Ryszard Kapuściński
Viết có thay đổi được điều gì không? Có. Tôi tin tưởng sâu sắc vào điều đó. Không có niềm tin ấy tôi đã không biết và không thể viết. Tất nhiên là tôi ý thức được mọi giới hạn về hoàn cảnh, môi trường, lịch sử và thời gian. Chính bởi vì thế nên niềm tin của tôi, mặc dù rất sâu sắc, không phải là một niềm tin tuyệt đối và mù quáng.
Nguyên nhân của những giới hạn là gì? Đó là vì những gì được viết ra rất hiếm khi, chỉ trong những trường hợp đặc biệt, có thể gây ảnh hưởng một cách trực tiếp đến con người và tiến trình lịch sử. Những ảnh hưởng này thường là gián tiếp, thậm chí thoạt nhìn tưởng như là không thấy được. Vì vậy cần có thời gian để chúng đến được với nhận thức của người đọc, thời gian để những nhận thức này thành hình, thay đổi và sau đó ảnh hưởng đến những quyết định, thái độ và hành động của chúng ta.
Để viết có thể thay đổi cái gì đó, điều quyết định không chỉ là các tác giả, mà trước hết là người đọc, người nghe, sự nhạy cảm và lòng tin của họ với ngôn từ, sự sẵn lòng va thiện chí trong việc trả lời và phản ứng đối với chúng. Hoàn cảnh mà ngôn từ được phát đi và đón nhận, bầu không khí xung quanh, xu thế của thời đại và hiện trạng của văn hoá cũng là những yếu tố có ý nghĩa. Các tác giả không có ảnh hưởng gì đáng kể đối với những yếu tố này, trong khi chúng có thể làm giảm hoặc thậm chí cản trở sức mạnh và giá trị của ngôn từ.
Nhưng cho dù có những rào cản và ngăn trở này, tôi vẫn tin chắc rằng viết có thể làm thay đổi mọi thứ, và thay đổi được rất nhiều. Tôi nói dựa trên kinh nghiệm của rất nhiều bạn bè tôi, những người đã mạo hiểm bằng mạng sống của mình, đôi khi thậm chí đã hy sinh cả mạng sống, để bằng nghiệp viết và ngòi bút của mình không chỉ đưa thông tin về những gì đang xảy ra trên thế giới, mà còn bằng những thông tin ấy thay đổi hiện thực, lột trần cái xấu, hàn gắn vết thương và làm cho thế giới này trở nên nhân bản hơn.
Tôi xin đưa ra một trong số rất nhiều ví dụ. Rwanda từ năm 1959 là một đất nước luôn có những cuộc thảm sát bộ lạc và đẳng cấp xảy ra liên tục và có hệ thống mà cả thế giới đã không hề hay biết, vì trong vòng vài chục năm các nhà báo không được phép bước chân vào đất nước này. Bản thân tôi khi còn cư trú tại nước láng giềng Tanzania cũng đã vài lần tìm cách vào mà không được. Cho đến tận năm 1994 các bài viết về những cuộc thảm sát mới đánh thức dư luận quốc tế và từ đó Rwanda - lần đầu tiên trong lịch sử của mình - mới không còn là nơi của những cuộc thanh toán nội bộ hàng loạt và đẫm máu.
Chính việc viết - để lột trần và tố cáo, hay thông thường hơn - để cung cấp thông tin, đã góp phần quan trọng trong việc loại trừ các trại tập trung, lật đổ nhiều chính thể tội ác như chế độ độc tài Pol Pot, Mobutu, Amin hay Duvalier. Và chính bởi những văn bản luôn có thể thay đổi nhiều thứ mà suốt bao thế kỷ chúng là nỗi khiếp sợ của các chính quyền độc tài vốn luôn dùng mọi cách để chống lại. Vì thế mà người ta đốt sách, cưỡng bức lưu vong và tuyên án tử hình với những người cầm bút. Thực chất là chúng ta không thể hình dung được một cuốn sách giáo khoa lịch sử thế giới mà lại không có các chương về ảnh hưởng của văn bản, dưới hình thức truyền đơn, báo chí ngầm và những nhà xuất bản ngoài luồng, đối với tiến trình đấu tranh xã hội và chính trị.
Khi hỏi „Viết có thể thay đổi được gì không?”, chúng ta thường nghĩ đến những thay đổi tích cực và có lợi, đến một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng viết cũng có thể thay đổi thế giới theo chiều hướng tiêu cực, làm tăng cái xấu, lòng hận thù và bạo lực. Đó là khi người ta viết với tinh thần cuồng tín, bài ngoại, với tinh thần của chủ nghĩa chính thống và chủ nghĩa phát xít, ví dụ như cuốn „Mein Kampf” của Hitler.
Tôi nghĩ rằng câu hỏi về mối liên hệ giữa viết và những sự thay đổi, về sự tồn tại và tính chất của mối liên hệ này, là rất quan trọng và luôn mang tính thời sự. Rất tốt là chúng ta đặt ra câu hỏi này ngày hôm nay – khi hiện thực đang đặt ra cho nền văn học những thử thách mới. Câu hỏi này nảy sinh từ nỗi bất an về hiệu quả của những gì chúng ta viết, về bản thân giá trị của việc viết lách. Vì một mặt chúng ta nhìn thấy sự bùng nổ của những sản phẩm viết – sách, báo và tạp chí ngày một nhiều hơn – nhưng đồng thời chúng ta cũng cảm nhận được bao nhiêu cái xấu trên thế giới này và thấy rằng dường như số lượng của những vấn đề và xung đột tăng lên chứ không giảm đi. Do đó mà có chủ nghĩa hoài nghi của nhiều người cầm bút, do đó mà chúng ta ngờ vực, thậm chí không tin vào ý nghĩa của việc viết lách.
Trí óc của con người hiện đại bị ngập trong những cơn lũ của ngôn từ, và điều này làm chúng rất nhanh mất đi giá trị và sức mạnh. Càng ngày người ta càng ít nói với chúng ta mà càng hay làm chúng ta mất phương hướng, mệt mỏi và kiệt sức. Nhưng đáng lẽ ra sự khủng hoảng thừa này không được làm chúng ta nản lòng. Văn học luôn gánh vác trách nhiệm. Từ hàng ngàn năm nay văn học luôn đồng hành với cuộc sống của các thế hệ, thường làm cho nó tốt đẹp hơn, và ngày nay không ai gỡ bỏ trách nhiệm này của văn học. Ngược lại, trong thời kỳ khó khăn mà chúng ta đang sống, nó bắt chúng ta phải nói bằng một niềm tin và sức mạnh đặc biệt, rằng: „Đúng vậy, viết có thể thay đổi điều gì đó trở nên tốt đẹp hơn, mặc dù không nhiều, nhưng chắc chắn là có thể.”
(Bài phát biểu trong Liên hoan văn học quốc tế lần thứ I „Những tiếng nói từ khắp thế giới” tổ chức tại New York vào tháng 4.2005, Thái Linh dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét