Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Sĩ vị tri kỷ giả tử



Thư pháp: Tử Hư-Nguyễn Ngọc Thanh viết giữa tiết Trung thu tại Đài Loan

Thơ: Nguyệt hạ độc chước/ Lý Bạch (trích cú)

 Lời dịch:

Dưới hoa rượu đục 1 bình
Tự tay chuốc chén thân tình không ai
Trăng thanh nâng chén ta mời
Tự mình soi bóng ra người thứ ba
Cùng trăng tha thiết ngâm nga
Múa cho hình bóng loạn ra bao hình
Tỉnh thì hoan lạc thân tình
Say rồi chia biệt bóng hình đôi nơi
Vô tình kết mối vui chơi
Hẹn nhau gặp mặt ở nơi Mây bồng

Toàn Đức

“Bảo đảm an sinh xã hội:” Những hạn chế của mô hình báo chí đảng


Jonathan London


Ngày 4/10/2013, báo Nhân Dân đăng một bài với tựa đề “Bảo đảm an sinh xã hội – điểm sáng trong thực hiện nhân quyền ở Việt Nam”. Tác giả lấy bút danh là “NGUYỄN TRẦN” (Xin hỏi: Đến bao giờ nhà báo Việt Nam sẽ sử dụng tên thật?).

Dù là một người hay một nhóm người, tôi thấy bài viết rất hay về nhiều mặt và liên quan trực tiếp đến những vấn đề tôi đặc biệt quan tâm. Bài nay cũng minh họa rõ những hạn chế cơ bản của mô hình ‘thơ báo đảng’ và văn hóa chính trị ở Việt Nam đến hôm nay.

Bài viết dành nhiều mục nhất để nêu những thành tích và nêu một số vấn đề quan trọng. Bài cũng đã chê một số vấn đề khác mà chúng ta nên chú ý. Dù tôi muốn bình luận về nội dung trong bài, có lẽ quan trọng hơn cả là bài này tạo ra một cơ hội để can thiệp vảo những tranh luận xoay quanh vấn đề nhân quyền ở Việt Nam; Trong đó có vấn đề tự do báo chí và vấn đề tôi gọi là “văn hóa chính trị” của Việt Nam.

“Bảo đảm an sinh xã hội – điểm sáng trong thực hiện nhân quyền ở Việt Nam”

Tôi thấy dù nhiều nội dung của bàì hay, thú vị. Nhưng ấn tượng nhất là về những giả thuyết và những kết luận trong bài… từ mặt này bài có vấn đề . Cụ thể, việc đạt được những thành tích to lớn ở Việt Nam trong 20 năm qua không nên được hiểu là không có những vấn đề bức xúc đối với những thể chế xã hội của Việt Nam. Đồng thời, việc có những người phê bình những chính sách xã hội và nhân quyền chẳng có nghĩa là họ là “những thế lực thù địch” của đất nước.

Dưới đây, tôi sẽ đề cập nội dung của bài để thể hiện một cách suy nghĩ cách về những vấn đề đã được nêu ra và đồng thời phân tích một số đặc điểm của văn hóa chính trị tại Việt Nam nên được xét lại trong thời đại mới. Để cho dễ đọc. tôi sẽ đánh số và trả lời từng đoạn một của bài.

1. Bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu và điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển đất nước, góp phần hiện thực hóa các quyền xã hội của mọi người dân. Vượt qua khó khăn, thách thức, kể cả sự xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước Việt Nam, hoạt động bảo đảm an sinh xã hội ngày càng được triển khai có hiệu quả, trở thành một điểm sáng trong thực hiện nhân quyền ở Việt Nam…

Vâng, hoàn toàn đồng ý là “bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu và điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển đất nước, góp phần hiện thực hóa các quyền xã hội của mọi người dân. Vượt qua khó khăn, thách thức…”. NHƯNG, ngay từ đâu tôi hỏi: có thực sự cần thiết khi báo động về “sự xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí”.

Câu tiếp “dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà Nước Việt Nam hoạt động bảo đảm an sinh xã hội ngày càng được triển khai có hiệu quả, trở thành một điểm sáng trong thực hiện nhân quyền ở Việt Nam…”. Ngoài việc là một câu quá dài, xin hỏi hai câu. Thứ nhất, tại sao viết “Đảng…Việt Nam”? Tôi chưa thấy một đảng nào có tên đó. Thứ hai, đúng ra những hoạt động bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam đã phát triển một cách đáng khích lệ trong một số mặt NHƯNG để giả định những hoạt động này là “ngày càng được triển khai có hiệu quả” là một cách viết cảm tính hơn là phân tích khách quan. Tôi quá biết báo Nhân Dân là báo có chức năng định hướng dư luận. Chính vì thế số người đọc báo Nhân Dân ngày càng ít. Tốt nhất là trong những năm tới báo Nhân Dân nên cố gắng chuyển sang một mô hình hiện đại hơn.

2. Con người là trung tâm, động lực và mục tiêu của phát triển. Công nhận các quyền con người về dân sự, chính trị và về kinh tế, xã hội, văn hóa; đặc biệt, quyền có việc làm, thu nhập, nhà ở, được học hành, được chăm sóc sức khỏe, dùng nước sạch, sống trong môi trường an toàn và mưu cầu hạnh phúc xứng đáng với phẩm giá con người ngày càng trở thành những yêu cầu cơ bản, thiết thực. Bảo đảm quyền con người trở thành lý tưởng chung mà các quốc gia, dân tộc cần đạt tới và là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới. Ðó cũng là Ðiều 25 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của LHQ nhấn mạnh: Mọi người dân và hộ gia đình đều có quyền có mức sống tối thiểu về sức khỏe và các phúc lợi xã hội, bao gồm ăn, mặc, chăm sóc y tế, dịch vụ xã hội thiết yếu và có quyền được an sinh khi có các biến cố về việc làm, ốm đau, tàn tật, góa phụ, tuổi già… hoặc các trường hợp bất khả kháng khác. Theo ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), an sinh xã hội là chỉ sự bảo vệ của xã hội đối với những thành viên của mình bằng một loạt những biện pháp công cộng, chống đỡ sự hẫng hụt về kinh tế và xã hội do bị mất hoặc bị giảm đột ngột nguồn thu nhập vì ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, tàn tật, tuổi già và chết, kể cả sự bảo vệ chăm sóc y tế và trợ cấp gia đình có con nhỏ…

Hay quá, hay quá!!!! Tôi hoàn toàn ủng hộ những giá trị này. Hay ra phết!

3. Là thành viên có trách nhiệm của LHQ và cộng đồng thế giới, Việt Nam luôn chia sẻ, tôn trọng các yêu cầu và cam kết quốc tế về nhân quyền nói trên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Việt Nam coi việc phát triển bảo đảm an sinh xã hội (BÐASXH), bảo đảm chất lượng sống cho người dân ngày càng được an toàn và cải thiện là nội dung, cách thức thiết thực nhất thực hiện các quyền xã hội của mọi người dân; đồng thời, cũng là động lực và mục tiêu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới đất nước. Trải qua mấy chục năm chiến tranh tàn khốc, phải chịu hơn 17 triệu tấn bom đạn, hơn 70 triệu lít hóa chất chứa dioxin, Việt Nam hiện có hơn bốn triệu người khuyết tật, tàn tật do bom đạn, chất độc, cùng hàng triệu người có công, người già và trẻ em không nơi nương tựa, nghèo, cô đơn. Việt Nam còn chịu áp lực mỗi năm thêm hàng triệu người bước vào độ tuổi lao động và hàng chục triệu lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, dễ bị tổn thương… Vì vậy, Việt Nam luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình, ổn định để có điều kiện phát triển cuộc sống của toàn dân, bù đắp cho những người bị thiệt thòi, và cũng vì thế, Việt Nam coi hệ thống BÐASXH đa dạng, có tính chia sẻ và hiệu quả theo chiến lược tổng thể quốc gia là sự nghiệp của toàn hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Thế hà? Trước hết, câu “là thành viên có trách nhiệm của LHQ” mang tính chất chủ động. Hơn nữa, để khẳng định “(nhà nước) Việt Nam luôn chia sẻ, tôn trọng các yêu cầu và cam kết quốc tế về nhân quyền nói trên” thì tôi rất ái ngại cho sức khỏe tâm lý của tác giả. Rõ rằng dù có những tiến bộ đáng mừng về những quyền xã hội, Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề đối với các quyền chính trị, kinh tế, văn hóa và ai mà phủ nhận điều đó rõ ràng là có một quan điểm hết sức kỳ lạ.

Câu mà đọc “Việt Nam coi việc phát triển bảo đảm an sinh xã hội (BÐASXH), bảo đảm chất lượng sống cho người dân ngày càng được an toàn và cải thiện là nội dung, cách thức thiết thực nhất thực hiện các quyền xã hội của mọi người dân; đồng thời, cũng là động lực và mục tiêu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới đất nước” dù dài dòng cũng là một câu tôi hoàn toàn ủng hộ. Đọc đến câu “Trải qua mấy chục năm chiến tranh tàn khốc…” thì không có ai phủ nhận. Khi khẳng định “mỗi năm thêm hàng triệu người bước vào độ tuổi lao động” thì quả là phóng đại một chút vì theo tôi hiểu mỗi năm có hơn một triệu chứ (cũng theo ILO). Nhưng việc VN còn có “hàng chục triệu lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, dễ bị tổn thương” là có thật và đáng lo ngại.

Câu cuối cùng trong đoạn này cho rằng: “…vì thế Việt Nam coi hệ thống BÐASXH đa dạng, có tính chia sẻ và hiệu quả theo chiến lược tổng thể quốc gia là sự nghiệp của toàn hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Về câu này tôi không có vấn đề gì hết.

4. Ðối với vấn đề xóa đói, giảm nghèo, Việt Nam coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài và quan trọng hàng đầu trong BÐASXH. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa VII chỉ rõ: “Trợ giúp người nghèo chủ yếu bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn. Hình thành quỹ xóa đói, giảm nghèo ở từng địa phương trên cơ sở dân giúp dân, Nhà nước giúp dân và tranh thủ các nguồn tài trợ nhân đạo trong nước và quốc tế. Phấn đấu tăng số hộ giàu, đi đôi với xóa đói, giảm nghèo”. Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng tiếp tục khẳng định: “Nhà nước chăm lo, phục vụ nhân dân, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”. Lấy ngày 17-10 hằng năm là “Ngày vì người nghèo” (cùng với ngày “Thế giới chống đói nghèo” do Liên hợp quốc khởi xướng), từ năm 1995 đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố đều thành lập các ban chỉ đạo, triển khai hàng chục chương trình và chính sách đầu tư, cho vay phát triển hạ tầng, việc làm, hỗ trợ hộ nghèo, hộ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các hoạt động cộng đồng, tương thân, tương ái, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa. Tháng 5-2002, Chính phủ chính thức triển khai “Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo” phù hợp với mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của LHQ. Từ năm 2003 tới năm 2012, ngân sách Nhà nước chiếm hơn 51% tổng chi cho BÐASXH, bình quân khoảng 6,6% GDP/năm. Riêng giai đoạn 2006 – 2012, Chính phủ đã đầu tư hơn 700 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho gần 3.000 dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục nhằm tăng cường hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo; trong đó, riêng các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được ngân sách Nhà nước đầu tư hơn 54.770 tỷ đồng. Hằng năm, Nhà nước chi trợ cấp xã hội thường xuyên tới khoảng 2% dân số, trợ cấp đột xuất khoảng 0,5% – 0,6% GDP cho khắc phục hậu quả các vùng bị thiên tai. Giai đoạn 2010 – 2013, thực hiện Nghị định 41/2010/NÐ-CP về chính sách đẩy mạnh tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tổng dư nợ tín dụng cho nông nghiệp đã tăng 2,1 lần (từ 292 nghìn tỷ đồng, lên gần 622 nghìn tỷ đồng). Nhà nước còn thực hiện giao quản lý đất và rừng ổn định; vận động người dân tộc thiểu số sống định canh, định cư và tái định cư ở những địa bàn phù hợp, vì lợi ích kinh tế – xã hội và môi trường cộng đồng và quốc gia.

Vì đoạn này rất dài chỉ nêu rõ một số vấn đề đáng bàn. Một là, trong câu đầu tiên có ghi “Việt Nam coi…”. Đề nghị nên nói cụ thể là nhà nước Việt Nam thay vì “Việt Nam” (Việt Nam là một đất nước, không phải là một tổ chức chính trị như câu này hàm ý). Tôi cũng biết ít nhiều về những vấn đề xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam và đã từng tham gia những công trình phục vụ nhà nước Việt Nam. Về những thông tin trên tôi không cần tranh luận. Mục tiêu cơ bản phải là năng cao an sinh xã hội và “an ninh kinh tế” của của người dân Việt Nam. Nêu ra những chỉ số thực sự là không hữu ích chút nào vì chúng ta thiếu thông tin ở đây để đánh giá ý nghĩa của những chỉ số này. Mặt khác, một lần nữa tôi không có vấn đề lớn lắm về những mực tiêu và ý định kể trên, dù e rằng nếu coi nhà nước Việt Nam là một tổ chức nhân đạo vì những khoản tiền mà nhà nước chi tiêu lại đến từ tiền thuế của dân.

5. Khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân ngày càng được cải thiện cũng là một điểm nhấn trong BÐASXH ở Việt Nam. Cuối năm 2012, khoảng 90,7% số người nghèo nhất đã được sử dụng điện lưới; hơn 85% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có trạm y tế, trong đó 78% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm; 67,5% số xã có công trình thủy lợi nhỏ. Hàng nghìn nhà tình nghĩa và hàng trăm dự án nhà ở xã hội được triển khai trên toàn quốc, góp phần đáp ứng nhu cầu cho hàng triệu người dân thuộc đối tượng chính sách. Từ năm 2010, cả nước đã cơ bản hoàn thành phổ cập THCS với 100% số xã có đủ trường tiểu học, THCS. Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học là 97,7% và bậc trung học cơ sở là 87,2%. Mỗi năm, 1,8 triệu lao động được dạy nghề qua hệ thống 10 nghìn trường, trung tâm học tập cộng đồng và gần 700 trung tâm giáo dục thường xuyên. Riêng hai năm 2011 – 2012, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ 11.844 tỷ đồng tiền miễn, giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ tiền ăn trưa cho bốn triệu lượt học sinh con của hộ nghèo, hộ chính sách và trẻ đến 5 tuổi. Theo Quyết định 36/2013/QÐ-TTg, từ ngày 15-3-2013, Nhà nước thực hiện hỗ trợ 15kg gạo/tháng (chín tháng/năm học) cho mỗi học sinh tiểu học và THCS người dân tộc thuộc khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Vâng, “khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân ngày càng được cải thiện cũng là một điểm nhấn trong BÐASXH ở Việt Nam” là điều đáng mừng. Tôi và không ít người khác đang lo là việc có “khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản” rất dễ đánh mất ý nghĩa tích cực nếu dân phải bỏ biết bao nhiêu tiền để đảm bảo chất lượng dịch vụ là trên mức có thể chấp nhận được. Vâng, Việt Nam đã thấy nhiều tiến bộ đối với việc mở rộng các dịch vụ cơ bản là điểm tốt.

Tôi hoàn toàn đồng ý rằng, Đảng Công Sản Việt Nàm và nhà nước CHXHCNVN lâu nay đã quan tâm đến những vấn đề này. Nhưng vấn đề này đâu có nghĩa là không có vấn đề nghiêm trọng chúng ta phải chú ý đến. Mục đích của bài này là gì? Nêu mãi những chỉ số như trên không có nghĩa lắm.

6. Các loại hình bảo hiểm cho người dân ngày càng mở rộng với sản phẩm ngày càng đa dạng. Ðối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ngày càng tăng và được hưởng các chế độ và quyền lợi kịp thời, đầy đủ, an toàn, đúng quy định. Năm 2012, hơn 60,5 triệu người tham gia BHXH, BHYT tăng 5,9% so với năm 2011. Tính đến năm 2011, BHXH bắt buộc đã thu hút được 20% lực lượng lao động và 70% đối tượng liên quan. BHXH tự nguyện thu hút được hơn 0,22% số lao động thuộc diện tham gia. BHTN đã có hơn 8,1 triệu người tham gia. Chỉ riêng hai năm 2011 – 2012, NSNN đã hỗ trợ hơn 22 nghìn tỷ đồng cấp thẻ BHYT miễn phí cho 29 triệu lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ bằng 70% mệnh giá thẻ mua BHYT cho người dân thuộc diện cận nghèo (với mức 3% lương tối thiểu chung). Hơn 90% số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Chênh lệch tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giữa nông thôn và thành thị đã giảm xuống còn 14,3%, so với 20,3% năm 2001. Tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi, tỷ lệ tử vong mẹ đều thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia có cùng điều kiện kinh tế. Tuổi thọ bình quân của Việt Nam hiện đạt 73-74 tuổi. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước liên tục giảm, chỉ còn gần 9,64% vào cuối năm 2012, so với 22% năm 2006. Tỷ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm từ trung bình 47% năm 2006, xuống còn 28,55% năm 2012 ở vùng Tây Bắc, Ðông Bắc – 17,39%, Tây Nguyên -15,58%, Bắc Trung Bộ – 15,01%. Thu nhập bình quân của hộ nghèo năm 2010 tăng 2,3 lần so với năm 2005; bình quân GDP tăng từ 1.024 USD/người năm 2008 lên 1.540 USD/người năm 2012.

Vâng, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng mừng. Tuy nhiên, chế độ bảo hiểm y tế còn quá nhiều vấn đề. Hy vọng những vấn đề này sẽ được giải quyết trong tương lai. Đời sống của hàng triệu người đã được cải thiện, nhưng hàng triệu người khác vẫn nghèo và dễ bị rơi vào khủng hoảng vì tình trạng mất ổn định trong nền kinh tế. Hơn nữa, mức sống tối thiểu ở Việt Nam còn quá thấp. Nên chúng ta phải cần thận trọng khi quá lạc quan về tinh hình an sinh xã hội. Nghèo tuyệt đối (absolute poverty) đang giảm chậm hơn so với trước trong khi đó sự nghèo tương đối (relative poverty) đang tăng là những xu hướng đáng lo. Tóm lại, việc Việt Nam đã có nhiều tiến bộ là đáng mừng nhưng cũng phải nhắc đến những vấn đề vẫn còn và nếu không viết như thế này chỉ phản ánh bệnh thành tích vẫn còn ở Viẹt Nam.

7. Với những nỗ lực nói trên, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn tất cả các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2015 nên đã được Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới trao giải thưởng thành tích xuất sắc trong xóa đói, giảm nghèo. Tại Hội nghị cấp cao “Kêu gọi hành động vì sự sống còn của trẻ em” tổ chức ở Hoa Kỳ năm 2012, LHQ và nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam thuộc tám quốc gia đạt tiến độ thực hiện Mục tiêu MDG 4 về giảm tử vong trẻ em; thuộc chín quốc gia đạt tiến độ thực hiện về Mục tiêu MDG 5 về giảm tử vong mẹ; xếp thứ 27 trong số 101 nước đang phát triển về năng lực giảm nghèo của các quốc gia (gọi tắt là CPM), trên cả In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Thái-lan…

Ở đây, tôi không có bình luận gì.

8. Bằng việc thông qua và triển khai Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, hệ thống BÐASXH sẽ bao phủ toàn dân; đặt trọng tâm vào các mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững; tiếp cận và thụ hưởng công bằng các dịch vụ và các phúc lợi xã hội, các nguồn lực, cơ hội và thành quả phát triển cho người dân, ưu tiên người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, người dân nông thôn, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và sinh viên; tăng cường nhận thức của cộng đồng, trợ giúp pháp lý, năng lực của cơ quan thực thi pháp luật về quyền con người. Những chủ trương, chính sách, kết quả hoạt động thực tế và định hướng, mục tiêu phấn đấu nêu trên khẳng định sự nhất quán và những nỗ lực không mệt mỏi trong công tác BÐASXH của Việt Nam. Ðó còn là bằng chứng mạnh mẽ bác bỏ luận điệu của những người cố tình xuyên tạc, phủ nhận vai trò của Nhà nước Việt Nam trong công tác BÐASXH. Ðồng thời, những sự thật hiển nhiên này cũng bác bỏ dứt khoát sự vu khống, bịa đặt trắng trợn và suy diễn méo mó của một số kẻ cho rằng, đâu đó trên đất nước Việt Nam còn có hiện tượng kỳ thị dân tộc và bỏ rơi người nghèo, nhất là ở nông thôn, người dân tộc thiểu số, miền núi. BÐASXH tốt hơn, xã hội dân chủ, cởi mở và đồng thuận hơn đã, đang và sẽ góp phần quan trọng để phát triển đất nước, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đoạn cuối không có nhiều vấn đề chưa đề cập đến trước đây và nói chung tôi ủng hộ định hướng (dù có ý kiến khác một chút về cách thực hiện). Mặt khác, câu khẳng định “Ðó còn là bằng chứng mạnh mẽ bác bỏ luận điệu của những người cố tình xuyên tạc, phủ nhận vai trò của Nhà nước Việt Nam trong công tác BÐASXH” thật ngây ngô. Ai là người phủ nhận vai trò của Nhà nước Việt Nam trong công tác BÐASXH? Chắc chắn không phải là tôi hay ai biết nhiều về chính sách xã hội ở Việt Nam. Tôi thích câu cuối cùng: “BÐASXH tốt hơn, xã hội dân chủ, cởi mở và đồng thuận hơn đã, đang và sẽ góp phần quan trọng để phát triển đất nước, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.” Lạc quan quá!

Kết luận gì?

Như vậy, chúng ta có thể kết luận gì về bài viết này? Đối với tôi, một người quan tâm nhiều về những vấn đề xã hội ở Việt Nam và cũng ủng hộ Việt Nam trong quá trình cải cách những thể chế chính trị-xã hội, tôi lo nhất về giọng văn trong bài này.

Nó giả định chỉ có một quan điểm duy nhất mà có giá trị và ai suy nghĩ cách về tình hình ở Việt Nam nói chung và đối với BĐASXH nói riêng là những kẻ thù địch. Chính vì thế tôi thấy trong bài này là một vấn đề ‘văn hóa’ Việt Nam nói chung và cụ thể hơn chính quyền Việt Nam phải chấp nhận.

Ai cũng biết mực đích và chúc năng của báo Nhân Dân chính là để đầy mạnh đường lối của Đảng. Luôn luôn giả định đường lối hiện giờ là đúng, dù là thời kỳ Lê Duẩn hay thời kỳ hiện nay. Nhưng muốn có một Việt Nam tốt đẹp hơn, xã hội dân chủ, cởi mở và đồng thuận hơn phải thực bảo đảm những quyền xã hội, chính trị, dân sự. Phải xóa văn hóa chính trị một chiều. Phải bình thường hóa việc có tranh luận trên báo chí. Phải thực sự cởi mở về những vấn đề quan trọng mà đất nước đang phải đương đầu.

JL

Tín ngưỡng thờ "Ông Tà" của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long





Một điểm thờ “Ông Tà”.

Đối với đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, NeakTa (Ông Tà) là vị thần có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Đây là vị thần gần gũi, dân dã gắn liền với sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Dân gian tin là NeakTa có quyền uy tối thượng khiến cho những kẻ làm ác phải kiêng dè.
Về nguồn gốc của vị thần này cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. “(...) Moura (1883) cho rằng NeakTa là những vị thần các cánh đồng hay khu vực mà người ta cầu xin khi có công việc và NeakTa có nguồn gốc Bà La Môn giáo. Ông đặt các vị thần này trong vũ trụ quan của tôn giáo đó: Những NeakTa có từ khi các xứ sở được thành lập và chính Preak In (Indra) đã giao cho họ công việc trông coi các xứ sở này. Adhémar Lecclère (cuối thế kỷ XIX) cho NeakTa là hồn của những người đã chết từ lâu. Monod (1931) lại cho NeakTa là các vị thần đồng áng hay thần ở trong rừng mà người ta phải cầu xin khi có công việc liên quan đến khu vực này. Quan niệm cho rằng NeakTa có nguồn gốc Bà La Môn giáo cũng được L.Malleret (1946) tán thành. Ông lấy vị thần Neang Khmau (Bà Đen) trong tín ngưỡng của người Khmer làm minh chứng. Éveline Porée Maspéro khác những ý kiến trên và dẫn chứng có trường hợp NeakTa là con vật. Theo Phan An thì có thể tục thờ NeakTa ở người Khmer là tàn dư của tín ngưỡng thờ đá có ở Nam Á”1.
Tuy có những quan niệm về NeakTa khác nhau nhưng tất cả các ý kiến trên đều có chung một nhận định: NeakTa là vị thần bảo hộ nhân dân. Đồng bào Khmer cho rằng: “NeakTa là một vị nam thần đứng tuổi, có trách nhiệm bảo hộ con người và đất đai trong một khu vực (tương tự như loại tín ngưỡng Thành Hoàng của người Kinh). Đối với người Khmer, NeakTa có nhiều xuất xứ khác nhau, có thể là linh hồn của một người đã chết từ lâu, một vị thần ở trong rừng thẳm, hoặc một vị thần ở nơi đồng ruộng được chỉ định để coi sóc một địa phương hoặc một khu vực nào đó” 2.
NeakTa còn có nhiệm vụ trông coi sức khỏe và sự thịnh vượng ở những nơi mà ông giữ gìn. Ông chịu trách nhiệm về những chuyện xảy ra ở đó, nên mỗi khi có bệnh dịch, địa phương bị loạn lạc, nhất là khi hạn hán, người ta đều làm lễ cầu khẩn “Ông Tà”.
Người ta căn cứ vào những đặc điểm, chức năng, truyền thuyết... để phân chia NeakTa ra thành nhiều loại, vì vậy tên gọi NeakTa trong đời sống của người Khmer rất đa dạng. “Loại dùng tên của một vật trong thiên nhiên, hoặc dùng địa danh để đặt tên, loại mang tên nhân vật trong truyền thuyết, loại căn cứ vào màu sắc để gọi tên, cũng có loại tên có nguồn gốc từ đạo Bà La Môn như NeakTa Day Khmau, NeakTa Kocohom, NeakTa Buôn Muk, NeakTa Pottobol, NeakTa Neang Khmau, NeakTa Neang Khiu. Riêng các NeakTa Day Khmau, Kocohom được thờ cúng rất nhiều ở các vùng Đồng bằng sông Cửu Long được người ta xem như những hóa thân của các thần Vishnou và Siva trong các truyền thuyết xa xưa. Các NeakTa này thường được thờ cúng ở chùa” 3.
Nơi thờ cúng NeakTa thường là những ngôi miếu nhỏ, đơn sơ được làm bằng cây lá dựng ở khúc quanh con đường, ở ngã ba sông hay dưới gốc cây to trong mỗi ấp, cũng có khi miếu thờ được xây to hơn bằng gạch được đặt trong khuôn viên chùa, hay ở một vị trung tâm nào đó trong phum sóc. Trên bệ thờ mỗi miếu thường là những viên đá cuội bóng láng, người ta tin rằng đó là hóa thân của NeakTa mà người Kinh thường gọi là “Ông Tà” và gọi các miếu đó là “miếu Ông Tà”.
“Lễ cúng ông Tà hằng năm được tổ chức vào tháng 4, tháng 5 dương lịch, tức là trong vòng một tháng đầu mùa hạ trước khi làm đồng áng. Vào những ngày này, người Khmer họp nhau làm lễ theo từng sóc để cúng ông Tà, và cũng để xin nước mưa làm ruộng rẫy trong năm. Họ kính trọng Ông Tà, coi như vị thần trực tiếp bảo hộ và giúp họ thu hoạch tốt trong công việc đồng áng và trong đời sống hàng ngày. Vị thần này đã cho nước mưa và đuổi các sâu rầy không cho phá lúa, màu”4.
Người ta đến miễu Ông Tà còn để làm lễ xin nước mưa. Các lễ vật cúng Ông Tà thường là đầu heo, gà, vịt luộc, rượu... Tuy nhiên, các lễ vật này không chỉ dùng để cúng Ông Tà, mà nhân tiện người ta cũng cúng luôn các vị Thổ thần và cả ma quỷ ngoài đồng mà người ta quan niệm rằng đều là con cháu của Ông Tà. Các ma quỷ được ăn uống sẽ dẫn nhau đi bảo vệ ruộng rẫy cho họ.
Ở một số nơi, người ta còn cúng cho mỗi loại Ông Tà bằng mỗi loại thức cúng khác nhau. “Cúng NeakTa phum sóc bằng thịt heo, cúng NeakTa rạch, bưng, giồng bằng thịt gà, vịt. Hoặc không cứ thời gian, gia đình nào gặp chuyện chẳng lành, sửa lễ đến miếu cúng NeakTa. Các sư sãi trong chùa bị ốm đau, cũng cúng lễ tại miếu thờ NeakTa trong khuôn viên chùa. Đồng thời NeakTa còn là quan tòa xử kiện việc người, trong phum sóc cần thề thốt điều gì. Hai bên đưa nhau đến miếu cúng NeakTa, với cách đem con gà đang sống đến miếu cắt cổ cho chảy máu rồi thả gà ra. Nếu gà sống hoặc chết là thể hiện lời thề của hai bên đúng sai”5.
Trên đường đến miễu Ông Tà làm lễ, người ta đi vòng quanh nhà ông ba vòng theo chiều kim đồng hồ tượng trưng cho sự xin nước mưa. Đi đầu là người chủ lễ, tiếp sau là những người cùng trong phum sóc. Đến miễu Ông Tà, họ vào đốt nhang, cầu khẩn Ông Tà bảo vệ cho xóm làng được bình yên, cơm no áo ấm, nhà nhà đầy tiếng cười, và cầu cho được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong lúc làm lễ, nhạc cụ dân tộc hòa vào lời ca tiếng hát được cất lên như là sự thỉnh mời các vị thần đến thưởng thức.
Nếu đã thực hiện đầy đủ các nghi thức trên mà vào mùa hạ năm ấy, trời vẫn không mưa thì người ta tiếp tục làm thêm một lễ nữa gọi là Lễ xin nước mưa. “Họ đưa mười nhà sư ra đứng phơi nắng tụng kinh để động lòng trời; bên cạnh, họ để một con cá lóc vào cái thau khô, hoặc vào một hố đất khô để ông Trời thấy con cá cũng như nông dân đều cần nước mưa để sống và làm ruộng nên sẽ ban nước mưa cho họ. Sự tích này có nguồn gốc từ Phật giáo. Kinh Sôphôntôn có nói con cá lóc là tiền thân của đức Phật Thích Ca, trong các kiếp luân hồi, sống trong một hồ thật lớn tên là Anôtlah. Từ khi ngài sinh ra không bao giờ sát sanh, chỉ biết ăn rong rêu và cây cỏ mục để sống. Qua thời gian hạn hán 12 năm, mọi nơi đều khô cạn kể cả hồ Anôtlah. Mọi người và mọi sinh vật như tôm tép, cá lớn cá bé đều chết, muôn vàn tai họa đưa đến rất khủng khiếp. Cá lóc bèn suy gẫm: Ta đây, từ sinh ra đến giờ không làm hại ai, chỉ biết trầm tư mặc niệm làm lành lánh dữ, tại sao trời nỡ sát hại muôn loài và sát hại cả bản thân ta. Nghĩ vậy, cá bèn chui đầu lên khỏi bùn và kêu trời: Thưa Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng có thấy thế gian đau khổ chẳng? Ta đây 12 năm tu tâm tham thiền hầu kiếp sau đắc đạo cứu chúng sanh. Vậy giờ đây, ta kêu gọi ngài hãy cứu lấy muôn loài dưới thế gian này bằng cách ban cho những giọt mưa lành. Tiếng kêu ấy động đến trời. Ngọc Hoàng nhìn xuống thấy cá lóc đúng là hiện thân của Phật Thích Ca Mâu Ni tương lai, nên ban mưa xuống cứu rỗi cho thế gian và muôn loài”6.
Tóm lại, tín ngưỡng thờ NeakTa của đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long là một tín ngưỡng mang lễ nghi nông nghiệp tồn tại trong nhiều thế kỷ qua. Tín ngưỡng này đã ăn sâu vào tâm thức của đồng bào Khmer, đã trở thành chỗ dựa tinh thần không chỉ đối với người lao động nghèo mà gần như tất cả các giai tầng trong xã hội. Đó là ước mơ về một cuộc sống bình an, có được nước mưa để sinh hoạt và làm ruộng, có được một vụ mùa bội thu để còn có cái ăn cái mặc, và đôi khi đó chỉ là một ước mơ về công lý được thực thi... Tín ngưỡng thờ NeakTa còn thể hiện niềm tin của đồng bào Khmer vào tổ tiên dòng họ, vào những vị thần bảo hộ xóm làng, để xin được cứu giúp mỗi khi bị thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, tai nạn...
Trong quá trình cộng cư với các dân tộc Việt, Hoa, tín ngưỡng thờ NeakTa đã có sự giao lưu trong văn hóa của các dân tộc anh em. Giờ đây, Ông Tà không chỉ được đồng bào Khmer tin tưởng, xem là chỗ dựa tinh thần mà các dân tộc Việt, Hoa cũng tin vào sức mạnh siêu nhiên của Ông Tà. Tuy nhiên, dù Ông Tà có quyền năng tuyệt đối nhưng ông lại khá gần gũi với dân gian nên cư dân Đồng bằng sông Cửu Long đã có một giai thoại thú vị về sự tranh chấp của Ông Tà và Ông Địa như sau:
“Xưa kia, Ông Tà được nhiều người mến mộ, cúng bái nhưng từ khi Ông Địa vào nhà, bao nhiêu đồ cúng đều về tay Ông Địa, Ông Tà dần dần bị thất sủng, lại còn bị thỉnh ra ngồi dưới gốc cây hoặc bìa ruộng, bìa vườn. Vì vậy ông đã nhờ một vị thần phân xử.
Sau khi xem xét, vị thần ấy phán rằng: Địa suốt ngày cần mẫn chăm lo họa phúc cho dân tình nên được mọi người kính nể, còn như Tà thích rong chơi, hay ngao du sơn thủy, ít gần gũi xóm giềng nên người đời xao lãng, đó cũng là lẽ thường tình. Kể từ bây giờ, các ngươi hãy siết chặt tay nhau, người nào việc nấy để cùng chăm lo cho dân lành theo sự phân công của ta, ông Địa giữ nhà, Ông Tà giữ ruộng. Thế là Ông Tà mãn nguyện, sẵn sàng ngụ ở bất cứ nơi nào, dù ngoài đồng, bờ ruộng, gốc cây hay hang đá vẫn cứ vui lòng”7.

TRẦN NGU LẠC
(1) Lâm Quang Vinh, Tín ngưỡng thờ NeakTa trong cộng đồng người Khmer tỉnh Trà Vinh. In trong Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 4 năm 2010. Tr.59.
(2) Trần Văn Bính (chủ biên), Văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ - thực trạng và những vấn đề đặt ra. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2004. Tr.179-180.
(3) Trần Văn Bính (chủ biên). Sđd .Tr.180.
(4) Viện Văn hóa, Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ. NXB Tổng hợp Hậu Giang - 1988. Tr.126.
(5) Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa tâm linh Nam Bộ. NXB Hà Nội - 1997. Tr.246.
(6) Viện Văn hóa. Sđd. Tr.127-128.
(7) Theo Hoài Phương, Ông Tà trong tín ngưỡng dân gian Nam Bộ. Báo Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần số Xuân 2009.

Thơ Bác Hồ viết về phụ nữ





Các đại biểu phụ nữ điển hình tiên tiến chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến toàn tỉnh lần thứ II (3 - 2010) do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Ảnh: CTV
(THO) - Nhà sử học người Mỹ Giôxơphin Stensen trong một tham luận đọc tại hội nghị quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 3 -1990 có nhận xét: “Trong số các lãnh tụ là nam giới như Tômát Giecphécsơn, Mahátma Găngđi, Vlađimia Elích Lênin, Các Mác, Mao Trạch Đông, Máctin Lôthơ Kinh và Nenxơn Manđêla, chỉ có Hồ Chí Minh là luôn luôn nói về quyền bình đẳng của người phụ nữ, về giáo dục, tự do ngôn luận, độc lập về kinh tế và quyền của phụ nữ được hưởng các quyền lợi khác như của nam giới.

Chỉ Hồ Chí Minh là thấy được rằng phụ nữ đã phải chịu đựng những gánh nặng như nam giới và còn hơn thế nữa. Tất cả những lãnh tụ nói trên đều quan tâm sâu sắc đến công lý xã hội cho toàn xã hội... Chỉ Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nói về chủ đề phụ nữ”(1)

Ngày nay, không phải chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, nhân loại đều nhất trí khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người quan tâm sâu sắc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ và đấu tranh quyết liệt giải phóng phụ nữ. Chính Người đã gắn cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với con đường đi tới bình đẳng, tự do và phát triển của phụ nữ.

Bác Hồ của chúng ta đã tận dụng mọi cơ hội trên diễn đàn quốc tế và trong nước, trên các phương tiện thông tin, trong các tác phẩm chính trị, tác phẩm văn học để phát biểu về phụ nữ, bảo vệ và đấu tranh cho phụ nữ. Chủ đề phụ nữ đã trở thành một chủ đề lớn trong các bài phát biểu về cách mạng, các bài phát biểu trực tiếp về phụ nữ và với phụ nữ, trong các tác phẩm văn xuôi và trong thơ ca.

Thơ ca viết về phụ nữ mà Bác Hồ để lại, ngoài những vần thơ lẻ, nếu tính từ bài thơ Cô Vượng khuyên chồng viết ở Xiêm (Thái Lan) năm 1928 đến bài thơ Khen 11 cháu gái thành phố Huế trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1968, thì số lượng thơ là đáng kể và tự nó đã nói lên một phần về sự quan tâm của Bác Hồ với chủ đề này.

Thơ ca viết về phụ nữ của Bác trước hết là biểu hiện tấm lòng của Bác, một tấm lòng rộng mở, yêu thương, thấu hiểu, đồng cảm và cảm thông. Ba bài thơ Cô Vượng khuyên chồng, Thư vợ gửi chồng, Thư vợ gửi chồng đi làm cách mạng viết trước cách mạng Tháng Tám cho thấy sức cảm thông, thấu hiểu đối với phụ nữ của Bác là rất lớn. Đọc những bài thơ này cứ tưởng như đọc những bài thơ của chính phụ nữ viết vậy. Người phụ nữ trong xã hội cũ chịu khó, chịu khổ nhẫn nhịn, lặng lẽ hy sinh cho chồng con, cho gia đình yên ấm phát triển. Lời tâm sự của người vợ với chồng:

Đói no bữa cháo bữa rau
Tuy lao khổ em dám đâu phàn nàn

(Thư vợ gửi chồng đi làm cách mạng)

Và:

Thù nước, thù nhà chàng gắng trả,
Việc nhà, việc cửa, thiếp xin đương.

(Thư vợ gửi chồng)

Ý thức về bổn phận, về trách nhiệm và sự chịu đựng là phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Các chị biết hy sinh, biết chịu đựng nhưng các chị cũng biết đón chờ hạnh phúc, niềm vui:

- Bao giờ đuổi sạch quân thù địch,
Ta sẽ sum vầy ở Cố hương.

(Thư vợ gửi chồng)

- Mai sau anh trở lại nhà,
Ánh trăng càng tỏ màu hoa càng nồng

(Thư vợ gửi chồng đi làm cách mạng)

Phải thực sự cảm thông, phải đồng cảm lắm mới có những câu thơ bật ra từ trái tim như thế. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị, hồi ở trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác cũng đã viết ba bài thơ (trong số 6 bài viết về phụ nữ của Nhật ký trong tù) về tình cảnh đáng thương trong hoạn nạn, tai ương của mấy cặp vợ chồng. Vợ người bạn tù đến thăm chồng, Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng, Gia quyến người bị bắt, toàn những con người và sự việc mà Bác chứng kiến, bài thơ nào cũng da diết một tình thương yêu, một sự cảm thông chia sẻ. Những người phụ nữ này chẳng phải là con cháu, là anh em ruột thịt, là đồng bào cùng Tổ quốc với Bác, họ lại còn là người đồng hương với những người đang ngày đêm hành hạ, đọa đầy Bác, vậy mà Bác rất thương. Tình thương của Bác trùm lên khắp thế gian. Ai là người cực khổ, là người nhỏ bé trong xã hội Bác đều thương. Cảm thương với nỗi đau của người vợ mất chồng, bài thơ Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng đâu còn là lời của người làm thơ nữa mà là lời của người trong cuộc cơ sự vì sao vội lánh đời?. Để thiếp từ nay đâu thấy được thì rõ là đã nhập cái đau vào mình vậy. Một cảnh tượng thương tâm, đau xót khác, một người vợ vô tội bỗng nhiên phải ngồi tù thay vì chồng chị ta trốn đi lính làm bia đỡ đạn bảo vệ bọn cường quyền:

Biền biệt anh đi không trở lại,
Buồng the trơ trọi, thiếp ôm sầu;
Quan trên xót nỗi em cô quạnh,
Nên lại mời em tạm ở tù.

(Gia quyến người bị bắt lính)

Một chế độ xã hội vô lý, vô nhân, trớ trêu và oái oăm đến thế là cùng. Đọc bài thơ Gia quyến người bị bắt lính không thể không liên tưởng đến một cảnh tượng dã man mà Bác đã lên án gay gắt trong Bản án chế độ thực dân Pháp viết từ năm 1925. Trong Bản án này, Bác dành hẳn một chương riêng Những nỗi khổ nhục của người đàn bà bản xứ mô tả tỉ mỉ những thân phận, những bà, những chị, những cháu bé gái hàng ngày, hàng giờ bị các quan thực dân áp bức, đầy đọa. Một tên Tây đoan ở tỉnh Bà Rịa, tự cho phép mình đánh gần chết người đàn bà chuyên gánh muối thuê cho hắn vì chị ta vô ý làm ồn ngoài hiên khiến hắn mất giấc ngủ trưa. Một tên Tây đoan khác ngang nhiên co chân đạp vào giữa bụng một chị phụ nữ đang mang thai, làm chị bị trụy thai và mấy ngày sau thì chết chỉ vì khi chào đã không gọi hắn là quan lớn. Căm phẫn trước tội ác dã man của bọn thực dân, Bác lên án đanh thép: Người ta nói: Chế độ thực dân là chế độ ăn cướp. Chúng tôi nói thêm: chế độ hãm hiếp đàn bà và giết người (2).

Trong một tác phẩm khác, Lên án chủ nghĩa thực dân, Bác đã vạch trần những hành động bạo ngược của bọn xâm lược: Không một chỗ nào, người phụ nữ thoát khỏi những hành động của bọn xâm lược; ngoài phố, trong nhà, giữa chợ hay ở chốn thôn quê, ở đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của các quan cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga...(3)

Bất công, ngược đãi, ức hiếp phụ nữ, là bản chất của chế độ thực dân phong kiến ở bất cứ đâu, bất cứ nước nào. Bác đã lớn tiếng tố cáo mạnh mẽ chế độ thực dân tàn bạo đối với phụ nữ ở khắp các châu lục, Bác đã dành sự quan tâm và tình thương lớn cho phụ nữ. Tình cảm sâu sắc nhất của Bác luôn hướng về số phận đau thương của phụ nữ. Nhưng tình cảm đó không một chiều, không bao giờ làm cho phụ nữ bé nhỏ đi. Cùng với tình thương, Bác luôn tìm mọi cách thức tỉnh giác ngộ và khích lệ người phụ nữ tự chủ trong cuộc đời riêng đứng lên trong cuộc đời chung. Trong bài Ca phụ nữ, Bác biểu dương phụ nữ tham gia công tác cách mạng, Bác ca ngợi tinh thần cách mạng, ca ngợi tinh thần dũng cảm của chị em.

Một khi phụ nữ đã đứng lên thì mọi sức mạnh được phát huy. Lời người vợ trong bài Thư vợ gửi chồng đi làm cách mạng thật rắn rỏi trong một tình thế người chồng hoạt động cách mạng không may sa vào lưới giặc, bị bắt vào tù, người vợ nguyện tiếp bước con đường đi của chồng.

Vì anh tranh đấu mấy phen,
Vì anh mong giải phóng cháu Tiên, con Rồng.
Em xin anh chớ phiền lòng
Em tuy hèn yếu quyết thay chồng đấu tranh.


Ý thức về mình bao giờ cũng tự có trong bản thân người phụ nữ, chỉ có điều, nó bộc lộ và phát huy như thế nào, trong những hoàn cảnh nào, trường hợp nào.

Thời kỳ Mặt trận Việt Minh do yêu cầu khẩn thiết tập hợp lực lượng, Bác tha thiết kêu gọi phụ nữ:

Bây giờ cơ hội đã gần
Đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân cứu nhà.
Chị em cả trẻ lẫn già,
Cùng nhau đoàn kết để mà đấu tranh.
Đua nhau vào Hội Việt Minh,
Trước giúp nước sau giúp mình mới nên
.
(Ca phụ nữ)

Phụ nữ đã làm theo lời Bác, tự nguyện tự giác tham gia Mặt trận Việt Minh, cùng toàn dân nhất tề đứng lên cứu nước, cứu nhà giành độc lập tự do. Để phát huy sức mạnh và tài năng phụ nữ, trong thơ ca Bác đã làm sống dậy những trang sử hào hùng của phụ nữ trong lịch sử dân tộc. Đó là Hai Bà Trưng phất cao cờ khởi nghĩa rửa sạch mối hận thù chồng nợ nước. Đó là Bà Triệu anh hùng, tài năng dũng cảm, cưỡi voi xung trận đuổi quân xâm lược. Đó là nữ danh tướng Bùi Thị Xuân dũng mãnh trăm trận trăm thắng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, vai trò và sức mạnh của phụ nữ càng được phát huy, phụ nữ được giải phóng, phụ nữ có mặt ở mọi nơi, trên khắp các mặt trận. Bác rất tự hào về những tấm gương phụ nữ anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi khi chị em phụ nữ lập chiến công hoặc đạt thành tích xuất sắc, Bác động viên, biểu dương và khen ngợi kịp thời. Chị Nguyễn Thị Bưởi (tức Anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi) hy sinh anh dũng, Bác viết bài thơ Nữ Anh hùng Nguyễn Thị Bưởi tỏ lòng khâm phục và ca ngợi tinh thần hăng hái xung phong đi đầu trong mọi công việc, mưu trí, dũng cảm và kiên cường bất khuất trước quân thù. Bài thơ như một chuyện kể rất mực giản dị:

Việc gì chị cũng xung phong
Khi đánh giặc, khi giao thông;
Tuyên truyền tổ chức, chị không ngại nề.


Một hôm trên đường đi khai hội trở về chị bị địch phục kích bắt, chúng tra tấn dã man và dùng những thủ đoạn đê hèn làm nhục chị, nhưng chị không một lời khai, lại còn dùng mưu trí đánh lừa địch, kịp thời báo tin cho đồng đội cất giấu tài liệu bí mật của Đảng. Do không lung lạc, không khuất phục được, chúng đã đem chị ra hành hình một cách man rợ:

Đứa dao khoét vú đứa chân dẫm đầu,
Đứa thì tay đỡ chậu thau,
Đứa thì mổ bụng từ đầu đến chân.

Chị vẫn một lòng một dạ trung thành với cách mạng, tiến công địch cho đến giây phút cuối cùng của đời mình Hô to khẩu hiệu chửi quân bạo tàn. Chị Bưởi đã trở thành người phụ nữ kiên cường, bất khuất. Bài thơ kết thúc, Bác nêu cao tấm gương Anh hùng Mạc Thị Bưởi:

Nêu gương oanh liệt muôn đời ngàn sau

Trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân 1968, được tin các cháu dân quân gái thành phố Huế lập chiến công, Bác xúc động có thơ khen:

Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường,
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường.
Bác khen các cháu dân quân gái,
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.

(Khen 11 cháu dân quân gái thành phố Huế)

Bác thực sự coi phụ nữ là lực lượng cách mạng trong sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Một khi phụ nữ được giác ngộ, được giải phóng họ sẽ phát huy tất cả tài năng và sức mạnh to lớn của mình. Từ thực tiễn, Bác khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà tốt đẹp, rực rỡ”(4)

Bác tôn trọng phụ nữ, đề cao vai trò phụ nữ và chăm lo cho sự phát triển của phụ nữ. Bác coi việc giải phóng phụ nữ là mục tiêu của cách mạng và sự nghiệp giải phóng phụ nữ bao giờ cũng gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, gắn liền với độc lập, tự do của Tổ quốc. Tương lai phát triển của phụ nữ đi cùng với bước tiến của đất nước.

Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến, khẩu hiệu vừa chiến đấu vừa sản xuất mà Bác và Đảng đề ra được quán triệt và trở thành hành động cụ thể, là việc làm hàng ngày. Bác nêu điển hình trong Thư Bác Hồ gửi Mẹ Nguyễn Thị Đào, một bà mẹ vì nước, vì dân đã hiến dâng tất cả 6 người con cho Tổ quốc. Lời thơ trong thư là lời người mẹ mà cũng là lời non nước, tình nhà nghĩa nước quyện chặt, tiền tuyến hậu phương là một, hiện tại và tương lai kết nối, phơi phới tin yêu:

Con đi đi, đi đi con
Đánh Tây để giữ nước non Lạc Hồng
Bao giờ kháng chiến thành công
Con về giúp mẹ vun trồng lúa khoai.

Biết bao tấm gương những mẹ, những chị, những em, những cháu gái đã góp phần làm nên truyền thống anh hùng, làm nên chiến thắng lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, làm nên những kỳ tích trong xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Bác rất tâm đắc và luôn nhắc nhở mọi người câu nói của Mác: Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái thì biết xã hội tiến bộ như thế nào. Bác đã tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Hơn ai hết, Bác Hồ là người thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, thương yêu và tin tưởng phụ nữ; đề cao và phát huy vai trò, tài năng và sức mạnh của phụ nữ. Bác khẳng định, giải phóng phụ nữ đó là một cuộc cách mạng to và khó. Dù to và khó nhưng nhất định thành công(5).

Bác tin tưởng ở cách mạng, Bác tin ở phụ nữ, đã viết câu thơ về phụ nữ:

Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai.
(1) Vai trò của Hồ Chí Minh trong lịch sử tiến bộ của phụ nữ - Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh - NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1990, tr.142
(2) Bản án chế độ thực dân Pháp - Nxb Sự thật - Hà Nội 1960, tr.110
(3) Lên án chế độ thực dân - Nxb Sự thật - Hà Nội 1959, tr.29
(4) Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ - Nxb Phụ nữ - Hà Nội 1970, tr31
(5) Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ - Nxb Phụ nữ - Hà Nội 1970, tr.17.


.Lê Xuân Đức

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Cú đánh trí mạng vào lòng nhân ái



Trần Minh Quân, TPHCM



(TBKTSG Online) - Trong vòng hơn một tuần, liên tiếp hai sự việc xảy ra liên quan đến lòng nhân ái, và chưa bao giờ lòng nhân ái của con người lại bị tổn thương đến vậy. Dư luận về vụ hàng cứu trợ lũ lụt “giẻ rách” tại Nghệ An chưa nguôi thì lại xảy ra sự việc bốn em nhỏ trốn chạy khỏi nhà mở tại Đồng Nai. Mặc dù hai sự việc xảy ra ở hai thời điểm, hai địa phương khác nhau, nhưng có cùng một điểm chung, đó đều là một cú đánh trí mạng vào lòng nhân ái.

Công việc cứu trợ đồng bào vùng lũ và việc chăm sóc các em nhỏ mồ côi, cơ nhỡ, không nơi nương tựa là việc làm nhân đạo, nó thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách, là một nghĩa cử cao đẹp đáng biểu dương, đáng trân trọng.

Tống khứ bằng hết những thứ thừa thải?

Đồng bào vùng lũ đang trong cơn hoạn nạn, nhà cửa đổ nát, gia tài tiêu tan, đang sống cảnh màn trời chiếu đất, ... rất cần những tấm lòng sẻ chia. Liên tiếp những chuyến hàng cứu trợ từ mọi miền đất nước, từ bạn bè thế giới được chuyển về đúng lúc giúp bà con vượt qua được những khó khăn trước mắt, bên cạnh đó còn có những lời động viên, chia buồn sâu sắc những mất mát mà đồng bào miền Trung vừa phải gánh chịu. Tất cả sự đùm bọc sẻ chia của mọi người như ngọn lửa thắp sáng giữa đêm đông giá buốt, mang lại hơi ấm để nhen nhóm chút hy vọng của cuộc sống vốn quá nhiều khó khăn này.

Mỗi đợt lũ đi qua, cũng là lúc những tấm lòng nhân đạo từ khắp nơi hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt. Nghĩa cử cao đẹp ấy sẽ trọn vẹn nếu không có những sự cố đang tiếc xảy ra ở Nghệ An. Đành rằng những người dân đang rất thiếu thốn, cơ cực trăm bề, trong lúc này nhận được sự chia sẻ bất cứ thứ gì cũng đều đáng quý, từ gói mì, cân gạo, chiếc áo, chiếc quần, viên thuốc, ... Tuy nhiên, không thể chấp nhận một số người xem việc cứu trợ như cơ hội để tống khứ cho bằng hết những thứ thừa thải của mình.

Thời gian trước đây, dư luận cũng đã phát hiện và cực lực lên án một số mặt hàng cứu trợ cho nhân dân vùng lũ là những lô hàng hết hạn sử dụng. Vì lợi ích, vì hiệu quả kinh doanh, một số doanh nghiệp xem đây là “cơ hội” giải quyết hàng tồn kho. Nhưng xem ra, việc này dễ hiểu, dễ thông cảm hơn những gì vừa diễn ra ở Nghệ An, khi những thùng hàng dán mác “hàng cứu trợ” là là những thứ giẻ rách, thậm chí là những bộ “phụ tùng” nhăn nheo, không biết đã hết niên hạn sử dụng từ khi nào?

Khi mang những thứ giẻ rách này đi cứu trợ, một số người đã vô tình hay cố ý xem thường, thậm chí sỉ nhục người nhận. Họ đang cần, họ đang thiếu thật đấy nhưng họ đâu đến nỗi phải “được nhận” những thứ bỏ đi như vậy.

Sự việc trên đây không phải phổ biến, nhưng nó đã làm hoen ố hình ảnh cao đẹp của công việc từ thiện, nó đã đánh một cú knock-out vào tấm lòng của những người làm từ thiện chân chính.

Mái ấm hay làng nô lệ?

Người viết bài này trước đây đã từng quen những người làm việc tại nhà mở Nhị Xuân 3, thuộc Thành đoàn TPHCM đặt tại phường 13, quận Tân Bình. Cách đây cũng đã gần 10 năm, khi đó nhà mở này lúc nào cũng đông vui, rộn rã tiếng cười. Những bạn trẻ ngày ấy làm việc tại nhà mở này hàng đêm phải đi khắp các con phố, từ trung tâm thành phố đến vùng ngọai ô, để tìm kiếm những trẻ em đường phố, sống lây lất trên vỉa hè và đưa về nuôi nấng, chăm sóc và cho học chữ.

Các em từng được đưa về và sống ở đây đa số là những trẻ cơ nhỡ, từ mọi nơi lưu lạc về TPHCM, sống bằng đủ thứ nghề từ ăn xin, đánh giày, phụ quán ăn, ... Các em được người của trung tâm tìm về, lo cho ăn uống, lo cho chỗ ngủ. Ban ngày các em có thể đi làm những công việc của mình như đánh giày, tối đến các em về nhà mở nghỉ ngơi, được các cô chú dạy học. Nhìn những đứa trẻ đường phố rách rưới, bụi bặm, hàng ngày phải đối mặt với bao hiểm nguy rình rập, được chăm sóc tận tình, có nơi ăn chốn ở, có tình yêu thương, có người dạy dỗ, người viết trộm nghĩ, đây chính là thiên đường của các em.

Hình ảnh nhà mở là hình ảnh của tấm lòng ấm áp, là nơi chia sẻ những khó khăn của bao trẻ em bất hạnh. Đây chính là nơi lòng nhân đạo lên ngôi.

Trở lại sự việc xảy ra tại nhà mở ở Đồng Nai. Theo thông tin từ các cơ quan truyền thông, sự trốn chạy của các em không khác nào sự trốn chạy của những người nô lệ. Các em kể rằng, hàng ngày phải làm bao nhiêu việc nặng nhọc, lại bị đánh đập tàn nhẫn, trong đó rất nhiều hành động rất đáng bị lên án như lấy cây đánh vào mặt, vào đầu, vùi đầu vào lu nước... Nhà mở không còn là tổ ấm, là tình thương của người lớn, của xã hội dành cho những mảnh đời cơ nhỡ, bị bỏ rơi, mà nơi đây không khác nào một làng nô lệ. Người ta nhân danh lòng nhân đạo lại ngang nhiên chà đạp lên chính cái đang được xem là nhân đạo.

Trẻ em là tương lai của đất nước. Trẻ em cần được trân trọng, nuôi nấng, cần được yêu thương, nhất là đối với các em mồ côi, không nơi nương tựa. Các em đã thiếu hẳn cái cơ bản nhất trong quãng đời thơ ấu của mình là tình thương lại bị chính cái gọi là “tình thương” ấy nhẫn tâm chà đạp lên thân thể và tâm hồn vốn rất dễ bị tổn thương.

Hình ảnh những em nhỏ đang bị những vết thương chi chít trên cơ thể cùng nỗi sợ hãi trốn chạy mà không biết chạy về đâu, chỉ biết rằng các em phải chạy, chạy thật xa cái nơi gọi là “mái ấm” ấy đã làm nhiều người rơi nước mắt. Thật đáng thương làm sao! Thật là nhẫn tâm và vô trách nhiệm khi những người quản lý nhà mở Đồng Nai không dám nhìn vào sự thật, thậm chí còn bao che cho nhau.

Người ta nói “ra đường hỏi người già, về nhà hỏi con nít”, tâm hồn trẻ em luôn trong sáng, lời nói của các em nhỏ là lời nói thật, đáng tin cậy. Liệu những lời phân bua, chối bỏ trách nhiệm của những người liên quan có đáng để tin?

Lòng nhân đạo luôn luôn được đề cao trong xã hội hiện đại, lòng nhân ái luôn là mục tiêu mà mọi người hướng đến trong một xã hội nhân văn. Những việc làm phản nhân đạo hay lòng nhân đạo hình thức sẽ bị lên án, bị đào thải. Tuy nhiên những việc làm này ít nhiều đã làm cho lòng nhân ái bị tổn thương, một vết thương sẽ mãi còn âm ỉ trong tâm trí nhiều người.

Tự truyện một người vô tích sự


Nguyễn Xuân Hoàng


Trong đời sống, mất mát nhiều hơn là thu nhận. Cây lúa sẽ không trổ bông, nếu trước đó nó không chết đi. Hãy sinh động một cách không mệt mỏi, nhìn về tương lai và nuôi dưỡng bằng những nguồn dự trữ sống chất chứa từ trí nhớ và sự lãng quên. - BORIS PASTERNAK


Tôi là đứa con thứ mười hai trong một gia đình mười ba anh chị em. Mười ba người con trong một gia đình, con số ấy đâu có nhỏ, phải không? Nhưng biết làm sao! Có ai trên đời này được quyền chọn nơi chốn, gia đình hay dân tộc để chào đời đâu. Tóm lại, tôi là một người Việt Nam ra đời ở miền Trung, trong thời chiến, dưới một mái nhà “đông dân” và “kinh tế gia cảnh” đang hồi sa sút.

Phải nói là nhà tôi đông người quá, đông đến nỗi tôi không thể nào nhớ hết tất cả những anh chị em của tôi. Cha tôi, má tôi, đôi ba ông anh, đôi ba bà chị, một vài cô em… chỉ chừng đó người thôi cũng đủ nằm chật trong ký ức tôi rồi.

Vậy thì, có lẽ, tôi chỉ xin nói trước một đôi điều về đôi ba người trong gia đình tôi thôi. Tôi nghĩ rằng khi vẽ lại chân dung những người thân thích ruột thịt của mình, tôi cũng đã tự vẽ phần nào chân dung mình. Tuy có hơi nhợt nhạt, nhưng chắc là sẽ không xa sự thực lắm đâu!

Cha tôi, tất nhiên đó là người mà tôi muốn nhắc đến trước nhất trong bản tự truyện này. Ông cao lớn, quắc thước, vạm vỡ. Ngay giờ đây, khi hồi tưởng lại hình ảnh của ông, điều mà tôi có thể nhìn thấy lại trước nhất và rõ nhất là đôi mắt của ông. Đôi mắt ấy đầy thần lực, hơi lạnh và có một vẻ gì như tàn nhẫn. Khi nhìn ai, đôi mắt kia như phát ra một mệnh lệnh buộc họ phải phục tùng. Rất nhiều màu nâu đen, rất ít lòng trắng, đôi mắt ấy khá gần với loài hổ báo. Cũng có khi tôi tưởng đôi mắt ấy là con dao cau phạt ngang, có thể cắt đứt cổ tôi như chơi.

Tôi rất sợ cha tôi. Và tôi không biết rõ lòng mình là có bao giờ tôi yêu ông không.

Má tôi thường nói cha tôi là một con sâu rượu. Quả thật, ông uống như hũ chìm và không bao giờ tôi thấy ông say. “Tao mà say rượu à, rượu say tao thì có!” Cha tôi nhiều lần nói như vậy.

Mỗi ngày bốn bận, cha tôi uống rượu theo chu kỳ “sáng – trưa - chiều - tối”. Sáng uống theo lối sáng, chiều uống theo kiểu chiều. Sáng đánh răng súc miệng, uống ít thôi. Tối cần giấc ngủ, uống khá khá được. Trưa, chiều thì tùy hứng.

Má tôi nói rượu là độc được. Cha tôi nói rượu là thuốc an thần. Cha tôi tích trữ rượu. Má tôi giấu rượu. Cha tôi ít nói khi đã uống nhiều. Và má tôi không phải là loại đàn bà lắm lời.

Nói chung, gia đình tôi đông, nhưng buồn và lạnh. Chúng tôi cử động, ăn uống, đi lại, học hành, trò chuyện như những người khách trọ trong một căn nhà nấu cơm tháng.

Có một thời gian, tuy hơi bất ngờ, nhưng mà cũng ngắn thôi, tôi thấy cha tôi không uống rượu nữa. “Sáng – trưa - chiều - tối” ông chỉ uống trà. Cái thói quen mà ông không thay đổi, đó là bao giờ cũng thức dậy sớm hơn tất cả mọi người trong nhà. Ông nấu nước trong một chiếc ấm màu đen quánh, pha trà trong một bình đất nung màu đỏ gạch cua bóng lưỡng, và uống trong một cái chén nhỏ cũng bằng đất nung da màu lông thỏ đỏ. Cái chén ấy ông trang trọng gọi nó là Thố Hào Trản. Cha tôi rất quý cái chén này. Có lúc tôi nghĩ là ông quý nó còn hơn đứa con của ông là tôi nữa. Ông thường đem khoe với mấy người bạn của ông cái chén đất và nói rằng nó xưa lắm, “bảy trăm năm tuổi đấy!”. Nếu đời sống con người chỉ kéo dài có năm mươi năm thôi thì cái chén này đã áp vào môi của mười bốn đời người. Nó “chạm” đến bảy thế kỷ của nhân loại. Có lần tôi hỏi ông tại sao cha biết cái chén này xưa tới bảy trăm năm. Ông nói chính một ông bạn làm quản thủ công nhựt ở viện bảo tàng vườn Bách Thảo Sài Gòn nói như vậy.

“Cha à! Ông ta căn cứ vào đâu mà nói như vậy?”

“Tao không biết, nhưng tao tin ông ấy. Ông ta là một nhà chơi đồ cổ lừng danh. Lời ông ông ấy rất có giá trị.”

“Nhưng tại sao bảy trăm năm thì quý?”
“Cái gì trên cõi đời này mà lâu đời đều quý cả.”


Tôi biết cha tôi trả lời lấy lệ. Và tôi vẫn không tin là hễ cái gì lâu đời cũng đều quý cả.

Nhưng đột nhiên, cũng bất ngờ như lần chừa rượu, ông bỏ trà không một lời báo hiệu. Tôi nhìn thấy cái chén đất nung, da màu lông thỏ đỏ, nằm lăn lóc dưới gầm tủ; bình trà bỏ ở góc nhà; còn cái ấm đất màu đen quánh nằm ở chái hiên.

Ông uống rượu trở lại.

Thời gian sau đó rất tình cờ có lần tôi nghe ông nói “mấy cái thằng ăn không ngồi rồi, dư tiền dư của, bày đặt chén Tiểu Tống với Đại Tống, Thán Hào Trổ với Thố Hào Trản!” Theo ông, rượu tốt hơn trà, và cái quan trọng chính là “nội dung” chứ không phải là cái “hình thức”. Chén nào cũng được, rượu là đủ.

Tôi không giống cha tôi về mặt này.

Tôi uống rượu nhưng không mê rượu.

*

Má tôi là một phụ nữ có cái chiều cao “hơi cao” so với chiều cao trung bình của một phụ nữ Việt Nam. Da trắng, tóc đốm màu bạch kim, mũi cao nhỏ, mắt xanh hơi nghịch ngợm, cái vẻ bề ngoài của bà nổi bật giữa những người phụ nữ Việt Nam. Những buổi đi học về, tôi thường chui xuống bếp với má tôi và đôi khi cả bà chị kế tôi cũng xuống bếp theo. Thỉnh thoảng, bà kể cho chúng tôi nghe về những mảnh đời của cha tôi. Chấp vá lại những câu chuyện hở đầu hụt đuôi của bà, tôi hình dung ra cuộc đời của ông, bằng cách thêm mắm dặm muối cho nó liền lạc.

Là thủy thủ của những thương thuyền, cha tôi trôi nổi từ hải cảng này sang thương cảng khác. Nay Hồng Kông mai Tân Gia Ba, mốt Marseille, bữa kia Amsterdam… ông như một con cá mập giang hồ vẫy vùng giữa trời và nước. Những hình xâm xanh lè còn đầy trên chiếc ngực vạm vỡ và lông lá của ông, cùng với dòng chữ lăn quăn trên hai cánh tay ông, làm chứng cho những lời nói của má tôi. Trước khi lấy bà, cha tôi đã có một đời vợ. Mẹ trước tôi là một phụ nữ Pháp, tên Suzanne, sinh trưởng ở Marseille, thành phố mà đã có thời cha tôi tưởng chừng sẽ chôn chân vĩnh viễn lại đó như quê hương thứ hai. Nhưng cũng theo lời má tôi kể, ông phải bỏ đi vì một chuyện “lỡ tay” của ông. Một hôm ông bước vào quán rượu quen, gọi thức uống như thường lệ, nhưng chờ mãi vẫn không thấy người bồi mang lại, trong khi đó thì tên chủ quán người Pháp cứ đi ra đi vào ngó ông khinh khỉnh. Ông sốt ruột, nắm cổ áo hắn hỏi tại sao. Hắn nói ở đây không có chỗ cho một dân “Mít”. Ông giận điên lên, quật tên chủ quán xuống sàn nhà và tấn công hắn bằng một thế võ cực kỳ hiểm độc. Tên chủ quán chết không kịp lời trối trăn. Để trốn tránh pháp luật, ông dắt bà Suzanne chạy lên Paris. Paris đâu phải đất sống của ông. Ông quẩy đuôi trở lại sông hồ, bỏ lại thành phố ánh sáng lộng lẫy kia người đàn bà với một giọt máu của ông. Sau này, vẫn theo lời kể của má tôi, có lần bà Suzanne gửi thư cho cha tôi nói về giọt máu rơi của ông nay đã là một thiếu nữ tên Marthe. Má tôi muốn tự tay biên thư cho bà Suzanne, nhưng cha tôi không bằng lòng. Ông nói đó là chuyện của ông, má tôi không được xen vào. Chị Marthe của tôi có thời nổi tiếng là một trong số những người mẫu lừng danh của Paris. Người ta gọi chị là Marthe Nuyen (lẽ ra phải viết là Marthe Nguyễn mới đúng, nhưng chuyện này đâu có ăn nhằm gì). Tôi biết chi tiết này vì lúc hơi lớn một chút có lần tình cờ tôi nhìn thấy trong cuốn nhật ký của bà chị kế tôi có một tấm ảnh in hình một cô gái Pháp ăn mặc thật đẹp như một tài tử điện ảnh. Sau lưng tấm ảnh là lời đề tặng cho cha tôi có chữ ký rất rõ là Marthe Nuyen. Nhật ký của chị nói rằng Marthe làm nghề người mẫu. Và cha tôi biên thư phản đối bà Suzanne tại sao để con tự do làm nghề này. Nghề người mẫu thì đâu có gì là xấu, nhưng tôi không hiểu tại sao cha tôi nói vậy. Cho đến bây giờ, thật tình mà nói, tôi không biết gì nhiều hơn về người chị có cùng chung với tôi một người cha này. Bỏ Paris, cha tôi đi Hương Cảng, lại theo một số tàu buôn khác, lại giang hồ kỳ hiệp, nay thương cảng này, mai hải cảng kia. Đó là thời gian cha tôi gặp má tôi.

*

Bà là người Trung Hoa, nhưng có dòng máu của dân Hồng Mao. Bà thường nhắc đến ông ngoại tôi một cách kính cẩn như nhắc đến một vị thần đầy quyền lực: “Ông ngoại con không phải là người phàm. Ổng là con nhà quý tộc chớ không phải dân giang hồ tứ chiếng như cha mày đâu.”

“Má, con nhà quý tộc thì sao?” Tôi hỏi.

“Dân quý tộc không lấy con nhà thường dân.”
“Vậy sao má chịu lấy cha?”

“Không biết! Đừng nhiều chuyện! Nhưng má thích tụi con ăn học đàng hoàng, hơn là lang bạt kỳ hồ.”

Bà không muốn chúng tôi giống cái thời tuổi trẻ của cha. Ước muốn của bà, sau này, tôi thấy hình như không đạt được bao nhiêu phần trăm.

Ông ngoại tôi người Bắc Kinh, con một gia đình quyền quý có chức phận, được gởi sang Anh du học. Ông lấy một phụ nữ người Anh và sinh ra má tôi. Không hiểu vì sao ông bỏ bà ngoại tôi ở lại Luân Đôn, về nước chỉ mang theo cô con gái là má tôi. Nhưng rồi, ông cũng không nuôi má tôi. Ông đem gửi bà cho một gia đình người Hoa khác ở Hương Cảng, cung cấp ít tiền bạc và thỉnh thoảng mới đến thăm bà. Cuộc tình duyên giữa má tôi và cha tôi ra sao, không ai trong đám con cái chúng tôi biết. Mà má tôi cũng không bao giờ hé môi nói rõ tại sao một thiếu nữ “con nhà quan xinh đẹp thế kia” (tôi vẫn luôn luôn nghĩ má tôi là người đàn bà đẹp nhất mà tôi đã gặp trong đời) lại đi phải lòng một người đàn ông giang hồ như cha tôi. Dù sao khi tôi bắt đầu nhận ra mình là đứa con của một gia đình đông đảo, tôi có thể nói má tôi là ngưòi đàn bà tần tảo lo cho chồng cho con trong cái xã hội bình thường của chúng ta. Quần quật suốt ngày với con cái nhà cửa, chạy ăn từng bữa, tất tả, ngược xuôi, đắp cái này, vá cái kia, nhưng không bao giờ thấy bà hé răng kêu một lời than thở. Về ngôn ngữ, tôi không biết nói sao cho đúng. Má tôi nói tiếng Hoa cũng sõi như tiếng Việt. Phần tôi, tôi chỉ ăn cắp được của má tôi và cha tôi một chút chiều cao của thân thể, nhưng tiếc thay, tôi không lấy được một tí nào về sự chịu đựng lớn lao của bà và cái cang cường dũng cảm của cha.

Tuy vậy hình như tôi là một đứa con được má nuông chiều quá đáng trong một gia đình đông đúc. Cha tôi lạnh lùng. Anh chị em tôi dửng dưng. Nhiều khi tôi có cảm tưởng như chẳng có sợi dây gia tộc nào ràng buộc được chúng tôi lại với nhau.

Nói nào ngay, mấy ông anh bà chị tôi không ai ghét bỏ tôi, nhưng hình như cũng không ai yêu tôi. Riêng tôi, tôi nghĩ là mình thù ghét tất cả mọi người, trừ một người, tất nhiên, đó là má tôi. Tôi đâu có cần gì phải làm ra vẻ lạnh lùng. Tôi có thừa sự nhạt nhẽo để có thể chia xẻ cho tất cả mọi người. Cái phần ấm áp, tôi chỉ dành riêng cho mỗi một mình má tôi.

Thật ra, chị Thảo tôi, mà tôi có lần nói rất giống má tôi, là người mà tôi cũng yêu lắm, gần bằng tình yêu mà tôi đã dành cho má tôi. Nhưng giữa chị và tôi có một khoảng cách vô hình. Không bao giờ hai chị em tôi nói với nhau quá câu thứ hai mà không cãi nhau. Đúng với cái tên mà má tôi đã đặt cho chị, chị là một thứ cỏ hoang mọc trên một vùng đất khô cằn là cái gia đình tàn tạ của chúng tôi. Và cái sắc đẹp man dại của chị làm cho má tôi lo lắng buồn bã hơn là làm cho bà hãnh diện mừng vui. Chị Thảo là một kết hợp kỳ lạ giữa cha tôi và má tôi. Chị có cái nhan sắc của má tôi và cũng có cái lạnh lùng đôi khi tàn nhẫn của cha tôi.

Năm mười bảy tuổi, chị bị một tên thanh niên con nhà giàu trên tỉnh theo đuổi. Hắn mang tặng chị hết món này đến thứ khác, toàn là loại đắt tiền. Lúc đầu chị cười cợt, coi như trò đùa. Về sau chị vất tất cả những thứ ấy ra cửa. Hắn tên là T. và theo chủ quan tôi, lúc ấy hắn là một thanh niên khá đẹp trai. Cao lớn, để ria mép, ăn mặc chải chuốt, hắn đẹp theo kiểu một công tử. Hắn khôn khéo, tìm mọi cách để chiều lòng mọi người trong nhà tôi. Kín đáo mang rượu đến cho cha tôi mỗi tuần, tặng vải vóc cho má tôi, đồ chơi cho tôi và các em tôi. T. đi lòng vòng chung quanh trước khi chinh phục tâm điểm là chị Thảo tôi. Tôi có cảm tưởng như nếu bắt hắn phải quỳ xuống để xin chị Thảo chút tình yêu, chắc hắn cũng sẵn sàng không do dự. Nhưng chị Thảo nhất mực không hề cảm động hay thương hại hắn nói gì đến thương yêu. Tôi không biết là lúc đó chị có đang yêu người nào không. Hình như là không. Thật ra tôi cũng không chắc lắm. Nhưng rõ ràng là chị vất cái thứ tình yêu đầy quy lụy, say đắm và mù quáng của T. xuống cống rãnh. Nhiều buổi chiều, tôi thấy T. đứng bứt rứt bên kia đường, dưới gốc cây muồng hoa vàng nghệ, ngó chăm vào nhà tôi. Hắn đau khổ thấy rõ. Và thú thật, tôi có thương hại hắn. Tôi thấy chị Thảo tàn nhẫn. Cha tôi không giờ uống một giọt rượu của T. Còn má tôi vào những ngày năm cùng tháng tận, cần mua sắm ít vải may quần áo mới cho chúng tôi, vậy mà bà cũng nhất quyết gói gửi trả tất cả vải vóc lại cho T. Một lần cha tôi cho gọi T. vào nhà, rót rượu cho hắn uống. T. nói không biết uống rượu. Cha tôi bảo “Nam vô tửu như kỳ vô phong” đàn ông không uống rượu như cờ không gió. Hắn nhìn cha tôi như cầu khẩn. Cha tôi cụng ly. T. bưng lên nốc cạn một hơi. “Khá!” cha tôi nói, và rót tiếp một ly thứ hai. Cứ thế hết ly này đến ly khác. Khi cha tôi đứng dậy, T. ói thóc ói tháo, đầu gục xuống bàn, người mềm như sợi bún.

Khi người Pháp trở lại Việt Nam sau cuộc chiến, T. làm thông ngôn trong một tiểu đoàn Lê dương. Hắn lúc bấy giờ nổi tiếng như một hung thần. Nhiều người đã chết dưới tay hắn. T. háo sắc đến độ gần như vùng nào mà tiểu đoàn hắn đi qua đều có vài ba thiếu nữ là nạn nhân của hắn. Đi bên cạnh T. luôn luôn có hai tên lính người Ma Rốc rạch mặt. Nhiều cô gái sau khi bị hãm hiếp, còn bị tên Ma Rốc dùng dao cắt vú và đâm nát cửa mình.

Thời gian này gia đình tôi đã tan thành nhiều mảnh. Tôi theo cha tôi chạy lên Hòn Lớn, một địa danh ở miền Trung, nằm dưới chân một ngọn núi khô cằn, nhà cửa giống như những căn chòi cất vội vàng trên một nền đất chưa được phẳng. Tiếng súng còn khá xa chỗ ở của cha con tôi.

Lúc đó, tiểu đoàn của T. đang bố ráp càn quét ở một vùng quê khác, nơi má tôi và chị Thảo đang ẩn náu. Sau này má tôi kể lại: Một buổi tối T. xông vào nhà với hai tên lính Ma Rốc rạch mặt. Hắn ung dung ngồi hút thuốc để hai tên Ma Rốc đè chị Thảo ra cột lên giường và trói má tôi chặt vào cột nhà. Ở thôn quê hồi đó, phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn chỉ là một. Má tôi hãi sợ lắm. Hắn hỏi chị Thảo:

“Em có bằng lòng lấy tôi không?”
“Không!” Chị trả lời.
“Tại sao?”
“Không tại sao gì cả.”
“Chừng nào mới chịu lấy tôi?”
“Không chừng nào hết!”
“Sợ tôi không?”
“Tại sao phải sợ?” Chị Thảo hỏi lại ương ngạnh.

T. rút khẩu súng ngắn đeo ở thắt lưng ra, kê vào đầu chị, nhắc lại một lần nữa. Chị Thảo không nhìn hắn. Má tôi la lên, sợ T. bắn thật. Hắn tát vào mặt má tôi. Xong hắn xé quần áo chị Thảo ra, hãm hiếp chị ngay trước mắt chừng ấy con người. Lúc đó, má tôi nói, hắn như một con thú say mồi. Má tôi phát bệnh nặng sau khi chứng kiến cái cảnh tượng hãi hùng giáng xuống đời chị Thảo. Chị Thảo, sau tai nạn khủng khiếp kia, âm thầm bỏ má tôi đi biệt vô âm tín. Mặc dù chỉ nghe lời kể của má tôi về những hành động dã man của tên T., tôi không bao giờ quên hắn. Tôi sẽ nhắc hắn ở đoạn sau.

Phần tôi, kể từ khi bắt đầu va chạm cuộc sống, tôi khám phá ra rằng con người ta không thể nào sống mà thiếu người khác được. Tôi thấy tôi là kẻ đói tình thương trong một gia đình thừa mứa những liên hệ ruột thịt. Nói giản dị, khi tôi nhận thấy mình cần một bà chị như kiểu chị Thảo để yêu mến thì chị ấy không còn trong gia đình nữa. Có lẽ là chị ấy vẫn còn sống đâu đó mà không muốn trở về gia đình chăng, tôi không rõ.

Tôi giữ lại trong trái tim mình hai người anh. Một ông anh cả và một người anh kế.

*

Anh cả tôi bỏ nhà đi giang hồ khi mới mười bốn tuổi. Năm đó tôi chưa chào đời. Má tôi nói anh đi Sài Gòn. Sau đó là Cà Mau, Rạch Giá, Năm Căn, Cần Thơ, Châu Đốc… Có lần trong bữa cơm má tôi nói anh mày ở Vạn tượng bên Lào mới gửi thư và tiền về cho má. Lần khác trả lời câu hỏi của chị Thảo, má nói anh cả đang ở Savanakhet. Khi cha tôi bỏ trà, liệng lăn lóc cái Thố Hào Trản, là lúc ông nói anh đang ở đồn điền Chup bên Nam Vang, Căm bốt. Nói chung là tôi rất lơ mơ về nơi ăn chốn ở của anh ấy. Còn mặt mũi của anh ra sao thì mãi lâu về sau tôi mới có dịp nhìn thấy.

Người anh kế tôi, tuy cao lớn, nhưng dáng người thanh nhã. Ấy vậy mà khi vừa đậu xong cái bằng tú tài toán anh đã chọn đời lính như một nghề nghiệp. Anh thi vào trường Võ Bị Đà Lạt nhưng khi ra trường chuyển sang binh chủng Không Quân. Khi Sài Gòn thất thủ, anh đang mang lon trung tá, bị bắt đi học tập cải tạo và chết trong lao tù Cộng Sản. Anh là người lính ưa văn chương chữ nghĩa. Anh có nhiều bạn là nhà văn nhà thơ, mặc dù anh không hề viết một truyện ngắn hay làm một bài thơ nào. Sở dĩ tôi có biết mặt quen tên một ông nhà văn, một bà nhà thơ nào đó, chẳng qua cũng là do ông anh tôi dắt về nhà thôi. Anh che chở cho một nhạc sĩ trốn lính, bỏ tiền trợ cấp cho một bà ca sĩ có bầu “với ai đó”. Anh luôn luôn hào hoa rộng lượng. Tôi thích nhìn anh trong bộ đồ bay, chữ Tổ Quốc Không Gian trên ngực áo, chiếc nón lưỡi trai che ngang cặp kính Ray Ban rất là thời thượng. Anh có nhiều bạn gái, phần lớn là ca sĩ phòng trà, và anh không yêu một cô nào quá lâu. Anh nói với tôi anh không có tình yêu. Mãi đến năm Bảy Hai, sau mùa hè đỏ lửa, trước ngày má tôi qua đời, anh báo tin cho tôi biết là anh quyết định lấy vợ. Chị là một cô giáo dạy Vạn Vật và là người rất xa lạ với thế giới đầy buông thả của anh. Nếu cái vẻ hào hoa phong nhã của anh là thứ vũ khí sắc bén chinh phục các cô ca sĩ thì khi gặp chị, vũ khí ấy trở thành thừa thãi, vô hiệu. Chị nói chị lấy anh vì tánh thật thà của anh, chứ không phải vì “cái mã bề ngoài” của anh. Hôn nhân đã ép anh vào một khuôn khổ, không kẽ hở. Nhà cửa, vợ con, gia đình, hàng xóm đâu ra đấy. Anh không còn luông tuồng như xưa nữa. “Tình yêu có thật!” Anh vẫn nói với tôi như vậy khi đã có với chị một đứa con. Tuy vậy mỗi khi có dịp về Sài Gòn, anh như một con cá gặp nước. Bạn bè, ăn nhậu, nhẩy nhót như điên. Vũ nữ, ca sĩ, phòng trà, âm nhạc, rượu chè… anh sống vội vã như thể ngày mai trái đất này sẽ trở thành tro bụi. Tuy vậy có lần anh nghiêm chỉnh nói với tôi rằng không biết cuộc chiến tranh này rồi sẽ đi về đâu. Có nhiều điều anh không hiểu. Tình hình chính trị ngày càng xấu. Các thành phố lớn có vẻ như co rúm lại. Chiến tranh đâu chỉ có ở một mặt trận, nó nằm cùng khắp đất nước thành thị, thôn quê, ruộng vườn rừng núi. Ngay trong hơi thở ta, trên da thịt ta, trong thành phố hiền lành chiến tranh cũng đầy chật. Anh nói đến những ánh đèn nhấp nháy của nhà cửa làng mạc, nói đến rừng núi sông ngòi… những nơi anh đã bay qua. Anh nói đến những đám mây như những tảng bông trắng xốp, đến bầu trời xanh lơ mênh mông. Anh thích nhà văn phi công người Pháp, ông Saint Exupéry trong tác phẩm Terre Des Hommes. Và câu nói của một nhân vật trong cuốn sách này ám ảnh anh là: “Cái mà mình đã làm, mình nói thật, không một con vật nào làm được.” Anh muốn có cái cơ hội thử thách điều đó.

Khi hay tin anh chết trong lao tù cải tạo, nhớ đến lời nói của anh, tôi tự nghĩ không biết anh đã chiêm nghiệm ra điều ấy hay chưa.

Nghĩ cũng hay, một gia đình đông đảo đến là như thế mà chiến tranh đến, chiến tranh đi, vô tình cướp mất của tôi lúc này một ít ông anh, lúc kia một ít bà chị, để rồi rút cục con rắn dài mười ba khúc chỉ còn lại có khúc đầu, khúc giữa và khúc đuôi.

Tôi muốn giới thiệu về ông anh cả tôi trước khi nói tiếp về ông anh trung tá.

*

Cũng giống như cha tôi, anh cả tôi cao lớn vạm vỡ khác thường. Anh có một khuôn mặt bạnh, chân mày rậm xếch, mũi to, miệng rộng, cằm vuông, râu quai nón, đen sạm. Một vết sẹo dài chạy từ khóe mắt đến mang tai. Mắt anh không lớn nhưng lì lợm và dữ dằn như mắt cha tôi. Tóc anh xoắn chảy xuống gần phía ót một chùm mịn quăn tít. Cổ anh tròn cứng, vai ngang, hai bàn tay to lớn phốp pháp. Trên khuôn mặt anh, người ta có thể nhìn thấy một sự kết hợp kỳ lạ, mâu thuẫn đến tuyệt vời giữa sự cứng rắn và mềm mại, dễ ghét và dễ thương, hận thù và thân ái… Tất cả những hình nét mà tôi có thể vẽ được về anh chỉ là nhờ vào những tấm ảnh anh gửi về cho má tôi. Tôi còn nhớ Tết Nguyên Đán một năm nào đó, lần đầu tiên tôi giáp mặt anh. Tôi thấy những đường nét mà tôi đã hình dung về anh là không xa lắm. Hồi đó tôi mới bốn tuổi, má tôi bắt tôi ra mừng anh ở xa mới về. Tôi đứng nép bên má nhìn anh, thấy anh tưởng như một người đã quen nhau từ lâu lắm. Nhưng tôi không chào anh. Anh là người quen trong trí tưởng tôi, hơn là người anh có mặt trong đời sống thực tôi. Anh ở nhà không lâu và lại ra đi hồi nào tôi cũng không nhớ. Tôi chỉ biết thời gian đó gia đình tôi tạm coi như sum họp nhất, mặc dù lạnh lẽo vẫn là khí hậu chính của mọi người. In hình như là trong nhà ai cũng linh cảm sắp có một điều chi đó xảy ra, như chờ đợi một cơn bão vậy. Và tôi thấy người anh cả tôi lúc ấy rất quan tâm đến chị Thảo. Anh nói chuyện khá lâu với chị và loáng thoáng tôi nghe nhắc đến tên T., người thanh niên vẫn theo đuổi chị. Một buổi tối, cả nhà ngồi quanh bàn ăn, cha tôi gợi chuyện để anh cả tôi kể những biến cố đời anh. Anh cười, hàm râu quai nón giãn ra như một ông tây con. Anh nói ít, cũng như má tôi vậy, về nơi ăn chốn ở của anh: rừng cao su, những người phu được mộ từ miền Bắc, những tên chủ đồn điền người Pháp hách dịch phách lối, cách tra tấn dã man những người trốn việc mà bọn cai vẫn thường đối xử với đám phu phen… Anh kể chậm rãi về nhiều người, nhiều việc, nhưng không ai biết chút gì thêm về đời tư của anh. Khi anh đứng dậy thì thầm với chị Thảo điều gì đó, cha tôi tuyên bố một câu khó hiểu: “Thằng này giống tao!” Về sau tôi biết là anh đã “làm thịt” một tên cai phu tàn ác vì hắn hành hạ dã man một người phu đồn điền.

Một năm sau, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ trên toàn quốc, anh tôi bị con lốc thời cuộc cuốn theo, thổi bay từ núi rừng này sang núi rừng khác, mặt trận, chiến khu, và biệt tích biệt tăm, cho đến sau tai nạn buồn thảm của chị Thảo tôi.

Tôi quên nói là sau khi trái lựu đạn nội hóa đầu tiên nổ tung trong một ngày mùa Thu ngay trước cửa nhà tôi thì gia đình tôi giống như một tổ ong bị vỡ. Chúng tôi, những con ong bay tán loạn, tơi tả, lạc loài, vô định. Má tôi và chị Thảo một đàng, các ông anh bà chị khác một ngõ. Chỉ có riêng mình tôi, theo cha chạy qua những làng xa tận cùng một chân núi. Tôi biết những cánh đồng xanh lá mạ, những vườn xoài vườn mận, những hệ thống dẫn thủy nhập điền thô lậu, những con sông dài phơi mình ngái ngủ giữa trưa hay trôi lặng lẽ dưới bóng trăng đêm… Tôi được thấy những đàn bò gậm cỏ buồn nản, những con trâu lười biếng trầm mình dưới đầm nước tù ngầu đục… Nhưng cuộc chiến ngày một đuổi nà những người thành phố. Tiếng súng lúc đầu còn xa, càng về sau càng gần hơn. Trước mặt chúng tôi là ruộng vườn, thôn xóm. Sau lưng chúng tôi là núi đá, rừng cây. Cùng đường rồi, chạy đi đâu nữa. Cha tôi nói như vậy. Và ông vừa làm tiều phu, vừa làm nhà nông. Cha tôi nói đất đai chỉ nuôi sống che chở những ai yêu nó, sống với nó, làm việc với nó. Cha tôi là một người tháo vát. Ông nói tận trong máu huyết của mỗi người Việt Nam đều có chứa đựng dòng máu của một nông dân. Đây là thời gian cha tôi trở lại với ấm trà và chén đất. Không còn cái Thố Hào Trản của thời Đại Tống Tiểu Tống gì đó, mà một ông bạn già của cha tôi từng nói. Chén đất nung thứ thiệt màu đỏ gạch cua, cha tôi làm lấy. Ông vẫn là người dậy sớm, nấu ấm trà. Và tôi trở thành người bạn hiền bé nhỏ đối ẩm cùng ông. Cuộc sống của hai cha con tôi nơi sơn cùng thủy tận hạnh phúc một cách bắt buộc. Cha tôi nhắc má tôi và chị Thảo ít hơn là nhắc đến hai ông anh tôi. Cho đến một hôm, một người liên lạc đến báo cho cha tôi biết anh cả tôi ở chiến khu về muốn gặp ông. Tôi mừng lắm. Nhưng cha tôi trầm ngâm không nói chi. Tôi còn nhớ cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra dưới chái hiên của căn chòi lợp lá phên. Buổi chiều ở núi lạnh tê. Anh tôi đứng trước sân căn chòi. Vẫn cao lớn, hơi gầy, râu cạo nhẵn, tóc vẫn xoăn tít bám sát da đầu. Vết sẹo dài từ khóe mắt trái đến mang tai. Cha tôi và tôi đứng dưới dàn bầu nậm. Tôi hết nhìn anh lại nhìn cha. Anh gầy càng giống cha nhiều hơn. Hai người đàn ông đứng im sững như hai người thợ săn đang rình mồi, nhìn ngó nhau trân trân. Tôi thấy những đốm sáng cuối cùng của ngày lóng lánh trong đôi mắt anh. Sau cùng, tôi nghe thấy tiếng cha tôi kêu tên anh trai tôi. Tối hôm đó, ba chúng tôi ăn cơm chung bên bếp lửa. Cơm trộn bắp chan nước mắm bằng nước muối pha đường thẻ. Bữa cơm rất ngon miệng, mặc dù tôi đã quá ngấy với những hột bắp nhiều hơn gạo trong chén cơm. Anh ôm tôi vào lòng, lấy khẩu súng ngắn ở thắt lưng ra, tháo đạn, cho tôi mượn. Anh đọc cho tôi nghe một bài thơ của một tác giả mà sau này tôi biết là Quang Dũng:


Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng



Đó là những câu thơ mà tôi sẽ còn nhớ mãi. Một lúc, anh ngập ngừng nói với cha:

“Con đã gặp thằng T.!”

“Thằng T.?” Cha tôi hỏi gặng. “Mà ở đâu?”

“Ở Tân Hưng. Gần Gò Quít, cha nhớ không?”

“Nhớ. Rồi sao?”

“Con hỏi nó có biết con là ai không? Nó nói biết. Con hỏi nó sợ không? Nó nói không…”


Anh ngừng lại, trầm ngâm.

“Cha biết con đã làm điều gì phải làm cho em Thảo.”

Cha tôi im lặng rót trà vào chén đất, uống một hơi cạn.

Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy, anh đã ra đi từ hồi nào. Cả cha tôi nữa, ông cũng đã vào rừng đốn cây làm thêm phên cửa, sửa vách và dành củi cho mùa đông.

Người anh sinh trước tôi vài năm, cũng như tôi, lớn lên cuộc chiến tranh Việt Nam đi vào một khúc quanh khác. Người Pháp đã ra đi sau khi thất thủ Điện Biên Phủ. Người Mỹ vừa đến, Quốc trưởng Bảo Đại bị truất phế, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa thành lập. Gia đình mười ba anh em chúng tôi chỉ còn cô út ở nhà với má tôi. Anh cả tôi cũng như chị Thảo đều biệt tăm. Ông anh kế của tôi theo học trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Còn tôi, sau đó vào Quang Trung rồi đi Thủ Đức. Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Các tướng lãnh thay nhau cầm quyền. Cha tôi qua đời đúng vào dịp Tết Mậu Thân. Bốn năm sau má tôi cũng “đi theo”, khi một tay nhà báo Pháp viết về “đại lộ kinh hoàng” ở Quảng Trị, nơi người bạn Thủy Quân Lục Chiến của tôi làm bài thơ Cổ Thành tặng tôi trước khi hy sinh. Cô em gái út nhà tôi lấy chồng. Ngôi nhà tôi ở đã bán. Tôi là người lính sống ở văn phòng nhiều hơn chiến trường. Tôi luôn luôn là kẻ được nuông chiều trong một xã hội không phải ai cũng may mắn được như thế. Ông anh Không Quân của tôi tuy vẫn hào hoa bay bướm, nhưng là một người cha gương mẫu, một người chồng tốt. Anh được bạn bè đồng đội quý mến và quả tình anh cũng rất yêu mến con đường anh đi. Một lần chúng tôi gặp nhau ở Sài Gòn, anh nhắc tên người anh lớn và chị Thảo của chúng tôi. Không biết bây giờ anh chị ấy ở đâu, ra sao. Sống chết thế nào. Anh nói chiến tranh ghê tởm và anh hỏi tôi nghĩ sao. Tôi nghĩ sao? Tôi là một người vô tích sự. Nhưng bây giờ hiểu ra, tôi yêu tất cả mọi người. Tôi không thù ghét ai. Người anh Không Quân của tôi cũng nói vậy. Anh chờ đợi và mong muốn hòa bình. Anh nói anh không phải là một nhà chính trị, nhưng anh tin rằng anh chiến đấu cho tự do của dân tộc. Anh nói anh không hề mù quáng nghĩ rằng anh đang sống trong một xã hội tốt đẹp, nhưng anh tin rằng anh đang chiến đấu trong một xã hội để làm cho nó tốt hơn cái hiện có.

*

Tháng Tư Bảy Lăm, Sài Gòn thất thủ, trong “những người chiến thắng” trở về có ông anh cả tôi, nay là một cán bộ chức sắc, một thứ công thần. Anh có tìm gặp tôi trước ngày tôi bị gọi đi học tập cải tạo. Tôi thấy anh khác xưa nhiều. Vết sẹo trên mặt có vẻ như nhạt đi, những bắp thịt gân guốc đã mất. Anh gầy và trầm ngâm. Anh không gặp người anh Không Quân của tôi. Tôi không nghe anh giải thích tại sao. Cô em út của chúng tôi đã theo chồng rời bỏ Sài Gòn trong một ngày áp chót của cuộc chiến. Tôi không hiểu tại sao có phương tiện trong tay mà người anh Không Quân của tôi không ra đi. Cũng như những sĩ quan thua trận cấp úy khác, tôi thu xếp ít quần áo và lương thực cho mười ngày học tập. Nói là mười ngày, nhưng ba năm sau tôi mới được trở về, khi ông anh Không Quân của tôi vẫn còn ở lại trong một trại cải tạo ngoài Bắc. Ra tù tôi sống lang thang làm đủ thứ nghề, đi khắp mọi nơi, nhưng tôi vẫn không gặp và không nghe chút tin tức gì về chị Thảo tôi. Làm như chị là một người không có thực trong gia đình tôi.

Ông anh cả tôi sau đó có đến thăm tôi trên một lần nữa, sau khi tôi vượt biên bị bắt ở Rạch Giá vừa được thả về. Ông nói đừng làm chuyện bá láp, vượt biên là phản quốc. Đó là thời gian chế độ mới đánh tư sản, đổi tiền. Ông nói học tập cải tạo là rất tốt cho những đầu óc vô tích sự như tôi. Phải như thế thì tôi mới “sáng mắt sáng lòng” ra được. Mãi đến năm thứ mười sau ngày Sài Gòn thất thủ tôi mới vượt biên thông suốt. Tôi đến được Pulau Bidong, trong một chuyến đi không đến nỗi bi thảm như những người khác. Tôi luôn luôn là một người may mắn. Một năm sau nhờ sự bảo lãnh của cô em út, tôi được Mỹ nhận cho định cư.

Khi còn ở đảo tôi hay tin người anh lính Không Quân đã chết trong trại giam. Ông anh cả tôi cũng không còn nữa. Một lá thư từ bên nhà gửi qua cho biết ông ấy chết hơi khác thường: tự tử bằng một viên đạn bắn qua đầu. Qua thư từ tôi biết thêm sau khi ông đi thăm người anh lính Không Quân bị bệnh nặng nằm chờ chết trở về, ông đã chọn cái chết của chính mình như một cách nói lời tuyệt vọng. Mười năm sau khi lấn chiếm miền Nam, đất nước ngày càng tan nát, đời sống người dân ngày càng xuống thấp, trong khi máu mủ ruột thịt bỏ đi xa hay vẫn còn nằm trong lao tù của chế độ mà mình phục vụ, có lẽ đã là động cơ thúc đẩy họng súng quay về phía ông. Đôi khi tôi nghĩ cái lẽ sống mới quan trọng hơn sự sống. Có phải vì thế mà ông anh cả tôi hành động kiểu đó chăng? Đó là tôi suy nghĩ vậy, chớ tôi không chắc lắm đâu.

Hôm qua tôi vừa được thư bà chị dâu từ Cabramatta Úc Đại Lợi gửi sang cho hay chị đã lập gia đình. Người chồng chị hiện nay cũng là một người Việt Nam. Hai vợ chồng mở một tiệm ăn. Cả hai mời tôi có dịp sang chơi, sẽ đài thọ vé máy bay và nơi ăn chốn ở.

Tôi không biên thư trả lời. Tôi gọi điện thoại viễn liên chúc mừng chị. Tôi nói muốn đón các cháu sang Mỹ chơi. Chị hứa.

Đời sống ở Mỹ thật tiện nghi. Tôi đủ ăn đủ mặc và tôi giàu tự do. Tuy nhiên vào những buổi sáng cuối tuần, đi bách bộ trong khu công viên Mile Square Park ở Quận Cam, tôi như thấy mình đang trở lại thời sống với cha ở một vùng núi miền Trung, và văng vẳng bên tai vẫn như còn nghe lời cha nói: “Thằng này đúng là đồ vô tích sự!”

Buổi sáng sớm rừng còn đầy sương mù, gió thổi luồn qua những vòm cây lạnh. Trên những ngọn cây cao, tôi nghe tiếng chim kêu từng hồi. Giẫm trên những ngọn cỏ ướt sương, bập bập điếu thuốc lá chưa kịp khô, tôi thấy mình già hẳn. Như giờ đây, gần bốn mươi năm sau tôi thấy tôi mới già bằng thuở đó./.

Cách kiểm duyệt báo chí của Đức


Bạn tin rằng nước Đức có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và điều đó được ghi trong luật pháp và hiến pháp?
Đúng như vậy đó!
Nhưng, giới truyền thông Đức thực thi quyền của họ tới đâu?

MỘT SỐ NGƯỜI THÍCH THƠ*



WISLAWA SZYMBORSKA

MỘT SỐ NGƯỜI THÍCH THƠ*



Một số người –
nghĩa là không phải tất cả.
Cũng chẳng phải nhiều người trong số đó mà chỉ một ít.
Không tính trường học, nếu phải kể thêm vào,
và bản thân các nhà thơ,
rốt cuộc có lẽ còn chừng hai phần nghìn.

Thích –
nhưng người ta cũng thích món miến gà,
thích những lời khen tặng hoặc màu xanh trời biển,
thích chiếc khăn quấn cổ cũ,
thích chứng minh quan điểm của mình,
và thích vuốt rờ con chó.

Thơ –
nhưng thơ là cái gì kia chứ?
Hơn một câu trả lời lạng quạng
đã sụp đổ từ ngày vấn đề ấy nổi lên.
Nhưng tôi tiếp tục tránh các giải đáp
và bám vào sự không biết
như một tay vịn cầu thang cứu mạng.



* Bài thơ này được dịch và in trên hai tạp chí New Yorker, (Oct. 21&28, 1996, bản dịch Loanna Trzeciak); và The New Republic, (Oct. 28, 1996, bản dịch Baránczak và Cavanagh).





NHỮNG ĐỨA CON THỜI ĐẠI



Chúng ta là con đẻ của thời đại mình,
một thời đại chính trị.

Suốt ngày, suốt đêm,
mọi sự việc - của các bạn, của chúng ta, của họ -
đều là việc chính trị.


Dù thích hay không,
trong chủng gen bạn có quá khứ chính trị,
lớp da bạn, hình hài chính trị,
cặp mắt bạn, độ xếch chính trị.


Bất cứ điều gì bạn nói sẽ vọng vang,
bất kể điều gì bạn không nói tự nó sẽ nói lên.
Đàng nào bạn cũng đã phát ngôn chính trị.


Dù bạn có lánh vào rừng,
bước chân bạn vẫn chọn lựa chính trị
trên cái nền chính trị.

Những bài thơ phi chính trị cũng là chính trị,
bên trên chúng ta lung linh một nguyệt cầu
chẳng còn thuần túy là trăng.
To be or not to be, đấy là vấn đề.
Và dù có gây ra trục trặc tiêu hóa,
mãi mãi nó vẫn là vấn đề chính trị.

Để sở hữu một ý nghĩa chính trị
ta không nhất thiết phải là con người.
Nguyên vật liệu thay vào cũng được,
hay chất đạm chăn nuôi và dầu thô,
hoặc cái bàn hội nghị
người ta mất nhiều tháng để tranh cãi
về hình dạng mặt bàn:
Ta có nên thương thảo chuyện sống còn
quanh cái bàn tròn hay cái bàn vuông?

Trong lúc đó, thiên hạ cứ chết,
thú vật ngủm,
nhà cửa bốc cháy,
và khắp ruộng đồng cỏ dại gai góc mọc
chẳng khác chi những thuở xa xưa
ít mang tính chính trị như bây giờ.



CHẲNG CÓ GÌ BIẾU KHÔNG


Chẳng có gì biếu không, mọi thứ đều mượn tạm.
Tôi đang ngập mặt trong nợ nần.
Tôi phải mang thân tôi ra trả nợ cho mình,
hy sinh đời tôi để chuộc lại đời tôi.

Cách thức hoàn trả như sau:
Trái tim có thể thu hồi lại,
Lá gan cũng vậy,
và từng ngón chân ngón tay.

Trễ rồi, không thể xé các điều kiện nợ,
những món nợ của mình tôi sẽ trả,
và tôi sẽ bị lột sạch,
nói chính xác hơn là sẽ bị trấn lột.

Tôi quanh quẩn địa cầu
giữa rừng con nợ chen chúc.
Có một đám oằn lưng gánh món nợ
phải trả cho cặp cánh.
Bọn khác, dù muốn dù không,
từng chiếc lá cũng không được quịt.

Từng cơ từng mô trong ta
đều thiếu nợ.
Không có cọng vòi hay râu phấn nào
là sở hữu của chúng ta.

Danh sách kiểm kê, chi tiết cực kỳ,
qui kết rằng rốt cục không chỉ trắng tay
mà chúng ta còn bị lấy mất bàn tay.

Tôi không thể nhớ
ở đâu, khi nào, và vì sao
tôi đã để cho ai đó
mở trương mục dưới tên mình.

Linh hồn là sự phản đối chống lại các thứ nợ này.
Và đó là món duy nhất
không nằm trong danh sách.




CHÂN PHƯƠNG dịch từ bản Anh ngữ của Baránzak và Cavanagh, POEMS, NEW & COLLECTED,1998.







Tiểu Sử : Wislawa Szymborska sinh năm 1923 ở Prowenta-Brin. Học ngữ văn Ba Lan và xã hội học tại Đại học Jagiellorian University ở kinh đô xưa Cracow. Sau tập thơ đầu tay xuất bản năm 1952 Chúng Tôi Sống Là Vì Thế, nữ thi sĩ lần lượt cho ra đời sáu thi phẩm quan trọng khác. Ngoài thơ ra, bà còn viết báo, điểm sách và dịch thơ Pháp. Được nhiều giải thưởng, giải Văn học Cracow (1954), giải thưởng Nhà nước Ba Lan (1955) và giải thưởng Nobel Văn Chương 1996. Những năm cuối đời bà về sống ở Cracow, cố đô xưa và cũng là cái nôi của văn học Ba-Lan. Bà mất tại đây ngày 1 tháng 2 năm 2012.



Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Nhấn F5


Thơ Trần Mai Hường




Nhấn F5
Em đã nhấn F5
Thoát?
Bắt đầu?

Đừng hoang mang tình người thất lạc nơi đâu
Đừng hoảng loạn trước dối lừa đố kỵ
“Người làm xiếc đi trên dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn…” *

Em đã nhấn F5
Khi biết mình không thể…

Thôi cứ giả câm
Thôi đành giả điếc
Đọc đời bằng lặng im

Nhấn F5
Điều tưởng giản đơn
Nhưng thực ra
Đâu dễ.

* Thơ Phùng Quán







Từ thơ khôn dại chữ người


Ngang trời rớt một tên anh
Nghe chênh vênh những phong thanh mơ hồ

Nhớ nào
chạm nhớ vu vơ
Đốt miền chay tịnh
bằng mùa xanh non

Em riêng mang những khuyết tròn
Tìm trong ảo ảnh màu son mới vừa...

Cuối chiều
đếm giọt nắng thưa
Thương mình ngơ ngẩn
đêm thừa mình đêm

Biển ơi sóng khát giấc mềm
Ta ơi buồn đã đẫm mèm mắt môi

Từ thơ khôn dại chữ người
Từ em bao khuyết tròn rơi
Không tròn…



Ngôi sao lạc và trái xanh không chín


Tưởng sẽ độc hành trên đường trần khúc khuỷu
bất ngờ anh rơi
như ngôi sao lạc phá tan những tĩnh lặng ngủ yên
từ đâu không còn ta nữa
nỗi nhớ hiện về vây kín bước chân đêm.

Nỗi nhớ trêu ngươi năm tháng êm đềm
những tháng năm nguyện hóa thân làm cánh sóng
mặc cát bỏng dưới chân
mặc trên đầu ngằn ngặt nắng
bờ mong manh ta ẩn dật lâu rồi.

Ngăn chặn kịp không ta ơi
bao dự cảm dịu dàng chảy về phục sinh từng thời khắc
ta cuống cuồng loay hoay sắp đặt
giấu biệt chênh chao bằng phép thuật tàng hình.

Biết giấu vào đâu con chữ đa tình
ta vốn sợ cuộc chiến tranh chữ nghĩa
sâu thẳm trong ta ngút ngàn bản thể
tiếng gào thét tỷ tỷ hành tinh xé rách thiên hà.

Dặn mình tất cả sẽ qua con chim khôn ngoan cũng có giây bay lạc
bầu trời kia lại vắt trong tiếng hát
nhấn thăm thẳm xoáy chìm trong se thắt môi run.

Trái xanh mỗi ngày lại xanh hơn - không ai biết trái dằn lòng không chín.

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Thiếu nữ gốc Việt được vinh danh “Người trẻ của năm” tại Mỹ


Danielle Nguyễn - cô gái gốc Việt 18 tuổi đã được nhận giải thưởng “Người trẻ của năm” do quận Chatsworth, Los Angeles (Mỹ) bình chọn.



Danielle Nguyễn trong buổi lễ vinh danh



Danielle Nguyễn đã được Trường Trung học Chatsworth High đề cử vào danh sách và đã được Hội đồng quận bình chọn. Với vai trò Phó Chủ tịch Hội Học sinh Trường Chatswworth, Danielle Nguyễn đã thực hiện tất cả những chương trình dành cho khóa tốt nghiệp 2013, kể cả tổ chức họp ban lãnh đạo hàng tuần, sắp đặt những buổi gây quỹ giúp học sinh lớp 12 trang trải các chi phí sinh hoạt trong năm, trợ giúp trong các chương trình thể thao.

Danielle Nguyễn còn giúp lập kế hoạch và tổ chức các sự kiện của nhà trường rất thành công. Danielle còn là một vận động viên quần vợt trong đội tuyển của trường. Ngoài ra, Danielle còn là Chủ tịch Hội đồng Thiếu niên tại Thư viện Chatsworth. Cô cũng làm việc bán thời gian tại một nhà hàng của gia đình và hoạt động tình nguyện cho Hội Chữ thập đỏ của Mỹ và Hội bệnh bạch cầu.

Ngoài Danielle Nguyễn, ông Robert Dager cũng được vinh danh là “Công dân của năm”. Tối 17/5 vừa qua, một buổi lễ vinh danh họ đã diễn ra, Thị trưởng Antonio Villaraigosa của Los Angeles, Nghị viên Mitch Englander, Giám sát viên quận Michael Antonovich, và Dân biểu Brad Shermanv đã trao bằng khen cho Danielle Nguyễn và ông Robert Dager.


DanViet