Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Từ hai cậu bé bán thuốc lá dạo và đạp xích lô ở VN trở thành khoa học gia Mỹ



Cậu bé bán thuốc lá dạo ở VN trở thành nhà khoa học tài giỏi ở Mỹ


Giáo sư-Tiến sĩ Hóa học Trương Nguyện Thành
Một nhà khoa học thành danh ở Mỹ với nhiều công trình nghiên cứu và hằng trăm bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế xuất thân từ một cậu bé bán thuốc lá dạo ở chợ Gò Vấp, Sài Gòn. Câu chuyện của Giáo sư-Tiến sĩ Hóa học Trương Nguyện Thành hiện đang giảng dạy tại trường đại học Utah, Hoa Kỳ, là niềm hãnh diện của người Việt trên trường quốc tế và là tấm gương đáng khâm phục để giới trẻ Việt Nam noi theo.

Năm 11 tuổi, cậu bé Thành đã bắt đầu bươn chải, dãi dầu mưa nắng để kiếm tiền phụ mẹ nuôi 9 anh chị em sau khi cha mình bị liệt bán thân. Ngày ngày, sau giờ tan trường từ giữa trưa đến tận 9, 10 giờ đêm, cậu bé rong ruổi với thùng thuốc lá trên vai đi bán dạo quanh bến xe lam chợ Gò Vấp. Năm 1976, khi Việt Nam mở chiến dịch đưa cư dân ra các vùng kinh tế mới xa xôi, hẻo lánh, gia đình Thành chuyển xuống Lái Thiêu xoay sở tậu được một miếng ruộng nhỏ và một cặp trâu. Ở tuổi 15, Thành bỏ nghề bán thuốc lá dạo để chuyển sang đi cày thuê cuốc mướn. Việc học của cậu bé bị cản trở và chi phối rất nhiều bởi công cuộc mưu sinh vất vả hằng ngày, nhưng ý chí quyết tâm theo đuổi con đường học vấn để đổi đời đã vun đúc trong lòng cậu bé từ rất sớm.



Tiến sĩ Thành chia sẻ:
“Tôi có tư duy thích học, những lúc rảnh rỗi, tôi thường lấy sách đọc. Chỉ có môn toán là tôi học được vì không đòi hỏi tập trung nhiều. Cứ rảnh là tôi ngó qua một cái rồi để cái đầu tôi làm việc. Tôi được sự dạy dỗ của ông nội và ba tôi. Họ thường khuyên rằng học vấn là con đường ngắn nhất để đưa một người không có gì tới thành công.”
Tới năm học lớp 12, con đường học vấn của cậu bé nghèo, lam lũ bắt đầu rẽ bước ngoặt, xuất phát từ một đáp án dí dỏm của Thành trước câu hỏi của thầy đố các học sinh giỏi. Ấn tượng trước sự thông minh của Thành, người thầy đã soạn đưa cho cậu bé một số sách để tham khảo.

Giáo sư Trương Nguyện Thành kể lại:

“Năm 1979, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức kỳ thi toán toàn quốc. Thầy tôi có đem mười mấy cuốn sách cho tôi mượn, bảo tôi đọc cho biết rồi tới dự lớp thầy dạy cho các học sinh giỏi dự thi toán. Tôi rất cảm động trước nghĩa cử này. Mỗi tối sau giờ làm ruộng, tôi đốt đèn dầu đọc sách từ 9 giờ tới 12 giờ đêm. Thời điểm đó, ở Việt Nam, hạnh kiểm là vấn đề khá quan trọng. Hạnh kiểm tôi tương đối xấu nên cô hiệu trưởng không cho tôi đi thi học sinh giỏi toán. Ông thầy lén đưa tôi đi theo đội tuyển, may quá tôi thi đậu. Tỉnh Bình Dương lúc đó chọn khoảng 30-40 em học sinh giỏi toán lên trên tỉnh học chuyên toán trong 3 tháng. Sau 3 tháng, họ tuyển lại lấy 5 em. Tôi cũng may mắn lọt vào trong 5 em đó. Cũng vì thế, ba tôi nhận ra rằng tôi có tiềm năng. Từ lúc đó, ông khuyên tôi nên nghỉ đừng đi cày thêm mà tập trung học. Và từ đó, ông tìm cách cho tôi ra nước ngoài.”

19 tuổi, sau khi thi đậu vào đại học Bách Khoa, chàng thanh niên Trương Nguyện Thành vượt biên sang Mỹ. Sau 1 năm ở trung học với những khó khăn bước đầu về ngôn ngữ, anh từ giã gia đình bảo trợ người Mỹ để bắt đầu cuộc sống tự lập ngay từ năm thứ nhất đại học. Để trang trải sinh hoạt phí trong thời đèn sách, phần đông các bạn trẻ ở đây thường phụ việc ở nhà hàng, tiệm giặt ủi, hay đi giao báo. Riêng trường hợp của Thành, anh tìm đến một người thầy và xin được theo chân làm việc trong phòng thí nghiệm để bắt đầu công việc nghiên cứu ngay từ năm đầu đại học, một công việc thường bắt đầu ở bậc cao học. Số tiền kiếm được đủ trang trải các khoản chi phí hết sức tiết kiệm hằng ngày. Còn học phí của anh chủ yếu nhờ các khoản vay từ nguồn quỹ dành cho sinh viên và các phần học bổng của chính phủ. Sau 4 năm đại học, anh ra trường với bằng cử nhân hóa học cùng với 4 văn bằng phụ về lý, toán, công nghệ thông tin, và thống kê.

Tốt nghiệp đại học, anh đi thẳng vào chương trình tiến sĩ. Trong thời gian nghiên cứu hậu tiến sĩ, anh dành được học bổng của Qũy Khoa học Quốc gia dành cho các tiến sĩ trẻ có tiềm năng vì lúc tốt nghiệp tiến sĩ, anh đã có 16 bài nghiên cứu trong khi trung bình một tiến sĩ khi ra trường xuất bản chừng 4-5 bài nghiên cứu. Năm 1992, anh về làm Giáo sư hóa cho trường đại học Utah. Một năm sau, anh được chọn là 1 trong những nhà khoa học trẻ nhiều triển vọng của Hoa Kỳ, với giải thưởng 500 ngàn đô la cho công tác nghiên cứu. Năm 2002, anh được cấp bằng Giáo sư Cao cấp, tức bậc cao nhất trong 3 cấp Giáo sư của Mỹ.

Những yếu tố nào giúp một cậu bé lam lũ, nghèo khó từng bán thuốc lá dạo, cày thuê cuốc mướn ở đáy xã hội Việt Nam lột xác, đổi đời thành một nhà khoa học danh tiếng tại Mỹ?

Giáo sư-Tiến sĩ Trương Nguyện Thành cho biết:
“Người đó có tiềm năng trời phú. Thứ hai, có môi trường giúp họ phát triển. Thứ ba, người đó có nhận thức được rằng mình có cơ hội đó hay không.
Tiềm năng chỉ là khả năng, muốn đạt được thành công đòi hỏi phải có môi trường để phát triển. Môi trường không cho phép người đó phát triển, thì cũng không làm được. Điển hình là người Việt ở Mỹ hay ở nước ngoài thành công rất cao, thế nhưng tại sao ngay tại Việt Nam không có những ngôi sao như vậy?




Khi tôi bước chân vào trung học ở Mỹ, có một cậu vượt biên cũng giống trường hợp như tôi, đi một mình, được một gia đình Mỹ bảo lãnh. Cậu ta cũng ở gần nhà tôi. Khi tới Mỹ, tôi và cậu ấy có cùng một cơ hội như nhau. Tôi cố gắng hơn, tôi vào đại học. Còn cậu ta làm việc cho một hãng gà Tây, kiếm tiền liền. Một năm sau, tôi về lại làng thăm ba mẹ nuôi và ghé thăm thằng bạn. Công việc nó làm chỉ đứng móc ruột gà Tây thôi, chờ con gà chạy qua, đưa tay vào móc ruột gà ra. Nó khoe với tôi nó có được chiếc xe hơi. Còn tôi lúc đó vẫn chưa có gì. Sau 4 năm đại học, tôi trở về, anh bạn vẫn còn móc ruột gà Tây. Anh đã có được một căn hộ, có TV lớn, dàn máy xịn, xe hơi sports. Còn tôi vẫn chỉ một thùng sách quèn. Sau 5, 6 năm sau, tôi trở về, cậu bạn vẫn còn làm chỗ cũ nhưng cho biết phải đổi nghề vì đau nhức xương khớp tay do làm việc ở phòng lạnh. Lúc đó, tôi sắp ra tiến sĩ. Đó là cái điều kiện thứ 3 mà tôi muốn nói: người có tiềm năng, có môi trường, mà không nhận thức được cơ hội của mình và quyết tâm đạt được cơ hội đó. Thật sự, tôi không có xe hơi, không có bạn gái, không có tình phí, ở nội trú, ăn mì gói. Cho nên, chi phí tôi rất ít. Tôi làm việc trong phòng nghiên cứu chỉ đủ sống. Tôi ra đại học trong túi chỉ có 200 đô la, nợ nhà nước khoảng 15 ngàn đô la (mỗi năm khoảng 3-4 ngàn tiền học phí cộng với tiền phụ thêm để sống), cùng một thùng sách và một giỏ quần áo cũ.”
Thành công ở xứ người, Giáo sư Thành trở lại Việt Nam, giúp thành lập Viện Khoa học Công nghệ Tính toán TP.HCM bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009. Vừa tiếp tục giảng dạy tại trường đại học Utah ở Mỹ, vừa giúp điều hành Viện nghiên cứu tại Việt Nam, Viện trưởng Trương Nguyện Thành nói về công việc của mình:
“Điều khiển một viện nghiên cứu từ xa rất khó. Cho nên, có một viện trưởng tại Việt Nam chuyên lo các vấn đề hằng ngày như làm việc với chính phủ, hợp đồng, hay mướn người. Còn tôi phụ trách chiến lược phát triển về khoa học, kêu gọi những người khác về giúp phát triển.”
Ngoài ra, cá nhân ông còn nhận bảo trợ cho các sinh viên giỏi từ Việt Nam sang Mỹ du học bằng chính nguồn quỹ nghiên cứu của ông. Đích thân Giáo sư Thành đứng ra phỏng vấn tuyển chọn người tài, và từ năm 2001 tới nay, ông đã tài trợ cho trên dưới 20 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học tập, nghiên cứu. Trong số này có nhiều người đã trở về giúp ông phát triển Viện nghiên cứu tại Việt Nam.

hình minh họa Tiến sĩ Trương Nguyện Thành tâm sự:
“Thời còn đi cày mướn, lời nguyền của tôi là nếu tôi thành công, tôi sẽ đem cơ hội đó cho lại những người khác. Đó là tâm nguyện của tôi lúc còn ở đáy xã hội Việt Nam. Tôi thường nói chuyện với học trò của tôi khi họ tới cảm ơn tôi đã cho họ cơ hội. Tôi bảo họ không cần cảm ơn tôi. Điều họ có thể trả ơn tôi là đem cơ hội đó cho một vài người khác. Chính vì vậy, một số đệ tử của tôi về lại Việt Nam, giúp tôi lập Viện. Tôi gieo những hạt giống và từ đó sẽ nhân thành những hạt giống khác. Một con én không làm nên nổi mùa xuân. Tôi chỉ là người mở đường. Những người khác bước chân theo, làm cho con đường rộng ra, nhẵn thêm, dễ đi hơn.”
Giáo sư Thành nói ai cũng mơ ước thành công, nhưng chỉ có những người chịu khó nỗ lực mới tới được đích đến:
“Tôi chỉ có một lời nhắn nhủ với các sinh viên ở Việt Nam rằng trên đời cái gì cũng có giá phải trả. Nếu muốn thành công, phải chấp nhận trả cái giá đó. Thành công là một con đường đi chứ không phải là một điểm đích. Tôi không nói tôi đã thành đạt điều gì, chỉ là một con đường mà khi quay lại tôi thấy tôi đã đi được rất xa rồi.”




Giáo sư Trương Nguyện Thành chụp tại Viện Khoa Học-Công Nghệ-Thông Tin ở Sài Gòn

Con đường thành công của Giáo sư -Tiến sĩ Trương Nguyện Thành trải qua bao nhiêu năm gian nan, thử thách. Cậu bé bần cùng, lam lũ ở Việt Nam qua đến Mỹ cũng đã nếm trải bao nhiêu những thiếu thốn, khó nhọc để có được vị trí đáng nể như ngày hôm nay. Đó là nhờ sự quyết tâm vượt khó vươn lên, sẵn sàng trả giá cho con đường đã chọn.

Một thiếu niên đạp xích lô ở Việt Nam trở thành khoa học gia nguyên tử ở Mỹ


Tiến sĩ Võ Tá Đức lúc ở trại tị nạn Bataan (Philippines) trước khi sang Mỹ định cư
Tiến sĩ Đức hiện công tác tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, một trong hai phòng thí nghiệm của Mỹ chuyên nghiên cứu chế tạo các loại võ khí nguyên tử và là một trong các viện nghiên cứu đa ngành lớn nhất thế giới. Cậu bé đạp xích lô ở Việt Nam ngày nào giờ đây đã góp công nghiên cứu sáng chế ra những máy móc, thiết bị dò tìm nguyên tử đang được ứng dụng để ngăn ngừa các hình thức vận chuyển nguyên tử bất hợp pháp vào biên giới Hoa Kỳ.
Là con trưởng trong gia đình 11 anh chị em, năm lên 14 tuổi, cậu bé Võ Tá Đức đã trở thành lao động chính trong nhà vì gia cảnh khó khăn. Ba cậu làm thợ nề, nhưng do bệnh tật nên bị mất sức lao động. Mẹ Đức tảo tần buôn bán lặt vặt chạy bữa qua ngày. Hằng ngày, sau giờ tan học, Đức ăn vội cơm trưa rồi cuốc chiếc xe xích lô rong ruổi khắp mọi góc phố ở Tuy Hòa để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi 14 miệng ăn trong gia đình.

Tiến sĩ Đức nhớ lại:
‘Sau biến cố năm 1975, lúc đó tôi còn rất nhỏ đang học trung học, nhưng vì nhà nghèo quá, nên cũng phải phụ giúp gia đình. Sáng đi học, trưa về ăn cơm xong liền xách xích lô chạy. Đạp xích lô tới chiều tối. Ăn cơm tối xong lại lên xe đi tiếp. Tôi chỉ học buổi sáng, đạp xích lô từ trưa tới sáng hôm sau luôn. Tối đến tôi đậu xích lô ở bến xe ngủ. Hễ nghe tiếng xe đò tới thì tôi tỉnh dậy, chạy về nhà tắm rửa, thay quần áo đi học. Lúc đó tôi đâu có thời giờ học đâu, thỉnh thoảng khi rãnh, tôi ngồi trên xe xích lô lấy bài vở ra làm chút chút vậy thôi. Thời đó, tôi học rất dở vì không có giờ học.’


5 năm trời dầm mưa dãi nắng còng lưng trên chiếc xích lô đạp, việc học hành của Đức hoàn toàn sa sút, nên cậu đã không thi đại học. Tới năm 1981, ba Đức cố xoay sở tìm cách cho cậu theo một người bà con trong Nam đi vượt biên, và cũng từ đó, cuộc đời cậu bé đạp xích lô bước sang một ngã rẽ mới. Thời gian trong trại tị nạn chờ được một nước thứ ba cho đi định cư chính là giai đoạn bước ngoặt đối với Đức, khi chàng thanh niên lam lũ, cơ hàn quyết chí phải đổi đời, phải phấn đấu tiến thân bằng con đường học vấn.

Tiến sĩ Đức cho biết:
“Vượt biên qua tới trại tị nạn, tôi cảm thấy như vậy là từ đây mình có cơ hội đi học, phát triển. Ngay từ lúc đó, tôi đã quyết định phải cố gắng học hành cho thành tài. Còn hồi trước ở Việt Nam, tôi không dám có ước mơ đó vì đi đạp xích lô cả ngày, học hành sao được mà có ước mơ học cho thành công?”
Sau thời gian ở trại tị nạn, anh tới Mỹ và được một gia đình ở bang Iowa nhận làm con nuôi. Thành tích học tập của chàng trai nghèo từ Việt Nam bắt đầu tỏa sáng sau 1 năm rưỡi ở trường trung học Mỹ.
Thông thường sinh viên ở Mỹ khi vào đại học phải trả học phí. Ngoài một số ít sinh viên xuất sắc nhận được học bổng, đa số phải vay từ các nguồn quỹ hỗ trợ của chính phủ dành cho sinh viên. Thế nhưng, cậu bé đạp xích lô ở Tuy Hòa suốt thời gian đại học và cao học ở Mỹ không phải trả bất kỳ khoản tiền học phí nào, nhờ vào thành tích lao động trí óc cần cù. Năm học lớp 12, Đức đoạt giải nhất một kỳ thi khoa học cấp tiểu bang, mang lại cho cậu học trò nghèo học bổng toàn phần cho suốt 4 năm học ở khoa vật lý trường đại học Bắc Iowa. Tốt nghiệp đại học, anh đi thẳng vào chương trình tiến sĩ chuyên ngành vật lý nguyên tử, và trong suốt thời gian cao học, anh liên tục nhận được các nguồn học bổng dành cho nghiên cứu sinh. Còn các khoản sinh hoạt phí khác anh trang trải từ thu nhập làm trợ giảng cho các vị giáo sư.

Tiến sĩ Đức cho biết những điều kiện học tập có được ở Mỹ đã khuyến khích ông thêm say mê học tập, nên ông đã không dừng lại ở tấm bằng đại học như dự định ban đầu:
‘Mình đi học ráng học cho lẹ, lấy thiệt nhiều lớp để mau ra trường lấy bằng đi làm kiếm tiền gửi về Việt Nam phụ gia đình. Nhưng tới lúc học gần xong đại học, tôi lại thấy sức mình vẫn còn đi học tiếp được. Cho nên năm cuối đại học, tôi lại nộp đơn xin vào cao học. Tôi thấy vấn đề học hành không khó lắm. Nếu mình chịu khó thì chuyện gì cũng vượt qua được hết. Mỹ là một nước tự do và có cơ hội để mọi người, ai có chí, thì có thể làm nên. Tôi nghĩ nếu không qua Mỹ mà còn ở Việt Nam thì giờ này chắc tôi cũng còn đạp xích lô, không có cơ hội để phát triển thành tài. Nghĩa là phải có cơ hội nào đó đưa đến cho người ta có dịp để phát triển tài năng. Đối với tôi, cơ hội đưa đến là được qua Mỹ để rồi được phát triển đầu óc. Ở Mỹ này tôi thấy nếu mình chịu khó học sẽ có cơ hội đưa cuộc sống mình đi lên. Còn ở Việt Nam, dù cũng có, nhưng cơ hội không đồng đều.’



Scientists at Los Alamos National Laboratory study nuclear explosions by using 3-D simulations
Ai có ngờ một nhà khoa học đang làm việc cho một phòng thí nghiệm nguyên tử nổi tiếng ở Mỹ xuất thân là một người đạp xích lô ở bến xe Tuy Hòa. Điều kỳ diệu ấy đã xảy ra đối với Tiến sĩ Võ Tá Đức thì cũng có thể xảy ra với các bạn, nhất là các bạn trẻ nghèo khó tại Việt Nam, nếu các bạn quyết tâm phấn đấu, cần cù chịu khó học tập để thay đổi số phận của mình.
Tiến sĩ Đức:‘Một thông điệp tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam, nhất là các bạn nghèo, rằng nếu có ý chí sẽ vượt qua được những khó khăn. Nếu các bạn chịu khó đặt một mục đích nào đó cho tương lai, cho cuộc sống của mình và ráng sống theo mục đích đó, thì sẽ thành công.’
Cùng với thông điệp của tiến sĩ Đức, Tạp chí Thanh Niên xin chúc các bạn thành công và luôn sẵn sàng giới thiệu câu chuyện thành công của các bạn với quý thính giả của đài VOA ở khắp nơi trên thế giới.(Theo http://baomai.blogspot.com/2013/09/hai-cau-be-ban-thuoc-la-dao-va-ap-xich.html) Đây là 2 ví dụ cụ thể cho thấy người Việt hải ngoại không phải ngu dốt, ấu trĩ như nhà báo trong nước nghĩ và viết trên FB ! Xin gửi bạn thêm vài link để xho thấy người Việt hải ngoại phấn đấu đi lên bằng khả năng và công sức của chính mình chứ không xài bằng giả, càng không phải đi lên bằng ...đầu gối !

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Trách nhiệm

          

Khi nhìn vào đóa hoa đào có thể ta cho rằng đóa hoa này là do chính cây đào sinh ra, đây là một sự thật nhưng không hoàn toàn đúng. Quan sát kỹ hơn ta sẽ thấy hoa đào còn được làm ra bởi những điều kiện khác như mặt trời, gió, nước, khoáng chất, côn trùng hay rác nữa. Những thứ này tuy không phải là hoa đào, tạm gọi là phi hoa đào, mới nhìn vào tưởng chừng nó không có liên quan gì tới hoa đào, nó và hoa đào tách biệt hoàn toàn, nhưng nếu không có những thứ ấy thì hoa đào không thể có mặt được. Hoa đào tuy được làm ra từ cây đào, nhưng cây đào này và tổ tiên của nó cũng được làm ra từ những thứ không phải là giống đào, cho nên nói chính xác hơn là không có gì là hoa đào cả, chỉ có cái hợp thể được tạo nên từ những điều kiện phi hoa đào thôi. Cái chữ “phi” thật ra cũng không nên có, vì chính nó đã tạo ra một cá thể hoa đào chứ nào phải ai khác.

Đây không phải là vấn đề triết học, mà là một sự thật rất hiển nhiên, chỉ cần trầm tĩnh và nhìn sâu một chút là ta thấy ngay sự thật. Nếu hoa đào biết được sự thật nó cũng chính là lá, là cành, là thân, là rễ của cây đào, mà nó cũng đồng thời là vạn vật bên ngoài đã và đang không ngừng nuôi dưỡng nó thì nó sẽ không bao giờ dám tự hào, kiêu ngạo và sống ích kỷ. Hoa đào chỉ là một tướng trạng đại diện cho tất cả những gì mà tổ tiên của hoa đào và cả vũ trụ này trao tặng, và tướng trạng này chỉ biểu hiện một thời gian rồi lại đổi sang tướng trạng khác. Cho nên hoa đào không chỉ yêu bản thân mình mà còn phải yêu luôn lá, cành, thân, rễ hay vạn vật sống chung quanh nữa. Có lẽ hoa đào đã hiểu rõ điều đó nên xưa nay nó luôn sống hết mình, luôn chịu đựng trận giá rét thấu xương để khi nắng ấm mùa xuân về nó tung ra những đóa hoa tươi thắm và thơm ngát. Nhìn lên cây nào chỗ nào cũng trổ đầy hoa, thật cảm động và khâm phục, nhưng hoa đào không hề coi khinh hay xâm phạm quyền lợi của ai cả. Nó đã sống hết trách nhiệm dễ thương của nó.

Có bao giờ đưa bàn tay lên và ta tự hỏi bàn tay này thực ra là của ai mà có thể làm nên bao điều hay ho như nấu ăn, sửa chữa, cắm hoa, viết lách, hội họa, thiết kế, kinh doanh, nâng đỡ kẻ khác hay tạo nên bao tuyệt tác cho đời? Câu hỏi thật đơn giản nhưng có thể ta đã từng trả lời sai. Ta có thấy trong bàn tay này, ngoài di truyền ra, ta còn được đón nhận tất cả những tài năng và đức hạnh của thế hệ phía trước mà gần gũi nhất là cha mẹ của ta? Khi nấu một tô canh chua thì ta phải biết rằng cả tổ tiên cùng nấu chung với chúng ta, vì nếu không có sự khám phá và trải nghiệm của tổ tiên thì sức mấy ta biết nấu được một tô canh chua ngon như vậy, mà thậm chí ta cũng không biết thế nào là canh chua, danh từ canh chua cũng không có. Sự thật là tổ tiên không chỉ có mặt trong ta qua từng tế bào, mà còn trong từng nhận thức và nếp sống nữa. Dù muốn dù không thì ta cũng phải nhìn nhận sự thật ấy chứ không thể chối cải hay loại trừ được, vì họ cũng chính là ta kia mà.

Thân phận của ta cũng không khác mấy với hoa đào. Ta cũng chính là sự tiếp nối của tổ tiên huyết thống và cả tổ tiên tâm linh, là tướng trạng đại diện chứ không phải riêng biệt. Điều duy nhất khiến ta có chút khác biệt với họ là ta đã có công tổng hợp tất cả những yếu tố trao truyền ấy lại thành một chỉnh thể mới để thể hiện một đời sống mới với một sứ mệnh mới. Và như thế ta phải vay mượn thêm những điều kiện khác nữa trong thực tại thì ta mới có thể làm công tác tổng hợp ấy được. Những điều kiện đó chính là thiên nhiên, là những gì mà hoa đào đã từng vay mượn, nghĩa là ta không ngừng giao thoa và chịu tác động của muôn người, muôn loài. Ngoài ra ta còn nương tựa vào nhiều thứ khác nữa như kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, tôn giáo…thì ta mới có thể trở thành một con người hiểu biết và tài giỏi như hôm nay. Càng nhìn lại mình sâu sắc ta càng thấy mình cũng như muôn loài, cũng được làm ra từ những cái không phải ta, bởi sự thật ta chính là vô ngã (non self). Cho nên khi xưng ta hay nhìn vào những tác phẩm của ta thì ta phải hiểu rằng nó vốn là hợp thể, là thành phẩm chung, không có cái gì để gọi là riêng biệt cả.

Không cần nhờ triết học hay tôn giáo thì ta mới khám phá ra sự thật này vì nó rất rõ ràng. Tổ tiên ta ngày xưa nhờ có nhiều cơ hội nhìn lại mình, ít chạy theo ngoại cảnh, nên dễ dàng thấy rõ nguyên tắc tương tức nhau để tồn tại, vì vậy họ luôn thực tập thương yêu kẻ khác cũng như thương yêu chính bản thân mình. Đó không phải là vấn đề cao thượng hay từ bi gì cả, mà đó là thái độ sống đúng đắn, phù hợp với sự vận hành của vũ trụ. Sống như vậy là sống có hiểu biết, sống có bình an và hạnh phúc. Ta bây giờ luôn tự cho mình là văn minh, có đủ loại bằng cấp, mà lại không thấy hoặc không chấp nhận nổi sự thật ấy, nên ta cứ lao mình theo chủ nghĩa cá nhân để ra sức tích góp mọi quyền lợi để phục vụ cái ta cho là riêng biệt của mình, đôi khi ta còn xâm lấn của kẻ khác, vơ vét tài sản chung và gây thương hại đến môi trường chung quanh mà rốt cuộc ta vẫn là kẻ khổ đau.

Chưa bao giờ hai chữ “trách nhiệm” được nhắc nhở nhiều như bây giờ, mặc cho báo đài cứ kêu ca mỗi ngày nhưng dường như nó không lay động nổi nhận thức và trái tim lãnh cảm của con người với những cái được gọi là của chung. Sự thực dụng đến mức thô thiển khiến người ta không những không muốn chịu trách nhiệm cho những cái mình đang cùng thừa hưởng mà còn góp phần tàn phá. Họ tưởng rằng chỉ có tiền bạc, quyền hành hay tình yêu mới là cái quan trọng nhất, nhưng thử lấy nước hay không khí ra khỏi thì họ có còn sống để đeo đuổi những thứ kia nữa không? Nên nhớ kinh tế cũng chính là phi kinh tế, kinh tế không thể có mặt và đứng vững khi những lĩnh vực khác chao đảo hay hư hoại. Tình yêu cũng vô ngã, cũng đứng trên những thứ phi tình yêu mà hợp thành, nghĩa là không có cái gọi là tình yêu nếu nó muốn đứng riêng. Vậy mà khi yêu nhau cũng như khi làm kinh tế, người ta lại sẵn sàng gạt bỏ những liên hệ và điều kiện mật thiết chung quanh, quên hết bổn phận trách nhiệm, sống theo cái tôi nông nổi nhất thời, thì đừng hỏi tại sao yêu là khổ hay làm ăn cứ thất bại hoài, vì ngay từ vạch xuất phát đã sai lầm rồi.

Sự bùng nổ kinh tế thị trường đã đánh thức lòng tham vốn bị thuần phục bởi đạo đức suốt mấy nghìn năm qua để giữ gìn phẩm chất cao đẹp mà vũ trụ đã trao tặng cho con người. Khi bị cảm xúc thỏa mãn khống chế người ta cứ nhắm mắt lao vào tranh giành quyền lợi, không còn quan trọng đến những giá trị mà tổ tiên ta đã từng cố gắng tạo dựng và giữ gìn. Bây giờ phần lớn người ta sống trong tình trạng bất an không phải vì thiếu ăn thiếu mặc mà vì muốn có đủ thứ tiện nghi như kẻ khác, làm như thể nếu không giàu có thì không thể sống hay hạnh phúc được. Vì lẽ đó hễ cái nào có thể đem tới quyền lợi trước mắt thì người ta chụp bắt ngay, bất chấp đó là phương tiện gì. Đến khi gặp phải những tai nạn rủi ro thì người ta lại than trời trách đất sao chẳng công bằng, mà họ không hề biết rằng chính lối sống hưởng thụ ích kỷ và thiếu trách nhiệm đã khiến họ không còn năng lượng dự trữ để ứng phó với những bất trắc vốn dĩ rất tự nhiên của đời sống, và một sự thật khác là chính vũ trụ đã hồi đáp lại những gì mà họ đã không dễ thương với vũ trụ trước nay.

Vũ trụ không phải là đấng quyền năng thượng đế, đó là qui luật vận hành rất tự nhiên của vạn vật, cá thể nào gây nhân thì cá thể đó phải gặt quả. Nhiều khi “cha ăn mặn mà con lại khát nước” mới ngậm ngùi vì con cũng là sự tiếp nối của cha, cha với con bản chất vốn là một. Cho nên ta đừng hòng thoát khỏi bàn tay vũ trụ khi ta vẫn còn trú ẩn trong vũ trụ này, nếu ta không muốn chịu tai ương hay con cháu uất hận mình đã để chúng chịu hậu quả xấu xa thì hãy ngưng ngay lối sống vô trách nhiệm của mình. Vũ trụ vốn rất công bằng, nhiều khi mình cướp đoạt tài sản hay tranh giành địa vị của kẻ khác nhưng vũ trụ lại rút năng lượng của mình ở dạng tình cảm hay sức khỏe hoặc có khi sinh mệnh cũng không chừng. Ngược lại, nếu mình biết bồi đắp cho những cái chung thì vũ trụ sẽ rất biết ơn, sẽ ban tặng cho mình những nguồn năng lượng quý báu bất ngờ.

Vậy nên “trách nhiệm” không phải là sự hy sinh, chịu thiệt thòi mà đó là bổn phận căn bản của mỗi công dân có mặt trong vũ trụ nếu muốn có một đời sống bình an và hạnh phúc. Bởi vì vũ trụ luôn dự trữ sẵn một nguồn năng lượng an lành vĩ đại để hiến tặng, nhưng nếu ta không mở lòng ra để hướng tới những đối tượng khác hay cái chung thì ta không thể kết nối được. Nói dễ cảm nhận hơn thì năng lượng vũ trụ chính là tổng năng lượng của vạn vật hữu tình và vô tình gộp lại, nếu ta phát ra năng lượng nào thì sẽ thu về gấp bội lần năng lượng ấy. Như vậy giữ gìn cái chung cũng chính là giữ gìn cái riêng. Mà thực ra không có cái gì là chung hay riêng cả, chỉ có nhận thức sai lầm con người chia cắt giữa cái tướng trạng biển hiện và cái bản thể ẩn tàng mà thôi. Chính vì vậy mà tổ tiên ta đã từng khuyên “ Có đức mặc sức mà ăn”, đức chính là thái độ biết buông bỏ cái tôi ích kỷ và tham lam của mình để luôn chia sẻ với muôn người và muôn loài thì vũ trụ sẽ nuôi dưỡng ta suốt đời. Ta sẽ trở thành đứa con cưng của vũ trụ. Suy cho cùng trách nhiệm cũng chính là quyền lợi, chỉ là chuyển đổi từ dạng công sức, tài năng hay tiền bạc sang dạng năng lượng khác cao quý hơn mà chính ta không tài nào chế biến nổi.

Có rất nhiều vấn đề đang cần phải kêu cứu nhận thức đúng đắn trở lại của con người như hàng loạt công trình xây dựng bị rút ruột, tình trạng kinh doanh hóa chốn học đường, việc chế tạo các trò chơi điện tử hủy diệt tuổi thơ, sự tham lam đến tàn nhẫn trong việc giả mạo hàng hóa đến thực phẩm, cuộc tranh đua chế tạo vũ khí hạt nhân để lấn chiếm lãnh thổ, hay nhiều vụ tham nhũng dẫn đến kinh tế quốc gia kiệt quệ làm cho dân tình sống cảnh lầm than…Những vấn đề nóng bỏng ấy cần sự nhìn lại và quan tâm đúng mức của chính phủ hay liên hiệp quốc thì mới hy vọng ngăn chặn được. Song, có những tình trạng cũng đang ở mức báo động “đỏ” mà nhiều người trong chúng ta vẫn chưa nhìn thấy nên cứ vô tâm tàn phá khiến hiểm họa đang dần bủa vây khắp nơi trên quả địa cầu, trong khi chính mỗi cá nhân có thể góp phần vào việc thay đổi tình trạng, đó chính là môi sinh.

Môi sinh chính là bà mẹ (mother earth) của chúng ta, là căn nhà (home) của chúng ta, nếu nó có mệnh hệ gì thì chúng ta sẽ lãnh đủ hết. Ta hãy nhìn lại môi trường mình đang sinh sống bằng con mắt tỉnh táo và hiểu biết để thấy rõ tình trạng của nó bây giờ như thế nào.

Vấn đề túi nylon: Chúng ta biết rằng túi nylon được làm ra từ nhựa PVC (polyvinyl chloride) khi đốt cháy sẽ thành chất dioxin rất độc hại, gây khó thở và có thể nôn ra máu, làm giảm khả năng miễn dịch, tạo ra các triệu chứng ung thư hay dị tật bẩm sinh. Dùng túi nylon màu để đựng thực phẩm dễ khiến thực phẩm nhiễm các kim loại như chì, cadimin góp phần làm bại não và gây ung thư phổi. Túi nylon khi bị vứt xuống cống sẽ làm tắt nghẽn các hệ thống thoát nước, tạo điều kiện cho muỗi và các dịch bệnh phát sinh. Nếu nó lẫn trong đất thì cỏ không mọc nổi và dẫn đến sự xói mòn các vùng đồi núi.

Ở Wales, miền tây nam nước Anh, mỗi năm người ta vứt khoảng 480 triệu túi nylon và loại này phải mất cả nghìn năm mới tự phân hủy được. Cho nên chính quyền Wales đã tuyên bố thực tập giới hạn sử dụng túi nylon vào năm 2011, họ sẽ đánh thuế 15 xu nếu dùng túi nylon để đựng những thứ mà họ mua sắm. Số tiền này sẽ dành cho các dự án bảo vệ môi trường. Trong khi ở Ireland (Ái Nhĩ Lan) đã áp dụng từ năm 2002, cũng 15 xu cho 1 túi nylon, và họ đã thu được 109 triệu bảng (khoảng 153 triệu đô la Mỹ). Số lượng túi nylon được sử dụng từ đó giảm đến 90% và chi phí xử lý rác cũng xuống thấp rõ rệt. Còn ở Sài Gòn cứ mỗi một ngày tiêu thụ khoảng 5 triệu túi nylon, tương đương với 35 tấn, chủ yếu ở các siêu thị vì dân ta đang rat thích lối đựng hàng tiện nghi này mà không ngờ phía sau sự tiện nghi ấy là một thành phố “ô nhiễm trắng” đang kêu cứu.

Ở bên Đức, Pháp và Hòa Lan đang tiến hành sử dụng túi sản xuất từ tinh bột khoai tây hay giấy mà tự nó có thể phân hủy sau 3 tháng. Ở Việt Nam ngày xưa, ông bà ta dùng lá sen, lá chuối để gói hàng hay xách giỏ đi chợ mà vẫn có thể sống an toàn và vững chãi. Hình ảnh ấy tuy thô sơ nhưng nói lên nếp sống rất sâu sắc và văn minh của ông bà ta. Đã đến lúc ta cần quay về học lại nếp sống đẹp của truyền thống, bớt chạy theo lối tiện nghi xa xỉ, ta hãy cùng nhau thực tập chỉ dùng túi vải, túi mây hoặc bất cứ loại nào không gây nhiễm độc cho môi sinh để đựng hàng hóa khi đi chợ. Đừng đợi chính phủ lên tiếng cảnh báo hay phạt tiền rồi ta mới chịu làm, như thế sẽ quá muộn để cứu lấy hành tinh xanh này.

Vấn đề giấy: Chúng ta biết rằng rừng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tồn vong của chúng ta. Nhờ có tán lá xòe rộng mà nước mưa không xối thẳng xuống mặt đất nên lớp đất trên mặt khó bị rửa trôi theo nước mưa và nắng cũng không đốt cháy mặt đất. Rừng không chỉ bảo vệ đất mà còn làm tăng độ màu mỡ cho đất, là nơi dự trữ nguồn nước để các sinh vật sống trong đất và cũng vừa chảy chậm về nuôi các con sông trong thời gian không mưa. Do vậy những vùng có rừng che phủ sẽ giảm bớt hạn hán. Không những vậy rừng còn có chức năng làm cho các cơn lũ xuất hiện chậm hơn và giảm mức đột ngột. Và điều quan trọng hơn hết là rừng đã hấp thụ khí thải CO2 (carbon dioxide) từ khói xe và nhà máy để nhả ra dưỡng khí O2 (oxy) cung cấp cho lá phổi con người. Có thể nói rừng chính là lá phổi mẹ của chúng ta, nhưng chúng ta đã làm gì để giữ gìn lá phổi vĩ đại ấy?

Một trong những lý do khiến hàng vạn khu rừng liên tục ngã xuống đó là việc sản xuất giấy. Cứ 1 tấn giấy thành phẩm thì phải cần có 5m3 gỗ và 100m2 nước. Đối với những loại giấy bao bì phải mất ít nhất 400 năm nó mới tự phân hủy. Nhưng nếu tái chế thì mỗi tấn giấy ta có thể tiết kiệm 32m3 nước vừa đủ cung cấp cho 3.000 toilet công cộng và 4.200 kwh năng lượng điện. Cho nên sẽ không có gì sai khi phát biểu rằng nếu rừng ngã thì ta cũng sẽ ngã theo (forest falls we fall). Nhưng ta và con cháu của ta không thể ngã xuống chỉ vì lối sống thiếu tỉnh thức và nông cạn của mình. Vậy nên từ bây giờ trở đi, ta hãy thực tập với nhau sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng khăn giấy, thay vào đó ta dùng trở lại khăn vải để chùi miệng hay khăn lông để lau tay. Ngay cả chén hay ly giấy, ta chỉ dùng trong trường hợp bất khả kháng, chứ không xem đó là cách tiện lợi thỏa đáng.

Sử dụng lại cách cũ tuy hơi mất công một chút nhưng nó vừa đối trị thói quen dễ dãi lười biếng của ta, vừa giúp ta không trở thành thủ phạm gián tiếp tiếp tục hủy diệt vô số cánh rừng xanh tươi. Đối với giấy sử dụng trong việc học tập hay văn phòng cũng nên tận dụng hết mức, ít nhất là phải xài hết hai mặt rồi mới bỏ đi. Cách nay chừng vài thập niên thôi, ta đã từng biết gom lại những quyển tập niên học cũ làm “kế hoạch nhỏ” để có tiền mua tập cho niên học sau. Thời ấy, ai làm diều bằng giấy tập được xem là hạng sang. Kinh tế phát triển đã làm cho ta có đầy đủ mọi thứ nhưng cũng chính từ ấy ta trở nên phung phí, quên đi rất nhiều nguyên tắc sống căn bản để giữ gìn sức khoẻ và thăng hoa tâm hồn.

Vấn đề nguồn nước: Chúng ta biết rằng khi rừng ngã xuống hay không khí bị nhiễm độc thì cũng đồng nghĩa là nguồn nước sạch đã dần cạn kiệt. Hiện nay có khoảng 1/6 dân số thế giới không được dùng nước sạch, và hằng năm có hơn 2 triệu người mà phần lớn là trẻ em chết vì khát hay vì các chứng bệnh liên quan tới nguồn nước. Thật ra trong 30 năm qua nhu cầu nguồn nước sạch của con người đã vượt qua khả năng cung cấp, trong khi một số ít quốc gia đang cố gắng lập ra những nhà máy lọc nước mặn thì đa phần còn lại tiếp tục phun thuốc trừ sâu loại độc hại, tuôn chất thải từ kỹ nghệ chăn nuôi hay tiêu xài một cách lãng phí. Các hiệp hội bảo vệ môi trường trên thế giới dự báo chừng khoảng 50 năm nữa con người của cả địa cầu này phải chịu cảnh hạn hán kinh niên và đi hứng từng giọt nước để uống nếu cứ đà lãng phí hay làm ô nhiễm như hiện nay.

Chúng ta chắc không quên mình đã từng sống qua những giai đoạn thiếu thốn nguồn nước, phải thức hôm thức khuya để hứng từng xô nước từ giếng làng về xài cho sinh hoạt cả gia đình trong ngày, và bây giờ thảm cảnh ấy vẫn còn đang tiếp diễn ở Châu Phi, hay một vài khu vực ở Châu Á và trong tương lai sẽ là toàn cầu. Khi ấy chúng ta có thật nhiều tiền cũng không thể nào mua được nước, nước đã bị nhiễm ô và từ giã ta ra đi xa rồi. Mặc dù hiện nay tại một số nơi nước đang nằm trong quyền quản lý của một vài tập đoàn kinh doanh và nó đã trở thành mặt hàng đắt đỏ đứng sau điện và xăng dầu, nghĩa là người nghèo là không được phép dùng nước sạch, trong khi nguồn nước là tài sản của thiên nhiên, ai cũng có quyền sử dụng nhưng không ai có tư cách làm ô nhiễm hay tranh giành làm của riêng. Chúng ta không muốn thảm cảnh ấy lặp lại một lần nữa với mình và con cháu mình, vậy thì ngay bây giờ vẫn chưa muộn nếu ta quyết tâm tiết kiệm nước.

Mỗi khi đánh răng ta hãy nhớ tắt ngay vòi nước, vì trong 2 phút vô tâm ấy ta đã phung phí hàng chục lít nước sạch có thể cứu sống vài trẻ em đang chết khát trên thế giới. Khi rửa chén ta cũng nên rửa trong thau, đừng vì cái chén mà ta xả nước ồ ạt, dù ta có tiền để trả mỗi tháng. Chỗ hao phí nước nhiều nhất trong sinh hoạt hằng ngày chính là trong nhà tắm. Kể từ bây giờ ta nên cùng nhau thực tập giới hạn trở lại dùng vòi sen, thay vào đó ta hứng nước vào xô để tắm. Cách này tuy không tiện lợi nhưng giúp ta dễ dàng ngừng xả nước khi không thật sự cần thiết và biết được mình đã sử dụng bao nhiêu nước. Việc làm này tuy nhỏ nhưng hiệu quả tức thì mà không cần phải có một chính sách ban hành ta mới làm được. Con cháu mai sau không bị khuyết tật bẩm sinh, không bị cằn cỗi hay chết yểu, và còn nhìn thấy màu xanh của hành tinh này sẽ rất biết ơn nếp sống của ta hôm nay.

Vấn đề khói xe: Theo WHO, tổ chức y tế thế giới, mỗi năm có gần 600.000 người tại Châu Á bị chết vì các bệnh thuộc đường hô hấp liên quan tới không khí. Thủ phạm hàng đầu gây ra tình trạng ô nhiễm này là khói xe. Ở Bắc Kinh mỗi ngày có 2,6 triệu xe phun khói lưu hành và nơi đây đã được mệnh danh là thành phố xe hơi. Cứ 5 người Bắc Kinh là có một người sở hữu xe riêng, với số dân 15 triệu nên giao thông ở Bắc Kinh không những trì trệ mà còn đến mức nghẹt thở. Ở HongKong khói xe luôn giăng kín thành phố đến nổi 1/3 số ngày trong năm người ta không thể ngắm các dãy phố hay hải cảng. Và ở Hà Nội mỗi ngày phải hít vào phổi khoảng 100mg bụi PM10 (particulate matter) cực kỳ độc hại, 5.000mg CO và 50mg khí thải khác như NO2, SO2 vì khói xe phong tỏa mù mịt.

Cho nên mỗi khi cầm chìa khóa xe lên ta hãy nên tự hỏi nhiều lần là ta đang định đi đâu đây? Nếu thật sự cần thiết thì ta cứ đi, còn thấy mục đích kia không chính đáng ta hãy can đảm để chiếc chìa khóa xuống, đừng vì chút cảm hứng mà ta lại đi hủy diệt chính lá phổi hay sinh mệnh của mình và muôn loài. Ngoài ra, ta cũng nên dùng những loại xe chạy bằng nhiêu liệu bất hại như điện, hoặc cố gắng sử dụng xe công cộng khi có thể, ta vừa tiết kiệm xăng vừa không góp phần gây ô nhiễm mà cũng vừa tiếp nhận lại tính tương tác giữa mình và mọi người trong cộng đồng đang sinh sống. Đón xe đi chung với nhau là hình ảnh rất đẹp, nó kéo người ta lại gần nhau và phá vỡ phần nào chủ nghĩa cá nhân.

Vấn đề ăn thịt: Chúng ta biết rằng địa cầu đang bị hâm nóng dần và ước tính có thể vài năm tới đây các tảng băng ở Băng Đảo và Tây Nam Cực sẽ tan rã rất nhanh và mực nước biển sẽ dâng cao đột ngột. Nó không những làm ảnh hưởng đến phân nửa dân số thế giới đang sống ven bờ biển, mà còn khiến cho hàng tỉ tấn chất mêtan (CH4) trong lớp băng dày đặt kia vỡ ra, làm cho địa cầu càng nóng lên dữ dội và hàng loạt thảm họa thiên tai sẽ xảy ra như hạn hán, sức nóng gia tăng, sa mạc hóa, đất lún chìm, sông băng rút ngắn, biển chết, loài hoang dã bị tuyệt chủng và sức khỏe con người bị suy sụp trầm trọng.

Thế giới đang báo động tình trạng hiệu ứng nhà kính (the greenhouse effect) và hết sức nỗ lực giảm khí thải trong kỹ nghệ hay giao thông, nhưng phải mất thời gian khá lâu tình trạng mới khả quan vì nó có liên quan tới quyền lợi của nhiều tập đoàn sống trục lợi hay guồng máy chính trị độc tài và tham nhũng. Trong khi ăn chay thuần chất hữu cơ là giải pháp có thể làm ngay nơi mỗi cá nhân và hiệu ứng rất cao trong việc làm nguội địa cầu, vì chăn nuôi đóng góp hơn 50% chất thải mêtan vào bầu khí quyển này. Liên hiệp quốc cho rằng chính việc phá rừng để chăn nuôi đã tiêu phá lá phổi chung nên phải chịu trách nhiệm 20% tất cả khí nhà kính. Ngoài ra chính việc chăn nuôi gia súc lấy thịt tăng nhanh trong những năm gần đây đã khiến cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện. Và có lẽ từ khi con người đắm chìm trong những món ăn cao cấp lấy từ mạng sống của nhiều loài động vật cũng chính lúc con người đánh mất lòng bao dung cao cả của một bậc đàn anh.

Cho nên:

1- Ý thức việc vứt bỏ túi nylon gây nhiễm độc cho bà mẹ thiên nhiên vì phải mất cả nghìn năm nó mới tự phân hủy, con xin nguyện chỉ sử dụng túi vải để đựng hàng hóa khi đi chợ.

2- Ý thức nếu rừng ngã thì con không thể thở và cũng sẽ ngã theo, con xin nguyện chỉ sử dụng chén, ly hay khăn giấy trong những trường hợp không còn cách nào khác hơn.

3- Ý thức nguồn nước thiên nhiên đang dần cạn kiệt và hàng triệu người đang chết khát trên thế giới, con xin nguyện tiết kiệm từng ngụm nước dù khi tắm rửa.

4- Ý thức khói xe gây nhiễm ô không khí, tạo ra những trận mưa axít làm chết rừng, hư hại nguồn nước, con xin nguyện chỉ lái xe vào những mục đích thực sự chính đáng, và sẽ cố gắng dùng xe công cộng khi có thể.

5- Ý thức việc chăn nuôi gia súc lấy thịt gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm, chất thải làm cho địa cầu nóng thêm dẫn đến những thảm họa thiên tai, và con người ngày càng đánh mất lòng từ ái vốn rất cao cả dành cho muôn loài, con xin nguyện ăn chay thường xuyên để góp phần xoa dịu và giữ gìn sinh mạng chung.

Vì tình thương và hiểu biết, thưa bà mẹ thiên nhiên, con xin tự nguyện ký kết năm hiệp ước này. Con ý thức rằng con đang gìn giữ gia tài rất quý báu của tổ tiên và phải có trách nhiệm trao truyền cho con cháu, con không thể để cho tâm hồn chúng nghèo đói mà lạc lõng đi về tương lai. Nếu bàn tay này còn tiếp tục gây ra những năng lượng độc hại có tính chất hủy diệt sinh mạng chung thì con sẽ có tội với các bậc tiền nhân và với vũ trụ. Vì vậy từ nay con xin hứa sẽ giữ bàn tay thật trong sạch để cùng đưa con cháu đi lên.

Giữ bàn tay cho khéo
Tiếp nhận nếp tổ tiên
Trao truyền cho con cháu
Cùng tìm hướng đi lên

Minh Niệm

Nghệ thuật chửi của người Việt



Với lối chửi bóng gió, đầy tính ám chỉ về nội dung và có cấu trúc chặt chẽ, vần điệu về hình thức, người Việt có thể chửi từ giờ này qua giờ khác,ngày này qua ngày khác mà không nhàm chán. Đó là một “ nghệ thuật” độc đáo mà có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có được (?)
(Trần Ngọc Thêm & Tuyết Mai )
 

“ Chỉ vì mất một con gà
Rêu rao bà chửi suốt ba ngày liền
Chỉ sang từ phía láng giềng
Réo từ nội ngoại tổ tiên muôn đời”
(không nhớ tên tác giả)
Hơn 10 năm sống trên đất Hoa Kỳ, vài lần tôi bắt gặp người Việt chửi nhau bằng mồm.( hai người đứng chửi qua lại) Sở dĩ thời gian dài như thế kia mà tôi chỉ hiếm hoi thấy có vài lần. Có lẽ vì tôi ít thường ra chỗ đông người và ít tiếp xúc với đồng hương nên không “ bắt gặp” chăng? Chứ còn chửi nhau trên báo chí tôi thấy hoài. Cũng không lâu lắm, có dạo một số tờ báo ở San Jose chửi nhau như cơm bữa. Tôi không biết lý do tại sao cùng nghề nghiệp mà họ chửi nhau. Có lẽ là họ không ưa nhau về quan điểm (chính trị?) Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này tôi không đề cập đến việc chửi nhau của báo chí, mà chỉ nói đến việc chửi của người đời. Thực ra thì dân tộc nào cũng có chửi, thậm chí có từ lâu đời, chửi tục cũng có và chửi thanh cũng có. Cuộc sống phức tạp vốn nhiều quan hệ nên hay có va chạm, xung đột. Mà đã có xung đột thì cần phải giải quyết. Người ta có thể hòa giải bằng “đối thoại”, song cũng không ít người sử dụng “ đối đầu”. Mà đối đầu “ hiền lành” nhất là “ đấu võ mồm” tức như ông bà ta xưa thường nói là chửi nhau.
Nói đến chửi người Việt Nam nào cũng nghĩ ngay đến hiện tượng vô văn hóa, những câu chửi tục tĩu …; như chỉ bộ phận sinh dục, bài tiết, quan hệ tình dục…. Họ gán cho đối phương là “ họ hàng” của loài vật mà theo họ có những đặc tính xấu, bị xã hội chỉ trích như: bò, chó , heo, rắn rết, giòi bọ, dê ( xồm) …..Một số người ôn tính hơn, họ chỉ hạ thấp đối phương một cách tương đối. Họ hạn chế ở mức độ ví đối phương với những thứ giả người như: bất nhân, ngợm, quỉ quái, yêu tinh…; nêu những khuyết điểm hoặc gán ghép cho đối phương những khuyết điểm vật chất tinh thần xã hội, ví dụ: ( đồ, con, quân, lũ , bọn) què, mù ( đui) …; ngu, ngốc, điên, khùng…; đểu cáng, ác độc, vô luân, bất hiếu…; phản động, lừa đảo, ăn cắp…. Các cách chửi theo lối này hầu hết các dân tộc đều sử dụng và phổ biến trong dân gian. (fuck you, bitch, damn …người Mỹ thường hay xài) Nhưng riêng dân tộc Việt Nam ngoài những “kiểu chửi” phổ thông như vậy, người Việt còn có đặc tính chửi dài, chửi dai như giẻ rách, chửi có bài bản, văn vẻ, vần điệu…. Đôi khi người chửi mạ lỵ, mạt sát, đay nghiến…, sau câu chửi là muốn đối phương “ chết” ngay theo ý của mình.
Thông thường người ta tức lúc nào chửi lúc đó. Người Việt thì không vậy, họ chờ khi thật đông người mới chửi và khi chửi lại cố tình đệm thêm “ới làng trên, xóm dưới” hoặc “ trời cao, đất dày ơi” như kêu gọi mọi người đến nghe hay “ bà con cô bác coi đó….” có tính cách phân chứng.
Khi còn ở Việt Nam ông bạn tôi, Hai Đầu Tém đã kể lại một vụ chửi nhau giữa hai người đàn bà về việc hai đứa trẻ con đánh nhau: “Bà Lan Vồ nắm tay thằng Tí Lù kéo lê sang trước cửa nhà mụ Minh Đốp Chát kêu ơi ới.
-Bà Minh Đốp Chát ơi ra đây mà coi…Thằng con “giời đánh thánh đâm” của bà nó đánh thằng Tí Lù nhà tôi u đầu, vỡ trán bà ra đây đền cho con tôi.
-Cái gì đó; thằng nào con nào “ réo” bà vậy? ( Bà Minh Đốp Chát từ trong nhà bước ra) Thấy bà Minh Đốp chát bà Lan Vồ nhảy lên đong đỏng.
-Bà đền “cơm thuốc “ cho thằng Tí Lù nhà tôi ngay kẻo tôi đi thưa cảnh sát cả nhà bà tù mọt gông đấy.
Bà Minh Đốp Chát đến sờ đầu thằng Tí Lù.
- Có một chút xíu như thế “lày”….mà nhà bà tính nằm vạ hả? Bà chấp đó giỏi đi thưa đi!
- Bà nói cái gì? Con nhà bà đánh con người ta mà còn lên giọng. Thứ đồ xấc xược…đồ mường mán.
- Ê chửi bà đó hả? Hãy cút xéo đi nhé nếu không bà cho một trận nên thân bây giờ.
( Bà Minh Đốp Chát bỏ vào nhà)
- Bà ngon hả, cái thứ nạ dòng, thứ Hà Bá… đeo…. đéo….mầy.”
Không chịu về nhà, bà Lan Vồ đứng trước cửa nhà bà Minh Đốp Chát chửi mãi.Vì chỗ quen biết với chồng bà lúc còn trong quân ngũ, bạn tôi (Hai Đầu Tém) khuyên bà về nhà đừng chửi nữa tránh xô xát sau này, nhưng Lan Vồ không nghe còn quay lại mắng cho ông ta một mách:
“Ông binh bà ấy hả, giời ơi con mụ đó nó vừa gì mà ông binh nó, hay là ông đã... “ quất” nó rồi. Ờ mụ ấy nó góa chồng đó, nó còn ngựa lắm đó. Tôi biết mà! Thảo nào ông cứ rề rà xách con “ chim mồi “ của ông đi tới đi lui khu vực gần nhà con mẽ hoài”.
Định phân bua nhưng thấy vô ích đối với con người đàn bà đang hăng tiết vịt, ăn nói hồ đồ, ông bạn tôi không thèm trả lời. Bình thường người ta khiêm tốn trong cách xưng hô, nhưng ở đây người chửi cố tình làm ngược lại. Truyện Phao của Đỗ Phồn đã tả lại cái cách xưng hô không theo lẽ thông thường như sau:
“Cha bố tiên sư thằng Cò! Cha bố tiên nhân thằng Cốc! Cha họ nội ngoại họ gần xa, họ năm đời giở lên, họ ba đời giở xuống thằng Cò, thằng Cốc! Cha tam đại, tứ đại, ngũ đại mày thằng chủ thằng Cò, thằng Cốc! Cha đứa già đứa trẻ, đứa nhớn đứa bé, đứa mẹ đứa con, đứa đỏ như son, đứa vàng như nghệ, nhà thằng Cò, thằng Cốc, bảo nhau định vỡ nợ của bà.”
Chửi như trong truyện trên không thấy có lời nào tục tĩu, nhưng chúng ta vẫn nhận ngay ra lời chửi. Người chửi đã tự tôn mình lên mức ngang hàng với cha của bố những người đứng đầu trong dòng họ đối phương.
Năm vừa qua, khi đi phân phối Giai phẩm Xuân Quí Mùi báo Saigon USA cho các thân chủ quảng cáo, ký giả Kiến Nâu (1) được xem một vụ chửi nhau té lửa giữa hai vợ chồng trên màn ảnh truyền hình của một trung tâm băng nhạc Việt Nam tại khu thương mại Grand Century Mall thành phố San Jose.
“Vợ, một người đàn bà miền Bắc gốc Hà Đông có thân hình nhỏ nhắn, lưng ong, ngực nở. Anh chồng là một người đàn ông quê Rạch Giá tính chơn chất, thật thà. Bắt đầu câu chuyện chửi nhau: số là gần Tết người vợ đòi về thăm cha mẹ ruột của mình. Anh chồng đồng ý cho đi, nhưng đã ba ngày không thấy vợ trở về bèn điện thoại sang gia đình bên vợ nhưng không nghe ai trả lời cả.
Sáng ngày thứ tư, sau khi đi làm về, anh chồng chạy u đến nhà bố mẹ vơ, nhà đã đóng cửa không một ai trong nhà. Anh chồng bỏ ra về.
Trên đường về nhà chợt thấy vợ mình đứng cạnh và nói chuyện với một vài người đàn ông khác trong một nhà hàng trên đường Tully. Anh chồng đến trước mặt vợ có vẻ bực dọc hỏi:
- Em đi đâu mà mấy bữa nay không về nhà?
- Thì đi qua nhà ba mẹ chứ đi đâu!
- Đi qua ba mẹ mà sao không có trong nhà ba mẹ, anh điện sang nhiều lần không một ai trả lời?
- Ừ, thì không có ai ở nhà làm sao mà trả lời.
- Thôi được rồi ! Tôi hiểu hết rồi.
- Anh hiểu cái gì? Mấy ngày nay em đi du hí, du thực với mấy thằng quỉ này chứ gì?
- Ê anh nói bậy tôi không nhịn à nghen! Tôi không quen với mấy người đó nghen.
- Anh chồng trở nên khó chịu trở giọng:
- Mầy không quen sao tao thấy mầy nói chuyện với bọn nó?
- Ừ, thì người ta hỏi, tôi trả lời chứ câm hay sao. Tôi không muốn anh ghen bóng, ghen gió nghe chưa!
- Bây giờ mầy có về nhà không?
- Tôi không về, tôi phải ở nhà mẹ tôi vài hôm nữa để …
- Không có để có đùn gì hết. Về ngay.
- Ê ra lệnh hả, muốn làm nhục tôi hả? Thôi nghe chưa! Tôi nói là tôi không về bây giờ được.
- Tao biết mầy ngon. Thật ông bà xưa nói không sai:” Đàn bà con mắt có khoai, Liếc chồng thì ít, liếc trai thì nhiều”
- Ối giời đất ơi! Làng nước xuống đây mà nghe này. Tự nhiên cái thằng chồng mắm thối của tôi nó xổ thơ ra. Thối quá, thối quá…
- Đúng rồi tao cho mầy thúi luôn, mầy ngộp thở luôn, té xỉu luôn.“Đàn bà má đỏ hồng hồng,thấy trai thì lấp, thấy chồng thì lơ”.Tao biết rồi, mầy là người đàn bà trắc nết, lẳng lơ….
- Thôi nhé nãy giờ tôi nhịn nhiều rồi nhé. Giữa đám đông không tôn trọng tôi gọi tôi bằng “ mầy” thì tôi cũng chẳng sợ gì gọi anh bằng”thằng”. Ê cái thằng béo, mặt thịt mắt lờ đờ máu bò điên há mõm ra mà nghe bà dạy đây nầy. Nghe chưa! Nghe chưa! Tao bảo mầy câm mầy mà há mõm ra mầy chết liền. Nghe chưa nãy giờ mầy nói nhiều rồi. Mầy không còn tiêu chuẩn nào để mầy nói nữa, giờ để bà nói. Mầy đứng im đó nhé. Nếu có mõi chân thì ngồi xuống mà ngồi xuống không được ngồi trên xe nhé, phải lựa thềm xi măng mà ngồi. Bà dặn như thế bởi vì sáu bẩy lần mầy đã ngồi vào trong bãi “ cức chó” rồi. Mầy nghe bà nói rồi nhớ mà nuốt những lời bà vào trong bụng để nhớ đây này. Bà cho mầy biết nghe chưa,” cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, tự nhiên mầy xổ thơ mầy chửi bà, trong khi mầy đụng ngay đúng cái lò “thơ tiên sư bố” của bà để bà nổi giận đùng đùng lên, có nghĩa là mầy chọc tức bà. Mầy lỡ mầy mở cái lò thơ của bà thì ráng lắng tai mà nghe nghen! Mầy nói mầy học cha, học mẹ mầy lấy tao, tao cũng học cha, học mẹ tao phải lấy mầy thằng khốn nạn kia! “Thầy u khéo đẻ con ra, Đặt vào hũ muối xót xa cả người,”như thế này. (khóc kể lể) Ới cái thằng khốn nạn! Bố mẹ tao thì ham nhà mầy cao, cửa rộng trên núi trên non nên xúi lấy mầy, tưởng rằng bến sạch nước trong ai dè bến lỡ bùn lầy thối um. Mầy coi cái mặt mầy đi nhé, đầu toàn là đá sỏi, người mầy thì mít đặc. Ôi giời làng nước ơi ra đây mà xem nè! “Chồng người ăn gạo thì khôn, Chồng tôi ăn cám ngu hơn con lừa”. Con lừa, con lừa…Thằng lừa…
- Mầy nói gì, tao con Lừa hả? Còn mầy …mầy là con Bò cái.
- Mầy nói cái gì con bò cái; mầy gán tao con bò cái hả? Tao con bò cái còn đỡ. Còn cái thứ cao như voi mà tối ngủ còn đái dầm. Làng nước ơi chồng tôi tối ngủ còn đái dầm.
Mầy im mầy định la lên để làng nước biết tao đái dầm hả?
Tại sao hồi tao - mầy mới cưới nhau mầy bảo đái đi, đái đi cho thơm mền thơm chiếu. Ừ, lần đầu ngửi thấy thơm, lần thứ nhì ngửi thấy khai, còn lần thứ ba đái người ta thấy thối, thối, thối…quá. Tao cho mầy biết cở đái dầm như mầy thì chỉ xứng với mấy con mắm ở vệ đường thôi. Bà cốc cần cái thứ như mầy. Bà đi về nhà mẹ bà đây bà không về nhà mầy nữa.
- Đứng lại. Con bò cái đứng lại. Tao sẽ bóp cổ, bóp……“cái….của mầy.”
- Làng nước ơi ra coi nó đòi vặn họng vợ nó đây này. Bớ làng nước ơi thằng Tỏn nó giết tôi.”
Câu chuyện trên màn ảnh truyền hình vẫn tiếp tục, nhưng vì phải giao báo kịp thời cho quí độc giả và thân chủ quảng cáo, ký giả Kiến Nâu phải bỏ ngang việc theo dõi câu chuyện chửi nhau trên màn hình để làm nhiệm vụ của mình mà lòng không muốn chút nào.
Theo truyền thống thì người Việt không ai có thể chịu được khi bị kẻ khác lôi tên ông bà, cha mẹ ra mình ra chửi. Cho nên người ta cũng không lạ khi thấy trong cuộc sống, trẻ em giấu tên cha mẹ vì sợ các bạn lôi ra chửi.
Hồi còn là Tổng Thư Ký trường Việt Ngữ ở San Francisco, ký giả Kiến Nâu đã bắt gặp một học sinh gái đang ngồi khóc ở một góc sân chơi. Hỏi ra em cho biết, vừa bị một bạn học cùng lớp chửi tên cha mẹ em vì em va chạm vào người bạn ấy trong khi đang chơi trò đuổi bắt với một bạn khác. Nhân dịp này, nhà trường đã có giúp đỡ hai em hòa lại và giải thích cho các em hiểu về việc kêu tên các bậc sanh thành ra chửi là một điều không tốt.
Bà K người cùng khu phố của ký giả Kiến Nâu thường hay gây sự và chửi bới mọi người xung quanh, ai cũng đều ớn lạnh khi nói đến tên bà. Kiến Nâu nghĩ rằng mọi người tránh né đụng chạm với bà không chắc người ta sợ bà vì người ta ghê tởm không thèm “ điếm xỉa” đến mà thôi. (xin nhắc một tí theo lời bác sĩ bà là người bình thường không tâm thần)
Thế rồi “ được đàng chân, lân đàng đầu”. Một ngày nọ không còn người hàng xóm nào để bà gây sự bà bèn lôi đứa cháu nội mới 10 tuổi của bà ra chửi cho đã miệng (vì nín chửi đã lâu) bởi lỗi thằng Đực Cu làm bể bình rượu thuốc của bà. Với giọng Huế đanh đảnh, trầm trầm như đưa câu móc ruột người.
Bà K rủa xả:
- Cái thằng chết dầm, mắt mi đã đui hay sao mà mi không thấy đồ quí của bà. Bình rượu của bà đã cất 18 năm nay, bà ngâm mọi “ của quí “ vào đấy, nở nào mi “té nổ lọt tròng” làm vỡ của bà. Thứ đồ chết tiệt. Mi vào đây, hốt lên cho bà, mi mà hốt không được bà sẽ bắt thằng cha, con mẹ của mi đền vào đấy.
Thằng Đực Cu khóc lớn lên khi bà K lôi cổ nó đánh mấy roi. Tiếng khóc mỗi ngày càng lớn vang trong trưa hè vốn có tập quán im lặng trong khu phố lao động nằm sát nghĩa trang Gò Vấp làm mọi người chú ý. Ông Năm Xích Lô Đạp nhà sát vách chịu không nổi tiếng khóc như cầu cứu của thằng Đực Cu nên “liều” bước sang can thiệp.
- Ô làm răng mà thằng Đực Cu nó khóc thế? Bà K không trả lời ngay câu hỏi của ông Năm, nhưng mắt lườm lườm ngó thẳng vào người ông Năm rồi hỏi gắt.
- Mi qua đây kiếm chuyện hả, mắc mớ gì tới mi mà mi hỏi đon hỏi ren. Bà đánh thằng Cu nhà bà chứ có đánh Cu mi đâu mà đau? Mi vô duyên quá! Về nhà ngủ trưa để lấy sức mà “đạp” nuôi con mụ nhà đi nhé.
- Cái phố này có tí xíu, o đánh cháu khóc như “tru” ai làm răng ngủ được.
- Mi ngủ không được mặc kệ mi chứ mắc mớ gì tới bà.
- Ê, o đừng có nói ngang nghe chưa! Mích lòng đấy! Từ trước đến nay Năm Xích Lô này nhịn o nhiều lắm rồi nghen.
- Giờ thì mi làm răng bà? Cái đồ chuột thúi, rút cống rãnh nhà bà. Đàn ông gì mà tài lai chuyện nhà người ta mà hóa nhà mình. Đồ cú vọ. Tiên sư tổ cha nhà mi.
- Thôi nghen! O chửi ông Năm thì ông Năm phải bẻ răng O thôi. Ông Năm Xích Lô xấn tới định vả vào cái mỏ nhọn quắc của bà K, nhưng vợ ông bà Tám Ú chạy qua can thiệp lôi ông về, đồng lúc có khách gọi xích lô đi Trung Chánh nên chỉ còn bà K đứng chửi lớ ngớ một mình.
Chuyện mất một con gà không phải là chuyện lớn, nhưng nếu tiếp tục mất thì không thể chấp nhận được. Bởi vậy mà phải ra tay để cho kẻ có tính xấu kia từ nay đừng có động đến gia đình “bà” và cách tốt nhất là phải làm đối phương xấu hổ “ đau” trước xóm giềng.
Lời chửi của mụ đàn bà trong tác phẩm “ Bước Đường Cùng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan và sau này do hai nghệ sĩ Hồng Vân và Lê Vũ Cầu biểu diễn qua vỡ kịch “ Mất Gà” cho thấy tính “ chửi dai, chửi dài”, “có vần có điệu” cuả phụ nữ miền Bắc Việt Nam có “nghệ thuật” như thế nào rồi!
“ Làng trên xóm dưới, bên sau bên trước , bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi, thì buông tha thả bỏ nó ra, không tôi chửi cho đới!
Chém cha đứa bắt gà nhà bà ! Chiều hôm qua, bà cho nó ăn hãy còn, mà bây giờ nó bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mầy ra, bà khai quật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ; nó mổ chồng mổ con, mổ cả nhà mày cho mà xem.
Ơi cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh nó rút ruột ra…”
Tuy là rủa xả như vậy nhưng đối phương không thể chửi lại hoặc ra “ võ tay chân” với người chửi vì lời chửi chỉ là những lời cạnh khóe, bóng gió, chả ai dại gì mà ra mặt. Việc chửi tuy không nêu đích danh nhưng nhờ một số chi tiết ám chỉ nên vẫn đạt được mục đích là làm cho đối phương mất mặt trước mọi người và hả cơn giận trong lòng.
Theo kinh nghiệm của các vị trưởng lão 3 miền ( Bắc , Trung, Nam) thì người Việt sống phía Bắc Việt Nam thường khi chửi có nhiều đặc tính: dài, dai, văn vẻ, vần điệu mang đầy tính ám thị và quyết liệt. Người Việt sống khúc giữa dãi hình cong chữ S cũng thế, lối chửi không khác gì mấy đối với các đồng bào miền Bắc đôi khi còn có tính cách “ đay nghiến”, chua chát. Riêng người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long ít hay có lối chửi ám thị. Họ chơn chất nói điều gì là nói thẳng “toạc móng heo”,nên khi tức giận “chửi” họ vẫn còn mang âm hưởng thật thà.
Thứ Bảy ngày 18- 06-2003,tại một bãi đậu xe trên đường Senter ký giả Kiến Nâu chứng kiến hai người đàn bà “đấu võ mồm” với nhau. Một người độ tuổi trung niên hơi mập đi chiếc xe Lexus màu trắng; bà còn lại gầy hơn có vẻ son phấn đi chiếc Mercedes màu đen. Kiến Nâu không biết nguyên nhân vụ chửi nhau, nhưng thấy bà “mập” la lớn và hùng hổ.
- Tôi cho chị biết, chị mà không nhìn nhận việc làm trầy chiếc xe của tôi, tôi sẽ gọi cảnh sát. Người đàn bà gầy:
- Chị nói ai làm trầy xe của chị? Chị vu oan giá họa cho tôi, chị kêu cảnh sát thì cứ kêu đi. Thứ đồ cà chớn.
- Chị nói ai cà chớn?
Tôi nói chị đó. Thưở đời nay, xe bị ai làm trầy trụa lại đi đổ thừa cho tôi.
- Người ta thấy chị…
- Thấy làm sao? Cái thứ ba trợn ba trạo, ĐM lãi nhãi một hồi nữa tao cho mấy thằng em tao nó “ lắp chim” bây giờ.
- Được rồi tao không tranh cãi với mầy nữa, tao đi một vòng trở lại mầy sẽ biết tay tao. Đồ như cây tăm, xương xẩu lòi ra cả chó cũng không gặm xác mà còn làm tàng.
Không chắc là người miền Nam không có những tính văn vẻ và dai dẳng trong khi chửi, nhưng thấy một điều là khi “lâm chiến chửi” người miền Nam có tính hùng hổ cộc lốc, ngắn ngủn và rồi dễ chấp nhận những gì cảm thấy sai trái khi hiểu ra.
Nhà nghiên cứu văn học trẻ Trần Ngọc Thêm và Tuyết Mai cho rằng:
“ Với lối chửi bóng gió, đầy tính ám chỉ về nội dung và có cấu trúc chặt chẽ, vần điệu về hình thức, người Việt có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không nhàm chán. Đó là một “ nghệ thuật” độc đáo mà có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có được.”
Chú thích:
(1) Ký giả Kiến Nâu tức ký giả Duy Văn Chủ Bút Tuần Báo Đời Mới Magazine San Jose Bắc California.
Hà đình Huy Kết Thúc (END)

Niềm tin

     

Tin đời và tin người

Khi ta đặt niềm tin vào bất cứ một đối tượng nào tức là ta đã công nhận sự có mặt của đối tượng đó là một sự có mặt mầu nhiệm, có thể đem lại niềm vui sống cho một hay nhiều cá thể trong xã hội. Dù giữa ta và đối tượng đó không có mối liên hệ mật thiết nào, dù đối tượng đó không trực tiếp đem tới cho ta một quyền lợi thiết thực nào, nhưng một khi ta gửi đi một niềm tin là ta đã bồi dưỡng thêm cho mình khả năng chấp nhận, lòng quý trọng và tính khiêm hạ. Đó là những chất liệu quý giá giúp ta tồn tại một cách hòa điệu và đầy tình thương với cuộc đời, đứng vững giữa cuộc đời.

Càng tin vào nhiều đối tượng thì ta càng bớt đi khuynh hướng xem mình là cái tôi biệt lập, thấy được đời sống của mình luôn chịu ảnh hưởng qua lại với mọi người và mọi loài. Tại vì trong niềm tin tự nó đã gạt bỏ đi tính nghi ngờ, kỳ thị và thù hận rồi. Niềm tin sẽ tiếp sức cho ta vượt qua những đoạn đường đời chông chênh, sẽ giúp ta mau chóng tươi tỉnh khi ta trở thành kẻ chiến bại với những bóng ma trong lòng mình. Niềm tin chính là lẽ sống của con người, không có niềm tin con người sẽ cằn cỗi và khô héo.

Nhiều khi niềm tin trong ta cũng bị thương tổn vì những đổi thay quá khắt nghiệt của cuộc đời. Mới có đó rồi lại mất, mới thành đó rồi lại bại, mới đến đó rồi lại đi…Nhưng một chiếc lá lìa cành thì không có nghĩa là chiếc lá đó đã chết, chiếc lá chỉ ngưng biểu hiện ở hình dáng đó một thời gian, để rồi vài tháng sau chiếc lá sẽ trở thành chất mùn trong đất, tiếp tục nuôi dưỡng thân cây, cùng với cây để cho ra những chiếc lá xanh mơn mởn trong mùa xuân tới. Sự thật chiếc lá không bao giờ chết, nhưng chiếc lá cũng cần nghỉ ngơi sau một thời gian sống hết mình với cuộc đời. Ta hãy mỉm cười và chúc mừng chiếc lá bước vào cuộc hành trình mới với hình thức mới và trách nhiệm mới.

Mọi biến động xảy ra trong trời đất này đều có lý do và nguyên tắc của nó, ta không thể muốn mọi thứ tùy thuận theo ý mình, ta không thể muốn cuộc đời đứng yên mãi đó để cho ta nương tựa. Nhưng nếu không có vô thường thì tuyết không thể tan, mặt trời không thể mọc, nụ hoa không thể nở, em bé không thể lớn thành thiếu nữ và khổ đau sẽ không bao giờ chấm dứt được. Mọi thứ nếu đứng yên mãi thì đâu còn là một cõi sống nữa. Huống chi những đổi thay cần thiết ấy sẽ làm cho ta trở nên ý thức sâu sắc hơn về những giá trị hạnh phúc mà mình đang có, sẽ làm cho khả năng chịu đựng trong ta lớn mạnh.

Khi ta gửi cho đời một niềm tin thì đời sẽ gửi lại cho ta một niềm tin. Cuộc đời sẽ mầu nhiệm biết bao nhiêu nếu ai nấy đều nhìn nhau bằng ánh mắt tin tưởng, ai cũng có khả năng thấy được cái hay cái đẹp của nhau dù nó đang hiện hữu hay đang lẩn khuất ở dạng này dạng khác. Niềm tin luôn dẫn tới tình thương và nuôi dưỡng cho cây tình thương trổ hoa kết trái. Thương yêu mà thiếu tin tưởng nhau, lúc nào cũng sợ người kia sẽ phản bội hay gây tổn hại cho mình thì không còn là thương yêu nữa. Người kia dù có tuyệt vời như thế nào thì cũng sẽ bị thiêu rụi bởi năng lượng thiếu tin tưởng của ta. Cho nên ta hãy luôn tự hỏi mình có đủ đức tin nơi người mình thương chưa, chứ đừng quá lo lắng họ có xứng đáng với mình hay không. Người kia chưa xứng đáng có thể là do niềm tin mà ta dành cho họ còn quá yếu ớt. Người ta không thể sống hay hơn khi những người sống chung quanh mình không xem mình là một đối tượng đáng tin cậy.

Có thể trong quá khứ ta đã từng bị lừa dối, phụ bạc, nên niềm tin trong ta đã bị đông cứng lại như một tảng băng. Đó là một chứng bệnh trầm cảm chứ không phải là lẽ đương nhiên. Một khi ta đã bám chặt kinh nghiệm ấy rồi thì nhìn đâu ta cũng thấy toàn là những kẻ muốn lợi dụng hay hãm hại mình. Điều này thật nguy hiểm, vì lúc nào ta cũng sống trong căng thẳng và sợ hãi. Trong khi cuộc đời có kẻ vầy người khác, dù kẻ ấy có xấu xa thì cũng tuân theo nguyên tắc vô thường nên cũng sẽ có lúc được thay đổi. Nhưng có khi kẻ ấy đã thay đổi rồi mà ta vẫn nhìn họ bằng niềm tin cũ, thì chắc chắn ta sẽ đánh mất họ.

Ta hay có thói quen mỗi khi tin tưởng vào đối tượng nào là ta quẳng vào đối tượng đó những trách nhiệm nặng nề. Nghĩa là đối tượng muốn được ta tin tưởng phải thật sự xứng đáng, phải đem tới quyền lợi cho ta, phải không được đổi thay mà làm tổn hại đến sự nương tựa của ta. Cho nên ta đã biến đối tượng tin tưởng của ta thành nơi dựa dẫm an toàn cho ta. Niềm tin mà có mang theo quyền lợi ích kỷ là một niềm tin không trong sáng, sớm muộn gì nó cũng sẽ bị xói mòn, lụn bại. Tại sao ta phải cần người kia làm cái gì đó cho ta thì ta mới tin tưởng họ, niềm tin có cần nhiều điều kiện mới có thể đứng vững không? Ta tin nhau chỉ vì ta cần nhau. Cần nhau đôi khi chỉ đơn giản vì sự có mặt mầu nhiệm của nhau thôi.

Bây giờ người trẻ hay bày tỏ thái độ ngưỡng mộ nhân vật mà mình yêu thích bằng cách xem đó là “thần tượng” của mình. Họ đến với thần tượng là để tạo thêm sự hứng khởi cho niềm đam mê cháy bỏng của mình, chứ không phải để noi theo tấm gương quý giá của người ấy. Vì vậy khi niềm tin đó đạt tới mức mãnh liệt thì họ sẵn sàng bỏ qua hết những lầm lỗi của thần tượng, thậm chí còn hăng hái bênh vực cho những hành động lầm lỗi ấy mà quên đi lẽ thật hay nguyên tắc đạo đức căn bản của con người. Niềm tin kiểu đó là một thứ cuồng tín, trong đó, thần tượng có thể làm hư tín đồ và tín đồ cũng sẽ làm hư thần tượng.

Đến với một tôn giáo hay chủ thuyết cũng vậy. Người ta luôn có đức tin rất lớn nơi giáo lý mà họ cho đó là những hiểu biết chuẩn xác của những bậc hiền triết, nên ít khi nào người ta dám đặt ra câu hỏi những điều ấy có đích thực là chân lý đúng đắn không, làm sao để áp dụng chúng vào cuộc sống vì có quá nhiều sự khác biệt, hay tại sao ta đã thực hành hết lòng rồi mà vẫn không có sự chuyến hóa tốt đẹp nào, tình trạng vẫn y như cũ. Nếu có khúc mắc như vậy thì ta sẽ bị xem là một kẻ không ngoan đạo, kẻ còn bị bóng tối u mê chế ngự linh hồn, nên ta chỉ biết nhắm mắt đi theo. Để niềm tin đi trước quá xa như vậy mà ta không kịp kiểm chứng hay không dám kiểm chứng thì đó là thái độ mê tín. Vì niềm tin mê muội ta đã vô tình bóp chết niềm tin nơi chính mình. Một khi sự sống của mình để cho kẻ khác điều khiển, dù kẻ ấy là bậc thánh, thì đó không còn là sự sống nữa.

Tin mình

Cho nên ta hãy cẩn thận khi đặt xuống một niềm tin, coi chừng mỗi lần đặt niềm tin xuống là mỗi lần cuộc đời ta chuyển sang một khúc quanh khác, một lối rẽ mà ta hoàn toàn bị động. Nhưng nếu ta quá khó khăn để đặt xuống một niềm tin là ta đã có vấn đề, và đó cũng là một trở ngại lớn trong cuộc sống. Vấn đề là ta đã có đức tin nơi chính bản thân mình chưa? Khi ta đã tìm thấy giá trị hạnh phúc trong chính mình, ta đã khơi dậy được sức mạnh trong tâm hồn để sẵn sàng ứng phó mọi hoàn cảnh, thì dù đối tượng kia có như thế nào đi chăng nữa cũng không làm cho niềm tin của ta bị dội lại hay hao mòn.

Để có niềm tự tin thì ta phải thành công nơi chính mình, phải thấy được cái hay cái đẹp trong lòng mình. Điều này phải cần trải qua một quá trình luyện tập khá công phu, với những phương pháp khá thực tiễn, chứ không phải muốn mà được. Ta phải thực tập làm sao để lúc nào cũng giữ được phong thái điềm tĩnh, lúc nào cũng sẵn nụ cười tươi mát trên môi. Ta phải có khả năng làm chủ một cơn cảm xúc, nhận diện và chuyển hóa từng hiện tượng tâm lý bất thiện khi nó trào lên trên ý thức. Ta phải sống sâu sắc trong từng giây phút của đời sống, phải biết sử dụng nó một cách lợi ích cho mình và cho người khác. Ta phải tập buông bỏ lòng tự hào để sẵn sàng hòa nhập mình vào tất cả.

Nếu ta có đời sống nội tâm vững vàng như vậy, thì có đặt niềm tin xuống hay không cũng không còn là vấn đề quan trọng nữa. Hãy cứ tùy thuận hoàn cảnh thích hợp mà ta quyết định, để ta và đối tượng kia khi tin tưởng nhau rồi thì cùng nâng đỡ nhau bay lên một lượt. Niềm tin có khả năng chấp cánh rất mạnh, nếu ta biết dùng nó trong một tâm hồn trong sáng. Càng tin tưởng nhau thì ta lại càng hiểu nhau hơn, càng hiểu nhau thì ta lại càng thương yêu nhau. Cho nên đức tin có hiểu biết luôn dẫn đầu trong mọi thành công.

Tuy nhiên trong thực tế đời sống không phải lúc nào ta cũng đủ chín chắn để đặt xuống một niềm tin, và đủ hiểu biết để đặt niềm tin ở mức độ nào. Nếu sự khôn ngoan không đủ soi sáng thì ta hãy sử dụng tới bản lĩnh của mình. Ta hãy thử một phen cho niềm tin đi trước rồi từ từ ta dõi bước theo sau. Đôi lúc ta cũng nên liều lĩnh một chút để tạo sự sáng tạo và trưởng thành cho đối phương bằng cách cho họ thấy được ta đã thật sự tin họ. Nhưng có khi ta cũng cần thu gọn năng lượng tin tưởng lại một chút để cho đối phương thấy được biên giới của đôi bên mà họ không rơi vào sự ỷ lại hay thiếu nhiệt tâm phấn đấu. Sử dụng niềm tin một cách uyển chuyển như vậy thì ta mới không bị niềm tin biến ta thành kẻ dựa dẫm khi niềm tin thành công và thành kẻ tuyệt vọng khi niềm tin thất bại.

Tin vào chính mình là cội nguồn sinh ra niềm tin vững vàng nơi kẻ khác, tin rằng ai ai cũng có khả năng hiểu biết và thương yêu như mình, vì vậy mà ta quý trọng kẻ khác như quý trọng chính bản thân mình. Đây là đức tin lớn nhất, cao quý nhất của con người. Nếu tin vào chính mình để thấy mình cao hơn kẻ khác, sẵn sàng khinh thường hay đóng bít niềm tin thì đó vẫn là một thứ cuồng tín. Năng lượng cuồng tín đó sẽ hủy diệt tâm từ của ta và xóa sạch những nguồn năng lượng an lành mà đất trời luôn dành tặng cho ta. Mỗi ngày ta hãy gửi niềm tin cho thật nhiều đối tượng, d ù đó là cỏ cây hay đất đá, thì ta sẽ càng cắm rễ vào sự sống. Cuộc đời dù có ra sao, tình đời dù có như thế nào thì ta vẫn vững tin nơi giá trị chân thật của nó luôn bất biến trong trái tim hiểu biết của con người.

Đừng buồn nhìn xơ xác
Đời cần chút đổi thay
Hoa xưa rồi thắm lại
Vườn cũ ngát hương bay.


Minh Niệm

Sức mạnh của ngôn từ




Ryszard Kapuściński


Viết có thay đổi được điều gì không? Có. Tôi tin tưởng sâu sắc vào điều đó. Không có niềm tin ấy tôi đã không biết và không thể viết. Tất nhiên là tôi ý thức được mọi giới hạn về hoàn cảnh, môi trường, lịch sử và thời gian. Chính bởi vì thế nên niềm tin của tôi, mặc dù rất sâu sắc, không phải là một niềm tin tuyệt đối và mù quáng.


Nguyên nhân của những giới hạn là gì? Đó là vì những gì được viết ra rất hiếm khi, chỉ trong những trường hợp đặc biệt, có thể gây ảnh hưởng một cách trực tiếp đến con người và tiến trình lịch sử. Những ảnh hưởng này thường là gián tiếp, thậm chí thoạt nhìn tưởng như là không thấy được. Vì vậy cần có thời gian để chúng đến được với nhận thức của người đọc, thời gian để những nhận thức này thành hình, thay đổi và sau đó ảnh hưởng đến những quyết định, thái độ và hành động của chúng ta.


Để viết có thể thay đổi cái gì đó, điều quyết định không chỉ là các tác giả, mà trước hết là người đọc, người nghe, sự nhạy cảm và lòng tin của họ với ngôn từ, sự sẵn lòng va thiện chí trong việc trả lời và phản ứng đối với chúng. Hoàn cảnh mà ngôn từ được phát đi và đón nhận, bầu không khí xung quanh, xu thế của thời đại và hiện trạng của văn hoá cũng là những yếu tố có ý nghĩa. Các tác giả không có ảnh hưởng gì đáng kể đối với những yếu tố này, trong khi chúng có thể làm giảm hoặc thậm chí cản trở sức mạnh và giá trị của ngôn từ.


Nhưng cho dù có những rào cản và ngăn trở này, tôi vẫn tin chắc rằng viết có thể làm thay đổi mọi thứ, và thay đổi được rất nhiều. Tôi nói dựa trên kinh nghiệm của rất nhiều bạn bè tôi, những người đã mạo hiểm bằng mạng sống của mình, đôi khi thậm chí đã hy sinh cả mạng sống, để bằng nghiệp viết và ngòi bút của mình không chỉ đưa thông tin về những gì đang xảy ra trên thế giới, mà còn bằng những thông tin ấy thay đổi hiện thực, lột trần cái xấu, hàn gắn vết thương và làm cho thế giới này trở nên nhân bản hơn.


Tôi xin đưa ra một trong số rất nhiều ví dụ. Rwanda từ năm 1959 là một đất nước luôn có những cuộc thảm sát bộ lạc và đẳng cấp xảy ra liên tục và có hệ thống mà cả thế giới đã không hề hay biết, vì trong vòng vài chục năm các nhà báo không được phép bước chân vào đất nước này. Bản thân tôi khi còn cư trú tại nước láng giềng Tanzania cũng đã vài lần tìm cách vào mà không được. Cho đến tận năm 1994 các bài viết về những cuộc thảm sát mới đánh thức dư luận quốc tế và từ đó Rwanda - lần đầu tiên trong lịch sử của mình - mới không còn là nơi của những cuộc thanh toán nội bộ hàng loạt và đẫm máu.


Chính việc viết - để lột trần và tố cáo, hay thông thường hơn - để cung cấp thông tin, đã góp phần quan trọng trong việc loại trừ các trại tập trung, lật đổ nhiều chính thể tội ác như chế độ độc tài Pol Pot, Mobutu, Amin hay Duvalier. Và chính bởi những văn bản luôn có thể thay đổi nhiều thứ mà suốt bao thế kỷ chúng là nỗi khiếp sợ của các chính quyền độc tài vốn luôn dùng mọi cách để chống lại. Vì thế mà người ta đốt sách, cưỡng bức lưu vong và tuyên án tử hình với những người cầm bút. Thực chất là chúng ta không thể hình dung được một cuốn sách giáo khoa lịch sử thế giới mà lại không có các chương về ảnh hưởng của văn bản, dưới hình thức truyền đơn, báo chí ngầm và những nhà xuất bản ngoài luồng, đối với tiến trình đấu tranh xã hội và chính trị.


Khi hỏi „Viết có thể thay đổi được gì không?”, chúng ta thường nghĩ đến những thay đổi tích cực và có lợi, đến một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng viết cũng có thể thay đổi thế giới theo chiều hướng tiêu cực, làm tăng cái xấu, lòng hận thù và bạo lực. Đó là khi người ta viết với tinh thần cuồng tín, bài ngoại, với tinh thần của chủ nghĩa chính thống và chủ nghĩa phát xít, ví dụ như cuốn „Mein Kampf” của Hitler.


Tôi nghĩ rằng câu hỏi về mối liên hệ giữa viết và những sự thay đổi, về sự tồn tại và tính chất của mối liên hệ này, là rất quan trọng và luôn mang tính thời sự. Rất tốt là chúng ta đặt ra câu hỏi này ngày hôm nay – khi hiện thực đang đặt ra cho nền văn học những thử thách mới. Câu hỏi này nảy sinh từ nỗi bất an về hiệu quả của những gì chúng ta viết, về bản thân giá trị của việc viết lách. Vì một mặt chúng ta nhìn thấy sự bùng nổ của những sản phẩm viết – sách, báo và tạp chí ngày một nhiều hơn – nhưng đồng thời chúng ta cũng cảm nhận được bao nhiêu cái xấu trên thế giới này và thấy rằng dường như số lượng của những vấn đề và xung đột tăng lên chứ không giảm đi. Do đó mà có chủ nghĩa hoài nghi của nhiều người cầm bút, do đó mà chúng ta ngờ vực, thậm chí không tin vào ý nghĩa của việc viết lách.


Trí óc của con người hiện đại bị ngập trong những cơn lũ của ngôn từ, và điều này làm chúng rất nhanh mất đi giá trị và sức mạnh. Càng ngày người ta càng ít nói với chúng ta mà càng hay làm chúng ta mất phương hướng, mệt mỏi và kiệt sức. Nhưng đáng lẽ ra sự khủng hoảng thừa này không được làm chúng ta nản lòng. Văn học luôn gánh vác trách nhiệm. Từ hàng ngàn năm nay văn học luôn đồng hành với cuộc sống của các thế hệ, thường làm cho nó tốt đẹp hơn, và ngày nay không ai gỡ bỏ trách nhiệm này của văn học. Ngược lại, trong thời kỳ khó khăn mà chúng ta đang sống, nó bắt chúng ta phải nói bằng một niềm tin và sức mạnh đặc biệt, rằng: „Đúng vậy, viết có thể thay đổi điều gì đó trở nên tốt đẹp hơn, mặc dù không nhiều, nhưng chắc chắn là có thể.”


(Bài phát biểu trong Liên hoan văn học quốc tế lần thứ I „Những tiếng nói từ khắp thế giới” tổ chức tại New York vào tháng 4.2005, Thái Linh dịch)

Thời mạt kỉ (Wisława Szymborska)


Thái Linh dịch



Thế kỉ XX của chúng ta lẽ ra phải tốt đẹp hơn các thế kỉ trước.

Nhưng nó không còn kịp chứng tỏ điều này,
chỉ còn vài năm đếm trên đầu ngón tay,
hơi thở thể kỉ gấp gáp,
bước chân thế kỉ liêu xiêu.

Đã xảy ra quá nhiều điều

đáng lẽ không phải xảy ra,
còn điều phải đến
lại không đến.

Lẽ ra phải tiến tới mùa xuân

và hạnh phúc, cùng những điều khác.

Nỗi sợ hãi

phải rời bỏ thung lũng và non xa.
Sự thật phải cán đích trước dối trá.

Đáng lẽ không được diễn ra

một số điều bất hạnh,
ví dụ như chiến tranh
hay nạn đói, vân vân.

Sự bất khả tự vệ của những kẻ bất khả tự vệ,

lòng tin cậy, và những điều tương tự như thế
lẽ ra phải được tôn trọng.

Ai từng muốn hân hưởng thế giới,

đang đứng trước một công việc
bất khả thi.

Trò ngốc nghếch không khôi hài.

Sự minh triết chẳng tươi vui.

Niềm hy vọng, tiếc thay

đã không còn là thiếu nữ,
vân vân và vân vân.

Thượng đế, lẽ ra, rốt cuộc đã phải tin vào con người

thiện hảo và mạnh mẽ,
nhưng thiện hảo và mạnh mẽ
vẫn luôn là hai kẻ khác nhau.

Sống ra sao? - trong thư có người hỏi tôi như thế,

đó chính là người tôi đang định hỏi
y chang.

Một lần nữa và như mọi khi,

như trên cho thấy,
không có câu hỏi nào khẩn thiết hơn
những câu hỏi thơ ngây.




Nguyên tác:




Miał być lepszy od zeszłych nasz XX wiek.

Już tego dowieść nie zdąży,
lata ma policzone,
krok chwiejny,
oddech krótki.


Już zbyt wiele się stało,

co się stać nie miało,
a to, co miało nadejść,
nie nadeszło.


Miało się mieć ku wiośnie

i szczęściu, między innymi.


Strach miał opuścić góry i doliny.

Prawda szybciej od kłamstwa
miała dobiegać do celu.


Miało się kilka nieszczęść

nie przydarzyć już,
na przykład wojna
i głód, i tak dalej.


W poważaniu być miała

bezbronność bezbronnych,
ufność i tym podobne.


Kto chciał cieszyć się światem,

ten staje przed zadaniem
nie do wykonania.


Głupota nie jest śmieszna.

Mądrość nie jest wesoła.


Nadzieja

to już nie jest ta młoda dziewczyna
et cetera, niestety.


Bóg miał nareszcie uwierzyć w człowieka

dobrego i silnego,
ale dobry i silny
to ciągle jeszcze dwóch ludzi.


Jak żyć - spytał mnie w liście ktoś,

kogo ja zamierzałam spytać
o to samo.


Znowu i tak jak zawsze,

co widać poniżej,
nie ma pytań pilniejszych
od pytań naiwnych.

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Thành thật

       

Thành thật với nhau

Con người ngày càng nghiêng về chiều hướng hưởng thụ, luôn đi tìm những cảm xúc tốt từ những tiện nghi vật chất đến sự công nhận của những người chung quanh, nên chẳng còn mấy ai ý thức giữ gìn lòng thành thật. Mặc dù ai cũng biết rằng thành thật là một đức tánh tốt, và ai cũng trông mong người khác thành thật với mình, nhưng một khi bị cuốn vào vòng xoáy tranh chấp bất tận của cuộc sống thì người ta lại thấy lòng thành thật chính là trở ngại căn bản để đi tới sự thành công. Nhiều khi người ta còn dám tuyên bố sống giữa đời sống bây giờ mà cố giữ lòng thành thật thì đó là thái độ sống rất ngây thơ, phải khôn khéo và đầy kỹ xảo trong từng hành động mới là kẻ thức thời và dễ dàng thành đạt.

Thế rồi ta đến với nhau bằng những màn trình diễn rất ngoạn mục, từ những lời nói trau chuốt bóng bẩy đến những hành vi lịch lãm dễ thương, miễn sao thu phục được đối phương thì dù phải nhồi nặn thêm những điều sai với sự thật ta cũng sẵn sàng. Thật khôi hài khi khán giản trung thành nhất chính là người thân yêu nhất của ta. Một ngày nào đó, ta không còn đủ năng lực để diễn xuất nữa thì lớp phấn son kia sẽ rớt xuống, đó cũng chính là lúc niềm tin yêu trong người ấy rơi rụng xuống. Dù ta có cố gắng biện minh bằng tất cả lòng thành khẩn thì cũng không thể nào đưa tâm thức người ấy trở về vị trí cũ, trừ phi người ấy có hiểu biết và tình thương lớn thì mới chấp nhận và mở lòng ra tha thứ. Nhưng vết thương vẫn còn đó, sau này ta có muốn tuyên bố điều gì quan trọng thì người ấy cũng vẫn cứ đề phòng và xét lại, họ không thể dễ dàng trao trọn niềm tin như xưa nữa.

Đành rằng cuộc sống đôi khi cũng cần sự khôn khéo, nhưng chút ít thôi, chỉ nên dùng nó trong những trường hợp đối phương chưa sẵn sàng tiếp nhận sự thật, chứ không phải để tạo thêm lớp phấn son giả tạo cho mình. Song ta phải có trách nhiệm tìm cơ hội để trình bày sự thật trở lại, đừng đợi người kia phát hiện ra thì ta sẽ mang tội danh lừa dối. Một trong những lý do khiến ta có được niềm tin vào cuộc sống là khi mỗi lời mình thốt ra đều được bên kia lắng nghe và tin tưởng. Không gì thoải mái cho bằng được sống chung với những người mà ta không cần phải dò xét hay đối phó bằng bất cứ chiêu thức nào, chỉ nhìn nhau là đã hiểu nhau rồi. Bởi lẽ muốn thương nhau thì phải hiểu nhau, mà muốn hiểu nhau thì phải tin tưởng nhau, mà muốn tin tưởng nhau thì phải thật lòng với nhau.

Thực tế không phải ai cũng biết trân quý lòng thành thật của mình, đó có thể là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng. Vấn đề nằm ở chỗ là làm sao đủ sáng suốt để ta biết thể hiện lòng thành thật của mình một cách đúng đắn, đừng vì vài thất bại nhỏ nhặt trong quá khứ mà ta tập cho mình thói quen luôn che giấu sự thật như một phản xạ tự nhiên, và hình thành như một loại tính nết từ lúc nào mà chính ta cũng không hề hay biết. Rồi một lần nào đó có cơ hội quan sát những đứa trẻ nô đùa, hay những người dân quê trò chuyện huyên thuyên trên những cánh đồng, ta sẽ giật mình thảng thốt khi nhận ra mình đã đi quá xa trên con đường tranh chấp hơn thua để cái tôi hồn nhiên tinh khôi bị lạc mất. Không có cái tôi linh thiêng ấy, ta sẽ luôn nhìn đời nhìn người một cách sai lệch và bất an, rồi đổ thừa cuộc đời này chỉ là những vở tuồng mộng ảo. Mộng ảo là do chính tâm thức điên đảo của con người dệt lên, chứ đó không phải là bản chất của cuộc đời, vì cuộc đời vốn rất tươi đẹp.

Thành thật với chính mình

Không có một nguyên tắc chuẩn xác để giúp ta khi nào phải nên thành thật, hay phải thành thật tới mức nào, bởi quan niệm về giá trị hạnh phúc của mỗi người khác nhau. Nếu ta cho rằng hạnh phúc là khi mình tích góp được thật nhiều tiền bạc hay danh vọng thì chắc chắn ta không thể nào đem lòng thành thật ra như một bảo bối để ứng chiến giữa những cuộc cạnh tranh khốc liệt. Người thấy được hạnh phúc chân thật từ cõi lòng bình yên, buông bỏ bớt những mong cầu hay chống đối không cần thiết chứ không phải là những cảm xúc thỏa mãn trong nhất thời, thì bằng mọi giá họ sẽ bảo vệ tâm hồn mình. Họ thà chấp nhận để cho việc bất thành chứ không để cho tâm mình hư. Tâm hư khó sửa gấp trăm ngàn lần việc hư. Và nếu việc thành mà tâm hư thì họ cũng chẳng hạnh phúc gì.

Nói dễ hiểu hơn là người sống có chiều sâu sẽ luôn ý thức giữ tâm hơn giữ cảnh. Thế nhưng, lắm lúc ta cũng hoang mang đứng trước sự chọn lựa nên giữ gìn lòng thành thật hay bước vào vai diễn để dối gạt đời, vì không phải lúc nào nội lực ta cũng đủ mạnh để phòng ngự sự kích động của những hấp dẫn lực bên ngoài vào hạt giống tham của mình. Cuộc dằn xé rất cam go giữa cảm xúc tốt là trình diễn hay che đậy để đạt được quyền lợi và cảm xúc xấu là phải kiên trì giữ lòng thành thật mà bỏ qua cơ hội hưởng thụ. Trong trường hợp này, người nào có ý chí hướng tới giá trị cao cả của cuộc sống thì sẽ chiến thắng được chính mình. Nhưng thực tế cho thấy không phải lúc nào sử dụng ý chí cũng thành công, ta không thể gắng gượng áp đặt chân lý tốt đẹp vào nhận thức của mình khi nó đang ở một vị trí quá thấp. Cho dù ta đã toàn tâm muốn sống với tâm chân thật thì năng lượng thói quen sống che đậy hay trình diễn cũng có thể đánh gục ý chí như thường.

Muốn làm chủ được bản thân thì ta phải hiểu được chính mình, muốn hiểu được chính mình thì ta không được dùng ý chí để nhồi nặn tâm mình thành ra một sản phẩm tốt đẹp để rồi tự đánh lừa mình. Mình đang giận mà không chịu nhận là mình đang giận, mình ganh tỵ mà cố nghĩ là mình đang phấn đấu thi đua, mình hèn yếu mà lại cho rằng mình đang nhịn nhục. Lý do mình không thấy được chính mình cũng do sự can thiệp quá vội vàng của ý chí. Vì ý chí chính là năng lực hướng tới sự tốt đẹp, nó được làm ra từ những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy, trong khi thực tại là một cái gì đó rất khác với trình độ ý chí. Mà bản thân của ý chí cũng chỉ có thể làm kềm hãm sự phát triển của phiền não chứ không thể nào chuyển hóa trọn vẹn, nên ý chí không những không giúp được trong trường hợp này mà khiến ta đánh giá sai lệch về tâm thức của mình. Ta trở nên chủ quan và sẽ bất ngờ trước những phản ứng vụng về đến tệ lậu của mình mà không hiểu tại sao.

Thế nên nhìn vào tâm thức cũng cần thái độ trung thực, quan sát nó như chính nó đang là chứ đừng bắt ép nó phải như thế này thế kia khi chưa hiểu thấu và đầu tư đúng mức. Cái nhìn thuần khiết ấy trong nhà thiền gọi là trực giác (intuition), cái nhìn chưa đi qua sự nhồi nặn của tâm tưởng, cái nhìn không mang theo thái độ bảo vệ cái tôi của mình, nhìn như mới nhìn lần đầu tiên. Loại trừ được thái độ yêu thích hay ghét bỏ trong khi nhìn vào tâm mình thì chắn chắn ta sẽ thấy rõ chân tướng của nó, thấy rõ nguyên nhân sâu xa nào đã thúc đẩy và tạo nên tâm lý mình đang có. Chỉ cần im lặng và thong thả quan sát như một người ngã lưng lên ghế để xem cuốn phim đang từ từ mở ra thì ta sẽ tháo gỡ được từng mảnh tâm lý từ thô đến tế. Điều này phải cần quá trình luyện tập kiên trì chứ không thể thành công liền được. Tuy nhiên khi ta bắt đầu thành thật với chính mình, chấp nhận những gì mình đang có rồi mới tìm cách để tháo gỡ thay vì phủ nhận hay chống đối, đó là bước tiến cực kỳ quan trọng của công trình chuyển hóa bản thân mình.

Ta đã từng thấy có nhiều người quyết tâm cải thiện mình rất lớn, nhưng trải qua nhiều năm tháng mà họ vẫn không tiến được bước nào, đôi khi còn lui sụt. Nguyên nhân thường thấy nhất là do họ chỉ dùng toàn ý chí, họ không chấp nhận trình độ mình đang có, thậm chí họ còn có thái độ khinh ghét bản thân mình, luôn mặc cảm khi nhìn thấy những năng lượng xấu trong tâm mình. Nhưng đó là kết quả của lối sống thiếu tỉnh thức của chính ta gây ra, ta không thể ra lệnh nó thay đổi liền khi ta chưa thật sự tập luyện cho mình một thói quen mới. Ta cần phải chấp nhận nó, làm hòa với nó để hiểu được nó thì ta mới chuyển hóa nó được. Cũng như khi biết mình bị ung thư thì ta phải học cách chấp nhận nó như một sự thật không thể chối cãi, rồi sau đó mới tìm cách chữa trị, thay vì ta cứ khóc than và tìm cách phủ nhận hay đàn áp nó thì tế bào ung thư sẽ mau chóng phát tán.

Những người được nhân danh là đạo đức hay tu hành lâu năm thường dễ mắc cái bẫy này, họ cứ đem hết sức bình sinh ra để cố gắng trở thành thánh thiện trong khi khoảng cách giữa sự thánh thiện và trình độ của họ đang có là khá xa. Đôi khi chính lòng háo hức tham cầu trở thành thánh thiện đã che khuất tâm thức có thật của họ, họ nhìn vào tâm thức của mình bằng những kinh nghiệm quý báu của những bậc tiền bối mà họ cứ ngỡ đó là trình độ của mình. Họ đang không thể tha thứ một người vì họ còn quá yêu thương bản thân mình mà họ cứ phấn đấu dán vào tâm thức mình nhãn hiệu từ bi. Rốt cuộc bề ngoài tuy đã tha thứ nhưng trong lòng vẫn còn ấm ức. Tiếc thay, một người không từng hiểu biết chân lý lại còn dễ nhìn nhận chính mình hơn là kẻ nhân danh đã hấp thụ chân lý, bởi muốn tới chân lý phải đi bằng đôi chân trải nghiệm chứ không phải bằng cái đầu tưởng tượng. Chân lý có thể làm người ta sống dở chết dở nếu không biết cách nắm bắt nó.

Cố nhiên không phải lúc nào ta cũng có cơ hội để quan sát tâm mình một cách trung thực, vì còn vướng vào dòng chảy của cuộc sống, còn phải tranh đấu để có thêm tiện nghi hưởng thụ, còn phải ứng phó giao tế với mọi người, nên có lúc ta phải dùng đến ý chí để tạm thời vượt qua hoặc che đậy cho người khác không coi thường hay lợi dụng mình. Được cái này phải đành mất cái khác, đó là qui luật tất yếu của cuộc sống. Nhưng nếu ta ý thức được đâu là giá trị hạnh phúc chân thật, đâu là mục đích cao cả của cuộc sống thì ta sẽ giành nhiều cơ hội hơn để sống với tâm chân thật của mình, ta sẵn sàng từ khước những gì làm phương hại đến những hạt giống quý báu trong tâm hồn mình. Bởi ta biết rất rõ những gì được tạo ra trên nền tảng tâm không chân thật sẽ không thể tồn tại lâu bền và sẽ trở thành chướng ngại lớn lao khiến ta không thể đến gần với nhau được.

Cho nên nghệ thuật sống cao cấp nhất không phải là trình độ kỹ xảo uốn nắn tâm mình thành một kiểu mẫu tốt đẹp nào đó mà không có nền tảng của sự chuyển hóa thật sự. Chỉ cần lúc nào cũng thấy rõ tâm mình và hiểu biết nó một cách sâu sắc, kiên trì quan sát nó nhiều lần bằng thái độ nhẹ nhàng và từ tốn thì kết quả tự nhiên sẽ xảy ra. Luyện tập được như vậy thì cơ hội nắm được hạnh phúc sẽ trong tầm tay, ta sẽ không còn than oán cuộc đời có quá nhiều điều phiền toái hay ta không thể nào chiến thắng nổi chính mình. Sống được với tâm hồn nhiên chân thật là hòa điệu với sự vận hành của vũ trụ, là lối sống của bậc trí thức, là ước mơ của bao người đã không tìm thấy giá trị chân thật từ những vở tuồng đầy kịch tính và màu sắc của cuộc đời. Nhạc sĩ Phạm Duy đã thốt lên những lời tâm sự thật cảm động trong bài hát Kỷ niệm: “…Cho tôi lại còn nhiều, cho tôi lại tình yêu, tôi không cần khôn khéo, tôi không đòi bao nhiêu, cho tôi lòng non yếu, dễ khóc dễ tin theo… Cho tôi lại ngày đầu, chưa đi vội về sau, xin đi từ thơ ấu, đi vui và bên nhau…”.

Minh Niệm

Những Đại gia VN từ Đông Âu (6)

Nguyễn Cảnh Sơn(1967 -Chủ tịch HĐQT Eurowindow Holding; Phó Chủ tịch Techcombank)
Quê quán: Thanh Chương, Nghệ An



Doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn Ông Nguyễn Cảnh Sơn khởi nghiệp tại Liên bang Nga năm 1994 với việc thành lập công ty T&M Trans.Năm 2007, Eurowindow Holding được thành lập để quản lý các dự án đầu tư tại Việt Nam của tập đoàn T&M Trans, chủ yếu trong các lĩnh vực bất động sản, VLXD, tài chính... Các công ty thành viên của Eurowindow gồm có: CTCP Cửa sổ nhựa Châu Âu, Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza, CTCP Incentra…

Ông Nguyễn Cảnh Sơn hiện giữ chức Chủ tịch HĐQT của Eurowindow Holding, CTCP Đầu tư T&M Việt Nam; thành viên HĐQT Techcombank.
Ông Sơn hiện còn là chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Ông là Chủ tịch HĐQT Eurowindow Holding; Phó Chủ tịch Teccombank; Chủ tịch HĐQT tập đoàn T & M Trans; Chủ tịch hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Ông nổi tiếng với những công trình dự án Melinh Plaza, Eurowindow, Trung tâm thương mại Incentra rộng 49.000m2 tọa lạc giữa thủ đô Mátxcơva (Nga), với hàng chục dự án đầu tư vào vật liệu xây dựng, tài chính, ngân hàng…Doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn là một trong những doanh nhân trẻ thành đạt (sinh năm 1967) đến từ vùng quê nghèo Xứ Nghệ. Ông cũng tham gia nhiều chương trình từ thiện trên khắp cả nước.
Lê Viết Lam (1969)- Chủ tịch Tập đoàn Sun Group



Ông Lê Viết Lam là một trong những người đã cùng kinh doanh tại Ukraina với ông Phạm Nhật Vượng. Sau đó, ông Lam tách riêng thành lập Sun Group.Sun Group cũng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, với nhiều dự án bất động sản du lịch như Bà Nà Hill, Bà Nà Hills French Village, SunCity Plaza Saigon...
Trịnh Thanh Huy (1970) - Chủ tịch Bất động sản Bình Thiên An



Ông Trịnh Thanh Huy hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty Cổ phần BĐS Bình Thiên An – nổi tiếng với dự án Đảo Kim Cương và Metropolis Thảo Điền tại TP.HCM.Đồng thời ông Huy còn là sáng lập viên CTCP thương mại Đầu tư HB, thực hiện nhiều thương vụ M&A với các công ty như Vinafco, Beton 6, Descon…
Ông Huy từng kinh doanh mỳ ăn liền và thức ăn nhanh tại Nga trong giai đoạn 1994-1999 và Phó Chủ tịch của Tập đoàn Masan trong thời gian từ 1994-2006.
Những đại gia từ xứ Nghệ
Lê Thanh Thản, đại gia đi Roll Royce rít thuốc Lào
Quê quán: Diễn Châu, Nghệ An
Sở hữu 21 khách sạn Mường Thanh từ 2 – 5 sao trên cả nước với giá trị tài sản lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng đại gia Lê Thanh Thản vẫn là một người giản dị về ăn mặc, phong cách dân dã, bình dị. Ông được mọi người đặt biệt danh rất gần gũi, thân thiện là “đại gia điếu cày” bởi ông có thói quen hút thuốc lào dù khi ngồi trên siêu xe Roll Royce trị giá hàng chục tỷ đồng. Ông cũng nổi tiếng với các dự án Đại Thanh, dự án Xa La, dự án VP3 Linh Đàm …với vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Các dự án của đại gia Thản được mọi người tìm đến bởi giá rẻ và đúng tiến độ.



Lê Thanh Thản, đại gia đi Roll Royce rít thuốc Lào Đại gia Thanh Thản còn nổi tiếng với khu bảo tồn động vật hoang dã lớn nhất Việt Nam. Với những loài động vật quý hiểm được bảo tồn và sinh trưởng rất tốt như tê giác châu phi, hươu cao cổ, hổ trắng châu phi, linh dương đầu bò châu Phi..v.v.

Đại gia Thản cũng là người luôn hướng về phúc lợi xã hội, ông tham gia tích cực các hoạt động từ thiện như xây trường học, xây bệnh viện miến phí khám chữa bệnh cho người nghèo…
Doanh nhân Thái Thị Hương
Quê quán: Đô Lương, Nghệ An
Doanh nhân Thái Hương hiện là Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, Chủ tịch HĐQT Công ty sữa TH Milk với doanh thu 2.500 tỷ đồng sau gần 2 năm hoạt động. Không chỉ tham gia vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, doanh nhân Thái Hương còn đầu tư vào các trung tâm thương mại, siêu thị, bất động sản trên cả nước.



Doanh nhân Thái Thị Hương Doanh nhân Thái Hương còn được mọi người biết đến là một trong những doanh nhân hảo tâm. Bà luôn sát cánh với những người nghèo xứ Nghệ

Đại gia Nguyễn Thị Liễu
Quê quán: Hương Sơn, Hà Tĩnh
Là đại gia mới nổi nhưng các hoạt động của đại gia phố núi cũng khiến nhiều người kính nể bởi độ chịu chơi và chịu chi của đại gia Liễu. Đình đám nhất có lẽ là siêu đám cưới ở Việt Nam với kinh phí lên tổ chức lên tới gần 50 tỷ đồng. Đám cưới đã trở thành đêm hội ca nhạc tại thị trấn phố núi Hương Sơn, với sự xuất hiện dàn sao ca nhạc hàng đầu Việt Nam và hải ngoại.



Đại gia Nguyễn Thị Liễu Đại gia Liễu cũng làm giới báo chí “phát sốt” khi đập ngôi nhà 137 tỷ ở mặt phố Nguyễn Du (Hà Nội) để xây lại. Dù xuất thân gia đình nghèo khó, nhưng với quyết tâm và nghị lực, đến nay đại gia Liễu khá hài lòng với khối tài sàn ngàn tỷ của mình bởi các hoạt động kinh doanh xuyên quốc gia tại Lào, Thái Lan, Singapo…

Đại gia Trần Xuân Thạch
Sống thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh.
Ông Trần Xuân Thạch là chủ một doanh nghiệp lớn kinh doanh gỗ tại huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh. Vợ ông là bà Phạm Thị Hiền (SN 1973) hiện trú tại khối 8, thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh.



Đại gia Trần Xuân Thạch Theo bà Hiền, gia đình bà khởi nghiệp ở huyện miền núi Hương Khê bằng nghề lâm sản, còn hiện nay công ty của đôi vợ chồng này mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Cũng theo bà Hiền, gia đình bà có 9 anh chị em thì cả 9 người đều là chủ các doanh nghiệp trên địa bàn.

(Giao Thông Vận Tải)
Xã Đô Thành thuộc huyện Yên Thành, Nghệ An là một trong những xã giàu nhất tỉnh Nghệ An, hiện xã Đô Thành có trên 300 tỷ phú, 2.000 ngôi nhà từ 2-4 tầng, 200 xe ô tô các loại. Có được bộ mặt nông thôn như vậy là nhờ... xuất ngoại.Hiện xã Đô Thành có trên 300 tỷ phú, 2.000 ngôi nhà từ 2-4 tầng, 200 xe ô tô các loại.




Một góc “phố” Đô Thành.

Cả làng xuất ngoại

Đô Thành trước đây là xã nghèo nhất huyện Yên Thành. Cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào cây lúa. Thế nhưng, do vùng đất nhiễm mặn, phèn chua, nắng thì hạn mà mưa thì ngập úng nên thường xuyên xảy ra mất mùa. Người dân cũng xoay xở với nhiều nghề như: Đồng nát, mộc, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng xem ra vẫn chẳng ăn thua. Vào những năm Nhà nước bắt đầu mở cửa giao thương với các nước bên ngoài, người dân nơi đây đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội rủ nhau xuất ngoại làm ăn.
Sau một vài năm ở nước ngoài thấy làm ăn được, nhiều người đã tìm cách đưa anh em, người thân đi để cùng nhau làm giàu. Cứ thế, số con em của Đô Thành mỗi năm đi nước ngoài càng nhiều. Có những gia đình 4 - 5 người đi Đức, Anh, Hàn Quốc... như hộ ông Nguyễn Đức Hòe, ông Trung, ông Sơn, ông Yên, ông Trần Văn Bính...
Ngoài xuất ngoại sang các nước châu Âu, châu Á, hiện nay hơn 500 thanh niên xã Đô Thành còn xuất ngoại sang Lào làm ăn. Anh Nguyễn Hùng đang buôn bán ở Lào cho biết: Sang Lào, người dân chúng tôi chủ yếu làm xây dựng, đi bán hàng rong. Nhiều người đã thành lập công ty rồi đưa các mặt hàng của Việt Nam được người dân Lào ưa thích sang bán, như hàng điện tử, đồ nhựa, đồ nhôm, chăn, ga, gối, đệm... Nói chung thu nhập rất khá.
Ông Hồ Chí Cường - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đô Thành có 3.000 hộ, 8.000 lao động nhưng có tới 2.000 người đi làm việc, buôn bán ở nước ngoài. Nhờ nguồn lao động này mà xã trở nên trù phú, giàu có, đời sống bà con, cơ sở vật chất hạ tầng được nâng lên rõ rệt”.
Phố của vùng lúa
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tới xã Đô Thành là sự giàu có, trên 95% số hộ trong xã có nhà xây mái bằng kiên cố, nhà cao tầng mọc lên san sát; hàng chục chiếc xế hộp láng coóng nối đuôi nhau đậu san sát hai bên đường; trường học, trạm y tế... khang trang sạch đẹp; đường làng được bê tông hoá len lỏi tới từng hộ gia đình. Đô Thành như một "khu phố" sầm uất đang chuyển mình.
Ông Hồ Chí Cường khẳng định: “Có được bộ mặt nông thôn như ngày nay là nhờ... xuất ngoại. Toàn xã hiện có 2.000 nhà 2 tầng trở lên. Xế hộp hạng sang có trên 100 chiếc. Xe làm ăn hơn 100 chiếc. Tính khiêm tốn, bình quân thu nhập đầu người đạt 23 triệu đồng/năm” - ông Cường nói. Nhờ dòng tiền này từ nước ngoài gửi về mà diện mạo Đô Thành đã thay da đổi thịt một cách ngoạn mục. Người dân nơi đây vẫn tếu táo rằng: Cứ sau 1 đêm ngủ dậy sẽ có một biệt thự mới mọc lên trên đất Đô Thành.
Theo Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Nguyễn Tiến Lợi, hiện huyện có hơn 1 vạn người đi xuất khẩu lao động. 2 xã có số người đi lao động nhiều nhất là Sơn Thành 1.750 người và Đô Thành 2.000 người. Từ năm 2005, huyện đã đề nghị tỉnh cho mở dịch vụ gửi tiền từ nước ngoài về ngân hàng nông nghiệp cấp huyện. Mỗi năm, các lao động gửi qua dịch vụ ngân hàng này 13 triệu USD, gửi qua các dịch vụ tư nhân 12 triệu USD, tổng ngoại hối hàng năm là 25 triệu USD.
Quả vậy, ở Đô Thành, hàng ngàn biệt thự sang trọng mọc lên. Có những ngôi biệt thự có giá đầu tư xây dựng lên đến hàng chục tỷ đồng. Đến ngôi biệt thự 4 tầng của ông Hòe ở xóm Phú Vinh, chúng tôi choáng ngợp bởi sự sang trọng và đồ sộ của nó. Theo anh Nguyễn Thắng - chủ thầu xây dựng thì biệt thự của ông Hòe có giá xây dựng không dưới 30 tỷ đồng. Ông Hòe tâm sự: Trước đây, nhà ông cũng nghèo lắm, nhưng nhờ 3 đứa con đi Tây nên mới có cuộc sống khá giả như hôm nay.
Theo khảo sát của chúng tôi, dạng biệt thự “khủng” như hộ nhà ông Hòe, hiện ở Đô Thành cũng có hơn 500 chiếc. Số còn lại cũng từ vài tỷ đồng trở lên. Hiện nay, xã Đô Thành có hơn 300 tỷ phú, nhiều người trong số họ sau nhiều năm làm ăn ở nước ngoài đã trở về thành lập công ty ngay trên chính quê hương, tạo việc làm thường xuyên cho hàng ngàn người lao động trong và ngoài xã, như: Công ty Xây dựng Thành Long, Công ty TNHH Trung Thành, Công ty Xây dựng Tân Phú... Đặc biệt, anh Lê Văn Thịnh đã xây dựng Tổ ấm Thiện Tâm, nuôi dạy hàng trăm trẻ mồ côi lang thang, cơ nhỡ. Ông Hồ Chí Cường phấn khởi: “Sống trong môi trường đủ đầy về vật chất nhưng con em Đô Thành vẫn phát huy đức tính tiết kiệm, cần cù, siêng năng và nuôi ý chí thăng tiến của mình.
Hàng năm, xã nhà tiễn trên dưới ba chục em rời quê vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Tỷ lệ này ngày càng cao dần so với những năm trước.
Tiến Dũng - Hải Hòa Nguồn : Dân Việt