Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Bến chữ



Anh tặng em
Vòng nguyệt quế vườn xanh
Mừng một ngày
Em trở về bến chữ
Không hệ lụy
Tóc em bay gội gió
Hết đa mang
Nụ cười em bao dung
Thảnh thơi
Em rong chơi vào cõi vô cùng
Của sáng tạo thơ ca
Của đất trời lãng mạn

Mùa thu

Lá vàng rơi
Cội già đón lá
Mầm xanh lên trong từng sát-na
Anh mừng em
Không ràng buộc nào xưa
Trang giấy mới chờ em
Dệt chữ
Điều nhân ái từ bút em
Ngời lên ánh lửa
Sáng lên giọng hát Dư âm
Thanh thoát trên hồn nhau
Thánh thót dương cầm

Anh tặng em

Vườn xanh
Vòng nguyệt quế  


Võ Quê

Chợ chữ



Tôi bước vào cổng một khu chợ, nửa như mê ngủ, nửa như khật khưỡng hơi men. Một khu chợ có vẻ như tự phát, đã mọc ra từ rất lâu . Những thứ hàng quán trong chợ cũng la liệt những hình thù, màu sắc, vóc dáng. Người đi chợ cũng đủ loại trang phục, thần thái, phong cách. Tôi mặc thả những bước chân lơ đễnh , nhàn du. Tôi chưa biết mình có chọn mua được một vài thứ hàng hoá đang bày bán nơi đây không ? Những thứ hàng hoá mà tôi chưa thấy ở bất kỳ một khu chợ nào. Tôi mang máng, hình như lúc bước chân vào đây tôi có đi qua một cánh cổng, và bên trên nó có một tấm bảng, à phải rồi, tấm bảng có một kiểu vẽ ngoằn ngoèo như thư pháp “Chợ Chữ”.
Đúng chính xác là khu chợ này bán những con chữ. Những con chữ ở đây cũng đủ các loại thượng vàng hạ cám. Có những con chữ lổng chổng, chỏng chơ như những đòn tre, quang gánh, có những con chữ lổn nhổn, lạo xạo như một mớ hàng son đại hạ giá, cũng có những con chữ được công phu tỉa tót, tạo dáng như một cây bon sai hay một thứ đồ mỹ nghệ. Một số con chữ khác thì thong dong ve vẩy như đôi tà áo nõn. Một số ít thì được trưng bày trang trọng trong chiếc tủ kính có gắn những bóng đèn màu nhỏ tí. Lại có những con chữ phất pha phất phơ như những dải lụa liêu xiêu trong gió chiều. Chân tôi bỗng vấp, nhìn xuống, một thứ chữ như những miểng sành, mẩu gốm ai đó làm văng ra, cúi xuống, tôi cẩn thận nhặt nó bỏ vào một chỗ, cẩn thận vì sợ những góc nhọn, mép ranh sắc lẻm của nó cà khịa đứt tay. Những con chữ ấy tuy đã được bỏ gọn vào, xong nó vẫn như cố tình giơ ra cái vẻ ngang ngạnh, sù sì, bất quy tắc của mình. Tôi mỉm cười, bỗng muốn vuốt chúng như vuốt má trẻ con, nhưng vội rụt tay lại.

Người người đi vào khu chợ này hầu như không ai ra về tay không. Ai ai cũng nhặt cho mình một số con chữ, dép lê, giày bóng, mũ phớt, nón vải, chị quàng tay nải, em gái tung tăng, có người chẳng nói chẳng rằng cứ vục tay mà vốc.Ai cũng ôm một mớ, vác một bao, ít lắm thì cũng lào phào dăm ba chiếc. Hình như đây là một mặt hàng ít vốn nhiều lời hay sao mà người ta đổ xô vào lắm thế. Tôi cũng thử nhặt một mớ xem. Mải mê chọn lựa, mải mê nhặt nhạnh, chẳng lâu la gì tôi đã nặng oằn cả vai. À, thì ra cái thứ hàng hoá này nó có sức mê hoặc khủng khiếp thật. Cứ rờ tay vào nó là không dứt ra được, mỗi thứ đều như có ma lực riêng, nhặt…nhặt…càng nhặt càng thấy còn ít quá, tôi cũng đâm xổ vào như những người vào chợ trước, cũng tay lựa mắt chọn, riết rồi cái nào cũng muốn lấy tất, tôi mất hẳn cái vẻ lơ đãng nhàn du lúc ban đầu, cũng hăm hở tranh giành suýt cả cãi vã. Có một điều thật kỳ lạ, hệt như nồi cơm Thạch Sanh, những con chữ cứ tự đầy vun lên mỗi khi được nhặt vợi đi, và tôi cứ thế mà mải miết. Rồi bỗng nhìn quanh mình, chao ơi, cái đống hàng hoá của tôi sao mà lỉnh kỉnh, ngồn ngộn thế này. Chúng chồng chất lên nhau, chen chúc vào nhau, chắc tôi phải kêu hẳn một chiếc xe tải cỡ lớn nhất mới chuyển về hết được quá. Người tôi bỗng mỏi rũ ra, thì lăn lê không biết tự bao giờ đến giờ rồi mà, miệng bỗng khô khốc, mắt bỗng hoa lên. Không biết có phải vì hoa mắt mà choáng, mà bảy vía bay đi, ba hồn ở lại, mà tôi bỗng dưng như mất hết trọng lượng, bỗng dưng như một phi hành gia trên vũ trụ, lơ lửng, nhẹ bẫng, và tôi chợt thấy…

Một luồng sáng hắt ngược lên từ cuối chợ, luống sáng ấy như một miền cổ tích diệu kỳ, bỗng chốc làm những con chữ sáng hẳn lên, chữ nào cũng lấp lánh ánh lân tinh, cũng lấp lánh như những vảy cá được chiếu sáng dưới ánh mặt trời, toé ra ngàn vạn đốm sao, và rồi, bỗng một cơn gió thốc ào đến, những con chữ bốc lên không trung, hoà vào nhau trong một vũ điệu lạ thường, chúng đan toả vào nhau, tững chữ tững chữ như mọc thêm đôi cánh nhỏ xinh của những chú bướm vàng xanh đầu hạ, lao xuống, xiên lên, lượn vòng, xẻ ngang, trích dọc, nhưng không hề va vào nhau, cứ như chúng có một cặp mắt tinh tường nhạy bén đến mức tuyệt đẳng vậy. Tôi như ngợp trong một không gian kỳ ảo, gió, nắng, những đôi cánh, những vũ điệu, và dường như tôi cũng đang hoà vào chúng, bay lượn cùng chúng một cách ngoạn mục. Bên tai tôi như vẳng lên một thứ hợp âm réo rắt trầm bổng, tôi nhắm mắt, nghe mình xoay tròn…xoay tròn…Bỗng một cái chích nhói bên mình, tôi vừa kịp nhìn thấy một góc nhọn của con chữ miểng sành hoắt lên, thì tôi bỗng chới với, rơi…rơi…và “bịch” một phát đau điếng…

Cánh cửa sổ đập phầm phầm, những ngọn gió ào ạt của một trận giông báo trước đang lật tung những trang sách tôi để trên bàn. Tôi vẫn còn ngây ngây giữa mơ mơ thực thực…thì ra những con chữ…/.


Đàm Lan 

Mang niềm chờ đợi về đâu

 Khaly Chàm

tưởng tiếc Phạm Công Thiện

tịch dương
giọt rụng cháy tàn
đỉnh cao hy vọng
hoang mang vực sâu
niềm chờ đợi
hóa cung sầu
chạy tìm vô thể
về đâu người ơi!
tâm tưởng
vỗ cánh tung trời
tuyệt vời hố thẳm
chơi vơi lời kinh
vô ngôn
tính thể hiện hình
đường không con đường
lặng thinh ra đi…

Đàn ông ngồi đái

 Ngô Kế Tựu

Chiều nay ông Thân ăn ít hơn mọi khi và không nói với ai câu nào. Mới lùa xong chén cơm mà ông thấy bụng dạ đã no và có muốn ăn nữa cũng chả thấy ngon miệng. Ông buông đũa đứng dậy, cầm theo chai bia, bước ra vườn sau hút thuốc. Khói thuốc vô cổ sao mà đắng nghét, ông dụi đầu điếu thuốc xuống lớp cỏ ướt, rồi uống cạn chai bia. Tần ngần một lúc, ông trở vô nhà, đóng cửa, thả mình lên chiếc võng kê sát cửa sổ, nằm xoay mặt nhìn những hạt mưa bay lất phất bên ngoài cửa kính.

Ông đang buồn trong lòng, thấy bị chạm tự ái dữ dội vì lời nói của đứa con gái với ông hồi trưa: “Ba đi xong lấy giấy vệ sinh lau chùi miệng bồn cầu, nước tiểu văng tùm lum. Con Britney không biết, nó vô đó đưa tay vịn bồn cầu, dính vào thì dơ lắm. À, mà ba ra vô cũng nên đóng kín cửa lại, cửa có cái ổ nắm, con Britney không xoay mở được đâu. Nó hay vào trong đó phá vòi nước bồn tắm lắm”.

Nhìn những giọt mưa rơi tí tách vừa khi chạm trên mặt kính liền bung vỡ ra những vệt nước li ti văng tứ tung chung quanh, như chợt nhận ra được điều gì, ông thấy lòng nhẹ hẳn. Con ông nói chẳng sai, định bụng ngủ một giấc sẽ quên đi hết mọi chuyện trong nhà. Ông nhắm mắt, lại thấy hình ảnh ngôi nhà thân thuộc trong con hẻm nhỏ ở Gò Vấp hiện ra trong đầu. Ông trở về và đang sống trong ngôi nhà đó. Mọi thứ còn nguyên vẹn không thay đổi. Từ ngoài vào: phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp và cuối cùng bên góc phải là phòng vệ sinh có cái cửa nhựa quay mặt ra phía trước rộng đủ một người lách vào. Cửa không có nắm khóa, lúc nào cũng cài lại bằng cái chốt kéo ngang khi không có người. Hồi con gái ông còn nhỏ bằng con Britney bây giờ, rất sợ cái phòng bé xíu ấy. Mỗi lần con bé khóc nhè, ông hay dọa: “Nín ngay, không nín ba nhốt vào nhà tắm cho ông kẹ ăn thịt a”, thế là nó im thinh thít, chẳng dám hó hé. Ông đi thẳng xuống nhà dưới, việc đầu tiên là ông mở cửa phòng vệ sinh như lệ thường mỗi khi đi đâu về. Nhưng khi tay ông vừa chạm cái chốt cửa thì hình như ông bị ai đó nắm vai ông kéo ngược trở lại.

Ông giật mình mở mắt. Phòng khách không còn ai, mình ông nằm trơ trọi, nhưng tivi còn hát đi hát lại cái đĩa DVD ông mang qua làm quà cho đứa cháu ngoại: “Ba sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa. Ba sẽ là cành hoa, cho con cài lên ngực…, mấy đứa nhỏ trên truyền hình thật dễ thương múa minh họa nhún nhảy giả làm những con chim bay chấp chới”.

Công đi đâu về, đứng bên ông từ hồi nào, đưa tay lay vai ông vừa gọi:

- Dậy ba! Dậy nhậu ba ơi! Gì mà mới giờ này nằm ngáy khò khò rồi. Mồi khô bò Cali ngon lắm nghen!

Ông ngồi bật dậy, nhìn thằng con rể đang cười nói bô bô với ông và khoe bịch khô bò trước mặt. Ông nói khỏa lấp:

- Nhậu thì nhậu! Ba chờ con có bấy nhiêu thôi. Chỉ có mình con là hiểu ý ba nhất. Hà hà. Thằng này được lắm! Được lắm!

Bình thường, Công ít uống bia ở nhà, trừ khi có bạn bè đến chơi. Kể từ ngày ông già vợ sang đây du lịch sáu tháng, sợ ông già buồn không có bạn nhậu cho vui nên anh mới bày ra cái trò nhậu nhẹt mỗi ngày để giúp ông khuây khỏa ở cái xứ nhà ai cũng đóng cửa im ỉm. Chưa bao giờ cha vợ và con rể có dịp chung đụng dài lâu như thế này. Từ ngày lấy vợ, đã hai lần gia đình anh về Việt Nam thăm ông, nhưng anh cũng chỉ ở nhà ông nhạc chừng hai ba bữa, hầu hết thời gian anh đưa vợ, rồi sau này có thêm con Britney đi du lịch đây đó với bạn bè. Tuy vậy, lần này thì khác, sau ba ngày ông già vợ sống trong căn nhà, sự xáo trộn cuộc sống riêng tư của gia đình anh bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên là những việc nho nhỏ như mùi dầu gió át mất đi cái mùi hương chanh thoang thoảng trong nhà mà anh thích, rồi đến việc mỗi tối ông mở cửa trước ra ngoài đứng hút thuốc khi trở vô, quên khóa cửa lại. Anh thức sớm và phát hiện nhiều lần. Chuyện này thì anh có thể bỏ qua, có lẽ ông già hay quên. Già rồi thì hay quên mà! Kế đến là chuyện đi tiểu tiện trong phòng vệ sinh chung mà hầu như chỉ mình ông và thỉnh thoảng con gái nhỏ của anh ban ngày chạy vô sử dụng. Đứa nhỏ mới ba tuổi, chưa nhận thức được chỗ nào dơ sạch nên có thể vô tình làm nhớp bẩn tay chân khi đậy nắp bàn cầu leo lên ngồi tiểu. Anh không hài lòng khi thấy mỗi ngày phòng vệ sinh càng thêm nhớp nhúa, bừa bộn. Anh chùi rửa nhiều lần nhưng không nói với ông vì sợ làm ông già tự ái. Đã hơn ba tháng nay anh làm thinh, nhưng cuối cùng như không thể chịu đựng được nữa, anh nói với vợ vì dù sao con ruột trao đổi chuyện này với ông vẫn tế nhị hơn.

*

Nghe tiếng chồng về rủ rê ông già nhậu, tiếng chén đũa khua chạm lách cách, Thùy mở cửa phòng ngủ bước ra nói vẻ nửa trách nửa không với anh Công:

- Anh bày đặt quá đi, khuya rồi còn nhậu nhẹt cái gì. Ngày mai ba đi New York, anh có nhớ không?

- Nhằm nhò gì vài ba chai, đêm nay nhậu chia tay với ba chứ, phải vậy không ba. Anh đưa mắt háy háy ông già tìm bạn đồng minh, không để ý đến vợ.

Kệ vợ con đi. Ba biết con Thùy khó tánh giống má nó, chỉ mình con là hiểu được ba, hết mình vì ba. Ba thích con ở chỗ đó. Có thằng rể như con được lắm – ông Thân nói chen vô khích lệ.

Mình ông uống hết bốn chai Heiniken nhưng tâm thức vẫn còn tỉnh táo. Ông hiểu rõ dù tình thân cha con, nhưng trong ngôi nhà đẹp đẽ này ông vẫn là một người khách ở lâu. Nếu không tự dọn dẹp được phòng vệ sinh thì cũng phải giữ sao cho mọi thứ trong căn phòng này được sạch sẽ, thơm tho. Ở xứ này, ai cũng bận rộn, thời gian không có, mỗi tuần mới dọn dẹp nhà cửa một lần. Tuy thế nhiều lúc ông lại nghểnh ngãng không nhận ra điều này và quên khuấy đi trách nhiệm của mình. Có lẽ ông nghĩ rằng con cái phải có nhiệm vụ chăm sóc cho cha mẹ, chẳng lẽ có cái việc cỏn con, dọn dẹp vệ sinh mà chúng không làm được. Ông nghĩ mông lung. Càng nghĩ ông càng thấy mọi thứ ở nước Mỹ này sao mà xa lạ quá chừng!

Ông đứng trong phòng vệ sinh, cố gắng thả lỏng cơ thể để bàn tay bớt run. Không hiểu sao dạo này hai bàn tay ông có những lúc run nhẹ từng cơn như người mắc bệnh Parkinson. Ông tìm đọc trong sách báo về dấu hiệu suy nhược tuổi già, nhưng ông không thể nào tin tự dưng một người ông lại mắc bệnh. Cơn run chỉ xảy ra thỉnh thoảng thôi chứ không phải lúc nào hai bàn tay cũng run như mô tả trong sách báo. Ông nhẹ nhàng, giữ… không để nước tiểu văng lên miệng bồn cầu. Lần này thì ông đã làm được. Nhưng để chắc chắn, ông cúi người xuống nhìn quanh miệng bồn cầu một lượt. Bà mẹ! Cố nhằm trúng vào giữa mà cũng có một vết! Ông lấy miếng giấy vệ sinh cẩn thận lau sạch chung quanh, giật nước bồn cầu, rồi gật gù hài lòng, bước về phòng ngủ.

Trời gần sáng, thời tiết càng lạnh hơn. Trong nhà hệ thống sưởi hoạt động nhưng ông vẫn cảm thấy lạnh và làm ông buồn tiểu. Nhìn đồng hồ mới hơn bốn giờ sáng, ông định ráng nằm ngủ thêm tí nữa cho đến sáng hẳn. Nhưng chưa được năm phút, ông ngồi dậy, mở cửa phòng, lần về chỗ phòng vệ sinh. Ông thấy thật thoải mái. Trở về phòng, ngã mình xuống chiếc giường nệm êm ái, đánh một giấc đến chín giờ.

*

Công ló mặt vô phòng gọi ông thức dậy uống cà phê ăn sáng và ông còn phải chuẩn bị hành lý để anh đưa ông ra phi trường đi New York hai tuần thăm viếng và có thể nán lại ăn cái Tết Việt ở Mỹ với bà con, bạn bè.

Ông ngồi dậy, quơ mấy bộ quần áo trong tủ, xếp vào cái ba lô con mang đi cho tiện. Xong rồi, ông đi vào phòng làm vệ sinh, nhìn thấy mọi thứ ngăn nắp, sạch sẽ. Ông nhớ hình như  tối qua có đi tiểu hai lần nhưng lần nào cũng giữ không vấy bẩn. Thế là tốt! Ông đảo mắt nhìn lại bồn cầu hai ba lần trước khi bước ra ngoài với vẻ mặt hớn hở cho một ngày mới.

Cà phê sữa pha sẵn để trên bàn, bánh mì lát kèm thịt nguội và bơ, mọi thứ trông ngon lành. Ông định bụng ăn cho no vì ít ra đến ba giờ chiều ông mới bay đến New York.

Ông vừa hóp một ngụm cà phê nóng thì Công lên tiếng nhắc nhở:

- Ba đến nhà người ta nhớ mỗi khi đi toilet xong nên lấy giấy vệ sinh chùi sạch miệng bồn cầu. Đêm qua chắc Ba xỉn, đi tiểu văng tùm lum, con phải cong đít chùi rửa sáng nay đó. Hay là ba ngồi tiểu cho gọn. Anh muốn dừng lại, nhưng không hiểu sao những lời nói trong đầu anh cứ tuôn trào ra miệng, bắt chớn nói luôn chuyện trong nhà. Nói thật, ba đừng giận tụi con, nhà có con nít, nó là con của con, là cháu ngoại của ba, giữ gìn vệ sinh là tốt cho sức khoẻ cho nó và cũng tốt cho ba. Ba biết có bao nhiêu thứ vi trùng trong… Từ ngày con Britney biết đi lung tung trong nhà, ngay cả con cũng phải ngồi tiểu, kể cả tụi bạn đến nhà chơi nghỉ lại đêm, biết cách sống của gia đình con nên tụi nó cũng vậy thôi hà. Nhập gia tùy tục. Mỗi nhà có cách sống riêng, cũng có thể nhà con có cách sống hơi đặc biệt khác người ta. Nhưng đây là nhà con… Con nhắc ba là nhắc vậy, biết ba chưa quen, nhưng ba ngồi… riết rồi quen thôi. Còn nếu Ba cảm thấy không quen ngồi, ba có thể ra sau góc vườn đứng đái thoải mái. Tụi con không ngại đâu, tiểu xong rồi xịt nước dội là xong…Nhưng mà Ba coi chừng đừng để hàng xóm trông thấy. Phiền lắm!

Ông Thân sượng chín người, ngồi im, hai má phệ xuống như một đứa trẻ phạm lỗi đang bị quở trách. Thằng con rể, đồng minh, hiểu ông hơn hết sao bỗng sáng nay nổi chứng, nói một tràng như trút hết nỗi bực dọc bấy lâu không nói ra. May mà lời nói, giọng điệu nghe không đến nỗi gay gắt và con gái ông đã đi làm, nên ông cũng cảm thấy không mất mặt. Ông cố tìm ra một lời nói nào đó để giải bày cho thằng con rể hiểu, nhưng chữ nghĩa trong đầu bay biến đâu mất. Và miếng bánh mì thịt nguội cũng mất ngon với ba cái chuyện tiểu tiện đem ra bàn cãi trong lúc này. Ông chống chế qua loa: “Ừ, thì lần sau ba ngồi… thử!”

Trên đường ra phi trường, chàng rể và ông nhạc không nói thêm lời nào. Trong khi chờ lên máy bay, ông đi tìm phòng vệ sinh. Phòng vệ sinh sáng choang và sạch bong, có cả chục bồn tiểu bên ngoài, nhưng ông lại mở cửa nhà cầu. Vừa định ngồi xuống, ông lại đứng lên, bước ra bồn tiểu bên cạnh. Bồn tiểu để làm gì mà phải ngồi… Tạo hóa sinh ra người đàn ông vốn có cái vòi để... Chẳng thế mà từ thuở có con người sống trên trái đất này, đàn ông đứng đái là chuyện tự nhiên, ngoại trừ bệnh tật nằm liệt giường liệt chiếu không đi đứng được… Còn đang mạnh khoẻ mà bảo ngồi…, là chuyện…!

Chìa tấm vé cho cô nhân viên mỉm cười đứng ngay cổng vào, chợt trong đầu ông loé lên một quyết định. Có lẽ ông phải về sớm thôi, trở về ngôi nhà nhỏ thân thuộc, nơi đó mọi thứ mới thực là của ông./.

Dân chủ trong thế kỷ XXI








Dân chủ trong thế kỷ XXI phải là dân chủ thực chất. Dân chủ chẳng những chấp nhận sự khác biệt, mà còn lấy sự khác biệt, tính đa dạng trong nhân cách để làm nền tảng cho sự phát triển.








Cội nguồn của khái niệm dân chủ bắt nguồn từ thời cổ đại ở Aten (Hy Lạp). Dân chủ theo gốc tiếng Hy Lạp là ”demokratia”, nghĩa là quyền lực thuộc về nhân dân.[1] Abraham Lincoln cũng tuyên bố dân chủ là một chính quyền của dân, do dân và vì dân (a government of the people, by the people, for the people), đối lập với chế độ độc tài.[2]

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập như hiện nay, cũng giống như nhiều vấn đề chính trị – pháp lý khác, vấn đề dân chủ cũng có nhiều thay đổi trong cách quan niệm. Nhiều nhà khoa học cho rằng trong thế kỷ XXI, chúng ta đã và sẽ chứng kiến những thay đổi quan trọng liên quan đến vấn đề dân chủ như sau:

Thừa nhận và tôn trọng sự đa dạng và lợi ích của thiểu số nhằm đạt được lợi ích đa phương

Theo dự đoán của nhiều nhà khoa học nước ngoài thì trong suốt thế kỷ thứ XXI nhân loại sẽ nếm trải những biến đổi mạnh mẽ của làn sóng thứ ba (cuộc cách mạng công nghệ thông tin và sự xuất hiện nền kinh tế tri thức) và làn sóng ấy sẽ làm biến đổi căn bản các thể chế chính trị quốc gia và quốc tế.

Khi nói về dân chủ thế kỷ XXI, tác giả Robert A. Dahl trong cuốn sách nổi tiếng “A preface to democratic theory” đã khẳng định một nguyên lý: Nền dân chủ thực chất nhất chính là nền dân chủ xuất phát từ sự bình đẳng, sự bình đẳng mà pháp luật ở quốc gia nào cũng hướng tới. Đó là sự tôn trọng tính đa dạng của các nhóm lợi ích, nhiệm vụ của dân chủ không phải là đè bẹp ý chí của những thiểu số đó mà là tìm ra trong số những nhóm lợi ích đó tiếng nói chung.[3]

Alvin Toffler – một nhà tương lai học nổi tiếng cũng cho rằng: Làn sóng chính trị sẽ không dừng lại ở cấp quốc gia. Trong những thập kỷ sắp đến, toàn bộ “bộ máy luật pháp toàn cầu” từ Liên hợp quốc đến Hội đồng thành phố, sẽ đối mặt với sự đòi hỏi không chống lại được về việc phải cấu trúc lại; mà nguyên tắc đầu tiên của chính phủ làn sóng thứ ba là quyền lực thiểu số. Không phải đa số mà là thiểu số được quan tâm đến.[4]

Alvin Toffler lập luận rằng, các nhà cai trị làn sóng thứ hai (làn sóng văn minh công nghiệp) luôn luôn tự cho là phát ngôn nhân danh đa số, vì tính hợp pháp của họ phụ thuộc vào nó, ông cũng thừa nhận rằng trong suốt kỷ nguyên nền văn minh làn sóng thứ hai, cuộc chiến đấu cho nguyên tắc đa số đã có ý nghĩa nhân đạo và giải phóng.

Ngày nay, khi xuất hiện làn sóng thứ ba, người nghèo không còn chiếm đa số và họ trở thành thiểu số, do đó nguyên tắc đa số không còn là một nguyên tắc hợp lý nữa, nó cũng không còn nhân đạo hoặc dân chủ nữa; vấn đề cần hoàn thiện là phải hiện đại hóa toàn bộ hệ thống để tăng cường vai trò của các nhóm thiểu số khác nhau nhằm cho phép họ tạo thành đa số[5].

Alvin Toffler lập luận như vậy là có căn cứ vì: thế kỷ XX trở về trước dường như nguyên tắc đa số luôn ngự trị và nó luôn có nghĩa là sự thay đổi tốt hơn cho người nghèo, nhưng suy nghĩ kĩ lại sẽ thấy dân chủ đa số thực chất là dân chủ ở cấp độ thấp, là mức độ phát triển thuần túy và sơ khai về dân chủ. Nguyên tắc 50% + 1 rõ ràng là một công cụ đơn thuần về lượng, cái gì để đảm bảo cho chất lượng quan điểm của một người?

Dân chủ trong thế kỷ XXI phải là dân chủ thực chất. Dân chủ chẳng những chấp nhận sự khác biệt, mà còn lấy sự khác biệt, tính đa dạng trong nhân cách để làm nền tảng cho sự phát triển. Mọi sự khác biệt đều có quyền tồn tại. Thế nên những khác biệt là bình đẳng với nhau và dân chủ như môi trường nuôi dưỡng và bảo tồn các bộ phận thiểu số trong xã hội, là sự khoan dung và chấp nhận lẫn nhau giữa thiểu số và đa số. Các đặc trưng sắc tộc, các luật tục địa phương, các cộng đồng thiểu số, các nền văn hóa độc đáo không lặp lại, các thổ ngữ, văn tự…đều là những giá trị cần được dân chủ tôn trọng và bảo tồn bằng những đặc lệ.

Hơn nữa, bản chất của dân chủ là chấp nhận sự đa dạng hợp lý, dân chủ không xua đuổi, không áp đặt các ý kiến, dân chủ thu nhận tất cả những khác biệt ấy. Để làm gì? Để dung hợp hoặc tìm ra tiếng nói chung, hoặc đi tới giải pháp tối ưu nhất nhằm đem lại lợi ích đa phương. Tính linh hoạt của dân chủ trong việc tìm lợi ích đa phương đó sẽ là giải pháp tối ưu, và là thách thức lớn đối với việc thực hành dân chủ.

Khả năng tự hoàn thiện và tiến bộ không ngừng của nền dân chủ chính là nhờ sự chấp nhận tính đa dạng của các ý kiến, nó sử dụng tính đa dạng ấy như cơ chế phản biện. Chính vì vậy, năng lực tự phê phán, tự so sánh đối chiếu và luôn thay mới sẽ tự làm mới vấn đề dân chủ, và có lẽ đó cũng là xu hướng của dân chủ trong thế kỷ XXI.

Phân công, phân cấp hợp lý

Yếu tố có tác động không nhỏ đến tính chất và mức độ dân chủ trong tương lai là sự phân cấp, phân công hợp lý. Phân cấp hay phân công là việc giao quyền quyết định vào đúng chỗ của nó. Một số vấn đề không thể giải quyết ở cấp địa phương, và ngược lại cũng có những vấn đề không thể giải quyết ở cấp quốc gia và có cả những vấn đề đòi hỏi sự hành động ở nhiều cấp đồng thời cùng một lúc.

Nếu mức độ phân cấp quá mức sẽ dẫn đến hiện tượng tản quyền, cát cứ. Alain Touraine, một nhà xã hội học người Pháp trong cuốn “Phê phán tính hiện đại”, đã nhận xét: “Nếu đất nước bị chia nhỏ thành những tộc người xa lạ và đối địch với nhau, hay đơn giản hơn, nếu những bất công lớn đến mức người dân không có ý thức về một lợi ích chung, thì dân chủ sẽ không có nền tảng”[6]. Nhưng nếu quá ít quyền quyết định dành cho cấp dưới là một sự nguy hại; nhu cầu cần thiết là phải có sự phân cấp lại cho hợp lý quyền quyết định nếu một hệ thống quá nặng nề về tập quyền.

Dân chủ bán trực tiếp

Nhược điểm cố hữu của dân chủ trực tiếp là ở phản ứng tình cảm, nhất thời và phụ thuộc nhiều vào vấn đề thông tin. Thiếu thông tin, nóng vội, thiếu suy nghĩ khi quyết định trực tiếp, đó cũng là sự nguy hiểm. Nhưng dân chủ trực tiếp cũng có ưu điểm của nó. Aritxtốt thừa nhận rằng: “Số đông ít hủ bại hơn số ít, chẳng khác nào nhiều nước thì độ bẩn sẽ ít hơn so với ít nước. Cá nhân dễ bị hãm trong sự nóng giận hay sự cuồng nhiệt, do đó mà phán đoán của cá nhân dễ bị thiên lệch. Đối với số đông, khó mà nghĩ rằng, trong một lúc họ đều có thể cuồng nhiệt và sai lầm hết”[7].

Nhược điểm của dân chủ gián tiếp ở chỗ khi không có sự thống nhất ý chí trong các cử tri ở khu vực bầu cử, thì đại biểu được bầu lên sẽ đại diện cho ý chí của ai? Do vậy, sự nhất trí bị phá vỡ thì cũng làm phá sản luôn khái niệm đại diện.

Tính đại diện trong tương lai cũng cần được xem lại. Đại biểu do dân bầu càng ngày càng phải giải quyết nhiều công việc, và nhìn chung các đại biểu ngày càng hiểu biết ít hơn về các việc mà họ phải quyết định. Khi năng lực của đại biểu dân cử kém, mà lại bảo thủ, đóng kín, khi đó người dân đương nhiên sẽ ít cảm thấy được đại diện đầy đủ. Người đại biểu muốn giải quyết được công việc buộc phải dựa vào sức mạnh, nguồn lực từ bên ngoài.

Hay nói cách khác, nếu muốn thực sự là đại diện cho dân, cho tiếng nói của dân thì không còn cách nào khác họ buộc phải dựa vào bộ máy giúp việc và chuyên gia cố vấn (hình thức này mới là chủ đạo trong tương lai). Như vậy, dân chủ về mặt hình thức là gián tiếp nhưng hóa ra lại có cả những yếu tố trực tiếp, từ chỗ chỉ cần người đại biểu đại diện cho nhân dân thuần túy tới việc người đại biểu phải chủ động huy động sức mạnh, trí tuệ của nhân dân, tranh thủ sự tư vấn của các nhóm chuyên gia để đại diện cho dân. Dân chủ bán trực tiếp là dân chủ không khép kín, nó sẽ bao gồm những thiết chế để đảm bảo sự giám sát có hiệu quả, lâu dài từ phía thiểu số.

Pháp luật với tính chất là hiện thân của lẽ phải, sự công bằng là công cụ, phạm vi, đảm bảo của dân chủ

Dân chủ không thể không đặt trong mối liên hệ với pháp luật. Chính pháp luật công bằng, nhân đạo, hợp lẽ phải là điều kiện, là đảm bảo để có dân chủ. Dân chủ không tự trên trời rơi xuống mà là kết quả đấu tranh lâu dài của nhân dân, là kết quả của quá trình nhận thức, là tất yếu của tiến bộ xã hội.

Muốn cho pháp luật thực sự là động lực cho dân chủ thì pháp luật phải được minh bạch hóa, phải gần dân, và quan trọng nhất pháp luật phải là hiện thân của sự công bằng. Một qui định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, không đúng đắn sẽ là cơ hội cho người ta vi phạm, lợi dụng dân chủ. Nếu pháp luật xây dựng trên nền tảng khép kín, chủ quan, khi thực hiện thì bưng bít, không minh bạch vô hình chung nó sẽ trở thành công cụ của thiểu số áp đặt lên đa số. Chỉ có minh bạch hóa mới có thể góp phần ngăn chặn được nguy cơ pháp luật trở thành công cụ phục vụ lợi ích của một nhóm người thiểu số nào đó.

Tóm lại, dân chủ là khát vọng, mong ước của con người bất luận con người đó là ai, ở đâu. Trong thế kỷ XXI, dân chủ không còn thuần túy hiểu theo nghĩa chỉ có đa số mới được bảo vệ, mà đó là sự thừa nhận và tôn trọng sự đa dạng và bảo vệ lợi ích của thiểu số nhằm đạt được lợi ích đa phương.

Hình thức của dân chủ cũng không còn đơn thuần là dân chủ trực tiếp hay gián tiếp, mà là giải pháp tích hợp ưu điểm và hạn chế nhược điểm của cả hai hình thức này, đó là hình thức dân chủ bán trực tiếp. Dân chủ chỉ có thể được thực thi và trở thành một giá trị phục vụ cộng đồng khi có sự phân công, phân cấp hợp lý và khi được đảm bảo bởi một hệ thống pháp luật đại diện cho những giá trị nhân văn, lẽ phải và sự công bằng.

——————————–

Chú thích:

[1] Nhiều tác giả, Từ điển Triết học, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va, Bản dịch ra từ tiếng Việt có sửa chữa và bổ sung của Nxb Tiến bộ và Nxb Sự thật, tr. 86. Nhiều nước qui định nguyên tắc này ở trong Hiến Pháp. Chẳng hạn ở Đức, Điều 20 Khoản 2 Câu 1 LCB qui định: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Ở Việt Nam, Điều 2 Câu 2 Hiến pháp 1992 qui định: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.”

[2]Donald (1996), Lincoln. Simon and Schuster, 1996, pp. 460–466.

[3]Robert A.Dahl. A preface to Democratic Theory, The University of Chicago Press, Chicago, 1956, tr. 34.

[4] Alvin Toffler, Làn sóng thứ ba (The third wave), Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr. 314.

[5]Alvin Toffler, sách đã dẫn, tr. 339.

[6]Alain Touraine (2003), Phê phán tính hiện đại, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 216.

[7]Amartya Sen, Phát triển là quyền tự do, CIEM (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) và Nxb thống kê, Hà Nội, 2002, tr. 216.

Theo Tuần Việt Nam

Che đậy

     

Nhu yếu làm đẹp lòng nhau đã khiến cho người ta ngày một cách xa hơn với sự thật. Những màn trình diễn luôn được xảy ra trong những mối quan hệ sơ giao, những lần gặp gỡ vội, khiến cho đối tượng tiếp xúc luôn có một ấn tượng tốt về mình. Tất nhiên khi ta mặc một bộ đồ tươm tất để đi gặp một nhân vật quan trọng thì đó là thái độ biết tôn trọng kẻ khác. Ta gọi đó là văn hóa.

Nhưng điều đó sẽ trở thành thứ văn hóa che đậy nếu trong ta chỉ nhắm tới mỗi mục đích để người kia đánh giá cao hay có thêm thiện cảm với ta thôi. Cái quyền lợi ích kỷ được che đậy bởi cái hình thức tử tế mà chính ta cũng tưởng lầm mình đang vì kẻ khác.Văn hóa là lối sống làm cho con người tốt hơn và đẹp hơn. Nhưng cái tốt và cái đẹp nếu không đi chung với cái chân thật, như bộ ba không thể tách rời chân-thiện-mỹ, thì cái đó chỉ làm một thứ trang sức hời hợt. Nghệ thuật “đắc nhân tâm” có thể tạo nên hương vị mặn nồng và trôi chảy giữa các mối quen hệ gần xa trong xã hội, nhưng nếu không cẩn trọng thì nó chính là cái bẫy sập để cho ta tự đánh mất chính mình.

Thói thường người ta rất dễ bị thu hút bởi những lời nói ngọt lịm, trau chuốc và đầy lễ độ. Cho nên để được thang điểm cao trong mắt người khác, ta đã không ngần ngại và có khi phải cố gắng để nặn ra những điều cho thật phù hợp với suy nghĩ hay sở thích của đối phương, trong khi lòng ta trống rỗng, vô vị hay hoàn toàn tương phản.

Bây giờ người ta còn chế ra “lời nói có cánh” để tặng nhau như một món quà thượng hạng. Đúng là ta sẽ sung sướng và ấn tượng sau cái lần gặp gỡ được người kia ban tặng cho những lời mà chỉ có trong mơ hay cõi thần tiên mới có. Người trao vì cảm xúc trào dâng không còn chủ động được lý trí để chịu hết trách nhiệm cho lời nói tựa gió bay, người nhận cũng bị lây nhiễm cảm xúc đó nên cũng không còn định thần để phân biệt lời nói ấy thật lòng hay đưa đẩy cho vui.

Chính xác là người kia muốn ta vui nên họ đã mạnh dạn nói thế, còn trong lòng họ có nghĩ như vậy không, hay họ có làm được như vậy mãi không thì không cần phải truy cứu, vì những kẻ đang bị mộng du trong tình yêu lại cần cảm xúc hơn là sự thật. Người ấy muốn ta vui để làm gì? Có thể khi thấy ta vui thì người ấy sẽ vui, nhưng cũng có thể nếu ta được vui thì ta sẽ tìm cách làm cho người ấy vui. Như vậy đâu phải là vì nhau.

Thực chất của cái ấn tượng tốt mà người ta thường muốn để lại trong các mối quan hệ chính là sự trao đổi cảm xúc, người kia cho ta một cảm xúc tốt nên ta cũng cho lại một cảm xúc tốt. Nhưng nếu một quan hệ mà chỉ trao nhau những cảm xúc tốt thôi thì nó chỉ dừng lại ở mức đối đãi, giao tế, còn muốn đi xa hơn trong sự gắn bó thân thiết thì phải cần tới cái tâm chân thật.

Khổ nỗi cảm xúc lại là thức ăn quan trọng của con người. Đôi khi ta phải bỏ hằng giờ ra nói chuyện điện thoại hay xách xe chạy hằng chục cây số để gặp người kia, mục đích là để mong tìm một lời công nhận, tán thưởng hay một lời hứa hẹn thật dịu êm. Người kia thương ta, thấy ta thật tội nghiệp vì bị đói cảm xúc nên họ đã không tiếc lời để ta có được giấc ngủ yên, nhưng khi bừng tỉnh ta mới biết đó chỉ là một lời nói xuôi.

Thật ra người nói không hẳn có mục đích dối gạt ta, cũng vì yếu lòng nên họ cố gắng chìu chuộng ta. Nhưng càng cố gắng bao nhiêu thì ta lại càng thêm nghiện bấy nhiêu và tiếp tục lang thang tìm kiếm. Và đâu phải lúc nào người kia hay ai khác cũng sẵn sàng chế biến những thức ăn ngôn ngữ siêu cấp mà ta thường dùng, cuối cùng ta đành phải đối diện với sự trống vắng tẻ nhạt trong lòng, rồi quẵng lên cuộc đời cái nhìn chua chát.

Như một vở bi hài kịch, hết cười rồi khóc trong khoảnh khắc chưa đầy một tiếng nấc. Nhìn sâu vào những màn trình diễn giả tạo như vậy thì ai cũng thấy, ai cũng biết. Nhưng cái danh dự, cái thể diện đã được xã hội bây giờ đặt để lên hàng đầu, nên phần lớn những người không có chủ quyền trong đời sống của chính mình rất dễ dàng bị cuốn trôi.

Bước ra đường khó ai có thể biết ta đang chật vật trong đời sống vật chất hay đang có những bế tắc khổ đau trong tâm hồn. Lúc nào ta cũng cười thật tươi và ra vẻ như rất hạnh phúc. Ta rất sợ người khác biết được sự thật về mình nên cứ cố gắng bưng bít, che đậy, đến nỗi ta cũng hòa lẫn vào gương mặt ngụy trang đó, không còn nhớ mình là ai.

Có những màn kịch ngoài xã hội mà ta phải diễn xuất cả ngày, có khi cả đêm, có khi dài hạn suốt nhiều năm tháng nên ta đã sống luôn trong vai diễn đó. Ta mượn những tiếng cười, lời khen, cách hành xử đầy màu sắc của người khác che lấp vào chỗ trống trãi cô đơn hay thoa dịu những vết thương đang rên xiết trong tận cùng sâu thẳm trái tim.

Tại sao ta phải làm như vậy? Tại vì đời cần vậy. Ta có thật sự vì đời không? Không, chỉ vì chính ta thôi, ta đau ta khổ đã đủ rồi, ta không muốn đời tiếp tục nhìn vào cái đau cái khổ của ta mà khinh khi, chê trách hay làm cho nó thương tổn thêm nữa. Đúng vậy, chính cái khắt khe, kỳ thị hay tranh chấp của đời đã che lấp cái thiêng liêng của tình nhân ái nên khiến cho những kẻ yếu mềm thường dễ chọn giải pháp che đậy để thoát thân.

Nhưng ta cũng hãy khoan trách đời, trách người, vì suy cho cùng chính ta mới là kẻ đã làm cho ta đau khổ nhiều nhất. Ta đã không thành thật với chính mình ngay từ những hành vi nhỏ nhất trong giao tế đời thường. Ta đã từng mơn trớn với những phần lời lãi cảm xúc trong khi đổi chác, vô tình ta đã tập cho mình một thói quen sống khác với lòng mà ta còn hãnh diện rằng mình rất khôn khéo.

Đâu phải lúc nào người kia cũng cần sự khôn khéo của ta, họ chỉ cần ta thật lòng thôi, nhưng ta làm không được. Ta không chấp nhận để cho người khác biết quá rõ về mình, vì nội tâm của mình quá sơ xài và yếu kém, để cho họ biết hết rồi thì làm sao họ còn dám quý mến hay thương yêu. Có khi đã là vợ chồng nhiều năm mà bên kia vẫn chưa hiểu được bộ mặt thật của mình như thế nào nữa, vì mình rất có tài che đậy.

Nhưng rồi ngày mai khi mặt trời mọc thì người kia cũng phát hiện ra, vì đâu phải lúc nào ta cũng đủ sức để ngụy trang mãi được. Không phải vì hoàn cảnh trái nghịch, mà chính ta đã không còn đủ năng lượng để tiếp tục diễn xuất. Ta đã mệt mỏi và cần sống thật với chính con người mình. Điều tồi tệ luôn xảy ra sau những lần thoát vai là không những người kia bị sụp đổ mà chính ta cũng không tìm thấy được con người thật của mình nữa.

Đó là một bi kịch. Ta đã làm một cuộc hành hương quá xa nên khi trở lại căn nhà năm xưa ta không tìm được chiếc chìa khóa để mở cách cửa bước vào. Ta lống ngống đứng trước căn nhà thân và tâm của mình mà như một kẻ xa lạ từ phương nào mới tới. Ta không biết mình đã từng nói gì, đã từng làm gì, đã từng suy tư cái gì mà có được một đời sống bình yên, thảnh thơi và hạnh phúc như những ngày xưa…

Đâu phải có ít kẻ trong nhân gian này đã khóc ngậm ngùi khi không tìm thấy con người chân thật của mình. Cái giá quá đắt phải trả cho những lần đổi chác mạnh tay với cuộc đời mà không ai được thần linh dự báo. Có khi loanh quanh cả trăm năm trong trời đất mà họ cũng không tìm ra cái tinh khôi của mình đã lạc mất trong một trận giông bão cuồng điên của thời thiếu niên. Không có cái tinh khôi hồn phách thì làm sao có thể sống, có thể yêu thương. Thật thê thảm!

Dù ta có muốn tiếp tục những vai diễn cuộc đời cho quên hết những sự thật đang phơi bày giữa cõi lòng thì ta cũng không thể nào trốn tránh mãi được, đêm đêm ta vẫn phải một mình đối diện với nó. Rượu, thuốc hay bao cuộc vui rồi cũng sẽ tan; người đến rồi cũng trở về với chính họ thôi. Lúc ấy ta mới thấy mình đáng thương tội nghiệp tới dường nào. Thương cho cái nhận thức sai lầm, tưởng rằng sự vay mượn giả tạo có thể che đậy được những bế tắc khổ đau hay những ước vọng sâu thẳm cả đời.

Rồi cuối cùng ta cũng phải hồi hương, rồi ta cũng phải trở về với chính ta. Đừng đợi đến khi nằm trên giường bệnh, không còn vùng vẫy được nữa, ta mới ăn năn hối tiếc vì phải đối mặt với bóng tối quá lớn của chính ta thì hãi hùng lắm. Ta sẽ bàng hoàng trước khả năng lừng lẫy của dòng cảm xúc, sẽ bất ngờ với những tính nết độc hại hay những ý niệm điên cuồng đang hiệu hữu trong ta. Ta giờ như căn nhà hoang tàn đổ nát, nhìn đâu cũng trống quơ, dù không cam tâm cũng đành chịu, chứ không còn dám dựa dẫm vào đâu nữa!

Ta hãy ý thức lại đời sống của mình trong thời gian qua và kiểm tra lại mình vẫn còn đang là chính mình hay vẫn miệt mài trên con đường tha hóa. Ta vẫn còn kịp. Mỗi ngày hãy tự soi mình trong gương thật lâu để ta còn cơ hội nhìn lại con người hiện tại của mình. Sau lớp phấn son ấy, sau bộ đồ chỉnh chu ấy, sau bộ mặt nghiêm nghị thần thái ấy, ta là ai? Hãy hỏi như vậy nhiều lần và tìm cho ra câu trả lời từ sâu thẳm trái tim. Và hãy nở nụ cười thật tươi nếu ta vẫn còn tiếp xúc được chính mình.

Ta cũng nên có vài phút trong ngày để ngồi nghĩ lại mình, nhìn lại từng hành vi cử chỉ của mình trong từng quan hệ dù thân mật nhất, để thấy được trong sự thật của chúng có bóng dáng của sự trá hình không? Nếu phát hiện đã có trong những trường hợp bất khả kháng hay chưa chủ động nhớ ra thì ta cũng nên tự hối với lòng, hứa lần sau sẽ vượt qua mà không để thất bại như lần đó nữa.

Nhiều lần tự thanh lọc chính mình như vậy sẽ tập cho ta thói quen mới, sống thật. Tại vì chỉ có sống thật mới có thể đem lại cho ta một đời sống bình an, hạnh phúc và tự do chân thật. Chỉ có sống thật mới có thể nuôi dưỡng cho những liên hệ tồn tại vững bền. Mọi sự vay mượn hay giả tạo đều sẽ tan biến trong một sớm một chiều như sương như khói.

Và chỉ khi nào ta thấy được sự sống chỉ có ở vùng trời chân thật thì ta mới đủ sức để làm quyết định quay về, bởi dòng đời luôn giăng đầy cạm bẫy và cuốn hút mãnh liệt. Quay về là một công trình luyện tập, chứ không phải muốn là làm được ngay. Ta phải chấp nhận có những cái chạm trán bất ngờ hay những vấp váp trong buổi luyện tập ban đầu, khi ta đứng trước sự chọn lựa giữa cái mới và cái cũ, giữa sống thật hay che đậy.

Tất nhiên là vì nhu yếu cân bằng xã hội ta cũng đừng nên lập dị mà thiếu tôn trọng người khác, cố tình làm thất nhân tâm. Điều quan trọng là ta phải tỉnh thức để nhận diện và quan sát từng dòng cảm xúc và tư tưởng của mình. Ta sẽ phát hiện ra những ẩn ý sâu kín sau những câu nói và hành động của mình. Nếu phát hiện có một sự giả dối trong đó thì ta nên tìm cách ngưng ngay, cương quyết không để tiếp tục đánh mất chính mình chỉ vì vài phút giây làm vừa lòng cơn cảm xúc.

Ta hãy can đảm đối diện với sự thật, sống với sự thật. Có thể ta vẫn chưa quen và thậm chí nhiều người trong xã hội cũng không quen. Hãy nhân danh sự hiểu biết và thương yêu mà ta kiên trì bám lấy đời sống thật để nhắc nhở mọi người cùng làm theo. Hãy trả lại cho cõi đời đáng yêu này sự thật đúng y như bản chất của nó, có như thế thì ta mới còn niềm tin vào hạnh phúc và tình thương không phải là ảo ảnh. Hãy giúp cho thế hệ tương lai một con đường xán lạn, nơi ấy không còn bóng dáng của những âm u…

“Xin cảm ơn đất trời
Cho tôi được về tôi
Bao năm làm lữ khách
Thấm thía nổi đau đời… “

Tâm lý này ai cũng mắc phải nhưng vô hình chung mọi người đều chấp nhận nó, thậm chí còn tôn vinh nó nữa…. Trước kia tôi chỉ thấy được những loại mặt nạ thô kệch, giờ đọc xong bài này thì những điều hết sức tế nhị cũng bị dính vào tâm lí đáng sợ này, vậy mỗi ngày sống với nó không biết bao nhiêu mà kể… làm sao điều chỉnh và bỏ bớt? Soi gương và nhìn lại liệu có giúp được không? Hay phải thiền? Bốn câu thơ này thật đơn giản mà sao nhức nhói tới xương, phải… rất thấm thía nỗi đau bị đời giày xéo…

Hãy là chính mình! Đó từng là quan điểm, là nguyên tắc sống mà tôi luôn khắt khe với chính mình! Tôi luôn tự nhủ tôi sẽ làm được điều đó trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng cuộc sống… có lẽ đã không dễ dàng… Đọc bài cảm nhận, tôi và cũng như bao bạn đọc khác sẽ tìm thấy “một chút của mình trong đó”! nhất là khi yêu… ai cũng cố tỏ ra mình thật hoàn hảo và “có giá” trong mắt đối tượng! Thế là bỗng dưng ta không còn là ta nữa… Ta trở thành một người lớn thực sự, thậm chí là một người mẹ “dịu dàng và chu đáo nhất” trong mắt người ta yêu… Lúc nào và ở đâu, ta cũng giữ cho mình một nụ cười thật tươi, một ánh mắt thật ấp áp… hình như ta già đi trước tuổi, hình như ta không phải chỉ thế này…

Để làm gì? chỉ để chứng tỏ rằng ta đã có thể làm một người bạn tâm giao đáng tin cậy, một người vợ thật lý tưởng của “ngưòi ta”!và một người mẹ thật tốt trong tương lai Và ta đã làm được điều đó mà không hề giả tạo! bởi đó cũng chính là một phần của chính ta! Nhưng rồi ta mệt mỏi, cứ cố mãi mà vui ít buồn nhiều, thêm một số chuyện ta không chấp nhận được, và rồi… Ta chọn con đường đi ngắn nhất, đó là tự giải thoát cho ta! mối tình đầu của ta kết thúc trong nhẹ nhàng, không một lời oán trách….!

Vài năm sau, ta đã “già” hơn một chút. Cuộc sống khó khăn đã dạy cho ta nhiều kinh nghiệm, cho ta biết thật giả lẫn lộn thế nào và phải sử sự ra sao! Gần 30 tuổi đầu, ta cũng đã không ít lần “nếm mùi thương đau” trong cuộc sống. Ta khóc, ta than, ta tưởng như mình ngã gục.. nhưng không! Ta tự tin vì vẫn là ta… Và rồi, hình như ta thấy tim mình rung động, đập những nhịp đập mạnh mẽ hơn khi nó tìm thấy “một trái tim côi” khác! Hình như ta đã yêu… Một lần vấp ngã là một lần kinh nghiệm, ta không còn mơ mộng nhiều với tình cảm hiện tại, cũng không muốn phải “cố hoàn hảo” trong mắt đối phương. Cuộc sống nhẹ nhàng khi ta chính là ta. Cứ nói những gì mình nghĩ mà không cần phải bận tâm xem xét “sẽ được gì và coi có gì sai không?”, làm những gì mình thích mà không bận tâm rằng điều đó người ta có thích không? .

Ta cứ làm một người bình thường như bao con người khác. Có lúc, ta là một đứa con gái bướng bỉnh, vô tư, tinh nghịch… có lúc ta yếu đuối, bi quan, …có lúc ta lại là một người chị, người em, người con đầy trách nhiệm, là điểm tựa tinh thần của gia đình… có lúc ta lại là một người thầy nghiêm khắc và “zữ zằn” cùa mấy đứa học trò.. tất nhiên cũng có lúc ta dở hơi, hay khùng khùng gì đó…Ta cảm thấy tất cả những mặt cảm xúc của mình là hết sức tự nhiên, ta chấp nhận là chính mình và an lòng với những gì thuộc về ta. Với mối tình hiện tại, có thể sẽ tan vỡ ngay ngày mai, vì trong mắt đối phương ta không “hoàn hảo”, không có gì nổi bật vì ta chỉ là ta. Nhưng ta chấp nhận nó, buồn không? sao lại không! nhưng biết thế nào?! Ta không tự vẽ màu cho mình được! ta sợ mưa đến và màu sẽ trôi đi, lúc đó có lẽ ta thảm hại biết bao! nên thôi… xấu tốt gì ta cứ là ta! Ai đó đã nói, hạnh phúc là biết cho đi. và ta nghĩ, được hi sinh cho người ta yêu đó cũng là hạnh phúc, dù có thể người được yêu không phải là ta!

♥Minh Niệm

Ông Nguyễn Bá Thanh: Tham nhũng xử hết, xử từ lớn đến nhỏ



(TNO) Sáng 24.9, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính T.Ư cùng Đoàn đại biểu quốc hội TP.Đà Nẵng tiếp tục có cuộc tiếp xúc cử tri tại 11 xã của huyện Hòa Vang.




Ông Nguyễn Bá Thanh cho biết, công cuộc đấu tranh với tham nhũng là còn rất khó khăn - Ảnh: H.B


“Không bắt tận tay khó quy tội tham nhũng”

Tại cuộc tiếp xúc này, các cử tri đề cập tới nhiều vấn đề như xây dựng nông thôn mới mà đường xá được xây dựng quá kém chất lượng; bố trí tái định cư còn nhiều bất cập; một khu dân cư tại Hòa Phước còn bị ngập lụt khi mùa mưa về...
Hầu hết các cử tri đều rất quan tâm tới việc bỏ phiếu tín nhiệm trong thời qua, cũng như vấn đề tham nhũng.
Cử tri Trần Đình Nam (xã Hòa Tiến) đặt câu hỏi: “Thấy Quốc hội vừa qua tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm là rất tiến bộ. Nhưng cử tri chúng tôi vẫn còn băn khoăn là những cán bộ tín nhiệm thấp thì đã giải quyết ra sao rồi?”.
Một số cử tri khác lại lo lắng: “Vừa rồi thấy chúng ta đã hô hào rất mạnh trong việc xử lý tham nhũng, nhưng vẫn chưa thấy xử lý được vụ nào. Chúng tôi đề nghị Quốc hội nên mạnh tay hơn nữa đối với vấn nạn này”.
Trả lời cử tri, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính T.Ư cho biết thời gian tới sẽ tiến hành xử lý tất cả các vụ tham nhũng từ nhỏ đến lớn chứ không chỉ có lớn mới đưa ra xử.


Nếu biết ai nhận hối lộ để chạy việc thì cứ tố cáo thẳng tới tôi, sẽ được xử lý
Ông Nguyễn Bá Thanh

 

Ông Thanh lấy ví dụ vụ làm xét nghiệm dỏm tại Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) và cho rằng sự việc không chỉ gây thất thu đến tiền tỉ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân nên vụ án cũng được nhanh chóng khởi tố mấy chục người.
Theo ông Thanh, riêng một số vụ án được cho là tham nhũng hiện tại cũng rất khó xử lý cho thỏa đáng vì luật pháp vẫn chưa hoàn thiện.
“Mua con tàu 30 tỉ rồi cùng nhau đưa lên tới 40-50 tỉ để chia chác nhau nhưng chúng ta không bắt được tận tay thì khó mà xử lý họ với tội tham nhũng. Vì không bắt được tận tay như vậy nên mới phải xử lý theo tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho biết thêm, tới đây, phòng chống tham nhũng sẽ được các cấp làm quyết liệt, đối với những vụ kiểu như trên sẽ được xem xét là vụ án và tội phạm tham nhũng để xử lý.
Cũng theo ông Thanh công cuộc đấu tranh với tham nhũng là còn rất khó khăn chứ không thể ngày một ngày hai.
“Nếu biết ai nhận hối lộ để chạy việc, cứ tố cáo thẳng tới tôi”
Tình trạng xuống cấp của nền y đức nước nhà, đặc biệt là những bất cập trong việc chi trả viện phí, việc khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế chưa được như mong đợi cũng được các cử tri đề cập.

Cử tri Huỳnh Thiệu (xã Hòa Phước) cho rằng: “Nhà nước phát động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế, người dân cũng đồng tình tham gia nhưng tôi thấy sao mà những người có bảo hiểm vào viện là lắm phiền phức. Làm đủ thứ thủ tục phiền hà. Nằm bệnh viện uống thuốc 10 ngày chưa hết bệnh nhưng ra ngoài mua thuốc uống chỉ có 5 ngày đã khỏi. Không biết chất lượng thuốc bảo hiểm y tế ra sao!”.
Một cử tri khác lại cho biết gia đình có hai con đã tốt nghiệp trung cấp y nhưng xin việc không nơi nào nhận. Trong khi trường lớp thì mở tràn lan mà đào tạo xong rồi lại không có việc làm. “Nhiều người nói là phải chạy chọt. Vậy bây giờ cho tôi hỏi, để xin việc ở Hòa Vang là phải mất bao nhiêu (ý nói tiền chạy chọt - PV), ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng thì bao nhiêu?”, cử tri này nói.
Về tiêu cực trong ngành y ông Thanh cho rằng một phần do tiền viện phí, tiền bảo hiểm của người dân đóng góp thực sự chưa cao nên nguồn thu không đủ. Bởi vậy mà chất lượng y tế thấp, bệnh viện quá tải, thiếu máy móc điều trị. Tuy nhiên, một phần cũng có tiêu cực, người nào đưa cho vài đồng thì y, bác sĩ khi chích thuốc cũng chích nhẹ nhàng và ít đau hơn.
Để có chất lượng y tế tốt hơn theo ông Thanh: “Tôi nghĩ là phải mất vài thập niên nữa thì tình trạng y tế mới cải thiện lên được. Khi đó kinh tế tốt lên thì đời sống người dân, y tế cũng sẽ được cải thiện hơn”, ông Thanh nói.
Về tiêu cực "chạy việc" như cử tri đề cập, ông Thanh cũng tin là sự việc cử tri này nêu là có và chỉ dẫn: “Nếu biết ai nhận hối lộ để chạy việc thì cứ tố cáo thẳng tới tôi, sẽ được xử lý”.

Hoàng Bảo

Tự thiêu trước cổng công an phường

(NLĐO) - Trưa 24-9, tại đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3, TP HCM, một người đàn ông bất ngờ tự thiêu trước sự bàng hoàng của nhiều người.
Anh Nguyễn Văn Lắm (SN 1996, bảo vệ nhà hàng Tao Ngộ), người chứng kiến sự việc, kể khoảng 11 giờ 11 phút, mọi người thấy một người đàn ông mang theo bình đựng đá màu đỏ đến ngồi ở ghế đá trước cổng Công an phường 8, quận 3.

“Chúng tôi cứ tưởng ông ngồi chơi nên không để ý lắm. Bất ngờ, người này mở bình đựng đá, trút xăng từ trên đầu xuống rồi bật quẹt đốt”- anh Lắm kể.


Hiện trường xảy ra vụ tự thiêu
 

Mọi người đang dọn dẹp hiện trường

Nghe tiếng người dân kêu cứu, Công an phường 8, quận 3, đã nhanh chóng chữa cháy và đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Nhiều người dân khu vực cho biết người đàn ông này làm nghề sửa xe ở ngã tư đường Pasteur - Võ Thị Sáu.
Bệnh viện Quận 1 (đường Hai Bà Trưng, quận 1) cũng xác nhận một người đàn ông tên Sơn đã được đưa đến cấp cứu vào khoảng 12 giờ cùng ngày. Sau đó, bệnh nhân đã được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy.


Tin-ảnh: Kh. Miên 

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Triết lý của Kiếm Thánh Miyamoto Musashi trong Ngũ luân thư







Người ta vẫn nói, để hiểu được người Nhật tu dưỡng bản thân hằng ngày thế nào, các doanh nghiệp Nhật lập chiến lược kinh doanh của mình ra sao, các chính trị gia ra quyết định thế nào, thì phải đọc tác phẩm kinh điển Go Rin No Sho (Ngũ Luân Thư) của Kiếm Thánh Miyamoto Musashi.

Nguyễn Phương Văn


Tử địa Sekigahara là cách người ta gọi trận chiến cực kỳ khốc liệt giữa hai phe lãnh chúa Nhật Bản, phe Đông Quân và phe Tây Quân, diễn ra ngày 15 tháng thứ 9 niên hiệu Khánh Trường thứ 5 (ngày 21 tháng 10 năm 1600), tại Sekigahara, thuộc tỉnh Gifu ngày nay. Gọi là tử địa vì sau trận chiến khốc liệt ấy đã có bảy mươi ngàn người chết, còn Seigahara được coi là trận đánh lớn nhất lịch sử Nhật Bản.

Một kiếm khách mười sáu tuổi, tên là Miyamoto Musashi, bước vào trận đánh với tư cách là võ sĩ bên Tây Quân, sau đó là phe thua trận. Kiếm khách trẻ trung và cuồng nhiệt ấy đã chiến đấu anh dũng qua ba ngày của trận chiến.Chàng không chỉ sống sót và bước ra khỏi tử địa mà còn thoát khỏi chuỗi ngày gian nan bị phe chiến thắng truy sát. Kể từ ngày đó, kiếm khách này vân du khắp nơi chỉ để luyện kiếm, báo thù và tham dự các cuộc quyết đấu sinh tử. Mushashi không thất bại một lần nào và trở thành sư tổ của môn phái sử dụng song kiếm có tên Nhị Thiên Nhất Lưu. Sau này ông được người Nhật gọi là Kensei (Kiếm Thánh).

Người ta vẫn nói, để hiểu được một người Nhật bước chân ra thế giới bên ngoài để kinh doanh, thì phải hiểu cái tinh thần của một chiến binh bước vào tử địa Seigahara.

Để hiểu được các quan chức chính phủ hoặc tập đoàn Nhật Bản đồng loạt từ chức để bảo vệ uy tín cho lãnh đạo, cũng giống như các samurai thuộc hạ tự mổ bụng tuẫn tiết (hara-kiri) để tránh cho mình và “tướng quân” của mình bị làm nhục, thì phải hiểu được tinh thần võ sỹ đạo.

Và để hiểu được người Nhật tu dưỡng bản thân hằng ngày thế nào, các doanh nghiệp Nhật lập chiến lược kinh doanh của mình ra sao, các chính trị gia ra quyết định thế nào, thì phải đọc tác phẩm kinh điển Go Rin No Sho (Ngũ Luân Thư) của Kiếm Thánh Myamoto Musashi.

Go Rin No Sho là quyển sách về binh pháp được Kiếm Thánh Musashi viết trong những tuần lễ cuối đời khi ông ở ẩn trong hang núi. Kể từ khi được dịch sang Anh ngữ với tên A Book of Five Rings, cuốn sách được nghiền ngẫm từ giảng đường Havard nơi các sinh viên sử dụng sách như cẩm nang để thành công trong cuộc đời, đến các doanh nhân đọc để có cách nghĩ mới về chiến lược kinh doanh và các nhà quân sự cao cấp đọc để biết những nguyên tắc của một binh pháp thư chưa bao giờ sai suốt 300 năm kể từ khi được viết ra.

Tạp chí Time ca ngợi cuốn sách rất ngắn gọn: “Ở phố Wall, khi Musashi cất tiếng, tất cả lắng nghe”.

Time cũng viết “Go Rin No Sho là câu trả lời của Nhật Bản cho Havard MBA”.

Với những doanh nghiệp đang khát khao chinh phục phương Tây giống như người Nhật cũng rất nên đọc cuốn sách này, bởi như Time Out viết: “Nếu bạn tò mò tại sao người Nhật có thể xông pha giữa cộng đồng kinh doanh phương tây dễ như lưỡi kiếm samurai cắt ngang miếng bơ, câu trả lời không nằm trong những xí nghiệp hay những máy móc tự động. Câu trả lời nằm trong sách binh pháp Go Rin No Sho”.

Giới quân sự và chính trị thì ngầm so sánh Go Rin No Sho với Tôn Tử Binh Pháp khi cho rằng binh pháp của Tôn Tử chỉ là sách dành cho bậc tướng, còn Go Rin No Sho mới là sách cho bậc vương.

Dựa trên triết lý của Zen (Thiền) và cách tiếp cận thực dụng để làm chủ kỹ năng chiến thắng, Go Rin No Sho được cho là cuốn cẩm nang sâu sắc nhất từng được viết ra trên thế giới này. Với doanh nhân, đây là cuốn cẩm nang chiến lược kinh doanh. Với nhà chính trị quân sự, đây là cẩm nang binh pháp. Với tất cả những ai yêu thích kinh doanh và quân sự, đây là cuốn sách không dễ đọc nhưng rất đáng để nghiền ngẫm.

Sau chiến thắng của Đông Quân ở trận chiến Sekigahara, Chúa Tokugawa Ieyasu chính thức trở thành Shogun của Nhật Bản và là Shogun đầu tiên của Mạc Phủ Tokugawa. Mạc Phủ Tokugawa đặt chính quyền của mình ở Edo (ngày nay là Tokyo). Từ đây, một thời kỳ thanh bình tương đối lâu dài mở ra với đất nước Nhật Bản (1603-1867).

Thời kỳ Tokugawa (còn được gọi là thời kỳ Edo) đánh dấu sự chuyển biến lớn lao trong lịch sử xã hội Nhật Bản. Bộ máy của Tokugawa không chỉ kiểm soát chính quyền, luật pháp, giáo dục mà còn kiểm soát trang phục và hành vi của các giai cấp vốn được phân biệt rất rạch ròi: samurai, nông dân, nghệ nhân và thương nhân. Samurai là giai cấp tinh hoa nhất.

Tinh thần Bushido (võ sỹ đạo) được hình thành và phát triển trong suốt hai thế kỷ rưỡi thanh bình của thời kỳ Tokugawa. Trong thời gian này có nhiều binh thư được các Samurai đọc để tiếp thu và rèn luyện tinh thần sống mà không quan tâm đến cái chết. Họ hiểu và chấp nhận lối sống khổ hạnh, tu dưỡng tinh thần và lý tưởng. Sẵn sàng dâng hiến bản thân mình cho cái hay, cái đẹp của võ đạo. Họ đọc sách, nghiền ngẫm và rèn luyện phân biệt thiện ác, để trong nguy nan họ sẵn sàng hiến sinh mạng của mình cho thị tộc và lãnh chúa của mình. Tinh thần võ sỹ đạo đó tồn tại trong tư tưởng của người Nhật Bản cho đến tận ngày nay.

Dưới thời Tokugawa, các đội quân địa phương bị giải tán. Mặc dù Tokugawa và một số lãnh chúa vẫn tuyển dụng samurai nhưng phần lớn các samurai trở nên thất nghiệp. Một số samurai sống được nhờ sở hữu điền trang, số còn lại phải chuyển sang làm nghề thủ công hoặc làm kiếm khách lang thang. Thiên hạ thái bình đã khiến cho tầng lớp chiến binh trở thành người thừa, họ phải chuyển đổi thành giai cấp khác để nuôi giữ tinh thần thượng võ cổ xưa. Đây cũng là thời kỳ nở hoa của Kiếm Đạo (Kendo).

Kể từ khi tầng lớp samurai hình thành ở Nhật Bản từ thế kỷ thứ tám, nghệ thuật quân sự luôn được coi là hình thái học thuật cao nhất, được truyền cảm hứng nhờ dạy Thiền và cảm nhận Thần Đạo. Còn Kiếm Đạo luôn đồng nghĩa với sự cao quý.

Musashi là một samurai ở đầu thời kỳ Tokugawa. Nhưng khác với các samurai từ bỏ đao kiếm, Musashi vẫn kiên trì theo đuổi mẫu hình của kiếm khách lý tưởng để kiếm tìm sự giác ngộ trên con đường gian nan của Kiếm Đạo.

Trong phần “binh pháp” ngắn gọn thuộc Địa Thư của Go Rin No Sho, ta có thể thấy triết lý của Musashi ngay trong lời phê phán những samurai vì mưu sinh mà kiếm tiền bằng nghề dạy đánh kiếm: “Nếu ta nhìn vào thế giới, ta thấy các môn nghệ thuật được đem bán. Người ta dùng khí tài để bán chính bản thân mình. Cũng như đối với hạt và quả, cái hạt ngày càng ít quan trọng hơn quả. Trong cái đạo binh pháp đó, cả người dạy lẫn người học đều chú tâm để phơi bày kỹ thuật hoa mỹ. Họ tìm cách để đóa hoa nở vội. Họ nói Đạo trường này Đạo trường kia. Họ tìm kiếm tư lợi. Có người đã từng nói: Binh pháp sơ lậu là căn nguyên khổ ải. Lời nói thật chí lý”.

Hy sinh cả cuộc đời cho kiếm đạo, chấp nhận cuộc sống khổ hạnh, cấm dục và nhẫn nhục của Musashi đã đi vào nhiều tác phẩm văn học, trong đó có tiểu thuyết kiếm hiệp kinh điển “Miyamoto Musashi” của văn hào Yoshikawa Eiji. Tiểu thuyết kiếm hiệp này là best-seller ở nước Nhật thời trước Đệ nhị thế chiến. Cuộc đời và lý tưởng võ sĩ đạo cao cả của Musashi chính là liều doping cho tinh thần cực đoan của dân Nhật, từ người dân đến binh lính, từ sĩ quan tới lãnh đạo chính trị, giúp họ tiến hành cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Trung Quốc, Đông Dương và Thái Bình Dương. Hơn nữa, khi thế chiến kết thúc và Nhật Bản thành kẻ thua cuộc, người dân Nhật Bản lại đọc tiểu thuyết “Miyamoto Musashi” và dựa vào nguồn lực tinh thần của Musashi để tái thiết đất nước trong hoàn cảnh: kinh tế thì đổ nát bên ngoài, con người thì đổ vỡ bên trong.

Kiếm khách vô song từ thế kỷ 17 Musashi tiếp tục đồng hành với người dân Nhật Bản trong suốt thế kỷ 20: khi nước Nhật gây chiến với thế giới, khi nước Nhật chiến bại, khi nước Nhật tái thiết. Tinh thần của Musashi đã dẫn dắt nước Nhật Bản thành cường quốc của thế kỷ 20.

Miyamoto Musashi là ký ức và là tương lai của tinh thần Nhật Bản.

Shinmen Musashi No Kami Fujiwara NoGenshin, hay còn được biết nhiều hơn với tên Miyamoto Musashi sinh năm 1584 trong một gia đình Samurai có gốc gác lâu đời. Số phận nghiệt ngã đến với ông rất sớm khi trở thành trẻ mồ côi năm bảy tuổi.

Năm mười ba tuổi, với sức vóc mạnh mẽ hơn lứa tuổi của mình cộng với tài năng và sự hung hãn bẩm sinh, Musashi đã có tham gia cuộc quyết đấu đầu tiên của đời mình với kiếm thủ Thần Đạo Lưu có tên là Arima Kihei. Với thanh mộc kiếm trong tay, Musashi đã đánh kiếm thủ lớn tuổi hơn này ngã xuống, rồi dùng mộc kiếm đập vào ông này vào đầu cho đến chết.

Năm mười sáu tuổi Musashi tham dự cuộc quyết đấu thứ hai và đánh bại võ sĩ tài năng Tadashima Akiyama.

Sau trận chiến Sekigahara, Musashi đến Kyoto là thủ đô Nhật Bản lúc bấy giờ để tìm gia đình cừu hận Yoshioka, thách đấu và đánh bại cả ba anh em võ sĩ lừng danh của gia tộc này. Musashi dùng mộc kiếm đánh gục người anh thứ nhất, đánh chết người anh thứ hai bằng cách chém mộc kiếm vào đầu, và giết người thứ ba bằng cách dùng kiếm thép xả thân võ sĩ này.

Sau cuộc quyết đấu có tính trả thù này, Musashi bắt đầu từ bỏ kiếm thép và chỉ sử dụng mộc kiếm. Trong một lần thách đấu với kiếm sĩ giỏi nhất của lãnh chúa Matsudaira, Musashi dụng song kiếm đánh bại võ sĩ này nhưng không giết chết. Ngay lập tức chính lãnh chúa Matsudaira thách đấu với Musashi và bị Mushashi dùng tuyệt chiêu “Thạch Hỏa” để hạ gục nhưng không giết chết. Lãnh chúa Matsudaira chấp nhận thua cuộc, mời Musashi ở lại và tôn làm sư phụ.

Musashi dọc ngang Nhật Bản, trả thù, thách đấu và bị thách đấu như vậy đến năm hai chín tuổi. Giai đoạn này giúp Musashi có những trải nghiệm để xây dựng kiếm pháp của riêng mình.

Kiếm pháp do Musashi phát triển là lối tập kiếm tự thân sáng tạo dựa trên kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Ông là bậc thầy của các trường phái song kiếm (Nhị Đao Lưu – Nito Ryu, Nhị Thiên Nhất Lưu – Niten Ichi Ryu, Thần Đạo Nhị Thiên Nhất Lưu – Shinmen Niten Ichi Ryu) sử dụng một trường kiếm và đoản kiếm. Kiếm pháp do Musashi sáng lập sử dụng hai thanh trường kiếm có tên là Nhị Thiên Nhất Lưu. Tên này là do tư thế cầm hai trường kiếm vung trên đầu của ông. Tuyệt chiêu của kiếm pháp Niten (Nhị Thiên) là dùng “hợp kiếm”, và “giao kiếm”: hai thanh kiếm cùng lúc chuyển động tới mục tiêu thay vì một thanh phòng thủ và một thanh tấn công.

Vào độ tuổi gần ba mươi Musashi trở thành huyền thoại sống và được coi là đệ nhất kiếm khi ông đánh bại và giết chết đại cừu thù và cũng là kiếm thủ thượng thừa Sasaki Korijo ở đảo Ganryu Shima. Ông đánh bại Sasaki bằng một thanh mộc kiếm ông tự đẽo từ mái chèo của con thuyền ông dùng để bơi ra đảo.

Ở tuổi ba mươi, sau khoảng sáu mươi trận quyết đấu bất bại, Musashi bỗng từ bỏ quyết đấu. Có lẽ ở đỉnh cao danh vọng ấy ông nhận ra mình vẫn còn yếu kém và con người không có ai là vô khuyết. Từ năm ba mươi tuổi đến năm năm mươi tuổi, kiếm khách Musashi trở thành một nghệ nhân lừng danh trong các lĩnh vực nghệ thuật mà ông tham gia: điêu khắc, thư pháp và tranh thủy mặc.

Ở tuổi năm mươi ông viết: “Ta đã nhận ra chân đạo”.

Suốt phần đời còn lại ông chỉ luyện kiếm, dạy kiếm, phát triển kiếm pháp, tư duy binh pháp và viết sách. Ông thực hành, chiêm nghiệm Thiền và Kiếm đạo để tìm ra chân lý. Musashi trở thành biểu tượng của sự phá chấp, huỷ bỏ mọi chấp ngã, từ hành động đến nhận thức.

“Thần đạo và Kiếm đạo vốn dĩ chỉ là một. Vì cả hai cùng dẫn đưa con người đến một mục đích là diệt ngã”.

Đệ nhất kiếm khách Musashi đã trở thành Kiếm Thánh. Một kiếm khách mà ẩn chứa bên trong lại là một vị đại thiền sư.

Ngoài kiếm đạo, tất cả những lĩnh vực nghệ thuật mà Musashi tham gia, từ thư pháp, tranh thủy mặc đến tranh khắc gỗ, từ rèn kiếm đến điêu khắc, ông đều là bậc thầy. Ông trở thành bậc thầy vì ông không có thầy. Ông tự mình rèn luyện, tìm tòi,cải cách, sáng tạo. Ông xóa bỏ lối mòn, kể cả lối mòn do chính mình tạo ra.

Ông đập vỡ các chấp ngã trong chính bản thân mình để mở cái ngã của mình ra với cả thế giới, hài hòa với âm-dương, với thiên-địa và trên tất cả là hòa hợp con người với tự nhiên.

Ông nói: “Không có nghề cao quý,chỉ có con người cao quý. Không có kiếm pháp vô địch, chỉ có con người vô địch”.

Ông cũng nói: “Khi ngươi đã thấu hiểu cái đạo của binh pháp, sẽ chẳng có một thứ gì ngươi không thể hiểu”.

Năm 1643 Musashi lánh đời về ở ẩn trong một hang núi có tên Reigendo. Ở đây, trong những tuần cuối đời ông viết cuốn binh thư Go Rin No Sho.

Go Rin No Sho ngày nay đứng đầu bảng trong tất cả các thư viện Kiếm đạo. Đây là cuốn sách độc đáo nhất trong các sách binh pháp khi nó đề cập đến binh pháp chiến trận và thuật chiến đấu cá nhân bằng cùng một cách tiếp cận. Cuốn sách không phải là thuyết về binh pháp thuyết, mà theo lời của Musashi cuốn sách này là cẩm nang cho những người đàn ông muốn học binh pháp.

Bởi nó là cẩm nang, nội dung của nó luôn vượt lên trên tầm hiểu biết của những ai đọc nó. Đọc sách này càng nhiều lần, người đọc càng tìm thấy nhiều hơn trong từng trang sách.

Nhãn quan Kiếm đạo trong sách của Musashi cực kỳ đa dạng. Kẻ nhập môn có thể đọc sách này ở đẳng cấp nhập môn. Những bậc thầy cũng đọc những trang sách này nhưng ở đẳng cấp cao hơn. Sách không chỉ áp dụng cho quân sự, mà có thể dẫn đường cho bất cứ chiến lược gia nào, từ kinh doanh đến chính trị, miễn là ở lĩnh vực áp dụng người ta cần lập kế hoạch và có chiến thuật cho mọi tình huống.

Mọi kế hoạch kinh doanh, mọi chiến dịch quân sự, đều có thể dùng Go Rin No Sho làm cẩm nang dẫn lối. Ngay cả một người bình thường, cũng có thể đọc Go Rin No Sho để hoàn thiện cuộc sống của mình. Và triết lý của cuốn binh thư này có thể ảnh hưởng đến người đọc trong suốt cuộc đời.

Lòng tốt, sự tử tế: Gieo và gặt



Tuyết Yến


Tác giả với bà Dominique tại nhà dưỡng lão VICHY

Có ai dám tự tin rằng trong đời mình chỉ để lạc mất lòng tốt một lần?

1-Nhiều người hay chỉ trích, phê bình rằng xã hội hiện nay thiếu đi sự tử tế, cái xấu lấn át cái tốt, người ngay sợ kẻ gian, rồi vô vàn những thói xấu của người Việt bị dè bỉu, châm biếm. Đặc biệt khi ra nước ngoài, nhất là đến các nước phương Tây, khi trở về, họ lại càng có nhiều chuyện để so sánh và tỏ ra đắc ý khi nghĩ về những thói hư, tật xấu của người Việt.

Người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung có nền văn hóa làng xã, cộng đồng. Thế nhưng người phương Tây thì khác, họ tôn trọng cái TÔI và không can thiệp, tham dự sâu vào cuộc sống riêng tư của mỗi người.

Người Việt ra đường gặp người quen thay câu chào hỏi thường mở đầu bằng câu hỏi: “đi đâu đấy?”. Bạn bè của con cháu tới nhà chơi, bố mẹ thường bắt đầu câu hỏi: “Cháu con nhà ai? Bố mẹ cháu làm gì?”. Văn hóa Á Đông khiến mỗi người đều có thói quen quan tâm tới công việc, hành động, cử chỉ của người khác. Xét ở một góc độ nào đó, có thể cho là thọc mạch, là vô duyên, là tò mò, thậm chí làm phiền người khác, song ít ai nghĩ rằng đó lại là một trong những điều mà người phương Tây thèm muốn.

2-Những ngày sống xa nhà, học tập tại cộng hòa Pháp, tôi thường dành thời gian của những ngày nghỉ cuối tuần đến thăm các khu dưỡng lão (maison de retraite). Đây là một trong những hoạt động ngoại khóa của trung tâm CAVILAM, nơi tôi đang theo học ở VICHY, một thành phố thuộc miền Trung của đất nước Tây âu này.

Những người già ở đây rảnh rỗi, họ có nhiều thời gian nói chuyện với chúng tôi để cuộc sống bớt nhàm chán, cô đơn. Đổi lại, chúng tôi có điều kiện trau dồi thêm vốn ngoại ngữ ít ỏi của mình, được tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa nước bạn. Trao đổi, trò chuyện với họ, tôi mới thấy rằng nếp sống văn hóa nhiều thế hệ trong một gia đình, trách nhiệm của con cái với cha mẹ ở các nước phương Đông được đề cao và là niềm ao ước của những người già Tây âu này.

Một điều dưỡng viên ở đây cho biết: những người già ở đây rất háo hức cho những ngày cuối tuần. Họ dậy sớm hơn, ăn cũng nhanh hơn. Nhiều người đòi điều dưỡng mặc cho những bộ đồ đẹp, thậm chí có bà lão còn trang điểm để chờ đợi gặp gỡ chúng tôi. Những người già cô đơn, bệnh tật, ốm yếu, khóe mắt chợt bừng lên niềm vui, niềm hạnh phúc khi được trò chuyện.

Bà Dominique có 6 người con. Nhưng cả năm nay rồi không có người con, người cháu nào tới thăm bà. Chúng chỉ thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm khiến bà trở thành người khó tính nhất khu dưỡng lão. Thế nhưng, chỉ sau vài lần gặp gỡ, chúng tôi đã được bà chia sẻ, tâm sự và còn làm những chiếc bánh cờ-rếp đậm chất Pháp cho chúng tôi ăn.

Không nói ra nhưng mỗi người trong chúng tôi đều không bao giờ dám nghĩ đến tương lai già nua của mình ở những trại dưỡng lão như vậy! Có thể, định cư ở nước ngoài cũng là mong ước của nhiều bạn trẻ nhưng sống những năm tháng cuối đời ở những nơi như thế này, dù điều kiện chăm sóc dinh dưỡng, y tế đảm bảo cũng làm người ta sợ hãi và buồn chán!

3-Những ngày bố tôi nằm viện, ông phải thở ô xy và việc ăn uống rất khó khăn do ông hay bị sặc. Bệnh nhân cùng phòng bố tôi là một bác trung niên bị bệnh tim song bác có thể tự chăm sóc cho mình. Những cơn ho khiến bố tôi rất khó ngủ. Sau nhiều trận ho mệt, ông lả đi vì mệt rồi ngủ thiếp đi.

Cánh cửa căn phòng của bệnh viện bị hư nên mỗi khi đóng mở lại kêu rít lên khiến người khác giật mình. Mỗi khi thấy bố tôi ngủ, bác cùng phòng lại mang chiếc gối ra chặn ở cửa để y tá, hay bác sĩ vào thăm bệnh sẽ không bị sập cửa, hay gây nên tiếng ồn. Ông cũng thường xuyên nhắc nhở mấy cô y tá trẻ nói chuyện nhỏ thôi để cho bố tôi ngủ.

Bố tôi nằm viện cả tháng trời, việc chăm sóc bố, chúng tôi phải phân chia nhau. Nhiều lần chỉ có một mình phải chăm lo cho bố đến quá bữa tôi cũng chưa đi ăn được, người thay ca sau cũng kẹt công việc chưa đến kịp. Những lúc như vậy, bao giờ bác cũng hỏi : ‘‘muộn tồi, cháu đói không, để bác mua luôn cho một hộp cơm ?’’.

Có lẽ chỉ có người Việt mới như vậy! Những nghĩa cử giản dị ấy bạn cũng như tôi đều bắt gặp ở bệnh viện, ở nơi này, nơi khác. Người Việt mình đấy !

4-Gần nhà tôi có một bác cựu chiến binh. Ông không thích ở nhà, hàng ngày ông ra đường nhặt các loạt rác rưởi người ta “quên” cho vào thùng rác mà tiện tay ném ra đường. Trên cổ ông đeo lủng lẳng các loại túi theo kiểu phân loại rác của ông. Rồi ông hát, những bài hát về cái thời của ông, về Trường Sơn, về chiến tranh, về người lính, về những gì mà ông say mê gần như cả cuộc đời…Thực ra ông bị một căn bệnh mà y học gọi là hội chứng chiến tranh, thỉnh thoảng ông vẫn hô: xung phong, tập trung, bắn, bắn!!

Nhiều người trong khu phố coi ông như người điên và tìm cách tránh xa, nhưng tụi trẻ con thì cứ chạy theo để nghe ông hát, những bài hát hình như không giống với những ca khúc của chúng bây giờ. Và rồi chúng cũng bắt đầu nhặt rác, giúp ông vứt rác vào thùng, làm sạch sẽ phố phường hơn…

Chị bán phở đầu ngõ bao giờ cũng mời ông một bát phở ăn sáng, đổi lại ông ngồi hát cho mọi người trong quán nghe. Thói quen nghe ông hát khiến nhiều khách muốn quay lại với chị chủ hàng trở thành khách quen.

Sự tử tế của chị đã được đền đáp!

Một câu chuyện nữa tôi mới đọc gần đây cũng khiến bản thân phải suy nghĩ. Nếu như người đàn ông có tên Quốc Khánh trên đường đi làm về ngày hôm ấy không “mua việc” vào mình để ý, theo dõi xem một thiếu nữ khoảng 20 tuổi kia sao lại dắt theo 2 cháu bé ngồi vật vờ ở phố Liễu Giai, Hà Nội thì có lẽ hai cháu bé đó đã bị bán đi phương trời nào đó mất rồi.

Nghĩ tụi nhỏ lạc đường, anh Khánh đã hỏi thăm và nhận ra giọng 2 đứa trẻ khác với giọng của chị nó. Nghi ngờ thiếu nữ bắt cóc hai đứa trẻ, ngay lập tức, anh Khánh hô hoán mọi người và kêu hai cảnh sát giao thông gần đó đến giúp đỡ. Nhờ vậy, hai đứa trẻ bị bắt cóc đã may mắn về được với gia đình trong niềm xúc động trào nước mắt của cha mẹ chúng.

Rồi còn nữa những câu chuyện về những vụ việc dọc đường, trên phố, nếu ai đó cũng ngại “mua việc”, cũng ngại “ ôm rơm cho dặm bụng” thì có lẽ sẽ không có những trường hợp người gặp tai nạn được cứu sống kịp thời, người bệnh may mắn thoát chết…vân vân và vân vân. Có thể đâu đó vẫn còn chuyện người tốt gặp vạ lây như chuyện đưa người bị tai nạn vào bệnh viện bị người nhà hiểu lầm đánh cho chí chết, hay như những chuyện bực mình vì lòng tốt bị bỏ rơi. Nhưng dẫu gì chăng nữa lòng tốt, sự tử tế vẫn luôn thường trực và cho ta thấy cuộc sống này đáng sống hơn!

Chuyện ở khu phố tôi chứ đâu. Ông cụ bị tai biến, cả nhà cuống cuồng đưa đi bệnh viện, quên cả khóa cửa. Người hàng xóm sang hỏi han tình hình, thấy cửa không khóa, vội về lấy khóa nhà mình sang khóa lại. Rồi ông chẳng dám đi đâu vì sợ người nhà bên đó cần việc gì về nhà lại không vào được khi không có chìa khóa.

Không ai dám nói trước rằng cả cuộc đời này tôi không cần nhờ đến ai, không cần sự giúp đỡ của người khác vẫn có thể sống ổn. Nếu như mọi người cứ sống thờ ơ, sống chỉ biết đến mình, cứ nghĩ rằng mình không phiền đến ai, chẳng cần ai giúp mình, thì vẫn có chuyện kẻ trộm mang cả ô tô đến khuân đồ, rồi ngang nhiên phá khóa mà hàng xóm cứ nghĩ rằng họ chuyển nhà hay chắc chủ nhà mất chìa khóa nên nhờ thợ khóa đến sửa.

Lòng tốt, sự tử tế không thể có được khi ta không cho đi lòng tốt và sự tử tế. Đừng đòi hỏi những người xung quanh giúp đỡ bạn khi bạn chẳng giúp đỡ, quan tâm tới ai bao giờ.

Lúc bản thân hay người thân của mình gặp nạn, bạn than thở, buồn chán vì chẳng ai giúp tôi, chẳng ai đưa tôi hay người thân của tôi đi bệnh viện, trong khi chính bạn cũng cho qua những chuyện thường gặp trên đường và đều cho đó là chuyện của ai đó, không liên quan tới mình và rồi lại buông lời kêu ca, phàn nàn rằng xã hội bây giờ thiếu đi sự tử tế, thiếu đi lòng tốt!

5-Trong bài diễn văn tại lễ bế giảng của Đại học Syracus ( Mỹ), nhà văn nổi tiếng George Saunders đồng thời là giáo sư của trường Đại học này đã tâm sự với sinh viên rằng: “Điều khiến tôi tiếc nhất trong đời mình là những lần để lạc mất lòng tốt”.

Cậu bé George một lần đánh rơi lòng tốt mà day dứt tới tận bây giờ. Chỉ vì không làm được gì đó tốt hơn cho một người bạn gái có thể hơi “khác người” bị nhiều người kỳ thị mà George luôn cảm thấy ăn năn, dù rằng ông vẫn tốt với người bạn gái đó hơn những người khác, song ông nghĩ, đáng lẽ đã có thể làm tốt hơn thế!

Có ai dám tự tin rằng trong đời mình chỉ để lạc mất lòng tốt một lần?

Một bạn học sinh lớp 11 đã viết: “Ta ích kỉ trước người tốt, ta sợ hãi trước kẻ xấu, ta lừa dối trước chính bản thân mình. Vậy nên cuối cùng, ai kia mất cái ví tiền, nhưng ta mất đi nhân tính. “Cho” và “nhận” gắn bó thế nào, thì “giữ” và “mất” cũng khăng khít tương tự như vậy!”./.