Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

chỉ có hiện tại là thật



Khaly Chàm



hãy nghĩ đến quá khứ
là giấc mơ trống rỗng của sự tưởng tượng
tất cả đều mất hút vào hư không của quá khứ
chẳng thể nào hình dung được
hình thái cứu cánh về mặt tâm linh...
có thể chấp nhận mọi khía cạnh lịch sử
hiện tại thi hài lịch sử đã được lý trí khâm liệm
để nó trở thành một kỳ quan?
dối trá luôn thể hiện qua nhiều bộ mặt
chứng nhân tôn sùng giả hiệu
loài người đang lạm dụng ảo tưởng
không bao giờ có cuộc đời nào khác tốt đẹp hơn
nói về một thế giới khác
ta đang phỉ báng thời gian
khi biết rằng: ta mặc nhiên tồn tại theo từng hơi thở
ta phớt lờ trước cảm xúc sợ hãi pha lẫn bi thương
những kỹ năng thao tác tuyệt vời của phu đào huyệt
không cần biết quá khứ hay tương lai

Đôi ta ngủ và mơ trong cái tổ làm bằng mùi ái ân






Ngày
em phủ mùi hương em lên đời tôi
lá thơm là da thịt của ái ân
cánh trắng là hướng đến lần ái ân khác.

Đôi ta hứng nước sướng của nhau
khuấy động cánh rừng lông tơ.

Đôi ta
rời khỏi bờ bến lạt lẽo kiếp người
mãi mãi tìm thấy nhau trong hũ kẹo của Thượng Đế
từng viên kẹo là cánh bướm gọi thức ái ân
lần làm tình gần nhất là giữa không gian đêm diễn của hoa hồng
trong đêm hoa hát bằng mùi hương
mọi bí ẩn về giống cái giống đực hoá ra thật giản dị
như một giọt sương.


Đôi ta ngủ và mơ trong cái tổ làm bằng mùi ái ân
từ đó trên con đường đi về phía cái chết
ngày ngày
anh và em đắm đuối trong nguồn hương nước sướng
đó là cách chúng ta nhận biết mây trắng về
và mặt trời là quả bóng bóng chơi chung của bé trai và bé gái.

Đời người chuyện gì đáng kể!
Hũ kẹo của Thượng Đế.
Đêm diễn của hoa hồng.
Mưa sương kết tụ từ hương nồng ái ân.
Quả bong bóng đưa cuộc tình bay vào bầu trời vô tận.


Trần Tiến Dũng

Thần chết và kẻ bủn xỉn”, một ngụ ngôn đạo đức của Hieronymus Bosch




Tác giả: Chu Di Tú ( Đài Loan)

 Hieronymus Bosch (1450 – 1516), một họa sĩ người Hà Lan với phong cách hậu Gothic, được biết đến như là đại diện Bắc phái trong thời kỳ tiền Phục Hưng, thường vẽ các tác phẩm có chủ đề tôn giáo, với sự châm biếm, những bình luận bi quan và đặc biệt ưa thích sự đau đớn trong địa ngục. Tác phẩm “Thần chết và kẻ bủn xỉn” (“Death and the Miser”) mà Bosch vẽ vào năm 1490 sau công nguyên là một câu chuyện ngụ ngôn về đạo đức để cảnh tỉnh bất cứ ai truy cầu sự giàu có trong cuộc sống này và vẫn còn ôm giữ nó cho tới tận lúc chết.


Năm 1490 sau công nguyên, tranh sơn dầu vẽ trên gỗ, 36 5/8 x 12 1/8 tại Nhà trưng bày Nghệ thuật Quốc gia; Washington, D.C.

Người đàn ông trần truồng (kẻ bủn xỉn) nằm trên giường và đang khăng khăng với sự xuẩn ngốc của ông, thậm chí khi đã cận kề cái chết. Thần chết, được thể hiện bên tay trái, đã bước vào phòng ngủ của ông. Vị thần hộ mệnh của ông cố gắng thu hút sự chú ý của ông vào cây thánh giá trên cửa sổ, nhưng tay ông vẫn còn với lấy túi vàng, thứ mà con quỷ đang cầm.

Người đàn ông trần truồng và đang hấp hối có vẻ như là một người đầy quyền lực: Bộ áo giáp của ông nằm dưới chân giường, nhưng lại ở bên ngoài bậc thềm, cho chúng ta gợi ý rằng sự giàu có của ông có thể đến từ những trận đánh. Kẻ bủn xỉn đã chiến đấu vì của cải và cất giữ nó ngay bên cạnh ông. Ông xuất hiện hai lần trong bức tranh. Lần thứ hai mà ông xuất hiện là khi còn khỏe mạnh, ăn mặc chỉnh tề và đang cất giấu vàng của mình, đầy vẻ thỏa mãn khi ông cho thêm một đồng xu khác vào trong hòm. Ma quỷ lẩn trốn khắp nơi trong chiếc hòm đựng vàng của ông.

Thần chết đã thò cái đầu ghê sợ vào sau cánh cửa. Hãy để ý sự ngạc nhiên của người đàn ông ốm yếu: Thần chết đến thật bất ngờ! Giờ đây trận chiến cuối cùng đã bắt đầu. Đây là một trận chiến mà ông phải chống chọi mà không có chiếc áo giáp. Bên cạnh chiếc giường là một con quỷ đang ẩn nấp, thậm chí nó còn đang đưa vàng cho kẻ bủn xỉn, người vẫn chìa tay ra vào giờ phút cuối cùng. Một con quỷ khác đang thò đầu xuống từ trên nóc chiếc giường, đầy vẻ mong ngóng và thích thú.

Kết cục của câu chuyện này vẫn chưa ngã ngũ. Vị thần hộ mệnh đang ngước nhìn cây thánh giá trên khung cửa sổ một cách đầy thất vọng. Dường như Chúa đã không bỏ rơi kẻ bủn xỉn bởi vì một tia sáng mờ ảo đầy hy vọng đang chiếu rọi từ cửa sổ về phía ông, hứa hẹn ban tặng trí tuệ cho ông để giúp ông từ bỏ chấp trước vào của cải phù du và nắm lấy sự cứu độ của Thần.

Mặc dù các tác phẩm của Bosch nhìn chung được coi là bi quan, nhưng khi ông miêu tả Thiện và Ác đồng thời, Thần thường xuyên có mặt trong tranh của ông, kiên nhẫn và từ bi chờ đợi con người hối cải.

Vứt bỏ ảo ảnh của tình


Tác giả: Quả Chính



 Nghe nói, từ khi Phật Thích Ca Mâu Ni đến nước Xá Vệ thuyết Pháp giáo hóa đại chúng, người toàn thành đều trở nên có đạo đức, có lễ nghi, hiểu biết chuyện. Họ giúp đỡ lẫn nhau, ăn ở hòa thuận, nước Xá Vệ trở thành một cõi yên vui.

Khi tin tức này truyền sang nước khác, tại nước La Việt xa xôi có một người ngoại đạo, vì nảy sinh tâm khâm phục uy đức của Phật Đà, nên không quản khó nạn lên đường tới nước Xá Vệ, mong muốn bái kiến Phật Đà, thỉnh cầu dạy dỗ. Thế nhưng khi còn chưa được gặp Đức Phật, anh đã gặp một việc khiến anh khó lý giải.

Nguyên nước Xá Vệ là một chốn nhiệt đới, rất nhiều rắn độc, nếu bị rắn cắn, thì lập tức bỏ mạng; do đó, tại nơi này người bị rắn độc cắn chết rất nhiều. Khi người ngoại đạo này đi tới ngoài thành, thấy có hai cha con đang làm ruộng, thì đột nhiên một con rắn độc nhảy ra từ đám cỏ cắn người con, không lâu sau phát độc mà chết. Thế nhưng người cha vẫn cứ làm ruộng như bình thường, dường như không chịu ảnh hưởng mấy bởi cái chết của người con.

Người ngoại đạo cảm thấy rất kỳ lạ, mới hỏi ông cụ rằng: “Người trẻ tuổi này là ai vậy ạ?” “Là con của lão đấy”, ông cụ đáp. “Anh nhà bị rắn cắn chết, cụ không cảm thấy thương tâm còn tiếp tục làm việc, đó chẳng phải đứa con cụ thân sinh sao?”

“Đau thương phỏng có ích chi. Đời người vẫn là phải chết, hưng thịnh và suy bại của sự vật cũng có quy luật của nó, người dẫu sao cũng chết rồi. Nếu anh ấy có nhân thiện, thì sẽ gặp thiện báo; nếu anh ấy gieo nhân ác, thì ác báo sẽ ở nhãn tiền. Tôi khóc lóc nỉ non, đối với người chết thì có chỗ gì tốt đây?” Cụ già nói tới đây, thấy kẻ ngoại đạo ngây người ra, mới hỏi anh: “Anh định vào thành phải không? Tôi có một việc tiện nhờ anh luôn, được không?”

Người ngoại đạo hỏi rốt cuộc là việc gì, cụ già tiếp tục nói: “Anh vào thành rồi, nhờ anh ghé vào ngôi nhà thứ hai, nói với gia đình tôi rằng chỉ cần cơm cho một người ăn trưa thôi, vì con tôi đã bị rắn cắn chết rồi”.

Người ngoại đạo vô cùng kinh ngạc, vì sao cụ già này một chút thiện tâm, nhân từ cũng không có nhỉ; con trai chết ở đó, mà không hề đau khổ, còn không quên bữa trưa của mình, trên thế gian có ông bố nào bạc tình hơn thế này không?

Người ngoại đạo đi vào thành, rẽ vào nhà lão nông dân, nói với cụ bà: “Con trai bà bị rắn độc cắn chết rồi! Cha của anh ấy bảo tôi báo tin cho bà, trưa nay chỉ cần mang cơm cho một người thôi!” Cụ bà nghe xong, cảm ơn người báo tin, nhưng không bi thương chút nào. Người ngoại đạo thấy lạ bèn hỏi: “Bà ơi, bà không thương anh nhà chết thảm hay sao?”

Bà lão thản nhiên đáp lại: “Đứa con này chuyển sinh vào nhà tôi, cũng không phải tôi kêu gọi anh đến, mà là anh ấy tự đến. Hiện tại anh ấy đi rồi, tôi cũng lưu lại không được, cũng như lữ khách trú lại một đêm ở quán trọ, đến sáng lại ra đi, không ai lưu lại được. Thực ra không cần phải lưu lại, giữa mẹ con chúng tôi chỉ như vậy thôi; con tôi đi đâu, là tùy theo duyên nghiệp của anh ấy, tôi cũng không giúp gì được nữa”. Người ngoại đạo nghe xong mấy lời này bèn nghĩ, đúng thật là một cặp phu thê bụng dạ sắt đá, tựa như không có nhân tình.

Lúc này trước mặt xuất hiện một cô gái, là chị gái của người đã khuất, người ngoại đạo hỏi cô rằng: “Em trai chị chết rồi, chị thương tâm lắm phải không?”

“Cậu ấy đã qua đời rồi, tôi còn thương tâm làm gì nữa? Chúng tôi cũng như những miếng gỗ của tấm bè, khi trôi trong nước gặp phải bão lớn, bè gỗ bị vỡ ra, các mảnh gỗ theo sóng mà phiêu bạt, gỗ mãi mãi không thể kết thành thuyền được nữa. Chúng tôi vì nhân duyên tình cờ mà trở thành chị em, cùng sinh tại một nhà, nhưng thọ mệnh dài ngắn khác nhau, sinh tử không có thời gian quy định. Anh ấy dẫu sao đã rời đi trước rồi, tôi là chị gái cũng không có năng lực giải cứu”.

Người chị vừa nói xong, bên cạnh lại một phụ nữ khác nói: “Đúng vậy, chồng của tôi chết rồi”.

Người ngoại đạo lúc này như rơi vào đám mây mù, mới hỏi người phụ nữ: “Chồng của chị mất rồi, chị vẫn điềm nhiên như không vậy, không hề có đau thương, thế liệu có đúng không?”

Vợ của người chết bình tĩnh đáp: “Sự kết hợp giữa vợ chồng chúng tôi cũng như cặp chim trên trời vậy, ban đêm nghỉ tại một nơi, đến sáng lại tách ra đi tìm thức ăn, có vận mệnh riêng. Chim đã bay mất là không thể trở lại, ấy là do tạo hóa, tôi không thay thế được anh, cũng không có cách nào gánh chịu nghiệp lực thay anh, tựa như khách qua đường vậy, gặp nhau xong lại mỗi người một phương”.

Người ngoại đạo nghe những lời của người nhà thì đầy tâm bất bình, thậm chí còn hối hận đã lỡ đến đây, vì nghe nói người nước Xá Vệ hiếu đạo lắm. Đến đây để quy chính bản thân, tìm kiếm chân lý, nào ngờ gặp phải toàn những người không chút từ tâm thế này.

Dù sao đi nữa, anh vẫn muốn gặp Đức Phật một phen, gặp rồi không còn hối tiếc gì nữa. Thế là anh tìm đến tinh xá Chi Viên để cầu kiến Phật Đà.

Người ngoại đạo trong tâm đầy nghi vấn, sau khi bái kiến Phật Đà thì lặng lẽ ngồi một bên, cúi thấp đầu chứ không mở miệng hỏi. Thực ra tâm tư của anh thì Đức Thích Ca đã sớm biết được, nên cố ý hỏi anh: “Điều gì khiến con ưu sầu như vậy?”

“Bởi vì hy vọng không thể như ý nguyện, gặp phải sự việc trái tâm khiến con ưu sầu”, người ngoại đạo đáp.

“Ưu sầu không thể giải quyết vấn đề, có gì khiến con ngả lòng, hãy nói hết ra xem”, Đức Thích Ca từ bi nói.

“Con từ phương xa mộ danh mà tới, cũng vì sùng bái nước Xá Vệ có Phật Đà ngài giáo hóa, nhân dân đều theo Pháp thừa hành. Nào ngờ vừa tới đây đã gặp phải sự việc có chút không còn nhân tính…” Người ngoại đạo đem chuyện gặp gia đình lão nông kể hết cho Đức Thích Ca nghe. Anh cho rằng đây là việc đại nghịch bất đạo, không có nhân tình, còn nói gì tới từ bi, không ngờ tại quốc gia Phật Đà này lại có việc như vậy phát sinh.

Thế nhưng Đức Thích Ca lại cười nói với anh rằng: “Không hẳn như lời con nói đâu. Con hy vọng nhìn thấy, nghe thấy sự việc có nhân tính, nhân tình, nhưng Pháp lý có lúc không thể thuận theo nhân tính được. Tịnh hóa nhân tính, tương ứng chân lý, đây mới là điều trọng yếu của tu hành. Con trông thấy một gia đình, trên đạo lý, thì họ không có sai. Họ biết rằng nhân sinh vô thường, con người không thể mãi mãi bảo trì sinh mệnh sắc thân của mình được. Tất cả thánh phàm xưa nay đều như thế cả, một cá nhân chết rồi, mọi người đều khóc lớn vì anh ta, điều này đối với người chết có chỗ gì tốt đây? Hơn nữa người ấy lúc còn sống đã định trước là phải chết, sống thì vui chết thì buồn. Đây là mê hoặc của sinh tử đối với thế tục, cho nên dòng lưu chuyển của sinh tử sẽ vĩnh viễn không bao giờ ngừng”.

Người ngoại đạo nghe Đức Thích Ca khai thị xong, tâm lý bỗng nhiên khai ngộ, từ đó cải tông quy y Phật Đà, trở thành một tỳ kheo kiền thành tinh tấn.

Sự phát triển theo chu kỳ của văn minh loài người







Các ghi chép lịch sử cho thấy rằng chu kỳ văn minh nhân loại kỳ này của chúng ta mới phát triển được không quá 10.000 năm, từ thời kỳ đồ đá nguyên thủy nhất cho tới xã hội hiện đại phát triển cao như ngày nay. Tuy nhiên, dựa trên những di tích khai quật được, một lò phản ứng hạt nhân cỡ lớn 2 tỷ năm tuổi được tìm thấy ở Cộng hòa Gabon, và một khối cầu kim loại 2,8 tỷ năm tuổi được tìm thấy ở Nam Phi, người ta thấy rằng con người với nền văn minh phát triển cao độ đã từng tồn tại trên trái đất này kể từ thời viễn cổ. Rõ ràng là, không di tích lịch sử nào trong số đó là thuộc về nền văn minh nhân loại thời kỳ này của chúng ta, và do đó chúng thuộc về các chu kỳ văn minh khác. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết về văn hóa tiền sử, trong đó lập luận rằng có hơn một chu kỳ văn minh trên trái đất. Họ cho rằng sự phát triển của văn minh nhân loại là mang tính chu kỳ; các nền văn minh khác nhau đã từng tồn tại trong những thời kỳ lịch sử khác nhau trên trái đất.

Các nền văn minh tiền sử đã bị hủy diệt bởi đủ loại thảm họa, chẳng hạn như động đất, lũ lụt, núi lửa phun trào, va chạm với thiên thạch hay sao chổi, sự nâng lên hay sụt xuống của các bản khối đại lục hay thay đổi thời tiết đột ngột. Những thảm họa này đã hủy diệt nền văn minh trong mỗi thời kỳ và làm tuyệt chủng hầu hết các loài, chỉ để lại rất ít di tích văn hóa. Tất cả người tiền sử và nền văn minh của họ đều bị biến mất khỏi trái đất. Bằng cách nào những nền văn minh này bị hủy diệt? Và tại sao? Chúng ta có thể tìm một số manh mối từ những di tích tiền sử được khai quật.

1. Vô số nền văn minh tiền sử đã từng bị hủy diệt

1.1. Lục địa Atlantis chìm xuống đáy biển 12.000 năm trước

Atlantis là một lục địa có nền văn minh phát triển cao. Khoảng 11.600 năm trước, nó đã chìm xuống đáy biển bởi một thảm họa động đất rung chuyển cả địa cầu. Một số học giả cho rằng nó có thể từng nằm tại vùng biển Đông. Biển ở đó rất nông, với độ sâu trung bình chỉ 60 mét. Chỉ những ngọn núi cao nhất của Atlantis là vẫn còn trên mặt nước, và nó trở thành Indonesia ngày nay.

1.2. Những di tích bị đánh chìm
Ở độ sâu khoảng 200 mét dưới đáy biển gần bờ biển Peru, người ta đã tìm thấy một số cột đá với những dòng chữ được chạm khắc cùng các công trình đồ sộ. Bên ngoài eo biển Gibraltar, trong biển Đại Tây Dương, 8 bức ảnh đã được chụp thành công, trong đó thấy rõ những bức tường và bậc đá của một lâu đài cổ. Chúng đã bị chìm gần 10.000 năm trước. Tại đáy biển phía tây tam giác Béc-mu-đa, một kim tự tháp khổng lồ đã được tìm thấy. Rõ ràng là, những di dích này đại diện cho các nền văn minh huy hoàng của người tiền sử đã bị chìm xuống đáy đại dương, nơi đã từng là lục địa.

1.3. Sự mô tả trận đại hồng thủy

Khoảng 12.000 năm trước, thời kỳ cuối cùng của văn minh nhân loại đã phải chịu một trận đại hồng thủy, và nó đã nhấn chìm tất cả các lục địa. Sau nhiều năm, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều bằng chứng về trận đại hồng thủy này, trực tiếp hay gián tiếp. Truyền thuyết của nhiều quốc gia cổ xưa khác nhau trên thê giới cũng ghi lại điều này, ở một quá khứ xa xăm, một trận đại hồng thủy đã xảy ra trên trái đất và phá hủy tất cả nền văn minh loài người, với chỉ một số ít người còn sống sót. Có tới hơn 600 truyền thuyết về trận đại hồng thủy. Ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Hy Lạp, Ai Cập, các thổ dân Châu Phi, Nam Mỹ và Bắc Mỹ, có rất nhiều truyền thuyết khác nhau ghi lại ký ức về trận lụt này. Mặc dù các truyền thuyết này thuộc các tộc người khác nhau và văn hóa khác nhau, chúng đều cực kỳ tương đồng về câu chuyện và các người hùng. Tất cả những chứng cứ này không thể chỉ được giải thích đơn thuần là “sự trùng hợp”.

Có rất nhiều lời mô tả về trận lụt này trong Kinh Thánh. Mặc dù Kinh Thánh là một cuốn sách tôn giáo, nhiều học giả cho rằng nó nói về lịch sử chân thực của loài người. Sau đây là một số đoạn trích từ Kinh Thánh:

“Cơn hồng thủy kéo dài bốn mươi ngày trên mặt đất. Nước tăng thêm và nâng tàu lên, khiến tàu ở cao hơn mặt đất. Nước dâng và tăng thêm nhiều trên mặt đất, và tàu lênh đênh trên mặt nước.”(Sáng Thế Ký, Chương 7, 17-18)

“Và nước vượt qua mặt đất, vượt qua những ngọn đồi cao, và tất cả dưới bầu trời đều bị bao phủ.” “Vào tháng bảy, ngày mười bảy tháng ấy, chiếc thuyền tới đỉnh núi còn lại Ararat. Bốn tháng sau, mặt đất mới khô ráo.” (Sáng Thế Ký, Chương 7-8)

Trận lụt này, cùng với sự chìm xuống của cả lục địa đã hoàn toàn phá hủy tất cả nền văn minh của nhân loại trên trái đất. Chỉ một số rất ít người còn sống sót. Nhiều di tích tiền sử được tìm thấy bởi các nhà khảo cổ mới đây đã nêu lên vấn đề rằng lục địa Atlantis, được ghi chép trong văn hóa Hy Lạp cổ đại, có thể đã từng bị hủy diệt bởi trận đại hồng thủy.

1.4. Đột ngột đóng băng – vẫn còn lại vùng đất bị đóng băng ở Siberia

Ở vùng đất băng giá thuộc Siberia, các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch của hàng ngàn động vật có vú. Một số rất hoàn hảo, một số bị vỡ thành từng mảnh và bị cuộn vào những thân cây. Các nhà khoa học đã kiểm tra phần thức ăn còn lại trong dạ dày của chúng, và thấy rằng trong đó có cỏ chưa tiêu hóa, thứ cỏ thuộc vùng khí hậu ôn hòa. Một thảm họa kinh khủng đã xảy ra trong một thời gian ngắn và làm đóng băng tất cả sinh vật trong vùng thảo nguyên này tại vị trí hiện tại


1.5. Thảm họa 65 triệu năm trước đây:
Sáu mươi lăm triệu năm trước, trái đất là một thế giới của khủng long. Các nhà khoa học ước tính rằng khủng long đã từng sống trên trái đất lâu nhất là 140 triệu năm trước, và họ đã tìm được một số bằng chứng cho thấy con người đã từng cùng tồn tại với khủng long. Dưới đáy sông Raluxy ở Texas, người ta đã tìm thấy một số dấu chân khủng long từ kỷ Phấn Trắng. Các nhà khảo cổ đã kinh ngạc khi tìm thấy 12 hóa thạch dấu chân người chỉ cách các dấu chân khủng long kia 18,5 inches. Ngoài ra, một dấu chân người trùng với dấu chân của khủng long. Các nhà khoa học đã cắt mẫu hóa thạch và thấy rằng có một số dấu vết bị đạp lên bên dưới dấu chân, chứng tỏ rằng mẩu hóa thạch này không thể là giả mạo. Và trong phần địa hình gần đó, các nhà khoa học đã tìm thấy một hóa thạch ngón tay người và một chiếu rìu được con người chế tạo.

Tại một cái hang ở Peru, người ta đã tìm thấy hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật làm từ đá, có niên đại lên tới 200 triệu năm tuổi. Trong số đó có các bức tranh đáng kinh ngạc: một phi công đang điều khiển một vật thể bay lạ bên trên một bầy khủng long, và một số người đang tấn công con khủng long bằng chiếc rìu!

Rõ ràng là, nhân loại phát triển cao đã từng tồn tại đồng thời với khủng long. Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng khủng long đã đột ngột tuyệt chủng từ 65 triệu năm trước, một thực tế vẫn chưa được giải thích. Một lời giải thích khả thi có thể là một thảm họa đã xảy ra vào thời điểm đó, dẫn tới sự hủy diệt nền văn minh loài người cùng hầu hết các loài động vật, bao gồm cả khủng long.

1.6. Thành phố Mohenjodaro bị hủy diệt do sự gia tăng nhiệt độ đột ngột

Địa điểm khảo cổ thuộc thành phố Mohenjodaro đã được tìm thấy ở vùng thung lũng sông Indus, tại nơi mà ngày nay là Pakistan. Sự khai quật được bắt đầu vào năm 1920 và vẫn còn tiếp diễn cho tới ngày nay. Nhưng những phần đã được khai quật hé lộ rằng con người thời đó đã đạt được một nền văn hóa phát triển cao so với văn hóa đô thị hiện đại ngày nay. Nhà cửa được làm từ gạch nung. Và trong mỗi hộ gia đình, có một hệ thống cống rãnh hoàn chỉnh đến mức hoàn hảo. Nước từ nhà vệ sinh ở tầng trên có thể đi theo ống dẫn bên trong tường xuống bể phốt, và có các điểm xử lý tại bể phốt để làm sạch thường xuyên! Ngoài ra, một số hộ thậm chí còn được trang bị thùng rác đặc biệt để họ có thể vứt rác xuống từ trên lầu.

Nhiều xác người đã được tìm thấy tại địa điểm của thành phố. Những người này không được chôn trong mộ mà trông họ giống như đã bị chết đột ngột. Một người khai quật nói: “Rõ ràng là, tất cả họ đã đột nhiên chết do một loại thay đổi đột ngột nào đó”. Một số người đã đưa ra các giả thuyết khác, chẳng hạn như dịch bệnh, vụ tấn công, tự sát tập thể hay tương tự như vậy. Nhưng không thảm họa nào trong số chúng có thể ngay lập tức giết chết tất cả mọi người.

Một nhà khảo cổ học người Ấn Độ đã tìm thấy một số dấu vết trên cơ thể họ, cho thấy rằng họ đã bị nung nóng ở một nhiệt độ rất cao. Các nhà khoa học cho rằng họ có thể là nạn nhân của một vụ phun trào núi lửa, hay thậm chí là một cuộc chiến tranh hạt nhân thời tiền sử. Người ta đã xác nhận rằng phế tích thành phố và cái chết của những cư dân đã bị gây ra bởi một sự gia tăng nhiệt độ đột ngột.

1.7. Địa điểm thuộc Tiahuanaco tại Nam Mỹ

Từ địa điểm khảo cổ thuộc thành phố Tiahuanaco, nằm giữa biên giới Peru và Bolivia, các nhà khoa học đã khai quật được nhiều hóa thạch cá chuồn, sò và các loại động vật biển khác. Họ cũng khám phá ra rằng Tiahuanaco đã từng là một bến cảng với những cầu tàu được thiết kế tốt, một trong số chúng có thể chứa đồng thời hàng trăm chiếc thuyền. Tuy nhiên, bến cảng cổ xưa với lịch sử ước tính 1.700 năm tuổi này đã bị nâng lên thành một cao nguyên ở độ cao 4.000 mét so với mực nước biển! Người ta giả định rằng bến cảng này đã bị hủy diệt và bỏ rơi do một sự xáo trộn mạnh mẽ của các bản khối đại lục.

1.8. Thành phố cổ đại bị nhấn chìm dưới biển Địa Trung Hải
Các nhà khảo cổ người Pháp và Ai Cập đã phát hiện ra một số thành phố cổ đại bị nhấn chìm dưới đáy biển, gần thành phố cảng Alexander ở Ai Cập. Người ta ước tính rằng những thành phố cổ này được xây dựng vào thế kỷ thứ 6 hay 7 trước Công nguyên, trong thời kỳ của các Pharaohs. Tên của chúng thường được đề cập đến trong các vở kịch Hy Lạp, sách hướng dẫn du lịch và chuyện thần thoại. Đây là lần đầu tiên các bằng chứng được tìm thấy để chứng minh sự tồn tại thực sự của chúng.

Khi các nhà khảo cổ lặn xuống đáy biển, họ đã bị sốc bởi những gì họ thấy: những công trình được bảo tồn hoàn hảo, các ngôi đền nguy nga, những bến cảng khá hiện đại và các bức tượng khổng lồ mô tả cuộc sống con người thời đó. Toàn bộ thành phố đã bị đông cứng lại trong quá khứ xa xôi! Quan sát những thành phố dưới đáy biển này, người ta thấy những công dân thành thị dưới thời các Pharaohs có cuộc sống rất tốt. Để hưởng thụ cuộc sống, họ đã xây dựng các tòa nhà rộng lớn và sáng sủa với hệ thống thông gió được thiết kế tỉ mỉ, các nhà vệ sinh và phòng tắm, những công viên giải trí ngoài trời quy mô lớn cùng hệ thống dẫn nước thành thị hoàn hảo.

Những thành phố này đã thình lình bị hủy diệt trong một đêm khi đang ở trên đỉnh cao của sự thịnh vượng vào 1.200 năm trước đây. Tại sao họ lại biến mất đột ngột như vậy?

Các nhà khảo cổ đã đưa ra giả định rằng một trận động đất dữ dội có thể đã phá hủy những thành phố này. Trận động đất có thể xảy ra vào thế kỷ thứ 7 hay 8 sau Công nguyên, bởi vì các đồng xu và của cải được những thợ lặn tìm thấy có niên đại vào thời Byzantine. Các nhà khảo cổ đã cố gắng mô tả cái đêm xảy ra thảm họa 1.200 năm trước: một trận động đất rất mạnh tách thành phố ra thành từng mảng, và một cái vực sâu xuất hiện ở ngay khu trung tâm thành phố. Nước từ vết nứt đó phun lên trời, ngay lập tức nuốt lấy thành phố, nhà cửa và con người. Ngày càng nhiều nước tràn vào thành phố, và mặt đất sụt xuống biển. Không lâu sau đó, cả thành phố đã biến mất dưới đáy biển sâu. Vô số sinh mạng đã bị chôn vùi dưới đáy biển; hầu như không ai có thể thoát khỏi thảm họa..

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Văn chương kể lại sự thật





Nhà văn Julian Barnes


Tiểu thuyết, về cơ bản là một hình thức hiện thực chủ nghĩa ngay cả khi nó được diễn dịch theo phương thức kỳ ảo nhất. Tiểu thuyết không thể trừu tượng như âm nhạc được. Có lẽ nếu tiểu thuyết bị ám ảnh bởi lý thuyết (như Tiểu thuyết Mới ở Pháp) hay trò chơi ngữ nghĩa (xem Finnegans Wake), nó có thể thôi không còn hiện thực nữa, nhưng như thế đồng thời nó cũng không còn thú vị nữa.
Julian Patrick Barnes (sinh 19 tháng 1 năm 1946 tại Leicester) là một nhà văn Anh đương đại độc đáo. Những đóng góp của ông đã từng được ghi nhận qua nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải Somerset Maugham cho tác phẩmMetroland, Medicis Prix cho Flaubert’s Parrot và Femina Prix cho Talking It Over.

Man Booker không phải là giải thưởng xa lạ với Barnes, bởi ông đã từng được đề cử 3 lần với Flaubert’s Parrot (1984), England, England (1998) và Arthur & George (2005). Tuy nhiên, phải đến năm 2011, ông mới chính thức được vinh danh với cuốn The Sense of an Ending.

Nhân dịp The sense of Ending ra mắt độc giả Việt Nam với tên gọi Nghe mùi kết thúc (dịch giả Nghiêm Quỳnh Trang), chúng tôi xin trích dịch cuộc trò chuyện giữa Barnes và Shusha Guppy để hiểu rõ hơn những quan niệm về nghề của nhà văn Anh này. Cuộc phỏng vấn được đăng trên tạp chí The Paris Review, số Mùa Đông năm 2000, No 165.

***

* Shusha Guppy: Sartre từng viết một tiểu luận có tên Qu’est-ce que la littérature (Văn chương là gì)? Với ông, văn chương là gì?

- Barnes: Có rất nhiều câu trả lời. Nói ngắn gọn nhất, văn chương là cách tốt nhất để kể sự thật; nó là một quá trình tạo ra những lời nói dối lớn lao, đẹp đẽ, chặt chẽ, nói lên nhiều sự thật hơn bất cứ mớ dữ kiện thực tế nào. Ngoài ra, văn chương có thể là rất nhiều thứ, chẳng hạn như niềm khoái cảm trong ngôn ngữ, sự chơi với ngôn ngữ; nó cũng là một cách thức gần gũi đến kỳ lạ để giao tiếp với những người mà anh sẽ chẳng bao giờ gặp mặt. Trở thành một nhà văn mang lại cho anh ý thức về cộng đồng lịch sử, điều mà tôi thấy đang tồn tại khá yếu ớt trong con người xã hội bình thường ở nước Anh đầu thế kỷ XXI. Ví dụ, tôi chẳng hề cảm thấy bất kì mối ràng buộc đặc biệt nào với thế giới của Nữ hoàng Victoria hay với những người can dự vào Nội chiến Anh hoặc Cuộc chiến Hoa hồng, nhưng lại cảm thấy rất rõ một sự ràng buộc rất đặc biệt ở nhiều nhà văn và nghệ sĩ với những giai đoạn, những sự kiện đó.

Shusha Guppy: Ông có ngụ ý gì khi nói “văn chương kể lại sự thật”?

Barnes: Tôi nghĩ một cuốn sách vĩ đại – bỏ qua những phẩm chất khác như nghệ thuật kể chuyện, xây dựng nhân vật, phong cách v.v… – là một cuốn sách mô tả thế giới theo một cách thức chưa từng có; và người đọc nhận thấy nó đã nói lên những sự thật mới – về xã hội, hay về con đường mà đời sống tình cảm được dẫn dắt, hoặc là cả hai – những sự thật chưa từng có, chắc chắn không phải đến từ những hồ sơ pháp quy hay các văn bản chính phủ, hay từ báo chí hoặc ti vi. Ví dụ, ngay cả những người lên án Bà Bovary, cho rằng cuốn sách cần bị cấm, cũng phải công nhận sự chân thực của bức chân dung về kiểu phụ nữ ấy, trong kiểu xã hội ấy mà trước đó họ chưa từng gặp trong văn chương. Đó là lý do vì sao tiểu thuyết lại nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng ở văn chương, có một sự thành thực tối cao, mang ý nghĩa tiên phong, điều làm nên sự lớn lao của nó. Hiển nhiên điều này ở mỗi xã hội là khác nhau. Trong một xã hội áp bức, sự thật mà văn học muốn nói lên thuộc về một trật tự khác, và đôi khi nó còn được đánh giá cao hơn những thành tố khác trong một tác phẩm nghệ thuật.

S.Guppy: Văn học có thể có rất nhiều hình thức: tiểu luận, thơ ca, hư cấu, báo chí, tất cả chúng đều nỗ lực để nói lên sự thật. Ông từng là một cây bút tiểu luận và là nhà báo có tài trước khi bắt đầu viết tiểu thuyết hư cấu. Tại sao ông lại chọn văn chương hư cấu?

Barnes: Nói thành thật thì tôi nghĩ khi viết báo, tôi nói ra ít sự thật hơn là khi viết tiểu thuyết. Tôi vừa viết văn vừa viết báo và thích thú với cả hai, nhưng nói trắng ra, khi anh viết báo, công việc của anh là đơn giản hóa thế giới, khiến nó trở nên dễ hiểu ngay trong một lần đọc; còn khi sáng tác văn chương hư cấu, công việc của anh lại là phản ánh trạng thái phức tạp của thế giới một cách trọn vẹn nhất, là nói ra những điều không thể hiểu thẳng tuột như khi anh đọc những bài báo tôi viết, là tạo nên thứ mà người ta hi vọng có thể bộc lộ những lớp sâu hơn của sự thật ở lần đọc thứ hai.

S.Guppy: Metroland có tính chất tự truyện khá rõ ràng, giống như hầu hết những sáng tác đầu tay. Có phải ngay từ đầu ông đã định viết theo cách đó không?

Barnes: Tôi không chắc lắm. Tất nhiên phần đầu tiên của cuốn sách có mối liên hệ gần gũi với thời thiếu niên của tôi, đặc biệt là không gian diễn ra sự kiện và tâm lý nhân vật. Sau đấy tôi bắt đầu hư cấu và nhận ra mình có thể làm được. Phần thứ hai và thứ ba chủ yếu là hư cấu. Có một chi tiết lý thú thế này- năm năm trước, khi cuốn sách của tôi được xuất bản tại Pháp, tôi được một đoàn làm chương trình truyền hình của Pháp đưa đến một địa điểm nào đó ở phía Bắc Paris để thực hiện phỏng vấn. Họ ngồi với tôi trong công viên – tôi nghĩ chỗ đó là công viên Parc de Montsouris, ít nhất là nó cũng chả quen thuộc gì với tôi cho lắm. Thế là tôi hỏi họ, “Tại sao các anh lại phỏng vấn tôi ở đây?” và họ nói, “Vì chỗ này, theo như sách của ông, chính là nơi ông mất tân”. Đúng là kiểu Pháp! “Nhưng tôi chế ra hết đấy”, tôi trả lời, và họ rất kinh ngạc. Thật là thú vị, bởi cuốn sách khởi đầu chủ yếu bằng phương thức tự thuật, đã chuyển sang hư cấu mà chẳng có bất kỳ ai để ý đến điều đó.

S.Guppy: Chuyển sang sự hư cấu như vậy, ông hi vọng đạt tới điều gì? Ông muốn truyền đạt điều gì trong cuốn tiểu thuyết ấy?

Barnes: Metroland là câu chuyện về sự thất bại. Tôi muốn viết câu chuyện về khát vọng tuổi trẻ cuối cùng đi đến một kết cục thỏa hiệp như thế nào. Tôi muốn viết một tiểu thuyết nằm ngoài truyền thống của Balzac, nghĩa là, thay vì kết thúc với người hùng đứng trên ngọn đồi nhìn xuống thành phố mà anh ta biết, hay ít nhất là tin rằng, mình sẽ chinh phục nó, cuốn sách lại kết thúc với nhân vật phi anh hùng chẳng hề chinh phục được thành phố mà chỉ có thể chấp nhận những luật lệ của thành phố đó.

Ẩn dụ trung tâm của tác phẩm là Metroland – một khu dân cư được hình thành vào thời kỳ hệ thống tàu điện ngầm phát triển vào cuối thế kỉ 19 ở London. Ý tưởng của tôi là có một đường hầm nối, và những chuyến tàu xuyên Châu Âu sẽ chay từ Manchester và Birmingham, đón khách tại London và tiếp tục đi qua những thành phố lớn của châu lục. Vậy nên vùng ngoại ô London này, nơi tôi lớn lên, đã được hình dung trong hy vọng, trong khao khát về những chân trời rộng mở, những hành trình vĩ đại. Nhưng thực tế thì hy vọng đó chưa bao giờ thành hiện thực. Đó chính là nền tảng của cuốn sách: ẩn dụ về sự tuyệt vọng của Chris, nhân vật chính trong tác phẩm, và của cả những nhân vật khác nữa về cuộc đời.

S.Guppy: Balzac không phải là hình mẫu tiểu thuyết gia mà ông hướng đến. Dường như ông phải lựa chọn giữa Balzac và Flaubert hơn là giữa Tolstoy và Dostoyevsky. Alain Robbe-Grillet không thích Balzac vì ông ấy nghĩ rằng thế giới của Balzac quá trật tự và gắn kết; trong khi thế giới của Flaubert phản ánh bản chất hỗn loạn, bất khả đoán của thế giới. Ông có cảm thấy như vậy không?

Barnes: Nếu thế giới này bị phân chia thành một bên là kiểu Balzac còn một bên là kiểu Flaubert, thì tôi thuộc về thế giới thứ hai. Một phần là bởi ở thế giới theo kiểu Flaubert, tính nghệ thuật nhiều hơn. Theo cách nào đó thì Balzac là một tiểu thuyết gia tiền hiện đại. Bà Bovary lại là tiểu thuyết đích thực đầu tiên của thời hiện đại, ý tôi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được viết liền mạch. Vào thế kỉ 19, rất nhiều tiểu thuyết, đặc biệt là ở Anh, được xuất bản dưới hình thức truyện dài kì trên tạp chí; tác giả viết tiểu thuyết tình trạng luôn bị người của xưởng in thúc đòi bản thảo. Một tiểu thuyết Anh có phẩm chất tương tự như Bà Bovary nhưng có cấu trúc và kết cấu thô sơ hơn là cuốn Middlemarch của George Eliot. Điều này, theo tôi, là vì tác phẩm của Eliot được cấu trúc theo hình thức truyện dài kỳ. Tôi chắc rằng về khả năng mô tả xã hội thì Balzac và Flaubert hoàn toàn ngang hàng nhau. Thế nhưng, về mặt xử lý nghệ thuật (artistic control) – bao gồm khả năng kiểm soát giọng trần thuật và sử dụng hình thức đối thoại gián tiếp tự do – Flaubert là người mở ra một lối viết mới. Ông như muốn nói : “Nào, giờ thì chúng ta bắt đầu lại từ đầu”.

S.Guppy: Một hình thức mới khá thời thượng là lấy một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử và dựng lên một đài hư cấu xung quanh nó. Ví dụ như The Blue Flower [Bông hoa xanh] của Penelope Fitzgerald, dựa trên cuộc đời của Novalis, hay cuốn sách đoạt giải Prix Goncourt năm ngoái, La Bataille [Trận đánh], dựa trên trận Evleu của Napoleon. Phải chăng ông là người khởi đầu cho kiểu viết này với cuốn Flaubert’s Parrot [Con vẹt của Flaubert]?

Barnes: Hay có lẽ Flaubert mới là người mở đầu khuynh hướng này vớiSalammbô? Hay Walter Scott?…Với câu hỏi của anh, tôi muốn nói thế này: tôi không hư cấu hóa Flaubert. Tôi cố gắng tái tạo chân thực hình ảnh của ông ở mức cao nhất.

Chắc chắn tiểu thuyết dựa trên sự kiện lịch sử đang là một khuynh hướng văn học tại thời điểm này. Tuy vậy nó không phải là quá mới. John Banville đã viết về Kepler nhiều năm trước. Gần đây hơn có Peter Ackroyd viết về Chatterton, Hawksmoor và Blake. Blake Morrison vừa mới xuất bản một tiểu thuyết về Gutenberg. Tôi nghĩ sự nổi lên của khuynh hướng này một phần nhằm thỏa mãn nhu cầu “lấp chỗ trống”. Đối với người đọc phổ thông, nhiều tác phẩm lịch sử nặng tính lý thuyết và quá mức hàn lâm. Các sử gia tin vào thứ đức hạnh tưởng tượng của tự sự, nhân vật, phong cách v.v… như Simon Schama là chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các sách tiểu sử cũng rất phổ biến. Đấy có lẽ là chỗ mà phần độc độc giả của thể loại văn chương phi hư cấu muốn ghé vào, thế nên các tác giả của loại tiểu thuyết tiểu sử chỉ cần lang thang ở góc phố, hi vọng cám dỗ được vài độc giả đức hạnh phá giới .

S.Guppy: Nhưng tiểu thuyết lịch sử theo kiểu truyền thống –như The King Must Die [Nhà vua phải chết] của Mary Renault, một trường hợp điển hình – vẫn bị xem là cuốn sách ba xu đấy thôi.

Barnes: Tôi nghĩ rằng đấy là bởi các tiểu thuyết lịch sử cũ, vốn luôn cố gắng để tái hiện theo kiểu mô phỏng cuộc đời và thời đại của một nhân vật, về cơ bản là bảo thủ, trong khi tiểu thuyết lịch sử kiểu mới quay về quá khứ, nhận thức một cách thận trọng những gì đã xảy ra và cố gắng tạo một liên hệ rõ ràng với độc giả của ngày hôm nay.

S.Guppy: Có phải ông định nói mình thuộc về truyền thống hiện thực chủ nghĩa?

Barnes: Tôi luôn thấy mấy cái nhãn hiệu thật vô nghĩa và khó chịu – dù thế nào đi nữa thì chúng ta cũng đã cạn kiệt những nhãn hiệu kể từ sau chủ nghĩa hậu hiện đại. Một nhà phê bình từng gọi tôi là “tiền-hậu hiện đại” – theo tôi thì nó không rõ ràng và chẳng có ích lợi gì. Tiểu thuyết, về cơ bản là một hình thức hiện thực chủ nghĩa ngay cả khi nó được diễn dịch theo phương thức kỳ ảo nhất. Tiểu thuyết không thể trừu tượng như âm nhạc được. Có lẽ nếu tiểu thuyết bị ám ảnh bởi lý thuyết (như Tiểu thuyết Mới ở Pháp) hay trò chơi ngữ nghĩa (xemFinnegans Wake), nó có thể thôi không còn hiện thực nữa, nhưng như thế đồng thời nó cũng không còn thú vị nữa.

S.Guppy: Điều này dẫn chúng ta đến câu hỏi về hình thức. Ông từng nói rằng sẽ cố gắng làm cho mỗi tác phẩm của mình trở nên khác biệt. Khi ông phá vỡ khuôn thước của tự sự truyền thống, tôi cảm giác ông phải thay đổi không ngừng – ông không thể cứ liên tục, nói thế nào nhỉ, tìm những nhân vật và sự kiện lịch sử mới và dựng những câu chuyện xung quanh chúng như thế được.

Barnes: Có thể chứ. Tôi nhớ hồi những năm 60, chúng tôi được một thầy giáo văn chương rất thông minh, khi đó còn trẻ tuổi, mới từ Cambridge chuyển về, dạy về Ted Hughes. Thầy tôi bảo “Tất nhiên ai cũng lo lắng chuyện gì sẽ xảy ra khi Ted Hughes chẳng còn con thú nào cả để đưa vào thơ”. Chúng tôi nghĩ đấy là một câu nói dí dỏm nhất mình từng được nghe. Nhưng tất nhiên là Ted Hughes chẳng bao giờ hết những con thú cả; ông ta có thể hết những thứ khác, nhưng các con thú thì không. Nếu người ta muốn tiếp tục viết về những hình tượng lịch sử, họ luôn luôn có thể tìm thấy đối tượng của mình.

S.Guppy: Nhưng chẳng phải là ai cũng muốn thử cái gì đó mới mẻ sao?

Barnes: Mọi thứ không diễn ra như vậy. Tôi không hề cảm thấy bị sức ép vì những thứ mình đã viết trong quá khứ. Nói một cách thô thiển, tôi không cảm thấy sức ép vì mình đã viết được Flaubert’s Parrot nên nhất định mình phải viết“Tolstoy’s Gerbil” [Con chuột nhảy của Tolstoy]. Tôi không tự nhốt mình trong chiếc hộp mà chính mình tạo ra. Khi viết The Porcupine, tôi cố ý sử dụng một phương thức tự sự truyền thống bởi tôi cảm thấy bất kì mánh lới nào cũng có thể làm mạch truyện tôi đang cố gắng kể lại trở nên xao lãng. Với một nhà văn, cuốn tiểu thuyết chỉ thực sự bắt đầu khi anh ta tìm ra một hình thức tương hợp với câu chuyện. Tất nhiên chị có thể vặn lại và bảo, “Tôi tự hỏi đâu là những hình thức mới tôi có thể tìm cho cuốn tiểu thuyết của mình”, nhưng đấy là một câu hỏi rỗng cho đến khi nào ý tưởng đích thực xuất hiện; những sợi dây điện hình thức và nội dung chập vào nhau và tóe lửa. Chẳng hạn, cuốn Talking It Over nương vào một câu chuyện mà tôi được nghe năm hay sáu năm trước. Thế nhưng nó chỉ là một giai thoại, một khả năng, một ý tưởng thuần túy không hơn cho đến khi tôi cảm thấy rõ một hình thức riêng biệt cần thiết cho câu chuyện riêng biệt ấy.

S.Guppy: Có lẽ vì mối bận tâm của ông với hình thức, nhiều nhà phê bình đã so sánh ông với Nabokov và Calvino, những nhà văn chơi với hình thức để sáng tạo ra không gian văn xuôi của riêng họ. Họ có phải là những người mà ông chịu ảnh hưởng?

Barnes: Ảnh hưởng là thứ khó định nghĩa. Tôi đã đọc hầu hết sáng tác của Nabokov và một số của Calvino. Tôi có thể nói hai điều: Thứ nhất, người ta thường có khuynh hướng phủ nhận sự ảnh hưởng. Để viết cuốn tiểu thuyết như một mệnh lệnh nhất quyết của nội tâm, tôi phải vờ như nó không chỉ biệt lập khỏi mọi thứ tôi viết trước đó, mà còn biệt lập khỏi bất kì thứ gì mà bất kỳ người nào trên thế giới này đã từng viết trong lịch sử. Đấy là một sự tự dối mình kỳ quặc, một sự tự tôn thô thiển, nhưng đồng thời đó cũng là điều cần thiết để sáng tạo. Thứ hai, khi được hỏi về sự ảnh hưởng, một nhà văn có xu hướng đưa ra một danh sách các tác phẩm/tác giả mà anh ta đọc và rồi đến lượt mình, độc giả hay nhà phê bình tự quyết định xem nhà văn kia chịu ảnh hưởng ai hay cuốn sách nào. Có thể hiểu được điều này. Nhưng theo tôi, anh dường như cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một cuốn sách mà anh chưa từng đọc, bởi ý tưởng về thứ gì đấy mà anh mới chỉ nghe qua. Anh có thể bị ảnh hưởng từ nguồn thứ cấp, hay từ một nhà văn anh chẳng hề ngưỡng mộ nếu họ đang làm điều gì đó đủ táo bạo. Ví dụ, tôi có đọc vài tiểu thuyết và nghĩ, “Cuốn sách thực sự chưa tới, chưa đã” hay “Thực ra nó có phần nhạt nhẽo”; nhưng rất có thể sự thái quá hay sự táo bạo về hình thức ở đó lại gợi ý rằng một điều như thế – hoặc một biến thể của nó – trong trường hợp khác lại có thể gây được hiệu quả

S.Guppy: Ông sáng tạo những nhân vật của mình như thế nào? Họ dựa phần nhiều vào những người ông biết hoặc từng gặp, hay là ông hư cấu những nhân vật ấy ngay từ đầu? Tính cách của họ phát triển như thế nào theo mạch tự sự?

Barnes: Rất ít các nhân vật của tôi dựa trên những người tôi biết. Làm vậy thì cứng nhắc quá. Một cặp nhân vật được xây dựng nương theo những người tôi chưa từng gặp. Petkanov trong The Porcupine [Con nhím] rõ ràng có liên hệ với Todor Zhivkov, ông trùm trước đây của Bulgaria và ngài Jack Pitman trongEngland, England thì có dính dáng đến Robert Maxwell. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc tìm hiểu con người Maxwell – nó sẽ chẳng giúp gì cho cuốn tiểu thuyết của tôi cả. Cùng lắm là ta lấy một nét ở đây và một nét ở kia, chỉ thế thôi. Có thể những nhân vật phụ – những nhân vật ngay từ đầu chỉ cần được xây dựng bằng đôi ba nét chấm phá – có thể được lấy toàn bộ từ đời thực; nhưng tôi không ý thức khi làm vậy. Sự sáng tạo nhân vật, như ta thấy ở hầu hết tác phẩm hư cấu, là một hỗn chất của cảm xúc chủ quan và sự kiểm soát khách quan. Nabokov khoe rằng ông quất vào các nhân vật của mình như lũ tù khổ sai; những tiểu thuyết gia bình dân đôi khi lại lên gân (cứ như kiểu làm vậy chứng tỏ họ là nghệ sĩ) rằng một nhân vật nào đó “chạy trốn cùng họ” hay “sống thay đời sống của chính anh ta/chị ta”. Tôi chẳng thuộc trường phái nào cả: tôi thả lỏng dây cương của mình với nhân vật, nhưng dù gì tôi vẫn giữ một dây cương.

S.Guppy: Trong tập truyện Cross Channel [Băng qua eo biển], ông già trong truyện ngắn Tunnel [Đường hầm] nói rằng để trở thành một nhà văn anh cần từ khước cuộc đời theo nghĩa nào đó. Ông có nghĩ rằng mình phải lựa chọn giữa văn chương và cuộc đời không?

Barnes: Không, tôi không nghĩ chúng ta có thể chọn lựa. “Hoặc cuộc đời hoàn hảo, hoặc là sáng tác hoàn hảo” – với tôi, đó là một tuyên ngôn làm dáng theo kiểu của William Butler Yeats. Tất nhiên nghệ sĩ có hi sinh – các chính trị gia, thợ làm phó-mát hay các bậc phụ huynh cũng thế. Nhưng nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống – làm cách nào mà nghệ sĩ có thể tồn tại nếu không ngừng đắm mình trong cái bình thường của đời sống? Vấn đề là anh có thể dấn sâu tới đâu. Flaubert từng nói nghệ sĩ nên lội vào đời sống như lội xuống biển cả vậy, nhưng chỉ là tới thắt lưng mà thôi. Một số bơi quá xa tới mức quên đi ý định ban đầu của mình là làm một nghệ sĩ. Hiển nhiên, làm một nhà văn bao gồm cả việc dành rất nhiều thời gian cho bản thân, và làm một tiểu thuyết gia đòi hỏi những thời kỳ cô độc dài hơn khi anh làm một nhà thơ hay một nhà soạn kịch. Với tiểu thuyết gia, sự dao động sáng tạo giữa cô độc và dấn thân phải diễn ra bên trong. Nhưng chẳng phải cùng lúc chúng ta vẫn, một cách thường xuyên và hàm ơn, quay trở về với hư cấu để thấy được bức tranh chân thực nhất về cuộc đời hay sao?

ĐỨC ANH trích dịch

VĨNH BIỆT THẦY HOÀNG NHƯ MAI



 GS Hoàng Như Mai đã ra đi




TS VÕ VĂN NHƠN

 Vĩnh biệt thầy, chúng em sẽ nhớ mãi đến hình ảnh của thầy, đến mái tóc nghệ sĩ, đôi mắt sáng cùng giọng ngâm thơ hào sảng, truyền cảm của thầy và đặc biệt là tấm chân tình của thầy dành cho những học trò nhỏ của mình.


Chiều nay - 27.9, tôi được tin thầy Hoàng Như Mai vừa từ trần. Biết là tin buồn rồi sẽ đến nhưng không khỏi bàng hoàng, thảng thốt bởi mới trưa thứ Ba vừa rồi vào bệnh viện thăm thầy, dù phải thở bằng máy thầy vẫn cố gắng ra dấu nhận biết...


Bàng hoàng, thảng thốt còn bởi một phần đời của tôi đã gắn bó với thầy, từ lúc học ĐH, làm khóa luận tốt nghiệp với thầy ở khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội cho đến lúc được thầy hướng dẫn làm luận án tiến sĩ ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Sống chí tình với học trò


Thầy Hoàng Như Mai đã đạt được các danh hiệu cao quý nhất trong sự nghiệp giáo dục. Thầy đã được Nhà nước phong học hàm giáo sư (GS) ở đợt sớm nhất, đã được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (NGND), huân chương Lao động hạng Nhất. Nhưng đối với học trò, thầy rất gần gũi, chí tình. GS Nguyễn Lộc trong bài phát biểu nhân dịp mừng thọ 80 tuổi của thầy (năm 1997) cũng nhấn mạnh đến cái tình dành cho nhiều thế hệ sinh viên đó của thầy: “Nhưng có lẽ vượt lên trên tất cả chính là cái tình của thầy. Thầy Hoàng Như Mai là một người sống chí tình với học trò, với bạn bè xung quanh và với cuộc sống, được học sinh hết sức quý mến”.

GS Nguyễn Lộc kể hồi còn chiến tranh, nhiều sinh viên khoa Ngữ văn được bố trí vào Nam công tác. Chuyện đi Nam lúc bấy giờ được tổ chức hết sức bí mật nhưng nhiều người trước khi đi cũng tìm mọi cách để gặp được thầy, trước là để thăm thầy, sau đó là để nhận ở thầy một lời khuyên bảo. Khi ra chiến trường rồi, họ cũng không quên viết thư về báo tin cho thầy và tâm sự cùng thầy. Những lá thư ấy bao giờ thầy cũng giữ hết sức trân trọng. Năm 1986, Trường ĐH Tổng hợp làm lễ mừng 30 năm ngày thành lập, GS Hoàng Như Mai được mời về thăm lại khoa Ngữ văn. Thầy đã xúc động làm bài thơ Trở về khoa Ngữ văn, trong đó thầy viết:

Nhớ khi Ký Phủ, Đồng Văn

Mấy phen mì độn, mấy lần đạn bom

Thầy cô, người mất người còn

Sinh viên mấy nấm mồ chôn chiến trường

Ba mươi năm, một chặng đường

Về đây có cả buồn thương vui mừng.

Lớp sinh viên chúng tôi sau năm 1975 khi được học tập, gần gũi với thầy đã cảm thấy rất rõ cái tình đó của thầy. Trong các thầy cô ngày đầu giải phóng vào Sài Gòn giảng dạy, có lẽ thầy là người nhận được nhiều thư của sinh viên nhất. Nhiều bạn do hoàn cảnh phải sống nơi xứ lạ quê người cũng viết thư liên lạc thường xuyên với thầy. Những chuyện đó hơn 30 năm sau thầy vẫn còn nhớ như in. Tôi nghĩ đó không chỉ là do thầy có trí nhớ phi thường mà còn là tấm lòng sâu nặng đối với học trò.



GS - NGND Hoàng Như Mai trong một buổi mừng thọ
tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM


Một tâm hồn nghệ sĩ

Nhớ lại những ngày đầu sau giải phóng, chúng tôi được học với rất nhiều thầy cô từ Hà Nội vào như Trần Đình Hượu, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Hải Hà… Nhưng ấn tượng nhất vẫn là thầy Hoàng Như Mai với phong thái rất nghệ sĩ của thầy. Và đặc biệt là đôi mắt rất sáng của thầy. Những bài giảng của thầy rất thuyết phục, bởi với tư cách là người trong cuộc, với giọng đọc thơ ngân rung truyền cảm, thầy đã làm chúng tôi như sống lại không khí hào sảng của buổi đầu kháng chiến chống Pháp qua cảm hứng lãng mạn anh hùng trongNgày về của Chính Hữu, Nhà tôi của Yên Thao, Tây tiến của Quang Dũng. Các nhà văn sống cùng thời với thầy như Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương... như hiện ra trước mắt chúng tôi bằng xương bằng thịt qua hồi ức của thầy. Cả Màu tím hoa sim quen thuộc của Hữu Loan cũng hấp dẫn hơn qua lời bình gan ruột của thầy.

Sau này khi tìm hiểu về cuộc đời của thầy, chúng tôi càng thấy thân thuộc hơn với thầy. Hóa ra trước cách mạng thầy cũng đã từng băn khoăn tìm kiếm lẽ yêu đời, đã một thời thấy học hành không có ích gì trong thời buổi rối ren, loạn lạc ấy nên đã bỏ ĐH Y rồi ĐH Luật để đến các Thư viện Quốc gia, Thư viện Viễn Đông bác cổ đọc sách về chủ nghĩa Mác. Và ngay sau Cách mạng Tháng Tám đã viết những cuốn như Thặng dư giá trị, Đời sống thợ thuyền trong xã hội tư bản, Lênin và Cách mạng Tháng 10… cho tủ sách Vỡ lòng của Nhà xuất bản Hàn Thuyên.

Chúng tôi cũng thấy thầy gần gũi với miền Nam của chúng tôi vì biết thầy đã từng cùng với các nghệ sĩ Sĩ Tiến, Đào Mộng Long, Thu Hà, Phan Ninh… thành lập đoàn kịch Độc Lập để tham gia phong trào Nam tiến sau Cách mạng Tháng Tám, đã viết vở kịch Dòng sông biên giới nói về nỗi đau chia cắt đất nước. Sau ngày đất nước thống nhất, vào TP.HCM công tác, thầy lại viết vở kịch Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (1982) để ca ngợi nhà thơ Nam Bộ Nguyễn Đình Chiểu. Thầy cũng rất yêu cải lương, đặc sản của Nam Bộ và đã viết sách nghiên cứu về cải lương, về soạn giả Trần Hữu Trang, tác giả của các vở Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt nổi tiếng.


Tận tâm trong sự nghiệp trồng người


Nhưng trước sau, sự nghiệp cả đời của thầy vẫn là nghề dạy học. Bắt đầu bằng sự nể nang bạn bè nên dạy giúp môn Văn học Việt Nam và Văn học Pháp ở Trường Trung học tư thục Đông Hải ở thị xã Hải Dương năm 1943, sau đó như một cái duyên, thầy đã gắn bó suốt đời với ngành giáo dục. Trong kháng chiến, thầy được Tỉnh hội Việt Minh tỉnh Thái Bình cử làm hiệu trưởng Trường Trung học Chuyên khoa tư thục Phan Thanh, rồi sau đó làm hiệu trưởng Trường Sư phạm Việt Bắc và đã từng đưa các giáo sinh của trường sang học ở Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc).

Hòa bình lập lại, thầy đảm nhiệm chức hiệu trưởng Trường Sư phạm trung cấp Trung ương, sau đó dạy ở khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Với giáo trình Văn học Việt Nam từ 1945 đến 1960, thầy đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc nghiên cứu văn học Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám. Sau ngày giải phóng miền Nam, thầy được mời thỉnh giảng ở ĐH Văn khoa Sài Gòn và đến năm 1980 thầy về dạy ở khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM).

Đã có biết bao thế hệ sinh viên, học sinh được thầy đào tạo, nhiều người hiện đảm trách vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, nhiều người là GS ở các trường ĐH và cơ quan nghiên cứu, nhiều người trở thành các văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo có tên tuổi.

Vĩnh biệt thầy, chúng em sẽ nhớ mãi đến hình ảnh của thầy, đến mái tóc nghệ sĩ, đôi mắt sáng cùng giọng ngâm thơ hào sảng, truyền cảm của thầy và đặc biệt là tấm chân tình của thầy dành cho những học trò nhỏ của mình.

____________

(*) TS Võ Văn Nhơn là trưởng bộ môn Văn học Việt Nam, khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.


Quán bên đường







Thơ : Trang Thế Hy
Nhạc : Phạm Duy

Ngày xưa ngày xửa ngày xưa
Chiều mơ chiều nắng đẹp khoe mầu tơ
Hai đứa mình còn trẻ thơ
Rủ nhau ngồi ngưỡng cửa chơi thẩn thơ.
À a a nhớ nhớ em còn mái tóc bánh bèo
À a a nhớ má chưa hồng da mét vì em nghèo
Đầu anh còn húi trọc, còn húi trọc
Khét nắng hôi trâu thèm đi học, thèm đi học
Thèm đi học...


Em cầm một củ khoai
Ghé răng cạp vỏ rơi
Xong rồi mình chia đôi
Khoai sùng này lượm mót
Sao ngọt lại ngọt ghê
Giờ đây kỷ niệm ngày xưa
Giờ đây cảnh cũ chìm xa mù khơi
Gặp nhau một chiều lạnh mưa
Nhìn nhau quần áo bảnh bao mừng sao.


Nhìn em còn xinh còn tươi
Đời em tưởng đâu là vui
Nhà em phải chăng là đây?
Dè đâu chẳng may là quán
Em bẹo hình hài đem bán...
Rồi em hỏi anh: làm chi?
Cầm bút để viết ngày đêm, viết gì?
Đời thối phải nói là thơm
Ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm
Em hỏi nghệ thuật là chi?
Là đui, là điếc, là câm mà đi.
Nhìn nhau lặng lẽ nhìn nhau
Nào có ai đánh mà sao lòng đau.


Bánh ngọt cùng mời ăn
Nhớ chăng củ khoai ngon
Bánh tươm vàng như nắng
Bánh này mình chưa cắn
Sao mà miệng cay đắng?
Rồi xin một nụ cười thôi
Cười ư? Anh đã vùi quên nụ cười
Thì xin vài giọt lệ rơi
Lệ em cạn đã từ lâu, người ơi
Trước khi từ giã hỏi nhau buồn hay là vui
Thì cứ hỏi ngay cuộc đời

Yêu thương muộn màng






TRUYỆN NGẮN CỦA NGÔ THUÝ NGA



Hoài đứng bên cửa sổ, nhìn mông lung ra phía ban công, một vài ngôi sao thưa thớt, leo lét thứ ánh sáng nhòe trên không trung, không lọt nổi xuống mặt đất. Mảnh trăng mỏng the lé như ngọn lúa. Hoài nhớ da diết cái làng quê trong ký ức, nhưng hình như nó mờ nhòa quá đỗi. Mờ nhòa như ánh sáng nhỏ nhoi của mảnh trăng ngoài kia. Hoài từ bỏ nó ra đi hơn mười năm nay. Bỏ lại mảnh đất vẫn quen với tên gọi “nẻ chân chim”, Hoài thích thú khi đi lạc vào thế giới đô thị náo nhiệt, sục sôi người qua lại cứ như một lễ hội lớn ở quê nhà. Để rồi giờ đây, lại quay quắt nhớ, lại muốn trở về, chỉ để ngắm lại đồng lúa mênh mông, xanh mướt màu của bình yên. Chỉ để nói với bố mẹ một lời hối lỗi, chẳng mong được thứ tha, nhưng ít ra cũng sẽ thấy nhẹ lòng.

***

Vợ chồng Hoài ly hôn tính đến nay không biết đã bao lâu. Thời gian qua, hình như chưa khi nào Hoài cảm thấy hối hận vì quyết định của mình. Hoài là người có khát vọng. Hoài không thể cứ bó buộc ở nhà, chiếc tạp dề luôn đeo trên người, và làm việc chẳng khác nào một con ô sin. Không! Cuộc sống của Hoài không thể là như vậy. Hoài phải làm việc, phải là người phụ nữ thành đạt. Hoài phải đạt được ước mơ lớn lao của mình. Đó mới chính là con người Hoài. Vì vậy mà…Hoài chấp nhận ly thân. Đôi khi, Hoài chợt nghĩ, không biết cái gì đã gắn kết Hoài và chồng Hoài với nhau - một sự khập khiễng không giới hạn. Vợ chồng Hoài đã có với nhau một mụn con, nhưng đứa bé, Lệ Quân lại ra đời không như gia đình Hoài mong muốn. Ngày mang thai, đi siêu âm, bác sĩ cho biết là con trai. Vợ chồng Hoài, cả ba mẹ chồng nữa, đã mừng rơn. Thế nhưng, khi đứa bé chào đời lại là con gái. Cái tên Quân của con bé bây giờ cũng là tên ngày xưa ông bà nội đặt cho đứa cháu đích tôn, khi nó còn chưa chào đời. Không ai buồn đặt lại cái tên khác cho con bé. Hoài chỉ đổi tên lót từ Minh thành Lệ. Từ đó, sống với nhau thêm vài năm nữa thì vợ chồng li hôn. Chồng Hoài chuyển về ở hẳn với ba mẹ.

Giờ đây, con Hoài đã tới tuổi dậy thì. Nhưng Hoài luôn có cảm giác nó khôn trước tuổi. Lệ Quân cực thông minh, học giỏi và rất láu cá. Tính khí nó y hệt như con trai. Thích chơi những trò chơi cảm giác mạnh. Thích mày mò, tháo gỡ những vật dụng trong nhà rồi lắp lại như cũ. Rồi cũng không biết do vô tình hay do cái suy nghĩ cố hữu trong đầu Hoài, mỗi lần sắm đồ cho con bé, Hoài hay lựa những bộ đồ kiểu con gái con trai đều mặc được, nhưng hợp với con trai hơn. Không giống với những đứa trẻ khác, con gái Hoài có tính tự lập từ nhỏ. Nó không thích ngủ với ba mẹ. Và cái gì cũng thích tự làm. Những điều đó như vô hình đẩy mẹ con Hoài xa nhau hơn.

***



Ngày 15 tháng 9

Ba mẹ mình không cần mình. Ba mẹ chỉ biết cãi nhau, có bao giờ ba mẹ nghĩ đến cảm giác của mình. Mình ghét mẹ. Mình thương ba mà cũng ghét ba.

Sau này, mình nhất định sẽ không lấy chồng. Mình ghét cái cảnh cãi nhau. Mình ghét cái cảm giác làm con như mình.

Ngày 21 tháng 9

Hôm nay, mình đã rất sợ. Tự nhiên đang học thể dục, rồi mình thấy mình ra rất nhiều máu ở quần. Linh đã đưa mình về nhà bạn ý, mẹ bạn ý dẫn mình vào nhà tắm thay đồ. Lần đầu tiên mình bị ra nhiều máu đến thế, mình sắp chết rồi. Mình biết mình bị bệnh nặng lắm. Nhưng mình không dám nói với ba mẹ. Mình sợ ba mẹ lo lắng. Và mình biết nếu có nói, mẹ cũng chẳng quan tâm đến mình…

Ngày 25 tháng 9

Sao mẹ chẳng bao giờ cho mình đi du lịch? Bạn Linh vừa được đi Đà Lạt với ba mẹ mấy ngày luôn, nghe bạn ý kể mà mình thích khiếp. Mẹ bạn Linh còn tặng cho mình một giỏ hoa bất tử nữa, nhưng mẹ đã vứt chúng khi mình mang về nhà. Mẹ bảo treo mấy thứ đó lên nhà rồi ung thư mà chết. Mình không tin, cũng không sợ chết. Nhưng mình không muốn cãi lời mẹ. Mình muốn làm một người con ngoan để ba mẹ yên tâm làm việc.

Ngày 2 tháng 10

Sao mình không là con trai chứ? Nếu mình là con trai, ba mẹ, và cỏ ông bà sẽ yêu mình thật nhiều. Lâu lắm rồi mẹ chưa cho mình về thăm ông bà. Ba thì ở riết bên ấy. Nhưng mà ông bà ghét con gái lắm. Mình muốn được là con trai. Hôm nay tự nhiên mình sợ ngủ một mình. Ước gì có mẹ ngủ cùng. Mà thôi, mẹ còn công việc mà…



Hoài chết lặng trước những trang nhật ký của con gái. Cuối mỗi trang ngắn, nó đều vẽ một bông hoa hồng, phía dưới có hàng chữ: con trai Lệ Quân tặng mẹ. Hoài không ngăn được những dòng nước mắt, không biết đã muộn màng hay chưa…

***



Lệ Quân tròn xoe mắt khi nghe mẹ nói sẽ đi Đà Lạt. Nó rối rít chuẩn bị đồ đạc, rồi giục Hoài đi ngủ sớm để lấy sức. Đã lâu lắm rồi, hôm nay hai mẹ con mới gần nhau. Hoài ôm nó, vờ nhắm mắt ngủ. Dòng nước mắt Hoài bò qua thái dương và rơi hút vào tóc. Cảm giác tội lỗi vẫn bủa vây lấy Hoài, cứa vào lòng thành những vết cắt đau. Con bé trở người luôn. Hoài biết nó không ngủ được. Vì hồi hộp chuyến du lịch ngày mai. Hay vì nó thấy mẹ nó hôm nay lạ quá. Hay vì nó hạnh phúc quá, vui quá khi được mẹ quan tâm, yêu thương. Nó dụi dụi đầu vào ngực Hoài, khuôn mặt như thiên thần. Lần đầu tiên Hoài ngắm con gái mình lâu đến thế. Nhìn ra ngoài ban công, trăng rải ánh sáng rộng thênh thang. Đêm nay dường như sao cũng mọc nhiều hơn, lung linh hơn. Và Hoài nghe thấy hương thơm dìu dịu mùi thiên lý. Hoài thấy mình may mắn vì vẫn còn cảm xúc với cuộc sống đời thường, chưa bị công việc làm tật nguyền đi xúc cảm. Hoài thầm cảm ơn đứa con gái ngoan đã cho Hoài dừng lại và thở. Dừng lại và nhìn ra xung quanh mình. Để Hoài biết rằng không những công việc, tiền bạc quan trọng, mà có những thứ khác cũng quan trọng không kém. Để Hoài biết rõ hơn mình cố gắng vì cái gì. Và…để Hoài kịp dừng lại trước khi trượt dài trên con dốc xơ cứng.

***



Căn phòng không rộng, gọn gàng và được bài trí đơn giản. Nằm trên giường, mở cửa sổ, và cánh cửa phụ, mẹ con Hoài có thể quan sát những chuyển động của thiên nhiên. Sáng sớm se lạnh, hai mẹ con Hoài nằm rốn trên giường, nhìn sương rơi như mưa xuân bay lất phất ngoài trời. Thời tiết Đà Lạt như khoảnh khắc giao mùa giữa đông và xuân, vào mấy ngày tết ở miền Trung quê Hoài. Hoài ôm con bé trong lòng, tâm trí đeo đuổi dự định tết năm nay sẽ đưa cả gia đình về quê ăn tết, lòng lâng lâng hạnh phúc.

Ăn sáng xong, Lệ Quân kéo tay Hoài đòi lên Thiền Viện Trúc Lâm ở ngay bên cạnh. Hoài chiều con bé, và thú thật, tự nhiên cũng muốn lên chùa, như để lòng lắng dịu những chen đua, cạnh tranh, và cả những ma mãnh trong công việc. Tiếng chuông chùa thi thoảng vọng lại làm không khí và quang cảnh nơi đây như nhuốm màu linh thiêng. Tâm hồn con người cũng như tĩnh lặng hơn. Hoài không thể dối lòng rằng mình đang cảm thấy thanh thản hơn, lòng bình yên hơn.

- Con đã cầu xin gì thế, nói mẹ nghe được không?

- Con không cầu gì cả, chỉ để tiếng chuông vọng vào trong đầu thôi.

Hoài nhìn con bé ngạc nhiên. “Con muốn ngày nào cũng được lên chùa nghe tiếng chuông. Mỗi lúc như thế, con thấy lòng bình lặng và không suy nghĩ gì cả. Con muốn sau này…”- Lệ Quân để lửng câu nói, lo lắng đưa mắt nhìn Hoài.

Bất giác, một cảm giác lo sợ mơ hồ ôm riết lấy suy nghĩ của Hoài. Dòng nhật ký hôm nào của con bé lại hiện lên rõ rệt. Sau này, nhất định mình sẽ đi tu. Mình biết là ba mẹ sẽ buồn, nhưng rồi một lúc nào đó, ba mẹ sẽ chấp thuận mong ước của mình. Mình tin giấc mơ luôn lặp lại của mình là đúng.

Hoài muốn ôm con bé vào lòng. Đã quá muộn chưa cho một người mẹ vô tâm, vô trách nhiệm như Hoài? Và đã quá muộn chưa để Hoài nhận ra và níu kéo yêu thương sắp vượt quá tầm tay? Hoài nhìn con bé, vẫn cái phong cách con trai không thay đổi ấy, chiếc áo thun, chiếc áo khoác buông không cài khóa bên ngoài, chiếc quần jean rộng, đôi dày thể thao đầy cá tính. Hoài lại nhìn nhanh xuống mặt hồ đằng kia. Mặt hồ một màu xanh biếc, vẫn yên ả trôi. Xung quanh cũng một màu xanh biếc, lặng yên đứng. Trên ngọn đồi, lớp sương đang tan dần như làn khói lam chiều bốc ra trên mái nhà tranh lấm tấm đen ở quê nhà…

PHÍA CHÂN TRỜI. MỘT CHẤM



mình cứ lang thang mình

treo mình lên xà nhà
bóng dài trên đất
những con nhện giăng tơ bóng tối
cơn mưa náo nhiệt ào qua

thấy mình như một gã chiên
nhờ người chăn như chăn kiến
cái vòng tròn hư ảo
suốt một đời đụng râu vào
rồi quay lui

con đường ổ trâu ổ gà
vệt bánh xe nham nhở
gù ghì như dã thú
người với người với người song đôi

với tay là chạm mây trời
sự thật ngay dưới chân đụng hoài không tới
may còn có em
thật hơn mặt đất
tiếng thở dài méo đêm…

đi tìm những vùng chân lý
gặp hỗn mang quá khứ
mình cứ lang thang mình
lang thang cả tầng sâu ký ức
vọng về cơn xanh nhạt nhòa…

còn chấm đen phía chân trời

phía chân trời
một chấm…

Văn Công Hùng