Có đôi lúc tôi thắc mắc tự hỏi tại sao phụ nữ thời đại chúng tôi phải viết và họ đã viết gì? Nhu cầu nào đã thúc đẩy họ cầm viết, động lực nào bắt họ ngồi xuống bàn phím, thoăn thoắt gõ những con chữ trôi bập bềnh trên giòng tư tưởng.
Thời đại tôi muốn đề cập đến là thời đại “Cyberfeminism,” tức thời đại của nữ quyền trong thế giới ảo. Kỹ thuật càng cao, tác dụng của kỹ thuật càng lớn, người phụ nữ càng tự do hơn. Họ vươn cao, thoát khỏi sự bao vây nhận chìm của cấu trúc quyền lực truyền thống có tính cách bộ tộc. Bây giờ là lúc phụ nữ nhận thức được vai trò, giới tính cùng những khái niệm nhân bản của mình.
Ngày nay người phụ nữ tư duy khác xưa rất xa. Chúng ta sẽ rất thú vị khi khám phá không gian ảo, là nơi họ tư duy, kháng cự lại việc xã hội hoá giới tính bị bao vây bởi kỹ thuật. Trong một nghiên cứu của Nancy Kaplan và Eva Farrell, nhắm vào những thiếu nữ trẻ sống trong thế giới ảo, họ ý thức rất rõ giới tính của mình và đã khai phá đến tận cùng vai trò phụ nữ bằng sự có mặt và tham dự vào không gian điện toán. Không giống nam giới những người lên mạng để tiêu khiển, hay có khuynh hướng tránh những cuộc tiếp xúc mặt đối mặt, những thiếu nữ trẻ lên mạng để làm giàu kiến thức và nâng cao khả năng cảm thông của họ với tha nhân.Thật vậy kỹ thuật điện toán đã nối cầu giao lưu giữa người và người. Sự hiện diện của phụ nữ trên mạng ngày càng đông. Họ không còn mặc cảm thân phận dưới khung trời ảo. Họ tranh luận, tự tin, cởi mở, nói điều muốn nói, bày tỏ cảm nhận của mình bạo dạn và rõ ràng hơn, nhất là trong lãnh vực tình dục. Họ tự hào đã vượt qua thành kiến xã hội. Họ dễ dàng chấp nhận thế giới ảo như một sinh hoạt xã giao thường nhật và xây dựng một vương quốc dành riêng cho mình.Nó không những là một lối thoát của những giải bày hay sáng tạo, mà còn là nơi phụ nữ có thể trở nên năng động với những vấn đề khẩn thiết của xã hội. Thế giới ảo làm thay đổi tư duy, cách cư xử của người phụ nữ nói chung và người phụ nữ trẻ nói riêng. Nó cho phép họ đào sâu những vấn đề nhạy cảm mà họ tin họ có thể tranh đấu được. Hơn nữa, nó còn là nơi các tư tưởng tự do gặp gỡ cũng như những ý kiến dị biệt và tương đồng hoà nhịp. Nữ giới bây giờ đọc và viết nhiều hơn ngày trước.
Tại sao phụ nữ viết?
Trước hết chúng ta thử tìm hiểu động lực nào đã thúc đẩy phụ nữ viết.
Có lẽ họ không viết trong hy vọng được nổi tiếng hay gây tiếng vang, không giống nam giới viết như một nhụy hoa toả hương ngào ngạt. Phụ nữ ít viết khi tuổi còn thơ ấu. Dù họ có được sinh ra trong một gia đình trí thức họ cũng không được cha chú hay anh mình khích lệ. Cũng không phải sự thay đổi của xã hội tạo trào lưu cách mạng thúc đẩy họ như lý do phần lớn nam giới cầm viết.
Ở phụ nữ, nguyên do chính là sự lạc lõng và cô đơn. Họ cần sự chia sẻ và cảm thông. Có người gặp khó khăn trong cuộc sống gia đình hay gặp trắc trở trong những giao tế ngoài xã hội. Người phụ nữ phải phấn đấu để vươn lên, vượt thoát những ràng buộc thành kiến xã hội. Tất cả những hoang mang, lầm lẫn, xáo trộn tinh thần, tích lũy ngày càng nhiều, tạo sự uất ức không còn đè nén được và nó bùng nổ qua ngòi viết. Viết đã biến thành một thứ vũ khí của sự sống còn.
Abburi Chaya Devi tâm sự.
Tôi sinh ra trong một gia đình chính thống. Cha tôi là người rất kỷ luật. Ông không bao giờ biểu lộ tình cảm của mình. Mẹ tôi theo rập khuôn những nghi thức và nguyên tắc thuần khiết phải có của người phụ nữ. Bà mặc những bộ quần áo “Madi” buổi sớm mai và sau đó không rớ tới nó nữa. Bà đổ từng cơn giận chồng lên đầu chúng tôi. Khi còn học lớp 12 tôi trở nên thân thiện với phái nam. Mẹ tôi nổi cơn thịnh nộ và quản thúc tôi trong nhà. Tôi không có ai để chia sẻ những kinh nghiệm buồn đau như vậy. Con gái bị cấm cười lớn. Họ bảo “Tại sao con gái phải cười lớn.” Trong truyện “Sleep,” tôi viết về một cô bé đến giường ngủ của mẹ hỏi “Mẹ ơi, con mắc cười quá, con muốn cười lớn, bây giờ con phải làm sao hở mẹ?” Kể cả lúc lên đại học, có người về méc với mẹ tôi, tôi đã cười ồ lúc thầy tôi kể chuyện tiếu lâm. Tôi phải dùng áo Sari để che hai bờ vai của mình. Hiệu trưởng trường đại học ra thông cáo con gái không được để hở vai. Tôi muốn chống đối lại việc này. Tôi dùng ngòi bút như vũ khí tự vệ ở truyện đầu tay của mình, in trong tờ nội san đại học. Tôi viết về cha tôi. Về những luật lệ khe khắt của ông. Ông chỉ định quần áo tôi mặc. Câu chuyện có tựa đề “Cha tôi là một nhà độc tài.” Sợ cha tôi đọc được, tôi kết thúc bằng một câu che đậy rằng “Hành động của các người cha, chồng chúng ta làm, chỉ vì chúng ta. Họ chỉ muốn chúng ta tốt mà thôi.” Như vậy nếu lỡ ông đọc được, ông sẽ không giận điên tiết lên. Tôi muốn viết thư cho ông nhưng không chịu đựng ông nổi, vả lại tôi cũng không bao giờ được quyền tự do ăn, nói. Viết như một phương tiện giải toả uẩn ức của tôi. Nó cho tôi quyền tự do, nó là một công cụ.
Dương Thu Hương một nhà văn nữ Việt Nam đã dùng ngòi viết như một công cụ giải toả cơn giận. Trong một bài phỏng vấn của Mr. Hoàng đăng trên Talawas, bà nói:
Sau 1975 tôi bắt đầu viết bút ký, sau đó là truyện ngắn. Bạn đã biết đấy, trong lòng tôi chất chứa nhiều nỗi phiền muộn, bức xúc lắm. Viết văn đôi khi như là một cách trút giận vậy.
Silalotitha, một thi sĩ có tên là Lakshmi, lấy chồng lúc 11 tuổi và về nhà chồng năm 14. Cô không biết đến ý niệm hôn nhân và tình dục là gì. Cô chỉ quanh quẩn trong nhà, đời sống thật vô vị, không bạn bè, không ai tâm sự. Bị cấm cung, cô mượn sách thư viện về ngấu nghiến. Thời kỳ này, cô đọc những tiểu thuyết văn chương hay nhất Telugu. Cô bị những tư tưởng ngờ vực bao vây tạo hoang mang, lại bị khước từ quyền được hỏi han. Cô viết truyện cho các bạn văn của cô. Cuối cùng cô ly dị, đi học lại và thực sự bước vào nghiệp văn. Silalotitha luôn dùng bút hiệu vì cô cảm thấy đời sống mình toàn những bất an. Ngày nay cô tự xét đoán chính mình khi viết và không còn cái cảm giác viết tự do như ngày xưa. Cô bắt đầu với thơ tình và sau chuyển qua viết truyện, đề tài là những gì người phụ nữ quanh cô đang hứng chịu.
Nicole Willey, trong một bài bút ký nghị luận đã tâm sự
Tại sao tôi có ý định nêu rõ lý do và những động lực đã thúc đẩy tôi viết vì tôi cảm thấy mỗi người phụ nữ chúng ta là một phần của nhau, như chị em hay như người tình. Đó là lúc tôi cảm thấy được mình hiểu và biết họ. Tôi viết về người đàn ông họ thích, người họ không thích, người họ mơ tưởng. Thật vậy tôi đã tạo nên những nhân vật, những cái tên có các cá tính căn bản như Judith Butler, đầy nam tính, đa cảm, dễ dãi, Jane Tompkins, hiền dịu, v.v. Tôi lấy làm ngạc nhiên tại sao những ý tưởng của tôi lại hoà hợp với nhau đến kỳ lạ. Đôi lúc tôi tự hỏi, mình có đại diện được cho những người phụ nữ không? Tôi phơi mở những sâu kín cuộc đời họ, lôi kéo và bày chúng ra ánh sáng cho mọi người xem. Họ có bị kinh ngạc không? Họ có ước mong tôi làm như vậy mà quên đi sự nghèo đói, những đứa con không hợp pháp, hoặc phe lờ những cái tử cung hết còn sinh sản không?. Nếu tôi viết về mẫu người đàn ông giống như họ mơ ước, mong muốn, thì có lẽ ngòi viết của tôi sẽ không đếm xỉa đến những đứa con hoang hay những kẻ hiếp dâm thiện nghệ như tôi đang chỉa mũi dùi vào nữa. Tôi muốn viết tất cả. Tôi nhìn sự việc đủ mọi khía cạnh, chủng tộc, màu da, giới tính, đẳng cấp, đạo đức, công lý và nhiều hơn nữa.
Tôi muốn thấy phụ nữ tự quyết định lấy việc viết hay không viết. Lý do để viết không phải lúc nào cũng đẹp đẽ hay có tính nghệ thuật. Cũng không phải viết là để tự ca ngợi chính mình. Thường là do tài chánh, uy tín hay sự cứng đầu.
Tôi viết 3, 4 ngày một tuần, hầu như đi ngược lại ước muốn của tôi. Tôi cũng không còn tin vào giá trị mỹ học nữa và đã đánh mất khả năng thẩm định ngay cả việc để ý đến cán cân của nó. Tôi tự hỏi đâu là chỗ cho mỹ học trong thế giới những truyện kể của người phụ nữ khi họ cố gắng phá vỡ hiện thực và nề nếp xã hội dưới ngòi viết bứt phá của họ. Tác phẩm của họ làm tôi cười và cũng làm tôi khóc. Làm sao tôi, bạn, hay ai khác có thể phê phán những người phụ nữ khi họ dùng hết vốn liếng họ có, để viết truyện đời họ. Họ sáng tạo chính họ, chúng ta vẫn tiếp tục đọc họ, vậy chưa đủ sao?
Tôi ước ao mình có thể viết khá hơn nhưng tôi tin người đọc sẽ tha thứ những thiếu sót của tôi.
Hoàng Như An, ký mục gia của nhật báo Viễn Đông, cho biết: “Theo tôi thì trước khi là người viết nữ, người ta phải là một người viết cái đã. Tức là người ta phải muốn viết, phải cảm thấy một thôi thúc cần viết, như đã mang vào thân một cái nghiệp vậy. Khi cầm bút lên viết rồi thì tự nhiên sẽ tìm thấy cái mình muốn viết nó thuộc về thứ gì. Là phụ nữ với những đặc tính nhiều cảm xúc hơn lý trí, lại bị ảnh hưởng nhiều của cái văn hóa “trọng nam khinh nữ” quá thịnh hành trên khắp thế giới, dĩ nhiên người viết nữ phải viết về những vấn đề như diễn tỏa nỗi niềm của mình, muốn được cởi trói, giải phóng và vươn lên, sống như một con người bình đẳng với tất cả những người khác, không kể nam nữ, giàu nghèo… Ngày nay, phụ nữ có thể viết về tất cả những chủ đề mình muốn viết, kể cả sex. Tại sao phải để ý đến dư luận?”
Người phụ nữ đã viết gì?
Họ viết về tình yêu, khát vọng, đam mê, ước mơ, qua giọng văn nhỏ nhẹ, tế nhị, dịu dàng, thùy mị và khiêm nhường. Có người lên án họ viết tục tĩu. Nhưng tục tĩu là gì? Có phải những cảm xúc xuất phát từ dục tính? Ngôn ngữ của thân xác? Ước vọng của con người? Nếu gạt bỏ tất cả những thứ này ra khỏi địa bàn người viết nữ họ còn lại những gì? Có người nói cái nhìn của các nữ sĩ đương đại thiếu tầm xa. Họ viết và sống trong ảo tưởng không thật. Họ không dám phơi bày sự thật trơ trẽn đời sống quanh họ.
Thử hỏi nếu được chọn lựa phái tính riêng cho mình, phụ nữ chọn gì?
Ashraf Rafi bảo, “Tôi không là tôi, một hình ảnh khác của tôi là sự cởi trói.” Fatima Taj nói, “Tôi không viết về tình dục hay xã hội tôi đang sống mà tôi đại diện cho mỗi mảnh nhỏ của nó. Nó là chân dung của tôi.”Một nhà văn nữ khác viết “Miệng tôi bị bịt kín nhưng trái tim tôi sùi bọt.” Nhiều phụ nữ cảm thấy tiếng nói và ngôn ngữ của họ bị phái nam tước mất. Họ cần một kinh nghiệm sống dồi dào mà phái tính của mình ngăn không cho họ có được các kinh nghiệm từng trải. Dù sao ngôn ngữ vẫn là một yếu tố giới hạn.
Nói về ngôn ngữ, triết gia nữ quyền Luce Irigaray muốn phụ nữ cần có một ngôn ngữ riêng cho họ. Đàn ông luôn luôn tìm kiếm và xây dựng những căn nhà ngôn ngữ cho họ khắp nơi như trong các từ: động, chòi, đàn bà, thị trấn, học thuyết, quan niệm, ngôn ngữ. Đàn bà cũng cần những căn nhà ngôn ngữ như vậy. Đàn bà cần có những căn nhà để trú ngụ chứ không phải nơi cầm tù họ, một nơi trú ngụ an toàn trong đó đàn bà được tăng trưởng và biến đổi về văn hoá.
Ferdinand Mount của tờ “The Guardian” phát biểu trong một bài viết. Ông thích đọc các nhà văn nữ vì tác phẩm của họ ít có khuynh hướng ồn ào nhưng gây ấn tượng sâu đậm và ở lại rất lâu trong lòng ông. Họ tránh dùng những ma thuật trong kỹ thuật viết lách. Họ chọn địa bàn nhỏ gần họ hơn như gia đình là tiêu biểu vì nó phản ảnh sự thực đời sống phụ nữ.
Khi đi nghỉ lễ, ông mang theo tiểu thuyết của Brookner, Atwood, Jane Hamilton, Zadie Smith. Ông tìm thấy sự đồng cảm và gần gũi với thế giới tiểu thuyết họ.
Tại sao? Không phải vì ông có tính yếu đuối, sướt mướt hay đa cảm. Ngược lại những nhà văn nữ ông đọc có khuynh hướng đột phá, bung thoát khỏi tầm ngắm của họ. Cũng không phải vì ông tò mò xem phụ nữ viết gì? Sự thật là phụ nữ viết về phụ nữ hay hơn, cũng như phái nam viết về họ thật hơn. Cũng không phải vì ông nghĩ phụ nữ nhạy cảm hơn với cuộc sống quanh họ. Có người như Jane Austen hay các người khác nữa đã chọn lối viết khô và bình dân hơn bao giờ hết. Tất cả những công khó của họ cốt để phái nam hiểu rõ đời sống phụ nữ mà thôi.
Giống như phái nam, phụ nữ cũng có lỗi khi viết. Carol Shields có thể sa đà vào sự thiếu nhất quán. Anita Brookner lập lại chính mình, Beryl Bainbridge hơi cẩu thả. Hilary Mantel rơi vào nhàm chán. Nhưng tất cả đã làm tròn vai trò của họ trong việc chuyên chở những cảm xúc và tư duy của mình mà phái nam dù có tưởng tượng hay, giỏi cách mấy cũng không có được.
Trong một bài phỏng vấn của Hợp Lưu (do Lê Quỳnh Mai), Lê Minh Hà đã trả lời về những trang viết của bà.
Chuyên chở nỗi khổ đau của con người? Có vẻ Nghệ Thuật Vị Nhân Sinh quá nhỉ? Nếu những trang viết của tôi có chứa chở điều gì đó thì thú thật với chị đó không phải là ý định của tôi khi viết. Tôi không viết về ai ngoài tôi. Nên sẽ vui hơn nếu bạn đọc có thể đọc ở tôi những gì không đau khổ. Khổ đau là định mệnh và cũng là tặng vật trời dành cho chúng ta. Chẳng cách này thì cũng cách khác. Vậy thì mong tận diệt nó làm gì? Và cách nào cơ chứ. Đằng nào thì cũng không tránh được, nên nếu có thể mong, tôi mong được biết tới những đau khổ có khả năng giải phóng tinh thần của con người.
Cixous, một nhà văn chủ trương lối viết biểu hiện được tính cách lưỡng tính, nam và nữ. Bà kêu gọi phụ nữ,“Phải viết để đặt người nữ vào văn bản, đồng thời cũng để đặt người nữ vào thế giới và lịch sử.” Bà cũng nhắc nhở người nữ phải cảnh giác đừng để một ai cầm giữ hoặc cản trở công việc viết văn của mình, nhất là đàn ông và chính mình. Viết chính là tiếng nói của phụ nữ, tiếng nói được xem như là cất lên từ dục tính chứ không phải từ văn hoá, tiếng nói để tạo ra cuộc đời, tạo ra lạc thú chứ không phải để tích tụ. Hay nói như Tori Moi trong sách Sexual/Textual Politics, phụ nữ được thể hiện trọn vẹn qua tiếng nói và viết văn chẳng qua chỉ là hình thức nối dài của diễn từ, Theo Cixous, tiếng nói của mỗi phụ nữ không phải chỉ là tiếng nói của chính mình mà là tiếng nói được vang lên từ tầng lớp sâu thẳm trong tâm linh. Diễn từ của người nữ là tiếng vọng của bài ca nguyên thủy mà nàng đã từng nghe qua, tiếng nói hiện thân của tình yêu đầu.
Rebecca Foster, nhà văn nữ chuyên về loại tiểu thuyết hình sự ly kỳ (Legal Thriller) phát biểu trong một bài phỏng vấn. Bà nhấn mạnh khi được hỏi tại sao bà bước vào lãnh vực luật pháp khô khan ít người phụ nữ nào đụng tới. Đây là điều bà muốn tỏ rõ, người viết nữ không nhất thiết phải bó buộc trong khuôn khổ một thể loại nào. Thật là buồn cười khi có người phê bình, “Bà viết giống đàn ông.” Tuy đó là một lời khen nhưng cũng chỉ là một câu bình phẩm thông dụng có nghĩa phụ nữ phải viết cho giống phụ nữ và nam giới phải viết cho ra nam giới. Tỷ như cuốn The Horse Whisperer là một tiểu thuyết lãng mạn nhưng chấm dứt với một kết cuộc có hậu. Nó được liệt kê vào loại tiểu thuyết văn học nhưng thật ra nó là tiểu thuyết lãng mạn.
Trần Thị NgH đã trả lời Phạm Việt Cường trong một bài phỏng vấn về những truyện ngắn mới viết của bà.
Nói chung, có vẻ như truyện của tôi đem lại niềm vui cho một vài người thân. Cười bằng mười thang thuốc bổ. Trân Sa ghi nhận chị “biến bi thành hài còn ông Nguyễn Huy Thiệp biến hài thành bi.” Đàng nào cũng vui, tôi cũng không biết tại sao càng về già tôi càng có khuynh hướng viết truyện tiếu lâm. Trong tương lai có lẽ tôi chuyển sang viết truyện trinh thám. Hình như ở VN chưa có nhà văn nữ nào làm việc này. Tôi thích máu me bạo lực nhưng phải hài. Hình sự hài, hoặc tệ lắm cũng phải kinh dị hài.
Nhà văn Phạm Thị Hoài thì sôi động và sắc sảo trong lối viết khúc chiết, ẩn hiện sự biếm hài. Bà dùng ngòi bút sắc như dao của mình cứa mạnh vào ung nhọt và những bệnh dịch xã hội, nhất là ở tầng lớp trí thức. Trong một cuộc toạ đàm, bài nói chuyện “Tư cách chính thống của trí thức VN” đã tạo nên dư luận sôi nổi, nhiều tranh cãi một thời. Bà dùng ngôn ngữ chính luận thông thường nhưng xoáy sâu vào tầng lớp ưu tú xã hội, tầng lớp cao nhất, đại diện cho những người có học. Trong tác phẩm “Marie Sến” cũng vậy, những nhân vật được đem ra diễu cười và mổ xẻ là những người đại diện cho tầng lớp trí thức.
Truyện ngắn của Phan thị Vàng Anh buồn, thơ mộng và thoang thoáng như mây như mưa với giọng văn nhẹ nhàng, thùy mị hơn. Tuy nhiên nó chất chứa nhiều mâu thuẫn và xung đột, nhất là xung đột thế hệ.
Có một số người viết nữ có khuynh hướng bung thoát khỏi tầm ngắm. Họ muốn bứt phá bức tường thành kiến xã hội, tả và viết về tình dục như một biểu trưng của nữ quyền. Đồng thời họ cũng là mục tiêu cho nhiều phát đạn từ nhiều phía bắn vào.
Hình ảnh một người phụ nữ phản kháng lại thành kiến xã hội có thể là một hình ảnh cực kỳ xấu xa dưới mắt nhìn của nam giới và xã hội. Người phụ nữ viết về tình dục còn phải đối đầu với bạn bè, người thân, gia đình lúc nào cũng có những bất đồng ý kiến. Họ sẽ được gắn nhãn hiệu “một người nữ dữ dằn, mất tính dịu dàng, thùy mị, biết phục tùng của người phụ nữ Việt Nam,” không kể đến việc viết về tình dục sẽ bị gán thêm danh hiệu “con đĩ dâm ô” vì quan niệm “văn là người.”
Họ bị xem thường và hạ phẩm giá ngang hàng với tình dục vì từ lâu xã hội vẫn quan niệm tình dục là thấp hèn, đồi trụy, dâm ô, là bản năng loài thú. Người viết về tình dục tức một người dâm ô đáng khinh miệt!!!
Trong xã hội ngày nay, nhiều người đã có quan niệm cởi mở về tình dục. Nhiều người viết nam đã nhắc nhở và đề cập tới sex nhiều hơn trong tác phẩm của mình mà độc giả xem như đó là chuyện tự nhiên, quen mắt. Nhưng đối với người viết nữ Việt Nam thì không. Họ vẫn bị lên án viết tục tĩu. Những Lê thị Thấm Vân, Dương Như Nguyện, Trân Sa, Nguyễn Hương, Đặng Thơ Thơ, Đỗ Lê Anh Đào, Mai Ninh, Đỗ Hoàng Diệu, Phước An, Nguyễn thị Minh Ngọc dưới mắt người đọc đã chạm đến tình dục như chạm đến một điều cấm kị của đạo đức xã hội.
Vào thế kỷ 20, người ta đã phải định nghĩa lại chiến tranh. Biên giới của nó được nới rộng để bao gồm cả người phụ nữ với một con số lớn chưa từng thấy từ trước đến nay. Đồng thời, nó cũng mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ vì vai trò của họ đã thay đổi và xác định lại trong thời chiến. Họ được biết đến qua các vai trò mà ngày xưa nam giới thường đảm nhiệm như ký giả, nhà văn, phê bình gia, thi sĩ và nhiều hơn nữa. Phụ nữ viết về chiến tranh như thế nào? So với phái nam, cái nhìn của họ có khác. Tận dụng năng lực của ngòi viết, cả hư cấu lẫn hiện thực, cũng như phái nam họ nói lên kinh nghiệm từng trải hoặc tưởng tượng của họ qua các hình thức tiểu thuyết, nhật ký, phỏng vấn, thơ ca…
Virginia Woolf, Rebecca West, Martha Gellhorn, Kikue Tada, Charlotte Delbo, Anna Akhmatova, Vera Brittain, Gwendolyn Brooks, Willa Cather, Martha Gellhorn, Käthe Kollwitz, Doris Lessing, Amy Lowell, Katherine Mansfield, Mary McCarthy, Toni Morrison, Dorothy Parker, Mary Lee Settle, Gertrude Stein, Huong Tram, Edith Wharton, Mitsuye Yamada… là những nhà văn nữ viết về chiến tranh từ Âu sang Á, từ Thế Chiến Thứ Nhất cho tới bây giờ. Họ viết tất cả, từ nạn nhân, người bị bạo hành, thân phận tù tội cho đến kẻ sống sót, không phần đời bi thảm nào mà họ bỏ sót. Quả y như lời Virginia Woolf nói, “Thật vậy, là phụ nữ, tôi không có tổ quốc. Là phụ nữ tôi không muốn có tổ quốc, vì tổ quốc của tôi bao trùm cả thế giới.”
Dưới ngòi viết của Nhã Ca, chiến tranh là những kinh hoàng, khốn khổ, lửa đỏ, nước mắt ngược xuôi, đầy cảm tính. Giải khăn sô cho Huế của bà đã ghi được cơn hấp hối của Huế trong trận thảm sát Mậu Thân với hàng chục ngàn hài cốt dân Huế dưới những mồ chôn tập thể. Đâu cũng có nét hoảng hốt, chỗ nào cũng là người chết, kẻ bị thương. Tiếng vật vã, mẹ khóc con, vợ khóc chồng thê thiết, bi ai trong tiếng đạn phá, đại bác réo tơi bời. “Con tôi, chồng tôi, mô rồi, con ơi là con…” Có thể nói khi viết về chiến tranh ngòi viết nữ bỗng chảy thành thể lỏng rấm rứt, thê lương. Đặc biệt hơn, dưới vai trò nạn nhân, bản năng người mẹ của phụ nữ trỗi dậy, họ như gà mẹ xù lông đối đầu với nanh vuốt diều hâu. Họ sẵn sàng hy sinh, dìu dắt và liều chết để bảo vệ con trẻ trước sự bạo hành của bất cứ bàn tay nam giới nào hung bạo. Hầu hết những câu viện dẫn hay chủ đề của chiến tranh hiện đại là những tổn thất dân sự nói về sự tàn phá của chiến tranh đối với phụ nữ và gia đình họ. Trong chiến tranh “Mạnh được, yếu thua,” lẽ phải về tay kẻ mạnh, sự thua thiệt về tay kẻ yếu. Tuy nhiên, dưới hai lằn đạn, dù ở phía này hay bên kia cuộc chiến, thân phận người phụ nữ lúc nào cũng là thân phận của kẻ yếu. Họ bị ngược đãi, bạo hành, cưỡng dâm, vùi dập và chịu mọi phục tùng trước sức mạnh và quyền lực. Hằng năm có biết bao nhiêu phụ nữ bị cưỡng dâm trong các cuộc chiến khắp nơi trên thế giới. Con số có thể lên đến trên nửa triệu nếu người ta đếm được. Vậy mà sau cuộc chiến họ là người có công trong việc tái lập trật tự gia đình, xã hội. Bàn tay của họ dịu dàng, nhẫn nhục, xoa dịu và chữa lành những vết thương ghẻ lở tàn dư của cuộc chiến. Họ là bông hoa thắm tỏa hương, tấm khăn thơm lau mặt, tô cháo nóng chiều đông, nan quạt mát trưa hè, bông lúa chín rực vàng đồng nội. Người phụ nữ viết không phải để kể công trạng của họ thời hậu chiến hay tuyên dương chiến thắng mà họ viết để kể lể sự bất hạnh, để tìm sự cảm thông, để bày ra ánh sáng những giọt máu âm thầm đã nhỏ trong góc tối của một kiếp đàn bà chịu đoạ đày. Họ viết bằng mực máu nhỏ từ tim.
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt từ lâu nhưng vẫn tác hại trực tiếp trên đời sống con người, nhất là ở người phụ nữ. Nó bày ra thảm kịch thời hậu chiến mà những người phụ nữ trong truyện Chốn Vắng của Dương Thu Hương đã gánh chịu khốc hại. Những người lính sau cuộc chiến trở về tàn tật hay không đều mang những vết thương không sinh vật lý thì tâm thần hoặc cả hai. Người về từ mặt trận dĩ nhiên được hưởng đặc ân và sự kính ngưỡng trong lòng cộng đồng dân tộc. Đó là lúc họ lên tiếng đòi phần hạnh phúc đã mất đi và không đối thủ nào khác có thể cạnh tranh được. Nghĩa là họ được ưu tiên hạng nhất. Từ thành thị đến nông thôn, làng xã tới huyện ủy đều phát động phong trào xung phong kết hôn với thương phế binh để đền ơn đáp nghĩa những người có công với tổ quốc. Các cô gái đua nhau tình nguyện để trở thành vợ mãn đời của các thương phế binh. Vở bi hài kịch cuộc đời của các cô gái trẻ hậu chiến bắt đầu khi được người ta chuyển giao những chiếc cáng phế binh đang nằm phủ chăn hoa sặc sỡ. Có người cụt tay chân, mù mắt hay thương tật ở nơi nào đó trên thân thể. Có cô chỉ nhìn thấy được cặp mắt khờ dại của người chồng mới cưới trên chiếc băng-ca sau tấm chăn phủ kín. Nam, hy sinh thân xác và tuổi trẻ. Nữ, đánh mất phần đời hoa bướm còn lại cho người chồng thương tật. Các cô được gì? một tấm giấy ban khen? một danh dự hão? Những nạn nhân hứng chịu sự đoạ đày khắc nghiệt này biết quy tội cho ai? Chỉ có Chiến Tranh, tên tội đồ gieo máu lửa. Có ai nhạy cảm và nhận ra ngay cái đau, khổ, thấp bé của người phụ nữ bằng người phụ nữ. Chỉ ngòi viết nữ mới nhạy bén trong việc nhìn thấy, cảm thông và phản kháng được sức mạnh của thành kiến, luân lý, đạo đức xã hội đầy bất công đè nặng lên thân phận người phụ nữ nhất là trong thời chiến, lúc sự phân biệt thiếu rạch ròi, lúc lẽ phải bỗng chốc trở thành phi lý.
Như chúng ta đã thấy, vai trò phụ nữ ngày càng đa dạng. Họ đã tham gia vào nhiều lãnh vực, kinh tế, thương mại, chính trị, y tế, xã hội, v.v. Họ góp thêm bàn tay vào thế giới văn chương, nghệ thuật, truyền thông bằng ngòi viết. Viết đối với người phụ nữ trong thế kỷ này quan trọng như một nhu cầu. Viết cũng là một phương tiện mang tiếng nói của họ đến gần với chúng ta cũng như họ cần chúng ta cảm thông, tương tác và phúc đáp lại tiếng kêu thao thiết của họ. Thế giới ngày nào còn chiến tranh, chúng ta còn nghe thấy tiếng phản kháng, giảng hoà, phản chiến của họ. Tiếng nói đầy nhân bản của người phụ nữ là tiếng nói những nhân chứng trực tiếp hứng chịu đọa đầy của chiến tranh và sự bất công của thành kiến gia đình, xã hội. Có những bài học chúng ta cần học, tại sao chúng ta không học lấy bài học của người đi trước, người đã từng trải qua bao nhiêu kỷ niệm đắng cay. Những bài học dưới ngòi viết của người phụ nữ.
Trịnh Thanh Thủy