Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Đợi Chờ




Tác giả: L


Khoảng trống mênh mông, khoảng trống buồn
Cuộc đời chữ nhật, tròn hay vuông
Mà khi trời lặn và đêm xuống
Chỉ thấy quanh ta bốn bức tường

Trắng ngã đôi tay, sầu đượm sầu
Chiếc thuyền cô độc ghé về đâu
Ðã hay định mệnh thường dâu bể
Mà nghĩa ân tình cũng nhạt mau

Giọt dài, giọt ngắn, giọt nào vương
Ðêm vắng mình ta, ai có thương?
Từng giọt mềm môi nghe mặn đắng
Tình xa, tình đợi, bến sông Tương

Giọt lệ lạc loài, giọt lệ rơi
Ai thương, ai tiếc cánh hoa đời
Sầu giăng khung cửa, sầu vương mắt
Vẫn đợi, vẫn chờ một bóng thôi !

Chánh ngữ và bốn giới hạnh về ngôn ngữ



 Trần Đình Hoành


Trong thời đại thông tin bùng nổ của chúng ta, với đủ mọi thứ báo chí, TV, radio, email, websites, blogs… chúng ta nói/viết rất nhiều và nghe/đọc cũng rất nhiều. Ngôn ngữ tràn ngập đường phố, tràn ngập không gian thật, và tràn ngập không gian ảo. Vì vậy, trong mọi loại tội lỗi gây ra ngày nay, có lẽ là tội lỗi từ lời nói và chữ viết là nhiều nhất.

Phật pháp có bốn giới hạnh về ngôn ngữ, tức là bốn điều cấm kị về lời nói: vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, và ác khẩu.

1. Vọng ngôn là nói dối. Có nói thành không, không nói thành có.

Trong luật pháp còn có khái niệm “misleading” (dẫn đi lạc), tức là nói một nửa giấu một nửa để cho người ta hiểu lầm. Ví dụ : “Anh yêu em trọn đời” (nhưng anh không nói ra là anh dự tính chẳng bao giờ cưới em làm vợ). Trên nguyên tắc thì câu nói yêu em là đúng, ngoại trừ nó thiếu phần sau nên nó được dùng để lừa con gái người ta.

2. Ỷ ngữ là thêu dệt. Có 1 thêu dệt thêm thành 10, để nói xấu người khác (kiểu các blog nhảm nhí), hoặc lường gạt người khác (kiểu người bán hàng không thành thật).

3. Lưỡng thiệt là hai lưỡi. Tức là đâm thọc đầu này đầu kia để thiên hạ đánh nhau.

4. Ác khẩu là lời hung ác.

Ngày nay trong các diễn đàn và thư rác, nhất là các diễn đàn và thư rác có mùi chính trị, bốn loại ngôn ngữ cấm kị này tràn ngập. Chúng hủy hoại văn hóa và trí tuệ của chúng ta. Những người dùng những loại ngôn ngữ này đầu độc chính họ và những người khác. Họ làm dòng thông tin của xã hội mất chính xác vì toàn dối trá, làm người ta ngu dốt vì tiêu thụ thông tin dối trá, và làm người ta hung ác vì tiêu thụ ngôn từ và ‎ý tưởng hung ác.

Một xã hội toàn thông tin rác tạo ra người dốt và ác, thì xã hội đó chỉ có thể là trộm cướp.

Ngày nay, vì các lối nói và viết như thế tràn lan, ta chỉ nói đó là “thiếu văn hóa”.

Nhưng, sự thật là trong rất nhiều trường hợp, đó là hình tội. Ví dụ: Nói dối hay thêu dệt trên blog về một người nào đó có thể là tội vu khống hay mạ lị. Nói dối để lấy tiền của người là tội lừa lọc.

Trong các truyền thống tâm linh, bốn cách nói trên (vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu) là tội lỗi.

Trên phương diện phát triển tâm lý con người, chúng làm cho nhiều người trong xã hội thành ngu dốt, hung ác, và thiếu phẩm cách.

Trên phương diện ngoại giao và quản lý, chúng là cơn bệnh mà bệnh nhân bị mất sự tin tưởng và kính trọng của người khác, cho nên người đó ngóc đầu lên không được trên đường sự nghiệp.

Vì vậy, hàng ngày, khi bạn đọc thì lựa bài mà đọc, nghe thì lựa bài mà nghe, nói hay viết thì lựa từ mà dùng.

Đối nghịch lại với 4 loại ngôn ngữ xấu này, là “chánh ngữ”.

Chánh ngữ là một trong tám nhánh đường giác ngộ (bát chánh đạo).

Chánh ngữ là lời nói thành thật, chính xác, hòa ái.

Chánh ngữ là nói/viết với chánh niệm—tức là tập trung tư tưởng vào lời nói hay chữ viết mình đang dùng, với một trái tim thiện hảo mong mang lại yêu thương, tích cực, và phúc lợi cho những người nghe/đọc mình.
Ngôn ngữ có thể là một trong tám nhánh đường đưa đến giác ngộ–giải thoát ta khỏi biển si mê—hay là một nghiệp tội đẩy ta xuống địa ngục tối tăm của ngu dốt.

Mười điều cần biết về nhân học xã hội




Alan Barnard, Lê Hải lược dịch và chú thích[1]


1. Nghiên cứu nhân học xã hội
Nhân học xã hội là ngành học về cuộc sống xã hội của loài người. Sinh viên học môn này vì nhiều lý do khác nhau, nhưng đa số là vì muốn tìm hiểu những trải nghiệm rất khác nhau và đa dạng của con người. Kiến thức về sự giống nhau và khác biệt giữa các xã hội sẽ giúp sinh viên hiểu hơn về xã hội nói chung. Nhân học xã hội có thể bổ sung cho nhiều bộ môn khác, và cũng có thể ứng dụng trong nhiều ngành nghề. [...]

2. Dân tộc ký: viết về dân chúng
Dân tộc ký (ethnography) có nghĩa là viết về dân chúng. Đối tượng của dân tộc ký là thâm nhập vào bên trong một nền văn hóa khác, và mục tiêu là so sánh kết quả với những nghiên cứu dân tộc ký đối với các nền văn hóa khác. Xuất phát của ngành dân tộc ký bắt đầu từ thế kỷ 19, và sinh viên ngành nhân học vẫn tiếp tục học các kỹ năng dân tộc ký cổ điển, được xây dựng chủ yếu từ đầu thế kỷ 20. [...]

3. Sinh thái học: kiến thức về môi trường và kỹ thuật
Sinh thái học (ecology) là môn học về mối quan hệ giữa các sinh vật sống và môi trường. Trong ngành nhân học, bộ môn này quan tâm đến mối quan hệ giữa con người trong môi trường sống của họ, và chuyện họ sử dụng kỹ thuật như thế nào để khai thác môi trường đó. Các nhà nhân học sinh thái tập trung vào việc người làm thế nào để kiếm sống và thường chuyên tâm vào các nguyên cứu những mô hình xã hội đặc biệt trên cơ sở này, ví dụ như loại hình săn bắn hái lượm, các cộng đồng ngư dân, v.v. [...]

4. Kinh tế: diễn giải sản xuất và phân phối
Kinh tế đề cập tới các vấn đề vật chất của xã hội. Các vấn đề đó bao gồm sản xuất, phân phối nội bộ, và trao đổi với các xã hội khác. Các ca nghiên cứu được dân tộc ký khai thác để làm nổi bật góc cạnh văn hóa của các hệ thống kinh tế và soi sáng kiến thức về kinh tế vốn trừu tượng. Các nghiên cứu nhân học sẽ tạo ra nhiều lý thuyết khác nhau về các cơ sở kinh tế.

5. Chính trị và luật: phân quyền và kiểm soát xã hội
Chính trị bao gồm quyền lực và uy tín lãnh đạo, chính sách chọn lựa, và cơ cấu kiểm soát xã hội (băng nhóm, bộ lạc, thủ lãnh và quốc gia). Nhân học chính trị tập trung vào các vấn đề đó cùng với những đề tài có liên quan như sắc tộc và chủ nghĩa dân tộc. Nghiên cứu nhân học trong luật pháp cũng có liên quan tới nhân học chính trị. Nó thiên về các nghiên cứu so sánh, đặc biệt là đối với luật lệ trong các xã hội ở qui mô nhỏ[3]. [...]

6. Lòng tin, nghi lễ tôn giáo và hệ thống biểu tượng
Lòng tin, nghi lễ tôn giáo và hệ thống biểu tượng (symbolism) là những góc cạnh phức tạp của văn hóa. Nhà nhân học tìm cách diễn giải các hệ thống này mà không áp đặt trước lối đánh giá bằng lòng tin tôn giáo của bản thân. Họ lập ra các khái niệm xây dựng nên từ quá trình nghiên cứu nhiều xã hội và các phương pháp dựa trên quan sát và linh cảm. Những khác biệt then chốt, như hi sinh và báng bổ, hay phù thủy và yêu thuật giúp cho công việc đó được dễ dàng hơn. Nhờ tìm cấu trúc của các huyền thoại và hệ thống biểu tượng, một số nhà nhân học đã tìm được ý nghĩa của cái mà ban đầu tưởng như là một mớ hỗn độn vô nghĩa[4]. [...]

7. Tính dục, giới tính và gia đình
Tính dục liên quan đến sinh vật, còn giới tính thì dính nhiều tới các hành vi xã hội và văn hóa. Các nhà nhân học đã nghiên cứu giới tính trong các xã hội khác nhau, nhưng quan trọng hơn là họ đã tiến hành so sánh giữa các nền văn hóa và tìm bằng chứng ủng hộ hoặc phản lại các suy nghĩ phổ biến về tính dục và giới tính. Lập luận nữ quyền ảnh hưởng đặc biệt mạnh khiến các nhà nhân học phải cân nhắc về các vấn đề như vậy. Tương tự vậy, các nghiên cứu xuyên văn hóa về gia đình và hôn nhân cho thấy những gì chúng ta thường coi như là phổ biến lại hóa ra không phải như vậy[5]. [...]

8. Dòng họ: thuật ngữ, gốc gác và liên minh
Dòng họ là bộ môn đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhất của nhân học, nhưng cũng không kém sức thu hút. Chìa khóa để thành công là học những khái niệm cơ bản và làm chủ kỹ năng đọc và vẽ sơ đồ họ hàng. Bộ môn dòng họ bao gồm phép phân loại người thân, cơ cấu tổ chức các nhóm họ hàng, và các quan niệm về hôn nhân. Các nhà nhân học chuyên tâm vào các nhóm họ hàng được gọi là 'các lý thuyết gia về gốc gác', và những ai quan tâm hơn đến các mối quan hệ giữa các nhóm (qua hôn nhân) được gọi là 'các lý thuyết gia về liên minh'[6]. [...]

9. Nhân học ứng dụng và phát triển
Một số nhà nhân học coi ngành nhân học ứng dụng (applied) như một nhánh của nhân học chuyên nghiên cứu các vấn đề mang giá trị thực dụng, trong khi một số khác thì lại tin rằng tất cả các nhánh của nhân học đều có nhiều khả năng áp dụng được trong cuộc sống. Bất kể quan điểm là như thế nào thì những người nghiên cứu nhân học ứng dụng sử dụng các tư tưởng của nhân học trong các lãnh vực như giáo dục đa văn hóa, chính phủ, y tế và công tác thiện nguyện. Nhân học phát triển (development) cũng là ngành có liên quan. Các nhà nhân học phát triển tập trung vào công tác tư vấn cho các chính phủ và các tổ chức từ thiện về các vấn đề xã hội và văn hóa liên quan tới phát triển kinh tế, đặc biệt là ở Thế giới thứ ba[7]. [...]

10. Lý thuyết nhân học
Lý thuyết nhân học cùng lúc hướng dẫn quá trình nghiên cứu theo phương pháp nhân học và đồng thời cũng đưa ra giải nghĩa cho các kết quả tìm được. Nó tạo ra khung lý thuyết cho hệ thống kiến thức về văn hóa và xã hội. Bởi vì các nhà nhân học có quan điểm khác nhau về kết cấu của một khung lý thuyết như vậy, cho nên họ thường tranh cãi. Lý thuyết nhân học thay đổi rất nhiều trong những năm qua, nhưng nhiều nhà nhân học dự vào các hệ tư tưởng cổ điển hoặc đặt cơ sở cho quan điểm hiện tại của mình dựa trên những cuộc tranh luận quan trọng trong quá khứ. [...]

--------------------------------------------------------
[1] Đây là quyển giáo trình cho sinh viên do giáo sư Alan Barnard biên soạn Social Anthropology - Investigating Human Social Life, Studymates xuất bản lần thứ hai 2006 (2000), 160 trang. Người dịch chỉ chuyển tải phần rút gọn ở mỗi đầu chương để cung cấp một số ý niệm cơ bản. Quí vị có thêm quan tâm về quyển sách này xin mời truy cập vào địa chỉ www.studymates.co.uk để tham khảo thêm. Giáo sư Alan Barnard dạy ở khoa Nhân học chuyên về vùng Nam Phi của Đại học Edinburgh, email: alan.barnard@studymates.co.uk
[2] Foreword do giáo sư Tim Ingold từ Đại học Aberdeen viết.
[3] Ví dụ như công trình nghiên cứu và mô tả hoạt động cấp phường ở Hà Nội của tiến sĩ chính trị học người Singapore David Koh, Viện nghiên cứu Đông Nam Á. Có thể đọc thêm ở trang mạng giới thiệu sách http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/08/080822_david_koh.shtml
[4] Ví dụ như công trình nghiên cứu và phân loại hồn ma ở Việt Nam của tiến sĩ nhân học Anh gốc Hàn quốc Kwon Heon-ik, Đại học Edinburgh. Có thể đọc thêm ở trang mạng giới thiệu sách http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/09/080908_kwon_heonik.shtml
[5] Ví dụ như công trình nghiên cứu tái dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hậu thuộc địa của tiến sĩ nhân học Anh Susan Bayly, Đại học Cambridge. Có thể đọc thêm ở trang mạng giới thiệu sách http://www.bbc.co.uk/vietnamese/magazine/story/2008/08/080826_hanoi_intellectuals.shtml
[6] Ví dụ như các nhà nghiên cứu phát hiện thấy mối quan hệ mandala - dùng hôn nhân để tạo liên minh giữa các nhóm - rất phổ biến trong ngoại giao ở Đông Nam Á trước thời bị thực dân ảnh hưởng. Nhà Trần từng giữ mối quan hệ ngoại giao với vương quốc Chămpa bằng đám cưới Công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân (Jaya Sinhavarman III), đổi lại quyền làm chủ châu Ô và châu Lý. Có thể đọc thêm ởhttp://vi.wikipedia.org/wiki/Huyền_Trân, hoặchttp://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/07/050724_regionalism.shtml


[7] Ví dụ như công trình nghiên cứu của chuyên gia Ronald Bruce St John về chiến lược cải tổ của Việt Nam. Có thể đọc thêm ở trang mạng giới thiệu sách

Tư duy tích cực và chiều sâu con tim



 Trần Đình Hoành

Nếu các bạn đã nghiên cứu và thực hành tư duy tích cực lâu năm, các bạn đều nhận ra một điều là tư duy tích cực có nhiều cấp độ, mỗi cấp độ có hiệu lực trên một loại tình huống nào đó trong đời sống. Nếu ta tích cực đang chỉ ở cấp 3, mà tình huống ta đang đối diện có mức khó khăn cấp 7, thì khả năng tích cực của ta cũng không đủ để giúp ta thật sự.

Kinh nghiệm cho thấy càng muốn đi sâu vào tư duy tích cực ta càng phải bước sâu vào quả tim của mình. Cấp đầu của tất cả các khóa học về tư duy tích cực luôn luôn nằm ở mức nửa ly nước. Cấp hai là biết mình và yêu mình. Cấp ba là yêu người và yêu thế giới. Cấp tư trở lên là tìm kiếm những giá trị sâu thẳm trong con tim của mình, những gì cho mình tình yêu, an lạc và sức mạnh tinh thần nhiều nhất. Đại khái là theo cấp bậc sau: gia đình, quê hương, đồng bào và tổ quốc, thế giới con người, Đại Thể Tuyệt Đối (the One, the Ultimate, the Beginning and the End, the Heart, God). Tùy theo mình muốn đi sâu đến đâu, sức mạnh tinh thần của mình tăng theo đến đó. Con đường này dài đủ để cho tất cả mọi người đều có thể đi cùng đường, dù rằng cấp độ có thể khác nhau.

Có vài điều chúng ta cần quan tâm ở đây là:

1. Người cấp một thì chưa biết cấp ba. Cho nên khi các bạn nghe một điều mà không thấu triệt, thì khoan gạt ra đã. Có thể năm tới bạn sẽ nghiệm ra, hoặc có thể là bạn sẽ cần 20 năm sống nữa để hiểu ra. Khiêm tốn một tí thì thu thập tốt hơn. Mình đọc Bát Nhã Tâm Kinh và vô chấp lúc học triết ở Đại Học Văn Khoa năm 18 tuổi. Ba mươi năm sau, mình hiểu được Bát Nhã Tâm Kinh và vô chấp. Và những điều “ngớ ngẩn” Chúa Giê Su nói (như là “yêu kẻ thù”) cũng tốn mình khoảng 30 năm suy nghĩ và sống.

2. Nếu bạn không quan tâm đến quả tim của bạn, thì bạn sẽ luôn luôn dừng ở cấp một, cấp hai, không tiến lên được.

3. Càng vào sâu trong quả tim, càng khó diễn đạt. Nói một, nhiều khi người nghe hiểu lầm hai ba. Cho nên các quí vị đắc đạo rất ít nói. Gặp nhau thì hầu như chẳng nói gì bao giờ. (Nói nhiều như mình, ngày nào cũng viết bài, là chưa đắc đạo. Nhưng không viết thì không chia sẻ với các bạn được, nhất là các bạn trẻ hơn mình, mà mình rất quan tâm). Vì vậy, vào các vấn đề chiều sâu của con tim, các bạn đọc, nhưng nên tự quán sát con tim của mình kỹ càng để thực hành hàng ngày thì mới trực nghiệm được các vấn đề. Đừng quá bị ảnh hưởng bởi ngôn từ ta đọc, vì chấp vào ngôn từ là ta sẽ lạc.

4. Khi nói đến chiều sâu thẳm nhất của con tim, bắt buộc ta phải rớ đến các khái niệm nghe rất tôn giáo, hay các vị thầy được xem là giáo chủ các tôn giáo. Nhưng chiều sâu con tim không phải là tôn giáo. Tôn giáo là đình, chùa, thờ, miếu, chức sắc, hàng ngũ, tiền bạc, quyền lực, luật lệ hành chánh, và đôi khi là tranh chấp quyền lực và chính trị. Nói chung đó là những tổ chức con người không khác các đại công ty mấy. Các việc đó không phải là việc chúng ta quan tâm ở đây. Chúng ta chỉ quan tâm đến thành quả nghiên cứu chiều sâu con tim của các vị thầy của các tôn giáo đã gặt hái trong mấy ngàn năm để sử dụng những gì ta đồng y’‎ và thấy thích hợp với mình. Nếu nhìn quanh thế giới, thì ta thấy kho dữ liệu lớn nhất về nghiên cứu sức mạnh tinh thần là các tôn giáo. Bên ngoài đó, thì chỉ có khoa tâm l‎y’ học, nhưng khoa này cũng chỉ mới thực sự thành hình được chừng 100 năm nay, và cho đến lúc này thì vẫn mới chỉ sờ đến lớp da ngoài của tâm trí con người.

5. Dù sao đi nữa thì mình tin rằng, ở bất kỳ mức độ thấp cao nào, tất cả chúng ta đều có thể cảm nhận được một điều rất căn bản: Muốn hiền dịu vui tuơi với đời, nhưng mạnh mẽ, nghĩa là không bao giờ gãy, ta phải đứng vững trên một vài qui luật đã có từ nghìn, hay có thể là triệu, năm nay để giúp chúng ta vững mạnh.

Tạm gọi là “nhân lễ nghĩa trí tín.”

Nếu mình nhớ không lầm, Phan Bội Châu trong quyển Khổng Học Đăng có nói chữ “nhân” bao gồm tất cả các chữ khác. Và năm chữ “ngũ thường” này đi theo thứ tự quan trọng của nó: Nhân lễ nghĩa trí tín. Mất Nhân thì phải dùng Lễ. Mất Lễ thì phải dùng Nghĩa. Mất Nghĩa thì phải dùng Trí. Mất Trí thì phải dùng Tín.

Theo mình thấy trong mấy mươi năm nay, ở nước ta, và ở cả nhiều nơi trên thế giới, có một luồng văn hóa tích cực dạy người ta không thành thật, tức là sống mà bỏ chữ tín, bỏ cái thành thật đi, sống theo kiểu giành giật lươn lẹo, và cho đó là thức thời.

Chính sức mạnh dữ dội của luồng văn hóa đó đã gây ra bao nhiêu dối trá trộm cắp trong xã hội. Chúng ta phải đứng vững, vận động gạt luồng văn hóa đó ra ngoài, trước hết là trong tim mình, sau đó là thuyết phục những người chung quanh.

Chữ Tín là thành trì cuối cùng, chữ cuối cùng, trong đạo làm người; mất chữ này là ta đã mất hết cả năm chữ của đạo làm người.

Đây là vấn đề lớn cho đất nước và cho cả guồng máy giáo dục (vì thế, ta có chiến dịch nói “Không” với tiêu cực trong giáo dục). Chúng ta phải vững tâm để xua luồng văn hóa dối trá đi xa. Nếu không thì rất khó phát triển đất nước. Chỉ trong một ngôi trường nhỏ, thiếu chữ tín là bao nhiêu xào xáo đã xảy ra rồi, huống chi là cả một nước.

Đề cập đến các vấn đề lớn lao của đất nước đôi khi nghe rất nặng nề, vì ai trong chúng ta cũng cảm thấy nó quá lớn đối với mỗi cá nhân ta. Có lẽ các bạn cũng hiểu mình một tí rồi. Chính mình cũng chỉ thích chơi đùa, thi ca và âm nhạc hơn là mấy chuyện nặng nề. Nhưng nước nhà sừng sững trước mắt không thể bỏ qua.

Hơn nữa, nói thì nghe lớn, nhưng vẫn là chuyện nhỏ. Chỉ cần mỗi người chúng ta cố nắm chữ cuối cùng trong mỗi ngày của cuộc sống—chữ Tín.

Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời



Tác giả : Thơ Du Tử Lê - Nhạc Trần Duy Đức
Trình bày : Lê Uyên


Viết về tình trạng đổ vỡ gia đình trong tập thể người Việt tỵ nạn ở Mỹ, ngày một gia tăng, và đó cũng là tình trạng của chính tác giả.

Lần đầu tiên, tác giả đưa ra một quan điểm hoàn toàn ngược, lại, vốn rất phổ cập trong thơ văn Việt Nam. Đó là cái tinh thần “hứa hẹn dành cho nhau đời sau!” hay sẽ có nhau ở kiếp khác- khi tác giả viết:

“Chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn / nói gì kiếp khác, với đời sau.”

Có người cho rằng câu thơ này là đỉnh điểm của quan niệm hiện sinh – sống với hiện tại. Nhưng dù cho có đúng là như vậy, thì nội dung bài thơ, tự nó cũng vẫn thủy chung tấm lòng thương yêu, tưởng tiếc hạnh phúc đã mất. Tinh thần này, rất đông phương, không một chút tây phương nào hết!


chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
chim về góc biển. Bóng ra khơi
lòng tôi lũng thấp. tâm hiu quạnh
chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi.

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
buổi chiều chăn, gối thiếu hơi ai!
em đi để lại hồn thơ dại
tôi, vó câu buồn sâu sớm mai.

III.

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
em còn gương lược dấu đường ngôi?
nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn
và, khoảng trời xanh đến rợn người.

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
bàn tay dư mấy ngón chia phôi!
(tặng nhau chính ngón không đeo nhẫn)
và những tàn phai đầy tuổi tôi.

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
như trời nhớ đất (rất xa xôi.)
nắng mưa nhớ mãi hàng hiên đợi
thư nhớ hồi âm. Lệ nhớ môi.

BIS.

chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn
nói gì kiếp khác với đời sau.
đôi khi nghe ấm trên da, thịt
như thể ai đi mới trở về.


Có nghe đời nghiêng


Xem văn bản như là văn học





JONATHAN CULLER
LÊ MINH KHA DỊCH


- Giả sử bạn tình cờ bắt gặp những dòng sau đây:
Chúng tôi xoay vòng quanh và đoán mò
nhưng Bí mật ngồi ở giữa và thấu hiểu
Đấy là gì, và làm thế nào bạn biết điều đó?
Vâng, có nhiều điều cần lưu ý khi bạn tiếp xúc với nó. Nếu những câu này được in trên một mẩu giấy nhỏ trong chiếc bánh cầu phúc Trung Hoa, bạn có thể xem nó như lời đoán vận bí hiểm thường tình, nhưng khi nó được nêu ra như một dẫn chứng (như ở đây), bạn phải xoay qua trở lại các khả năng trong số những cách sử dụng ngôn ngữ gần gũi với mình. Nó có phải là một câu đố, đòi hỏi ta tìm ra điều bí mật? Phải chăng nó là mẩu quảng cáo cho món hàng được gọi là “Bí mật”? Những mẩu quảng cáo thường có vần điệu – “Winston vị thơm, đích thị thuốc lá” – và chúng dần trở nên mơ hồ trong những nỗ lực tranh giành khách hàng chán ngấy. Nhưng câu này dường như không lệ thuộc bất kỳ bối cảnh thực tế nào có thể hình dung được, gồm cả việc bán buôn một sản phẩm. Và thực tế nó có vần, sau hai từ đầu tiên, nó tuân theo nhịp đều đặn của sự xen kẽ những âm tiết nhấn mạnh và không nhấn mạnh(‘róund in a ríng and suppóse’), tạo nên khả năng đó có thể là thơ, một dẫn liệu văn học.

Tuy vậy, ở đây có một vấn đề nan giải: thực ra, câu này không có nội dung thực tế rõ ràng – điều chính yếu tạo ra khả năng nó là văn học, nhưng phải chăng, ta có thể không có được điều đó, bởi việc tách những câu này ra khỏi những bối cảnh xác định nội dung biểu hiện của chúng? Giả sử ta lẩy một câu văn ra khỏi cuốn tài liệu, công thức nấu ăn, mẩu quảng cáo, một tờ báo, và chép nó vào trang giấy riêng:

Khuấy mạnh và để trong năm phút

Đây có phải là văn học? Có phải tôi đã biến nó thành văn học bằng cách tách nó ra khỏi bối cảnh thực tế của một công thức nấu ăn. Có lẽ vậy, nhưng chắc chắn là rất đỗi mơ hồ. Dường như thiếu hụt điều gì đó; câu này văn này hầu như không có những thông tin để bạn xử lý. Để biến nó thành văn học, có lẽ, bạn cần hình dung một nhan đề mà mối quan hệ của nó với dòng này sẽ bộc lộ vấn đề và đòi hỏi trí tưởng tượng: chẳng hạn, “Bí mật” hay “Phẩm chất nhân từ”.

Những điều như thế sẽ hữu ích, nhưng một câu, chẳng hạn “Trái mận trên gối vào buổi sớm” dường như có nhiều khả năng trở thành văn học hơn, vì nó không thể là bất cứ điều gì, ngoài một hình tượng khơi gợi một sự chú ý nào đó, gọi mời những suy ngẫm. Cũng như vậy, đối với những câu mà liên hệ giữa hình thức và nội dung tiềm ẩn những điều đáng suy tư. Theo đó, câu mở đầu của tác phẩm triết học Từ quan điểm logic của W. O. Quine có thể được đón nhận như một bài thơ

Một thứ lạ lùng
về vấn đề bản thể
chính là sự giản dị của nó

Chép lại theo hình thức này lên một trang giấy, những mép lề đáng sợ của niềm im lặng vây quanh, câu này có thể thu hút sự chú ý nào đó, ta có thể gọi là chất văn chương: sự quyến rũ trong các từ ngữ, những quan hệ của chúng với thứ khác, những ẩn ý, và đặc biệt, sự thú vị trong mối liên kết giữa cái được nói với cách nói. Nghĩa là, chép lại theo cách này, câu đó dường như có thể đạt đến một ý niệm hiện đại nào đó về bài thơ và đáp ứng sự chú ý mà ngày nay, được gắn kết với văn học.

Nếu ai đó định nói câu này với bạn, bạn sẽ hỏi, “Ý bạn muốn nói gì?”, nhưng nếu bạn xem câu này như một bài thơ, câu hỏi hoàn toàn không như thế: không phải người nói hay tác giả muốn nói gì, mà là bài thơ muốn nói điều gì? Ngôn ngữ ấy vận hành ra sao? Câu thơ ấy biểu thị điều gì?

Tách riêng dòng đầu, những từ “Một thứ lạ lùng” có thể gợi lên một câu hỏi: Nó là gì và cái gì khiến nó trở nên lạ lùng. “Nó là cái gì?” là một vấn đề thuộc bản thể luận, khoa học về sự tồn tại hay nghiên cứu về cái hiện tồn. Nhưng “thứ” trong cụm từ “một thứ lạ lùng” không phải là một đối tượng vật lý mà là thứ giống một mối quan hệ, hay phương diện, vốn không hiện diện như một cục đá hay ngôi nhà. Câu này nói về sự giản dị nhưng có vẻ không thực hiện điều nó trình bày, minh họa, với sự mơ hồ của từ thứ, những phức tạp ghê gớm của bản thể luận. Nhưng có lẽ, sự giản dị vô cùng của bài thơ – thực tế nó dừng lại sau từ “sự giản dị”, như không cần nói gì thêm – đem lại niềm xác tín cho những khẳng nhận đáng ngờ về sự giản dị. Dù sao đi nữa, tách riêng theo cách đó, câu này có thể tạo ra dạng thức diễn giải gắn liền với văn học – dạng hoạt động, mà ở đây, tôi đang triển khai.

Những thể nghiệm suy tư như vậy có thể nói với ta điều gì về văn học? Trước tiên, chúng đề xuất: khi ngôn ngữ bị tách rời khỏi những bối cảnh khác và những mục đích khác, nó có thể được diễn giải là văn học (dù nó phải mang những đặc trưng giúp nó đáp ứng những diễn giải đó). Nếu văn học là ngôn ngữ được phi bối cảnh hóa, tách khỏi những chức năng và mục đích khác, bản thân nó cũng là một bối cảnh – thứ thúc đẩy hay khơi gợi những sự chú ý đặc biệt. Chẳng hạn, người đọc lưu ý vào những điều phức tạp tiềm ẩn và kiếm tìm những hàm nghĩa, mà không cho rằng: câu ấy yêu cầu họ làm việc gì. Để trình bày về “văn học”, cần phân tích một tập hợp các giả định và những hoạt động diễn giải mà người đọc có thể áp dụng đối với những văn bản như vậy.

Dịch từ Treating texts as literature; trích trong công trình
Jonathan Culler: Literary Theory: A Very Short Introduction,
Oxford University Press,1997; Reissue edition (June 15, 2000), p.22 - 25

Mặt trời trên lưng



Nhà văn trẻ Minh Vy


Đêm…
Dưới ánh đèn đường, bước chân của người đàn bà ngày một nặng hơn. Bóng bà đổ dài in lên con đường yên ắng, không phải một người, mà là hai người. Bà đang cõng một cậu bé ngơ ngác nhìn cảnh vật xung quanh…

Căn nhà nằm trong con hẻm sâu hun hút, vách tạm kê lên để che nắng che gió, mà không thể che mưa. Cửa không khóa, bà dùng chân đẩy nhẹ cánh cửa, bên trong tối om, bà đi theo trí nhớ của mình để không chạm vào vật dụng trong nhà.

Đặt cậu bé xuống chiếu, bà lần mò tìm hộp quẹt để thắp đèn cầy. Ánh sáng leo loét, bà ngồi thở nhìn đứa cháu đang ú ớ trong miệng điều gì đó mà chỉ có bà mới hiểu. Bà lặng lẽ lấy khăn, lau những giọt mồ hôi trên trán của nó. Tiếng dế, tiếng ếch kêu bên ngoài nghe thật não ruột…

o0o

Sáng…
Nàng co ro bên laptop, tìm đề tài để viết vì gần đến hạn nộp bài cho Sếp. Nàng tốt nghiệp hệ cử nhân tài năng nghành văn học. Rong ruổi những ngày đi kiếm việc, nàng được nhận làm phóng viên của một tạp chí mới toanh, lương thấp nhưng cũng đỡ hơn thời sinh viên.

Hôm nay nàng được lãnh tháng lương đầu tiên, bị trừ tiền thử việc mất hết hai mươi phần trăm, ấm ức lắm nhưng nàng chẳng dám hé môi vì sợ…

o0o

Trưa…
Bà cõng cậu bé đến trước công viên, tay run run cầm sấp vé số, bà nhìn người đi đường với ánh mắt như cầu khẩn, van xin. Một vài người thương tình, ghé vào cho bà ít tiền nhưng không mua vé số. Bà cúi đầu cảm ơn rồi bỏ tiền vào một bịch nilon màu xanh khá nhiều tiền, rồi bà dùng kim băng, kẹp vào lưng quần cho an toàn.

Ông bảo vệ công viên nhìn bà với ánh mắt rất lạ lùng…

o0o

Chiều…
Công việc ở tạp chí vừa xong, nàng phóng xe ra đường, hòa vào dòng người đang tất bật. Nàng chỉ muốn lang thang đâu đó một chút cho bớt căng thẳng, nghĩ thế nên nàng phóng xe chạy vào công viên gửi xe.

Bà vẫn cõng cậu bé trên lưng, bước lại gần nàng, tay run run chìa ra tập vé số.

Cô mua giúp vài tờ vé số.

Nàng giật mình, rồi nhìn lên lưng bà. Một cậu bé bị bệnh down, mắt hơi méo về một bên, nước miếng chảy ra ướt hết cả bờ vai của bà. Một chút thương cảm, nàng khẽ đáp.

Con không mua vé số đâu bà ơi!

Bà có vẻ thất vọng, cúi mặt xuống, định bước đi.

Bà ơi, cho con hỏi. Sao bà không mua một chiếc xe lăn cho cậu ấy ngồi, bà đỡ mệt.

Thôi, tui cõng nó quen rồi. Với lại xe lăn mắt tiền lắm, tiền đâu mà tui mua.

Một chút bối rối, nàng suy nghĩ một lúc rồi nói với vẻ dứt khoát.

Vậy để con mua một chiếc xe lăn tặng cho bà.

Bà vội xua tay…

Cảm ơn cô, nhưng xe lăn tới mấy triệu lận, bữa giờ tui để dành cũng được một ít rồi, còn thiếu có chừng năm trăm thôi.



Nàng vội mở túi xách, móc trong bóp ra một tờ giấy năm trăm ngàn, nhét vào tay bà.

Đây, bà cầm tiền rồi mua xe lăn cho cậu bé của bà đi.

Bà nhìn tờ năm trăm ngàn rồi nhìn nàng, bà cảm ơn rồi nặng nề cõng cậu bé bước đi. Nàng một chút nhẩm tính rồi chạy theo bà.

Bà ơi! Chờ con chút xíu.

Nàng lại móc ra một trăm ngàn, đưa cho bà.

Bà cầm thêm một trăm để dành mua đồ ăn cho bà và cậu bé nghen.

Theo tác phong của một phóng viên, nàng phản ứng nhanh lấy máy ảnh chụp hình ảnh bà. Nàng quay bước, không ai nhìn thấy ánh mắt của bà đang đỏ hoe, chắc có thể vì bụi hay vì…

o0o

8 giờ tối…
Nàng ngồi bên laptop, không phải để làm việc mà nàng đang lang thang trên mạng, chat với một vài người quen. Nàng vào facebook, lướt qua những dòng comment trên mạng, người ta lên face để khoe mình giàu, có người khoe mình đẹp, người khoe mối quan hệ, nàng… khoe sự nhạt nhẽo. Chợt nhớ đến bà lão bán vé số đã trên sáu mươi tuổi cõng cậu con trai bị bệnh down, nàng nghĩ rằng phải làm điều gì đó. Nàng đưa lên status hình ảnh bà lão, với những dòng chia sẻ rất chân thành về hoàn cảnh của bà.

Một phút sau, có vài lượt like (thích)

Năm phút sau, có vài chục lượt like

Ba mươi phút sau, có vài trăm lượt like, những comment chia sẻ và đồng cảm.

Có người comment hỏi chính xác địa chỉ, nàng trả lời ở cổng công viên X, trên con đường Y…

o0o



10 giờ đêm…

Bà cõng cậu bé trên đường, hôm nay bà về sớm vì thấy trong người hơi mệt, cõng một người trên lưng cả ngày, bà có cảm giác mình sắp kiệt sức. Như thường lệ, bà mở cửa vào nhà, đặt cậu bé tội nghiệp nằm ngay ngắn trên giường, bà lấy khăn lau mặt cho nó trước. Nó khoan khoái ngã người nằm xuống, ngủ ngon lành…

Bà lão ngồi đếm tiền, phân loại và sắp xếp những tờ tiền theo từng mệnh giá của nó. Bà cuộn lại thật chặt rồi lấy dây thung cột, bà nhét vào một viên gạch xây còn nham nhở trên bức từng, đó là nơi cất giấu tiền của mình, sau đó leo lên giường, ôm cậu bé ngủ.

o0o

12 giờ khuya…
Nàng vẫn ngồi bên laptop, canh chừng facebook để trả lời comment mà những người có tấm lòng sẽ quan tâm, nàng có tâm trạng vô cùng phấn khởi vì nghĩ mình đã làm được một việc tốt. Nàng mơ hồ tưởng tượng rằng cậu con trai kia sẽ có được một chiếc xe lăn đàng hoàng để được thoải mái hơn, bà lão sẽ bỏ xuống một gánh nặng đã đeo trên lưng suốt thời gian qua. Nàng cười, nụ cười của sự hạnh phúc và mãn nguyện.

o0o

Một ngày, hai ngày…
Ba ngày…
Một tuần trôi qua…

Vừa xong việc, nàng hồ hởi phóng xe, chạy đến công viên nơi bà lão hay ngồi, từ xa nàng trông thấy bà lão vẫn cõng cậu con trai trên lưng, tay run run cầm tập vé số mời người đi đường rủ chút lòng thương hại.

Tim nàng như vỡ vụng, một cảm giác hụt hẫng xâm chiếm, nàng lân la hỏi người bảo vệ. Ông bảo vệ nhìn nàng với ánh mắt cảm thông.

Cô cho bà già đó tiền phải không, bao nhiêu?

Dạ, có mấy trăm thôi!

Cô đã bị lừa rồi, người ta cho bả nhiều tiền lắm, mấy bữa nay không hiểu sao có rất nhiều người đến và cho bả tiền, bả đem giáu hết.

Sao bà không mua một chiếc xe lăn cho đứa con?

Người ta mua luôn cho bả xe lăn, nhưng bả đem bán lấy tiền rồi, chứ nếu mua được xe lăn, ai thèm thương mà mua vé số và cho tiền bả nữa, cô nghĩ có đúng không?

Nàng gật đầu, gương mặt hơi biến sắc, đôi mắt sáng lên như ngọn lửa…

o0o

Trở về phòng trọ trong tâm trong tâm trạng uể oải, nàng vội mở trang Facebook, đưa lên status vạch trần bộ mặt gian xảo của bà lão, nàng vạch trần những ý định dùng sự thương cảm của người nhằm trục lợi cho bản thân mình.

Nhiều ý kiến lại dồn về, có người ném đá, có người thương hại, có người chửi nàng ngu. Có người nói là từ nay không bao giờ động lòng trước những hoàn cảnh như thế nữa dù… có là sự thật, niềm tin bị sói mòn.

Nàng viết một bài và được đăng lên báo, nàng cảnh giác mọi người trước những hoàn cảnh như vậy… bài báo lan nhanh. Ông bảo vệ già trong công viên cầm tờ báo có đăng tin và hình của bà lão, nhìn bà với ánh mắt kỳ lạ…

o0o



Một ngày, hai ngày…

Ba ngày…

Một tuần trôi qua…

Không còn ai đến cho tiền bà lão nữa, bà có mời đến khan cả cổ chỉ nhận lại những cái lắc đầu và bỉu môi… chua chát.

Nàng hả hê như được trả lại một món nợ, nàng vẫn quan sát bà lão…

Một tháng sau…

Nàng đã chuyển công tác, giờ nàng đã được làm biên tập ở một công ty truyền thông, chuyên về tổ chức sự kiện và giải trí. Nàng nhận làm chương trình từ thiện do chi hội Hiểu về trái tim tổ chức.

Bên chi hội đưa qua danh sách có cả video clip kêu nàng viết lời bình. Nàng như dán mắt vào một hoàn cảnh của một nhân vật có tên bà Nguyễn Thi T, 65 tuổi, hằng ngày cõng đứa cháu ngoại lang thang khắp các nẻo đường bán vé số để có tiền lo cho con gái chữa bệnh tim.

Nàng xem kỹ video clip của bà lão, màn hình laptop chiếu lên rõ ràng hoàn cảnh của bà. Vì đứa con gái bà mắc phải chứng bệnh tim, người yếu dần cần phải mổ, ca phẩu thuật tốn khoảng một trăm triệu khiến người mẹ già phải mòn mỏi mong đợi từ những tấm lòng vàng. Trong video clip bà bộc bạch: “Có rất nhiều những mạnh thường quân thấy tôi tội nghiệp, đưa tôi tiền để mua xe lăn cho cháu ngoại của tôi. Nhưng tôi không mua là vì tôi muốn cõng cháu trên lưng, để hiểu được mình cần phải cố gắng hơn, khi có một gánh nặng ở trên vai. Tôi làm vậy để tự nhắc nhở mình không được buông xuôi, không được đầu hàng trước số phận. Số tiền có được tôi để dành cho con gái và cho cháu tôi, tôi không sài một đồng nào cả, đó là mặt trời nhỏ bé của tôi”. Nàng tắt video clip, không dám nghe thêm nữa.

o0o



Đêm trở về trong căn phòng trọ, nàng lại vào facebook, định chia sẻ những dòng suy nghĩ của mình. Nàng thấy tấm hình bà lão cõng đứa cháu ngoại, bên dưới là những dòng comment ném đá… nàng bối rối, định viết gì đó.

Nàng nhận được tin nhắn từ người phụ trách bên chi hội từ thiện, nàng mở ra xem, tay run run: “Chị biết, em đã từng là người bức xúc vì bà lão ấy, nhưng em à khi ra tay giúp đỡ một ai đó, mình đừng nên tính toán xem lòng thương người của mình có phí hay không, vì chúng ta đã nhận lại được rất nhiều. Đó chính là sự thanh thản. Cho dù bà lão kia có lừa dối đi chăng nữa, thì bà vẫn làm được một việc tốt là khơi lên được tình thương đồng loại. Em đừng tiếc vì những gì mình đã cho đi, đừng mong mỏi họ sẽ làm theo ý mình, như vậy sẽ giết chết cái gọi là bản chất con người trong chính em” Nàng bấm định bấm trả lời, nhưng trong đầu nàng hiện lên những ký tự trống rỗng…

o0o

Sáng…
Nàng chạy ra công viên tìm bà lão, nhưng bà đã không còn ngồi ở đó nữa…

tình vẫn phất phơ





Buồn sỏi đá

Em nghe gót chân mình rạo rực
Và tiếng nước chảy róc rách
Thương con dế nỉ non hát khúc chiều tà
Sài Gòn nhấn chìm nỗi nhớ đôi ta

Mưa ngâu đã về chưa?
Tiếng hỏi không có lời vọng
Anh rỉ tai vào thinh không
Chỉ một cái nhắn tin là tan bao mong ngóng

Sài Gòn đợi chờ
Vỗ vào giấc ngủ muôn vạn vì sao
Vỗ vào trong anh, trong em một ngày bất chợt
Ta gần nhau

Đã chín mùa xuân lẻ
Anh ghì chặt em trong niềm hạnh phúc đơn côi
Góc nhỏ cà phê nơi ta vẫn ngồi
Khuyết một vầng trăng viên mãn.

Sân ga chiều nay

Đưa em ra ga
Nỗi buồn ôm ghì lưng áo
Cơn mưa trút hồn giông bão
Dội xuống mặt đường

Ta rơi vào trong lầy lội thê lương
Phố chật, người đông, đường truyền nhiễu sóng
Chút nữa không em
Đường quang
Phố rỗng
Bước chân không hồn…

Sài Gòn ẩn mình trong nụ môi hôn
Ngõ ta qua sụt sùi trơn ướt
Hơi thở anh không thể hong khô ánh mắt người
Giọt nước đã tràn làm sao ngăn được

Sân ga chiều nay
Em xa
Một đường ray chết lặng
Nhìn đoàn tàu ưu tư chuyển bánh.




Nhà thơ Lê Thanh My


Qua sông
Nắng đã thiền
Người cứ qua sông
Nửa ngày bến vắng
Đi thì cứ đi trong im lặng
Kẻo làm vỡ tan giấc mộng tình

Người đàn bà gánh tro ủ ấm mùa đông
Tàn năm thêm lần hư hao nhan sắc
Ngó xuống mặt sông là thêm lần cân nhắc
Thuyền sẽ xa bờ

Nắng đã lùi
Tình vẫn phất phơ
Con bướm cũ nhấp nhô mùa hạ cũ
Trong hoa, nụ gương vừa mới nhú
Áo em anh cài lại đôi lần

Áo em giờ rách toạt đêm không
Nửa chiếu, nửa chăn, nửa người, nửa bóng
Có qua mới biết lòng sông rộng
Và biết sào không chống nỗi mình.


LÊ THANH MY

Yêu như đã sống





TS Nguyễn Thị Hậu
 “Có một điều cô định nói với anh mà cứ quên mất: đã bao nhiêu chuyến đi và về nhưng đây là lần đầu cô có một người thân yêu để được đón và đưa tiễn”.

1.
Tình cờ cô nhìn thấy tấm hình chụp gia đình anh ở nơi anh đang sống. Trong hình anh đứng bên người vợ xinh đẹp, phía trước là câu con trai nhỏ hai tay nắm tay ba mẹ. Hai người không đứng sát vào nhau, chỉ có mái đầu của người vợ hơi nghiêng gần như chạm vào bờ vai vững chãi của anh, tin cậy và âu yếm.

Trên cao là bầu trời xanh, phía sau hai người xa xa là dòng sông uốn quanh và những cây cầu nhiều hình dáng. Chỉ một dòng sông chảy ngang đã làm cho thành phố đẹp lên rất nhiều bởi hàng trăm chiếc cầu nối liền khi là những con đường, khi là thảm cỏ, cánh rừng, khi là ngọn đồi, dốc núi… Nơi đây được gọi là “Thành phố của những cây cầu”, nhiều lần anh đã kể với cô như thế.

Cô quen anh từ một người bạn nhưng họ nhanh chóng thân nhau vì có chung nhiều điều quan tâm, suy nghĩ. Giữa họ có biết bao chuyện “trên trời dưới đất” và trong những cuộc trò chuyện không dứt của anh và cô bao giờ cũng có câu “Ừ khi nào em qua đây”… Câu nói có khi là đùa bỡn, khi lại như lời hứa hẹn, nỗi ước ao, cũng có khi như một lời xin lỗi… Tự nhận mình là những người “mơ hoang chuyên nghiệp” nhưng cả anh và cô đều biết, chuyện đó, lúc này, với họ như là một điều không tưởng. Không phải vì tiền bạc, không phải vì thời gian, những thứ thủ tục hồi nào khó khăn rắc rối giờ đây cũng không còn là trở ngại, mà vì, như một câu hỏi lặng thầm luôn vang lên giữa hai người “gặp nhau… rồi sao nữa…?”.

Thời gian trôi đi. Những câu chuyện không dứt rồi cũng ngắn dần. Giấc mơ “về nơi xa lắm” luôn khép lại trước khi được thốt thành lời. Có khi năm bữa nửa tháng gặp nhau trên mạng, họ trò chuyện như vẫn gặp mỗi ngày. Giữa câu chuyện vô thưởng vô phạt luôn là những dấu lặng kéo dài, bởi vì còn đó niềm khát khao nỗi trông đợi sự dằn vặt… “gặp nhau… rồi sao nữa?!”.

Anh vẫn ở xa tít tắp với những dự án những công trình. Cô vẫn mỗi ngày lu bu họp hành công việc. Khoảng thời gian lệch nhau nửa ngày sáng tối bỗng là bức tường thành ngăn cách hữu hiệu. Mỗi ngày khi mở trang facebook của mình cô cố gắng nén lại để không ném lên câu status(*) “có những buổi chiều sao quá dài như thế”. Chỉ cần nhìn thấy cái chấm sáng nhỏ nhoi bên cạnh tên cô trong danh sách bạn bè là anh cảm thấy bình yên, rằng cô vẫn còn đó, thật gần anh dù chỉ là trên không gian ảo.

Rồi cô có dịp đến thành phố của anh. Một ngày trời cũng xanh như thế, một mình cô đi lên ngọn đồi cao, đứng ở nơi anh đã chụp tấm hình ấy, nhìn xuống dòng sông và những cây cầu… tất cả nhòe đi. Cô biết, không cây cầu nào có thể đưa cô đến bên bờ vai vững chãi của anh, bởi vì giữa họ không phải là một dòng sông, bởi vì bên anh luôn có một người hướng về anh đầy tin cậy và âu yếm. Người ấy cũng là phụ nữ, như cô…

Lặng lẽ bên bờ hai hàng cây nối những cây cầu. Và dưới kia dòng sông vẫn miên man chảy.


2.
Cô ra phi trường đón một người, chuyến bay của anh sẽ đến vào lúc nửa đêm.

Từ chập tối, đi làm về cô vội vàng ăn gói mỳ, rồi mở máy tranh thủ xem có email không. Vừa lướt qua những tài liệu được gửi đến cô vừa nhìn đồng hồ dù khách sạn cô ở cách sân bay chỉ nửa giờ xe taxi. Khi còn gần hai tiếng nữa, cô tắm và mặc một chiếc váy màu xanh. Trên đường ra sân bay cô mới nhận ra chiếc váy này cô đã mặc và chụp hình gửi cho anh vài ngày trước khi anh đi. Càng hay, anh có thể nhận ngay ra mình, cô mỉm cười.

Các chuyến bay từ nửa vòng trái đất thường đến vào giờ này, khi thành phố bắt đầu vắng lặng thì sân bay lại tấp nập. Bảng đèn nhấp nháy báo hiệu các chuyến đến liên tục nhưng chưa hiện số hiệu chuyến bay của anh. Lơ đãng giở tờ tạp chí ra xem, lại nhìn đồng hồ… rồi tự cười mình “làm như là con nít mới lớn…”.

Rồi chuyến bay của anh cũng hạ cánh. Dòng người đổ ra quanh băng chuyền nhận đồ đạc rồi đi ra… mãi vẫn chưa thấy anh. Hay là anh qua rồi mà không nhận ra mình? Rùng mình vì ý nghĩ vừa thoáng qua thì cô nhìn thấy anh. Anh cũng nhận ra cô, tay kéo va-li tay kia giữ cái ba-lô trên vai, sải những bước dài đi về phía cô.

Sau này mỗi khi nhớ anh hình ảnh này lại trở về, cảm giác quen thuộc gần gũi đến nao lòng…

Thời gian qua nhanh. Ngày chia tay. Lần này anh đưa cô đi nhưng vào lúc trời rạng sáng. Dường như cả đêm đó cô không ngủ, vậy mà khi anh lay nhẹ vai cô, cô vẫn giật mình thảng thốt.

Ngồi trên xe taxi cô chỉ mong quãng đường ra sân bay dài hơn chút nữa. Nhà ga vẫn đông như mọi ngày. Họ đứng bên nhau, im lặng, thỉnh thỏang cô tìm ánh mắt anh. Hình như anh không nhận ra cô trong chiếc váy xanh ngày đi đón anh. Ở cổng an ninh sau cái ôm vội vã anh quay đi, vẫn những bước sải dài… Cô ngoái nhìn lưng áo trắng của anh khuất dần sau bao nhiêu gương mặt.

Có một điều cô định nói với anh mà cứ quên mất: đã bao nhiêu chuyến đi và về nhưng đây là lần đầu cô có một người thân yêu để được đón và đưa tiễn.
Mà bây giờ có lẽ không cần nói nữa.

3.
Họ gặp nhau trong quán cà phê, ba người phụ nữ. Ly đá tan loãng, ly đen nguội tanh. Một người nói: “Chị đã nghĩ là em không nên đi”… Ngập ngừng, người kia như tự hỏi: “Còn chị, chị có ân hận khi không gặp anh ấy?”.

Người thứ ba lơ đãng khuấy vỡ lớp bọt kem hình trái tim trên ly capuchino, màn hình ipad nhấp nháy những dòng chữ:

- Em vẫn còn yêu anh à?

- Vâng.

- Chuyện chúng ta đã chấm dứt từ lâu...

- Tình yêu có phải là hợp đồng làm ăn đâu mà khi một bên hủy hợp đồng thì tình yêu dừng lại?

- Không phải lỗi tại anh...

- Không, đây là tình yêu của riêng em, anh chỉ là người tình cờ đi qua...

Quán vắng. Mưa. Nước tràn đường phố... Thấp thoáng đâu đó là hình bóng những người đàn ông đang ở rất xa...