách tưởng tượng là thân thể mình hóa thành muôn nghìn hình tướng khác nhau và phân tán ra khắp nơi trong vũ trụ. Mỗi khi các hình tướng ấy gặp các chúng sinh đang khổ đau trong vũ trụ thì hiến dâng hạnh phúc của mình và đổi lấy khổ đau của họ.

Quý vị cũng có thể tưởng tượng là mình hóa thành quần áo để hiến dâng cho những ai đang chịu rét lạnh, hóa thành thức ăn cho những ai đang đói, một mái nhà cho những kẻ lang thang; hoặc hóa thành "một viên đá quý nhiệm mầu giúp thực hiện tất cả những điều ước nguyện". Viên đá to lớn hơn cả tầm vóc của thân thể mình, óng ánh màu "xa phia" xanh biếc, và được treo trên đầu một ngọn cờ chiến thắng, nhằm giúp thực hiện bất cứ một ước vọng hay một lời nguyện cầu nào của bất cứ ai.

Hoặc quý vị cũng có thể luyện tập bằng cách nhận lấy về phần mình tất cả mọi sự hung bạo phát sinh từ những thứ xúc cảm tiêu cực, tức là các nguyên nhân mang lại mọi sự bất hạnh, và nghĩ rằng mình sẽ hội đủ khả năng làm tan biến tất cả các nguyên nhân tiêu cực ấy thay cho người khác. Quý vị bắt đầu hình dung ra bất cứ một thứ xúc cảm tiêu cực nào, chẳng hạn như sự thèm muốn; sự thèm muốn ấy có thể chỉ là một sự thu hút hay là cả một sự bám víu thật mạnh vào một người hay một vật nào đó mà mình thích. Tiếp theo đó quý vị lại nghĩ đến một người mà mình ghét bỏ và xem như kẻ thù, và hãy tưởng tượng rằng tất cả các dục vọng của người này sẽ được quý vị gộp chung với các dục vọng của quý vị (nhận chịu tất cả các nguyên nhân mang lại khổ đau cho mình và cho cả kẻ thù của mình). Quý vị hãy phát lộ một sự thương cảm thật mạnh đối với người ấy (tức là kẻ thù của mình), và sau đó sẽ trải rộng sự thương cảm ấy đến tất cả chúng sinh, bằng cách nghĩ rằng mình sẽ nhận lãnh tất cả các dục vọng của họ (nhận lãnh tất cả các nguyên nhân mang lại khổ đau cho kẻ thù và cho tất cả chúng sinh): "Nhờ đó tất cả chúng sinh sẽ được giải thoát khỏi những dục vọng của họ và sẽ đạt được Giác Ngộ". Quý vị có thể luyện tập phương pháp trên đây theo nhiều cách, thí dụ như thay vì tưởng tưởng ra các thứ dục vọng (sự bám víu, ghét bỏ...) như trường hợp trên đây, thì quý vị có thể thay vào đó bằng các thứ xúc cảm khác chẳng hạn như sự giận dữ, kiêu căng, sự thèm muốn, các xúc cảm bấn loạn hay bất cứ một thể dạng tâm thần nào có thể khuấy động và làm cho tâm thức quý vị u mê.

Nhằm giúp mình chủ động các thứ xúc cảm trên phương diện sự thật tuyệt đối, thì quý vị hãy khơi động trong tâm thức mình một sự thèm muốn nào đó và tiếp theo đó sẽ gộp thêm các dục vọng khác của tất cả chúng sinh. Sau đó quý vị hãy hướng vào nội tâm mình để phân tích và tìm hiểu những dục vọng ấy. Quý vị sẽ nhận thấy rằng chúng không hề hàm chứa một sự hiện hữu tự tại nào. Khi nhìn vào các thứ dục vọng chồng chất như một quả núi trong tâm thức nhờ vào sự tưởng tượng của mình, thì quý vị cũng sẽ nhận thấy quả núi ấy cũng chỉ đơn giản là một đống tư duy khổng lồ, hoàn toàn không hàm chứa một sự hiện thực nào. Từ bản chất, tâm thức cũng tương tự như không gian, không hàm chứa một thực thể nào cả (có nghĩa tâm thức cũng chỉ là Tánh Không).

Trừ phi đã được luyện tập từ lâu, nếu không thì cũng sẽ thật hết sức khó cho quý vị mang ra ứng dụng các phép luyện tập trên đây khi mà quý vị vẫn còn phải đối đầu trực tiếp với khổ đau (một khi mà mình vẫn còn bị khống chế bởi khổ đau của chính mình thì làm thế nào có thể nhận chịu thêm khổ đau của kẻ khác và hiến dâng "hạnh phúc" của mình cho họ được. Do đó tu tập theo Kim Cuơng Thừa thường phải cần đến sự giúp sức của một vị thầy). Tuy nhiên, nếu chuyên cần thì dần dần quý vị cũng sẽ thành công, ngay cả trường hợp gặp phải những hoàn cảnh khó khăn. Dầu sao đi nữa thì mọi sự rồi cũng sẽ trở nên thuận lợi hơn (một câu nhằm khuyến khích chúng ta đấy).



Vài lời ghi chú của người dịch


Qua bài 1, chúng ta có thể hình dung được phần nào quan điểm của của Phật Giáo Theravada về sự ốm đau trên thân xác. Thân xác đó của mình chỉ là một sự cấu hợp của ngũ uẩn liên kết với vô thường, và đấy cũng là kết quả mang lại từ những hành động của chính mình. Những hành động ô nhiễm tất sẽ phải tạo ra một thân xác ô nhiễm. Tất cả đều thật tự nhiên và giản dị. Vì thế chúng ta cũng không nên bám víu vào sự ô nhiễm ấy để mà mang thêm những khổ đau khác nữa một cách vô ích.

Bài 2 trên đây đưa chúng ta vào một thế giới khác, một thế giới thật mầu nhiệm và lạ lùng, một thế giới mà nơi đó mỗi người tu tập đều mở rộng con tim mình để gánh chịu tất cả khổ đau của thế gian này. Khi đã nhìn thấy được khổ đau mênh mông của tất cả chúng sinh thì khổ đau trên thân xác mình nào có nghĩa lý gì đâu. Khi trông thấy mẹ mình bị người khác hành hạ và đánh đập thì mình sẽ cảm thấy xót xa và đau khổ vô cùng, thế nhưng cái đau khổ ấy thật ra lại không phải là khổ đau của mình mà là của mẹ mình mà mình đã biến nó trở thành cái khổ đau bên trong lòng mình, ở tận đáy tim mình. Khi nào mình biến được khổ đau của tất cả chúng sinh thành khổ đau của chính mình tương tự như khổ đau của mẹ đang xé nát con tim mình, thì sự giác ngộ cũng sẽ theo đó mà bùng lên với mình.

Đấy cũng là con đường tu tập của Kim Cương Thừa. Trên con đường đó người tu tập không có một dịp nào hay một giây phút nào để dừng lại mà lo sợ, than khóc, hay chữa chạy, bởi vì tất cả bệnh tật trên thân xác mình và những khổ đau mênh mông của tất cả chúng sinh đã được mình làm cho tan biến hết trong Tánh Không. Trên con đường đó, người tu tập bước thẳng vào sự Giác Ngộ ngay trong kiếp sống này.




Bài 3

Không nên hoãn sang ngày hôm sau
Eihei Dôgen


Đạo Nguyên sinh năm 1200 tại một ngôi làng bên bờ sông Uji phía nam thành phố Kyoto. Mồ côi cha khi vừa lên hai và mồ côi mẹ lúc bảy tuổi. Từ bé ông rất thông minh, bốn tuổi đã đọc được thơ tiếng Hán. Sau khi mẹ mất thì một người chú tên là Minamoto Michitomo mang về nuôi. Người này là một nhà thơ có tiếng thời bấy giờ, và có lẽ cũng nhờ đó mà Đạo Nguyên đã có một tâm hồn thấm nhuần thi văn rất sớm. Hầu hết các tác phẩm của ông đều bàng bạc một tinh thần thi phú thật sâu sắc và tràn đầy rung động. Lúc hấp hối mẹ ông có trăn trối với ông rằng: "Con hãy cố gắng trở thành một nhà sư để giúp đỡ tất cả chúng sinh". Ông không bao giờ quên lời trăn trối đó của mẹ. Năm 12 tuổi ông trốn vào vùng núi Hiei ở vùng đông bắc thành phố Kyoto để tìm một người chú khác tu ở một ngôi chùa trong vùng này để xin xuất gia. Lớn lên ông đã trở thành một trong các vị thiền sư và là một trong những nhà tư tưởng lỗi lạc nhất của nước Nhật và cũng có thể là cả Thiền Tông. Tập luận Chánh Pháp Nhãn Tạng (Shôbôgenzô) thật đồ sộ của ông là cả một tư liệu học tập cho toàn thể các học phái Thiền Tông. Ông mất vào năm 1253.

Bài giảng dưới đây của ông nhằm khuyên những ai nếu muốn bước theo Con Đường của Đức Phật thì phải kiên trì và quyết tâm, không nên vin vào lý do sức khỏe hay bất cứ một lý do nào khác để trì hoãn việc luyện tập. Bài giảng được trích từ quyển sách ghi chép các bài giảng của ông mang tựa là "Shobogenzo Zuimonki". Độc giả có thể xem ấn bản tiếng Pháp và tiếng Anh của quyển sách này trên mạng:

http://www.buddhaline.net/Shobogenzo-Zuimonki-Ne-pas


http://global.sotozen-net.or.jp/common_html/zuimonki/index.html

Sách in:

- Enseignements du maître zen Dôgen, Shôbôgenzô Zuimonki, nxb Sully, 2002, do thiền sư người Pháp là Kengan D. Robert dịch.

- A Primer of Soto Zen: A Translation of Dogen's Shobogenzo Zuimonki (East West Center Book) by Dogen, Reiho Masunaga, published by University of Hawaii Press, 1975.




Eihei Dôgen (1200-1253)



Những người tu tập theo Con Đường không bao giờ được phép hoãn lại việc luyện tập, mà phải luôn cảnh giác trong từng ngày và trong từng khoảnh khắc một. Phải chuyên cần luyện tập ngày này sang ngày khác, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác.

Mùa xuân năm qua có một người thế tục đau ốm từ lâu và tự hứa rằng: ngày nào tôi khỏi bệnh thì tôi sẽ từ bỏ vợ con và sẽ cất một chiếc am nhỏ cạnh một ngôi chùa. Tôi sẽ dự lễ sám hối hai lần mỗi tháng (theo tục lệ, chùa chiền thường tổ chức lễ sám hối hai lần mỗi tháng vào các ngày rằm và mồng một), ngày ngày tôi sẽ luyện tập và nghe giảng Dharma (Đạo Pháp). Tôi nghĩ rằng đấy là cách giúp tôi sống một cuộc sống đạo hạnh cho đến cuối đời tôi.

Một thời gian sau, nhờ được chăm sóc nên sức khoẻ của người này cũng khả quan hơn, thế nhưng sau đó bệnh lại tái phát khiến người này nằm liệt giường. Tháng giêng vừa qua, bệnh tình bỗng trở nên trầm trọng hơn và người này đau đớn vô cùng, để rồi một hay hai tháng sau đó thì người ấy qua đời.

Đêm hôm trước khi chết, người này xin quy y Tam Bảo và nguyện sẽ tuân thủ giới luật của người bồ-tát. Nhờ đó người này ra đi thật êm thắm. Chuyện xảy ra như thế thật cũng đáng mừng, vẫn còn tốt hơn là chết với một tâm thần xao động vì quyến luyến vợ con. Dầu sau đi nữa tôi vẫn nghĩ rằng nếu một năm trước đó người ấy sớm biết rời bỏ gia đình như dự tính, thì mọi việc xảy ra sẽ còn tốt đẹp hơn nhiều. Nếu thực hiện được nguyện vọng của mình thì người ấy sẽ được sống gần chùa, bên cạnh Tăng Đoàn và kết thúc đời mình trên Con Đường.

Trông thấy cảnh ấy, tôi nghĩ rằng dù trong bất cứ trường hợp nào thì cũng không nên hoãn sang ngày hôm sau việc tu tập giúp mình bước theo Con Đường của Đức Phật. Nếu quý vị đang ốm đau và nghĩ rằng khi nào khỏi bệnh thì mình sẽ bắt đầu luyện tập, thì việc ấy chứng tỏ rằng quý vị chưa hội đủ tinh thần Giác Ngộ. Thân xác chỉ là một sự cấu hợp của bốn thành phần (đất, nước, lửa và khí) sẽ không sao tránh khỏi bệnh tật? Thân xác của các vị Thầy trong quá khứ nào có phải là bằng vàng hay bằng thép đâu (thế nhưng họ vẫn kiên trì và đạt được kết quả), họ chỉ được thúc đẩy bởi lòng hăng say tu tập giúp họ bước theo Con Đường và không màng đến bất cứ gì khác, họ gạt bỏ tất. Đấy là cách gạt sang một bên những chuyện vụn vặt trong cuộc sống thường nhật, hầu giúp mình đủ sức đương đầu với các khó khăn to lớn hơn. Con Đường của Đức Phật thật vô cùng trọng đại, vì thế quý vị cũng nên tìm mọi cách để học hỏi ngay trong kiếp sống này, và không nên phung phí một giây phút nào.

Một vị Thầy trong quá khứ từng nói rằng: "Không được đánh mất thời giờ " (có thể đây là ý nói đến vị thiền sư Trung Quốc Shitou Xiquan, tiếng Nhật là Sandokai và tiếng Việt là Thạch Đầu Hi Thiên, thế kỷ thứ VIII. Vị này có làm một bài thơ rất nổi tiếng tóm lược các nét chính yếu trong giáo lý nhà Phật và câu kết là: "Tôi kính cẩn van xin quý vị chớ để những ngày và những đêm trong cuộc đời mình trôi đi một cách vô ích"). Dù được chăm sóc và dù cho căn bệnh có trở nên trầm trọng đi nữa thì quý vị vẫn cứ nên tiếp tục luyện tập trước khi tình trạng trở nên nan giải. Đến một lúc nào đó dù có phải đối đầu với các khó khăn của tình trạng ấy đi nữa thì quý vị cũng nên tìm đủ mọi cách giúp mình luyện tập trước khi cái chết xảy đến (xin lưu ý là Thiền học nói chung và nhất là thiền phái Tào Động chủ trương chỉ cần hành thiền trong yên lặng với một tư thế ngồi vững chắc và đúng cách gọi là zazen, không cần phải tìm hiểu hay lý luận gì cả, sự Giác Ngộ rồi sẽ xảy đến một cách tự nhiên).

Nếu mình mang bệnh thì đôi khi cũng qua khỏi, thế nhưng đôi khi cũng có thể trở nên trầm trọng hơn. Lắm khi bệnh cũng lành mà không cần phải chữa chạy gì cả. Trái lại dù được tận tình chạy chữa thế nhưng đôi khi bệnh vẫn cứ trở nên trầm trọng hơn. Quý vị phải luôn ý thức điều ấy.

Những ai đã bước vào Con Đường, thì không nên nghĩ rằng mình sẽ luyện tập khi nào tìm được một mái nhà (một chiếc am, một ngôi chùa. Trong quá khứ người Nhật thường có tục lệ tự cất am, xây chùa để tu hành), có được quần áo (cà sa) và chiếc bình bát. Nếu vì quá nghèo khó, quý vị chờ khi nào có quần áo (cà sa), bình bát và những thứ khác nữa, thì quý vị có ngăn chận được cái chết không cho nó tiến đến gần mình hay không? Nếu quý vị cứ tiếp tục chờ đợi khi nào có được những thứ ấy thì quả đấy chỉ là một cách phung phí thời giờ một cách vô ích. Dù là người thế tục hay đã xuất gia, quý vị hãy bước ngay theo Con Đường của Đức Phật, không cần phải chờ đến khi có áo cà sa và chiếc bình bát. Manh áo cà sa và chiếc bình bát cũng chỉ là nghi thức của một nhà sư.

Một người tu tập chân chính bước theo Con Đường của Đức Phật sẽ không bám víu vào các thứ ấy. Nếu chúng tự đến với mình thì cứ tiếp nhận, thế nhưng không được cố tình mong cầu sẽ có được những thứ ấy. Khi đã có chúng, thì không được tìm cách có nhiều hơn nữa, đến độ hai tay không còn chỗ đề mà cầm. Thái độ đó đi ngược lại với những lời giáo huấn của Đức Phật và cũng chẳng khác gì như cố tình chờ chết mà không chịu chữa chạy.

Nếu muốn đạt được mục đích của Con Đường của Đức Phật, thì quý vị không được say mê và chăm sóc quá đáng cuộc sống này của mình, thế nhưng cũng không nên tàn phá nó. Nhằm tránh khỏi mọi sự gián đoạn trên đường tu tập, và nếu cần thì quý vị có thể dùng ngãi đốt (moxa / châm cứu bằng cách đốt ngãi ở vị trí các huyệt) và uống các thứ dược thảo.

Dầu sao đi nữa, nếu quý vị chỉ lo chữa chạy và chờ khi nào lành bệnh thì mới nghĩ đến việc luyện tập thì quả là môt điều hết sức sai lầm.


Vài lời ghi chú của người dịch
Trong Bài 1 nêu lên quan điểm của Phật Giáo Theravada đã cho chúng ta thấy ốm đau là bản chất tự nhiên và tất yếu của thân xác ô nhiễm. Đối với người tu tập thì họ chỉ cần hành xử trong cuộc sống như thế nào để có thể buông xả tất cả, hầu giúp mình bước vào Con Đường một cách thanh thản và nhẹ nhàng. Hình ảnh của những vị tỳ kheo ôm bình bát, yên lặng và chậm rãi bước đi giữa cuộc đời này có thể phản ảnh ít nhiều lý tưởng của một vị A-la-hán. Lý tưởng đó nói lên sự đình chỉ của sự vận hành trói buộc của sự hiện hữu của người tu hành .

Trong Bài 2, theo Kim Cương Thừa thì trái lại sự đau đớn và bệnh tật trên thân xác là những "dịp may" vô cùng quý giá giúp người tu tập đạt được Giác Ngộ, bởi vì đấy là những cơ hội giúp họ phát động lòng từ bi trong lòng mình khi nghĩ đến tất cả chúng sinh cũng đều khổ đau như mình. Những cơn đau đớn khủng khiếp và những bấn loạn trong tâm thức chẳng hạn như sự giận dữ, tham lam, hận thù cũng như những ám ảnh bản năng, đều hàm chứa những sức mạnh vô song. Người tu tập Kim Cương Thừa phải biết lợi dụng những sức mạnh tiêu cực ấy để biến chúng trở thành tích cực giúp mình bước thẳng vào Giác Ngộ.

Thiền Tông mở ra cho chúng ta một thế giới khác hẳn. Trong thế giới đó dường như không còn một điểm chuẩn nào có thể giúp chúng ta định hướng, cũng không có một nguyên tắc nào được quy định rõ rệt để noi theo, và tất nhiên chúng ta cũng sẽ khó tránh khỏi một sự hoang mang nào đó. Chẳng qua là vì cái thế giới của Thiền Tông thật thâm sâu và hết sức mênh mông khiến người tu tập dễ bị lạc hướng.

Các công án không phải là những chủ đề để tìm hiểu hay phân tích, mà chỉ để giúp mình trực nhận một cái gì đó tàng ẩn phía sau các công án ấy. Một số người tìm cách giải thích ý nghĩa các công án theo quan điểm và kinh nghiệm riêng của họ và do đó cũng có thể đã khiến cho một số người khác tin theo càng bị hoang mang thêm. Nếu các công án chỉ là một phương tiện thì các kỹ thuật thiền định cũng như các chủ đề suy tư khác đối với Thiền Tông cũng chỉ giữ những vai trò thứ yếu mà thôi. Ngồi xuống trong tĩnh lặng, nhìn vào một bức tường hay một khoảng trống không trước mặt là chủ đích chính yếu nhất của Thiền Tông. Ngồi xuống, ngồi xuống, và lúc nào cũng cứ ngồi xuống..., im lìm và bất động như một pho tượng hay một quả núi, không suy nghĩ gì cả và cũng chẳng chờ đợi gì cả, thế nhưng thật ra đấy lại là mục đích tối thượng và sâu xa nhất của một người tu thiền.

Thiền học "Tchan" của Trung Quốc trên thực tế cũng đã ít nhiều mai một, và sau khi được du nhập vào Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ VII thì đã chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi văn hóa và tánh khí của người Nhật để trở thành thiền học "Zen" ngày nay. Vô số các nghi thức tỉ mỉ và thật chính xác, cũng như những khung cảnh đơn sơ, nghiêm trang và thiêng liêng của những gian phòng thiền, của những khu vuờn thiền hay một lối sống thiền mà người Nhật đã ghép thêm vào Thiền Tông cũng chỉ cần thiết cho những bước đầu của một người tu tập.

Thế nhưng ở thế giới Tây Phương lại xảy ra một sự kiện hết sức lạ lùng là có rất nhiều người tu tập rập khuôn theo thiền học Zen Nhật Bản, trong số họ có những người có trình độ học vấn rất cao, họ là giáo sư đại học, bác sĩ, các khoa học gia, triết gia..., cũng như rất nhiều tầng lớp khác trong xã hội. Đồng thời ở Tây Phương thiền học Zen cũng đã bất ngờ cho thấy một xu hướng khá đặc biệt là việc hành thiền được sử dụng như một phương pháp chữa trị bệnh tật và các rối loạn tâm thần. Khoa học đã chứng minh cho thấy một người hành thiền chủ động sự đau đớn dễ dàng hơn so với những người bình thường. Sự chủ động các xúc cảm trong tâm thức cũng dự phần thật tích cực vào việc chữa chạy bằng thuốc men hay bằng các phương tiện khác. Một số bệnh viện đã chính thức mở ra các khoa trị liệu bằng phép hành thiền. Một số trường học cũng bắt đầu nghĩ đến việc tập cho các em học sinh ngồi thiền giúp chúng bớt nghịch ngợm và chú tâm vào việc học hành dễ dàng hơn. Thế nhưng cũng cần phải hiểu rằng bất cứ một sự bám víu nào, dù là dưới bất cứ một hình thức nào cũng không phải là cách tu tập Phật Giáo. Hành thiền phải đưa người tu tập đến Giác Ngộ, và tuyệt nhiên không phải là một phương pháp cải thiện sức khoẻ. Dầu sao theo Dilgo Khyentsé Rinpoché trong bài giảng số hai thì y khoa cũng chỉ là một phép luyện đan mà thôi.

Tư thế ngồi yên và bất động của một người hành thiền là một phương pháp giúp chủ động thân xác ô nhiễm, cấu hợp và vô thường của mình. Sự chủ động đó sẽ xóa bỏ mọi xúc cảm đớn đau trên thân xác và mọi sự bám víu trong tâm thức, nhằm giúp người hành thiền tìm về với thân xác nguyên thủy, tinh khiết và "khổ hạnh" của mình, nói cách khác là khám phá ra thân xác của một vị Phật (Dharmakaya). Thiền học Zen gọi sự khám phá đó hay sự trở về với chính mình là Ngộ (Satori). Thật ra những gì trên đây là do người dịch suy đoán thế thôi, bởi vì những người hành thiền chân chính và đắc đạo không bao giờ giải thích Ngộ mà họ đạt được là gì. Hơn nữa thiền học Zen cũng chỉ nói đến zazen, tức là tư thế ngồi của một người hành thiền, nhưng không giải thích một cách chính xác ngồi để làm gì, nhất là không hề đề cập gì đến các phép thiền định tĩnh lặng và phân giải thường được nghe nói đến, bởi vì theo Thiền Tông thì sự Giác ngộ là một sự trực nhận không cần phải nhờ vào các giai đoạn "chuẩn bị" ấy.

Giữ tư thế ngồi với hai chân tréo lại, uy nghi và bất động với một tâm thức thăng bằng không phải là một chuyện dễ. Chúng ta hãy thử ngồi thì sẽ hiểu ngay: thật hết sức khó cho chúng ta giữ được hơn năm phút trong tư thế thật đúng của một người hành thiền. Hai chân có thể bị tê vì máu chảy không đều, cảm giác ngứa ngáy trên thân thể, cổ mỏi, buồn ngủ, hoặc bồn chồn, v.v. và v.v... Thân xác tương đối dễ giữ yên hơn tâm thức, thế nhưng nếu chúng ta không giữ được thân xác bất động thì cũng sẽ hết sức khó cho chúng ta mang lại sự thăng bằng cho tâm thức, và cũng nên hiểu rằng cả hai, thân xác và tâm thức, đều liên kết chặt chẽ với nhau.

Do đó hành thiền là một hình thức phấn đấu thật mạnh, phấn đấu với đau đớn và bệnh tật trên thân xác và các xúc cảm bám víu trong tâm thức của chính mình. Chẳng phải khổ đau là Sự Thật Cao Quý thứ nhất trong bốn Sự Thật Cao Quý và là những gì cần phải nhận biết trước hết hay sao? Sự Thật ấy thật hết sức cần thiết hầu giúp người hành thiền mở rộng con tim mình hướng vào tất cả chúng sinh.

Sự đau đớn, bệnh tật là những dấu hiệu mất thăng bằng trong sự vận hành của ngũ uẩn. Hành thiền trong im lặng là một cách tái lập lại sự thăng bằng đó, và cũng là một cách giúp mình nhận thấy các cách hành xử sai trái của mình trong quá khứ đã đưa đến tình trạng hiện nay của mình. Nói một cách khác đấy là cách giúp mình ý thức được các sự lầm lỗi của mình trước đây nhằm tự tha thứ cho mình và xóa bỏ mọi sự lo lắng về bệnh tật hầu giúp mình "lớn lên" một cách lành mạnh hơn. Đấy cũng là cách giúp chúng ta phát lộ lòng từ bi, giữ gìn đạo đức, tẩy xóa mọi thứ ô nhiễm cũng như các cảm tính kiêu căng và các xúc cảm bấn loạn nhằm giúp mình mở rộng tâm thức hầu thể dạng "Ngộ" có thể bùng lên. Cũng xin mạn phép nhắc lại một lần nữa là những gì trên đây cũng chỉ là những sự suy luận cá nhân của người dịch mà thôi. Thật vậy tư thế ngồi im và bất động của một người hành thiền tự nó đã là một sức mạnh và tự nó cũng đã hàm chứa từ bên trong nó những khả năng thật tuyệt vời giúp người hành thiền bước thẳng vào Giác Ngộ.

Ngoài ra người ta cũng thường nói đến sự tỉnh thức trong Thiền Tông, tức là sự hòa nhập vào từng giây phút một trên dòng chuyển động của hiện thực. Thật ra thì thể dạng này luôn đòi hỏi một sự tập luyện lâu dài và cũng không nhất thiết là một đặc thù của Thiền Tông, bởi vì hầu hết các tông phái khác cũng có nêu lên và cũng đã đưa ra nhiều kỹ thuật nhằm thực hiện thể dạng này. Chủ đích của Thiền Tông cũng như của Kim Cương Thừa là giúp người tu tập đạt được Giác Ngộ một cách bất thần và ngay trong kiếp sống này.

Bài giảng của Đạo Nguyên trên đây không hề nói đến là chúng ta phải thiền định như thế nào mà chỉ khuyên chúng ta không được đánh mất thời giờ trước khi đau ốm xảy đến với mình, và dù cho đang ốm đau hay đang gặp phải những khó khăn nào đi nữa, thì cũng cứ phải ngồi xuống để hành thiền. Lời khuyên quan trọng thứ hai là phải thiền định ngay, không nên đòi hỏi phải hội đủ bất cứ một điều kiện nào cả, không được chờ đến khi tìm được một ngôi chùa, một mái am, chiếc áo cà-sa và chiếc bình bát thì mới tập thiền. Thật vậy bệnh tật và đớn đau vận hành thuận theo dòng luân lưu của nghiệp, và không hề chờ đợi đến khi nào chúng ta chuẩn bị xong thì mới ra tay. Chúng ta phải ngồi xuống ngay trong những giây phút này để chuẩn bị và chờ đợi chúng. Một mái chùa "tươm tất", một chiếc áo cà-sa "may khéo" hay một chiếc bình bát "thật đầy" cũng có thể trở thành những chướng ngại vật cho chúng ta đấy.


Hoang Phong chuyển ngữ










2

CHUYỆN NỒI CƠM CỦA KHỔNG TỬ



Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử

Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.
May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.

Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.

Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …

Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”

Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ …

Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.

Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …

Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy … cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?

Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”

Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”

Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”

Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”

Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …

Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!

Từ học thuyết Nho gia nhìn nhận sự giao lưu văn hóa giữa Đông Á với Phương Tây và các vấn đề khác




Do sự khác biệt giữa hai nền văn hoá Đông Tây, rất nhiều nhân sĩ phương Tây thiếu sự hiểu biết và lý giải về nền văn hoá truyền thống Đông Á lấy học thuyết nho gia làm trung tâm.






Đồng thời rất nhiều dân chúng Đông Á còn có sự hiểu lầm trong việc nhìn nhận văn hoá và giá trị phương Tây. Vì vậy, đi sâu vào nghiên cứu và thảo luận truyền thống văn hoá Đông Á và quan niệm giá trị được tạo nên do tác động của chúng, những vấn đề và sự mâu thuẫn nảy sinh trong sự giao lưu với văn hoá và quan niệm giá trị phương Tây đã trở thành một chủ đề rất thú vị.

1. Học thuyết Nho gia và văn hoá Đông Á

Ở phương Tây, khi nhắc tới văn hoá truyền thống Đông Á với cội nguồn là văn hoá Hán, người ta thường trước tiên nhớ tới Khổng Tử và học thuyết Nho gia do ông sáng lập ra. Quả thực trong hơn 2000 năm lịch sử đã qua, học thuyết nho gia không những giữ vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển văn hoá truyền thống của Trung Quốc, mà còn có sự ảnh hưởng rộng rãi và sâu sắc tới các nước láng giềng. Nhưng do sự khác biệt giữa hai nền văn hoá Đông Tây, rất nhiều nhân sĩ phương Tây thiếu sự hiểu biết và lý giải về nền văn hoá truyền thống Đông Á lấy học thuyết nho gia làm trung tâm. Đồng thời rất nhiều dân chúng Đông Á còn có sự hiểu lầm trong việc nhìn nhận văn hoá và giá trị phương Tây. Vì vậy, đi sâu vào nghiên cứu và thảo luận truyền thống văn hoá Đông Á và quan niệm giá trị được tạo nên do tác động của chúng, những vấn đề và sự mâu thuẫn nảy sinh trong sự giao lưu với văn hoá và quan niệm giá trị phương Tây đã trở thành một chủ đề rất thú vị.

Nội dung của học thuyết nho gia do Khổng Tử - nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo dục nổi tiếng (năm 479-551 trước công nguyên) sống thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc (năm 476-770 trước công nguyên) viết lại để có thể quy nạp như sau:

Trọng tâm của hệ thống tư tưởng Khổng Tử là “công”, trong đó chủ yếu là “ái nhân” và “khắc kỷ phục lễ vi nhân”, ông cho rằng mục đích của việc tu dưỡng đạo lý là “an nhân”, “an bách tính”. Tư tưởng “ái nhân” của Khổng Tử ra đời là để giải quyết tốt mối quan hệ giữa các thành viên gia đình, mối quan hệ quân thần trong sinh hoạt xã hội để đạt được mục đích mọi người sống hoà thuận với nhau, thiên hạ thái bình. Sau đó Mạnh Tử đã đưa ra chủ trương “nhân chính” có cội nguồn từ tư tưởng Khổng Tử. Trong “khắc kỷ phục lễ vi nhân”, cái mà Khổng Tử muốn nói tới là mối quan hệ giữa “lễ” và “nhân”. “Nhân” là trọng tâm của tư tưởng Khổng Tử, “lễ” cũng là khái niệm rất quan trọng trong hệ thống tư tưởng Khổng Tử. Nó bao gồm chế độ chính trị và quy phạm đạo lý. “Khắc kỷ lễ phục” là để thông qua sự sưỡng chế bên ngoài của chế độ và quy phạm cùng với sự tu dưỡng phẩm chất hoàn mỹ và tinh thần cao thượng khiến cho con người đạt tới đỉnh cao của “nhân”.

Về quan niêm đạo trời, Khổng Tử tin vào thần linh và mệnh trời, nhưng mặt khác ông lại có thái độ hoài nghi quỷ thần,và đặt lên hàng đầu việc nghiên cứu và giải quyết các vấn đề của nhân gian, đã dựng nên truyền thống nhất quán tôn trọng nhân sự của Nho gia.

Về quan điểm chính trị, Khổng Tử chủ trương: “tiết dụng nhi ái nhân, sử dân dĩ thời”, phản đối vua ép dân nộp thuê, vơ vét tiền của dân đen, phản đối thống trị nhân dân bằng thủ đoạn chèn ép độc ác, đề cao “vi chính dĩ đức”.

Khổng Tử suốt đời tham gia công tác giáo dục, ông đã đào tạo được rất nhiều học sinh tài giỏi, đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp giáo dục cổ đại của Trung Quốc phát triển. Bản thân ông khiêm tốn học hỏi người khác, ngược lại ông kiên nhẫn giảng bài cho học sinh, ông động viên tinh thần học tập thực sự cầu thị “tri chi vi tri chi”, “bất tri vi bất tri”. Với tinh thần “hữu giáo vô loại”, ông đã giúp cho nhiều người bình thường cũng có được cơ hội học tập văn hoá.

Sau Khổng Tử, Mạnh Tử đã kế thừa và phát triển toàn diện tư tưởng “nhân ái” của Khổng Tử và đã đưa ra phương pháp “tu thân dưỡng tính”, chứng tỏ Mạnh Tử đã khẳng định đầy đủ vai trò năng động chủ quan của con người. Mạnh Tử đã đưa ra học thuyết “nhân chính” nổi tiếng dựa trên nền tảng tính thiện của ông, nội dung chủ yếu của học thuyết này là “trọng dân”, ông cho rằng “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, thực tế đã hình thành được hệ tư tưởng dân chủ mộc mạc trong lịch sử cổ đại Trung Quốc. Mạnh Tử yêu cầu kẻ thống trị phải “giảm hình phạt, bớt thu thuế” khiến cho dân có được tài sản của họ. Mạnh Tử còn đưa ra quan niệm về nghĩa vụ và lợi ích, ông cho rằng nghĩa vụ có tầm quan trọng hàng đầu, ông đã đề cao tinh thần hy sinh thân mình vì đạo nghĩa.

Tóm lại, thời Tiên Tần (206-221 trước công nguyên) lấy Khổng Tử và Mạnh Tử làm đại diện, đặc điểm cơ bản của nho giáo là coi trọng các vấn đề chính trị xã hội, ra sức tìm tòi kinh nghiệm và biện pháp quản lý đất nước và trị vì nhân dân, coi trọng giá trị của con người, nhấn mạnh tầm quan trọng của “dân”, coi trọng vai trò xã hội của luân lý đạo đức, coi trọng việc phát huy vai trò năng động chủ quan của con người, bồi dưỡng tính tự giác tiềm tàng, đề cao tinh thần độc lập tự cường, lạc quan không ngừng phấn đấu vươn lên.

Nhưng tư tưởng Nho gia không phải là bất biến trong quá trình phát triển, mà là không ngừng cải tạo và biến đổi trên cơ sở duy trì nội dung trung tâm trong hệ thống tư tưởng cơ bản của Khổng Tử. Trong thời kỳ Tây Hán, vì Hán Vũ Đế mua sắm hàng hoá và nguyên liệu sản xuất và tiến hành các hoạt động thương mại về đất đai, đã khiến cho nội dung nghề nghiệp của nông dân biến đổi, đã sản sinh ra hàng loạt nhà buôn nông dân bỏ nghề hoặc nửa nông nửa thương, họ đã có quan hệ buôn bán với các nhà buôn lớn ở thành phố, vì vậy đã phá vỡ quan hệ sản xuất truyền thống giữa nông dân và lãnh chủ, đã khiến cho cơ chế kinh tế lãnh chủ phong kiến phải giải thể.

2. Tác dụng của việc lay động và phá vỡ chế độ đẳng cấp bốn thành phần trong xã hội

Việc khai triển rầm rộ các hoạt động kinh tế hàng hoá của thương nhân thành phố và sự mở rộng không ngừng tư bản thương mại của họ đã khiến cho “tiền bạc của cải trong thiên hạ đều rơi vào tay thương nhân thành thị”. Vì vậy thế lực kinh tế của thương nhân của thành thị đã áp đảo tầng lớp võ sĩ nghèo khó, nền tài chính bấp bênh khiến cho tầng lớp võ sĩ phân hoá nhanh chóng. Biểu hiện ở ba mặt sau: - Một là thế lực kinh tế của thương nhân thành thị phát triển mạnh khiến cho tầng lớp võ sĩ nghèo khó trở thành con nợ của họ; - Hai là thương nhân thành thị có thế mạnh về tiền bạc và quyền thế, nhiều thương nhân giàu có trong xã hội đã mua được “danh hiệu võ sĩ” bằng tiền, hơn nữa, quan niệm tư bản thương mại và giá trị của họ đã ảnh hưởng tới tầng lớp võ sĩ và nông dân, khiến cho không ít võ sĩ cấp thấp rời bỏ làng võ sĩ của mình gia nhập vào tầng lớp thương nhân thành thị, nhiều nông dân cũng đã bỏ nghề và thương nhân hoá; - Ba là các nhà văn tư tưởng thuộc tầng lớp thương nhân thành thị đã phê phán chế độ đẳng cấp và đấu tranh đòi bình đẳng, đã phủ nhận quan niệm phân biệt đẳng cấp phong kiến và địa vị ưu việt của võ sĩ.

3. Tác dụng phản kháng và phá vỡ sự thống trị về tư tưởng học thuyết Chu Tử của nền chính trị Mạc phủ

Quá trình hình thành, phát triển và mở rộng của nền văn hoá thương nhân thành thị và quan niệm giá trị của họ mấy thời đại gần đây có thể nói là một quá trình thoát ly, ngăn chặn, chống đối và phá vỡ sự ràng buộc và thống trị của tư tưởng Chu Tử học Mạc phủ. Tác dụng phá vỡ và làm tan rã nền chính trị tư tưởng Chu Tử học biểu hiện ở ba mặt sau: - Một là các thương nhân thành thị không có bổng lộc đã dựa vào thực lực kinh tế của mình dấy lên trào lưu ăn chơi hưởng lạc xa xỉ, tinh thần chống cấm đoán dục vọng và chủ nghĩa tình cảm của họ đã chứng tỏ tầng lớp thương nhân thành thị mới khẳng định nhân dục tư tình, theo đuổi xu hướng tinh thần và tính cách cởi mở, họ đã đả phá quan niệm cấm đoán dục vọng “tồn thiên lý, diệt nhân dục” của học thuyết Chu Tử; - Hai là quan niệm giá trị coi trọng lợi nhuận, tiền là trên hết của tầng lớp nhân dân thành thị mở rộng và thịnh hành không những đã phá vỡ được vai trò thống trị của quan niệm võ sĩ đạo lấy nghĩa làm trọng, hơn nữa còn khiến cho các võ sĩ từ khoan dung độ lượng, coi trọng danh dự, coi thường lợi ích chuyển hướng sang bỏ vinh cầu thực, họ đã làm tan rã sự thống trị của tư tưởng học thuyết Chu Tử trong nội bộ giai cấp thống trị; - Ba là các học giả trong tầng lớp thương nhân thành thị đã trực tiếp phê bình và đả kích sâu sắc học thuyết nho gia và tư tưởng quan niệm của họ, chứng tỏ tầng lớp thương nhân thành thị đã phủ nhận quyền uy tinh thần, theo đuổi đạo lý chống phong kiến, giải phóng cá tính. Tinh thần đạo lý này đã phủ định tính thực dụng của nho học và tính thần thánh của thánh hiền cổ xưa, phủ định hoàn toàn quyền uy thống trị tư tưởng bằng học thuyết Chu Tử của nền chính trị Mạc phủ.

4. Tác dụng thúc đẩy cận đại hoá Nhật Bản của luân lý thương nhân thành thị

Sự phân tích về giai cấp thương nhân thành thị và tinh thần luân lý của họ trên đây của chúng tôi chứng tỏ ở thời kỳ tiền cận đại của Nhật Bản, thứ có thể đại diện hoặc tương đương với tinh thần chủ nghĩa tư bản” mà Các- Mác đã nói tới không phải là “đề cao luân lý võ sĩ đạo cấm đoán dục tính và tiết kiệm trong sinh hoạt”, mà là luân lý giá trị và tinh thần của giai cấp thương nhân thành thị coi trọng tiền của, theo đuổi lợi nhuận, chính trực, tiết kiệm, giỏi tính toán để làm giàu. Bởi vì thời cận đại quyền bính kinh tế trong thiên hạ nằm trong tay các thương gia. Những người nắm quyền thời Mạc phủ và các Nho gia sở dĩ hết sức đề cao chủ nghĩa cấm đoán dục vọng và tinh thần tiết kiệm là để thực hiện mục đích xâm lược, vì vậy không thể trở thành động lực thúc đẩy chủ nghĩa tư bản phát triển. Tầng lớp thương nhân thành thị mạnh dạn theo đuổi tiền của, vật chất và lợi nhuận, tuy chỉ là đơn lẻ cá nhân hoặc là một gia tộc, nhưng nó ngược lại là động lực tinh thần chủ yếu nhất không thể thay thế thúc đẩy chủ nghĩa tư bản cận đại phát triển của thời đại này.

(1) - Tầng lớp thương nhân thành thị với nguyên tắc luân lý giá trị coi trọng tiền của, coi trọng lợi nhuận đã coi tiền là mục đích tự thân ai ai cũng cần phải theo đuổi, coi là một ngành nghề.

(2) – Thương nhân thành thị coi trọng doanh lợi, coi trọng giá trị thương mại, theo đà thâm nhập của tư bản thương mại vào nông thôn, thâm nhập vào tầng lớp nông dân, đã khiến họ yên tâm làm nông nghiệp lâu dài.

(3) – Tinh thần và quan niệm giá trị của thương nhân thành thị tấn công, thâm nhập và cải tạo quan niệm võ sĩ đạo, khiến các võ sĩ đạo phá vỡ được quan niệm trọng nghĩa, trọng danh, coi thường lợi nhuận của họ, khiến họ biến đổi theo hướng coi trọng giá trị hiện thực.

(4) – Thương nhân thành thị quý trọng tiền của, nhấn mạnh tư tưởng luân lý kinh tế coi trọng kinh doanh thương mại, lưu thông hợp lý.

(5) – Quan niệm giá trị hiệu quả và lợi ích và tinh thần theo đuổi lợi nhuận của thương nhân thành thị khiến cho họ dù ở thời gian nào vẫn có tư tưởng mở cửa với bên ngoài, tích cực thúc đẩy buôn bán với nước ngoài, giao lưu với nước ngoài.

(6) – Thương nhân thành thị luôn chủ trương đạo đức và doanh lợi đo đôi với nhau. công tư như nhau, chính trực trong làm ăn buôn bán.

(7) - Điều được thể hiện trong tư tưởng quan niệm của thương nhân thành thị là nhân sinh quan hiện thực lấy giàu có, mạnh khoẻ hướng lạc làm trọng.

5. Tính chất tiên tiến và những hạn chế lịch sử của quan niệm giá trị thương nhân thành thị

Trên đây đã trình bày tác dụng huỷ diệt chế độ thống trị phong kiến của tầng lớp thương nhân thành thị, quan niệm giá trị của họ, và tác dụng thúc đẩy tiến trình cận đại hoá chủ nghĩa tư bản của Nhật Bản đã thể hiện tính tiên tiến trong quan niệm giá trị của họ. Tính tiên tiến của quan niệm giá trị và tinh thần của tầng lớp thương nhân thành thị thể hiện ở chỗ nó được sinh ra theo đà phát triển của nền kinh tế hàng hoá mấy thế kỷ qua, về bản chất phát triển kinh tế hàng hoá tiền tệ có quy luật đã thúc đẩy tư bản thương mại phát triển.

Nhưng do thời đại mà thương nhân thành thị sinh sống là thời đại phong kiến do tầng lớp võ sĩ nắm quyền, giai cấp thương nhân thành thị tuy nắm quyền chủ đạo trong lĩnh vực kinh tế văn hoá, nhưng về chính trị vẫn bị ràng buộc bởi giai cấp thống trị. Hơn nữa họ tích cực phát triển kinh tế hàng hoá và kiếm tiền tìm lợi nhuận. Tích luỹ tiền của nhưng do sự tiêu pha quá lớn của giai cấp lãnh chủ, vì vậy đã khiến cho quan niệm giá trị của họ còn có nhiều hạn chế về lịch sử.

Mặc dù như vậy, chính như chúng tôi đã trình bày trên đây, giai cấp thương nhân thành thị cùng với quan niệm giá trị và xu hướng tinh thần của họ, đã có tác dụng to lớn trong việc thâm nhập, tấn công, làm tan rã và huỷ diệt nền thống trị phong kiến Mạc phan, thúc đẩy chủ nghĩa tư bản cận đại ở Nhật Bản phát triển, không có giai cấp nào và hệ tư tưởng quan niệm nào khác có thể so sánh và thay thế nổi.

Rõ ràng quan niệm giá trị của giai cấp thương nhân thành thị tuy có sự khác biệt với quan niệm giá trị của giai cấp thống trị Mạc phan, nhưng nó là quan niệm giá trị được thai nghén trong xã hội truyền thống Nhật Bản, sự tồn tại và tác dụng lịch sử của nó đã chứng minh sự cận đại hoá Nhật Bản Đông Á không phải là hoàn toàn tiếp nhận quan niệm giá trị của phương Tây hoặc là sản vật của Tây hoá.

Dương Bảo Quân

(*):Ban Á Phi, Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh

Vết thương



Một cậu bé có tính xấu là rất hay nổi nóng. Một hôm cha cậu bé đưa cho cậu một túi đinh và nói với cậu bé rằng mỗi khi cậu nổi nóng thì hãy chạy ra đằng sau nhà đóng một cái đinh lên hàng rào gỗ.

Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng 37 cái đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần cậu bé đã tập kiềm chế cơn giận của mình và số lượng đinh cậu đóng lên hàng rào mỗi ngày một ít đi. Cậu nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình thì dễ hơn là phải đóng cây đinh lên hàng rào.

Một ngày kia, cậu đã không nổi giận một lần nào suốt cả ngày. Cậu nói với cha và ông bảo cậu hãy nhổ một cái đinh ra khỏi hàng rào mỗi một ngày mà cậu không hề nổi giận với ai dù chỉ một lần.

Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một bữa cậu bé tìm cha mình báo rằng đã không còn một cái đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu đã cùng cậu đến bên hàng rào. Ở đó ông nói với cậu rằng “Con đã làm rất tốt, nhưng hãy nhìn những lỗ đinh trên hàng rào. Hàng rào đã không thể giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói đó cũng giống như những lỗ đinh này, để lại những vết sẹo trong lòng người khác. Dù sau đó con có nói xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương đó vẫn còn ở lại. Vết thương tinh thần cũng đau đớn như những vết thương thể xác vậy. Những người xung quanh ta, bạn bè ta là những viên đá quý. Họ giúp con cười và giúp con trong mọi chuyện. Họ nghe con nói khi con gặp khó khăn, cổ vũ con và luôn sẵn sàng mở rộng tấm lòng mình cho con. Hãy nhớ lấy lời cha…”

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Đôi khi ta cũng dịu dàng



Âu Thị Phục An



đôi khi ta cũng dịu dàng
như mưa nhỏ giọt bàng hoàng đêm khuya
như tay ngập giữa cơn mê
hàm răng cắn nhẹ lời thề chia đôi

nắng mưa xóa dấu chân người
cuồng phong cởi áo tình phơi trắng tình
ngập ngừng hôn dấu điêu linh
đôi khi ta cũng liều mình thế thôi

bờ xa lấp lánh môi cười
tình ta đôi lúc cuộc chơi cũng tàn
đôi khi bất chợt dịu dàng
ngước lên vừa lúc mưa tan trên đầu…

Hoài Khanh – Giòng dung nham đã đọng hương đời






Đặng Châu Long

Một hôm sực nhớ câu kinh:
Không phải chỗ trụ mà sinh tâm mình…

(Hoài Khanh, Sám hối)



Những năm 30 của thế kỷ XX mang đậm dấu ấn của sự đổi mới nền văn học Việt Nam. Một cuộc cách tân toàn diện từ văn, thơ, đến tân nhạc đã tạo cơn địa chấn văn học mà dấu ấn vẫn ghi đậm mãi đến ngày nay. Trong bối cảnh đó, năm 1933 Hoài Khanh chào đời, nghe người chung quanh hát những ca khúc tân thời như Bẽ bàng (1935), Nghệ sĩ hành khúc (1936) của Lê Yên; Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937) của Văn Chung, nghe bài thơ mới Tình Già (1932) của Phan Khôi, chứng kiến Tự Lực Văn Đoàn bỏ cũ theo mới…..một giòng thơ Hoài Khanh đã theo tuổi lớn nhanh….

Sáng sớm thứ ba ngày 24-09-2013, những cơn mưa bóng mây thoạt đến thoạt đi không ngăn được anh Chu Trầm Nguyên Minh và tôi ngược về hướng Cù Lao Phố Biên Hòa tìm thăm lại anh Hoài Khanh, hiện đang nằm bệnh từ sáu tháng nay do tai biến.

Trên đường anh Chu Trầm Nguyên Minh bồi hồi kể lại thuở anh và chị Tùng Vân vừa mới thành hôn dăm bữa, hai vợ chồng cùng về Biên Hòa ra mắt anh chị Hoài Khanh. Dạo đó nhà anh Hoài Khanh vườn cây trái thênh thang.

Tôi thì lại mơ màng theo quyển thơ tự chép từ các tạp chí Văn của mình dạo trẻ, và Hoài Khanh cũng có dự phần:

Về đây đá núi ngủ buồn
Cỏ ngu ngơ động cánh chuồn chuồn bay
Về đây ngắm lại bàn tay
Ngón dài ngón ngắn có ngày có đêm
Lần rồi có phải không em
Tình yêu đó cũng hao mềm như sương

(
Hoài Khanh, Đồng Vọng)

Và..

Gió nghiêng từng trận luân hồi
Mùa xưa cánh động nghe rời rạc đi
Trong tôi thân thể thầm thì
Máu và xương có hồi qui nhịp mùa
Tóc dài trên tuổi lưa thưa
Với hai đầu gối đong đưa lá cành
Nụ cười là để cây xanh
Yêu nhau là để hai ngành vu vơ

(Hoài Khanh, Lời thân thể)
Ôi nhịp nhàng là cánh chuồn chuồn, đóm tình nồng cháy theo nguồn máu xương, những bài lục bát tuôn tràn, hừng hực như đến từ núi lửa trào dâng.

Chả trách, Bùi Giáng khi đọc thơ Hoài Khanh phải thốt lên: “Anh chưa quá hai mươi tuổi, anh làm những vần thơ mà Nguyễn Du, Nguyễn Khắc Hiếu tái sinh nghe được phải lạnh mình trước cái vĩ đại, hồn nhiên của một tài hoa chưa ráo máu đầu.“.

Từ Dâng rừng (1957) đến Thân phận (1962), Lục bát (1968), Gió bấc – trẻ nhỏ – đóa hồng và dế (1970), Hương sắc mong manh (2006), giòng thơ của Hoài Khanh đã ngược suối nguồn uyên nguyên để chân diện mục từng khoắc khoải nỗi đời.

Bao nhiêu lần Hoài Khanh đã ngồi lại bên giòng sông đời để thầm thì nói, thầm thì nghe tiếng nghìn trùng kể lể cuộc tồn vong:

Bến sông này bến sông này
Trăng xưa phủ xuống hàng cây gục đầu
Người xưa chừ biết là đâu
Này trăng gió cũ này câu giã từ
….
Hắn đã về giữa dòng sông nước chảy
Của Á Châu nhược tiểu khổ đau này
…..
Và đi trên những buổi chiều
Dường nghe nước lũ dâng triều cô đơn
….
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia vẫn cứ chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.
…..
Qua sông là một nhịp cầu
Qua tôi là một kiếp sầu vô chung

Giòng sông đời vẫn lạnh lùng hờ hững, rải tung trên bước thời gian từng nỗi héo sầu, Hoài Khanh vẫn từng ngày trăn trở hằn nỗi đời lên mặt từng vệt buồn sâu, người bạn thân Phạm Công Thiện khi nói về Hoài Khanh đã phải thốt lên: “Nghe sự im lặng của Khanh, tôi cảm thấy Thượng đế, tôi cảm thấy Quỉ ma, tôi cảm thấy tiếng nói của một ngàn đêm, hai ngàn đêm, triệu ngàn đêm, tiếng nói của muôn triệu ngàn đêm vọng về hiu hắt trong lòng nhân thế. Tôi không muốn nghe, cũng như bao nhiêu người khác cũng không muốn nghe, bởi vì đó là tiếng nói của sự thật: Tiếng nói của giòng sông vạn ngàn năm chảy trôi vể biển. Giòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù…” (Phạm Công Thiện, Nỗi cô đơn của Hoài Khanh)

Rời xe bus số 12, lên xe thồ đi thêm khoảng hơn mười cây số, chúng tôi dừng chân trước Tịnh xá Ông Tám và được hướng dẫn đi thêm vài trăm mét, phía trước chúng tôi, xa xa, đã thấy chị Hoài Khanh đứng đợi trước ngôi nhà mang số 121.Dù chỉ thua anh Hoài Khanh vài tuổi, nhưng dáng chị đủ cho mọi người đoán ra một nhan sắc thời xuân. Chị vồn vã đưa chúng tôi vào nhà. Anh Chu Trầm Nguyên Minh vẫn còn xúc động khi gặp lại gia đình anh Hoài Khanh sau hơn 40 năm. Vật đổi sao dời, vườn nhà anh Hoài Khanh bây giờ hẹp hơn nhiều sau khi con đường mới băng qua, nhưng sự mới mẻ đó chẳng làm anh nguôi hoài niệm.

Về đây trầm túy mặn nồng
Phiến du từng chuyến thôi lòng lắng nghe
Về đây bụi khói tàu xe
Chân đi hồn lạc tiếng ve hạ tàn
Về đây nghìn cõi âm vang
Đêm sâu rừng ruộng vui tan cuộc nào

(Hoài Khanh, nhập định)
Nằm nghỉ ngơi trên giường với khó khăn của nửa bên người chưa hồi phục, anh Hoài Khanh vẫn vui và dòn tiếng chuyện trò níu lại từng ký ức với anh Chu Trầm Nguyên Minh. Thỉnh thoảng chị Hoài Khanh ghé vào, khi thì mang nước, khi thì hỏi thăm anh có mệt không. Anh tươi cười nói: “có bạn cũ về thăm làm sao mệt nổi”. Anh còn hào hứng dự tri khoảng nửa tháng sau sẽ đi đứng thoải mái. Được thế thì bằng hữu vui biết bao. 81 tuổi đời có gì vui hơn gia đình, bằng hữu, sách vở bao quanh.

Anh hào hứng kể về tập sách anh dịch của Heidegger sắp được ấn hành, anh bồi hồi ôn lại những vần thơ, những hoài bão cả đời chưa vẹn, hoài ấp ủ.

Lê Ngọc Trác trong bài viết Từ lục bát “nâu” đến lục bát “thiền” đã nói về cuộc chuyển đổi giòng thơ Hoài Khanh sau năm 2000 như một thế tất yếu của thi nhân qua những bão giông, khổ đau, cô đơn tận cùng trong cuộc đời để đưa vào thơ mình những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

Cái nhìn nhận đó chưa hẳn đúng với một Hoài Khanh, một con người luôn hực lửa nhân bản trong thể nghiệm nỗi đời qua mọi khía cạnh của nhân sinh. Những cái tất nhiên của cuộc sống, những nỗi trầm luân của con người đều thấp thoáng đâu đó trong các tập thơ:


Mười lăm năm bấy nhiêu lần
Bấy nhiêu rồi nhỉ hỡi trần gian kia?
Ngược xuôi bao kẻ đi về
Tấm thân bé mọn bên lề tồn vong
Chuyện đời có có không không
Phù vân một áng bụi hồng xa xa
….
vi vu mầu gió đi mùa
núi non đồng vọng cũng thừa xót thương
đã nghe đất dậy môi trường
cõi miên viễn bỗng vô thường thanh âm
….
Tâm hồn – ấy cõi đau ngầm
Cười trong lệ tủi lạc lầm nhân gian
Tham sân , trí trá , hung tàn
Tâm hồn từ ấy tan hoang còn gì !


Như một kẻ khoắc khoải đi tìm câu hỏi, như một gã chăn trâu trong Thập ngưu Đồ, chăn trâu rồi để trâu mất bao bận, rốt ráo tìm thấy rồi, bình tâm chợt nhạt nhòa cái lẩn quẩn của nỗi đời được còn thua hơn, xả dần mọi buộc ràng để khi thỏng tay vào chợ tâm hồn thanh thản như gió thổi đồng không.

Đêm xưa bỗng một đóa hồng
Nở ra giữa cõi vô cùng tịch nhiên
Đêm kia tôi mộng bình yên
Làm sương rơi rụng trên miền vô thanh
…..
Cái gì hễ mất lại còn
Hễ không là có, hễ tròn là lăn
Ngày xưa có một dấu chân
Bước qua bãi cát sông Hằng nhẹ tênh

Khi hỏi anh muốn gởi gắm điều gì cho cõi tạm, anh Hoài Khanh chỉ thốt lên hai từ Nhân bản. con người vốn dĩ như cây sậy, niềm ước mong kêu gọi nhau sống đúng con người sao quá đỗi khó khăn. Những vần thơ và khát vọng anh như một tiếng kêu bi thống cho thân phận con người . Tôi lấy chiếc gối kê tay anh, lấy mảnh giấy trắng choàng vào quyển sách đặt lên gối khi anh có ý muốn viết cho Quán Văn ít giòng đề tặng. Dùng sức còn lại của nửa thân thể chưa hồi phục, anh gắng viết mấy câu:

Hắn đã về giữa giòng sông nước chảy
Của Á Châu nhược tiểu khổ đau này
Hắn đã về giữa cát buồn sa mạc
Của Phi Châu quằn quại suốt trời mây

Nghe ra sao sầu nặng kiếp người muôn phương. Những quyết định lớn lao của cõi người Sinh, Lão, Bệnh, Tử không phải do ta chọn đã đành, nhưng hoài bão giữa cõi sống cũng như những đám lục bình trôi nổi, vô định để khát vọng vẫn là niềm mơ, một hy vọng sẽ đến hơn là một cái hộp pandora đã mở(*), phơi trần những sự thật phũ phàng.

cõi Á Châu này sao lại sinh ra tôi
để ngắm hoài dòng sông trôi những mái lá nghèo nàn
những mắt sâu mờ đục còn khao khát cõi nào?
những thân hình gầy guộc và đồng lúa xanh
có chăng một bình nguyên trên Trường Sơn?

ôi khoảng hư vô khủng khiếp một đời
phút giây vỡ tan tành mảnh pha lê
tôi quờ quạng vào đâu để tìm lại
những mộng của tôi
và hồn của ai

(Hoài Khanh, Cỏ Khô và Lửa)

Tữ giã anh Hoài Khanh trong luyến tiếc và hẹn sẽ gặp nhau khi anh hồi phục, chúng tôi đi bộ ngược về hướng cũ để chờ xe thồ vào đón. Qua một quán thức ăn chay, sẵn đã trưa, chúng tôi ghé vào thưởng thức hương vị thiền gia như chị Hoài Khanh đã từng giới thiệu quán này. Khi nghe chúng tôi nói đi thăm một thi nhân già hiện đang nằm liệt bán thân, bà chủ quán nhận ra ngay, không phải bởi anh Hoài Khanh là một thi nhân nổi tiếng, nhưng là hình ảnh thường xuyên mỗi sáng trước bình minh: chị Hoài Khanh đẩy anh trên xe lăn tản bộ dọc con đường mới mở, đón từng ngày mới cùng nhau.

Hóa ra dù với anh chiếc hộp pandora (*) chưa thấy, nhưng dù sao cạnh anh nguồn hạnh phúc nhỏ nhoi đã hiện diện bên tháng ngày nằm nghe đời giữa căn bệnh hắt hiu. Hình ảnh hai anh chị dìu nhau trong tuổi thu tàn vẫn đẹp ngời như niềm tin còn sót lại sau cơn bão rớt thời gian.

Ta ơi một kiếp vô hình
Bóng sương mầu cỏ nhớ mình không nguôi
Mai kia đóm lửa tan rồi
Về trong gió bụi nhớ thời lưu vong

(Hoài Khanh, Về trong gió bụi nhớ thời lưu vong)
Giòng dung nham, giòng cuồng lưu tuôn trào òa vỡ một thời, nay đã đọng kết dãy phù sa màu mỡ. giòng thơ đời từ đó rộ thêm hoa. Thời gian bình thản trôi, đâu đó vẫn còn có nhiều người hoài nhớ một giòng lục bát ngọt ngào nhiều cảm xúc, giòng lục bát Hoài Khanh.


(*) Trong thần thoại Hy Lạp chiếc hộp Pandora các vị thần trên đỉnh núi Olympus đã tặng cho nàng Pandora và dặn kĩ rằng không được mở chiếc hộp đó ra. Nhưng với sự tò mò của mình, Pandora đã mở chiếc hộp ra và tất cả những điều bất hạnh tràn ngập khắp thế gian … và chiếc hộp chỉ còn sót lại một chút “ hy vọng” mang tên Pandora cho loài người để có thể tiếp tục sống.

Anh hùng Mỹ



Hà Thúc Sinh



Không có anh hùng chẳng có lịch sử. Nhưng một đất nước nhiều anh hùng quá dân cũng đâm kẹt… hộ khẩu. Ở Bắc Hàn, Trung Cộng, Cuba, và Việt Nam đến nay việc được phong anh hùng vẫn còn đòi hỏi phải có tính đảng, tính giai cấp, duy tính người có thể du di. Một khi có đòi hỏi tất đã có giới hạn, đã có giới hạn mà vẫn lâm tình trạng ra ngõ gặp anh hùng thì thử hỏi ở các nước tư bản vốn tự do dân chủ thả cửa, ai muốn phong ai cái gì tùy ý thì ta đừng ngạc nhiên nếu thấy anh hùng lắm khi bò lổn ngổn ngoài đường.

Ông George Washington là anh hùng dân tộc thì đúng rồi vì ông là một trong những cha đẻ ra nước Mỹ sau cuộc cách mạng giành độc lập từ tay người Anh. Audie Murphy là anh hùng thế chiến II cũng không oan vì anh từng là một anh đơ dèm củ bắp, trần xì một khẩu Garant M-1 với hai cấp số đạn nhưng đã thịt đẹp 240 quân Ðức, được Quốc Hội gắn Huân chương Danh Dự là thứ huân chương cao quý nhất; giải ngũ về chẳng cao ráo đẹp trai gì thế mà anh đã trở thành một tài tử xi-nê nổi tiếng đóng mấy chục phim vừa cao bồi vừa chiến tranh hốt ra bạc. Ngay những Superman, Spiderman, Zorro, Batman, James Bond, vân vân và vân vân cũng có vô số dân Mỹ “thờ phượng” như những anh hùng. Những tài tử xi-nê đóng vai cao bồi bắn nhanh như chớp như Clint Eastwood, hay ném mà như để bóng vào rổ cỡ Magic Johnson, hoặc đấm đá đến khật khà khật khùng như Mohammad Ali, hoặc vừa hát vừa lắc đến muốn văng bánh chè ra ngoài như Elvis Presley… đều từng được tôn vinh anh hùng. Một thiếu niên nhảy cái tòm xuống mương kịp cứu một con chó con sắp chết đuối, cả khu phố, rồi nhân viên cứu hoả, rồi cảnh sát, rồi sở chó mèo vân vân và vân vân xúm lại tán tụng, trao bằng tưởng lục, thế là ngày mai cậu nhảy tót lên trang nhất tờ nhật báo địa phương với danh hiệu “tiểu anh hùng lô-cô sớm phô tài cứu chó” (cho dù cũng có trường hợp người trong cuộc thấy tự ngượng khiêm tốn xin từ chối danh hiệu này).

Ðấy, anh hùng trong xã hội thanh bình của Mỹ, mà nói chung của Anh Pháp Ðức Ý Úc gì gì thì cũng đều một ruột, dễ phong thế đấy. Họ nhiều đến nỗi khi hội đồng thành phố họp bàn nghiêm chỉnh để chọn tên đặt cho những con đường mới trong các khu gia cư tân lập thì không còn biết lấy ai bỏ ai, sau cùng lại phải lôi mấy con số hoặc vần abc ra mà dùng cho xong chuyện. Xin mời quý vị cứ mở bản đồ các thành phố Mỹ ra mà xem. Ðường xá ở các trung tâm thành phố (downtown) phần lớn mang con số hoặc các mẫu tự.

Thôi thì họ tâng bốc nhau anh hùng của họ thế nào, phẩm chất ra sao kệ bụng họ, ta cứ thừa nhận cho nó vui vẻ cả làng, kẻo họ lại truy ra, rồi lại cười mũi rằng, “Gớm, chúng tôi rộng rãi với nhau thì Mít nhà các anh lại chê bai, còn các anh ý à…” thì có phải là dại không.

Vì thế người viết xin trịnh trọng quay lại với các anh hùng Âu Mỹ. Xin nhớ những anh hùng ở đây phải hiểu toàn là đấng mày râu. Lý do lịch sử Tây phương gần như không có chỗ cho các nữ anh hùng (người Việt chúng ta dùng chữ chỉnh và đẹp hơn: bậc anh thư). Ðàn bà mà thò đầu vào? Chết ạ. Ðàn bà nổi lên như Trưng như Triệu của ta đàn ông răm rắp xếp hàng theo đuôi, chứ như Jeanne d’Arc của Pháp, chiến công đến thế rồi cũng chết thảm về tay đám giáo sĩ gian cấu kết với giặc Anh ban cho nàng cái án tử hình; hay như Anne Hutchinson của Mỹ thời Thanh giáo, vừa gồng mình cất tí giọng oanh đòi quyền vượt ra khỏi cánh cửa nhà bếp đã bị ngay đám mày râu ban cho một bản án đi đày đến tan nhà nát cửa.

Vâng, các anh hùng Mỹ thường còn tại thế và có thể ở sát vách hoặc cùng khu phố với ta. Anh có thể là một tài tử mới được tôn vinh anh hùng vì một vai trò gì đó cứu nguy trái đất, ngày mai đã bị còng tay vì say rượu lái xe; hoặc là một anh hùng dân biểu ngày mốt đã có thể thân bại danh liệt vì cao hứng khoe cái thân thể bạc triệu (tính theo tiền cộng hoà xã nghĩa VN) lên facebook cho lũ gái vị thành niên chiêm ngắm; hoặc một anh hùng hớt tóc hôm qua mới từ tiệm lao ra, đẩy một đứa bé khỏi chiếc vận tải đang phóng tới thì ngày kế đã bị xộ khám vì tội giết vợ một cách tinh vi nhằm mưu đoạt cái bảo hiểm nhân thọ đáng giá nửa triệu đô la của nàng, vân vân và vân vân. Thế cho nên danh từ anh hùng được dùng ở đây là một danh hiệu rất dễ vỡ, và chỉ dùng cho giống đực, tức cái giống thực tế vẫn đang hét ra lửa mửa ra khói từ nhà ra đường ở nước Mỹ này.

Vậy phải chăng anh hùng ngày nay, chẳng riêng trong xã hội Mỹ mà gần như ở khắp mọi nơi, không còn là đối tượng đáng kính mà là đáng sợ? Hỏi như thế quả cũng hơi khó trả lời. Nó như hai mặt của một đồng tiền. Phủ nhận mặt nào thì đồng tiền cũng sẽ không còn là đồng tiền nữa. Nhưng cân nhắc kỹ, ta có thể nói cách an toàn rằng anh hùng ngày nay là kẻ hội đủ cả hai yếu tố đáng kính và đáng sợ. Xem, anh công an và tên ăn cướp đều dám liều mạng lao vào nhau bắn giết chí tử. Phần lớn họ đồng hạng máu lạnh cả đấy thôi dù có khác nhau mục đích. Nói như thế quá cường điệu? Thưa không! Một công trình thực nghiệm rất khoa học trong ngành Tội Ác Học (Criminology) có tên là “Stanford Prison Experiment” đã chứng minh được một cách thuyết phục câu nhân chi sơ tính bổn… ác. Ai cũng có thể trở thành một tên công an hay cai ngục gian ác dù vài tuần trước đang là một công chức gương mẫu hay một giáo sư đại học hiền hoà, ai cũng có thể trở thành một nữ tù tuyệt vọng muốn tìm cách tự tử dù mới đây là một nữ sinh hết sức đoan trang, xinh đẹp. Vậy thì giữa anh công an và tên cướp ai đáng sợ hơn ai. Các cụ nhà mình qua ca dao đã trả lời giùm chúng ta thắc mắc này từ năm nảo năm nao: Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân. Rành rành sự khôn ngoan người xưa đã công khai đặt anh công an, tức người anh hùng nhân dân, hay anh cảnh sát Mỹ, tức anh hùng của thành phố vào vị trí còn đáng sợ hơn cả kẻ cướp lâm cơn bần cùng giá như chính quyền của hai ông “bạn dân” trên không phải là một chính quyền biết thượng tôn pháp luật.

Vậy thì, để phòng thân trong một xã hội vào nhà thì đụng mặt ông chồng có thể là anh hùng, ra ngõ thì chạm trán ông hàng xóm cũng có thể là anh hùng nốt, chúng ta, đặc biệt các bà các cô, phải làm cách nào để có thể giữ cho mình mẩy cha sinh mẹ đẻ được an toàn đây? Chẳng lẽ anh hùng thời nay đều là một bọn bất trị?

Hôm nay, dựa vào sự ấm ức của vài ngòi bút nữ, người viết nhân tiện uống tí thuốc liều mách nước cho quý vị vậy. Trị đám anh hùng ngày nay dễ ợt. Cứ nắm cứng lấy cái… sợ có thật của họ mà giật thì họ có mà quỳ lạy chứ đừng nói là còn làm phách làm tàng, xưng hùng xưng bá.

Vâng, anh hùng hay giống đực ở các nước Âu Mỹ cổ kim có cả đống cái hèn yếu, nói cách khác, họ biết sợ nhiều thứ. Ai anh hùng hơn đồng chí Lenin? Thế mà chàng cũng từng thú trong đời có nhiều cái hèn yếu và sợ hãi ướt quần. Thế Lenin sợ gì? Ông tự kiểm rằng ông đã không thể chống cự lại sự say mê nhạc vàng, điển hình là bài “Serenade” viết bởi tên văn hoá đồi truỵ Schubert; còn sợ thì Lenin thú nhận trên đời ông không sợ gì hơn sợ cô nha sĩ của ông! Tổng thống Bush (cha) cũng từng thú nhận đời ông có một nỗi sợ to lớn là ngày còn bé sợ mẹ bắt ăn bông cải broccoli. Sau Bush (cha), tổng thống Clinton từng thú nhận cứ thình lình mở TV thấy hình người đẹp Lewinsky với đôi vú vạm vỡ là ông lại thấy ngay bóng một bà khác lăm lăm con dao phay nơi cửa bếp và gầm: “Còn muốn có hai bàn tay để cầm sandwich mà ăn thì bảo!” Ðấy, cánh Âu Mỹ họ chẳng can đảm như phe ta đâu. Roi roi chứ cà cuống lắm, chết đến đít còn cay. Mỹ trông tay nào tay nấy 200-300 cân Anh, thế mà gan đôi khi như gan chuột. Sự sợ chết của họ hèn đến nỗi từng bị nhà văn Mỹ William Faulkner mắng nặng lời: “Ðiều thấp kém nhất trong mọi điều là sợ hãi.” (The basest of all things is to be afraid!). Mà đã đủ đâu, họ sợ cả sống nữa. Cái sợ này đã bị đệ nhất danh hề cổ kim Charlot (gốc Anh) khám phá ra, và ông ấy đã cầm ba-toong chận ngay đầu ngõ, chỉ mặt mắng tập thể các anh hùng rằng: “Ðừng sợ sống!” (Not to be afraid to be alive!).

Trong một bài báo mới đây, Nikita C. Fernandes, một nữ tác giả thường có bài nhận định về tâm lý người hùng vừa đăng các báo vừa post trên net, viết thế này: “Phần lớn chị em chúng ta đã hiểu sai về người hùng của mình do mình không nhận ra được những định luật giản dị đã cấu thành cá tính con người thật của họ.” Lan man một lát Nikita khẳng định: “Mỗi người đàn ông là một đứa con nít. Rối mù cả lên mà chị em mình cũng cứ phải dành cho họ sự bận tâm hơn cả. Nói thế không có nghĩa mình phải đút bột cho họ ăn (ấy mà cũng thỉnh thoảng phải làm như vậy đấy!), nhưng không lúc nào mà họ không cần tới chúng mình.”

Tại sao? Một nữ tác giả khác, cô Debasmita Chanda khẳng định rằng vì họ sợ. Cô đặt tiếp vấn đề: “Thế cánh người hùng của chúng ta sợ cái gì?” Lẽ tất nhiên họ chẳng còn sợ cô nha sĩ như người hùng cách mạng vô sản Lenin nữa; họ cũng chẳng sợ chết như Faulkner mắng hay sợ sống như Charlot xỉ vả; sợ của họ ngày nay cụ thể hơn nhiều. Theo Chanda, sau đây là bảy cái sợ chính của các người hùng Âu Mỹ thời nay:

1. Sợ già;
2. Sợ hết xí quách;
3. Sợ hao tài;
4. Sợ hói;
5. Sợ chết một mình;
6. Sợ tàn tật;
7. Sợ bị vợ xù đẹp.

Vậy thì, nếu chẳng may vớ nhằm một người hùng, các bà các cô từ đây chẳng có gì mà phải lo nữa. Cứ từng bước nắm vững những cái sợ của họ mà trị:

1) Sợ thứ nhất dễ trị nhất. Lẽ tất nhiên ai lại chả già. Có là rắn đâu mà lột da được. Cứ để mặc người hùng cho thời gian tuần tự nhi tiến xếp vào lịch sử.

2) Cái sợ thứ hai còn dễ trị hơn. Các bà các cô có biết họ hay giấu mấy loại thuốc quái quỷ ấy ở đâu không? Biết rồi thì cứ lặng lẽ lấy quăng quách vào cầu tiêu giật nước cái ào là xong. Nhất cử lưỡng tiện. Ðêm đến người hùng sẽ nằm chết dí và quý bà quý cô dù ngủ chung hay ngủ riêng vẫn cứ yên tâm ngáy o o đến sáng không ai quấy rầy.

3) Còn cái sợ thứ ba, từ đây quý bà quý cô nên mở trương mục riêng và hãy đi mua sắm, đi du lịch cho tưng bừng lên. Ðời ngắn bằng gang tay. Ðừng nuôi ong tay áo nữa. Cứ có đồng nào cũng để người hùng tom góp đem đầu tư, mai kia mốt nọ lăn quay ra đó thì tàu thuyền, bất động sản, cổ phiếu, cổ phần, gì chứ mấy thứ đó bảo đảm thiên đường hay hoả ngục đều không có chỗ chứa.

4) Sợ thứ tư? Quý bà quý cô cứ rình cho sát, người hùng chơi được lọ thuốc mọc tóc nào ta quăng tuốt. Nếu họ bắt được quả tang, làm dữ, hãy lý luận thế này: Sean Connery hói từ tuổi 30 nên đóng James Bond mới mê hoặc được cả thế giới. Tiá cứ bôi thuốc mọc tóc thì đến đời nào má con tui mới có được một James Bond trong nhà?

5) Cái sợ thứ năm là mặc kệ họ. Có ai chết hai mình bao giờ. Mình mềm lòng an ủi vớ vẩn, ông ấy lại tưởng ông ấy là Chế Bồng Nga còn mình là Huyền Trân công chúa tái sinh lại thêm rầy rà hậu sự. Yên lặng là vàng.

6) Còn sợ thứ sáu, sợ tàn tật? Việc này thì có thể khuyến cáo họ đừng sợ gì hết. Tàn tật có cái sướng của nó. Này nhé, đi đâu được phụ nữ mở cửa cho. Ðậu xe có chỗ ưu tiên, chỗ mà ngay cựu tổng thống Mỹ giở trò lạm dụng cũng bị phạt trắng mắt ra. Sướng như thế thì việc gì phải sợ với hãi.

7) Còn cái thứ bảy, cái sợ sau cùng này của họ lại chính là cái kết tốt đen cho quý bà quý cô đấy. Ðiều này người viết xin không lạm bàn, chỉ xin tiết lộ tí thống kê về án ly dị như tặng quý vị một cái phất trần dùng để răn đe, vâng, chỉ để răn đe thôi đấy: xưa nay gần như chưa từng có hai cái án ly dị nào hoàn toàn giống nhau, và không dưới 90% nguyên đơn thắng.

Thực hiện được tất cả các bí quyết đối phó trên, người hùng kiểu Âu Mỹ sẽ hoàn toàn nằm trong tay quý vị.

Hà Thúc Sinh

Quyền con người không tách rời nghĩa vụ công dân





Quyền con người không đồng nhất với quyền công dân. Tuyệt đối hóa quyền con người mà không thấy nghĩa vụ công dân của mình là hành động không thể chấp nhận.

Hiện nay, một số người khởi xướng Diễn đàn – như họ nói – để trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị ở nước ta “từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”. Theo họ, đó là để thực hiện quyền con người (QCN), nhưng họ lại không hề đề cập đến nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Họ trích dẫn một số điều của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam đã ký tham gia và cho rằng, việc làm của họ là phù hợp(?). Cách nói ấy hoàn toàn không thuyết phục. Bởi vì, mọi người trong khi thực hiện QCN thì đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Ai cũng biết, QCN là quyền mà ai cũng có ngay từ khi được sinh ra cho đến lúc qua đời. Còn quyền công dân (QCD) lại là các quyền của người dân được quy định trong pháp luật quốc gia. Để bảo đảm quyền bình đẳng, không bị xâm hại của mỗi công dân; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, đạo đức xã hội,… QCD có thể bị tước đoạt (một phần) khi người đó vi phạm pháp luật, hoặc mất năng lực hành vi dân sự vì lý do nào đó. Giữa QCN với QCD có sự giống và khác nhau nhất định (do những đặc thù về lịch sử, văn hóa), đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế, đặc biệt là trong “Tuyên ngôn thế giới về QCN” (năm 1948); “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”; “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” (năm 1966). Đặc biệt, điều đó được thể hiện rõ trong “Tuyên bố Viên và Chương trình hành động” (văn kiện Hội nghị quốc tế về QCN, tại Viên (Áo) năm 1993).

Nghiên cứu “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” chúng ta thấy QCN có hai loại: Các quyền tuyệt đối và các quyền bị hạn chế. Các quyền tuyệt đối, như: “Không ai bị tước đoạt mạng sống một cách vô cớ” (Điều 6); “Không một người nào có thể bị tra tấn” (Điều 7); “Không được phép bắt giữ làm nô lệ người nào” (Điều 8)… Các quyền bị hạn chế, như: “Quyền tự do đi lại và lựa chọn nơi cư trú” (Điều 12); “Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo” (Điều 18); “Mọi người có quyền giữ quan điểm của mình” (Điều 19);“Quyền hội họp hòa bình…” (Điều 21); “Quyền lập hội” (Điều 22)... Công ước cũng quy định: việc thực hiện những quyền trên “kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt và phải chịu một số hạn chế nhất định, vì sự tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”1. Trong “Tuyên bố Viên và Chương trình hành động”, cộng đồng quốc tế cũng khẳng định: “Tất cả các QCN đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt… Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực về lịch sử, văn hóa và tôn giáo…”2.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như của nhiều quốc gia khác, QCN luôn được gắn liền với quyền và nghĩa vụ công dân. Công ước nhân quyền châu Âu có hiệu lực từ ngày 03-9-1953 đã đưa ra các quy định về các quyền cơ bản của con người; trong đó, quyền tự do ngôn luận được ghi ở Ðiều 10: “1. Tất cả mọi người đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm việc được tự do bày tỏ ý kiến và tự do trao đổi các thông tin mà không cần phải nhận được bất kỳ việc cho phép nào từ phía cơ quan công quyền và không phân biệt biên giới. 2. Việc thực hiện các quyền nói trên, bao gồm cả các nghĩa vụ và trách nhiệm, hình thức, điều kiện, các hạn chế hoặc các biện pháp trừng phạt cần phải được ghi rõ trong các văn bản pháp luật có cân nhắc đến việc cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích đối với an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì trật tự công cộng và ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe và đạo đức, nhân phẩm hoặc danh dự của con người, ngăn ngừa việc phát tán các thông tin mật hoặc để bảo đảm quyền lực và tính độc lập của các cơ quan tư pháp”3. Rõ ràng, trong khi khoản 1 của Ðiều luật này quy định: ai cũng có quyền được bày tỏ, trao đổi quan điểm của mình mà không phân biệt địa vị xã hội, giới tính, biên giới, thì khoản 2 lại quy định: việc thực thi các quyền đó gắn với các hạn chế được cụ thể hóa trong pháp luật của mỗi quốc gia. Trên thực tế, mỗi quốc gia đều cân nhắc tình hình thực tế của mình để đưa ra các đạo luật nhằm cụ thể hóa việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân. Không có thứ tự do “tuyệt đối” mà không bị hạn chế vì những lợi ích nhiều mặt của quốc gia, dân tộc, ở sự ổn định xã hội, mà thiếu nó thì mọi nỗ lực cố gắng của con người đều trở nên vô nghĩa. Bởi vậy, Liên minh châu Âu (gồm 28 quốc gia) cho phép các nước thành viên cân nhắc lợi ích của mỗi quốc gia để đưa ra các quy định cụ thể, nhằm hướng dẫn công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận theo tinh thần Công ước nhân quyền châu Âu nói trên. Chúng ta còn nhớ sự kiện họa sĩ Kút vẽ tranh châm biếm nhà Tiên tri Hồi giáo Mohammed đã dẫn đến bạo động ở Đan Mạch và vụ việc Mục sư Giôn ở bang Phlo-ri-đa, nước Mỹ có ý định đốt kinh Cô-ran đã để lại hậu quả nặng nề đối với xã hội, khi người ta quan niệm hành vi đó là “quyền tự do của cá nhân được pháp luật bảo vệ”. Chúng ta cũng chưa quên việc Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phương Tây đòi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông chủ mạng WikiLeaks cũng chỉ với lý do thông tin của mạng này “có thể” gây nguy hiểm cho Quân đội Hoa Kỳ. Và gần đây là vụ Edward Snowden tiết lộ bí mật hoạt động của cơ quan tình báo Mỹ, dẫn đến cựu nhân viên tình báo này phải tỵ nạn tạm thời ở Nga trước sự truy bắt gắt gao của Chính phủ Mỹ, cũng chỉ vì tội tiết lộ bí mật quốc gia. Tại sao lại có tình trạng đó? Vì những người này đã tuyệt đối hóa QCN mà không thấy nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Điều đó cho thấy, trong khi thực hiện quyền của mình, mỗi người là công dân nước nào cũng có bổn phận phải thực hiện nghĩa vụ công dân và luật pháp của nước đó; bất kỳ ai khi cư trú ở một nước nào đó, cũng phải chấp hành luật pháp của nước sở tại, nghĩa là phải thực hiện một phần nghĩa vụ công dân của nước này. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Trong trường hợp này, câu nói của ông cha ta: “Nhập gia tùy tục” cũng rất phù hợp. Thế mà những người thành lập Diễn đàn không hiểu cố tình hay vô ý mà lại bỏ qua nội dung thiết yếu này.

Thực ra, chỉ cần để ý là thấy họ viện dẫn một số điều của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, như Điều 19: “1: Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không ai được can thiệp; 2: Mọi người có quyền tự do ngôn luận…”, nhưng lại cố tình trích dẫn không hết, lờ đi khoản 3 (mặc dù họ có đưa xuống phần chú thích): “Việc thực hiện những quy định tại mục 2 của điều này (Điều 19) kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể phải chịu một số hạn chế nhất định… để: Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”. Cách họ trích dẫn như vậy chẳng khác nào câu chuyện người thầy thuốc đọc sách chữa bệnh: “đau bụng uống thuốc thống linh” nhưng không đọc nốt ở trang bên: “tắc tử”. Thiết nghĩ, mọi công dân Việt Nam trong khi thụ hưởng các QCN, phải chú ý chấp hành hệ thống luật pháp của nước mình. Quyền và nghĩa vụ công dân ở nước ta được xây dựng thành những quy định pháp luật đầy đủ và đồng bộ, trong đó có chế tài cụ thể, như: Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 1999) có Điều 88 quy định: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam:

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm:

a. Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;…

c. Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”. Như vậy, đối chiếu với Điều này thì những người chủ trương mở Diễn đàn trên mạng với mục đích họ nêu là “làm chuyển đổi chế độ” thì chẳng những đã vi phạm khoản 3, Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, mà còn vi phạm pháp luật Việt Nam, như Điều 88, Bộ luật Hình sự nêu trên. Ai đó cho rằng, mạng xã hội là nhật ký riêng tư là không hoàn toàn đúng. Với đặc trưng “kết nối” và “chia sẻ”, những “nhật ký riêng tư” có thể “mở toang” để ai ai cũng có thể vào xem và gửi ý kiến. Mặt khác, những người chủ trương mở Diễn đàn cũng mong muốn nhiều người cùng vào đọc và bày tỏ chính kiến. Rõ ràng như vậy, nó không còn là “sự riêng tư”, nó là công cụ tuyên truyền và tập hợp lực lượng. Loại Diễn đàn đó cần phải được quản lý và những ai viết không đúng sự thật ở đấy đều phải bị xử lý theo pháp luật; bởi những hậu quả có thể gây nên như bạo loạn, nội chiến, thậm chí là tạo sự can thiệp, tấn công bằng quân sự của nước ngoài, như đã từng diễn ra ở Trung Đông, Bắc Phi… Những người thành lập Diễn đàn nói rằng, họ thực hiện QCN của mình, nhưng chính việc làm của họ đã và đang vi phạm QCN của đa số nhân dân ta đang mong muốn đất nước ổn định để phát triển. Đó là việc làm phi pháp cần phải ngăn chặn và nghiêm trị theo pháp luật./.

NGUYỄN VĂN

Người Roma* - tận cùng của nghèo và hèn giữa lòng châu Âu




Họ bị coi là những người không được mời chào và bởi vì họ bị chửi là "khác lạ, lười biếng và gian manh". 12 triệu người Rom đang phải sống trong cảnh tận cùng của nhục nhã, ngay giữa lòng châu Âu sa hoa và tráng lệ.


Farsala là một thành phố nhỏ, người Roma ở đây đa số sống trong những container bị hoen gỉ ở ngoại ô. Bên ngoài có vài đứa trẻ chơi đùa, bên trong người lớn đang chen nhau bàn luận về một vấn đề trên TV và nói với đoàn nhà báo từ Hy lạp "Trên TV người ta gọi chúng tôi là Roma, ở ngoài thì họ chửi chúng tôi, gọi chúng tôi là Di gan, nhổ nước bọt vào chúng tôi.". Họ đang lo sợ rằng, sau vụ có liên quan tới bé Maria tóc vàng đang được cả thế giới chú ý tới, họ sẽ còn bị kỳ thị nhiều hơn nữa.

Đại diện của những người Roma ở đây, ông Babis Dimitriou phát biểu trước ống kính TV "Họ nói rằng chúng tôi ăn cắp, bắt cóc trẻ em. Đối với chúng tôi đây là điều sỉ nhục." Ông cho rằng chừng nào không chứng minh được bé Maria không bị họ bắt cóc, chừng đó tất cả người Roma phải gánh chịu hậu quả.

Những lời cáo buộc về việc người Roma bắt cóc trẻ con có từ thời xa xưa. Bà Barbara Liegl, nhà khoa học chính trị viện Ludwig Boltzmann cho biết "Dưới thời nữ hoàng Maria Theresia thậm chí con cháu của người Roma bị cách ly với bố mẹ để vào trường học. Nhưng gia đình của họ không muốn như vậy, khi họ tới để mang những đứa trẻ về nhà người ta nói với đám trẻ rằng: Hãy trốn đi, người Di gan tới đó".


Trường hợp bé Maria
Video: Bé Maria nhảy trong khu người Roma

Một gia đình ở Kansas City có con gái bị bắt cóc hồi năm 2011. Sau khi báo Hy lạp đăng hình của một bé gái tóc vàng trong khu định cư của người Roma, gia đình kia đã lên tiếng nhận đó là con gái của mình. Sở dĩ cháu được báo chí quan tâm tới vì màu da và mái tóc khác hẳn với bố mẹ, cháu có nước da trắng, tóc vàng và mắt xanh. Tuy nhiên sau khi kiểm tra DNA cho thấy, gia đình người Mỹ không phải là cha mẹ ruột của cháu. Hai vợ chồng người Roma nuôi cháu bé bị cáo buộc bắt cóc trẻ em khai với cảnh sát rằng, một người mẹ Roma khác đã đưa cho họ đứa trẻ đó.

Nỗi ai oán

Có một câu thành ngữ đã tồn tại hàng trăm năm trời. Câu nói ấy mô tả mối liên hệ giữa 12 triệu người tại châu Âu, tức là dân tộc thiểu số lớn nhất tại đây rằng, họ là những người "lười biếng, không quê hương và gian manh". Kỳ thị và căm ghét người Roma lên đỉnh điểm vào thập niên 40 của thế kỷ trước khi phát xít Đức giết hại khoảng nửa triệu người.



Ngày nay họ sống rải rác khắp châu Âu, phần lớn ở nam Âu trong tình trạng tột cùng của ô nhục. Từ thành phố Ostrava của Séc, tới Belgrad của Serbia, từ Kosice của của Slovak tới Bukarest của Bulgaria. Hàng triệu người phải sống trong những khu ổ chuột ngoài rìa của các thành phố. Bên cạnh đó là những núi rác, nước sạch cho họ là điều vô cùng hiếm hoi và mỗi khi trời mưa, cả khu phố chìm trong bùn.
Thành phố Kosice thậm chí còn cho xây dựng một bức tường để ngăn khu vực định cư của người Roma với thành phố. Nhiều thành phố khác thì phó mặc những người dân trong các khu ổ chuột, trong những căn lều bằng giấy, hay những chiếc xe đã hoen gỉ mà không bao giờ quan tâm tới. Ai sống ở những khu vực đó, tuổi thọ thấp hơn hàng chục năm so với bình quân của cư dân châu Âu. Và họ chẳng bao giờ có việc làm.

Vòng luẩn quẩn

Khoảng 80-90% những người Roma ở đông Âu không có công ăn việc làm. Ai trong số họ không bao giờ tới trường như những người Roma trưởng thành hiện nay, họ sẽ không bao giờ có cơ hội để thoát ra khỏi cảnh nghèo và hèn.

Một cách mà có thể thoát khỏi cảnh đó cho một tương lai tốt hơn là di dân đi nơi khác sống. Như vụ gia đình Dibranis, hai vợ chồng và 5 đứa con, đến từ Kosovo định cư tại vùng đông nước Pháp. Họ sống tại đó, cho các con đến trường để học mà không hề ai hay biết. Cho tới ngày cảnh sát Pháp trục xuất cháu Leonarda 15 tuổi đã có hàng ngàn học sinh xuống đường và hô khẩu hiệu "Leonarda không đi học, chúng tôi cũng không học".

Hàng ngàn người Roma, trong số họ có nhiều người quốc tịch EU bị đưa từ tây Âu trở về quê hương. Với một khoản tiền hỗ trợ cho họ hồi hương đã khiến cho nhiều người tự nguyện để lấy số tiền đó rồi ít lâu sau tiếp tục quay trở lại.

Kế hoạch của EU

Ở đây không chào đón, ở kia không muốn có mặt họ. Số phận của 12 triệu người Roma giữa lòng châu Âu đã khiến cho chính quyền EU phải vào cuộc. Cách đây hai năm, các thành viên EU đã thảo ra cho mỗi quốc gia một kế hoạch hành động. Nhưng có lẽ cần một thời gian rất dài mới có thể cải thiện được.

Một ví dụ tại Hungary, người Roma tại đây có quyền được nhận hỗ trợ của nhà nước nếu họ chấp thuận làm những công việc xã hội, tức là vẫn không phải là công ăn việc làm. Trẻ em Roma tại Kroatia cũng tới trường để học, nhưng học trong lớp chỉ có trẻ Roma và kết quả là họ chỉ được đào tạo những nghề chất lượng tồi tệ.

Giữa thời đại văn minh của thế kỷ 21, một vị lãnh đạo chính quyền của một nước đông Âu còn tuyên bố sáng kiến "Đưa những đứa trẻ Roma vào các cô nhi viện để bắt phải học". Mãi cho tới khi người chuyên phụ trách vấn đề Roma lên tiếng yêu cầu hủy bỏ.

Trường hợp bé Maria
 Video: Bé Maria nhảy trong khu người Roma

* Người Roma có nguồn gốc từ Ấn độ. Họ có mặt tại khu vực thuộc châu Âu ngày nay vào khoảng 1000 năm trước. Người Việt nam trong sách vở cũng như trong lời nói thường sử dụng từ Di gan để chỉ họ mà không hề biết rằng, từ Digan đồng nghĩa với miệt thị họ.

Lược dịch từ nguồn: http://kurier.at/politik/weltchronik/roma-in-europa-leben-mit-verachtung-und-hass/32.302.368