Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Một trăm cách để tồn tại như một hoạ sĩ mà không cần cắt tai mình




Addison Parks

Vincent Van Gogh
Tự hoạ với tai bị băng, 1889
sơn dầu trên canvas, 60 x 49 cm


1 – Làm hoạ sĩ là lựa chọn của bạn; bạn chỉ cần sự cho phép và chấp thuận của chính mình mà thôi!

2 – Nghệ thuật là một cuộc thử nghiệm; thất bại là một phần của quá trình; đó là cách chúng ta học.

3 – Hãy tin tưởng vào chính mình; hãy kiềm chế phán xét: tư tưởng phê phán của bạn là một kẻ yếm thế.

4 – Bạn là người duy nhất phải nâng niu tác phẩm của mình chứ không phải ai khác!!!

5 – Nghệ thuật là một quá trình “tự hỏi”; tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu …

6 – Vui thú với công việc của mình giữ cho bạn liên tục làm việc.

7 – Làm nghệ thuật tức là phơi mặt ra với đời; điều đó có nghĩa bạn là người dũng cảm.

8 – Hãy gìn giữ tiếng nói riêng của mình, chúng ta hơn nhau ở chỗ đó.

9 – Hãy ghi nhận công lao của mình vì làm được bất cứ thứ gì; đó đã là một thắng lợi lớn rồi!

10 – Luôn luôn lắng nghe trái tim mình; bạn sẽ không bao giờ đi sai đường.

11 – Hãy biết cảm kích trước tác phẩm của đồng nghiệp; họ không phải là kẻ thù.

12 – Làm nghệ thuật là một đặc ân, đừng trông đợi sự hỗ trợ vì bạn làm nghệ thuật.

13 – Có năng khiếu là một trách nhiệm: để cho chứ không phải để khoe khoang.

14 – Nghệ thuật là làm cho cuộc đời có ý nghĩa, nhận ra mối liên hệ với chính mình trong đó.

15 – Hãy làm một người yêu nghệ thuật, kể cả khi nghệ thuật của bạn chẳng có giá trị gì.


Honoré Daumier
Những người mê nghệ thuật thăm xưởng vẽ


16 – Sáng tạo của bạn là sức mạnh của bạn, hãy thả nó ra, đốt nó cháy bùng lên.

17 – Hãy tập trung vào cái bạn đang làm trong xưởng vẽ của mình, bên ngoài là trò mạo hiểm.

18 – Hãy sống tốt trong khả năng của bạn; hãy tái chế những thứ người khác vứt đi.

19 – Hãy tránh hành động như thể đang cứu con bệnh ung thư trong xưởng vẽ của mình.

20 – Đừng đem nghệ thuật của mình ra thế chấp; tránh mắc nợ.

21 – Hãy tặng tác phẩm của mình – bạn là nguồn – hãy tạo ra nhiều hơn.

22 – Đừng bỏ qua năng lượng hay tác động từ tác phẩm của mình, mà hãy lắng nghe nó.

23 – Hãy thu thập phản hồi; tìm ra ít nhất một người để bạn cho xem tác phẩm của mình.

24 – Tuyên ngôn nghệ thuật phải là sự thật trần trụi; hãy viết nó giản dị.

25 – Hãy đối xử tử tế với những người buôn tranh, hoặc bất kỳ người nào bán tác phẩm của bạn.


Pablo Picasso
Chân dung Ambroise Vollard (1910)
sơn dầu trên canvas, 92 x 65 cm.


Ambroise Vollard (1866 – 1939) là nhà buôn tranh nổi tiếng, từng hỗ trợ nhiều hoạ sĩ Pháp đầu t.k. XX.


26 – Bạn là duy nhất nhưng không phải là không thay thế được. Trên đời này có rất nhiều hoạ sĩ.

27 – Hãy cứng rắn, gallery tức là chuyện làm ăn.

28 – Phán xét là thứ vũ khí chết người: hãy cẩn thận xem ngắm vào đâu.

29 – Nghệ thuật không phải là cuộc thi; tác phẩm để chứng tỏ thường bốc mùi khó ngửi.

30 – Đừng quá nóng vội trưng bày tranh của mình tại gallery.

31 – Hãy giữ ngọn đèn của mình cháy sáng, và nó sẽ luôn bên bạn.

32 – Hãy trao đổi với các hoạ sĩ khác; bằng cách đó chúng ta làm cuộc sống của mình phong phú thêm.

33 – Hãy học cách nói về tác phẩm của mình, nhưng đừng nói nhiều quá.

34 – Hãy tham gia các triển lãm nhóm, để đặt mình vào tương quan với các đồng nghiệp.

35 – Hãy vẽ nhiều trên giấy, bạn có thể nhét toàn bộ sưu tập của cả đời dưới gầm giường.

36 – Nếu tranh bạn bán được thì tốt, nếu không được, hãy tiếp tục vẽ, đời là vậy.

37 – Đừng quẳng những gì bạn say mê cho bày sói.

38 – Làm hoạ sĩ không bao giờ dễ dàng, nhưng đừng ăn mừng cuộc đấu tranh.

39 – Hãy bỏ qua các năng lượng tiêu cực trong công việc.

40 – Những gì đi vào tranh của bạn là những gì sẽ được tiếp tục.

41 – Hãy có ít nhất một kỹ năng không phải là hội họa (nhưng mang lại thu nhập) mà bạn thích thú.

42 – Nếu nghệ thuật là trải nghiệm, thì trải nghiệm của bạn là gì?

43 – Hãy làm nghệ sĩ toàn bộ thời gian, và làm việc bán thời gian để kiếm sống.

44 – Phó mặc và tạo ra là hai mặt quan trọng như nhau của công việc.

45 – Hãy làm người trước, nghệ sĩ sau; nghệ thuật sẽ có một nghĩa gì đó.

46 – Hãy ghi nhận công lao của mình trong mỗi thành tựu mà bạn đạt được.

47 – Làm hoạ sĩ giỏi là vấn đề của tính cách, chứ không phải kỹ năng.

48 – Các phán xét của chúng ta bao giờ cũng chủ quan; chúng chỉ là tấm gương phản chiếu chính chúng ta.

49 – Hãy tỏ ra rộng lượng khi xem tranh trong sự hiện diện của tác giả.

50 – Hãy học cách tự chụp ảnh tranh mình trong ánh sáng tự nhiên; bạn là người biết tranh mình phải trông như thế nào.

51 – Không có gì trường tồn được trên một nền tảng giả; đừng làm giả.

52 – Những rung động nào đến từ tranh của bạn?

53 – Những thành tố trong tranh của bạn có tươi mới không? Và chúng có gần gũi với bạn không?

54 – Các niềm hy vọng và nỗi đau của bạn – tất cả đều là một phần tác phẩm của bạn.

55 – Bạn có thể dựng nên tác phẩm từ bất cứ thứ gì, miễn đó là thực, cho dù có nhỏ tới đâu.

56 – Bạn sẽ bị hoài nghi dằn vặt nhưng bạn sẽ lấy lại niềm tin.

57 – Hãy bao quanh mình các năng lượng tích cực: đó là sự hỗ trợ mạnh mẽ và yên lặng.

58 – Không có luật lệ. Hãy nghĩ về điều đó. Bạn đã đến lượt. Hãy nắm lấy nó.

59 – Ân hận luôn luôn là sự phá hủy.

60 – Bất cứ điều gì bạn che giấu sẽ tự bộc lộ ra trong tác phẩm của bạn.

61 – Dùng công việc để lấp lỗ hổng trong cuộc đời thì chỉ làm cho lỗ hổng đó to thêm.

62 – Bất cứ nơi nào cũng có thể là xưởng vẽ, kể cả một góc nhỏ bạn mang trong mình.


Xưởng vẽ của Francis Bacon ở South Kensington (London) nơi ông sống và vẽ trong 3 thập kỷ, cho đến khi qua đời vào năm 1992.

63 – Các kỷ luật thực tế sinh ra từ giấc mơ của bạn.

64 – Khi gặp bế tắc, hãy hăng lên, hãy liều.

65 – Coi việc của mình như một vấn đề nan giải khiến nó trở thành một vấn đề nan giải.

66 – Hãy để ý tới nguồn của tác phẩm.

67 – Bạn đang làm ra một cái gì đó từ chỗ không có gì.

68 – Bạn có thể thực sự dũng cảm như bạn tưởng tượng.

69 – Những gì sống động trong tranh của bạn sẽ không bao giờ chết.

70 – Ánh sáng cuối con đường hầm là ở trong chính bạn; càng nhiều niềm tin, càng nhiều ánh sáng.

71 – Hãy sống ở nơi nào mà nghệ thuật có ý nghĩa; đừng sống ở nơi nó không có ý nghĩa.

72 – Tất cả các hoạ sĩ đều ngồi chung một con thuyền, chung một nhu cầu, chung một cuộc đấu tranh, chung niềm vui sướng.

73 – Hãy sống ở nơi mình làm việc, làm việc ở nơi mình sống. Như thế rẻ hơn.

74 – Hãy dùng các hoạ phẩm rẻ hơn nếu điều đó vẫn cho phép bạn vẽ được.


Jean Baptist-Siméon Chardin
Những vật tượng trưng cho nghệ thuật (1766)
sơn dầu trên canvas, 112 x 141 cm


75 – Hãy chấp nhận rằng bạn là người may mắn vì đang làm cái mình muốn làm.

76 – Đừng trông đợi sự ủng hộ của người khác nếu không làm điều họ muốn.

77 – Đừng dùng các hoạ phẩm, chất liệu độc hại. Chúng sẽ gây hại cho bạn sau này.

78 – Ai là người thích bị phê bình? Tất cả chúng ta đều cần sự cảm thông, và trân trọng.

79 – Hãy thu thập quanh mình thứ nghệ thuật nào luôn hé mở cho bạn điều gì đó.

80 – Tin hay không tùy bạn, nhưng bạn không nằm trong tầm ganh đua với mọi hoạ sĩ.

81 – Đừng lợi dụng nghệ thuật của mình để chứng minh một điều gì đó, vì có thể sẽ bốc mùi thối.

82 – May thay, nghệ thuật vẫn có thể xảy ra, bất chấp những ý đồ tệ nhất của bạn.

83 – Niềm tin tưởng đã là nửa trận đánh rồi, nhưng đó không phải là điều cốt lõi.

84 – Không phải bao giờ lao động nặng nhọc cũng được việc, nó chỉ làm công việc trở nên nặng nhọc.

85 – Nghệ thuật đôi khi là 99% cảm hứng và 1% mồ hôi.

86 – Hãy tránh sở hữu các kỹ thuật; hãy tìm con đường của riêng bạn để tới đó.

87 – Âm nhạc là người bạn tốt nhất của hoạ sĩ, hãy nghe, chơi một nhạc cụ nào đó.


Auguste-Dominique Ingres
Chân dung gia đình Stamaty (1818).


Điều đáng ngạc nhiên trong bức ký họa chì rất chi tiết này là, mặc dù Ingres là một người chơi violin nghiệp dư và mê âm nhạc, phím đàn piano ông vẽ lại chỉ có các cụm 3 phím đen, trong khi đúng ra mỗi quãng tám phải có một cụm 2 phím đen (do và ré) và một cụm 3 phím đen (fa, sol, và la).


88 – Nghệ thuật không có chỗ cho sự thiếu tính hài hước.

89 – Không có công bằng trong một triển lãm có hội đồng duyệt, mà chỉ có chương trình nghị sự.

90 – Hãy thoáng trong việc công bố tác phẩm của bạn bằng các cách khác nhau.

91 – Đừng tích trữ các tác phẩm của mình thành một sưu tập vô giá … trị.

92 – Thái độ là tất cả: là cuộc sống và công việc của bạn.

93 – Màu sắc là năng lượng; đó là một phần của tất cả, phải hiểu nó.

94 – Bố cục là thứ sinh ra khi bạn thừa chỗ trống.

95 – Hãy làm việc như lần đầu tiên; mọi thứ đều có thể xảy ra.

96 – Hãy biết rằng cay đắng và thất vọng luôn bám theo mỗi hoạ sĩ.

97 – Một cuộc đời trong nghệ thuật là phần thưởng của chính cuộc đời; mọi thứ khác đều là giả dối.

98 – Tác phẩm của bạn có thể chiếu ánh sáng và bóng tối, đem lại tiếng cười, và cả điều kỳ diệu.

99 – Hoạ sĩ vừa là nhân chứng vừa là kẻ mách bảo; họ nhìn thấy và phơi bày.

100 – Cuối cùng chỉ có một con đường: con đường của chính bạn!


Nguyễn Đình Đăng
Ngưỡng cửa (2003)
sơn dầu trên canvas, 130.3 x 162 cm


Nguyễn Đình Đăng dịch từ nguyên văn tiếng Anh

Addison Parks , “One hundred ways to survive as an artist without cutting off your ear“.

Phụ lục của người dịch:
Các danh ngôn tương tự

(3) Triết gia Pháp Jean de Labruyère (1645 – 1696): “Chúng ta bị khoái cảm của phê bình tước mất khoái cảm được xúc động bởi một số thứ rất đẹp.”

(38) Đạo sĩ Yoga Ấn Độ Swami Sivananda (1887 – 1963) : “Cuộc đời chỉ có nghĩa trong đấu tranh. Thắng hay bại là do Trời định đoạt. Vì thế hãy ăn mừng cuộc đấu tranh.”
(43) Hoạ sĩ Mỹ Jeff Koons (1955): “Tôi luôn là hoạ sĩ. Tôi từng làm môi giới để kiếm sống nhưngg tôi luôn nghĩ tới nghệ thuật của mình.“

(60) Văn sĩ Pháp Albert Camus (1913 – 1960): “Lương tâm tội lỗi cần sự thú nhận. Tác phẩm nghệ thuật là một sự thú nhận.“

(78) Văn sĩ Anh William Somerset Maugham (1874 – 1965): “Người ta yêu cầu bạn phê bình, nhưng họ chỉ muốn được khen.“

(92) Văn sĩ và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry (1900 – 1944): “Ý nghĩa của sự vật không ở trong sự vật, mà ở trong thái độ của chúng ta đối với sự vật.“

(97) Triết gia Đức Friedrich Nietzsche (1844 – 1900): “Chúng ta có nghệ thuật để khỏi chết vì chân lý.“

Chiếc thùng mẻ




Một người đàn bà gánh hai thùng nước trên vai. Một thùng có vết nứt, con thùng kia luôn chứa đầy nước. Đến cuối đoạn đường dài từ suối đến nhà, thùng mẻ chỉ còn nửa lượng nước.

Hai năm dài với mỗi ngày người đàn bà chỉ gánh về một thùng rưỡi nước. Chiếc thùng đựng đầy nước luôn hảnh diện về thành quả của mình. Còn chiếc thùng bị vết nứt bên kia buồn bã và xấu hổ vì mình không toàn hảo nên chỉ làm được một nửa công việc mình được tạo ra để làm. Sau hai năm sống trong sự đau khổ vì không làm tròn nhiệm vụ. Một ngày kia bên bờ suối chiếc thùng bị nứt bèn nói với người đàn bà:

– Tôi rất xấu hổ về chính mình vì một vết nứt phía thùng của tôi đã làm cho nước chảy ra ngoài suốt đoạn đường bà gánh nước về nhà.”

Người đàn bà mỉm cười: “Bạn có nhìn thấy rất nhiều hoa bên đường phía bạn đi ngang qua nhưng không có hoa nào ở phía bên kia không? Bởi vì tôi luôn nhận biết khuyết điểm của bạn, nên tôi đã gieo những hạt giống của bông hoa phía bạn đi qua, để mỗi ngày trên đường về bạn đã tưới nước cho những hạt mầm. Suốt hai năm qua tôi đã hái những bông hoa đẹp để chưng trên bàn. Nếu không có bạn với những gì của bạn thì đã không có những nét đẹp trang điểm cho ngôi nhà đẹp thêm”.

Mỗi người chúng ta đều có những khuyết điểm. Nhưng qua những vết rạn nứt và những khuyết điểm đó làm cuộc đời mỗi người thêm phong phú.

Mỗi người cần chấp nhận người chung quanh và tìm những điều tốt nơi người đó.

Ngạn ngữ Trung Hoa

Sự tích hoa nhã thảo

Lilia

Thủa ấy, đã lâu lắm rồi, ở phía cuối chân trời kia, trong ngôi làng nhỏ ven rừng có một đôi bạn rất thân cùng nhau lớn lên.

Ngày ngày, cậu bé và cô bé cùng nhau chơi đùa. Khi thì họ rủ nhau vào khoảng rừng thưa, cậu bé hái những thứ quả ăn được đem chia cho cô bé. Họ thích thú lắng nghe tiếng chim chóc ríu ran trong vòm lá, nhìn những chú sóc nâu thoăn thoắt chuyền cành, hay ngắm nghía mấy chú ốc sên đầy màu sắc. Khi thì họ chạy đuổi nhau trên trảng cỏ bên bìa rừng, tóc cô bé tung bay trong gió. Cô bé có mái tóc óng ả đẹp tuyệt trần. Họ cũng hay ra bờ suối chơi, khi đó cậu bé lội xuống suối tìm nhặt những viên đá cuội thật đẹp, còn cô bé thì tha thẩn ven bờ, hái những bông hoa dại để kết thành vòng hay cài lên tóc. Cậu bé rất yêu mái tóc cô bé, cậu thích nghịch ngợm tát nước suối lên tóc cô, để những giọt nước long lanh li ti đọng vào đó lấp lánh sáng lên dưới ánh sáng mặt trời... Cậu thích nhất khi cô bé tết tóc thành bím, thích ngắm hai bím tóc dài trên vai cô bé tinh nghịch nhún nhẩy mỗi khi cô chạy ào đến với cậu, má ửng hồng...

Bên bờ suối có một ngôi nhà gỗ bỏ hoang. Ngày trước, có một ông lão gác rừng sống ở đó, nhưng từ khi ông bỏ đi, không còn ai gác rừng nữa. Ngôi nhà rất nhỏ và đã xiêu vẹo, nhưng nó lại là một chỗ trú ẩn lí tưởng cho đôi bạn những khi trời bất chợt đổ mưa. Một lần, họ tìm thấy một chiếc hòm bí mật đặt trong cái hầm nhỏ dưới nền nhà. Trong hòm không có gì hết, có lẽ trước đây ông lão gác rừng dùng nó để cất đồ đạc của mình. Mặc dù vậy, đôi bạn vẫn ngất ngây sung sướng vì khám phá này. Kể từ đó, chiếc hòm trở thành „thùng thư bí mật” của họ. Nếu không gặp nhau, họ để lại đấy cho nhau những món quà nho nhỏ, khi là cái bánh mẹ mới nướng, khi là bức tranh nhỏ mới vẽ, khi thì đơn giản chỉ là một viên đá, một cành hoa...
 
Năm cậu bé lên mười, gia đình cậu chuyển ra thành phố. Cậu bé và cô bé khóc hết nước mắt. Trước khi lên đường cùng cha mẹ, cậu bé nói với cô bé: „Bạn hãy giữ mãi mái tóc này cho mình nhé, nó rất đẹp. Mình sẽ rất nhớ bạn!”.
 
Từ đó họ bặt tin nhau. Vài năm sau, nhà cô bé cũng chuyển đi nơi khác, đến một nơi ồn ào và đông đúc mà người lớn thích. Người lớn thật khó hiểu. 
Thời gian trôi qua, cậu bé và cô bé ngày xưa cũng trở thành người lớn. Họ cũng dần dần trở nên khó hiểu. Nhưng thỉnh thoảng, trong những lúc tĩnh lặng hiếm hoi, họ nhớ lại ngôi làng bên cánh rừng thưa của thời thơ ấu và người bạn nhỏ ngày nào. Khi ấy, họ cảm thấy những điều khó hiểu bỗng trở nên rõ ràng và dễ hiểu hơn đôi chút.
 
Một buổi sáng mùa xuân, cậu bé giờ đã là một chàng trai trở lại thăm làng xưa. Chàng trai lang thang khắp nơi, nhưng mọi thứ đã trở nên xa lạ. Buồn bã, chàng đi ra bờ suối. 
Ngôi nhà gỗ của người gác rừng vẫn còn đó, lút trong cỏ dại và càng xiêu vẹo hơn. Chợt nhớ đến hòm thư bí mật, chàng tìm lại nắp hầm và kéo lên. May sao, cái hòm vẫn nằm đó. Chàng trai mở cái hòm ra, và sững người.
 
Trong hòm, bím tóc xinh xắn của cô bé nằm ngay ngắn, bím tóc mà chàng từng yêu đến thế. Nó được tết thêm những sợi ruy băng hồng, tím, trắng. Không hiểu vì sao cô bé lại cắt bím tóc đi và để lại đây cho chàng. Đây là một bí mật, vì cô bé vốn thích những điều bí mật.
Nhìn món quà của cô bé dành tặng cho mình, hình ảnh cô bạn nhỏ và bao kỷ niệm ấu thơ chợt ùa về, chàng trai nghẹn ngào lặng đi. Từ khóe mắt trên gương mặt phong trần của chàng, hai giọt lệ ứa ra, nhỏ xuống bím tóc. Chúng đọng lại trên đó một thoáng, long lanh và tinh khôi, rồi tan ra và biến vào những sợi tóc.
Chàng trai cất bím tóc về chỗ cũ rồi trở về thành phố.
 
Từ bím tóc của cô bé, nơi hai giọt lệ của chàng trai nhỏ xuống, kỳ lạ thay, những mầm cây nhỏ mọc lên, dài ra và nảy những chiếc lá nhỏ mỏng mảnh, mỗi ngày một nhiều hơn. Rồi những bông hoa li ti màu hồng, tím, trắng nở ra, phủ khắp thân cành, trông tựa những dải ruy băng trên bím tóc cô bé. Đám hoa lan ra thật nhanh, trông mỏng manh yếu đuối như vậy nhưng chúng thật dẻo dai, dù trời gió mưa hay nắng gắt, chúng vẫn tràn đầy sức sống. Đó chính là hoa nhã thảo, loài hoa của tình bạn thủa ấu thơ trong sáng và tinh khôi.
Mùa xuân năm sau, cô bé giờ đã là một cô gái cũng lại trở về thăm làng cũ. Cô gái tìm đến ngôi nhà của người gác rừng. Căn nhà gỗ cũ kỹ giờ đây ngập trong hoa nhã thảo, như bừng sáng lên trong sắc hồng, trắng, tím. Cô gái bàng hoàng, ngây ngất trước vẻ đẹp dịu dàng tinh tế của hoa, nàng đem chúng về thành phố trồng trên ban công nhà mình. 
Hàng xóm láng giềng thấy loài hoa đẹp và dễ trồng, mỗi người xin một ít. Từ đó, hoa nhã thảo xuất hiện ở thành phố, dần dà trở nên quen thuộc ở khắp nơi.
Chàng trai cũng nhiều lần đem nhã thảo về trồng trước hiên nhà. Chàng thích ngắm những bụi nước li ti long lanh đọng trên cánh hoa mỗi sáng tinh mơ. Chúng gợi cho chàng một cảm giác thân thương thuần khiết rất dịu dàng mà chàng không sao lý giải được. 
Nhưng cả chàng trai và cô gái đều không biết rằng loài hoa ấy mọc lên từ bím tóc kỷ niệm ngày xưa.
Bởi vì đó mãi mãi là một bí mật.

Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên






7 giây. Chúng ta cần từng đó thời gian để quyết định: tôi thích cái này, để phán xét: đúng hay sai, để phải lòng hay chán ghét ai đó. Vô cùng nhanh, bộ não gửi cho chúng ta câu trả lời cảm tính, tức thời và.... thường là KHÔNG chính xác đến đáng ngạc nhiên. Có nên tin vào cảm nhận đầu tiên hay không? Phải làm gì để chúng ta ít sai lầm hơn?


Không hiếm khi một người phỏng vấn tuyển nhân viên từ chối ai đó chỉ sau vài phút nói chuyện, chỉ vìngười này có nụ cười giống cô bạn vô duyên hồi cấp 1, giọng nói giống anh chàng hàng xóm đáng ghét, mái tóc giống người đồng nghiệp hay kèn cựa v.v... Trong khi đó, có thể chính họ sẽ là những nhân viên lành nghề nhất, thích hợp với công việc đó nhất. Điều này không làm nhà tâm lý học David Myers ngạc nhiên. Ông đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện ra: dự đoán của phần lớn các chuyên gia tuyển dụng nhân sự thường sai lầm đến mức gây sốc. Kết quả của các dự đoán này thường tồi tệ hơn các bài kiểm tra đơn thuần để đánh giá ứng cử viên rất nhiều.


Có thật là các ý nghĩ đầu tiên thường đúng nhất không? Ngày nay chúng ta sẵn lòng tin vào điều này hơn bao giờ hết. Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy cảm nhận đầu tiên đánh lừa các quan tòa khi phán xét về mức độ đáng tin cậy trong lời khai của các các nhân chứng hay bị cáo, đánh lừa các bác sỹ khi dự đoán bệnh nhân có khuynh hướng tự tử hay không, đánh lừa các nhân viên bán hàng (nhân là các nhân viên bán xe hơi) và làm cho họ coi thường các khách hàng tiềm năng (mà sau đó chạy sang hãng của đối thủ cạnh tranh mua xe). Những cuộc hôn nhân từ tình yêu từ cái nhìn đầu tiên không bền vững hơn những cuộc hôn nhân mà tình yên đến từ từ theo thời gian.


Tại sao cảm nhận đầu tiên của chúng ta lại sai? Có phải vì chúng ta thiếu trực giác (intuition)?



Trực giác phụ thuộc vào sự hiểu biết, kinh nghiệm, các trải nghiệm được ghi nhớ sẵn trong ký ức. Khi ta cảm thấy ai đó hay một nơi nào đó dễ mến, dễ thương, có nghĩa là ta cảm thấy người đó hay nơi đó có cái gì đó quen thuộc với ta. Khi không có thời gian để phân tích và suy nghĩ, chúng ta nghĩ tắt. Toàn bộ bí ẩn của trực giác là sự tìm kiếm chớp nhoáng trong kho ký ức, nhanh đến nỗi bản thân chúng ta cũng không ý thức được. Kết quả có trong vài giây: đó chính là cảm nhận. Tốt hoặc xấu. Nhưng trước hết là chính xác hay sai lầm.



Điều này phụ thuộc vào cái gì? Vào việc chúng ta có những gì trong kho ký ức. Chúng ta càng có nhiều hiểu biết, nhiều quan sát thì càng tốt. Nếu chúng ta là chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, các cảm nhận của chúng ta phần lớn sẽ đúng. Nếu ta không thạo về vấn đề gì, cảm nhận sẽ đánh lừa chúng ta.



Một đứa bé hai tuổi thích nghịch các ổ điện. Trực giác của nó nói rằng cái đó tuyệt đối an toàn. Hàng nghìn năm, loài người bằng cảm nhận đã tin rằng trái đất phẳng.



Cảm nhận đầu tiên cũng giống như khi ta đọc nhan đề của một bài viết và dừng lại ở đó. Như vậy có phải là đủ không? Nhưng đó chính là điều chúng ta làm khi nhìn người khác, làm quen với họ và đánh giá họ bằng vài giây cảm nhận.





Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên giống như tình cảm từ máy tự động. Người phụ nữ gặp một người đàn ông. Trong chớp mắt cơ cấu suy nghĩ bằng trực giác khởi động: hồi tưởng về tất cả các người đàn ông cô từng quen trong quá khứ được lục lại trong ký ức, giọng nói, nét mặt, cử chỉ, mùi hương, lối sống. Kết luận chớp nhoáng: đây là người đàn ông dành cho tôi. Anh ta có cái gì đó thân quen, gợi những liên tưởng dễ chịu. Vì thế chúng ta thường phàn nàn khi ai đó cứ yêu những người đàn ông giống nhau.


Trực giác là sự thừa hưởng một cách tiến hóa của chúng ta, nhiệm vụ của nó là cảnh báo các nguy hiểm. Những thứ thân quen có nghĩa là tốt và an toàn, còn những thứ lạ - là nguy hiểm. Trong cuộc sống nhiều khi mọi sự không như vậy, nhưng trực giác luôn luôn nhắc nhở ta theo cách cũ ấy.



Không ai là có trực giác tốt trong tất cả mọi chuyện. Bạn có thể có cảm nhận chính xác về đàn ông, nhưng lại cảm nhận sai bét về các vấn đề tài chính. Càng nhiều hiểu biết và kinh nghiệm, bạn sẽ càng có ít những suy nghĩ theo lối mòn, những định kiến. Đó là điều kiện để có các cảm nhận quý giá và chính xác.





Nếu bạn muốn cảm nhận của mình về mọi người chính xác hơn, bạn có thể luyện tập bằng cách có thêm các kinh nghiệm mới, mở rộng các mối quan hệ của mình, quen biết thêm nhiều người, nhất là những người khác với bạn.



Con trai của tỉ phú và nhà tài chính George Soros có lần đã tiết lộ: - Tôi thấy cha tôi trình bày các lý thuyết tại sao ông lại mua loại cổ phiếu này, bán cổ phiếu kia. Tầm phào! Ai cũng biết là cha tôi bán cô phiếu ra khi ông thấy đau lưng.





Các nhà tâm lý học khuyên chúng ta không nên coi thường các tín hiệu của cơ thể. Sự bất an, đau bụng, giật giật ở chân cũng là các cảm nhận. Thay vì tự trấn an: đây là tôi đang lo lắng thôi, vào thời gian này trong năm tôi luôn cảm thấy khó ở, bạn hãy quan sát xem các sự kiện hay quyết định gì đến cùng với các tín hiệu này. Một bài tập tốt là hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đã quyết định chuyện đó rồi, và quan sát tình cảm cũng như các hình ảnh hiện ra. Quan sát tất cả, đến tận cuối cùng, vì thường xảy ra trường hợp sau các cảm nhận tích cực đầu tiên, các cảm nhận khác ít thú vị hơn bắt đầu xuất hiện. Mà những cảm nhận cuối cùng mới là quan trọng nhất.





(Theo Twój Styl)

Bất khả tự vệ nơi vô tận hoang vu




Moses Isegawa (*)

Thái Linh dịch


Ryszard Kapuściński giống như con mèo chín mạng trong ngạn ngữ. Chúng ta có thể xem mình là những người may mắn, bởi Kapuściński đã miêu tả câu chuyện đời ông trong "Gỗ mun", một cuốn sách phi thường – sâu sắc, uyên áo, đầy ắp những sự kiện lịch sử, những cuộc phiêu lưu, đầy hóm hỉnh và những "Kapuściński luận" điển hình, khiến cho ngay cả một đầu óc không lấy gì làm thông minh cũng học được những điều cơ bản của lịch sử châu Phi theo cách của Kapuściński.

Kapuściński không phải là nhà du hành đầu tiên chứng kiến nhiều cuộc đảo chính, cách mạng và chiến tranh, khi tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng rất ít người có khả năng kể về điều đó một cách sâu sắc, đẹp và đầy cảm thông đến thế. Châu Phi may mắn vì đã mở cánh cửa cho con người này, vừa hành hạ ông bằng bệnh sốt rét và lao phổi, nhưng đồng thời cũng vừa trao cho ông vô số bí mật của mình. Châu Âu cũng may mắn vì đã dễ dàng đến được với kho báu của ngòi bút Kapuściński, bởi ông thấm vào vào tâm hồn người đọc như một vị phù thủy. Trong số rất nhiều cuốn sách xuất bản năm nay, không mấy cuốn có thể sánh được với viên ngọc trai này, cuốn sách vượt ra ngoài giới hạn về thể loại của mình.

Những gì Kapuściński sáng tác càng đáng khâm phục bội phần khi chúng ta ý thức được rằng mọi nhà văn khi đã gần thất thập đều giống như một con thú cô đơn, một con trâu lìa bầy, sợ hãi tương lai, bị bóng ma của tử thần đang đến gần vây bủa, bị hành hạ vì những nuối tiếc một thời vàng son đã qua. Sách của các nhà văn như thế thường thiếu sức sống, chúng u ám và èo uột như bờ miệng của một ông già bất đắc chí tẻ ngắt. Vậy mà Kapuściński viết như thể còn cả cuộc đời phía trước – smiling all the way to the bank. Ông thực sự tin rằng mình có thể thay đổi thế giới, rằng ông có thể "mê hoặc" mọi người, rằng ông có khả năng trao cho họ chiếc chìa khóa để mở ra các châu lục mà cho đến giờ với họ vẫn là bất khả thâm nhập.

Có thể so sánh ông với Ngugi wa Thiong'o về tâm huyết và lòng nhiệt thành mang tính sứ mạng, nhưng văn phong của ông nên thơ và vững chãi như văn phong Ben Orki. Giọng ông vang lên bên tai ta thật thân quen, ngay cả khi ta chưa từng đọc bất cứ tác phẩm nào của ông trước đó, và chúng ta tự hỏi: "Mình đã biết điều này từ đâu nhỉ?" Có thể gió đã mang lời ông đến cho ta, bởi ông không ưa trình bày các sự kiện khô khan, cũng không phải là một do thám viên đi tìm kiếm những nơi đáng cho bạn đọc đến nghỉ hè. Ông là vị phù thủy biết biến vài sự kiện được lựa chọn kỹ lưỡng thành vàng ròng lấp lánh. Các sự kiện chỉ là thứ phân bón để ông vun trồng sự thông hiểu cho hành tinh muôn mảnh vỡ của chúng ta, hành tinh với hàng nghìn lớp chồng chất khác nhau, nơi với đa số mọi người thực tại kết thúc nơi bậc cửa nhà họ.

Tất cả các tác phẩm lớn đều tạo ta ngôn ngữ riêng của mình thông qua việc đặt vấn đề trong một ánh sáng mới. Desmond Morris đã làm như thế trong cuốn sách tiên phong "Con khỉ trần trụi". Jared Diamond thực hiện điều đó trong "Guns, Germs and Steel". Kapuściński cũng làm thế ở đây. Ông biết rằng với nhiều người lịch sử là rành mạch, được sắp xếp trật tự và cứng nhắc, rằng nó bị giam cầm chung thân trong các cuốn sách của thư viện công cộng. Ở đó có thể lướt qua nó chút xíu, có thể phân tích các cuộc chiến tranh, tìm nguyên nhân, diễn biến, hậu quả và một cái gì đó kiểu "rồi họ sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long".

Trong châu Phi của Kapuściński, lịch sử như một thiên thạch từ trên trời rơi xuống giữa thanh thiên bạch nhật, đột nhiên chế ngự người ta như căn bệnh sốt rét – một cơn ác mộng vô thủy vô chung. Cho dù nguyên nhân chiến tranh nằm ở chế độ nô lệ (như trường hợp cuộc chiến tại Sudan hay xung đột tại Liberia), ở các căng thẳng sắc tộc (như tại Nigeria hay Rwanda), hay ở chủ nghĩa thực dân hoặc chủ nghĩa thực dân mới (như tại nhiều vùng khác của châu Phi), thì chúng đều vươn ra tứ phía như những vòi bạch tuộc, không ngừng thay đổi hình dạng, màu sắc và bộ da, để rốt cuộc các warlord lợi dụng tình hình và đưa toàn bộ vấn đề phức tạp trở thành cuộc chiến vì bát cơm.

Ai có vũ khí, kẻ đó nhận được thức ăn trước tiên, và hắn quyết định ai được xếp hàng tiếp theo, ai bị rớt khỏi hàng. Warlord – con rối của lịch sử – có một lượng dự trữ khá lớn thanh niên và trẻ em bản xứ, những người có thể làm tất cả mọi chuyện vì một nắm thức ăn. Sự dư thừa thanh thiếu niên và nền công nghệ cho phép ngay cả trẻ con cũng có thể sử dụng súng máy đã gây ra nhiều cuộc cách mạng. Trong cái thế giới nơi các sự kiện không được ghi lại, không có nhật ký, nơi tất cả những gì phai nhòa trong ký ức cũng biến mất khỏi thực tại, con bạch tuộc của lịch sử trở thành tất cả và không gì cả, cho đến khi nó rơi vào quên lãng hoặc bị nghiền nát bởi một xung đột mới hay nối tiếp xung đột cũ.

Châu Phi của Kapuściński là trò chơi của các thế lực tự nhiên. Ở đó thiên nhiên ngự trị một cách tàn bạo, dã man và điên cuồng. Mặt trời không mọc, chỉ như mũi tên bắn lên trời, nơi từ đó nó hành hạ những con người chân đất khốn cùng bị giam cầm trong không gian mênh mông. Mưa là cơn hồng thủy quét sạch nhà cửa mùa màng. Những trận hạn hán thiêu cháy tất cả chỉ chừa ra con người và nước.

Kapuściński đã đến các làng quê không có vườn tược, những ngôi làng không có lấy một con chim hay súc vật nào, không một ngọn cỏ nhành hoa, nơi con người chỉ sống để tìm thức ăn và nước uống. Ông đã đến những nơi cái cây làm nên thánh đường, còn các con đường là một nhà mồ vĩ đại. Con người bơ vơ bất khả tự vệ trong những không gian hoang dã vô tận, trong hoang vu khôn cùng, bị bệnh sốt rét, cái nóng và cái đói hành hạ. Đối mặt với sự thiếu thốn nền tảng xã hội cơ bản, một người châu Phi của Kapuściński gắn bó với những người ruột thịt, với tổ tiên, các thần linh và Đấng Tối cao chỉ bằng sợi dây tinh thần.

Trong cuộc sống của Kapuściński, Người Khác, Người Lạ đóng một vai trò quan trọng. Kapuściński truy dấu con đường quanh co mà những kẻ buôn nô lệ đã đi qua. Chúng đã thử cướp đi nhân tính của Người Khác, để nô dịch họ, giết chóc, hủy diệt mà không để mình bị suy suyển tài sản hay sự bình an về tinh thần. Người Khác thường bị ấn định theo sắc tộc, như vậy dễ dàng hơn, bởi không phải viện đến quả cầu thủy tinh để có thể chỉ ra hắn, đổ lên đầu hắn những điều bịa đặt tồi tệ, để hủy diệt và bóc lột. Đôi khi Người Khác mang cùng màu da, nhưng điều đó không có nghĩa anh ta sẽ bị tiêu diệt với ít hằn học hơn.

Từ khái niệm Người Khác nảy sinh một loại chủ nghĩa apartheid đã giam cầm người da trắng trong những khu xa hoa của các thành phố, và người da đen trong bùn, đầm lầy hay những khu nhà lụp xụp khô cằn, thiếu khí. Kapuściński - thường xuyên là người da trắng duy nhất trong một ngôi làng châu Phi, trong các khu ổ chuột hay trong đoàn xe hộ tống trên sa mạc - đấu tranh chống lại việc biến Người Khác thành quỷ dữ. Ông phản đối chủ nghĩa apartheid có mặt ở khắp nơi, ở Dar es Salam hay nơi nào khác. Ông thuê phòng trong khu ổ chuột Nigeria, chữa bệnh ở trạm xá dành cho các cư dân da đen ở Tazania, xếp hàng cạnh phụ nữ và trẻ con để lấy nước.

Ông không quan tâm đến chủ nghĩa apartheid ở Nam Phi. Ông quan tâm đến chủ nghĩa apartheid ở Liberia, đã có sớm hơn từ trước và đưa Người Khác đến chỗ phi lý. Các nô lệ được giải phóng, khi còn ở Mỹ từng là những Người Khác, ở Liberia đã đảo ngược vai trò: chúng tước quyền công dân của chín mươi chín phần trăm dân chúng, giam họ trong các getto, giết họ trong các cuộc chinh phạt cướp bóc và đến tận sau năm 1920 còn bán họ làm nô lệ. Người ta bị cách ly như trong các tàu du hành vũ trụ. Một trăm mười một năm sau diễn ra cái kết đẫm máu bi thảm của chính thể chuyên chế những nô lệ được giải phóng, nhưng sau đó thiên đường cũng chưa bắt đầu. Một Người Khác mới lại được tạo ra. Kapuściński chỉ ra rằng mỗi người đều có thể trở thành Người Khác, rằng chúng ta sẽ không bao giờ loại bỏ được hoàn toàn chủ nghĩa apartheid, và rằng cái xấu xuất phát từ chính bên trong – đó là số phận của con khỉ trần trụi.

Sau nhiều năm Kapuściński đi đến kết luận rằng không có châu lục nào phức tạp như châu Phi, nơi việc đổi cái thước loga thành quả cầu thủy tinh và ngược lại diễn ra còn nhanh hơn là một ngôi sao kịp mờ. Dưới những điều thường nhật ẩn giấu các bí mật và cần thận trọng khi đưa ra những kết luận vội vã. Từ ngữ giống như con kỳ đà: "độc lập" mang hàng nghìn bộ mặt khác nhau đối với hàng nghìn người. Và mỗi người đều có lý: có thể nói châu Phi đang hỗn loạn và có thể dễ dàng chỉ ra điều đó. Cũng có thể nói ở châu Phi đang thanh bình – một số vùng thanh bình đến mức mọi người đã quên mất chúng.

Đó là một thế giới bất khả thâm nhập, nơi quân đội bốn trăm nghìn lính được vũ trang bằng mọi vũ khí đạn dược tối tân của Nga bị trao vào tay đám quân du kích chân đất dốt nát, nơi anh công nhân bướng bỉnh người Uganda có thể một mình gây ra cuộc cách mạng kết liễu nền chuyên chế kéo dài nhiều thế kỷ ở Zanzibar.

Không thể tóm tắt châu Phi trong một từ. Nó tồn tại và chỉ tồn tại trong hằng hà sa số các biến thể, mang các gương mặt, hình dạng và tập quán khác nhau. Có thể gọi nó như vậy như một đơn vị địa lý, tựa cách gọi Chúa của người Do Thái và người Cơ đốc, nhưng cũng như Chúa, không cách gì chạm được vào nó. Nó tan ra, thay đổi như con bạch tuộc, khi mà mỗi nhóm người hay vùng đất lớn một chút đều có nền văn hóa khác biệt, đều có thể đem tới điều gì đó lạ thường. Mười nghìn vương quốc, liên bang và lãnh thổ của các bộ lạc bị sát nhập tại hội nghị Berlin tai tiếng (1878) vẫn luôn được nhận diện trong tấm chắp vá của năm mươi quốc gia châu Phi bị phân chia. Ai không chấp nhận điều này mà cứ cố khái quát hóa và suy nghĩ bằng các khuôn mẫu, định kiến, kẻ đó sẽ trắng tay.

Hãy cảnh giác, hỡi các chuyên gia về châu Phi! - cây bút bậc thầy nói. Để có thể thấu được điều gì đó ở đây, cần có một cái kính viễn vọng. Đây là nơi chốn của những người kiên nhẫn, minh triết, làm việc có hệ thống. Ai kiếm tìm những lời giải đáp dễ dãi tốt hơn nên ở lại châu Âu, nơi mọi thứ đều đã được ghi lại. Ở châu Phi nghèo đến mức rác rưởi – những thứ ở nhà hẳn bị vứt ngay không đắn đo – cũng có thể quý hơn vàng. Cái áo, cái bát, cái can đôi khi là cả gia tài. Ở đó, nơi sợi lông gà trống có thể là tấm hộ chiếu để tới thiên đường, bản chất của sự vật luôn bị giấu kín.

Người nào không có sự nhạy cảm đối với kiểu tâm lý này, tốt hơn nên gói gém các tấm bằng của mình và quay về London mù sương. Châu Phi là nơi có sức tưởng tượng tột bậc, nơi cả thành phố được dựng nên không một chiếc đinh, không một viên gạch hay một tấm sắt, nơi người ta biến đi như ma, nơi trên đường ray xe lửa đột nhiên xuất hiện các chủ quầy hàng, nơi cái hố trên đường mời gọi các khả năng đầu tư đưa một xóm nhỏ yên tĩnh vào quỹ đạo của sự phát triển nhanh chóng, nơi các thầy tu như những bác sĩ phẫu thuật tiến hành cuộc cấy ghép nỗi cắn rứt lương tâm của châu Âu vào các giáo dân đang đong đưa hát, nơi các thánh đường được tạc từ đá núi nằm sâu dưới mặt đất, và nơi có những xứ sở ngầm dưới đất.

Mấy mươi năm trước, Kapuściński đã lâm bệnh. Ông cầu xin để không bị trả về Ba Lan. Ông muốn chữa bệnh lao phổi ở Tanzania, trong trạm xá dành cho người da đen. Nhờ bệnh tật, ông đã có thể chiến thắng sự phân biệt chủng tộc. Ông đã không còn là một người da trắng hùng mạnh, một con quỷ từ những cơn ác mộng vẫn ám ảnh người dân da đen, mà là một con vượn người yếu đuối ho ra máu và nháy đựng lên khi bị mũi tiêm đâm vào mông.

Ông đã khám phá tác dụng kỳ diệu của nụ cười, vẻ đẹp của những ngôi làng mọc lên lộn xộn, khám phá những chiếc xe tải kéo, những khu trại cho người cùng khổ. Nhờ thế, từ rất gần, ông làm quen với nỗi sợ hãi mà người châu Phi mang trong mình, có thể thâm nhập sâu vào tâm hồn họ. Ông phẫn nộ với nền độc tài quần chúng, đám ăn cướp, lái buôn nô lệ, hải tặc, những kẻ đầu tiên đặt mối liên hệ với châu Phi. Những kẻ như Stanley, với sự man rợ của chúng, cai trị bằng cướp bóc và dối trá, khiến ông khinh bỉ.

Việc loại người này đã hình thành bức tranh của châu Âu về các dân tộc và nền văn hóa khác khiến ông tràn đầy ghê sợ. Ông gắng sức nhìn kỹ hơn, thấy được nhiều hơn, khám phá điều quần chúng kia không thấy được. Ông khẳng định sự bất khả trong việc miêu tả bằng các ngôn ngữ châu Âu những gì nằm ngoài châu Âu. Vì lẽ đó, ông thấy ghê tởm chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và những chứng loạn thần kinh đưa tất cả mọi thứ về màu da.

Ông đã mở cho chúng ta cánh cửa vào cuộc đời, những chuyến du hành và thi ca của ông. Hãy để cho các nhà văn châu Phi và châu Âu phải run rẩy, bởi chỉ một cuốn sách kiệt xuất nào khác mới có thể vượt qua được tác phẩm này về tầm cao. Hỡi các nhà văn, xin đừng trách là tôi đã không báo trước!

-----
* nhà văn Hà Lan gốc Uganda, có tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Cái bóng


Wisława Szymborska



Thái Linh dịch


Cái bóng của em
như anh hề theo sau hoàng hậu.
Khi hoàng hậu rời ngai đứng lên,
anh hề liền bật dậy trên tường,
cụng cái đầu ngớ ngẩn lên trần.

Điều ấy có thể khiến anh ta đau theo cách riêng mình
trong thế giới hai chiều. Có thể
trong hoàng cung của em anh hề không vui vẻ
và thích làm nhân vật khác hơn.

Khi hoàng hậu nghiêng mình qua cửa sổ bao lơn,
từ cửa sổ anh hề nhảy xuống.
Và cứ thế sẻ chia từng hành động,
nhưng không phải chia đều.

Anh ngốc ấy nhận về mình bộ điệu,
sự thống thiết lâm li kèm tất cả tráo trơ,
tất cả những gì khiến em mệt mỏi bơ phờ -
vương miện, vương trượng và áo choàng hoàng hậu.

Em sẽ cử động bờ vai thật nhẹ nhõm, ôi chà,
em sẽ quay đầu đi rất nhẹ,
hoàng thượng ơi, khi chúng ta từ giã,
hoàng thượng ơi, trên bến ga tàu.

Hoàng thượng ơi, chỉ anh hề khi ấy,
hoàng thượng ơi, sẽ nằm ra đường ray.

Cái chết của những người tình


Charles Baudelaire



Thái Linh dịch



Giường ta sẽ ngát hương thơm dìu dịu
Những ghế dài trũng xuống tựa mồ sâu
Và kỳ hoa trên kệ khoe màu,
Nở vì ta dưới trời xanh tươi đẹp

Hai trái tim ta như đuốc hồng cháy rực
Tỏa miệt mài đến hơi ấm cuối cùng
Phản chiếu đôi luồng sáng mênh mông
trong hai linh hồn, đôi gương lồng bóng.

Huyền bí sắc hồng lơ đêm nhập nhoạng
Ta trao cho nhau một tia chớp mà thôi
như nức nở trĩu dài lời vĩnh biệt;

Trung tín và hân hoan, một thiên thần sẽ đến
Rồi nhẹ nhàng khẽ mở cửa ra
Hồi sinh những tấm gương mờ, những ngọn lửa phôi pha.

(dịch từ bản tiếng Ba Lan của Bronisława Ostrowska)

Dân tộc lớn vì khóc cho điều thiện


Nguyễn Quang Vinh


Cả ngàn vạn bước chân chầm chậm bước đi
Trái tim hướng về nơi Người nằm xuống
Nước mắt rơi vì nỗi đau có thật
Nỗi đau phải chia tay Danh tướng Tổ Quốc mình

Có thể lường gạt nhân dân về giá điện trên trời
Về những mưu tính hèn, những trò dối trá
Nhưng không lường gạt nhân dân để họ rơi nước mắt
Để họ bật lên trong tim mình hai tiếng: Bác ơi.

Cả hàng vạn người cứ thế bước đi
Nắm lấy tay nhau nghiêng về một nỗi đau mất mát
Một dân tộc biết khóc vì ĐIỀU THIỆN
Dân tộc đó lớn lao

Không ai lôi kéo nỗi ai xếp hàng dài dưới nắng, qua đêm
Chỉ có trái tim thôi, tự nguyện
Đó là bài học lớn
Hãy cho nhân dân tự nguyện hiến dâng
Dân tộc đó mạnh

Không ai tự kéo mình lên cao trên trời
Tự vẽ bóng thành Thánh nhân
Nhân dân biết hết
Cứ cống hiến đi, hết mình, gan ruột
Nhân dân thờ, BIA LÀ Ở NHÂN DÂN

Đừng bẻm mép khoe khoang, đừng dạy dỗ ai về đạo đức
Đừng lợi dụng núp sau bóng nhân dân kiếm chác
Đừng xỏ lá ba que
Hãy làm những gì cho cuộc sống tốt đẹp lên
Hãy "cháy" cùng nhân dân không thể khác
Nhân dân không quên ơn ai
Nhân dân không ruồng bỏ ai
Nhân dân bao dung
Nhân dân độ lượng
Nhân dân thờ những người con thực sự của nhân dân
Và nước mắt rơi là sức mạnh tinh thần
Nước mắt nhân dân là sức mạnh vô biên
Khi nhân dân biết khóc cho ĐIỀU THIỆN
Dân tộc mình như thế vững niềm tin.

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Hạnh phúc đi chậm như đứa trẻ cầm đèn lồng



trangha 

Bốn mẹ con tôi đã có một đêm rằm Trung Thu cực kỳ hạnh phúc và thú vị khi đi bộ giữa những con phố cổ của Hà Nội. Trăng sáng trên cao, đèn lồng muôn màu và muôn hình dáng trên hàng nghìn cửa hàng bán đồ chơi thiếu nhi hai bên đường phố. Lũ trẻ nhà tôi đòi mẹ mua đèn ông sao đủ màu, sau đó các cậu nhóc vừa lũn chũn đi bộ theo mẹ vừa cầm đèn ông sao giơ cao trên đầu.

Thật khó xử khi lũ trẻ con nhà tôi đứng giữa hàng ngàn món đồ chơi, vì chúng đòi mua tất cả những gì mắt chúng nhìn thấy! Náo nhiệt nhất là những gian hàng bán mặt nạ hóa trang, vương miện hay tai thỏ. Chỉ vì rất đông bạn trẻ tới đó vừa chọn đồ chơi vừa tranh thủ chụp hình.

Gần ba mươi năm trước tôi cũng đón Trung Thu trên phố Hàng Mã như thế này, khi ấy Hà Nội nghèo, người thưa, đồ chơi Trung Thu đều tự làm bằng tre và giấy màu, tôi chỉ đi xem phố, chẳng được bố mẹ cho tiền mua gì. Bây giờ người Hà Nội giàu có hơn, bố mẹ mua đồ chơi cho con chẳng cần đắn đo nhiều. Niềm vui đêm Trung Thu đã chuyển từ “ăn” sang “chơi”, chuyển từ Tết thiếu nhi thành Tết đoàn viên của những gia đình nhỏ, và dịp hò hẹn những bạn trẻ đang bước vào yêu.

Tôi nghĩ hạnh phúc lớn nhất là gia đình tôi luôn bên nhau vui sướng đón những mùa Trung Thu, khi cuộc sống thay đổi quá nhanh ngoài kia.

Khi người sống vội hơn, khi những tòa nhà càng xây càng cao, đường mỗi ngày thêm đông, những giây phút sum họp gia đình mỗi năm lại thưa hơn. Như thể chúng ta luôn vội vã đi tới tương lai. Nhưng nếu hạnh phúc đi chậm như một đứa trẻ cầm đèn lồng, bạn có sẵn sàng chậm lại chờ hạnh phúc của mình theo kịp không?

THEO EM



TRẦN HOÀI THƯ


Nhà có bốn phòng nhỏ
Em dành căn phòng trên lầu làm nơi thờ phượng

Một bàn thờ cho chư Phật
Một bàn thờ cho ông bà cha mẹ
Một bàn thờ cho những bậc thánh hiền

Đêm nào em cũng một mình
Cùng lời kinh nhật tụng
Đêm nào cũng hàng giờ
Lời kinh bay đi
Đậu lại hồn anh
như một điệu đàn trầm thống nhất
nói với anh rằng,

hi ngươi, tên đàn ông ngạo mạn
hãy sám hối thì vừa

Anh chẳng hề thuộc một lời kinh
Nhưng đêm nào những lời kinh đã dạy anh cúi đầu nhắm
mắt

Anh chẳng bao giờ biết lần tràng hạt
Nhưng những hạt trân châu em đã thay mặt lần dùm

Lời kinh kia không biết có mầu nhiệm chút nào không
Mà sao giọng em đã làm con thằn lằn này nhắm mắt
Riết rồi đêm nào cũng nhớ hoài tiếng chuông tiếng kệ

Cả mùi trầm thơm tỏa xuống khắp nhà
Nhưng bây giờ ngôi chùa nhỏ của em đã đóng cửa
Những lư nhang lạnh ngắt que tàn

Chỉ một cái thang lầu
Với hơn mười bậc thềm lên xuống
Mà sao quá khó vô cùng

Cái chân mỗi ngày nhờ nó đi lên
Bây giờ cái chân trở thành khổ nạn
Cái tay mỗi ngày em lật trang kinh
Bây giờ cái tay lại vô tình hờ hững

Mấy tháng trời nhà vắng tiếng kinh
Chỉ có chăng là tiếng em kêu tôi nhờ giúp đỡ
Chỉ có chăng là cánh tay đưa lên rất nhẹ

Kẻo sợ em đau
Chỉ có chăng là cái chân này phải được chỉnh lại
trước khi bước đi
Nếu không, sẽ ngã vì không được thăng bằng

Bây giờ
Thay vì em đọc kinh sám hối mỗi đêm
Tôi cầu bình an cho em mỗi giờ mỗi phút
Thay vì em đọc cầu an cho tôi

Tôi sửa lại đôi chân, đắp lại chiếc mền
để bên bàn chai nước
chúc em giấc ngủ ngon