Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Quý ông khát tình "sập bẫy" vì mê chat sex



Chat sex như công cụ hái ra tiền của các thiếu nữ có "của để dành" và vài gã trai ranh ma dùng để lừa đảo những kẻ ham của lạ.

Khi công nghệ phát triển, các tiện ích internet ngày càng nhiều, đáp ứng được các nhu cầu của người dùng thì cũng phát sinh thêm những mảng tối do internet mang lại. Một trong số đó là thú vui chat sex bệnh hoạn của các quý ông "thèm của lạ". Nhưng không phải lúc nào "hàng" mà các "thượng đế" bỏ tiền ra để thưởng thức cũng đều là "thật".

Chỉ cần lấy một nickname (tên sử dụng trên mạng) đăng nhập một số diễn đàn, tức thì hàng loạt nick sẽ chào mời xem "hàng" với giá 100.000 đồng/giờ, bằng cách chuyển tiền thẻ cào ĐTDĐ. Đây chính là phương pháp phổ biến để các quý ông thích thưởng ngoạn những màn trình diễn trước webcam của các kiều nữ cùng đủ kiểu biểu diễn theo yêu cầu.



Thậm chí, có cả một đường dây chuyên cung cấp những kiểu chat sex qua webcam theo yêu cầu cùng những nhóm (groups) được hình thành bởi các điều hành viên trực tuyến.

Sự ra đời của nhiều chương trình phần mềm ghép các pha webcam quay sẵn vào phần chat đã biến trò chơi này trở thành một màn lừa đảo dễ dàng và chuyên nghiệp.

Rất nhiều quý ông sau khi chuyển mã thẻ cào ĐTDĐ cho “kiều nữ”, tức thì sẽ được xem webcam đã được các em chép về rồi tung lên.

Với thú vui thưởng thức chat sex của nhiều quý ông, cùng sự phát triển của các chương trình hỗ trợ chép lại webcam qua internet, rất nhiều người đã bị móc túi mà không dám thổ lộ với ai.

Giả gái, chat sex lừa đảo hàng trăm triệu đồng

Sử dụng mạng internet, giả là nữ giới, chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Ngọc Tuấn (SN 1994, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã lừa đảo được hàng trăm triệu đồng.

Trước đó, qua tán gẫu trên mạng, Tuấn thấy nhiều người có nhu cầu tham gia chat sex. Nhận thấy đây là cơ hội kiếm tiền dễ dàng, Tuấn tìm một phần mềm tạo webcam giả cho kế hoạch của mình.

Những dòng "chat sex" của Tuấn với bạn chat.

Đầu tiên, hắn lập những tài khoản yahoo có tên gọi của nữ giới rồi lên mạng tìm những người có sở thích chat sex để mồi chài. Khi gặp "con mồi" hắn tung những lời lả lơi nhằm "câu khách".

Khi có "con mồi", Tuấn ra giá nếu muốn xem "vòng 1", người tham gia chat sex phải trả số tiền 500 ngàn đồng, nếu muốn xem "phần dưới" phải trả một triệu đồng (thực ra bạn chat chỉ xem được những hình ảnh giả do Tuấn tạo ra).

Hình thức nạp tiền vào tài khoản yahoo, tài khoản game bằng cách nhập mã số, số seri thẻ cào di động hoặc card game. Bằng hình thức này, trong vòng chưa đầy 1 năm từ tháng 6/2012 đến cuối tháng 5/2013, hắn đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 182 triệu đồng. Trong đó, hắn lừa một phụ nữ với số tiền hơn 50 triệu đồng.

Chat sex tập thể với bạn bố để lấy thẻ điện thoại 500.000 đồng

N.T.N.M, đang học lớp 10 và đã biết mò mẫm vào các phòng chat sex từ khi học lớp 8. Thành con nghiện, mỗi ngày, M dành khoảng 6 tiếng lên mạng chat sex. Nữ sinh này show hàng ngã giá bằng thẻ điện thoại. Mệnh giá thẻ cào càng cao, show càng nhiều hàng.



Sự việc sẽ vẫn tiếp diễn nếu không có một buổi trưa, M hết tiền điện thoại, mò vào phòng chat để tìm mồi. Thấy một nick treo dòng status ngắn củn: “khát tình” cộng thêm ảnh đại diện nóng bỏng, M lân la làm quen rồi ngã giá 500.000. M nghe rõ bên kia có rất nhiều người, nghĩa là họ đang mua hàng tập thể.

Cuộc vui lên đến đỉnh điểm, những người đàn ông bên kia hú hét rất xôm. Khi M hướng camera lên mặt thì cửa sổ chat bỗng tắt phụt, cô ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Chỉ mấy giây sau, chuông điện thoại reo… là bố cô gọi: “Tắt máy tính đi ngay”. Lúc ấy, M mới tái mặt sợ hãi, nghĩ ngay đến việc người vừa chat sex với mình là bố ruột.

Bị tung ảnh nóng vì chat sex

Tháng 6/2013, một nữ sinh lớp 6 có nickname K.P (sinh năm 2001) đã bị tung ảnh nóng vì chat sex. Ngoài những bức ảnh nhạy cảm, K.P còn bị “đối tác” đăng tải đoạn chat giữa 2 người với nội dung cô đồng ý chat sex để đổi lấy 1 thẻ điện thoại 100.000 lên mạng.

Cùng thời điểm này, trên Youtube xuất hiện một đoạn clip dài hơn 12 phút ghi lại cảnh một nữ sinh lớp 6 khác chat sex. Mặc dù không nhìn thấy mặt nhân vật chính, nhưng những tư thế tạo dáng chuyên nghiệp, cách show hàng đầy gợi tình cũng khiến dân mạng được phen “bổ mắt” miễn phí.

Bên cạnh đó, Ola chat, Yahoo cũng dần trở thành điểm đen về chat sex. Một thế giới mại dâm ảo tồn tại trong mỗi trình chat này. Nếu không biết điểm dừng, mỗi học sinh, sinh viên sẽ trở thành con mồi và nạn nhân của thú vui bệnh hoạn mang tên chat sex.

Theo Đan Mạch (Soha.vn/Trí thức trẻ)

Mùi Hương Phấn



Vũ Hữu Trác

Những cây mít, cây thị tuổi thơ tán rộng xanh ngát chưa từng thấy ở nơi đâu, trong vườn bên con đường nhỏ ấy để nhớ. Những ngôi nhà xưa đôi chỗ không còn mái, bỏ hoang lẫn trong vườn cây trám bùi quả tím, những vườn muỗm, vườn nhãn gợi về những câu chuyện cũ. Lác đác những căn nhà dưới chân núi có dáng người con gái như đang nằm nghiêng ngủ, khoả thân ngực trần. Sát dưới chân con đường lên núi bây giờ, một vài căn biệt thự tường vàng sơn mới, lan vào đồi chè chỉ một màu xanh man mác buồn. Bóng tối đang trùm dần lên hai người ngồi chỗ vạt cỏ bên đường. Bây giờ lẫn trong hơi thở nơi chiều quê, phảng phất một nỗi nhớ thật xa.
- Anh đã biết mùi hương phấn chưa?
- Nói chưa thì không đúng, anh chỉ biết lơ mơ thôi. Thật đấy!
- Mùi thế nào, nói đi, có làm sao đâu.
- Mùi son phấn thơm thơm nhưng không ra kiểu gì cả, không giống thứ gì cả. Còn em?
- Em sao lại không biết, đó là thói quen đàn bà không thể bỏ được. Anh là đàn ông mà không biết mùi hương phấn thơm thế nào thì không ra đàn ông. Anh là nhà văn phải không? Anh không nói được thì còn ai nói lên được. Thơm nhưng có gây thèm không?

Cái lạnh thêm cảm giác ghê ghê lan nhanh vào người bên cạnh.

Trên con đường dốc dài cô đang muốn đi lên, nuối tiếc dừng chân, cảnh vật Nguyệt Hằng Sơn luôn đổi khác. Vài con vật như con dê, con bê con đang hiền lành gặm cỏ bên đường, bỗng dưng có lúc cặp sừng trên đầu chúng dài ra nhọn hoắt trông dễ sợ. Cây cối chân núi xanh tốt mà đầy những con sâu róm lông xù sẵn sàng rơi xuống đầu, xuống vai làm cô luôn phải để ý tránh, sợ chúng đâm đám lông độc vào da thịt làm bỏng rát, hay xúm lại cắn xé làm cô đau đớn.

- Thèm khi còn trẻ thôi. Sao em biết anh là nhà văn?

- Thì nhìn đôi tay bàn kia, nhà văn, họa sĩ, nhất là nhà thơ thoáng trông thì biết. Tay chân yếu ớt, không ốm thì cũng xanh xao, mặt gầy gầy đói ăn, tai thì bé mà mồm lại to. Trăm ông, vợ ngấm ngầm ghét cả một trăm, có nói nhiều cũng phí công. Khi có tuổi như anh, người ta thôi không nỡ đuổi kẻ ăn hại ra khỏi nhà. Có vẻ trong thời hiện đại này dù là nhà văn có tiết khí nhưng khó giấu nổi cái gốc rễ của đàn ông bần hàn. Anh thì văn vẻ tiết tháo ra cửa miệng, chứ chữ nghĩa không bán được mấy cho ai, đúng không?

- Em giỏi thật đấy, anh không bị đuổi, tự anh đi khỏi nhà, lần ấy cách đây nửa tháng rồi. Cũng là cách để quên cái buồn về chuyện danh phận bị mất mà anh không muốn ai cứ cấu cắn anh. Đúng như em nói, suốt đời anh đã cố gắng nhưng không hiểu sao chẳng làm được điều gì nên hồn. Chán lắm! Nhưng anh không phải nhà văn mà là nhà báo.

- Thì cũng kiểu thừa chữ, to mồm, cơ hội kiếm tiền thì ít mà dễ bị stress.

Đã lâu mới có dịp để gió phả vào mặt rồi phì cười với mình, cô nhớ nơi này, khi còn nhỏ cũng có một chàng trai người đầy văn thơ, đắm say giọng hát quan họ của cô. Sau bao nhiêu nhọc nhằn cuộc đời mà giờ cô vẫn tưởng ra người ấy đang đi tìm cô, đứa con gái ngày xưa chưa một lần được nhìn thẳng mặt.

Duyên trời, không bao giờ cho nhiều, chỉ rơi uỵch vào lòng một đôi lần khi còn tròn mọng. Kỳ lạ, một chút vương vấn với người ấy không bao giờ gặp lại mà không thể nguôi ngoai mỗi khi nhớ về. Còn cô, khi dừng chân ở đây, đã nếm đủ thứ trường đời mà vẫn không sao hiểu được duyên trời là để cho hay để buộc người ta thế nào. Cô chợt nhận ra có một vài điểm là lạ ở chân núi chỗ này hay chỗ kia, nhưng khi nhìn kỹ chỉ thấy còn lại đầy những ký ức. Cô mong mà không thể thấy điều chưa bao giờ thấy trong cuộc đời mình. Ai chưa từng đi trên con đường nơi núi Chúa Chè mới thấy được núi thật mênh mang phù thế, gợi ước nhục dục, sinh tồn.

Cái cảm giác ghê ghê lại làm rùng mình lần nữa. Phía xa, con đường đi lên núi co hẹp lại trong bóng tối, những tán lá vật vờ như những tay người vươn ra mời gọi. Ngồi lại trên thảm cỏ đã ẩm hơi sương chiều, hình như không ai muốn về.

- Anh không nhìn thấy gì thật à? Kìa, kìa có người đi trên con đường kia kìa, Người ấy bây giờ vẫn đang mải miết tìm thứ mà bất kỳ đàn bà nào cũng mong có được. Vốn tự tôn vinh sắc đẹp của mình đã người ấy trở nên ích kỷ đối với bất cứ chàng trai nào ở chốn này.

- Sao em lại rủ anh về đây?

- Thì đây là Bắc Ninh quê em và người đàn bà đẹp ở Trà Hương, Phù Đổng trấn Kinh Bắc, giờ là Tiên Du, Bắc Ninh. Quê hương Đặng Thị Huệ nữ phi được là Tuyên phi của Chúa, từng phủ dụ nói thay lời Chúa, từng đem ơn cấp lương thảo, bổng lộc cho dân tình nơi đây. Núi kia anh biết không, là núi Chúa Chè đấy. Người ta gọi người đàn bà xinh đẹp ấy là cô gái hái chè hay là bà Chúa Chè. Đến bây giờ người ở đây vẫn tưởng nhớ ơn huệ của người đẹp mà thờ phụng, nhất là những ai trong cuộc đời không được may mắn.

Chỗ lưng chừng núi là đền Thượng có Long chầu, Hổ phục bên ngôi miếu cổ hoang sơ lộ thiên kia là đền thờ cung nữ Tuyên phi Nội Duệ, Cầu Lim đấy. Ở chùa Bách môn bên Long Khám Tiên Du, còn xây miếu thờ Tuyên phi, để du nhân dễ bề thăm viếng, cầu ban giải nỗi hận đời. Chùa là nơi Tuyên phi nhiều lần về chay tịnh dăm ngày trước khi niệm Phật cầu xin cho chúa Trịnh Sâm luôn được an bang tế thế, vững bền quốc kế dân an.

- Em, quê em ở Nội Duệ, Cầu Lim phải không?

- Kìa. anh trông kìa. Đấy, đấy cô gái Nội Duệ, Cầu Lim đấy. Hôm nay anh phải tận mắt thấy mới được, cho dù trời tối nhé !

- Sao anh không thấy gì?

- Im lặng, anh thấy chưa. Đấy, đấy, thấy chưa?

- Mắt anh kỳ này kém rồi, gần như anh với em bây giờ mới nhìn rõ được. Em có biết, hôm nhìn thấy em trong nhà hát, tự nhiên anh giật mình cái đùng đấy. Thật đấy, không nói ngoa đâu, lâu rồi anh không có cái cảm giác kỳ lạ đến thế, giờ ở bên em đây mà thỉnh thoảng vẫn thế. Anh không ngờ.

- Anh nói tiếp đi. Sét đánh à. Không hiểu sao hôm ấy em lại trở lại đấy, em bỏ hát rồi. Đàn bà trời cho một hai phần tài, thì phải tám chín phần sắc mới là đàn bà, nhưng những người ấy đều bất hạnh tất tật. Thôi để em kể anh nghe chuyện này.

…Truyền thuyết kể rằng, một hôm vào buổi chiều muộn vẫn còn nắng nhẹ, trên con đường lên núi kia còn phảng phất mùi hương từ da thịt thơm mát của một người đàn bà xinh đẹp, tất nhiên là cùng quê với em bây giờ. Buổi chiều giờ ấy, là thời điểm không gian hoàn toàn ngưng đọng, làm cho ai phiêu diêu kia trở nên lãng du và rồi đột nhiên mất tích. Ai bất chợt gặp được thời điểm không gian ngưng đọng như người đàn bà đẹp Kinh Bắc là đã đến được với Nguyệt Hằng Thánh nữ.

- Anh hiểu rồi. Người đàn bà ấy cũng giống em trước đây phải không?

- Anh biết không, muốn đến với Nguyệt Hằng Thánh nữ thì phải là những người đàn bà xinh đẹp và thường khi đó không còn tròn mọng nhất là khi họ không còn ràng buộc gì nữa. Người ta bảo, đàn bà xấu bên ngoài họ bị buộc phải bỏ qua tất thảy những gì sung sướng hay ao ước. Họ không được cung phụng tôn thờ chỉ vì bề ngoài không hấp dẫn, nhưng họ nhận biết được thời gian, nên họ có nhiều của cải ẩn bên trong. Lẽ thường họ luôn giữ gìn phẩm hạnh theo nghĩa hiểu của một số người nhà văn, nhà báo như các anh cho dù là bất đắc dĩ, nên họ không thể gặp được những thời điểm ấy.



Cô kể về một đoạn đường dị thường đến huyễn hoặc ấy gọi là “con đường ma”, ngày trước vào chiều tối vẫn thường thấy hiện lên người đàn bà xiêm áo kiểu xưa lộng lẫy trong kì ảo mê hồn. Một người đàn bà thơm ngát hương phấn đi trên con đường vốn chỉ dành riêng cho những người xinh đẹp, lát sau lại tan biến đi như chưa từng có. Nếu ai đã thấy ở nơi đây người đàn bà trên đoạn dốc chỉ đủ chỗ cho một xe ô tô nhỏ ấy khi lên gần đến ngôi miếu cổ hoang sơ lộ thiên trên chỗ kia, thì ngay lập tức xe máy hay xe đạp cũng có thể cứ tự lăn bánh ngược dốc đi lên mà không cần đến sức đẩy, nếu là ô tô con có thể thử tắt máy thì càng rõ điều kỳ dị ấy đến mức nào.

Chiều tiếng chim bìm bịp khắc khoải kêu trong lùm cây như báo hiệu bầu trời trên cao không còn xanh, đã muộn vàng cùng nhịp thở không còn trẻ trung. Ngẩng đầu lên cao ánh mắt đẹp lại long lanh ẩn dấu một khoảng sáng còn sót lại trên bầu trời. Giờ đây khi chờ một chiều nắng nhẹ, cô ước ao được đi trên con đường có mùi hương thơm từ người đàn bà xinh đẹp kia, để rồi quên lối cũ trở về. Cô mong được như người ấy như những kẻ trên cõi đời đã này đến được với Nguyệt Hằng Thánh nữ để cô chẳng bao giờ nhận ra mình nữa, bởi cô đang tìm một nơi thật sự yên tĩnh, trong lòng nặng trĩu cô đơn.

- Thế là em cũng đi, mang theo điều mong ước để tìm lại lòng mình, nhưng thời điểm ấy chỉ có từng khi. Có lần em đã thấy Tuyên phi vừa đúng lúc thời gian ngưng đọng đã qua. Em đã được thấy người con gái xinh đẹp nổi tiếng mà tài sắc sánh cùng tiên nữ. Tuyên phi, con gái quan họ Nội Duệ, Cầu Lim, mắt phượng mày ngài, khuôn trăng đầy đặn dáng xinh đẹp lộng lẫy đến thế. Xưa các tiên nữ vân du xem mặt còn ghen tị, đất trời nhật nguyệt còn mê mẩn, chỉ cần được nhìn nghiêng như bây giờ, là ối người đã ngất xỉu rồi, huống chi như anh. Bấy giờ, người đàn bà ấy không còn nhớ lại về chỗ cửa cung thềm cao, quyền chúa không còn chỉ còn lòng mình hoang hoải không gì có thể bù lấp. Khi mà Trịnh Cán lên ngôi Điện Đô Vương, Tuyên phi thành Vương Thái phi nhiếp chính muốn gì được nấy. Còn khi Chúa băng hà, Tuyên phi thất thế bị bọn kiêu binh và mẹ Chúa truất xuống làm thứ nhân. Cùng khi, Chúa con ở ngôi được đúng một tháng cũng bị giáng ra ở phủ Lượng Quốc rồi ốm bệnh mà chết. Nơi giàu sang hết mức ấy, thừa mọi thứ mà tìm không thể thấy một thứ mà mình ao ước.

- Em ơi, những người đã thấy Tuyên phi trên con đường đó, họ sẽ không còn biết những khái niệm về thời gian. Đúng là họ sẽ không thể nhận thấy điều mình đang sinh tồn như thể mình chưa bao giờ tồn tại trên cõi đời này. Dường như họ đã đi là cứ đi, họ cũng không thể hiểu cả những thứ gì như bổn phận đang thúc dục mình phải đi tiếp trên con đường ấy. Họ sẽ mãi quanh quẩn trong cái vòng tròn định mệnh. Họ biến mất trên nhân gian và họ không thể già đi. Họ có thể trở lại con đường đã qua, đi qua cả những đoạn cuộc đời của chính mình trong quá khứ. Nhưng họ chẳng bao giờ nhận ra mình đã từng đến và sẽ chẳng bao giờ thấy lại mình ở đấy, cho dù trong lòng họ ao ước đến cồn cào. Cứ thế họ đi tìm lại những thứ đã có mà không thể hiểu là đã thấy lại. Những người ấy cùng những rối bời trong đầu và những ao ước cháy bỏng, họ luôn quên đi thời gian.

Anh biết cả người đàn bà ấy, để anh kể cho em nghe…Chúa cho đón cô về phủ. Tết trung thu, Chúa cho lấy gấm vóc làm hàng nghìn đèn lồng, mỗi cái có đến cả lạng vàng. Hồ Long Trì bắc thành, rộng nửa dặm đêm về ngát hương loài sen, súng. Ven hồ hàng cây phù dung treo đầy những đèn lồng tinh xảo. Sóng và trăng dập dờn mặt hồ, xa trông như hàng vạn sao đêm, lấp lánh. Nội thị, mặc áo chít khăn đẹp, bày hàng ở mép đường ven hồ bán hoa quả, bán chả công nem phượng, rượu hoa thức gì cũng chồng chất như núi. Cung nhân qua lại vừa mua vừa cướp không cần hỏi giá, đua nhau đùa ghẹo hát vui, tiếng cười vang dậy. Nửa đêm, Chúa ngự thuyền cùng cô đến thưởng ngoạn trên hồ. Phi tần gõ phách hò reo, thuyền cô lênh đênh sóng nước, lúc đàn khi sáo. Tiếng ca hát mừng cô, khiến tưởng đó là ở nơi cung trăng, chốn nhạc thiên đình.

- Lẽ ra em phải hiểu ra một điều sớm hơn, khi tự em đánh thức nỗi lòng, cho phép mình về quê hương đi tìm lại ngày xưa, dù chỉ được một lần thấy lại ai đắm đuối. Nhưng càng về những chỗ ấy, mới thấy mình càng bất hạnh. Con gái Nội Duệ, Cầu Lim nổi tiếng xinh đẹp vì hay hát quan họ, nhất là đám liền chị nên con trai khó rất đụng vào được. Thế đấy, Trong đời người đàn bà, mọi thứ đều do tự mình lựa chọn mà không ai bắt buộc cả nên mới có chuyện. Em bỏ hát quan họ rồi, thi thoảng chỉ còn hát lại cái thứ ngô nghê của đứa trẻ con gái mới lớn đang một thời rạo rực. Em hát những lời ư a trong miệng mỗi khi nhớ về, để thấy lại tuổi thơ vội vàng qua đi mau chóng khi mà em còn chưa biết làm gì để vào đời. Có lúc em nhớ ánh đèn sân khấu đến mụ người, em đã định trở lại với sân khấu. Em nhớ tiếng vỗ tay ầm ầm trong tiếng nhạc, nhớ đến những khuôn mặt thẫn thờ dõi theo em. Em biết những người đàn bà đẹp, họ không thể sống lâu chỉ bằng nhan sắc, khi bị mất thứ đó họ dễ bị chết sớm.

Chết dở là bởi chỉ dựa vào cái nhan sắc lúc tuổi trẻ để không cần nghĩ ngợi gì. Khi hiểu được mình đã sai lầm thì là lúc không họ còn là người đẹp nữa. Lúc tự biết như thế là vô thức, hiểu ra mình là người không thông minh cho lắm, bởi đã có một anh hùng nhúng chàm em vào đường tình. Khi em chưa thấy được điều tự thấy, em bằng lòng với cuộc sống được bảo bọc bởi một kẻ đàn ông cung phụng mọi thứ cho đàn bà chỉ vì cái đẹp của mình. Chính lúc đó em không hiểu được thế nào là yêu. Thậm chí có lúc còn cho rằng những kẻ yêu ở mức mãnh liệt, say đắm, đầy tình là sự nhố nhăng của một thứ đàn bà con nít.

Em thấy tiền bạc cũng là thứ quan trọng hơn cái gì đại loại như cái thứ tiết tháo cửa miệng. Đầu tiên khi có tiền là lúc em biết dùng nhan sắc, tuy không nghiêng thành, đổ thùng nước, thì cũng đủ để hạ sát kẻ có tiền bằng cái thứ trời cho, bắt phục vụ khi mình cần hay ham muốn. Nhưng em đâu có biết những thứ ấy, nhất định tìm cách dìm mình ngập ngụa trong cái đẹp mà không muốn buông tha mình lúc nào, bởi chỉ có cái đẹp mới là thứ đáng cần.

Có điều người ấy không mê hát bằng tiền nhất là quan họ như thế, cung phụng mọi thứ cho em để đổi lại em không được đi hát nữa. Người đó còn tài lừa tiền một cách chân chính ở chính trường. Có lần anh ấy nói :

- “Em thử hát lại anh nghe :

Trèo lên quan dốc, Ngồi gốc ới a cây đa. Tôi lý ới a cây đa. Ới cô tang tình rằng đi đâu mà vội... . nghĩa là thế nào. Nhất là cái thứ ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng ớ là là ơi. thà đừng hát người ta đỡ biết là mình gốc gác nhà quê ”.

Em bảo :

- “Thì ai mà chẳng gốc gác nhà quê. Thế anh có thích bài này để em hát

Giận thì giận mà thương thì thương. Thương anh nhiều nhưng em không chịu nổi...”.

- “Thôi thôi, thà đừng thương. Thương thế thì bỏ về ở ẩn còn hơn. Thương mới chẳng yêu, ra cái điều, đàn bà có gì mà không chịu nổi là làm sao? Đàn ông không cho phép lợi dụng yêu đương để dạy đời nhé...”

Anh ta cho đến giờ thì chắc chắn hết sạch, đang ngồi đếm kiến trong tù.

Có lúc mình tự huyễn hoặc, tự giải thích cho mình. Chẳng hạn nếu để được phẩm hạnh, người đẹp phải làm việc quần quật để giữ cái tổ của mình thì có đáng không? Hoặc nếu đấy là lấy phải một thằng chồng hèn? Người đẹp bằng mọi giá để giữ được phẩm hạnh mà quên đi cái thứ trời cho vô bằng là dại. Xin đừng có ai cay cú trút lên đầu những con đàn bà được sống trong ngôi nhà do người đàn ông xây cho, tận hưởng cuộc sống thừa tiền của. Chẳng có con đàn bà nào, người mẫu, hoa khôi nào muốn cung phụng tình yêu cho cho đám đàn ông nghèo hay bất tài, kể cả việc vặt đi làm xóa đói giảm giảm nghèo nếu chẳng ai hay. Cái lỗi là của thứ thích được hưởng lạc trong cái ung dung ấy mà không người đàn bà nào trong đời không ước ao có được, dù đời gọi đó là lối sống của gái bao. Chính bởi mình đã không biết, không ai nói cho mình biết đó là sa đọa.

mà hát quan họ có lẽ chỉ hợp với em khi còn nhỏ. Khi em biết kẻ anh hùng, ga lăng ấy có một đống vợ và một đống con thì mới hiểu ra cái ít nghĩ ngợi đã để cái trẻ đẹp, hay hát của mình rơi vào thứ mạt hạng, có nghĩa như một sự bán dâm được giá. Chuyện của em, nghĩ lại thấy mình chẳng ra gì. Anh nói tiếp đi, anh bị sét đánh à?

- Không, không phải sét đánh, nhưng anh bị mê hoặc. Anh không hiểu nổi em, dù có quen biết em đã khá lâu. Nhưng thế nào thì sự thay đổi này cũng làm anh giật mình.



Giữa mùa hè mà cái lạnh đến thật nhanh lúc buổi về chiều. Chỗ con miếu gió lại rỉ rả lời xưa kể chuyện độc chiếm bầu trời. Con đường vắng trên lưng chừng núi, trăng lên sớm hơn mây trắng mơ màng. Nhìn xuống chỉ thấy màu mênh mông xanh ruộng lúa, đồi chè và nghe tiếng gió ào theo trong những bụi cây khi sâu bọ đi đã ngủ.

- Em nghĩ lại chuyện xưa nơi đây có bao kẻ si tình. Có cả một chàng trai say mê em đến mức hiếm có, muốn dâng tặng cả Kinh bắc cho em. Mọi nỗ lực tỏ tình của chàng trai đất làng Lim mà em không một lần đoái hoài cho nhìn thẳng mặt, khi nhớ lại làm dù rất ân hận nhưng cũng lại phải tự mình che đậy đó là duyên trời đến với bất cứ ai chỉ một đôi lần.

Nỗi buồn kỳ lạ cứ xâm chiếm càng làm gương mặt cô vô cùng thất vọng, chính cô cũng không hiểu được vì sao. Cô ước ao gặp lại người ấy dù chỉ đem đến cho cô một nỗi đau buồn.

- Anh không thể hiểu được khi đã là gái hết thời, họ dễ dở hơi như vậy đấy, gặp ai đối tốt với mình tý là cứ tự vơ vào cho là người ta có tình ý với mình. Còn anh thì khác, những người như anh là người trọng nghĩa tuy không được khinh tài.

- Thì anh có tiền nhiều bao giờ đâu mà khinh.

- Anh đã thấy chưa? Cuối cùng cũng nghe thấy lòng mình thúc đẩy, nhưng cũng có người bảo em nên về quê hương và ở lại mãi mãi đây, để được sống với những ước mong của mình. Em quẩn quanh với những ý nghĩ, mọi thứ xung quanh vẫn như khi còn nhỏ. Giờ em không muốn nhớ cái gì thêm nữa. Em muốn tìm đến với cửa thiền.

- Em đừng! Bây giờ nếu có bóng ma là em, cần một khoảng bình yên ấy, thì anh sẽ nguyện đi tìm theo đấy. Nghe anh… Em có thấy, người đàn bà đẹp vẫn đi trên đường ấy vào những thời điểm như vậy hẳn là không biết đói mệt, không cảm thấy gì, cho dù trái tim người đàn bà ấy vẫn đập. Quả tim của người ấy có thể tách ra, nó vẫn đập đều đặn như từ lúc còn tấm bé. Nó đập một mình không chút bận tâm, thản nhiên đếm thời gian đã qua mà không một chút nhớ. Trái tim ấy không bao giờ còn có được những lần mệt mỏi vì yêu người đàn ông trong tràn đầy kiêu hãnh nữa. Mỗi bộ phận trên cơ thể người ấy giờ đây có thể hoạt động độc lập với nhau, dòng máu không được truyền hơi thở cứ lạnh ngắt chảy trong người. Người đàn bà đẹp xứ Kinh Bắc cứ sẽ đi mãi trên con đường mê ấy.

- Anh ạ, nếu trên đời này có phiêu diêu như thế, liệu em có được gặp lại những ký ức không? có tìm được lại mình không? Em cứ tự hỏi, liệu có bao giờ gặp được ai để thay thế, để làm lại từ đầu. Nếu có thể quay trở về và hơn thế khi có được chỉ một người đàn ông mê nghe hát một thời, cùng với núi chỉ một màu xanh những nương chè đã từng đắm say mình. Người đàn ông ấy không quyền uy, địa vị hay tiền tài, nhưng không bắt mình phải ngập ngụa trong cái đẹp, mà tiếng hát mình được nâng niu.

- Em nghe anh nói tiếp đây. Đối với chúng ta câu trả lời chính xác em có hiểu không? Đó không phải là thứ dành cho đôi mắt, mà là của trái tim. Đàn bà luôn khát vọng một tình yêu từ đáy lòng. Từ trong bộ ngực căng tròn xinh đẹp của người ấy vẫn phập phồng đều đặn, đầy uy quyền với đàn ông nhưng khi đó không còn có được những hơi thở nồng nàn. Anh đã thấy người ấy với mọi thứ xinh đẹp, từ cái bụng xinh xắn đẹp mê hồn, vẫn uốn lên những đường cong quyến rũ như một thói quen khi ở bên đàn ông. Cùng với các bộ phận khác cũng chỉ thế thôi, nó chẳng còn hứng thú gì, nó chẳng bao giờ mong có thể có được một kẻ đàn ông nào đó bắt ép nó nữa, đơn thuần nó là những bộ phận cơ thể bỗng dưng chán nản dù vẫn đang vận động. Mọi thứ xinh đẹp ấy đều lạnh lùng đến dửng dưng, vô cảm. Nó không thể truyền lại được cái cảm hứng cho ai, chẳng ai để ý đến nữa. Người ấy sẽ giật mình bối rối trước một kẻ đàn ông nào đó định xâm chiếm lần nữa.

- Người xưa tin rằng ma có thể hiện lên vào nửa đêm. Đêm nay em muốn anh ở đây với em. Anh để ý nhé . Đấy, đấy, thấy chưa?

- Đúng là kỳ lạ thật. Đáng tiếc anh chỉ thấy một bóng gì mờ mờ không rõ. À, chỗ đền thờ liệt nữ chốn Nội Duệ, Cầu Lim hình như anh thấy cả Tuyên phi nữa.

Mùi cỏ cháy, mùi tử đinh lăng và mùi hương hoa dại từ cái bóng mờ ngẩn ngơ trên đường. Người ấy có lẽ không biết rằng trái tim ấm nồng sẽ mãi không thể về trở lại với mình lần nữa.

- Em nói cho anh biết, anh đang ở bên một cô gái bất hạnh và đang cùng đi với em trên con đường kia đấy!

- Ối a! Anh thấy rồi. Bây giờ anh đã thấy được rồi, anh cũng đang đi trên con đường danh phận lúc xế chiều này. Anh cũng muốn thấy tất cả để hiểu cùng nỗi buồn trong tâm trạng vụn nát của em. Kia rồi, những hình thù kì dị xa lạ và bí hiểm kia, anh đã thấy rồi. Anh thấy cả em ở đó rồi. Anh thấy cả mùi hương phấn nữa rồi. Để anh hát cho em nghe : “ Chiều chiều ra đứng Tây hồ Tây. Thấy cô tang tình gánh nước. Tưới cây, tưới cây ngô đồng. Em tưới cây không chông trong lòng tôi thương...”

- Anh đừng! Nhà báo ơi đừng làm gì, đừng viết gì nhé.

ĐỒNG TIỀN HAI MẶT



Trần Huy Thuận

Tử cổ chí kim, từ Đông sang Tây; dù được làm bằng kim loại hay bằng giấy, ĐỒNG TIỀN luôn luôn HAI MẶT!
TIỀN ra đời xuất phát từ nhu cầu TRAO ĐỔI HÀNG HÓA - THƯƠNG MẠI, luôn gắn bó chặt chẽ với KINH TẾ THỊ TRƯỜNG đồng thời là hình ảnh tượng trưng cho giá trị của hàng hóa. Bởi vậy, vai trò đầu tiên của TIỀN là làm THƯỚC ĐO GIÁ TRỊ HÀNG HÓA. Từ vai trò quan trọng này, TIỀN nghiễm nhiên trở thành PHƯƠNG TIỆN THANH TOÁN và PHƯƠNG TIỆN TÍCH LŨY trong mọi giao dịch của cộng đồng. Và bản thân đồng tiền, đến lượt nó, nó cũng trở thành HÀNG HÓA – một thứ hàng hóa đặc biệt nhưng mang đầy đủ thuộc tính như của bất cứ hàng hóa nào. Đồng tiền vốn VÔ TRI nhưng rất hữu ích đối với bất cứ ai có nó trong tay.
Nhưng, đấy mới là MẶT PHẢI, phía trước của đồng tiền. Phía sau hay MẶT TRÁI của hàng hóa này, đóng vai trò rất táo tợn và tàn nhẫn - đôi khi sự tàn nhẫn của nó đạt đến mức phi nhân tính. Ấy là lúc nó không còn là công cụ mà đã biến thành KẺ SAI KHIẾN, thành ÔNG CHỦ của con người. Ngay đến kẻ đang “nắm giữ trong tay” rất nhiều tiền, đôi khi cũng vẫn chỉ là KẺ NÔ LỆ thảm thương của chính những đồng tiền anh ta có – ĐỒNG TIỀN đã trở thành một thứ QUYỀN LỰC đứng trên mọi quyền lực: Quyền lực bất thành văn. Ngay từ thời xa xưa, cha ông ta đã nói: “Vai mang túi bạc kè kè / Nói quấy nói quá người nghe ầm ầm”.
Ấy là lúc đồng tiền đã vượt lên khỏi chức năng vật ngang giá thông thường trong thương mại để trở thành thứ có thể mua được mọi thứ thuộc CON NGƯỜI, từ thân xác đến lương tâm, đến phẩm giá, đến lý trí, đến tình cảm, đến nghĩa vụ và đến cả lòng biết ơn…
- Khi nào thì mặt trái của đồng tiền hiện ra?
Khi MỌI THỨ, từ vật chất đến tinh thần, từ lương tâm đến trách nhiệm, từ danh vọng đến địa vị, từ văn hóa đến công lý… đều trở thành HÀNG HÓA. Lúc ấy, ĐỒNG TIỀN trở thành THỐNG SOÁI, trở thành thứ HÀNG HÓA ĐỨNG TRÊN mọi hàng hóa – Khi đồng tiền “…Là thước đo của danh vọng / Là cái lọng che thân / Là cán cân công lý…” (ca dao mới). Đồng tiền có lúc là sứ giả của lòng bác ái, có lúc là nhân chứng của lũ sát nhân; có lúc mang tầm vóc của nhà bác học, có khi lộ bộ mặt kẻ tiểu nhân vô học; có lúc đóng vai thôn nữ ngây thơ, có khi là gái bán hoa lọc lõi… Và không dừng lại, đồng tiền tiếp tục tung hoành làm tha hóa đạo đức, lẽ sống, lý tưởng; làm đảo lộn đạo lý: kẻ cắp thành quan tòa, kẻ bất lương thành tu sĩ, đầy tớ lên ngôi ông chủ; làm đảo lộn luân lý: Con khinh cha, anh em trong một gia đình kiện cáo đâm chém nhau, cháu chắt thóa mạ ông bà, tổ tiên… Cao hơn nữa, đồng tiền còn có khi khiến một công dân từ chỗ xả thân trong chiến trận chống ngoại xâm, đến chỗ sẵn sàng bán nước cho ngoại bang.
Đó chính là sự tha hóa cuối cùng của đồng tiền. Và đến một mức nào đó, sự tha hóa ấy sẽ đương nhiên dẫn đến sự sụp đổ NIỀM TIN trong chính mỗi con người, trước CUỘC SỐNG, trước chính CON NGƯỜI. Thực ra thì, NIỀM TIN không hề mất đi, NIỀM TIN chuyển sang một lĩnh vực khác – quay về với TÂM LINH, với những gì thuộc về THẦN BÍ. Sự bế tắc trong tư duy tìm đến sự mơ hồ trong thần tượng!
*****
Vâng ! Đồng tiền vốn luôn HAI MẶT, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng !.. Đồng tiền chỉ SẠCH khi nó vừa được in ra, nhưng một khi đã tham gia vào lưu thông, nó càng ngày càng BẨN. Thậm chí ngay trong quá trình in ấn, đôi khi đồng tiền đó đã… RẤT BẨN – nếu nó là kết quả của một âm mưu nào đó của kẻ được giao làm ra nó. Và có điều này cần ghi nhớ : Đồng tiền còn được gọi là ĐỒNG BẠC, là TIỀN TỆ nữa đấy. «Bạc» và «tệ» đến mức nào, điều ấy còn tùy thuộc ở chính nơi ta.

Lan man nghĩ về sự học



Nghiêm Lương Thành

Lười học là sự đáng chê. Thất học là việc đáng buồn. Vô học là sự rất không đáng trọng. Có học mà sự học chưa đến nơi là điều đáng tiếc. Học với định ý “sống chết mặc bay” là cái học của kẻ trọc. Học để cùng bảo nhau thấu hiểu lẽ tự nhiên và đi theo con đường sáng là cái học của người hiền. Học để làm cho cuộc sống vật chất và văn hóa của con người ngày càng đầy đủ và trong trẻo hơn cũng vẫn là cái học của người hiền. Năm Cam, tuy là phạm nhân xã hội màu nhận án tử hình, nhưng có công nâng tầm khái quát về quyền năng bất khả trắc của đồng tiền. “Dân gian” biến ảo khôn lường là chuyên gia phát hiện các loại kẽ hở kỹ thuật, cũng là tác giả thiết kế ra các khe hở, là kỳ nhân bỏ qua giai đoạn học tập tích lũy tri thức, tiến thẳng lên nền văn minh bằng sắc nuôn hồng ngàn tía.

Các bậc tiên nhân bảo: “Người không học khó mà biết và hiểu được lẽ tự nhiên”. Được học mà vẫn không phân biệt được đúng sai, phải quấy rồi làm càn làm bậy vẫn là hạng vô học. Được học và biết được thiên lý mà vẫn nhũng nhiễu, vơ vét, cướp bóc, hà hiếp, chà đạp lên nhân phẩm con người đều bị coi là giặc. Những kẻ bán rẻ đất nước, đồng bào mình cho ngoại bang chỉ cốt cầu lấy sự vinh thân phì gia chính là giặc. Bầy ngoại bang kéo bầy kéo lũ đến xâm lược đương nhiên là giặc. Chống giặc, diệt giặc, chẳng ai thay được người dân. Dân vốn lành. Người lành chỉ làm việc lành. Trừ giặc, vượng quốc là việc rất lành. Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đều là con em của dân lành.

Ưỡn ngực mà “téno” ra những điều lớn lao cao cả chưa bao giờ được coi là khó; từ vua quan sáng choang đến thứ dân đen đúa, dù trên đại diễn đàn cao thâm huy hoàng hay bên chõng nước chè so dúi úi sùi nơi vỉa hè góc chợ, ai cũng có thể tự mình bốc bùng tỏa sáng. Giặc giã và đại ngôn tùng xòe mang tính hỏa, dân chúng và đại hành thiên lý là dòng chảy lớn cuồn cuộn phù sa. Trong Dịch Học, tượng của lửa ngoài cứng trong rỗng, tượng của nước thì ngược lại. Với tượng của nước: lớp ngoài là phù sa hiền hòa, chủ về nuôi dưỡng, chở che, khuyến khích; phần bên trong dung chứa những khát vọng tự do, công lý, tri thức, tình yêu và năng lực hiện thực hóa những khát khao đó.
*
Kể từ thuở dựng nước, trong khoảng vài chục năm gần đây, chưa bao giờ nước ta có tỷ lệ người xông pha vào nơi trường bút trận nghiên cao đến thế và, cũng chưa bao giờ, nước ta có được số người đạt học vị cao lại đông vui đến thế; đông đến mức ... thấy ngại, vui đến mức ... không cười được. Từ xưa, chưa thấy ai chê học tập là việc xấu. Ngày nay, quả thực, tỷ lệ người mù chữ là thấp hơn rất nhiều so với thời Pháp thuộc, nhưng tỷ lệ kẻ mù nghĩa, rón rén mà nói, hình như, e rằng, có vẻ ... không giống thế.
Cái dạy và học thời phong kiến chỉ chủ về một mặt Nhân học nên mặt Kinh tế-kỹ thuật của xã hội khó phát triển. Cái dạy và học thời nay được tuyên ngôn là phủ đều trên cả hai mặt nhưng, không hiểu làm sao, chúng ta vẫn phải nhập khẩu từ cây kim cho phụ nữ lấy cái thêu thùa may vá; hàng hóa đem đi bán cho các nước vẫn là tài nguyên thô, nửa thô và những loại hàng có hàm lượng cơ bắp cao. Phải chăng chúng ta vốn dĩ căm hờn và xa lánh Lợi nhuận siêu ngạch? – Tôi rất tin vào tính chân thực của câu chuyện về một thủ tướng Hàn Quốc đã khóc khi lần đầu tiên Tổ quốc của ông xuất khẩu được công nghệ kỹ thuật ra nước ngoài.
Trong khoảng vài ba thập kỷ trở lại đây, người trong nước, đâu đâu cũng thấy than phiền quá nhiều về các vấn nạn xã hội; người nước ngoài xếp nước ta vào hàng những quốc gia đang phát triển. “Đang phát triển” là một cụm thuật ngữ, là cách nói hàm chứa một tinh thần sư phạm cao cả. Người nói hài lòng với lối diễn đạt, còn người nghe thấy thuận tai và cảm nhận được đầy đủ các vị đắng cay, chua chát. Trong ẩm thực, dường như người Phương Đông giỏi dùng và thưởng thức những đồ gia vị hơn người phương Tây. Nhưng, sự đời vẫn thế, lẽ bù trừ vẫn vậy, chỗ này lõm thì tất có chỗ khác lồi: Nước ta có nhiều dầu mỏ, có vịnh Hạ Long đệ nhất kỳ quan thiên nhiên thế giới, có tượng Phật bằng đồng to nhất khu vực Đông nam Á. Nước ta lọt vào “top” các quốc gia được đánh giá là luôn sử dụng, một cách cập nhật, những sản phẩm đại trà tiên tiến nhất của nền công nghệ tin học nhân loại; chỉ còn một điều băn khoăn nho nhỏ là làm sao phát huy được hết công năng nhân văn và các tiện ích kỹ thuật của nó.
*
Vì đã từng nếm trải vị trần ai, nên muốn tránh cho nền hành chính quốc gia không bị già cỗi và bị thoái hóa, các nền cộng hòa trên thế giới đều đã đặt ra quy định cụ thể về khoảng thời gian cho một nhiệm kỳ và số lượng nhiệm kỳ tối đa cho người điều hành cao nhất của nhà nước. Người được chọn vào vị trí dẫn dắt quốc gia dứt điểm là người có tâm với đất nước, có thực học; người đó thường xứng đáng với lá phiếu bầu chọn của các cử tri trong một môi trường bầu cử ngay thẳng. Và trong thời gian ngắn ngủi của nhiệm kỳ, vì danh dự, vì sự thịnh vượng của quốc gia, vì danh dự của chính mình, họ không chỉ nỗ lực, gắng gỏi đưa đất nước của mình lên mức phát triển hơn nữa mà còn tính toán sao cho có thể tạo lập và để lại được những tiền đề vật chất và tinh thần tốt đẹp, tạo đà cho xã hội và người kế nhiệm tiếp tục cuộc hành trình về phía có nhiều ánh sáng. Đấy là kiểu tư duy đại cục của người có đức, có thực học, có văn hóa ư?
Đọc Giả Bình Ao bên Trung Hoa, thấy viết: “Ngày trước, có những nông dân ra khỏi nhà, có buồn đi đại tiện, cũng cố nín để về hố xí nhà mình; nếu không nín nổi, phải “bĩnh” ra, thì cũng lấy gạch đá để ném cho be bét, không để ai hót”. Mắc cười, nhưng, sâu thẳm trong bụng, bỗng dấy lên chút phân vân: Tư duy nhiệm kỳ là như vậy chăng? Nếu thế, thứ tư duy này, quả thực, luôn làm mất vệ sinh môi trường. Công sức của người dân, đúng ra là để làm cho môi sinh của mình ngày càng trong lành tươi đẹp hơn thì, trái lại, phải dùng để dọn vệ sinh công cộng. Mà cứ lơ là, cứ nhãng đi là đã thấy ùn lên cả đống ngập ngụa, thập thành xú khí, tác yêu tác quái; không cẩn thận, biết dọn đến bao giờ mới xong?! – Đành phải nghĩ: Có chữ nhưng mù nghĩa hoặc cố tình không hiểu nghĩa mà tư duy hành xử theo lối sống chết mặc bay thì chỉ có thể là giặc; loại giặc này, ngày nay, đã tự tiện bổ sung cho động từ bày đặt một nghĩa mới đầy tính kỹ thuật: thiết kế.
*
Thời còn học phổ thông, thường nghe Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa thì lấy làm băn khoăn: Cụ là nhà chính trị, đánh giặc cứu nước, dựng nền độc lập, xây nền dân chủ chứ làm văn hóa hồi nào? Nhưng lại nghĩ: người nước ngoài cũng nói về cụ như thế; nhất định phải dựa vào đâu chứ. Tôi cố tự tìm hiểu, nhưng đầu óc vốn bé nhỏ nông cạn nên không sao lý giải được. Thế là đánh bạo, liều hỏi thày giáo dạy văn. Cứ tưởng bị thày cười rồi phê cho một trận đã đời; nhưng không, thày mỉm cười hiền vui, xoa đầu tôi rồi, bằng giọng nói trầm ấm, thong thả, thày nói: “Mọi người đều hiểu Văn hóa là tất cả những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần của mình”. Tôi đỏ mặt lúng búng: “vâng ạ”. Thày gật đầu hài lòng, nói tiếp: “Thời Pháp thuộc, nước ta không có độc lập, dân ta sống trong vòng nô lệ tủi nhục, chỉ được phép cúi đầu tuyệt đối tuân phục mà không được quyền phản đối nhà nước. Trong cái chế độ trung cổ bán thuộc địa được khoác cái áo dân chủ bằng mạng nhện ấy, mạng người dân bị coi như cỏ rác, nhân phẩm bị chà đạp và đầy đọa đến nhục nhã; cuộc sống luôn nghẹt thở bức bối bởi sự khủng bố chính trị luôn rình rập cùng bao quyền tự nhiên bị cấm đoán và bị bóc lột lấy được bằng cả núi thuế khóa ... Mà, oái oăm thay, những tiền thuế ấy lại được dùng để nuôi sống chính bộ máy chính quyền ngông cuồng ngược ngạo bạo hành người dân hoặc bày đặt ra những trò vu vạ hèn hạ và khủng bố tàn bạo vô lối đối với những người yêu nước thương nòi, có thực học, luôn mong cho dân mình được ngẩng cao đầu, sống như những con Người. Nói gọn lại, thời ấy, dân mình bị đói khổ, thất học và không có quyền làm người. Quyền làm Người là nhu cầu văn hóa lớn nhất của nhân loại. Hồ Chí Minh là người cả đời đấu tranh để đem lại và thực thi cái quyền ấy cho người Việt Nam. Giới học giả vinh danh cụ là nhà văn hóa là vì thế”.
Sau này lớn khôn hơn, được đọc Văn bản Tuyên ngôn độc lập, được đọc sáu điều Bác dạy ngành công an, được biết những điều Bác nói về dân chủ ... tôi càng thấy thấm thía về những điều thày dạy tôi. Văn kiện Những Yêu Sách Của Nhân Dân An Nam được Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hòa hội Versailles ngày 18 tháng 6 năm 1919 với những nguyện vọng về tự do và dân chủ đã để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp không thể phai mờ:
1.Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng đuợc quyền đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu, xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và hội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7. Thay chế độ các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”.
Như một quy luật của đời sống, cái tốt và lòng tin luôn bị lợi dụng. Chính phủ thuộc địa Pháp, những kẻ lưu manh sang trọng, luôn ẩn núp dưới bóng của những tư tưởng cao cả và những bậc hiền minh, tay lần thánh giá mà giấu dao nhọn trong người. Chính phủ này, khi bị lộ diện, bị vạch trần bản chất dối trá đã cậy vào súng đạn, bất chấp phải trái, nhâng nháo vô sỉ, quyết liệt làm càn, không từ một thủ đoạn hạ tiện nào và tự cho mình dự vào hàng “không độc không phải kẻ làm việc lớn”. Ngày nay, Gadhafi thuộc “típ” biết chữ mà không hiểu nghĩa lý, không có khả năng nhận thức thiên lý và tiếp thu những bài học của lịch sử.
*
Chu Văn An, Hồ Chí Minh, Tạ Quang Bửu ... là những người học với mục tiêu đạt đến sự hiểu biết thấu đáo. Các Ngài đều được nhân dân ngợi ca như những nhà văn hóa, nhà giáo dục, một vinh dự của các bậc đức cao thực học, suốt đời thực hành cái sở học của mình giúp dân giúp nước.
Theo lẽ thường, trong nhà vừa có người đỗ đạt cao, có ai không mừng rỡ? Vậy mà khi hay tin con trai mình (cụ Trần Bích San) đỗ đầu cả ba kỳ thi, cụ Nghè Trần Doãn Đạt lại thấy lo âu phấp phỏng. Nỗi lo đó được thể vào bài thơ cụ viết ngay sau đó và tức tốc gửi cho con để kịp căn dặn, nhắc nhở. Bài thơ có câu:
Hữu thức vô nan nan thức đáo
Vô danh bất hoạn, hoạn danh phù
(Biết không khó, cái khó là hiểu đến nơi đến chốn
Không có danh chẳng đáng lo, chỉ lo cho thứ danh không thực).
Nỗi lo của cụ là nỗi lo của một trí thức trải đời, lo vì người có tài thường dễ tự mãn, kiêu căng, đoạn chí học hành tu thân, dễ làm điều ngông cuồng thất đức, hại dân hại nước rồi rước họa vào thân. Người ỷ tài mà sinh lòng tự mãn đã đành là thế; thử hỏi: kẻ bạo tâm, bất tài; kẻ vô học hoặc kẻ hữu thức mà không thức đáo nhưng lại tự cho mình là nhất tuyệt thì cái họa mà dân nước phải gánh chịu sẽ đến mức nào đây?

Tại sao dân chủ vẫn thắng: Phê bình bài diễn thuyết “Chuyện hai chế độ chính trị” của Eric X. Li


Yasheng Huang (Hoàng Á Sinh)
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Đầu năm nay, nhà kinh tế học Yasheng Huang [Hoàng Á Sinh] (xem bài diễn thuyết TED Talk năm 2011 của ông) tranh luận với Eric X. Li [Lý Thế Mặc] trên tạp chí Foreign Affairs về một vấn đề tương tự bài diễn thuyết TED Talk. TED Blog yêu cầu giáo sư Hoàng mở rộng lập luận của ông trong cuộc đối thoại tiếp tục diễn ra với Li.

Bài liên quan: Chuyện hai chế độ chính trị

Đọc cả hai bài bằng bản PDF

Thử hình dung lẫn lộn hai phát ngôn sau đây của một bác sĩ chuyên về ung thư: 1) “Anh có thể chết vì ung thư” và 2) “Tôi muốn anh chết vì ung thư.” Khó mà nhận ra sự khác biệt căn bản giữa hai phát ngôn này. Phát ngôn thứ nhất là một lời tiên đoán – phát ngôn này nói rằng một việc có thể xảy ra với một số điều kiện nhất định (trong trường hợp này là chết nếu bị ung thư). Phát ngôn thứ hai là một sở nguyện, một ao ước, hay một ý muốn về một thế giới theo sở thích cụ thể của một người.

Ai lại có thể phạm một sai lầm căn bản khi nhầm lẫn hai loại phát ngôn này? Nhiều người lắm, trong đó có Eric X. Li, trong bài diễn thuyết TED Talk hôm nay. Đại luận thuyết của Marx đã ăn sâu vào đầu Li – và đầu tôi thời niên thiếu và thời thanh niên trong thập niên 1960 và 1970 – là một phát ngôn chuẩn tắc. Khi Marx nảy ra những tư tưởng về sự tiến hóa của các xã hội loài người, trên thế giới chưa có một quốc gia nào giống chút đỉnh như chế độ cộng sản mà ông cổ xúy. Chế độ cộng sản theo hình dung của Marx không có quyền tư hữu hay bất cứ kiểu quyền sở hữu nào. Tiền cũng không có mặt trong chế độ đó. Phiên bản chủ nghĩa cộng sản của Marx chưa bao giờ, và rất có thể sẽ chẳng bao giờ, trở thành hiện thực. Marx “tiên đoán” dựa trên suy diễn; và những người kế thừa ông tiên đoán bằng cách áp đặt ước muốn của họ, được thực hiện bằng quyền lực và bạo lực.

Ngược lại, cái luận thuyết dường như được mớm cho Li khi ông là một “anh chàng hippie Berkeley” thì dựa trên kinh nghiệm thực tế của các vấn đề con người. Chúng ta đã có hàng trăm năm kinh nghiệm với dân chủ và hàng trăm quốc gia / năm có các quá trình chuyển tiếp sang dân chủ và cai trị bằng dân chủ. Phát ngôn cho rằng các quốc gia chuyển sang dân chủ khi họ giàu lên là một phát ngôn thực chứng– đó là một tiên đoán dựa trên dữ liệu. Trong thập niên 1960, khoảng 25 phần trăm các nước trên thế giới có chế độ dân chủ; tỉ lệ hiện nay là 63 phần trăm. Có rất nhiều trường hợp các chế độ độc tài chuyển sang chế độ dân chủ hơn là ngược lại. Những nước còn lại trên thế giới đã thể hiện rõ ràng ý muốn có chế độ dân chủ. Như Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) đã cho biết, trong 25 nước có GDP bình quân đầu người cao hơn Trung Quốc mà chưa tự do hay tự do một phần, 21 nước sống nhờ tài nguyên thiên nhiên. Nhưng đó là những ngoại lệ giúp chứng minh quy tắc – các quốc gia chuyển sang dân chủ khi họ giàu hơn. Ngày nay không có quốc gia nào được xếp vào nhóm giàu nhất có chế độ toàn trị độc đảng. (Singapore là một trường hợp chưa rõ ràng, còn nhiều tranh cãi.) Dù Li có thích hay không, các quốc gia đó dường như đều có đích đến như nhau.

Các nền dân chủ có tham nhũng hay không? Li nghĩ vậy. Ông trích dẫn Chỉ số của Minh bạch Quốc tế (TI) để chứng minh quan điểm của mình. Số liệu TI cho thấy Trung Quốc có thứ hạng cao nhiều chế độ dân chủ. Cũng có lý.

Tôi luôn nghĩ rằng có hơi mỉa mai khi dùng số liệu về tính minh bạch để biện hộ cho một chế độ chính trị xây trên nền tảng mờ ám. Ngoài chuyện mỉa mai, nên nhớ rằng bản thân chỉ số TI là sản phẩm của chế độ chính trị mà Li quá coi thường – chế độ dân chủ (nói cho đúng là dân chủ kiểu Đức). Điều này nhấn mạnh một điểm căn bản – chúng ta biết rất nhiều về tham nhũng ở các chế độ dân chủ hơn chúng ta biết về tham nhũng ở các nước toàn trị vì các chế độ dân chủ, theo định nghĩa, có tính minh bạch cao hơn và họ có nhiều dữ liệu hơn về tính minh bạch. Tuy tôi tin những so sánh về tham nhũng giữa các nước dân chủ, việc so sánh một cách máy móc tham nhũng ở Trung Quốc với tham nhũng ở các chế độ dân chủ, như Li đã làm rất nhiều lần, là phạm sai lầm căn bản. Phương pháp của ông nhầm lẫn hai hiệu ứng – mức độ minh bạch của một quốc gia và mức độ tham nhũng của một quốc gia. Tôi không muốn nói là các chế độ dân chủ nhất thiết phải trong sạch hơn Trung Quốc; tôi chỉ muốn nói rằng cách Li dùng dữ liệu của TI không phải căn cứ để rút ra kết luận theo một trong hai hướng. Cách đúng đắn để rút ra kết luận về vấn đề này là nhận định rằng với cùng một mức độ minh bạch (và cùng mức độ về nhiều thứ khác, trong đó có thu nhập), Trung Quốc có – hay không có – tham nhũng nhiều hơn các chế độ dân chủ.

Chỉ cần một ví dụ đơn giản là đủ minh họa ý này. Năm 2010, hai doanh nhân Ấn Độ lập một trang mạng gọi là I Paid a Bribe (Tôi hối lộ). Trang mạng này kêu gọi người ta đăng nặc danh những trường hợp công dân Ấn Độ phải bỏ tiền ra để hối lộ. Đến tháng 8/2012, trang mạng này đã ghi nhận hơn 20.000 vụ tham nhũng. Một số doanh nhân Trung Quốc cố gắng bắt chước: Họ lập trang I Made a Bribe (Tôi hối lộ) và 522phone.com. Nhưng hai trang mạng này nhanh chóng bị chính quyền Trung Quốc đóng. Kết luận đúng ở đây không phải, theo như kiểu lập luận của Li, là Trung Quốc trong sạch hơn Ấn Độ vì Trung Quốc không có bài đăng trên mạng nào về các vụ tham nhũng trong khi Ấn Độ có khoảng 20.000 vụ được đăng lên.

Dù tôi rất tôn trọng công lao của Minh bạch Quốc tế, dữ liệu của tổ chức này rất kém trong việc xử lý điểm khác biệt căn bản về mức cảm nhận tham nhũng (perception of corruption) và mức độ tham nhũng thực sự xảy ra (incidence of corruption). Các chế độ dân chủ có tính minh bạch cao hơn – về những cái tốt và cái xấu của chúng – hơn các chế độ toàn trị. Chúng ta biết nhiều hơn về nạn tham nhũng ở Ấn Độ một phần vì chế độ Ấn Độ minh bạch hơn, và có một giới bình luận nhiều chuyện không ngại phê phán và chỉ trích chính phủ (và trong một vài trường hợp, gắn máy quay phim trong phòng khách sạn để ghi cảnh đưa tiền đút lót cho các chính khách). Ngoài ra, tham nhũng ở cấp thấp dễ quan sát hơn tham nhũng ở cấp cao nhất trong hệ thống tôn ti chính trị. Chỉ số TI phát hiện trò tham nhũng của một cảnh sát viên tên Barun ở Chennai dễ hơn là phát hiện tội tham nhũng của một ủy viên Bộ Chính trị tên Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh. Những yếu tố này, chứ không phải bản thân nạn tham nhũng, có thể giải thích phần lớn những khác biệt về thứ hạng TI giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Vẫn dùng số liệu của TI, Li thích chỉ ra rằng những nước như Indonesia, Argentina và Philippines vừa là chế độ dân chủ vừa khét tiếng về tham nhũng. Ông thường bỏ sót các dữ kiện quan trọng khi đề cập đến vấn đề này. Phải, các quốc gia này là những nền dân chủ, vào năm 2013, nhưng những nước này đã được cai trị bởi các nhà độc tài quân sự nhẫn tâm trong mấy chục năm trước khi chuyển sang dân chủ. Chính chế độ chuyên quyền của các quốc gia này đã sinh ra và dung dưỡng nạn tham nhũng. (Còn nhớ 3.000 đôi giày của bà Marcos?) Tham nhũng giống như ung thư, đã thành di căn và ăn sâu. Tuy ta có lý do hoàn toàn chính đáng để phê phán các nền dân chủ mới vì không kịp thời diệt tận gốc nạn tham nhũng, nhưng nhầm lẫn các khó khăn của việc chữa trị nạn tham nhũng ăn sâu với nguyên nhân sâu xa của nó thì cũng hệt như nói rằng một bệnh nhân ung thư bị mắc bệnh ung thư sau khi nhập viện để làm hóa trị.

Nhóm những kẻ tham nhũng trắng trợn nhất thế giới chỉ toàn những kẻ chuyên quyền. Theo một báo cáo của TI, tính đến năm 2004, ba lãnh tụ cầm quyền bòn rút quốc dân nhiều nhất là Suharto, Marcos và Mobutu. Ba nhà độc tài này đã cướp bóc tổng cộng 50 tỉ Mỹ kim từ người dân bần cùng ở nước họ. Đương nhiên các chế độ dân chủ không miễn dịch với nạn tham nhũng, nhưng tôi nghĩ họ phải cố gắng cật lực hơn nữa mới mong theo kịp những nhà độc tài này.

Li hết sức tin tưởng ở chế độ Trung Quốc. Trước hết ông lập luận rằng chế độ này được đa số dân chúng Trung Quốc ủng hộ. Ông trích dẫn một cuộc khảo sát của báo Financial Times nói rằng 93 phần trăm thanh niên Trung Quốc lạc quan về tương lai của họ. Tôi đã xem những mức đánh giá tín nhiệm cao này do Li và nhiều người khác dùng làm bằng chứng cho thấy chế độ Trung Quốc lành mạnh và vững vàng, nhưng tôi không hiểu tại sao Li lại dừng ở mức 93%. Sao không đi tới cùng, 100% luôn? Ở một nước không có tự do ngôn luận, yêu cầu người dân trực tiếp đánh giá thành tích của các vị lãnh đạo thì cũng giống như yêu cầu người dân làm bài thi chỉ có một lựa chọn trả lời duy nhất. Số liệu trưng cầu dân ý dành cho Erich Honecker và Kim Jong-un hẳn phải khiến các vị lãnh đạo Trung Quốc xấu hổ.

(Tôi cũng xin chú thích một chút để khuyến cáo về cách nên và không nên sử dụng số liệu khảo sát ở Trung Quốc. Tôi đã làm nhiều nghiên cứu khảo sát ở Trung Quốc, và tôi luôn thấy ngượng vì khó lý giải được các kết quả khảo sát. Ngoài các áp lực chính trị thường hướng các câu trả lời theo một chiều nhất định, một trở ngại khác là người trả lời khảo sát ở Trung Quốc đôi khi xem làm khảo sát giống như làm bài thi. Bài thi ở Trung Quốc có câu trả lời chuẩn, và đôi khi người trả lời khảo sát ở Trung Quốc điền vào mẫu khảo sát bằng cách cố gắng đoán xem câu trả lời “chuẩn” là gì, chứ không phải bày tỏ ý kiến của chính họ. Tôi thường khuyến cáo không nên sử dụng một cách ngây thơ số liệu khảo sát ở Trung Quốc.)

Li cũng ca ngợi khả năng thích ứng của chế độ chính trị Trung Quốc. Tôi xin trích:

“Giờ đây, phần lớn giới chính trị học cho rằng hệ thống độc đảng vốn dĩ không có năng tự sửa sai. Hệ thống đó không trường tồn vì không thể thích ứng. Quý vị thử xem thực tế thế nào nhé. Trong 64 năm điều hành quốc gia lớn nhất thế giới, các chính sách của Đảng đã có phạm vi rộng hơn bất ở nước nào khác trong ký ức cận đại, từ tập thể hóa đất đai triệt để đến chủ trương Đại Nhảy vọt, rồi tư hữu hóa đất nông trại, rồi Cách mạng Văn hóa, rồi cải cách thị trường của Đặng Tiểu Bình, rồi đến người kế nhiệm Giang Trạch Dân thực hiện một bước tiến chính trị lớn là mở cửa cho phép doanh nhân tư nhân vào Đảng, điều không tưởng trong thời kỳ Mao cầm quyền. Như vậy, Đảng tự sửa sai theo cách khá đáng kể.”

Giờ thử hình dung ta kể câu chuyện sau đây để tung hô “khả năng thích ứng” của Nga chẳng hạn: Nước Nga hay dân tộc Nga đều có khả năng thích ứng rất cao. “Các chính sách” của Nga đã có phạm vi “rộng hơn bất ở nước nào khác trong ký ức cận đại”, từ trại tù gulag đến phong trào khủng bố đỏ của Stalin, rồi tập thể hóa, rồi kế hoạch hóa tập trung, rồi glasnost và perestroika, rồi tư hữu hóa, rồi chủ nghĩa tư bản bè phái, rồi chế độ dân chủ phi tự do dưới thời Putin, điều không tưởng trong thời kỳ Lenin cầm quyền. Như vậy, nước Nga “tự sửa sai theo cách khá đáng kể.”

Tôi xin nói rõ và dứt khoát – cách Li lý giải về khả năng thích ứng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giống y hệt cách tôi nói về Nga. Điểm khác biệt duy nhất là Li nói đến một tổ chức chính trị – ĐCSTQ – còn tôi nói về một nước có chủ quyền.

Thính giả TED vỗ tay tán thưởng bài diễn thuyết của Li – nhiều lần là đằng khác. Nếu Li đã so sánh ví von về Nga, chẳng biết thính giả có còn tán thưởng nồng nhiệt nữa hay không. Lý do rất đơn giản: Thính giả TED hiểu tường tận tình hình xáo trộn, bạo lực và con số người chết cao ngất trời trong thời cai trị của Liên Xô. Trong cuốn sách của ông có nhan đề The Better Angels of our Nature (tạm dịch: Những thiên thần tốt đẹp hơn của bản chất con người chúng ta),[i] Steven Pinker trích dẫn kết quả nghiên cứu của các học giả khác cho thấy chế độ Liên Xô đã giết 62 triệu người dân của chính mình. Thiết nghĩ cái từ “sửa sai” có phần nói nhẹ đi mức độ biến đổi to lớn từ chế độ sát nhân, diệt chủng của Stalin sang nước Nga ngày nay tuy còn nhiều vấn đề và khó khăn nhưng dù sao vẫn có dân chủ.

Tôi không biết một anh chàng hippie Berkeley học gì ở trường, nhưng ở Cambridge, Massachusetts, nơi tôi đã học và nay theo nghiệp làm giáo sư, tôi đã học – và hiện nay dạy – hàng ngày rằng ngôn từ thực sự có ý nghĩa. Đối với tôi, tự sửa sai có ít nhất hai hàm ý. Thứ nhất, tự sửa sai là việc sửa sai do chính bản thân thực hiện. Đúng là các chính sách của Mao bị những người kế tục “sửa sai” hay thậm chí đảo ngược, như Li đã đề cập, nhưng nói đây là “sự tự sửa sai” nghĩa là sao? Những chính sách vô cùng tai hại của Mao vẫn còn trong những ngày xế bóng của ông ngay cả khi Mao Chủ tịch nằm liệt giường trong trạng thái thực vật, và người kế vị ông – lên nắm quyền thông qua một thay đổi gần như là đảo chính – chỉ dám sửa đổi các chính sách của Mao sau khi đã biết chắc Mao không sống nổi nữa. Nếu đây là một ví dụ của việc tự sửa sai, vậy đúng ra cái gì không phải là một hành động tự sửa sai? Gần như mỗi ví dụ thay đổi chính sách mà Li nêu ra trong bài diễn thuyết của mình đều được thực hiện bởi người kế vị người đã khởi xướng cái chính sách bị sửa đổi. (Trong nhiều trường hợp, thậm chí không phải do người kế vị liền sau đó.) Đây là một định nghĩa kỳ cục về việc tự sửa sai. Cái này có gồm kiểu tự sửa sai khi những bài toán làm sai mà tôi chưa sửa thuở nhỏ nay đang được con tôi sửa?

Nghĩa thứ hai của tự sửa sai liên quan đến hoàn cảnh diễn ra việc chỉnh sửa, chứ không chỉ là danh tính của người thực hiện chỉnh sửa. Một đứa trẻ 10 tuổi có thể tự nguyện sửa lỗi chính tả hay phép toán làm sai của mình, hoặc có thể đành phải sửa sau khi bị cô giáo quất mạnh mấy phát vào tay. Trong cả hai tình huống, danh tính của người chỉnh sửa là một – đứa học trò 10 tuổi – nhưng hoàn cảnh diễn ra việc chỉnh sửa lại khác hẳn nhau. Ta thường sẽ xếp tình huống thứ nhất vào loại “tự sửa sai”, còn tình huống thứ hai vào loại ép buộc, cưỡng bách, hay như trong trường hợp này, bạo lực. Nói cách khác, tự sửa sai hàm ý sự tự nguyện của người thực hiện chỉnh sửa, chứ không phải bị ép buộc hay cưỡng bách, không phải vì không còn cách nào hơn là phải chỉnh sửa. Yếu tố chọn lựa là một thành phần thiết yếu của định nghĩa về tự sửa sai.

Tôi xin cung cấp thêm vài chi tiết bị bỏ sót cho những ai vỗ tay tán thưởng khi Li gọi giai đoạn 64 năm của chế độ độc đảng ở Trung Quốc là giai đoạn của những trường hợp tự sửa sai nối tiếp nhau. Từ năm 1949 đến 2012, ĐCSTQ đã có sáu lãnh tụ tối cao. Trong sáu người này, hai vị bị phế truất một cách đột ngột và không kèn không trống (và một trong hai vị này bị hạ bệ mà không được xét xử đúng quy trình, thậm chí theo các thủ tục của chính ĐCSTQ). Một vị thứ ba mất hết quyền lực và bị quản thúc tại gia trong 15 năm cho đến khi chết. Vậy là 3 trong 6 vị không nắm quyền cho trọn nhiệm kỳ dự trù của họ. Hai trong số những người được Mao chọn kế vị chết trong khi tại chức, một người thiệt mạng trong một vụ nổ máy bay khi ông tìm cách trốn sang Liên Xô, còn người kia bị tra tấn đến chết và bị chôn với tên giả. À, tôi đã nhắc đến con số ước tính 30 triệu người đã chết do chủ trương Đại Nhảy vọt tai hại của Mao, và có lẽ là hàng triệu người đã chết do bạo lực của Cách mạng Văn hóa chưa nhỉ? Vả lại, bạn có biết Mao không những vẫn tiếp tục mà còn đẩy nhanh các chính sách Đại Nhảy vọt sau khi những bằng chứng về mức độ [tác hại] của nạn đói [thời kỳ 1958-1962][ii] đã rõ như ban ngày?

Li gọi những thay đổi chính sách này sau những biến động đau đớn này là “những hành động tự sửa sai”. Cách lý giải của ông là một thực thể gọi là ĐCSTQ, chứ không phải ai khác, thực hiện những thay đổi chính sách này. Trước hết, sở dĩ như vậy có phải là do chẳng có ai khác được phép có cơ hội thực hiện những thay đổi chính sách này? Thứ hai, lối suy nghĩ cứ chú trọng đến ai thực hiện thay đổi chính sách chứ không phải hoàn cảnh diễn ra thay đổi chính sách quả là không ổn. Ta thử mở rộng logic của Li thêm một chút nữa. Liệu chúng ta có phải định nghĩa lại Phong trào Độc lập Mỹ là một hành động tự sửa sai của người Anh? Hay có lẽ gọi việc nhượng quyền cai trị của đế quốc Anh cho Ấn Độ là một hành động tự sửa sai khác của người Anh? Liệu chúng ta có phải mô tả lại sự đầu hàng của người Nhật để kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai là hành động tự sửa sai của người Nhật? Đúng là có hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki và bao chuyện nữa, nhưng chẳng phải các đại diện của Nhật hoàng Hirohito đã ký Văn kiện Nhật Đầu hàng trên chiến hạm USS Missouri hay sao?

Đã là búa thì nhìn gì cũng nghĩ là đinh. Li nhìn thấy các căn bệnh của các chế độ dân chủ ở khắp nơi – khủng hoảng tài chính ở Châu Âu và Mỹ, nền chính trị tiền bạc và nạn tham nhũng. Tôi đồng ý ngay là nền chính trị tiền bạc ở Mỹ là một vấn đề rất lớn và quả thật nó đang khiến cho chế độ như một cỗ máy hỏng nặng, không còn vận hành trơn tru. Nhưng ta nên hiểu thật rõ bằng cách nào và lý do tại sao nền chính trị tiền bạc là một cỗ máy hỏng hóc. Nó hỏng hóc chính là vì về cơ bản nó đối nghịch với dân chủ. Nền chính trị tiền bạc là hình thái lệch lạc của dân chủ. Nó phá hoại và làm mất giá trị một trụ cột chuẩn mực của dân chủ – một người một phiếu. Để nhất quán về logic, lẽ ra Li nên tung hô nền chính trị tiền bạc vì nó đưa Mỹ đi sang hướng của nền chính trị kiểu chuyên quyền mà ông quá say mê.

Điều này có thể là một tiết lộ gây sốc cho Li, nhưng các nền dân chủ Mỹ và Châu Âu không sáng chế ra khủng hoảng tài chính. Nhiều chế độ chuyên quyền đã trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế trầm trọng. Ví dụ như Indonesia năm 1997 và nhiều chế độ quân phiệt ở Châu Mỹ La tinh trong thập niên 1970 và 1980. Những chế độ chuyên quyền duy nhất không bị khủng hoảng tài chính rõ rệt là các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, như Romania và Đông Đức. Nhưng sở dĩ như vậy hoàn toàn là do họ không đáp ứng điều kiện tối thiểu để có khủng hoảng tài chính – là phải có một hệ thống tài chính. Những hậu quả của khiếm khuyết này thì ai cũng biết rồi – thay vì những trồi sụt lớn tuần hoàn theo chu kỳ, những nước này bị đình trệ kinh tế lâu dài. Một nhà đầu tư vốn mạo hiểm chẳng phát đạt nổi trong chế độ đó.

Li nói ông đã nghiên cứu khả năng đạt thành tích của các chế độ dân chủ. Ít nhất là trong bài diễn thuyết này, bằng chứng cho thấy ông đã nghiên cứu chưa được thuyết phục cho lắm. Không có bằng chứng nào cho thấy các quốc gia phải trả giá kinh tế vì có tính dân chủ. (Cũng nên lưu ý rằng cũng không có bằng chứng toàn cầu đáng thuyết phục cho thấy các chế độ dân chủ nhất thiết phải đạt thành tích tăng trưởng kinh tế tốt hơn các chế độ chuyên quyền. Có nơi có, có nơi không. Kết luận tùy từng trường hợp.) Nhưng về các lĩnh vực dịch vụ công, bằng chứng cho thấy các chế độ dân chủ nhỉnh hơn. Hai học giả David Lake và Matthew Baum chứng minh rằng các chế độ dân chủ ưu việt các quốc gia chuyên quyền về cung cấp dịch vụ công, chẳng hạn như y tế và giáo dục. Không chỉ các nền dân chủ lâu đời có thành tựu tốt hơn; mà cả các nước chuyển sang dân chủ cũng có cải thiện tức khắc về cung cấp các dịch vụ công này, và các nước quay trở lại với chế độ chuyên quyền thường bị sa sút.

Li đổ lỗi tình trạng tăng trưởng thấp ở Châu Âu và ở Mỹ cho dân chủ. Tôi hiểu tại sao ông có quan điểm này, vì đây là sai lầm phổ biến của những người quan sát hời hợt – Trung Quốc tăng trưởng với tỉ lệ 8 hay 9 phần trăm, còn Mỹ tăng trưởng với tỉ lệ 1 hoặc 2 phần trăm. Ông đang nhầm lẫn một hiệu ứng toán học của việc tăng trưởng thấp do cơ số lớn với một hiệu ứng chính trị của việc dân chủ kìm hãm tăng trưởng. Vì các quốc gia dân chủ thường giàu hơn và có GDP bình quân đầu người cao hơn nhiều, nên họ khó mà có tỉ lệ tăng trưởng bằng với các nước nghèo – và chuyên quyền – có GDP bình quân đầu người thấp hơn nhiều. Tôi xin đưa ra một so sánh ví von. Một cậu bé 15 tuổi có nhiều khả năng tự đi xem phim hay đi chơi với bạn bè hơn một cậu bé 10 tuổi vì cậu ta lớn tuổi hơn và trưởng thành hơn. Cũng có thể là cậu ta không lớn nhanh bằng cậu bé 10 tuổi vì cậu ta đã gần hơn với đỉnh của chiều cao con người. Quả là ngớ ngẩn nếu nhận xét, theo logic của Li, rằng cậu bé 15 tuổi lớn chậm hơn vì cậu tự đi xem phim.

Li nói rất rõ rằng ông ghét dân chủ, hơn là về các lý do khiến ông ghét dân chủ. Li bác bỏ dân chủ với lý do văn hóa. Trong bài diễn thuyết, ông khẳng định dân chủ là một khái niệm xa lạ đối với văn hóa Trung Hoa. Quan điểm này suýt nữa nghe buồn cười nếu không có những hàm ý gián tiếp. Như tôi vẫn hiểu xưa nay, vốn mạo hiểm là một khái niệm nhập ngoại nhưng dường như điều đó không cản trở Li theo nghiệp này và giàu lên nhờ nó. (Mà hình như “Eric” cũng là gốc gác nước ngoài phải không nhỉ? Tôi có thể sai về điểm này.) Ngược lại, Li có nhất nhất tôn trọng từng nguyên tắc của văn hóa và truyền thống Trung Hoa? Liệu Li có phản đối việc bãi bỏ tập quán bó chân của phụ nữ Trung Quốc?

Có một thực tế đơn giản là người Trung Quốc đã chấp nhận nhiều khái niệm và tập quán nước ngoài. (Xin nhắc một chút: đối với người Trung Quốc, chủ nghĩa Marx cũng Tây phương không kém Adam Smith.) Sẽ hoàn toàn chính đáng nếu ta tranh luận về những tư tưởng và tập quán nước ngoài nào Trung Quốc nên chấp nhận, áp dụng hay phỏng theo, nhưng cuộc tranh luận này là về những tư tưởng mà Trung Quốc nên áp dụng, chứ không phải về việc liệu Trung Quốc có nên áp dụng bất cứ tư tưởng và tập quán nước ngoài nào hay không.

Nếu vấn đề là về những tư tưởng nào hay những tập quán nào nên áp dụng hay bác bỏ, thì khác với Li, tôi không cảm thấy đủ tự tin để biết chính xác những tư tưởng và tập quán nước ngoài nào mà 1,3 tỉ dân Trung Quốc muốn theo hay muốn bác bỏ. Về mặt logic, một lập luận mang tính văn hóa để phản bác dân chủ không khiến người Trung Quốc không có được dân chủ, mà dẫn đến một phương hướng hành động để người dân Trung Quốc tự quyết định về các ưu điểm hay nhược điểm của dân chủ. Hơn nữa, nếu chính người Trung Quốc tự nguyện bác bỏ dân chủ, thì việc gì phải tốn kém quá nhiều nguồn lực để chống và cấm đoán dân chủ? Không có cách nào tốt hơn để tiêu xài số tiền này hay sao?

Cho đến nay cuộc tranh luận này chưa diễn ra ở Trung Quốc, vì muốn có cuộc tranh luận này thì trước tiên phải có chút ít dân chủ cái đã. Nhưng nó đã diễn ra ở những môi trường Trung Hoa khác, và kết quả của những cuộc tranh luận đó là giữa văn hóa Trung Hoa và dân chủ về căn bản không xung khắc nhau. Hong Kong, dù không có chế độ dân chủ bầu cử, có tự do báo chí và chế độ pháp trị, và chẳng có bằng chứng nào cho thấy nơi này rơi vào cảnh hỗn loạn hay vô chính phủ. Đài Loan ngày nay có một nền dân chủ đầy sức sống, và nhiều người Đại lục sang thăm Đài Loan thường ngạc nhiên khi thấy xã hội Đài Loan không chỉ có dân chủ mà còn tôn trọng truyền thống Trung Hoa hơn nhiều so với Đại lục. (Xưa nay tôi luôn cảm thấy những người tin rằng dân chủ và văn hóa Trung Hoa xung khắc với nhau là những người thầm ủng hộ độc lập cho Đài Loan. Họ không xem người Đài Loan là Trung Hoa.)

Quả thật bản thân Li đã chấp nhận một số cải cách chính trị thường được xem là “Tây phương”. Các tổ chức phi chính phủ thì được, và thậm chí đôi chút tự do báo chí cũng được. Ông cũng ủng hộ đôi chút dân chủ trong nội bộ Đảng. Đó đều là những bước đúng đắn để đạt đến chế độ Trung Quốc có tính dân chủ hơn chế độ của Mao, và tôi ủng hộ cả hai tay. Chúng tôi khác biệt ở chỗ tôi cho rằng quyền tự do bỏ phiếu và cạnh tranh đa đảng là những bước mở rộng tự nhiên và hợp lý của những cải cách ban đầu này, trong khi Li vạch một ranh giới rõ rệt giữa các cải cách chính trị đã diễn ra và những cải cách chính trị tiềm năng mà một số người trong chúng ta đã cổ xúy. Dù gắng hết sức, tôi vẫn không thấy có gì khác biệt trên nguyên tắc giữa những cải cách một phần này và những cải cách hoàn chỉnh hơn có bao gồm dân chủ.

Li có một cách kỳ lạ để phản đối dân chủ: Ông phản đối nhiều cơ chế vận hành của dân chủ. Đặc biệt, ông có ác cảm với việc bỏ phiếu. Nhưng vấn đề là bỏ phiếu chỉ là cách để thực thi dân chủ, và ngay cả Li cũng ủng hộ có đôi chút dân chủ. Ví dụ, ông ủng hộ dân chủ trong nội bộ Đảng. Được, tôi cũng vậy; nhưng làm sao ta thực thi dân chủ trong nội bộ Đảng nếu không có bỏ phiếu? Như vậy hơi giống như ca ngợi môn thể thao quần vợt nhưng lại lên án việc dùng vợt để chơi môn này.

Li chưa đưa ra được một lập luận mạch lạc và hợp lý cho các quan điểm của mình về dân chủ. Tôi ngờ rằng, dù tôi không có bằng chứng trực tiếp, có một phương án đơn giản – ủng hộ các cải cách mà ĐCSTQ ủng hộ và phản đối các cải cách mà ĐCSTQ phản đối. Làm bộ làm tịch như vậy thì cũng ổn, nhưng đó không phải là một lập luận có nguyên tắc về bất cứ điều gì.

Nói vậy, nhưng tôi vẫn tin rằng có một cuộc tranh luận quyết liệt về dân chủ là điều hoàn toàn lành mạnh và thực sự cần thiết – nhưng cuộc tranh luận đó phải dựa trên số liệu, dữ kiện, logic là lý luận. Theo tiêu chí này, bài diễn thuyết của Li chưa khởi xướng cuộc tranh luận đó.

Tuy nhiên, về mặt này, chế độ dân chủ và chế độ chuyên quyền không đối xứng nhau. Trong một chế độ dân chủ, ta có thể tranh luận và phê phán cả dân chủ lẫn chuyên quyền, như Li đã làm khi ông chê George W. Bush (tôi rất khoái chỗ này) và như tôi làm ở đây. Nhưng những người trong một chế độ chuyên quyền chỉ có thể phê phán dân chủ mà thôi. (Có tin kể rằng khi được thông báo có những người biểu tình la hét “Đả đảo Reagan” trước Nhà Trắng mà chính quyền Mỹ chẳng làm được gì với họ, Brezhnev nói với Reagan, “Có những người la hét ‘Đả đảo Reagan’ trên Quảng trường Đỏ và tôi sẽ chẳng làm gì với họ cả.”) Tôi chẳng có ác cảm gì với những người phê phán giới cầm quyền và tỏ ra nghi ngờ về dân chủ. Thực ra, khả năng làm được điều đó trong một nền dân chủ chính là sức mạnh của dân chủ, và một nguyên nhân quan trọng của tiến bộ nhân loại. Copernicus là Copernicus vì ông lật đổ, chứ không phải vì ông tái tạo thiên văn học Ptolemy. Nhưng với cùng tiêu chí đó, tôi quả thật có ác cảm với những người không thấy ưu điểm của việc cung cấp quyền tự do mà họ đang có cho những người hiện chưa có quyền tự do đó.

Giống như Li, tôi không thích giọng điệu cứu tinh mà một số người dùng để ủng hộ dân chủ. Tôi ủng hộ dân chủ vì những lý do thực dụng. Lợi ích quan trọng nhất của dân chủ là nó có khả năng chế ngự bạo lực. Trong cuốn The Better Angels of Our Nature, tác giả Pinker cung cấp những số liệu thống kê đáng kinh ngạc: Trong thế kỷ 20, các chế độ toàn trị gây ra 138 triệu cái chết, trong đó có 110 triệu ở các nước cộng sản. Các chế độ chuyên quyền làm chết thêm 28 triệu người nữa. Các chế độ dân chủ làm chết 2 triệu người, chủ yếu ở các thuộc địa của họ cũng như những vụ phong tỏa thực phẩm và đánh bom dân sự trong chiến tranh. Như Pinker đã đề cập, các chế độ dân chủ thậm chí gặp khó khăn trong việc xử tử những kẻ giết người hàng loạt. Theo lập luận của Pinker, các chế độ dân chủ có “một mớ bòng bong các giới hạn về thể chế, nên một vị lãnh tụ không thể chỉ việc hứng chí huy động quân đội hay dân quân dàn trải khắp nước rồi bắt đầu sát hại hàng loạt dân thường.”

Ngược lại với những điều dường như Li được chỉ bảo khi ông là một anh chàng hippie Berkeley, ý đồ của dân chủ không phải là dân chủ dẫn đến một cõi Niết bàn, mà là dân chủ có thể giúp ngăn chặn một địa ngục trần gian. Dân chủ còn nhiều, nhiều vấn đề. Chức năng bảo hiểm này của dân chủ – về giảm thiểu các thảm họa – thường bị lãng quên hoặc bị xem là đương nhiên, nhưng đây là lý do quan trọng nhất khiến dân chủ ưu việt hơn tất cả mọi chế độ chính trị khác từng được loài người phát minh cho đến nay. Biết đâu một ngày nào đó sẽ có một chế độ tốt hơn dân chủ, nhưng chế độ chính trị của Trung Quốc, theo cách diễn đạt của Li, không phải là một trong những chế độ đó.

Yasheng Huang (Hoàng Á Sinh) là Giáo sư Kinh tế Chính trị và Quản trị Quốc tế tại Trường Quản trị Kinh doanh Sloan thuộc Viện Công nghệMassachusetts (MIT) và là nhà sáng lập cả Phòng Nghiên cứu Trung Quốc lẫn Phòng Nghiên cứu Ấn Độ ở trường Sloan của MIT. Các bài viết của ông đã đăng trên The Guardian, Foreign Policy, Forbes, và gần đây nhất là trên Foreign Affairs, nơi ông tranh luận với Eric X. Li về một chủ đề tương tự. Năm 2011, giáo sư Huang nói chuyện ở diễn đàn TEDGlobal về dân chủ và tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Nguồn: Yasheng Huang, Why democracy still wins: A critique of Eric X. Li’s “A tale of two political systems”, TED Blog, 1/7/2013

Soạn sách giáo khoa Lịch sử phản… lịch sử!





SGK lịch sử đã “bỏ quên” vị Đại tướng tài ba thay đổi vận mệnh dân tộc
Là một vị tướng tài ba, tên tuổi vang danh khắp trong và ngoài nước nhưng cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại bị… bỏ quên trong chương trình sách giáo khoa lịch sử ở tất cả các cấp học, dù chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu vẫn luôn được nhắc đến!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, để lại sự xúc động mạnh mẽ đối với hàng triệu đồng bào. Với dân tộc, ông không chỉ là một vị tướng tài mà còn là một tấm gương về lòng yêu nước, sự giản dị và đức hi sinh. Ông chính là những bài học lịch sử gần gũi và sinh động nhất. Đối với tất cả người dân Việt Nam, Đại tướng đã được tôn lên hàng Thánh nhân!

Nhìn dòng người lặng lẽ nối tiếp nhau, chờ đợi hàng giờ đồng hồ và bàn tay chắp lại đầy thành kính để cúi mình trước di ảnh Đại tướng, nhìn những người già, người trẻ, những người không quen biết nhau … đều rơi nước mắt đưa tiễn Người… Chỉ chừng ấy thôi đã đủ khẳng định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là con người vĩ đại đến nhường nào.

Thế mà, nhân vật lịch sử rất đặc biệt này lại không hề có mặt trong các sách giáo khoa (SGK) phổ thông. Cuộc kháng chiến chống Pháp, với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, rồi tới kháng chiến chống Mỹ kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đều hiện diện trong SGK. Nhưng tên tuổi, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh quân đội đã có những đóng góp quan trọng trong các chuỗi sự kiện lịch sử ấy, lại hoàn toàn vắng bóng!

Cụ thể, trong SGK Lịch sử lớp 9, phần sử Việt Nam có 21 bài, trong đó có bài: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953-1954) ở trang 119, có nêu diễn biến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng không một dòng nào nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tương tự, trong SGK Lịch sử lớp 12, bài 20 với cũng nội dung trên, dù nêu chi tiết hơn về diễn biến trận đánh Điện Biên Phủ cũng không một lần nhắc tên nhân vật lịch sử Võ Nguyên Giáp.

Thậm chí, ở cấp tiểu học, phần sử trong sách Lịch sử và Địa lý 5, từ bài 1 đến bài 6 là những bài học về nhân vật lịch sử như: Trương Định, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu… nhưng cái tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hoàn toàn vắng bóng?

Có thể khẳng định đây là thiếu sót lớn của đội ngũ soạn và thẩm định SGK của Bộ GD-ĐT và tạo ra “lỗ hổng” nghiêm trọng trong chương trình kiến thức phổ thông. “Lỗ hổng” ấy, xuất phát từ nhiều nguyên nhân lịch sử, cho thấy một lối biên soạn SGK có nhiều khiếm khuyết, xa rời thực tế, vô trách nhiệm

Cho dù có biện hộ rằng những người tham gia công tác soạn và thẩm định chương trình sách giáo khoa lịch sử “thiếu hiểu biết” về lịch sử, “quên” việc tôn vinh một nhân vật vĩ đại, toàn đức toàn tài của lịch sử Việt Nam như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thế nhưng, nếu họ “thiếu hiểu biết”, thì nhẽ ra những vị giáo sư đầu ngành “đầu râu tóc bạc” phải sửa sai, hoặc chí ít các vị lãnh đạo của Bộ cũng phải nhìn ra “lỗ hổng” đấy. Nhưng tiếc thay, họ lại có “tư duy” giống hệt nhau, cũng chỉ là những người có chữ, chứ không hề có tầm nhìn văn hóa, không chịu khó tư duy!

Thiết nghĩ, qua những thiếu sót mang tính phản lịch sử này, Bộ GD-ĐT cần phải xem lại “chất lượng” đội ngũ soạn và thẩm định SGK của mình. Chúng ta cần lắm những con người có đức, có tâm khi đưa kiến thức lịch sử đến với giới trẻ, để tình trạng “biết sử Tàu nhiều hơn sử Việt” không còn, để giới trẻ Việt Nam thêm hiểu, thêm thấm thía sự đấu tranh, hi sinh của cha anh đi trước và để những con người làm nên lịch sử không bị lãng quên… Và nếu có ai đó vẫn cứ thản nhiên trước sự thiếu sót này thì cũng chỉ là một loại… phản động mà thôi.


Phó GS Lê Mậu Hãn: Việc SGK lịch sử cấp phổ thông không nhắc đến chiến công và cuộc đời sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tổng tư lệnh tài ba xuất chúng của Quân đội nhân dân Việt Nam, người làm nên lịch sử, thay đổi vận mệnh lịch sử dân tộc là một sai lầm rất lớn. Có lẽ các nhà làm sử, viết sử ở ta quen với việc viết về quá khứ mà bỏ quên mất những con người ở thì hiện tại. Ngoài đại tướng ra, sách sử cũng đã bỏ quên một vài vị tướng tài đáng được nêu danh nữa. Cá nhân tôi cho rằng, nên và cần sửa sai ngay lập tức. Chúng ta cần đưa những thông tin về tài thao lược của đại tướng cũng như lòng yêu nước, sự giản dị và đức hi sinh của ông để mọi thế hệ học sinh đều được học. Sách giáo khao sẽ được đổi mới vào năm 2015, đây là cơ hội tốt để các nhà viết sách lịch sử có thể sửa chữa sai lầm…

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ: Quả là thiếu sót lớn và cần bổ sung trong thời gian sớm nhất. Chúng ta cần đưa những thông tin về tài thao lược của đại tướng cũng như lòng yêu nước, sự giản dị và đức hi sinh của ông để mọi thế hệ học sinh đều được học. Đó là tấm gương lớn mà thế hệ trẻ Việt Nam cần học và làm theo.

Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Đinh Xuân Lâm: Việc này thể hiện sự thiếu tôn trọng lịch sử. Bởi đứng về mặt khoa học lịch sử thì nhiệm vụ và mục tiêu cần làm là nêu đúng, nêu đủ những nhân vật lịch sử quan trọng, có tầm ảnh hưởng to lớn, những người có công lao và sự đóng góp to lớn vào vận mệnh lịch sử. SGK càng cần phải có trách nhiệm làm rõ sự kiện lịch sử, khôi phục tái hiện sự kiện lịch sử một cách chân thực nhất, không được nói sai, bóp méo sự kiện. Mục tiêu dạy lịch sử cũng là nhắc lại những tấm gương lớn, có ảnh hưởng lớn tới vận mệnh lịch sử, từ đó giáo dục thế sau cần phải sống và làm việc ở hiện tại sao cho xứng với xương máu của những người đã ngã xuống, làm nên lịch sử dân tộc.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thanh – giáo viên Sử trường chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương: Trong SGK không nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng hầu hết nhưng giáo viên dạy Sử trong các bài giảng về những chiến công lẫy lừng của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó tiêu biểu là chiến thắng Điện Biên Phủ – chấn động địa cầu đều nhắc đến Đại tướng. Cuộc đời, sự nghiệp cũng như tài thao lược của Đại tướng đều được các cô đưa vào bài giảng truyền dạy tới các em học sinh.

Theo PetroTimes

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

NGƯỜI TÌNH ĐẮM ĐUỐI



Người tình đắm đuối





Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn


RAFAEL PÉREZ ESTRADA
(1934-2000)

Rafael Pérez Estrada là một trong những đại biểu của văn chương tiền vệ Tây-ban-nha thế kỷ 20. Thơ và truyện của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, và thường được so sánh với tác phẩm của Federico García Lorca và Rafael Alberti. Những tác phẩm chính gồm có: La bañera (‘Chậu tắm’, 1982); Libro de las Horas (‘Sách của những giờ’, 1985); Conspiraciones y Conjuras (‘Âm mưu và thủ đoạn’, 1986); Libro de los Espejos y las Sombras (‘Sách của gương và những chiếc bóng’, 1988); Bestiario de Livermoore (‘Ngụ ngôn cầm thú của Livermoore’, 1989); Libro de los Reyes (‘Sách của những ông vua’, 1990); Tratado de las Nubes(Chuyên luận về mây’, 1990); Los Oficios del Sueño (‘Những văn phòng của chiêm bao’, 1991); La Noche nos persigue (‘Đêm ngược đãi’, 1992), La Sombra del Obelisco (“Bóng tối thạch trụ’, 1993); El Domador(1995); Ulises o libro de las distancias (‘Ulises, hay sách của những khoảng cách’, 1997); El viento vertical(‘Ngọn gió thẳng đứng’, 1998); El ladrón de atardeceres (“Kẻ trộm những hoàng hôn’, 1998); Cosmología esencial (‘Vũ trụ luận tinh yếu’, 2000),


___________



NGƯỜI TÌNH ĐẮM ĐUỐI


Bất ngờ, trong khi trao một nụ hôn vào lúc tàn đêm, nàng cảm thấy tiếng nói của người tình trôi qua cổ họng nàng và rơi vào bên trong nàng, nơi đó những con chữ loay hoay rụt rè tìm chỗ ẩn núp. Nàng muốn ho ra, để nhanh chóng trả lại cái tiếng nói mà nàng yêu thích — cái tiếng nói mà nếu tách rời ra khỏi chàng thì không còn ý nghĩa gì nữa. Người tình của nàng, đang đắm đuối vì nụ hôn, không hề biết điều gì đã xảy ra. Còn nàng thì càng lúc càng lo lắng, thấy khó chịu trong họng, muốn khạc ra, để thực hiện sự bất khả là hoàn trả tiếng nói cho chàng trước khi chàng nhận ra trạng huống này.

“Sao mình lại sơ ý đến thế nhỉ?” Nàng tự hỏi. “Sao mình lại nuốt chửng tiếng nói của một người tình đầy những động từ và tính từ nóng bỏng như thế nhỉ?”

Bình minh chậm rãi đến, một bình minh xa xôi và mờ ảo như khói thuốc lá lãng đãng tan vào mây trời, và một lần nữa chàng lại đắm đuối trong niềm khao khát. Nhưng nàng, bị ám ảnh bởi tai nạn ấy, không thể đáp ứng với chàng. Nàng tự nhủ: “Rồi chàng sẽ làm gì, khi chàng khám phá ra rằng chàng đã mất tiếng nói?” Nàng không bao giờ biết được.

Chàng mặc quần áo vào chậm rãi như thể đang cởi quần áo ra, như thể chàng mong đợi mọi sự lại bắt đầu một lần nữa. Trước nét mặt lãnh đạm rõ rệt của nàng, chàng đứng chải tóc, nhìn nàng một lần nữa với vẻ hiên ngang của sự im lặng khứng chịu, một sự im lặng mà chàng không nhận ra rằng đó chính là cách diễn tả duy nhất còn lại trong lúc ấy, và chàng bước nhanh ra khỏi cửa.

Nàng không bao giờ gặp lại chàng.

Khi nghe câu chuyện này, tôi quên hỏi: “Còn tiếng nói ấy thì thế nào? Nàng đã làm gì với cái tiếng nói còn ở lại trong nàng mãi mãi?”


--------------
Nguyên tác tiếng Tây-ban-nha, “El amante absorto” của Rafael Pérez Estrada, in trong tuyển tập Cuentos maravillosos de América Latina, ed. Pedro Pernambuco (Bahia: Arco Iris, 1999) 31.

Tôi & dấu cộng




Huỳnh Lê Nhật Tấn



Tôi & dấu cộng


Ra đời là một cộng sinh...
Sau lưng tôi phía núi là chân trời rực thắp vàng da thịt & máu mủ, nơi khai sinh tên gọi con người (x) mang hình hài dã thú bắt đầu âm mưu sự sống - sự chết
Có tiếng nói trôi... Như dòng sông chảy toả vòng sóng, tròn dâng dáng đá mòn phát lên tiếng kêu thời gian.
Từ thị giác bất động nỗi ám ảnh vô thức hình- âm-chữ liên tục trăn trở trông vào một đời sống hư thực.
Điểm kết nối duy nhất là “Dấu nối sinh tồn” mang thân phận loài người tạo tác làm sự vật hiện diện. Tôi nghiệm sinh dấu nối thành bức tranh muôn sắc, xoay chuyển bố cục không giống nhau.
Giấc mơ thụ hưởng chỉ thấy từ trong giấc mơ... Tôi mang bên mình dấu cộng đi tìm sau khi thêm dấu trừ (màu sắc). Và âm dương cộng hưởng cuộc sống sinh sôi...
Tâm cảm trong thế giới ấm áp lạnh lẽo mùa mang ánh màu pha trộn - Tôi tìm thấy mình thế giới nhân bản đã đánh mất từ vật chất và bản năng.
Tôi hướng về con người luôn bị bám víu cần giải thoát sự sống hàng ngày tác động bản thể.
Tôi vẽ khi biết mường tượng liên tưởng





Nhựa dục
Trên đầu người chảy dài cây sự sống của tôi
vòng xoay đổi chiều nóng lạnh
mười ngón tay năm tay em quái đản
nuốt cạn tò vò thoi qua màu trắng đục

Anh thân cây khô hắc căng mùi vòng cung
vắt từng sợi lông trắng đen tù mù mọc khắp nơi

Con giống cái phẳng hiến dâng nằm thinh hứng
thú hình trụ lăn lóc chảy trào
nhựa sống kìa bát cơm khô héo
mùa đông cứng kỹ xảo

Đời con đực đếm từng hột lấp lánh ào xuống
một vùng ẩm thấp mưa nhỏ nhột thân thể em
trắng toát biến hình khoái trá
la hét bản giao hợp khắp thính phòng

Em nhô thẳng gấp khúc cuộn tròn
nhục dục anh cây măng tre
sự hồi sinh vẫy gọi giọt tinh trùng cạn
và đường ray mải miết cọ cạ bật sướng hú lên tiếng rên

Gầm gừ điên loạn khi anh con tàu không bến
chảy rơi


 

Lưới nắng



Tú Trinh
Lưới nắng [1]





Tú Trinh
Lưới nắng [2]





Tú Trinh
Lưới nắng [3]





Tú Trinh
Lưới nắng [4]










Cái chết của một nhà thơ



Lê Minh Phong



sơn dầu trên bố, 60x80cm, 2013