Trần Minh Quân, TPHCM
(TBKTSG Online) - Trong vòng hơn một tuần, liên tiếp hai sự việc xảy ra liên quan đến lòng nhân ái, và chưa bao giờ lòng nhân ái của con người lại bị tổn thương đến vậy. Dư luận về vụ hàng cứu trợ lũ lụt “giẻ rách” tại Nghệ An chưa nguôi thì lại xảy ra sự việc bốn em nhỏ trốn chạy khỏi nhà mở tại Đồng Nai. Mặc dù hai sự việc xảy ra ở hai thời điểm, hai địa phương khác nhau, nhưng có cùng một điểm chung, đó đều là một cú đánh trí mạng vào lòng nhân ái.
Công việc cứu trợ đồng bào vùng lũ và việc chăm sóc các em nhỏ mồ côi, cơ nhỡ, không nơi nương tựa là việc làm nhân đạo, nó thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách, là một nghĩa cử cao đẹp đáng biểu dương, đáng trân trọng.
Tống khứ bằng hết những thứ thừa thải?
Đồng bào vùng lũ đang trong cơn hoạn nạn, nhà cửa đổ nát, gia tài tiêu tan, đang sống cảnh màn trời chiếu đất, ... rất cần những tấm lòng sẻ chia. Liên tiếp những chuyến hàng cứu trợ từ mọi miền đất nước, từ bạn bè thế giới được chuyển về đúng lúc giúp bà con vượt qua được những khó khăn trước mắt, bên cạnh đó còn có những lời động viên, chia buồn sâu sắc những mất mát mà đồng bào miền Trung vừa phải gánh chịu. Tất cả sự đùm bọc sẻ chia của mọi người như ngọn lửa thắp sáng giữa đêm đông giá buốt, mang lại hơi ấm để nhen nhóm chút hy vọng của cuộc sống vốn quá nhiều khó khăn này.
Mỗi đợt lũ đi qua, cũng là lúc những tấm lòng nhân đạo từ khắp nơi hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt. Nghĩa cử cao đẹp ấy sẽ trọn vẹn nếu không có những sự cố đang tiếc xảy ra ở Nghệ An. Đành rằng những người dân đang rất thiếu thốn, cơ cực trăm bề, trong lúc này nhận được sự chia sẻ bất cứ thứ gì cũng đều đáng quý, từ gói mì, cân gạo, chiếc áo, chiếc quần, viên thuốc, ... Tuy nhiên, không thể chấp nhận một số người xem việc cứu trợ như cơ hội để tống khứ cho bằng hết những thứ thừa thải của mình.
Thời gian trước đây, dư luận cũng đã phát hiện và cực lực lên án một số mặt hàng cứu trợ cho nhân dân vùng lũ là những lô hàng hết hạn sử dụng. Vì lợi ích, vì hiệu quả kinh doanh, một số doanh nghiệp xem đây là “cơ hội” giải quyết hàng tồn kho. Nhưng xem ra, việc này dễ hiểu, dễ thông cảm hơn những gì vừa diễn ra ở Nghệ An, khi những thùng hàng dán mác “hàng cứu trợ” là là những thứ giẻ rách, thậm chí là những bộ “phụ tùng” nhăn nheo, không biết đã hết niên hạn sử dụng từ khi nào?
Khi mang những thứ giẻ rách này đi cứu trợ, một số người đã vô tình hay cố ý xem thường, thậm chí sỉ nhục người nhận. Họ đang cần, họ đang thiếu thật đấy nhưng họ đâu đến nỗi phải “được nhận” những thứ bỏ đi như vậy.
Sự việc trên đây không phải phổ biến, nhưng nó đã làm hoen ố hình ảnh cao đẹp của công việc từ thiện, nó đã đánh một cú knock-out vào tấm lòng của những người làm từ thiện chân chính.
Mái ấm hay làng nô lệ?
Người viết bài này trước đây đã từng quen những người làm việc tại nhà mở Nhị Xuân 3, thuộc Thành đoàn TPHCM đặt tại phường 13, quận Tân Bình. Cách đây cũng đã gần 10 năm, khi đó nhà mở này lúc nào cũng đông vui, rộn rã tiếng cười. Những bạn trẻ ngày ấy làm việc tại nhà mở này hàng đêm phải đi khắp các con phố, từ trung tâm thành phố đến vùng ngọai ô, để tìm kiếm những trẻ em đường phố, sống lây lất trên vỉa hè và đưa về nuôi nấng, chăm sóc và cho học chữ.
Các em từng được đưa về và sống ở đây đa số là những trẻ cơ nhỡ, từ mọi nơi lưu lạc về TPHCM, sống bằng đủ thứ nghề từ ăn xin, đánh giày, phụ quán ăn, ... Các em được người của trung tâm tìm về, lo cho ăn uống, lo cho chỗ ngủ. Ban ngày các em có thể đi làm những công việc của mình như đánh giày, tối đến các em về nhà mở nghỉ ngơi, được các cô chú dạy học. Nhìn những đứa trẻ đường phố rách rưới, bụi bặm, hàng ngày phải đối mặt với bao hiểm nguy rình rập, được chăm sóc tận tình, có nơi ăn chốn ở, có tình yêu thương, có người dạy dỗ, người viết trộm nghĩ, đây chính là thiên đường của các em.
Hình ảnh nhà mở là hình ảnh của tấm lòng ấm áp, là nơi chia sẻ những khó khăn của bao trẻ em bất hạnh. Đây chính là nơi lòng nhân đạo lên ngôi.
Trở lại sự việc xảy ra tại nhà mở ở Đồng Nai. Theo thông tin từ các cơ quan truyền thông, sự trốn chạy của các em không khác nào sự trốn chạy của những người nô lệ. Các em kể rằng, hàng ngày phải làm bao nhiêu việc nặng nhọc, lại bị đánh đập tàn nhẫn, trong đó rất nhiều hành động rất đáng bị lên án như lấy cây đánh vào mặt, vào đầu, vùi đầu vào lu nước... Nhà mở không còn là tổ ấm, là tình thương của người lớn, của xã hội dành cho những mảnh đời cơ nhỡ, bị bỏ rơi, mà nơi đây không khác nào một làng nô lệ. Người ta nhân danh lòng nhân đạo lại ngang nhiên chà đạp lên chính cái đang được xem là nhân đạo.
Trẻ em là tương lai của đất nước. Trẻ em cần được trân trọng, nuôi nấng, cần được yêu thương, nhất là đối với các em mồ côi, không nơi nương tựa. Các em đã thiếu hẳn cái cơ bản nhất trong quãng đời thơ ấu của mình là tình thương lại bị chính cái gọi là “tình thương” ấy nhẫn tâm chà đạp lên thân thể và tâm hồn vốn rất dễ bị tổn thương.
Hình ảnh những em nhỏ đang bị những vết thương chi chít trên cơ thể cùng nỗi sợ hãi trốn chạy mà không biết chạy về đâu, chỉ biết rằng các em phải chạy, chạy thật xa cái nơi gọi là “mái ấm” ấy đã làm nhiều người rơi nước mắt. Thật đáng thương làm sao! Thật là nhẫn tâm và vô trách nhiệm khi những người quản lý nhà mở Đồng Nai không dám nhìn vào sự thật, thậm chí còn bao che cho nhau.
Người ta nói “ra đường hỏi người già, về nhà hỏi con nít”, tâm hồn trẻ em luôn trong sáng, lời nói của các em nhỏ là lời nói thật, đáng tin cậy. Liệu những lời phân bua, chối bỏ trách nhiệm của những người liên quan có đáng để tin?
Lòng nhân đạo luôn luôn được đề cao trong xã hội hiện đại, lòng nhân ái luôn là mục tiêu mà mọi người hướng đến trong một xã hội nhân văn. Những việc làm phản nhân đạo hay lòng nhân đạo hình thức sẽ bị lên án, bị đào thải. Tuy nhiên những việc làm này ít nhiều đã làm cho lòng nhân ái bị tổn thương, một vết thương sẽ mãi còn âm ỉ trong tâm trí nhiều người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét