Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Mặt trời trên lưng



Nhà văn trẻ Minh Vy


Đêm…
Dưới ánh đèn đường, bước chân của người đàn bà ngày một nặng hơn. Bóng bà đổ dài in lên con đường yên ắng, không phải một người, mà là hai người. Bà đang cõng một cậu bé ngơ ngác nhìn cảnh vật xung quanh…

Căn nhà nằm trong con hẻm sâu hun hút, vách tạm kê lên để che nắng che gió, mà không thể che mưa. Cửa không khóa, bà dùng chân đẩy nhẹ cánh cửa, bên trong tối om, bà đi theo trí nhớ của mình để không chạm vào vật dụng trong nhà.

Đặt cậu bé xuống chiếu, bà lần mò tìm hộp quẹt để thắp đèn cầy. Ánh sáng leo loét, bà ngồi thở nhìn đứa cháu đang ú ớ trong miệng điều gì đó mà chỉ có bà mới hiểu. Bà lặng lẽ lấy khăn, lau những giọt mồ hôi trên trán của nó. Tiếng dế, tiếng ếch kêu bên ngoài nghe thật não ruột…

o0o

Sáng…
Nàng co ro bên laptop, tìm đề tài để viết vì gần đến hạn nộp bài cho Sếp. Nàng tốt nghiệp hệ cử nhân tài năng nghành văn học. Rong ruổi những ngày đi kiếm việc, nàng được nhận làm phóng viên của một tạp chí mới toanh, lương thấp nhưng cũng đỡ hơn thời sinh viên.

Hôm nay nàng được lãnh tháng lương đầu tiên, bị trừ tiền thử việc mất hết hai mươi phần trăm, ấm ức lắm nhưng nàng chẳng dám hé môi vì sợ…

o0o

Trưa…
Bà cõng cậu bé đến trước công viên, tay run run cầm sấp vé số, bà nhìn người đi đường với ánh mắt như cầu khẩn, van xin. Một vài người thương tình, ghé vào cho bà ít tiền nhưng không mua vé số. Bà cúi đầu cảm ơn rồi bỏ tiền vào một bịch nilon màu xanh khá nhiều tiền, rồi bà dùng kim băng, kẹp vào lưng quần cho an toàn.

Ông bảo vệ công viên nhìn bà với ánh mắt rất lạ lùng…

o0o

Chiều…
Công việc ở tạp chí vừa xong, nàng phóng xe ra đường, hòa vào dòng người đang tất bật. Nàng chỉ muốn lang thang đâu đó một chút cho bớt căng thẳng, nghĩ thế nên nàng phóng xe chạy vào công viên gửi xe.

Bà vẫn cõng cậu bé trên lưng, bước lại gần nàng, tay run run chìa ra tập vé số.

Cô mua giúp vài tờ vé số.

Nàng giật mình, rồi nhìn lên lưng bà. Một cậu bé bị bệnh down, mắt hơi méo về một bên, nước miếng chảy ra ướt hết cả bờ vai của bà. Một chút thương cảm, nàng khẽ đáp.

Con không mua vé số đâu bà ơi!

Bà có vẻ thất vọng, cúi mặt xuống, định bước đi.

Bà ơi, cho con hỏi. Sao bà không mua một chiếc xe lăn cho cậu ấy ngồi, bà đỡ mệt.

Thôi, tui cõng nó quen rồi. Với lại xe lăn mắt tiền lắm, tiền đâu mà tui mua.

Một chút bối rối, nàng suy nghĩ một lúc rồi nói với vẻ dứt khoát.

Vậy để con mua một chiếc xe lăn tặng cho bà.

Bà vội xua tay…

Cảm ơn cô, nhưng xe lăn tới mấy triệu lận, bữa giờ tui để dành cũng được một ít rồi, còn thiếu có chừng năm trăm thôi.



Nàng vội mở túi xách, móc trong bóp ra một tờ giấy năm trăm ngàn, nhét vào tay bà.

Đây, bà cầm tiền rồi mua xe lăn cho cậu bé của bà đi.

Bà nhìn tờ năm trăm ngàn rồi nhìn nàng, bà cảm ơn rồi nặng nề cõng cậu bé bước đi. Nàng một chút nhẩm tính rồi chạy theo bà.

Bà ơi! Chờ con chút xíu.

Nàng lại móc ra một trăm ngàn, đưa cho bà.

Bà cầm thêm một trăm để dành mua đồ ăn cho bà và cậu bé nghen.

Theo tác phong của một phóng viên, nàng phản ứng nhanh lấy máy ảnh chụp hình ảnh bà. Nàng quay bước, không ai nhìn thấy ánh mắt của bà đang đỏ hoe, chắc có thể vì bụi hay vì…

o0o

8 giờ tối…
Nàng ngồi bên laptop, không phải để làm việc mà nàng đang lang thang trên mạng, chat với một vài người quen. Nàng vào facebook, lướt qua những dòng comment trên mạng, người ta lên face để khoe mình giàu, có người khoe mình đẹp, người khoe mối quan hệ, nàng… khoe sự nhạt nhẽo. Chợt nhớ đến bà lão bán vé số đã trên sáu mươi tuổi cõng cậu con trai bị bệnh down, nàng nghĩ rằng phải làm điều gì đó. Nàng đưa lên status hình ảnh bà lão, với những dòng chia sẻ rất chân thành về hoàn cảnh của bà.

Một phút sau, có vài lượt like (thích)

Năm phút sau, có vài chục lượt like

Ba mươi phút sau, có vài trăm lượt like, những comment chia sẻ và đồng cảm.

Có người comment hỏi chính xác địa chỉ, nàng trả lời ở cổng công viên X, trên con đường Y…

o0o



10 giờ đêm…

Bà cõng cậu bé trên đường, hôm nay bà về sớm vì thấy trong người hơi mệt, cõng một người trên lưng cả ngày, bà có cảm giác mình sắp kiệt sức. Như thường lệ, bà mở cửa vào nhà, đặt cậu bé tội nghiệp nằm ngay ngắn trên giường, bà lấy khăn lau mặt cho nó trước. Nó khoan khoái ngã người nằm xuống, ngủ ngon lành…

Bà lão ngồi đếm tiền, phân loại và sắp xếp những tờ tiền theo từng mệnh giá của nó. Bà cuộn lại thật chặt rồi lấy dây thung cột, bà nhét vào một viên gạch xây còn nham nhở trên bức từng, đó là nơi cất giấu tiền của mình, sau đó leo lên giường, ôm cậu bé ngủ.

o0o

12 giờ khuya…
Nàng vẫn ngồi bên laptop, canh chừng facebook để trả lời comment mà những người có tấm lòng sẽ quan tâm, nàng có tâm trạng vô cùng phấn khởi vì nghĩ mình đã làm được một việc tốt. Nàng mơ hồ tưởng tượng rằng cậu con trai kia sẽ có được một chiếc xe lăn đàng hoàng để được thoải mái hơn, bà lão sẽ bỏ xuống một gánh nặng đã đeo trên lưng suốt thời gian qua. Nàng cười, nụ cười của sự hạnh phúc và mãn nguyện.

o0o

Một ngày, hai ngày…
Ba ngày…
Một tuần trôi qua…

Vừa xong việc, nàng hồ hởi phóng xe, chạy đến công viên nơi bà lão hay ngồi, từ xa nàng trông thấy bà lão vẫn cõng cậu con trai trên lưng, tay run run cầm tập vé số mời người đi đường rủ chút lòng thương hại.

Tim nàng như vỡ vụng, một cảm giác hụt hẫng xâm chiếm, nàng lân la hỏi người bảo vệ. Ông bảo vệ nhìn nàng với ánh mắt cảm thông.

Cô cho bà già đó tiền phải không, bao nhiêu?

Dạ, có mấy trăm thôi!

Cô đã bị lừa rồi, người ta cho bả nhiều tiền lắm, mấy bữa nay không hiểu sao có rất nhiều người đến và cho bả tiền, bả đem giáu hết.

Sao bà không mua một chiếc xe lăn cho đứa con?

Người ta mua luôn cho bả xe lăn, nhưng bả đem bán lấy tiền rồi, chứ nếu mua được xe lăn, ai thèm thương mà mua vé số và cho tiền bả nữa, cô nghĩ có đúng không?

Nàng gật đầu, gương mặt hơi biến sắc, đôi mắt sáng lên như ngọn lửa…

o0o

Trở về phòng trọ trong tâm trong tâm trạng uể oải, nàng vội mở trang Facebook, đưa lên status vạch trần bộ mặt gian xảo của bà lão, nàng vạch trần những ý định dùng sự thương cảm của người nhằm trục lợi cho bản thân mình.

Nhiều ý kiến lại dồn về, có người ném đá, có người thương hại, có người chửi nàng ngu. Có người nói là từ nay không bao giờ động lòng trước những hoàn cảnh như thế nữa dù… có là sự thật, niềm tin bị sói mòn.

Nàng viết một bài và được đăng lên báo, nàng cảnh giác mọi người trước những hoàn cảnh như vậy… bài báo lan nhanh. Ông bảo vệ già trong công viên cầm tờ báo có đăng tin và hình của bà lão, nhìn bà với ánh mắt kỳ lạ…

o0o



Một ngày, hai ngày…

Ba ngày…

Một tuần trôi qua…

Không còn ai đến cho tiền bà lão nữa, bà có mời đến khan cả cổ chỉ nhận lại những cái lắc đầu và bỉu môi… chua chát.

Nàng hả hê như được trả lại một món nợ, nàng vẫn quan sát bà lão…

Một tháng sau…

Nàng đã chuyển công tác, giờ nàng đã được làm biên tập ở một công ty truyền thông, chuyên về tổ chức sự kiện và giải trí. Nàng nhận làm chương trình từ thiện do chi hội Hiểu về trái tim tổ chức.

Bên chi hội đưa qua danh sách có cả video clip kêu nàng viết lời bình. Nàng như dán mắt vào một hoàn cảnh của một nhân vật có tên bà Nguyễn Thi T, 65 tuổi, hằng ngày cõng đứa cháu ngoại lang thang khắp các nẻo đường bán vé số để có tiền lo cho con gái chữa bệnh tim.

Nàng xem kỹ video clip của bà lão, màn hình laptop chiếu lên rõ ràng hoàn cảnh của bà. Vì đứa con gái bà mắc phải chứng bệnh tim, người yếu dần cần phải mổ, ca phẩu thuật tốn khoảng một trăm triệu khiến người mẹ già phải mòn mỏi mong đợi từ những tấm lòng vàng. Trong video clip bà bộc bạch: “Có rất nhiều những mạnh thường quân thấy tôi tội nghiệp, đưa tôi tiền để mua xe lăn cho cháu ngoại của tôi. Nhưng tôi không mua là vì tôi muốn cõng cháu trên lưng, để hiểu được mình cần phải cố gắng hơn, khi có một gánh nặng ở trên vai. Tôi làm vậy để tự nhắc nhở mình không được buông xuôi, không được đầu hàng trước số phận. Số tiền có được tôi để dành cho con gái và cho cháu tôi, tôi không sài một đồng nào cả, đó là mặt trời nhỏ bé của tôi”. Nàng tắt video clip, không dám nghe thêm nữa.

o0o



Đêm trở về trong căn phòng trọ, nàng lại vào facebook, định chia sẻ những dòng suy nghĩ của mình. Nàng thấy tấm hình bà lão cõng đứa cháu ngoại, bên dưới là những dòng comment ném đá… nàng bối rối, định viết gì đó.

Nàng nhận được tin nhắn từ người phụ trách bên chi hội từ thiện, nàng mở ra xem, tay run run: “Chị biết, em đã từng là người bức xúc vì bà lão ấy, nhưng em à khi ra tay giúp đỡ một ai đó, mình đừng nên tính toán xem lòng thương người của mình có phí hay không, vì chúng ta đã nhận lại được rất nhiều. Đó chính là sự thanh thản. Cho dù bà lão kia có lừa dối đi chăng nữa, thì bà vẫn làm được một việc tốt là khơi lên được tình thương đồng loại. Em đừng tiếc vì những gì mình đã cho đi, đừng mong mỏi họ sẽ làm theo ý mình, như vậy sẽ giết chết cái gọi là bản chất con người trong chính em” Nàng bấm định bấm trả lời, nhưng trong đầu nàng hiện lên những ký tự trống rỗng…

o0o

Sáng…
Nàng chạy ra công viên tìm bà lão, nhưng bà đã không còn ngồi ở đó nữa…

tình vẫn phất phơ





Buồn sỏi đá

Em nghe gót chân mình rạo rực
Và tiếng nước chảy róc rách
Thương con dế nỉ non hát khúc chiều tà
Sài Gòn nhấn chìm nỗi nhớ đôi ta

Mưa ngâu đã về chưa?
Tiếng hỏi không có lời vọng
Anh rỉ tai vào thinh không
Chỉ một cái nhắn tin là tan bao mong ngóng

Sài Gòn đợi chờ
Vỗ vào giấc ngủ muôn vạn vì sao
Vỗ vào trong anh, trong em một ngày bất chợt
Ta gần nhau

Đã chín mùa xuân lẻ
Anh ghì chặt em trong niềm hạnh phúc đơn côi
Góc nhỏ cà phê nơi ta vẫn ngồi
Khuyết một vầng trăng viên mãn.

Sân ga chiều nay

Đưa em ra ga
Nỗi buồn ôm ghì lưng áo
Cơn mưa trút hồn giông bão
Dội xuống mặt đường

Ta rơi vào trong lầy lội thê lương
Phố chật, người đông, đường truyền nhiễu sóng
Chút nữa không em
Đường quang
Phố rỗng
Bước chân không hồn…

Sài Gòn ẩn mình trong nụ môi hôn
Ngõ ta qua sụt sùi trơn ướt
Hơi thở anh không thể hong khô ánh mắt người
Giọt nước đã tràn làm sao ngăn được

Sân ga chiều nay
Em xa
Một đường ray chết lặng
Nhìn đoàn tàu ưu tư chuyển bánh.




Nhà thơ Lê Thanh My


Qua sông
Nắng đã thiền
Người cứ qua sông
Nửa ngày bến vắng
Đi thì cứ đi trong im lặng
Kẻo làm vỡ tan giấc mộng tình

Người đàn bà gánh tro ủ ấm mùa đông
Tàn năm thêm lần hư hao nhan sắc
Ngó xuống mặt sông là thêm lần cân nhắc
Thuyền sẽ xa bờ

Nắng đã lùi
Tình vẫn phất phơ
Con bướm cũ nhấp nhô mùa hạ cũ
Trong hoa, nụ gương vừa mới nhú
Áo em anh cài lại đôi lần

Áo em giờ rách toạt đêm không
Nửa chiếu, nửa chăn, nửa người, nửa bóng
Có qua mới biết lòng sông rộng
Và biết sào không chống nỗi mình.


LÊ THANH MY

Yêu như đã sống





TS Nguyễn Thị Hậu
 “Có một điều cô định nói với anh mà cứ quên mất: đã bao nhiêu chuyến đi và về nhưng đây là lần đầu cô có một người thân yêu để được đón và đưa tiễn”.

1.
Tình cờ cô nhìn thấy tấm hình chụp gia đình anh ở nơi anh đang sống. Trong hình anh đứng bên người vợ xinh đẹp, phía trước là câu con trai nhỏ hai tay nắm tay ba mẹ. Hai người không đứng sát vào nhau, chỉ có mái đầu của người vợ hơi nghiêng gần như chạm vào bờ vai vững chãi của anh, tin cậy và âu yếm.

Trên cao là bầu trời xanh, phía sau hai người xa xa là dòng sông uốn quanh và những cây cầu nhiều hình dáng. Chỉ một dòng sông chảy ngang đã làm cho thành phố đẹp lên rất nhiều bởi hàng trăm chiếc cầu nối liền khi là những con đường, khi là thảm cỏ, cánh rừng, khi là ngọn đồi, dốc núi… Nơi đây được gọi là “Thành phố của những cây cầu”, nhiều lần anh đã kể với cô như thế.

Cô quen anh từ một người bạn nhưng họ nhanh chóng thân nhau vì có chung nhiều điều quan tâm, suy nghĩ. Giữa họ có biết bao chuyện “trên trời dưới đất” và trong những cuộc trò chuyện không dứt của anh và cô bao giờ cũng có câu “Ừ khi nào em qua đây”… Câu nói có khi là đùa bỡn, khi lại như lời hứa hẹn, nỗi ước ao, cũng có khi như một lời xin lỗi… Tự nhận mình là những người “mơ hoang chuyên nghiệp” nhưng cả anh và cô đều biết, chuyện đó, lúc này, với họ như là một điều không tưởng. Không phải vì tiền bạc, không phải vì thời gian, những thứ thủ tục hồi nào khó khăn rắc rối giờ đây cũng không còn là trở ngại, mà vì, như một câu hỏi lặng thầm luôn vang lên giữa hai người “gặp nhau… rồi sao nữa…?”.

Thời gian trôi đi. Những câu chuyện không dứt rồi cũng ngắn dần. Giấc mơ “về nơi xa lắm” luôn khép lại trước khi được thốt thành lời. Có khi năm bữa nửa tháng gặp nhau trên mạng, họ trò chuyện như vẫn gặp mỗi ngày. Giữa câu chuyện vô thưởng vô phạt luôn là những dấu lặng kéo dài, bởi vì còn đó niềm khát khao nỗi trông đợi sự dằn vặt… “gặp nhau… rồi sao nữa?!”.

Anh vẫn ở xa tít tắp với những dự án những công trình. Cô vẫn mỗi ngày lu bu họp hành công việc. Khoảng thời gian lệch nhau nửa ngày sáng tối bỗng là bức tường thành ngăn cách hữu hiệu. Mỗi ngày khi mở trang facebook của mình cô cố gắng nén lại để không ném lên câu status(*) “có những buổi chiều sao quá dài như thế”. Chỉ cần nhìn thấy cái chấm sáng nhỏ nhoi bên cạnh tên cô trong danh sách bạn bè là anh cảm thấy bình yên, rằng cô vẫn còn đó, thật gần anh dù chỉ là trên không gian ảo.

Rồi cô có dịp đến thành phố của anh. Một ngày trời cũng xanh như thế, một mình cô đi lên ngọn đồi cao, đứng ở nơi anh đã chụp tấm hình ấy, nhìn xuống dòng sông và những cây cầu… tất cả nhòe đi. Cô biết, không cây cầu nào có thể đưa cô đến bên bờ vai vững chãi của anh, bởi vì giữa họ không phải là một dòng sông, bởi vì bên anh luôn có một người hướng về anh đầy tin cậy và âu yếm. Người ấy cũng là phụ nữ, như cô…

Lặng lẽ bên bờ hai hàng cây nối những cây cầu. Và dưới kia dòng sông vẫn miên man chảy.


2.
Cô ra phi trường đón một người, chuyến bay của anh sẽ đến vào lúc nửa đêm.

Từ chập tối, đi làm về cô vội vàng ăn gói mỳ, rồi mở máy tranh thủ xem có email không. Vừa lướt qua những tài liệu được gửi đến cô vừa nhìn đồng hồ dù khách sạn cô ở cách sân bay chỉ nửa giờ xe taxi. Khi còn gần hai tiếng nữa, cô tắm và mặc một chiếc váy màu xanh. Trên đường ra sân bay cô mới nhận ra chiếc váy này cô đã mặc và chụp hình gửi cho anh vài ngày trước khi anh đi. Càng hay, anh có thể nhận ngay ra mình, cô mỉm cười.

Các chuyến bay từ nửa vòng trái đất thường đến vào giờ này, khi thành phố bắt đầu vắng lặng thì sân bay lại tấp nập. Bảng đèn nhấp nháy báo hiệu các chuyến đến liên tục nhưng chưa hiện số hiệu chuyến bay của anh. Lơ đãng giở tờ tạp chí ra xem, lại nhìn đồng hồ… rồi tự cười mình “làm như là con nít mới lớn…”.

Rồi chuyến bay của anh cũng hạ cánh. Dòng người đổ ra quanh băng chuyền nhận đồ đạc rồi đi ra… mãi vẫn chưa thấy anh. Hay là anh qua rồi mà không nhận ra mình? Rùng mình vì ý nghĩ vừa thoáng qua thì cô nhìn thấy anh. Anh cũng nhận ra cô, tay kéo va-li tay kia giữ cái ba-lô trên vai, sải những bước dài đi về phía cô.

Sau này mỗi khi nhớ anh hình ảnh này lại trở về, cảm giác quen thuộc gần gũi đến nao lòng…

Thời gian qua nhanh. Ngày chia tay. Lần này anh đưa cô đi nhưng vào lúc trời rạng sáng. Dường như cả đêm đó cô không ngủ, vậy mà khi anh lay nhẹ vai cô, cô vẫn giật mình thảng thốt.

Ngồi trên xe taxi cô chỉ mong quãng đường ra sân bay dài hơn chút nữa. Nhà ga vẫn đông như mọi ngày. Họ đứng bên nhau, im lặng, thỉnh thỏang cô tìm ánh mắt anh. Hình như anh không nhận ra cô trong chiếc váy xanh ngày đi đón anh. Ở cổng an ninh sau cái ôm vội vã anh quay đi, vẫn những bước sải dài… Cô ngoái nhìn lưng áo trắng của anh khuất dần sau bao nhiêu gương mặt.

Có một điều cô định nói với anh mà cứ quên mất: đã bao nhiêu chuyến đi và về nhưng đây là lần đầu cô có một người thân yêu để được đón và đưa tiễn.
Mà bây giờ có lẽ không cần nói nữa.

3.
Họ gặp nhau trong quán cà phê, ba người phụ nữ. Ly đá tan loãng, ly đen nguội tanh. Một người nói: “Chị đã nghĩ là em không nên đi”… Ngập ngừng, người kia như tự hỏi: “Còn chị, chị có ân hận khi không gặp anh ấy?”.

Người thứ ba lơ đãng khuấy vỡ lớp bọt kem hình trái tim trên ly capuchino, màn hình ipad nhấp nháy những dòng chữ:

- Em vẫn còn yêu anh à?

- Vâng.

- Chuyện chúng ta đã chấm dứt từ lâu...

- Tình yêu có phải là hợp đồng làm ăn đâu mà khi một bên hủy hợp đồng thì tình yêu dừng lại?

- Không phải lỗi tại anh...

- Không, đây là tình yêu của riêng em, anh chỉ là người tình cờ đi qua...

Quán vắng. Mưa. Nước tràn đường phố... Thấp thoáng đâu đó là hình bóng những người đàn ông đang ở rất xa...

IMF: Khủng hoảng nợ ở Mỹ đe dọa nền kinh tế toàn cầu


EPA

Việc Mỹ không có khả năng nâng "trần" nợ đe dọa nền kinh tế toàn cầu là hậu quả tồi tệ hơn nhiều so với sự sụp đổ của chính phủ hiện hành, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde tuyên bố.
Phát biểu tại Đại học George Washington, đánh giá kết thúc thập kỷ khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu, bà Christine Lagarde nói rằng chính phủ Mỹ nên tăng cường tình hình tài chính trong kế hoạch dài hạn. Bà cũng lưu ý rằng thỏa thuận về nợ là "rất quan trọng", BBC cho biết.
Trong bình luận của mình, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định những kết luận của bà Christine Lagarde. Bộ Tài chính cho rằng trong trường hợp không có một thỏa thuận, sự sụp đổ của nền kinh tế Mỹ có khả năng xảy ra ngày 17 tháng 10 năm 2013 có thể dẫn đến một thực tế là "thị trường tín dụng sẽ bị đóng băng, đồng USD mất giá mạnh, và lãi suất ở Mỹ sẽ nhảy vọt." Theo các chuyên gia, thiệt hại cho nền kinh tế sẽ được cảm thấy trong nhiều thập kỷ và tác động mạnh đến người dân Mỹ cũng như dối với doanh nghiệp, suy thoái kinh tế thậm chí còn nghiêm trọng hơn trong những năm 2007-2009.

TỰ DO NGÔN LUẬN, TỰ DO VỚI BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM


Trong xã hội mà quyền con người được khẳng định và Nhà nước luôn tạo điều kiện để bảo đảm sự phát triển của quyền con người, thì tự do báo chí và tự do ngôn luận là các yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển chung. Ðó là căn nguyên lý giải tại sao các năm qua ở Việt Nam, tự do báo chí và tự do ngôn luận lại có những bước tiến không thể phủ nhận...



Theo số liệu của cơ quan chức năng, đến tháng 3-2013, cả nước Việt Nam có 812 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm; gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ; một hãng thông tấn, 67 đài phát thanh, truyền hình, 101 kênh truyền hình, 78 kênh phát thanh; 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động (năm 2011 là 46 báo điện tử, 287 trang thông tin điện tử). Hiện, Ðài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng 99,5% diện tích lãnh thổ, qua vệ tinh tới nhiều nước trên thế giới. Hiện hơn 90% hộ gia đình Việt Nam đã sử dụng sóng truyền hình của Ðài Truyền hình Việt Nam. Qua nhiều hình thức cung cấp, người dân Việt Nam được tiếp xúc với 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có các kênh nổi tiếng như CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg,... 20 cơ quan báo chí nước ngoài đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Qua internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức, bài vở của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới như AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times,...

Về xuất bản, ở Việt Nam có 64 nhà xuất bản. Chỉ tính riêng trong năm 2012, ngành này đã xuất bản 28.009 xuất bản phẩm có nội dung phong phú và đa dạng, với khoảng 301.717.000 bản. Từ việc xác định vai trò của internet, Nhà nước Việt Nam có chính sách, biện pháp cụ thể để khuyến khích sử dụng internet phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm các quyền cơ bản của nhân dân. Ðó là cơ sở để năm 2012, về số lượng người sử dụng internet, Tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) xếp Việt Nam đứng thứ ba tại Ðông - Nam Á, thứ 8 tại châu Á. Theo số liệu khảo sát của WeAreSocial - tổ chức nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu, tới tháng 12-2012 số người sử dụng internet ở Việt Nam là 30,8 triệu, chiếm 34% dân số (mức trung bình của thế giới là 33%). Tháng 10-2009, dịch vụ truy cập internet qua mạng 3G có mặt tại Việt Nam, lập tức góp phần tạo nên sự phát triển vượt bậc của internet băng thông rộng, sau ba năm (tính đến tháng 7-2012), số lượng sử dụng đạt con số 16 triệu người (chiếm khoảng 18% dân số). Riêng với blog, trên cả nước hiện có gần 3 triệu người có blog cá nhân. Ða số blogger sử dụng blog làm nơi bày tỏ suy nghĩ, trao đổi tâm tình, kiến thức; thông qua blog đã hình thành nhiều nhóm sinh viên, thanh niên rất tích cực hoạt động xã hội như quyên góp giúp đỡ trẻ em nghèo, giúp người không nơi nương tựa,... Hầu như các cơ sở công cộng ở đô thị như nhà hàng, khách sạn, quán giải khát, nhà chờ sân bay,... đều có Wifi miễn phí. Tại các địa phương có ngành du lịch phát triển như Huế, Ðà Nẵng, Hội An,... kế hoạch phủ sóng Wifi đã và đang được triển khai là bằng chứng cho thấy sự quan tâm của chính quyền địa phương với sự phát triển internet.

Thực tế Việt Nam cho thấy, sự phát triển của hệ thống truyền thông không chỉ để giúp nhân dân thỏa mãn nhu cầu văn hóa, mở mang và trau dồi tri thức, mà trở thành diễn đàn với nhiều hình thức phong phú, sinh động để các tổ chức xã hội, mọi người dân có tiếng nói lành mạnh, đóng góp ý kiến, thậm chí phản biện, đối với các chủ trương, chính sách của Nhà nước, và của các cấp chính quyền. Trong nhiều trường hợp, hệ thống truyền thông thật sự là công cụ bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ quyền của người dân, nhất là kiểm tra, giám sát thực thi các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam chủ động, tích cực phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng, phê phán hành vi vi phạm quyền công dân cùng những biểu hiện tiêu cực khác. Gần đây, việc những cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện tại Quốc hội được truyền hình trực tiếp, việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được công bố công khai để toàn dân đóng góp ý kiến, việc các cuộc tọa đàm, tranh luận, cung cấp thông tin nhiều chiều về các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước trên phương tiện thông tin đại chúng,... giúp người dân tiếp cận với các vấn đề quan trọng, từ đó đưa ra ý kiến có trách nhiệm. Vì thế hệ thống truyền thông ở Việt Nam đã trở thành một phương tiện quan trọng trong bảo vệ và phát huy các giá trị của nhân quyền.


Ðể bảo đảm cho hệ thống truyền thông theo kịp sự phát triển, bên cạnh các quy định cụ thể trong Hiến pháp, pháp luật, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan thông tin đại chúng làm tròn chức năng, nhiệm vụ, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam ngày càng được phát huy cao hơn. Biểu hiện cụ thể cho quan tâm này là Việt Nam đã có Luật Báo chí và tháng 11-2012, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua Luật Xuất bản sửa đổi, thể hiện sự nhất quán trong tôn trọng quyền phổ biến tác phẩm của cá nhân, phù hợp với các quy định của Hiến pháp.

Trên thế giới ngày nay, tự do ngôn luận và tự do báo chí là các yếu tố hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của mỗi quốc gia, đồng thời là biểu hiện trực tiếp của quan niệm, chính sách nhân quyền ở quốc gia đó. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc đều khẳng định các quyền cơ bản này, và Nhà nước Việt Nam đã luôn nghiêm túc tuân thủ các cam kết. Tuy nhiên, bất chấp các thành tựu nhân quyền của Việt Nam, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí thường viện dẫn từ Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị để bịa đặt Việt Nam "không có tự do ngôn luận, tự do báo chí", vu cáo Nhà nước Việt Nam "vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí". Khi viện dẫn, họ đã cố tình tảng lờ việc Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền khẳng định: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và các quyền khác: "phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ". Họ cũng đã tảng lờ việc trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, để bảo đảm "Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa", về tự do ngôn luận, Công ước cho rằng thực hiện quyền này "kèm theo những nghĩa vụ, trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định". Wikipedia - nơi có thể tự do trình bày quan điểm, trong mục từ Tự do ngôn luận cũng viết: "Các hạn chế đối với tự do ngôn luận có thể theo "nguyên tắc gây hại" hoặc "nguyên tắc xúc phạm", thí dụ trong trường hợp khiêu dâm hoặc các nội dung thù ghét (nhằm hạ thấp một cá nhân hay nhóm người vì chủng tộc, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, định hướng tình dục, tật nguyền, khả năng ngôn ngữ, hệ tư tưởng, địa vị xã hội, nghề nghiệp, ngoại hình, khả năng tư duy hay bất cứ dị biệt nào...). Các hạn chế đối với tự do ngôn luận có thể được thực thi bằng luật pháp hoặc/và sự lên án của xã hội".


Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mới có một số chế tài đối với hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để vi phạm pháp luật, mà ở Hoa Kỳ, CHLB Ðức, Pháp, Hàn Quốc, Singapore,... đều có luật và điều khoản luật xử lý nghiêm khắc hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí. Những kẻ thường ca ngợi tự do báo chí của cái gọi là "Việt Nam cộng hòa" cần phải biết rằng, Ðiều 16 Hiến pháp 1956 của chế độ này viết: "Mọi người dân có quyền tự do ngôn luận. Quyền này không được dùng để vu cáo, phỉ báng, xâm phạm đến nền đạo lý công cộng, hô hào nổi loạn, hoặc lật đổ chính thể cộng hòa", Ðiều 12 Hiến pháp 1967 của chế độ này cũng viết: "Quốc gia tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản, miễn là sự hành xử các quyền này không phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc phòng hay thuần phong mỹ tục". Và không thể biện minh cho tự do ngôn luận, tự do báo chí của chế độ đó khi chỉ trong một tháng đầu năm 1975 đã "bỏ tù 19 nhà báo và đóng cửa năm báo đối lập"; và 30 năm sau về cái chết của phóng viên AFP, Nguyễn Ngọc Bích - Tổng Giám đốc cuối cùng của cái gọi là "Việt tấn xã" - VTX, đã viết: "Tôi cũng sống những giờ phút thật căng khi ông Phạm Kim Quy, đại tá cảnh sát, bắn chết ký giả Agence France - Presse Paul Leandri rồi nhất quyết đòi VTX phải đưa ra cách giải thích của bên Cảnh sát quốc gia"!

Hiện nay, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt Nam còn gặp khó khăn khi nhận thức về pháp luật của toàn dân chưa trở thành ý thức thường trực, tự giác, hệ thống truyền thông tuy phát triển song còn thiếu chuyên nghiệp, nhất là các thế lực thù địch, một số cá nhân thiếu thiện chí lợi dụng truyền thông để tác động xấu tới xã hội, công chúng, lợi dụng việc chính quyền thực thi pháp luật để vu cáo Nhà nước Việt Nam,... Nhưng chúng ta tin tưởng rằng, từ quan điểm, chính sách đúng đắn của Nhà nước Việt Nam về tự do ngôn luận và tự do báo chí, cả trước mắt và lâu dài, mọi người dân Việt Nam sẽ được hưởng các quyền này ngày càng đầy đủ hơn, được tạo các điều kiện để phát triển toàn diện và hài hòa, từ đó có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của xã hội.


Nguồn: Báo Nhân Dân

Hất nó xuống và bước lên trên


Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Có một người nông dân nọ có một con lừa già. Một hôm, con lừa bị rơi xuống cái giếng khô cạn và đau đớn kêu la thảm thiết. Sau khi bình tĩnh đánh giá tình hình, vì thương con lừa, người nông dân đã quyết định nên nhanh chóng giúp nó kết thúc sự đau đớn. Anh gọi thêm mấy người hàng xóm để cùng lấp đất chôn con lừa tội nghiệp.

Lúc đầu, con lừa càng thêm kinh hoàng vì những gì người ta đang làm đối với nó. Nhưng khi từng tảng đất được hất xuống giếng liên tiếp theo nhau ập trên vai nó, một ý nghĩ chợt lóe lên: Cứ mỗi lần tảng đất rơi đè lên vai, nó lại lắc mình cho đất rơi xuống và ngoi lên trên! Và nó đã làm như vậy, từng chút từng chút một, với một lời tự nhủ và tự cổ vũ: “Nào mình hãy hất nó xuống và bước lên trên, hất nó xuống và bước lên trên…”. Mặc cho sự đau đớn ê ẩm phải chịu sau mỗi lần tảng đất ập xuống, mặc cho sự bi đát cùng cực của tình huống đang gánh chịu, con lừa tiếp tục chiến đấu, chống lại sự hoang mang, hoảng sợ, tiếp tục theo đúng phương châm “hất nó xuống và bước lên trên”.

Và không lâu sau, cuối cùng dù bị bầm dập và kiệt sức, con lừa già đã vui mừng đắc thắng bước lên khỏi miệng giếng. Những gì như sẽ đè bẹp và chôn sống nó, trên thực tế đã cứu sống nó. Tất cả đều nhờ vào cái cách mà con lừa đã can đảm đối diện với nghịch cảnh của mình.

♥Sưu tầm

Thành kiến




Bức tường ngăn cách

Ta hay có thói quen nhìn vào bất kỳ đối tượng hay tình huống nào đang xảy ra trong thực tại bằng kinh nghiệm mà mình đã tích lũy được trong quá khứ. Có thể do một số kinh nghiệm cũ thích ứng phần nào với tình trạng thực tại, nên ta thường rất tin tưởng và tự hào về sự thông minh và nhạy bén của mình, mà không chịu khám phá hay xét nét cẩn thận. Nếu quan sát kỹ và công tâm nhìn nhận ta sẽ thấy cũng không ít lần mình đã tuyên đoán sai và có những bước trượt rất đáng tiếc trong quyết định. Bởi vì mọi sự vật sự việc trong vũ trụ này vốn không ngừng vận động, có khi nó biến chuyển nội dung bên trong nhưng cũng có khi thay đổi cả hình dáng bên ngoài. Nó có thể hay hơn hoặc tệ hơn, chứ không bao giờ giữ nguyên một trạng thái.

Nhưng cuộc sống quá bận rộn nên ta thường không có nhiều thiện chí để nhìn bất cứ đối tượng nào cũng bằng tâm thức mới, sử dụng kinh nghiệm cũ có vẻ như khỏe và mau chóng giải quyết được vấn đề, và kết quả như thế nào thì may nhờ rủi chịu. Một phần cũng do bản năng tự vệ của con người chưa thuần hóa còn nhiều vụng về thô thiển, nên khi phát hiện ra cái gì có tính cách ảnh hưởng đến quyền lợi của mình là phản ứng bảo vệ ngay lập tức, bằng những tâm lý như: nổi giận, phán xét, nghi ngờ, độc tài, kỳ thị… mà không chịu bình tâm để kiên trì quan sát và tìm hiểu rõ sự thể. Cho nên hầu hết mọi người đều không có thói quen tách rời kinh nghiệm cũ của mình khi quan sát thực tại, chính vì thế mà họ vẫn thường rơi vào nhận thức sai lầm và đánh mất đối tượng.

Như trong quá khứ ta đã từng bị người thân yêu lừa dối hay phản bội, cái vết thương ấy sẽ khắc ghi sâu đậm trong tâm thức, nên khi muốn đặt xuống tình cảm với người mới thì ta rất hoang man, lo sợ. Đó là một lỗi lầm của tâm lý, vì có thể người mà ta đang tiếp xúc trong hiện tại hoàn toàn khác biệt với người cũ. Nhưng ta không đủ sức để vượt qua bản năng tự vệ của mình, ta đã cố nhiều lần nhìn người ấy như chính họ đang là, ta đã nhiều lần nhắc nhở mình người này không phải là người trước, và rồi cuối cùng ta cũng vẫn thất bại. Cố nhiên là vết thương lòng thì khó mà quên được, nhưng thay vì ta cần cho đôi bên những cơ hội vừa đủ để tìm hiểu nhau và tin tưởng nhau hơn, thì ta lại mang tâm thức nghi ngờ sự lừa dối hay phản bội ấy trong suốt cuộc hành trình chung bước với nhau. Bức tường ngăn che ấy chính là thành kiến.

Thành kiến chỉ đơn thuần là thái độ bám víu vào kinh nghiệm cũ để áp đặt lên thực tại, nên có thành kiến tốt và thành kiến xấu. Nói dễ hiểu là ta thường đeo mắt kính màu hồng và mắt kính màu đen khi nhìn người, nhìn đời. Nếu ta đã từng biết người kia rất dễ thương, bằng kinh nghiệm trực tiếp hay thông qua kinh nghiệm của người khác, thì khi gặp họ ta sẽ có thiện cảm và hết lòng với họ ngay mà không cần phải quan sát hay khám phá gì thêm nữa. Đó là ta đang đeo mắt kính màu hồng, thấy họ nói cái gì cũng hay, làm cái gì cũng tuyệt. Bây giờ phương tiện truyền thông và quảng cáo rất mạnh mẽ, chỉ cần một vài bài báo ca ngợi hết lời về nhân vật đó thì lập tức trong ta nảy sinh ngay cảm tình, sau này có cơ hội tiếp xúc ta sẽ dễ dàng bỏ qua bước quan sát và thận trọng căn bản.

Trường hợp ta được biết người kia là một kẻ xấu, dù thông tin ấy chưa có gì đảm bảo là chính xác, nhưng ta vẫn có khuynh hướng thích đeo mắt kính màu đen trước cho chắc ăn. Cho đến một ngày ta không còn khả năng lấy chiếc mắt kính màu đen ấy ra nữa, nhìn đâu cũng thấy một màu tăm tối, nhìn ai cũng dị ứng, thấy họ là những kẻ đang muốn hơn thua hay hãm hại mình. Từ thành kiến đi tới cố chấp là một khoảng cách rất nhỏ, nếu thiếu bản lĩnh để sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ điều gì mới lạ xảy ra thì ta sẽ dễ dàng đóng băng những nhận thức mà mình đang có. Những người bị thành kiến khống chế sẽ không còn cơ hội để thấy được những giá trị mầu nhiệm của sự sống đang hiện hữu, sẽ trở thành nạn nhân của lối sống u uất nặng nề, rất dễ đi tới mặc cảm lạnh lùng và bế tắc.

Giữ gìn con mắt trong

Cho nên tổ tiên ta thường khuyên “thấy sao để vậy”, hãy nhìn đúng sự vật sự việc như chính nó đang biểu hiện ra, chứ đừng nhìn như chính tâm trạng hay kinh nghiệm mình đang có. Cái đó là cái nhìn của con mắt trong, con mắt không bị bụi đời làm vẩn đục. Từ lâu rồi, ta đã quên sử dụng con mắt thật thà và hồn nhiên vốn có của mình. Nhìn nhau bằng con mắt ấy ta thấy dễ chịu và gần gũi hơn, cơ hội thấu hiểu và thương yêu nhau sẽ dễ xảy ra hơn. Nhưng xã hội hiện đại có quá nhiều chiêu thức tinh xảo, vì nhu cầu hưởng thụ mà người ta không màng đến thật giả hay đúng sai, nếu không có một đời sống tỉnh thức và bản lĩnh thì ta sẽ khó phát hiện ra kịp thời và đủ sức để tách ly sự đồng hóa ấy.

Sống trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, ai ai cũng tranh thủ quyền lợi mà không quan tâm đến sự ô nhiễm tâm hồn thì ta cũng khó tránh khỏi. Lâu dần nó hình thành thói quen như một bản tính tự nhiên, mỗi khi ta phát hiện một vài hành vi của đối phương tương tợ như kinh nghiệm đã có thì ta vội vàng kết luận, phán xét. Đôi khi chỉ vì một người mà ta coi khinh và kỳ thị cả một đoàn thể, một truyền thống, hay một dân tộc. Bởi thói quen ích kỷ của con người là hễ thấy cái gì trái ngược hay tác hại đến mình là phòng ngự và sẵn sàng loại trừ nếu có thể. Cho nên một người có hiểu biết sẽ luôn ý thức giữ gìn con mắt trong của mình, can đảm chấp nhận những hư hao về tài sản và danh dự, tại vì nó quyết định cho một đời sống an bình và một liên hệ tình cảm tốt đẹp.

Ta nên nhớ là bản chất của vạn sự vạn vật là vô thường, thì con người cũng vô thường mà kinh nghiệm cũng vô thường. Trong quá khứ người kia còn nhiều vụng về lầm lỡ thì bây giờ họ có thể đã thay đổi rất nhiều, ta hãy cho họ có một cơ hội được sống với con người mới trước ta, và ta hãy tự cho mình một cơ hội sống bằng tâm thức mới trước họ. Khó khăn nhất là đối với những người thân sống chung quanh ta, ta thường không dễ nhìn thấy sự chuyển biến và phát triển của họ. Người mẹ lúc nào cũng thấy con mình khờ dại chẳng biết gì, sự quan tâm và mong muốn luôn dựa trên kinh nghiệm cũ, nên vô tình giới hạn cơ hội trưởng thành của người con. Người vợ lúc nào cũng cho rằng mình đã hiểu biết chồng hết rồi, khả năng lắng nghe và quan sát không hề mài dũa, nên vô tình cô lập hóa cảm hứng sáng tạo và chuyển hóa của đối phương.

Sống với một người không biết ghi nhận những chuyển biến của mình, không thấy được mình đang có những nếp nhăn trên trán hay những khó khăn bế tắc trong lòng, để có một lời an ủi hay giúp đỡ kịp thời, thì đời sống ấy sẽ rất nhàm chán. Đó cũng là lý do tại sao mỗi khi ta gặp một người mới thì ta rất hân hoan vui sướng và muốn duy trì mãi giây phút được quan sát bằng con mắt không thành kiến. Đời sống vốn xuôi theo chiều hối hả, con người lại bị ảnh hưởng quá nhiều bởi kỹ thuật điện tử nên rất dễ trở thành những kẻ sống hời hợt và cứng nhắc, cái gì lưu trữ vào não bộ của mình rồi thì không dễ gì lấy ra. Lối sống ấy là lối sống nhút nhát và tụt hậu, không can đảm mở lòng ra để cập nhật thông tin mới nhất từ đối phương, thì đừng hỏi tại sao sống với nhau mà không thể hiểu và thương nhau. Hiểu và thương là một quá trình luyện tập chứ không chỉ là vấn để của ý chí.

Phần lớn ai cũng sợ buông bỏ xuống những kinh nghiệm của mình, vì nó được tích lũy trong một quá trình lâu dài gian khó, nên người ta thường xem nó như sinh mệnh của mình, nếu ai coi thường nó là coi thường chính mình, nếu không sử dụng nó thì ta sẽ không còn gì nữa cả. Lẽ dĩ nhiên có những kinh nghiệm rất hữu dụng, nhưng cái khó là ta không biết nên dùng vào lúc nào và liều lượng bao nhiêu. Vì trong khi sử dụng kinh nghiệm cũ thì ta thường không còn thiện chí để tìm hiểu khám phá thêm, mà kinh nghiệm cũ dù hay ho tới đâu cũng không bao giờ diễn đạt hết về thực tại. Cho nên giới hạn lối dùng kinh nghiệm cũ một cách máy móc là để ta không bị nó khống chế và cũng để ta trau dồi kỹ năng khám phá, sáng tạo. Bởi bản chất của con người và vũ trụ này luôn kỳ bí, ta phải có một con mắt trong suốt vững vàng thì mới hy vọng tìm ra đáp số đúng.

Mỗi ngày ta hãy tập ngồi yên để thanh lọc lại kinh nghiệm vừa mới tích góp của mình. Nếu kinh nghiệm đó không có tính chất nuôi dưỡng khả năng hiểu biết và thương yêu thì ta không cần phải để nó chiếm quá nhiều dung lượng tâm thức. Những kinh nghiệm nào chỉ tồn tại như một thói quen ngẫu nhiên, trong vô thức mà ta đã lưu trữ, thì hãy đem nó ra phân tích và buông bỏ từ từ. Mỗi khi tiếp xúc với bất kỳ đối tượng nào, ta cũng luôn tự nhắc nhở hãy nhìn vào thái độ của mình, xem mình có đeo mắt kính màu hồng thiện cảm hay mắt kính màu đen ác cảm không? Nếu có thì sớm tìm cách dừng lại cuộc tiếp xúc đó mà trở về chỉnh đốn lại tâm lý của mình. Bằng lối sống tỉnh thức như thế, ta sẽ luôn có cơ hội nâng cấp tầng nhận thức, mở rộng tầm nhìn, không để nó bị chay cứng hay xói mòn chỉ vì những quyền lợi ích kỷ nhỏ nhen.

Có một kẻ ngoại đạo lén tìm đến chúa Jesus để hỏi điều ông ta đã thao thức bấy lâu nay: “Thưa ngài, làm sao để được sinh vào vương quốc của thượng đế?”. Chúa Jesus trả lời: “Chỉ khi nào ông chết đi”. Thấy người kia hốt hoảng, chúa Jesus liền giải thích thêm: “Một ý niệm cũ chết đi thì một ý niệm mới sẽ được sinh ra, đó là vương quốc của thượng đế”. Cái cũ tuy quen thuộc nhưng nghèo nàn, cái mới thường không dễ chịu nhưng có khả năng đem tới một không gian rộng rãi cho đời sống, vậy ta còn ngại ngần chi mà không dám khai tử những ý niệm hay những kinh nghiệm vốn chỉ để bảo vệ cảm xúc nhất thời. Vương quốc thượng đế thì ai cũng có, đó chính là sự an bình và thảnh thơi của tâm hồn, chỉ khi nào những phiền não trong ta rơi rụng xuống thì nó mới thật sự hiện bày ra.

Nhìn bằng mắt trong suốt
Không kẹt kinh nghiệm xưa
Mở lòng thêm hiểu biết
Như đất gặp cơn mưa.

Minh Niệm

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

BỆNH THU




một
vòm trời lạnh dần
đàn ngỗng cuối ra đi
cây cành xuất huyết
gió vật mình chứng nan y
dưới vầng trăng tắt kinh
tôi lê từng bước
rời yếu tính


hai

nẻo đường cuối thu
gió bấc âm u
ôm tim óc trống
tôi chạy tìm hàng quán
nốc bia đắng rượu chát
rình xem thi hứng dan díu
với mấy vỉa hè mắc cạn


ba

chán tân nguyệt ngấy tân nguyệt
chán trăng tròn ngấy trăng tròn
lê bóng cũ qua các chân trời
lặp đi lặp lại câu kinh
lá vàng
lá úa
tưởng tượng một kiếp sau
mua vé phi thuyền lên thăm nguyệt cầu
đào cái hố thật sâu
chôn hết u sầu


bốn

trời đất đột nhiên nhuốm bệnh thu
bỗng đâu lây cho tôi
đêm đêm hôn mê
ngày ngày trầm cảm
căn chứng nan y
vô phương điều trị
chỉ còn cách nuôi bệnh dằng dai
bằng những cơn say
cộng thêm mấy câu hỏi siêu hình không lời giải


năm
vầng trăng đầu đường xó chợ
đã chán ngấy lộ trình quen thuộc
và ngọn gió bơ vơ giữa phố
chỉ là cánh tay dài thiếu ngón
chai rượu cuối đời
độc ẩm
thánh thần quay bóng biệt tăm


sáu

quẩn quanh vòm trời phế tích
mây xám với tôi không nhà
lưỡi lá vàng
môi cỏ úa
mưa dầm mộng dột
hỡi chim !


bảy
mưa xói mòn tháng mười
mọi nẻo kỷ niệm
chìm mất tăm hơi
vầng dương rã mục
quả đất là thân tàu rỉ nước
phóng xe lên cầu vồng
tôi bấm vang hồi còi báo động
nhưng bốn phương
vẫn thinh lặng hư không

tám

gài nơi thềm cửa
lời cáo phó mùa thu
thắp nén hương
trước chân trời mây phủ
đồng không rừng vắng
vú to vú nhỏ rụng dần
giờ đây sân ga xó quán
là chỗ nằm cho trí nhớ bỏ hoang
nơi hậu trường lá mục
sâu bọ gặm nhấm
mối tình trái cấm


chín

chim hồng chim hộc bay đi
còn lại giữa khung trời
các nứt rạn vô phương vá víu
gió giông rên rỉ tiếng kinh cầu
trùng điệp sồi phong mê thiếp
hằng hà rụng
bất tận rơi
những mảnh vụn phật tính
có kẻ lầm lũi trên đường
bất chợt ngước nhìn


KẾT

chẳng cần quay ngược cuộn phim
nơi ngã ba thời tiết
đoàn tàu mùa thu
rẽ chậm về hướng cũ
trong kính chiếu hậu
le lói tà huy quá khứ
đài phát thanh rên rỉ điệu blues xưa
không có gì thay đổi
các phím đàn đuổi nhau
về chân trời mù
trí nhớ ôm cặp cánh phân vân
cuộn phim
dù quay ngược quay xuôi
lá chết vẫn xoay
từng đợt sóng đồng tâm
vòng tròn là chung cuộc


CHÂN PHƯƠNG

Ông Nguyễn Trần Bạt nói về những “nhân sĩ, trí thức yêu nước”


 tumathien


Trong bài trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn Kết có tựa đề “Rủi ro nhất của khủng hoảng kinh tế là để xã hội bất ổn”ngày 29/9/2013, ông Nguyễn Trần Bạt, nhà tư tưởng hàng đầu, người nổi tiếng với những lập luận sắc sảo, đầy tính nhân văn, đã nói về một số trí thức, dù không nói trực tiếp là ai nhưng qua nội dung chúng ta đều có thể đoán ra đây là những vị “nhân sĩ, trí thức yêu nước” lúc nào cũng xuất hiện trong các bản tuyên bố, thư ngỏ, kiến nghị trong thời gian vừa qua.

Đầu tiên là chỉ ra nguyên nhân bất mãn: “Những năm mở cửa vừa qua đã giúp một bộ phận dân chúng đô thị có điều kiện sống tốt hơn nên bây giờ khó khăn một chút là bất mãn” và ông cũng phân tích nguyên nhân sâu xa của bất mãn: “những người nhìn cuộc đời qua tâm trạng của mình”. Quả là chính xác, những người như Quang A, Huệ Chi, Tương Lai, Lê Hiếu Đằng… đều là những người như vậy, họ là những trí thức có nhiều tham vọng, nhưng rốt cục thì những bất mãn hay tâm trạng của họ được phản ánh thành “đất nước lâm nguy”.

Ông Bạt chỉ ra rằng những người này luôn chỉ trích mà chỉ trích thì rất dễ: “Tôi phải nói thẳng rằng tôi không thích những ý kiến luôn luôn chỉ trích và đòi thay thế thể chế. Bởi vì chỉ trích dễ lắm, nhưng làm thì khó”, “Tất cả những ý kiến chỉ trích cá nhân những nhà lãnh đạo, chỉ trích thực trạng kinh tế, xã hội tôi nghĩ đều không tích cực. Phân tích nó thì được, nhưng đem chỉ trích, bêu riếu nó thì không nên”.

Ông cũng thẳng thắn phê phán những người đòi thay đổi thể chế: “Đối với người Việt Nam, thể chế chính trị mà chúng ta đang có cho dù còn có những khiếm khuyết thì nó vẫn là một thể chế mà mỗi một người đã cam kết sống với nó. Tôi sinh năm 1946, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời năm 1945. Phải nói cho sòng phẳng, nền cộng hòa này đối với tôi là nền cộng hòa của tôi, tôi phải chăm chút giống như ngôi nhà của tôi, dột thì tôi phải lợp lại. Tôi nghĩ rằng mọi nền cộng hòa đều phải sửa chữa. Tôi đã nghiên cứu và rút ra một kết luận là mọi nền cộng hòa đều phải sửa chữa thường xuyên. Nền Cộng hòa của Hoa Kỳ cũng đang phải sửa, tại sao chúng ta không sửa mà chúng ta đòi thay nó. Thay bằng cái gì?”.

Câu hỏi của ông Bạt là đang nói về việc Quang A, Huệ Chi, Tương Lai, Lê Hiếu Đằng đang đòi thay bằng thể chế Mỹ !

Và ông Bạt cũng đưa ra khuyến nghị: “Nếu xã hội chúng ta kêu gọi sự phát huy, đi tìm kiếm giải pháp, sáng kiến, lối thoát mà không chỉ trích nữa thì tôi nghĩ rằng tất cả các cuộc hội thảo sẽ trở nên những cuộc hội thảo lịch sử. Bởi đấy là lúc xã hội ghé một vai gánh với Đảng và Chính phủ để chứng minh rằng xã hội chúng ta là một xã hội hòa bình, mọi người đều làm chính trị theo địa vị của mình chứ không đòi thay thế vị trí các nhà lãnh đạo”.

Với một trí thức có trình độ và tâm huyết như ông Nguyễn Trần Bạt thì những việc làm của các vị nhân sĩ, trí thức vừa qua như việc ký tuyên bố quyền dân sự, chính trị chỉ là những trò trẻ con, “góp sức” làm đất nước thêm bất ổn.

Tư Mã Thiên xin dẫn lại câu thơ của Nguyễn Du được ông Bạt nhắc đến trong bài phỏng vấn để gửi đến các vị “nhân sĩ, trí thức yêu nước”:

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình lại thấy thương mình xót xa.

 tumathien

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Ngươi nóng, nhưng ta còn nóng hơn





Tác giả: Tống Thần Quang



 Long Kỷ đã gần 50 tuổi. Tuy nhiên, mái tóc đen bóng và sắc diện trẻ trung khiến ông trông như mới 27 hay 28 tuổi. Những người từng biết ông nhớ lại trước đây ông không được như vậy.

Không lâu sau khi Long Kỷ sinh ra, phong trào đại nhảy vọt của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu; đây là một thảm họa nhân tạo kéo dài 3 năm. Nhiều người đã chết đói, và Long Kỷ gần như cũng bị chết đói. Một thầy thuốc Trung Y già đã cứu mạng sống của ông. Tuy nhiên, vì không đủ dinh dưỡng từ khi sinh ra, Long Kỷ có sức khỏe kém và thường đau ốm. Ông thường bị cảm lạnh nhiều lần liên tiếp.

Trong số bốn mùa thì Long Kỷ sợ nhất là mùa hè. Mùa hè nóng nực thường khiến ông hoa mắt buồn nôn, tức ngực khó thở và tứ chi vô lực. Ông thường cảm thấy chóng mặt chỉ sau khi bắt đầu đọc sách được một lúc. Tình trạng này đã kéo dài hơn 10 năm. Ông đã tìm đến nhiều bác sĩ Tây Y và Trung Y. Tất cả họ đều nói rằng bởi vì ông thiếu dinh dưỡng và có hệ tiêu hóa kém, thuốc thang cũng không thể giúp ông.

Một ngày nọ, có người giới thiệu Pháp Luân Công cho ông. Ông đã thử tập và cảm thấy rất tốt. Không lâu sau, ông cảm thấy cơ thể mình tràn đầy năng lượng. Sau đó, ông tới thành phố Đôn Hoàng ở tỉnh Cam Túc trong một chuyến công tác. Đó là cuối tháng Tám và trời rất nóng. Trong những ngày này, ông đã đi ra ngoài cả ngày trên nền cát nóng. Tuy nhiên, ngạc nhiên thay, ông không hề cảm thấy khó chịu. Sau đó, khi đọc mục “Không trong ngũ hành, ra ngoài tam giới” trong «Chuyển Pháp Luân», ông mới hiểu ra. Là một học viên tu luyện chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, cơ thể ông liên tục được vật chất cao năng lượng lấp đầy. Ngươi nóng, nhưng ta còn nóng hơn. Đó là nói rằng nóng và lạnh của thế gian không còn chi phối người tu luyện được nữa.