Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Nhận diện hoa lá tử thần trong thiên nhiên


Thiên nhiên như một bức tranh đầy sắc màu mà nơi đó mỗi một loài sinh vật là một nét chấm phá cho bức tranh sinh động ấy. Thiên nhiên là một kho tàng kiến thức mà mỗi con người chúng ta ai cũng muốn khám phá, tim hiểu để đem kho tàng kiến thức ấy vào hành trang cuộc sống. Thiên nhiên cũng là một bà mẹ dịu hiền nuôi dưỡng cuộc sống của chúng ta. Nhưng đôi khi bà mẹ thiên nhiên có những lúc nổi giận khiến chúng ta gặp những thảm hoạ khó lường. Như chúng ta đã biết mỗi loài muốn tồn tại đều trang bị cho mình một thứ vũ khí cho riêng mình và được di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chính thứ vũ khi ấy giúp chúng chiến đấu với kẻ thù tự nhiên và có thể vô hại với loài này nhưng rất lợi hại với loài khác. Nhiều khi các loài bị tấn công phải bỏ mạng sống của mình. Các loài độc có thể luôn hiện hữu ở xung quanh cuộc sống của chúng ta mà đôi khi chúng ta không hế biết và ít quan tâm như Rắn độc, Cây độc, Sâu độc, Cá độc ... vv. Cuộc sống đấu tranh sinh tồn khiến cho các loài sinh vật và cả con người chúng ta phải biết tự bảo vệ mình bằng cách này hay cách khác để tồn tại và phát triển. Đó chính là một phần tất yếu của cuộc sống muôn loài trong bức tranh nhiệm màu của thiên nhiên.

Để tránh những hiểm nguy trong môi trường thiên nhiên con người luôn tìm cách nghiên cứu và chia sẻ những kiến thức với nhau để giúp nhau thoát khỏi những hiểm nguy đó và cũng để tồn tại và phát triện. Trong loại bài về nhận biết những hiểm nguy ngoài thiên nhiên này chúng ta cùng nhau tìm hiểu các loài sinh vật có độc tính gây hiểm nguy cho con người.



1. CÂY LÁ NGÓN Gelsemium elegans – thần chết được báo trước


Khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống ở độ cao 200m đến 2000m trên các cánh rừng Việt Nam cũng là lúc loài lá ngón Gelsemium elegans khoe sắc từng chùm hoa vàng rực rỡ. Từng cơn gió nhẹ làm đung đưa những chiếc lá xanh biếc và chỉ cần một chiếc lá mỏng manh hay chùm hoa đẹp đẽ kia chẳng may có cơ hội xâm nhập vào cơ thể các loài máu nóng. Lập tức các độc tính của lá ngón phát tác kiến cho các ancaloit chứa trong toàn bộ cây gây ra các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn… sau đó bị mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết rất nhanh do ngừng hô hấp.Trật tự độc của cây được giảm từ rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Quá trình phân tích các nhà khoa học tìm thấy 17 đơn phân ancaloit đã được chiết ra từ lá ngón như koumin , gelsenicin, gelsamydin, gelsemoxonin, hydroxygelsamydin, trong đó hàm lượng koumin là cao nhất còn độc tính của gelsenicin tính được thử trên chuột là cao nhất.



Vì là một loài cây có hoa rất đẹp và hấp dẫn nên chúng ta thường có thói quen muốn chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm mặc dù rất ít người biết loài cây thần chết này đang rình rập nếu chúng ta vô tình bẻ lá hoặc bẻ cành. Chất độc sẽ dính lên tay chân nơi có các vết thương hoặc vô tình tiếp xúc với đồ ăn, miệng … Để tránh tiếp xúc và khi muốn chụp hình thì cầm nhẹ không ngậm vào miệng, cài hoa lên đầu, tóc ... khi có triệu chứng ngộ độc chúng ta cần phải dùng nước của rau má tươi nguyên cây sau khi rửa sạch và giã nát có thể dùng để giải độc lá ngón, cây rau muống giã nhỏ lấy nước uống,hoặc cho nạn nhân uống nước phân trâu, phân bò để nôn ra độc tố... làm mọi cách để người ăn phải ói ra càng nhiều càng tốt.





Cây lá ngónGelsemium elegans - Ảnh: Phùng Mỹ Trung



2. CÂY SƠN Rhus succedanea – Sơn ăn tuỳ mặt…


Cây sơn có tên khoa học là Rhus succedanea là loài cây được trồng rất phổ biến ở nước ta để lấy nhựa. Cây được trồng nhiều ở vùng Thanh Sơn - Phú Thọ và cũng mọc tự nhiên ở trong rừng nước ta. Đây là một cây có độc và rất nguy hiểm với nhiều người. Cây có chất nhựa, được nhân dân ta chế ra “sơn ta ” để gắn gỗ, làm đồ thủ công mỹ nghệ sơn mài. Chất laccol trong sơn ta kích thích gây dị ứng mạnh đối với da. Có khi chỉ đi ngang qua cây, ngửi thấy hơi sơn, đun củi có lẫn cây sơn... đã bị lở sơn. Người ta vẫn chưa biết loại da nào hay bị lở sơn, loại da nào không bị lở sơn. Trên thực tế thì có người bị lở sơn, còn một số người khác lại không bị. Người dân sống ở vùng trồng cây sơn hoặc sử dụng sơn ta làm sơn mài ít bị lở sơn. Trái lại những người có cơ địa dị ứng có khi chỉ đi ngang qua cây hay ngửi thấy đã bị lở sơn và lở nặng. Khi bị lở ở mặt sưng lớn, tạo các nốt mụn màu đỏ và cảm giác mặt rất nặng nề, bỏng rát, khó chịu.


Chữa lở sơn cần tránh rửa nước lã, tránh gãi hoặc chà xát lên các chỗ da bị tổn thương; có thể dùng lá khế tươi giã nát đắp lên vùng da bị lở; chấm nước chè tươi, nước lá bàng, hoặc nước muối sinh lý (0,9% ) vào tổn thương; dùng lá sen khô, sắc lấy nước đặc rửa chỗ lở sơn ngày 2 - 3 lần; nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn thì chấm thuốc tím pha thật loãng 1/4.000 lên tổn thương và cần dùng thêm kháng sinh toàn thân. Có thể uống các thuốc kháng histamin chống dị ứng, giảm ngứa, giảm đau rát. Cách tốt nhất để không bị “sơn ăn tuỳ mặt…” là tránh tiếp xúc với loài cây này nếu bạn có làn da nhạy cảm với dị ứng.




Cây sơn Rhus succedanea - Ảnh: Phùng Mỹ Trung




3. CÂY SUI (Thuốc bắn) Antiaris toxicaria – Khi mũi tên trúng đích giết chết cả một con bò rừng


Cây Sui Antiaris toxicaria hay ở một số vùng đồng bào gọi là cây Thuốc bắn là loài cây độc tố khủng khiếp nhất ở Việt Nam. Khi nhựa của cây ngấm vào cơ thể người và động vật máu nóng thì cái chết đến nhanh nhất và chết vì vô tình nhất. Từ xa xưa các thợ săn dân tộc ít người ở miền núi đã dùng nhựa của loài cây này để tẩm vào mũi tên (thêm một số phụ gia nữa mà không nêu ra ở đây) để săn thú rừng và chỉ cần 1 phát trúng đích thì ngay cả một con BÒ RỪNG cũng không có cơ hội sống sót chứ không phải là con người. Nếu bị nhựa sui bắn vào mắt sẽ viêm sưng có khi gây mù, nếu nhựa dính vào vết thương hay trên da bị trầy xước lập tức ngộ độc ngay, các triệu chứng rầm rộ và rất nhanh, các cơ giãn ra trong đó có cơ tim, nhịp tim chậm dần và ngừng tim. Người nhão, mềm, mắt nhắm nghiền và mặt xanh tái. Cây sui thường mọc hoang nhất là vùng núi, toàn thân cây sui có nhiều nhựa màu trắng rất độc. Bà con thường dùng nhựa độc để làm đạn tẩm vào tên độc săn bắn thú rừng. Tuy nhiên chăn sui sẽ là một tấm đắp ấm áp đồi với bà con dân tộc ít người trong mùa đông giá lạnh miền bắc nước ta. Nhưng có một điều thú vị là những con thú bị chết vì tên độc này không ảnh hưởng đến sức khỏe con người ăn thịt chúng.


Nếu trong lúc đi rừng các bạn không biết cây này mà chặt làm dấu đường đi hay vô tình nghịch chơi dùng dao đẽo vỏ … bẻ cành … chất nhựa trắng tiết ra dính vào tay chân mà vô tình đụng phải vết thương, bắn vào mắt hay nuốt phải thì ÔI THÔI VĨNH BIỆT ÁNH MẶT TRỜI. Khi bị nhựa cây sui bắn vào mắt hay dây vào vết thương cần nhanh chóng rửa sạch mủ, khẩn trương đưa bệnh nhân đi cấp cứu càng sớm càng tốt để được cấp cứu kịp thời.




Thuốc bắn Antiaris toxicaria - Ảnh: download




4. CÂY NGÓT NGHẺO Gloriosa superba – Nữ hoàng rừng ngập mặn chỉ để ngắm


Không chỉ ở các dãy núi cao mà ở các khu rừng ngập mặn ven biển Việt Nam từ Huế đến Cà Mau cũng phân bố một loài thực vật có hoa đẹp rực rỡ nhưng cũng là loài có độc tính cao. Ngót nghẻo - Gloriosa superba là một loại cây sống lâu, cây thảo có thân leo dài 1 - 2m. Lá hình mũi mác, đầu tận cùng bằng một tua cuộn hình xoắn ốc quấn bám cho thân leo. Trái dạng nang hình chùy dài, chứa nhiều hạt, khi chín có màu đỏ tươi. Mùa hoa vào tháng 5 - 6, mùa quả từ tháng 6 - 8. Toàn cây đều có chứa chất độc colchicin, superbine, glucosine. Độc nhiều nhất ở rễ củ. Chất độc đáng lưu ý có trong cây làcolchicin rất độc, chỉ cần 5mg cho 1kg thể trọng cũng đủ gây chết rất nhanh. Ngộ độc do ăn phải cây ngót nghẻo gây bệnh cảnh cấp tính sau 2 - 6 giờ, đau rát miệng, khát nước sau đó nôn, buồn nôn dữ dội, đau bụng và tiêu chảy, tiêu máu nặng dẫn tới trụy tim mạch, rối loạn tri giác, co giật, suy hô hấp, tiểu máu, thiểu niệu. Diễn tiến xuất huyết, thiếu máu, yếu cơ vào những ngày thứ 2, thứ 3 tiếp theo. Nếu qua khỏi thường bị rụng tóc xảy ra sau 1 - 2 tuần.


Ghi chú: Nếu chúng ta không kiểm soát được độc tính của loài này xin đừng tự dùng chữa bệnh như đã ghi trong bài viết.




Cây Ngót nghẻo - Gloriosa superba - Ảnh: Phùng Mỹ Trung




5. CÂY SỪNG TRÂU - Strophanthus caudatus – Cái chết khi mũi tên trúng đích


Hầu hết các loài thuộc họ Trúc đào Apocynaceae là những loài cây có độc tính vấn đề là nhiều hay ít và có rất nhiều loài cây độc tính thuộc họ này khá phổ biến ở nước ta. Một trong những loài có hoa rất đẹp, quả rất ngộ nghĩnh như chiếc sừng trâu và độc tính của nó thì cũng thuộc loại mạnh không kém một số cây đã nêu trên.


Nhựa cây sừng trâu: Strophanthus caudatus có nhiều độc tính; thường được trộn với nhựa cây Thuốc bắn - Antiaris toxicaria – đã nói ở trên để tẩm độc vào mũi tên săn thú mà cha ông ta đã biết từ xa xưa. Khi chế xong, pha thêm dịch lá thuốc lá để làm mềm. Thường người ta hơ lửa các mũi tên bằng sắt trước khi nhúng vào thuốc bắn. Hạt là nguyên liệu chế strphanthin pha thuốc tiêm trị bệnh tim. Cây sừng dê cả lá, rễ, hạt và nhựa mủ đều độc. Trong hạt có chứa các glycozit. Có tác động đối với tim là paricozit và postrozit. Nếu dùng đúng liều lượng và chỉ dẫn của bác sĩ thì kết quả tốt trong điều trị suy tim. Nếu dùng quá liều chỉ định sẽ gây ngộ độc. Hiện nay độc tính của cây được dung làm thuốc diệt sâu bọ. Cây cũng có thể trồng làm cảnh trong chậu.


Khi ngộ độc người bồn chồn vật vã, nôn kéo dài gây hội chứng mất nước và rối loạn điện giải, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, ù tai thở khó, mắt mờ dần và rối loạn nhịp tim, lúc nhanh, lúc chậm, triệu chứng rầm rộ. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong trong vòng 48 giờ. Bị ngộ độc cần xử trí nhanh, khẩn trương loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn, rửa dạ dày, cho uống thuốc tẩy, nằm nơi thoáng, yên tĩnh và truyền dịch, tiêm thuốc trợ tim...




Cây sừng trâu: Strophanthus caudatus - Ảnh: Download




6. CÂY BỒNG BỒNG Calotropis gigantea – Cây độc ở bên ta


Một loài thực vật có hoa to, đẹp và mọc rất nhiều ven đường này ở khắp nơi thuộc các tỉnh miền Trung ven biển Việt Nam và không ít trong chúng ta đã có vài tấm ảnh đẹp về loài hoa này làm kỷ niệm trong bộ ảnh trên đường du lịch ở các vùng bờ biển nước ta. Tuy nhiên nhựa mủ của loài này dùng với liều thấp làm thuốc gây nôn, liều cao sẽ gây độc mạnh như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn (ói) nếu liều cao có thể gây ra các triệu chứng gây sốt, nổi ban khắp người và sức yếu sẽ gây ép tím, ngủ lịm, khó thở.


Mặc dù có độc tính cao nhưng đây cũng là cây thuốc với nồng độ kiểm soát chặt chẽ. Thường dùng chữa kiết lỵ nhẹ. Dùng ngoài đắp trị viêm khớp, đắp lên các ghẻ mụn, các vết loét, lậu, giang mai. Trộn với mật ong dùng để đắp lên các mụn loét trong miệng. Tẩm vào bông rồi vò viên nhét vào lỗ răng đau sẽ làm ngưng đau nhức.



 
Cây bồng bồng Calotropis gigantea - Ảnh: Phùng Mỹ Trung

Đoản ca hành






Bạch nhật hà đoản đoản,
Bách niên khổ dị mãn.
Thương khung hạo mang mang,
Vạn kiếp thái cực trường.
Ma cô thuỳ lưỡng mấn,
Nhất bán dĩ thành sương.
Thiên công kiến Ngọc Nữ,
Đại tiếu ức thiên trường.
Ngô dục lãm lục long,
Hồi xa quải phù tang.
Bắc Đẩu chước mỹ tửu,
Khuyến long các nhất trường.
Phú quý phi sở nguyện,
Dữ nhân trú nhan quang.

Ngày sao cứ ngắn lại
Trăm năm khổ ứ đầy
Trời mênh mang thăm thẳm
Muôn kiếp thái cực dài
Ma cô xõa mái tóc
Một nửa thành sương mai
Thợ trời gặp Ngọc Nữ
Cười lớn muôn nghìn nơi
Sáu rồng ta muốn ngó
Quay xe, treo cây trời
Bắc Đẩu, chuốc rượu quý
Trước rồng, chén lớn mời
Giàu sang ta chẳng ước
Náu dưới gương mặt người

Người dịch: Ngô Văn Phú

NGUYÊN BẢN TIẾNG TRUNG HOA:


短歌行

白日何短短,
百年苦易滿。
蒼穹浩茫茫,
萬劫太極長。
麻姑垂兩鬢,
一半已成霜。
天公見玉女,
大笑億千場。
吾欲攬六龍,
迴車挂扶桑。
北斗酌美酒,
勸龍各一觴。
富貴非所願,
與人駐顏光

李白

“Xin cho tôi bình yên”


 

Sự tình cờ luôn có những thú vị của nó. Đang ở Tô-Gô (một nước thuộc Phi Châu), nhạc sĩ Diệp Chí Huy bỗng nhớ Vnweblogs và vào Trang chủ… Trong các Entry hiện lên hôm ấy, tình cờ anh bấm vào bài thơ Năm phút của Vũ Thanh Hoa. Đọc xong bài thơ, anh cảm thấy xúc động, đồng cảm vì nhiều câu thơ làm anh nghĩ về cuộc sống, về tuổi thơ, về những kỷ niệm… và lập tức, anh phổ nhạc ngay. Sau đó, anh không biết liên lạc với Vũ Thanh Hoa thế nào, và chúng tôi đã nhờ nhà báo Đặng Ngọc Khoa giúp đỡ . Mời quý vị thưởng thức ca khúc “Xin cho tôi bình yên” qua sự trình bày của chính nhạc sĩ – anh Diệp Chí Huy.

Nhạc và trình bày: DIỆP CHÍ HUY
Thơ: VŨ THANH HOA



Bài thơ gốc:
NĂM PHÚT

cho tôi bình yên năm phút
dõi theo vệt nắng cuối chiều
thoáng gió rung ngàn lá đổ
một ngày còn lại bao nhiêu…

cho tôi bình yên năm phút
chẳng buồn mà cũng không vui
lãng đãng theo làn mây trắng
thì thầm tôi với mình tôi

cho tôi bình yên năm phút
thả con thuyền giấy chơi vơi
trôi xuôi về nơi xanh thẳm
xa xưa thức giấc bồi hồi

cho tôi bình yên năm phút
giữa đời xoay những vòng xoay
ngẩn ngơ những gì được mất
tôi gặp chỉ với một tôi

4.5.2008

TÌNH MỘT ĐÊM


Tôi là một cô gái chơi bời, hay ít ra tôi tự nhận thấy mình không đủ phẩm cách để xếp vào tầng lớp gái ngoan. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình hư hỏng, đơn thuần đó chỉ là lối sống của một cá tính quá mạnh mẽ giữa thời đại đảo điên mọi giá trị xã hội.

Những năm của tuổi 20, tôi đắm chìm trong tự do phiêu bạt. Đôi khi đó là cảm giác chới với hoặc hoảng loạn, có lúc lại như tận hưởng và hòa tan bản thân vào thế giới này. Không nghĩ nhiều về tương lai, tôi bơi trong hiện tại hỗn mang của đời mình bằng vẻ thư thái bất cần. Không từng mơ đến một chiếc phao cứu sinh, tôi chấp nhận mọi định mệnh đều là bến bờ. Cứ bồng bềnh bồng bềnh và nếu phải dừng ngay trong tích tắc, chấm hết mọi chuyển động, kết thúc kiếp phù sinh, tôi cũng chẳng có gì phải hối tiếc. Song vừa chớm 30, tôi bắt đầu nhận ra con tim mình đã yêu và đang khổ sở vì yêu. Tình yêu ấy dây dưa từ quá khứ, âm thầm nối vào hiện tại và biến tôi thành một con người đầy ắp giằng xé nơi tâm hồn. Nguyên nhân giản đơn theo cách cổ điển là không biết từ bao giờ tôi đã trao tặng trọn vẹn trái tim cho một người đàn ông không còn độc thân. Sau nhiều năm đứng bên lề cuộc hôn nhân hạnh rạng của người tình, tôi ngồi trước mặt anh điệu đà mở lời:

- Hai năm nữa em sẽ lấy chồng đấy! Một ông thầy tử vi xem cho em và bảo lúc đó sao Thai xung chiếu Đế Vượng, em sẽ yên bề gia thất…

- Đến lúc em kết hôn là anh yêu em được tám năm. Anh sẽ vẫn tiếp tục yêu em nếu chồng em cho phép!

- Khi nào còn được anh yêu, em sẽ không để người đàn ông khác phải ghen tuông khổ sở đâu…

*

Năm tôi 23 tuổi, quê mùa mộc mạc từ tỉnh lẻ chui vào làm thư ký văn phòng cho một công ty nhỏ xíu trong một tòa cao ốc cũ kỹ ngay giữa khu trung tâm tài chính của thành phố. Tôi trở thành con mồi ngơ ngác trước hầu hết đám đàn ông trong công ty mình và những công ty khác cùng tầng lầu. Tôi làm việc ở đó được hơn tháng thì xin nghỉ bởi bản thân chẳng thấy vui trước sự tranh giành của các thợ săn. Một vài người kiên trì đuổi theo tôi ra ngoài phạm vi của bãi săn. Một vài người khác biết chờ đợi đến khi các đối thủ khác bỏ cuộc mới bắt đầu tìm kiếm tôi. Cuối cùng, người thắng cuộc là Virgo, vào thời điểm tôi khoác lên tuổi tác của mình con số 24.

Chúng tôi ngủ với nhau lần đầu sau khi đã dành cả ngày thứ bảy cho việc ăn uống, mua sắm, nghe nhạc ở phòng trà và điểm tất yếu là anh phải rời bỏ tôi lúc nửa đêm để về với gia đình của mình. Tôi tỉnh giấc khi mặt trời đã chói gắt ngoài cửa sổ, không buồn khoác cả chiếc khăn che lại cơ thể căng tràn khao khát mà ngồi ơ hờ nhớ về tình một đêm vừa đi qua bằng tâm trạng trống vắng. Trên chiếc bàn nơi tôi đặt giỏ xách là một sấp tiền Virgo để lại… Ừ, nếu như không có nó, hẳn sẽ thiệt thòi cho tôi lắm. Được trả giá còn hơn là chẳng đáng một đồng để rồi tự huyễn hoặc bản thân mình vô giá. “Tình yêu vốn chỉ là thứ mà những thằng đểu nghĩ ra để khỏi phải trả tiền”, ai đó đã từng nói như thế mà!

Uể oải gọi lễ tân khách sạn đặt giúp một phần ăn, rồi tôi cứ ngồi nhấm nháp thời gian của sáng chủ nhật trôi đi trong cố ý.

Mười một giờ trưa, có tiếng gõ ngoài cửa phòng, nhìn qua lỗ kính thấy Virgo đứng đó với nét mặt đầy đáng yêu, tôi không bất ngờ mà thản nhiên khỏa thân đứng đón nhân tình của mình bằng vòng tay ôm nũng nịu. Chúng tôi tiếp tục quấn chặt lấy nhau và làm tình miệt mài cho đến khi Virgo thốt lên: “Libra, anh yêu em!”.



*

Virgo không yêu tôi bằng thời gian, vì đó là thứ anh thiếu thốn cùng cực. Nhưng anh là một người đàn ông tốt khi biết an ủi tôi bằng vật chất và những lần hẹn hò nồng nàn cùng lời biện hộ không thể không cảm thông cho được. Tôi đối với Virgo bằng thứ tình cảm âm thầm vắng biệt hy vọng nên luôn phủ nhận trái tim mình đã yêu và cố vẽ đường cho lý trí dẫn dắt thể xác lưu lạc vào những mối quan hệ khác pha trộn giữa nhục cảm và tiền bạc. Bởi vậy tôi mặc định mình chỉ là gái bao nhiệt thành của Virgo để chừa cửa cho những thợ săn bền bỉ đến sau. Chẳng phải tình một đêm, cũng chưa phải là yêu, thì một cô gái thích cuộc sống hưởng thụ có thêm vài người đàn ông khác bảo bọc cũng có sao?

Không có sắc đẹp của mỹ nhân, cũng chẳng có nổi vóc dáng của kiều nữ, tôi chỉ sở hữu được vẻ ngoài xù xì gai góc cùng miệng lưỡi chua chát rất khó ưa kèm một tâm hồn nổi loạn đến khó ngờ. Lẽ ra sẽ không người đàn ông nào yêu thích loại phụ nữ như thế, nhưng thứ tình dục dễ dãi của tôi đã níu chân họ lại. Tôi sẵn sàng nói với những người đàn ông có vợ tán tỉnh mình theo cách lả lơi sống sượng của gái làng chơi: “Okie, vì anh có vợ rồi mà em thì chưa chồng nên lần đầu have-sex em miễn phí còn những lần sau anh phải trả tiền nha!”, hay phóng khoáng thẳng thừng như gái Tây trước những cậu trai non tơ đeo đuổi: “Tôi thích cậu, nhưng bảo là yêu thì giả dối lắm, nên nếu cậu chấp nhận làm toy-boy thì chúng ta cặp kè héng…”. Rồi tôi đem tất cả mọi chuyện về các thợ săn ngu ngơ hoặc lão luyện kể lại cho Virgo nghe, để anh biết rằng đang chiếm hữu được một cô gái mà biết bao nhiêu gã trai khác thèm muốn.

*

Thường tôi chỉ ngủ với người đàn ông săn đuổi mình một lần rồi sau đó thản nhiên coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra để tiếp tục đối đãi với họ giống như bạn bè bình thường. Cảm giác gượng gạo, hổ thẹn của ái ân lạc dòng hoàn toàn tê liệt trong nhận thức. Giống như một thử nghiệm, tôi bắt đầu các mối quan hệ bằng cách khoác lên mình vẻ nhu nhược thụ động y như món đồ vô tri trôi nổi giữa dòng đời. Những người đàn ông ngang qua dễ dàng nhìn thấy và nhặt về. Khi ý tưởng sở hữu đóng đinh vào tư duy của họ thì món đồ bắt đầu lộ thói tinh quái, nó ngúng nguẩy tuột khỏi tay người chủ và tự động biến đi bất kỳ lúc nào. Lẽ thường chỉ có chủ nhân mới có quyền vứt bỏ đồ vật, một khi quy luật đó đảo ngược, những kẻ từng tự ấn định năng lực sở hữu cho mình sẽ mất bình tĩnh và sự ngạo mạn sẽ khiến họ làm mọi cách để sắp đặt lại thế giới trước khi biết chỉ là vô vọng, nếu không hẳn họ sẽ có phần đau, vì một thứ chẳng ra gì dám bỏ rơi mình. Sự khinh rẻ hoàn toàn vô nghĩa trong cuộc chơi này, bởi những cảm xúc sân si đã choán hết tâm trí của cả hai phía.

Năm tháng trôi qua trôi qua… Virgo hơn tôi 9 tuổi nên anh bắt đầu nói về cái ngưỡng “Tứ thập nhi bất hoặc” sắp cận kề. Nhưng tôi không nhận thấy thời gian phủ dấu vết lên con người anh. Càng ngày tôi càng thấy anh hào hoa cùng hình thể rắn rỏi hơn thủa ban đầu gặp gỡ. Và vì Virgo chưa bao giờ yêu tôi bằng thời gian nên vợ con anh chẳng mảy may biết đến mối quan hệ ngoài luồng của chồng mình. Tôi vẫn đóng vai một cô bồ ngoan ngoãn không hề ghen tuông hoặc đòi hỏi trong khi năm tháng đã bào mòn những gai nhọn và phủ lên sắc vóc 30 vẻ đằm thắm mặn mà. Một ngày kia soi vào tấm gương và nhìn thật kỹ bóng mình, tôi nhận ra bản thân đã có quá nhiều đổi thay. Lúc đó tôi đã ôm chặt bờ vai của Virgo và nức nở: “Em yêu anh, yêu anh đến tan cả em ra…” như một cách hồi đáp lại lời yêu ngắn ngủi nhất thời của anh sáu năm về trước.

Có một triết lý sống, không hẳn là nguyên bản, bởi tôi đã biến tấu nó như sau: “Cô gái trẻ dan díu với chồng của người khác. Nếu mối quan hệ kéo dài một năm sẽ bị coi là quan hệ bất chính, có dấu hiệu phạm pháp. Nếu mối tình ấy kéo dài ba năm thì gọi là tình yêu ngang trái cách trở. Nếu mối tình ấy được sáu, bảy năm thì nó sẽ là tình yêu đích thực”. Vậy đấy, ta làm gì chẳng quan trọng, quan trọng là làm điều đó được trong bao lâu.

Trái tim tôi chung thủy tuyệt đối với Virgo, nhưng vẫn để thể xác đi hoang cùng những cuộc tình một đêm bất chợt lèn vào khoảng trống anh để lại khi phải quay về nhập vai người đàn ông tuyệt vời của gia đình. Tôi đòng đưa thể xác cùng thứ tình cảm bảng lãng như mây trời cùng vài người đàn ông giàu có hoặc danh giá hoặc trẻ đẹp. Tất cả đều dùng dằng không dứt, dù chẳng ai tốt bằng Virgo.

Lại có một triết lý sống nguyên bản như sau: “Một nàng đĩ, nếu ngủ với thợ thuyền hoặc lao động ngoại tỉnh, thì bị gọi là đối tượng xã hội. Nếu ngủ với đại gia lừng lẫy, thì được gọi là chân dài. Nếu ngủ với một ngôi sao sân cỏ hoặc màn bạc, sẽ được đàng hoàng lên báo kể chuyện “nghề nghiệp” và trưng ảnh hở da thịt giữa công chúng, không ai có ý định bắt nàng”. Thêm một lần nữa để khẳng định, ta làm gì chẳng quan trọng, quan trọng là làm điều đó với ai mà thôi.

*

Cũng như những lần gặp trước đó, tôi kể cho Virgo nghe về vài vệ tinh mới của mình.

- Có một ông ngũ tuần cứ chạy theo em cầu hôn. Hứa cho em nhà mặt tiền, xe lexus, mỗi năm vài triệu đô shopping nếu chịu làm vợ thứ năm của ổng đấy…

- Điều kiện tốt vậy sao em không chấp nhận?

- Ổng đem cái chết của cha mẹ ra thề độc mà em vẫn thấy không đáng tin. Hơn nữa ổng già rồi, mà đâu có được đẹp bằng anh…

- Haizzz… Già là một cái tội phải không em?

- Không phải, tại điều kiện mấu chốt là em phải theo ổng ra nước ngoài sống. Như thế làm sao em gặp anh được nữa…

Virgo ôm tôi thật chặt và thì thầm: “Cảm ơn cuộc đời vì có em…”, dù sau đó anh vẫn nhắc lại chuyện tôi cần có hạnh phúc riêng, bởi anh không thể phản bội vợ con của mình. Song mọi chuyện chuyển biến đến mức nào đi chăng nữa thì tình yêu anh dành cho tôi vẫn không hề thay đổi.

- Anh đừng lo cho em! Có thể năm sau em sẽ cưới một cậu bạn học. Cậu ấy hứa đến năm 31 tuổi em còn ế sẽ tới rước em, dù em có lỡ bị đui què mẻ sứt thì vẫn không thay lòng đổi dạ. Giờ em hổng nôn mà cậu ấy hối thúc hoài.

- Kể ra em có nhiều người theo quá nhỉ?

- Em có một anh bạn hài hước lắm. Hôm bữa ảnh quát vô mặt em là: “Trời ơi! Lấy chồng lấy vợ lè lẹ đi… Chứ người ta ly hôn hết rồi kìa!”, khiến em nghĩ mình cũng nên kết hôn để có thể ly dị cho bằng thiên hạ. Hi hi…

::

Nhưng rồi một biến động nhỏ khiến vài thứ quan trọng chao đảo. Trong hàng tá tình nhân một đêm đã trở thành bạn bè của tôi có một người đột quỵ mà chết khi vừa qua tuổi 40, một người khác gặp tai nạn xe hơi liệt não phải sống đời thực vật trong bệnh viện. Hai tin dữ đến chỉ cách nhau một làm tôi hoang mang lo sợ. Không phải về họ… Tâm trạng ấy xuất phát từ Virgo, nếu một ngày anh có mệnh hệ gì, làm cách nào tôi biết được chuyện và tìm gặp lại anh lần nữa? Đã có lần tôi từng nói với anh, bằng lời tôn giả A Nan, đệ tử của đức Phật: “Một mai kia, nếu xa nhau… Em nguyện làm cây cầu đá, chịu 500 năm gió sương, 500 năm tuyết phủ, 500 năm mưa vùi, 500 năm nắng rọi, chỉ để mong một lần anh bước qua, cho chúng ta được gặp lại…”

Tôi gọi cho Virgo, năn nỉ anh gác hết công việc lại để đến gặp mình. Lần đầu tiên tôi quỵ lụy: “Anh hãy vì em lần này thôi!”. Chúng tôi gặp nhau và có chút gì đó gượng gạo.

- Chưa bao giờ mình đi du lịch cùng nhau cả. Giờ em muốn đi đâu, anh sẽ đưa em đi.

- Đi Bali được không anh? Người ta gọi nơi đó là thiên đường tình yêu…

Mọi thứ giữa Virgo và tôi vốn chỉ cần xác lập đơn giản như thế là cả hai đã có thể rời khỏi thành phố vài ngày. Ở trên hòn đảo xinh đẹp, tôi đã làm đủ mọi cách để thể hiện tình yêu của mình với Virgo. Cho đến ngày cuối cuộc hành trình đầy lãng mạn, tôi mới thảng thốt hiểu ra dụng ý của anh trong chuyến đi này.

- Vợ anh phát hiện ra mối quan hệ của chúng ta. Anh đã hứa với cô ấy sau chuyến đi này sẽ không gặp lại em nữa. Thà cứ như trước cô ấy không biết chuyện, chứ hoàn cảnh bây giờ… anh không thể bội tín…

Tôi đã không nói thêm bất cứ lời nào, chỉ nhìn sâu vào mắt anh ra chiều hiểu hết. Về tới thành phố trong phút giây chia lìa nhau, đột nhiên tôi nắm chặt tay Virgo, giọng run run:

- Anh… Ngày mai mới về nhà được không? Chưa bao giờ anh ở bên em suốt đêm tại thành phố này cả?

Chúng tôi tìm đến khách sạn quen thuộc. Ngày mai thôi, tôi sẽ chấp nhận để nỗi khát khao hơn sáu năm qua vĩnh viễn lùi xa, tôi trả Virgo về với gia đình của anh, không bao giờ quấy quả nữa. Bởi tôi yêu anh đến mức không muốn anh phải vi phạm bất cứ lời hứa nào, dù là với người phụ nữ có quyền lấy đi của tôi cả lẽ sống trên cuộc đời này.

Tôi thức dậy khi thấy ánh sáng mờ mờ phía ngoài rèm cửa sổ, ngắm nhìn thật kỹ nét mặt đang say ngủ của Virgo mà như muốn rơi vào hư vô. Cuối cùng tôi cũng đã đạt được mục đích, thức dậy bên anh vào lúc bình minh sau một quá trình dài tìm kiếm điều này ở những thế thân ngập tràn nhục cảm mà thiếu thốn yêu thương. Cứ như thể một cô gái lang bang cùng bao cuộc tình một đêm xa lạ chỉ vì người yêu dấu luôn rời bỏ cô ấy lúc nửa đêm. Rời khỏi vòng tay của Virgo, tôi giữ nụ cười mãn nguyện trên môi mà khóe mi ươn ướt. Tôi nhẹ nhàng rời khỏi căn phòng, nhẹ nhàng ra khỏi cuộc đời anh. Khi tỉnh giấc đọc lá thư trên gối hẳn anh sẽ hiểu vì sao tôi bỏ đi trước như thế!
“Virgo,

Khi xa nhau anh đừng nghĩ đến em, dù chỉ thoảng qua vài giây phút. Bởi em đã nhớ anh trong tất cả thời gian ta sống, khiến giữa cuộc đời này có một vòm trời khắc khoải mênh mông.

Khi cô đơn anh đừng nhớ đến em, dù chỉ chạm vào chút kỷ niệm. Bởi em đã mang hình bóng anh trong trọn vẹn trái tim, để tất cả những năm tháng về sau đợi chờ mà không hề nuối tiếc.

Nếu em có viết câu chuyện về người tình yêu dấu, đừng ngạc nhiên khi anh chính là điểm bắt đầu. Em như được sinh ra vào ngày anh hôn em và đã chết đi trong đêm tối khi anh rời bỏ em. Nhưng em đã sống… và sẽ sống… khi anh vẫn còn yêu em.
Libra.”


Keng

THƠ – NGHỆ THUẬT CỦA NÔ LỆ



Hai nhà lãnh đạo cao cấp gặp nhau, rồi ra thông cáo chung, dứt khoát họ không có cơ hội đọc thơ mà phải đọc Diễn văn, Rồi sau đó thể hiện bằng Diễn từ!




Các nhà ngoại giao khi đàm phán cũng vậy, không thể đọc thơ mà chỉ tranh luận, phản biện rồi thỏa hiệp cũng bằng diễn từ!
Một nhà chính trị, nhà tư tưởng, hay lãnh tụ nói trước đám đông, họ hùng biện văn xuôi chứ không thể ẻo lả mấy câu thơ vần vèo!
Trong thực tế, thơ là tiếng nói bi phẫn để oán thán hay kích động trước một cuộc vùng dậy nào đó. Bài Quốc tế ca là một ví dụ minh chứng cho nhiều bài như Mác-xây-e hay một cái tên nào khác, nó có lời:

Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian! .
Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn!.
Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi.
Quyết phen này sống chết mà thôi.
Trong bài còn chứa cả hai từ “Nô Lệ”.


Việt Nam có hai tập thơ lớn bậc nhất thì đều thuộc người Tù, tức người còn thấp hơn cả nô lệ. Nô lệ còn được tự do đi lại trong nhà ông chủ, ra vườn, hay ra chợ… còn tù nhân thì bị giam sau những song sắt. Đó là các tập thơ “Nhật ký trong tù”, rồi “Hoa địa ngục” của Nguyễn Chí Thiện. Mới đây, luật sư Lê Quốc Quân bị giam trong tù cũng đã viết thơ vào túi giấy, báo cũ tuồn ra ngoài mong phản ánh ý chí của mình. Với điều kiện trong tù, thơ là thích hợp nhất, bởi lẽ, người tù không có giấy bút, chỗ ngồi đàng hoàng để viết những áng văn đồ sộ, với vài mu giấy vụn, họ chỉ có thể làm thơ để cất giấu cũng như chuyển ra ngoài.
Đấy là cuộc đời. Còn về mỹ học hay văn học, Thơ có phải nghệ thuật của nô lệ không? Có thể nói, nếu hai chữ nô lệ gợi lên cái gì tủi nhục, thì thơ chính xác là những thứ ng ẹo, phù phiếm đầu thừa đuôi thẹo của kẻ dưới.
Trong cuộc đời, bữa tiệc luôn là biểu tượng cao nhất cho vật chất lẫn tinh thần. Triều đình đón phái đoàn bao giờ cũng mở màn bằng đón rước với bản nhạc chào mừng U-véc-tuya (ouverture) – tức là mở cửa đón. Lúc đó âm nhạc lên tiếng. Không có chỗ cho thơ. Màn sau là giới thiệu, đọc diễn văn chào mừng. Rồi đến màn cụng ly. Cũng vẫn chưa có chỗ cho thơ. Triết gia Hegel nói “Một bữa ăn không thể thành tiệc nếu không có một diễn văn hay”. Ở đây muốn nói, nếu không có những lời nói hay như diễn văn, thì không cách gì nâng cấp thức ăn từ nhà bếp lên bàn tiệc của tinh thần. Cuối cùng khi quan khách đã ăn uống no say ngả ngớn, người ta mời đoàn ca nhạc góp vui. Triết gia Aristote nói: “sau khi ăn được thưởng thức âm nhạc là thứ thưởng ngoạn cao nhất”. Cuối cùng mới đến thơ, là lúc người ta đã tháo khoán thả bổng, nhiều quan chức đã đứng lên. Thơ lúc đó hay hoặc dở không ảnh hưởng gì đến xương sống của bữa tiệc. Thơ chỉ là cái đuôi, cái phướn bay hoặc rủ, chẳng ảnh hưởng gì chất lượng của cột sống đã tiến hành lắp đặt xong xuôi.
Cụ thể hơn, tôi được mời đi dự một bữa tiệc khánh thành đền thánh ở vùng Sơn Tây. Mở đầu là đoàn rước của người Dao, người Mường, và người Kinh. Người Dao vừa diễu vừa múa xinh tiền. Người Mường diễu chiêng. Người Kinh múa phường chèo. Khi tập trung vào đền thánh, tất cả lắng nghe bản diễn văn mở đầu. Bản diễn văn rất khô, chẳng ai thích nghe cả. Nhưng không khí nổi rõ một điều, đó là “tiết mục” quan trọng nhất, là nguyên nhân cho mọi diễu hành, biểu diễn, cũng như ăn uống. Bởi vì người ta tuyên bố lý do đền thánh được xây lên, ai đầu tư, ai công quả, ai sẽ duy trì. Rồi người ta chúc tụng ăn uống. Cuối cùng thơ mới xuất hiện.
Mới đây, bạn traumong trong phần comment một bài viết của tôi có một phát hiện rất đáng chú ý. Người Trung Quốc cho rằng: các kinh sách là Đại thuyết. Còn văn học chỉ là Tiểu thuyết.
Nếu vậy thì bài thơ lẻ so với tiểu thuyết gọi là gì? Nếu gọi theo lối Tầu có thể là “mạt tiểu thuyết”. Còn theo lối Việt ngữ sẽ là “vụn vặt thuyết”. Triết gia Hegel nói: Hội họa và kiến trúc là nghệ thuật không gian, ở đó người ta nhìn cái thấy ngay tổng thể của bức tranh hay bức tượng. Còn thơ văn là nghệ thuật của thời gian, người ta không thể nhìn trong một cái mà phải đọc lần lượt theo chương hồi. Vì thế nghệ thuật không gian không được trình diễn dù chỉ một tẹo cái xấu, cái ác. Trái lại, văn thơ thì có thể trình bày cái xấu, cái ác, vì theo thời gian nó thanh tẩy, gột rửa và cứu chuộc. Nhưng trong một bài thơ ngắn, người ta thanh tẩy, cứu rỗi cái gì? Thơ ngắn lúc đó biến thành nghệ thuật không gian tung lên một cái cho mọi người nhìn. Ngày nay có thơ sắp đặt, thơ xếp chữ cũng bởi đó.
Nếu một người chỉ sáng tạo vần vèo cảm xúc mấy câu chưa có khung giàn của lý trí lâu dần người ta sẽ trở thành gì? Có đến 99% các nhà thơ nói rằng “làm thơ chơi vui ấy mà”. Chúng ta thử nghĩ, một người lính ra trận có chơi được không ? (trừ trường hợp thơ mậu dịch ‘đường ra trận mùa này đẹp lắm’) phi công đang lái máy bay có chơi không? Nhà bác học đang thí nghiệm trong phòng có phóng xạ có chơi không? Bác sĩ đang thí nghiệm với vi trùng gây bệnh chết người có chơi không? Một thiếu phụ đang lăn lộn trên bàn đỡ đẻ có chơi được không? … Người Việt nói “Thế gian chuộng của chuộc công? Nào ai có chuộng người không bao giờ”, người chỉ chơi sao có thể khiến mọi người kính nể và tôn trọng? Trong một bộ phim, người Trung Quốc có dựng chân dung nhà thơ Lý Bạch thế này. Vua nhận được một lá thư của người Di. Vua và các quần thần không đọc được, liền triệu nhà thơ Lý Bạch đến. Trước khi đọc thư, Lý Bạch ra điều kiện, bảo vua bắt một vị quan bị Lý Bạch ghét phải cúi xuống hít ngửi chân cho Lý Bạch. Vua đã sai vị quan kia làm vậy. Lý Bạch cười thỏa mãn trông rất tiểu nhân.
Như vậy cả cuộc đời lẫn nghệ thuật, thơ vụn nếu không phải trường ca chỉ là thứ xếp sau tiểu thuyết mấy tầng. Nó chỉ là những giải yếm, những phướn đuôi lẽo đẽo bay theo những giá trị lớn. Từ trí tuệ đến sinh khí, đến cảm xúc và đam mê của đa số nhà thơ nói chung rất thấp và rất kém. Không có môn nghệ thuật nào có đông tổ hưu, buôn thúng bán mẹt, nông dân, xe thồ, giám đốc háo danh như là thơ. Từ trí tuệ thấp, nhân cách của số đông này cũng rất lẹt đẹt, nào chém gió khoác lác, bốc phét đến mức vượt qua mọi ranh giới liêm sỉ như “sách tôi in ra cả thế giới phải đốt sách đi”, hoặc “tôi bay cùng chim bằng”, “thơ tôi trên cả hay”, rồi hứa hão, nói dối, bè cánh, đi đêm chạy giải, móc ngoặc mua phiếu bầu cho leo ghế, thậm chí còn có cả cú lừa ngoạn mục bằng văn bản đã được ký tên bên lề giấy trắng để làm chứng cho nhau một đêm làm hơn một trăm bài thơ vụn mong đi ẵm giải Nobel.
Ở đời, cái gì nhiều thì không bao giờ là của quí. Cát phải nhiều hơn kim cương. Đầu tầu kéo toa tầu, nhưng đầu tầu luôn ít hơn toa tầu. Ông chủ không cách gì nhiều bằng người ở. Nhà thơ là tầng lớp đông nhất trong làng nghệ thuật, không hiểu họ là ông chủ hay người ở? Hay là họ học theo lối Tầu, ở dưới một người ở trên muôn người, cho rằng mình bám sát gót quyền lực thì sẽ được là con sen ở trên nhiều người? Nhưng than ôi, hãy nghe nhà giáo Nguyễn Đăng Mạnh nói “Đảng khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ”. Câu nói đó có giành 90% cho các nhà thơ? Một khi cách tư duy, lối làm việc đã là người ở, thì ngồi ở đâu cũng là người ở thôi.
Khi đã ở tầm nô lệ, người ta làm sao có sản phẩm cao cả, tư duy lớn lao, nhân cách siêu việt cho được? Đó có phải là cách diễn giải lý do tại sao thơ Việt đang lẹt đẹt đến vậy. Lẹt đẹt đến mức dù ngước lên bầu trời nhiều người cũng chỉ nhìn thấy gầm quần lót như một câu thơ: những đám mây hành kinh ướt sũng bầu trời…
Tất nhiên, khi Homer ôm đàn lia chai sạn dép cỏ đi khắp thiên hạ gom nhặt những vần thơ luôn luôn mang tầm vóc đỉnh Ô-lanh-pơ với cấu trúc đầy ắp kịch tính vĩ đại liên kết giữa thánh với người, nhân loại đã được chiêm ngưỡng và thán phục một nhà thơ đích thực. Còn với những nhà thơ bò quanh chiếu tổ hưu của xứ sở ta, không rõ bao giờ cái đáy chén rượu nút lá chuối kia được in bóng một dãy núi của thánh thần, hay nó chỉ soi bóng cái chùa Một Cột cũng chỉ to hơn cái chiếu một tẹo? Muốn vượt tầm chắc chắn các nhà thơ Việt đương đại phải dời bỏ manh chiếu tem phiếu cân lạng bé tẹo để phiêu lưu vào con đường vạn dặm chông gai đầy sỏi đá của thi ca. Một con đường mà Homer đã từng đi! Liệu còn có cách nào khác hơn? Nhưng chỉ cần nghĩ vậy, đã thấy, cái chân trời đó so với các nhà thơ Việt bất khả và xa vời vợi đến mức nào?!

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC


DI SẢN CỦA DERRIDA: HỌC CÁCH ĐỂ ĐỌC


Lời dẫn nhập: Jacques Derrida (1930-2004) - nhà tư tưởng hiếu chiến của thuyết “ Giải cấu trúc”, kẻ cật vấn bướng bỉnh và dai dẳng nền Siêu Hình Học Phương Tây đương đại, người quá “triết học” để làm vui lòng các nhà văn và cũng quá “văn chương” để vừa lòng các giáo sư triết học.Những di sản nằm trong các “ văn bản” mà ông để lại luôn phóng chiếu ra những tia sáng chói của một trí tuệ siêu việt, siêu việt gần như là “không tưởng”, nhưng các văn bản ấy cũng vẫn luôn bị đa số người đời chê trách là rườm rà và rắm rối. Phe bảo thủ xem ông là một kẻ cấp tiến cực đoạn, còn những người cấp tiến lại trách cứ ông là bảo thủ thậm chí có xu hướng “ngu dân”. Bản thân Derrida cũng rất hoài nghi về khả năng tiếp nhận các công trình của ông, trong cuộc trò truyện cuối cùng (trước lúc ông ra đi vì căn bệnh ung thư) trên nhật báo Le Monde vào năm 2004, ông đã nói : “ Bạn có tin không, ở trong tôi luôn tồn tại hai ý nghĩ, hai cảm xúc trái ngược nhau ,chúng song song tồn tại! thứ nhất , tôi cho rằng thực ra người ta còn chưa bắt đầu việc đọc tôi, quả là trên thế giới này tôi cũng có một số độc giả tuyệt vời, nhưng con số đó chẳng bao giờ vượt quá vài chục người , đó là một vài nhà văn-nhà tư tưởng, một vài nhà thơ… Nhưng sau này chắc rằng tất cả những gì tôi viết sẽ tìm được cơ may để xuất hiện. Nhưng đồng thời ở một góc khác trong tôi, một ý nghĩ luôn trở đi trở lại : sau cái chết của tôi, mười lăm ngày cho đến một tháng, sẽ chẳng còn lại gì…”


Chín năm đã trôi qua từ ngày Derrida đi khỏi thế giới này, những di sản tinh thần của ông như những hạt phấn hoa không ngừng được khuyếch tán và lan tỏa khắp nơi : Chín mươi cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ ngôn ngữ trên thế giới : về triết học, tâm lý học, chính trị, truyền thông, tôn giáo, nghệ thuật, văn chương…những bài giảng trong các hội thảo, xe-mi- na trong 50 năm làm việc, những thư từ trao đổi/ luận chiến của ông với những trí thức lớn nhất cùng thời như Foucault, Lacan,Lesvi-Strauss hay Levinas cũng đang được sắp xếp và chỉnh lý để xuất bản. Nhưng thực sự chúng ta đã bắt đầu đọc Derrida hay chưa và phải đọc ông như thế nào ? Đó là một câu hỏi nghiêm túc và mang tính thời sự nóng bỏng.
Bài viết dưới đây “ Di sản của Derrida: Học cách để đọc” được trích dịch từ chuyên đề “ Di sản của Derrida” ( Derrida en héritage ) do tạp chí Le Magazine Littéraire tổ chức ( 6/2010) , tác giả của nó: Geoffrey Bennington là giáo sư triết học và văn chương Pháp tại Đại học Emory ( Atlanta, Mỹ ). Ông cũng là tác giả của hàng chục cuốn chuyên luận in bằng tiếng Pháp và tiếng Anh như :Frontières kantiennes ( NXBGalilée,2000) Jacques Derrida (Seuil, 1991).Hiện ông đang cùng với Peggy Kamuf là đồng chủ biên để tập hợp các bài giảng ( sẽ in bằng tiếng Anh) của Derrida trong các buổi hội thảo và xê-mi-na trải dài trong cuộc đời 40 năm hoạt động của ông. (DT)



Jacques Derrida ((1930-2004)


*
HỌC CÁCH ĐỂ ĐỌC
Geoffrey Bennington

Giờ đây chúng ta còn lại gì từ gia tài của Jacques Derrida ? Ông thực sự đã di tặng lại những gì cho chúng ta, những kẻ thừa kế của ông ? Nói cách khác chúng ta đang đứng ở đâu giữa hai cái “giả thuyết” khá kinh hoàng mà ông đã nêu ra trong những cuộc truyện trò cuối cùng của mình, một mặt đó là nhận định : “ Người ta còn chưa bắt đầu việc đọc tôi” và rằng : “ Sau này, tất cả những thứ này sẽ tìm được một cơ may để xuất hiện” , mặt khác đó lại là : “ mười lăm ngày hay một tháng sau cái chết của tôi, sẽ chẳng còn lại gì ngoài những thứ đã nộp lưu chiểu ở thư viện…”. Derrida đã nhấn mạnh rằng ông tin đồng thời vào cả hai giải thuyết này “một cách thành thật”. Liệu “ tất cả những thứ đó” của ông hay “ chẳng có thứ gì” của ông có thể tìm được một cơ hội quay trở lại với chúng ta, liệu những cuốn sách của ông(đã nộp lưu chiểu trong thư viện) có phải chịu một số phận bị xa lánh, bị chìm dần vào quên lãng. Phải chăng chúng ta thật sự “đã đọc” Derrida ở mức đủ cần thiết để từ nay có thể yên tâm xếp những cuốn sách của ông trên ngăn sách “ lịch sử triết học Pháp” và quay đi để chúng ngủ yên trong bụi bặm ở đó? Hay ngược lại “ tất cả những cái đó” còn đang chờ chúng ta đọc nó ( trong trường hợp này phải chấp nhận rằng chúng ta đã ngộ nhận khi tin rằng mình “đã đọc” chúng).Và còn một khả năng nữa mà chúng ta cần phải nghĩ tới : Hai giả thuyết đối nghịch ấy, mâu thuẫn nhau ấy đồng thời đều đúng, tức là không hề có nghịch lý ở đây ? vị trí đó chính là cái tọa độ mà chúng ta đang đứng ngày hôm nay, đó cũng là cái tình cảnh trớ trêu mà Jacques Derrida đã để lại cho chúng ta.
Bởi vì, chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng J.Derrida không để lại một luận thuyết nào cả. Khác hẳn với các nhà triết học khác, kể cả những triết gia cùng thế hệ với ông, những người được ông nhắc đến nhiều lần trong cuộc trò chuyện cuối cùng trên tờ Le Monde, ở ông không có một thứ gì tương tự như một hệ thống, và càng không giống với một thứ triết học. Không có “ khoa học luận”cũng chẳng có “ đạo đức học” hay “ chính trị học”. Không có lý thuyết, chẳng có phương pháp! Không có trường phái! Chẳng có Học Viện hay Trung Tâm ! Với ông chỉ có những thứ thuộc về giải cấu trúc-(déconstruction ), nếu chúng ta muốn định danh như vậy- bởi có không ít người đã phản đối : làm gì có giải cấu trúc!, và những gì không phải là giải cấu trúc. Những gì Derrida đã đánh dấu ( bao gồm cả những gì Derrida đã ký bằng chính chữ ký của ông ): tác phẩm / những tác phẩm – cái mà ông thường có thói quen gọi đó là các văn bản – còn nằm lại trong các thư viện, những thứ, theo định nghĩa , có phần bị quên lãng, bị nhốt chặt trong các kho lưu trữ , tình cảnh của một kẻ nghỉ hưu đang chờ được triệu hồi đi làm trở lại
Cái mà Jacques Derrida trao lại cho chúng ta , đó là một nhiệm vụ : học cách để đọc.Tôi nhìn thấy ở đây có ba vấn đề :
Thứ nhất, đọc để có thể góp thêm phần làm sáng tỏ và giải thích rõ hơn những suy tư đầy phức tạp mang tên Derrida, cái công cuộc giải thích cho đến nay vẫn còn đang dang dở trong cái hành trình của nó. Bởi vì nếu một ai đó, với một phương pháp có một độ chính xác (nhiều hay ít), đi đến được (một cách dễ dàng hay khó nhọc) việc diễn giải đúng đắn một số trong các “văn bản” quan trọng của Derrida, đi đến được việc làm sáng tỏ được một vài ý đồ của ông, một số mệnh đề và lập luận của ông (ví dụ như giải thích được ý nghĩa hàm chứa trong khái niệm “ trace-dấu vết”) hoặc bác bỏ được những công kích nhắm vào ông ( thuyết ngu dân, tính phi lý,thái độ lý tưởng hóa…và vô số những tố cáo ngu ngốc khác) , những công kích hiện đang còn rất phổ biến trong giới triết học, và nhất là khu biệt, chia tách được một cách rõ ràng “ cái Khác” ( la diférance) kiểu Derrida với tính “tiêu cực kiểu Hêghen” và nhất là với “ Cái sai khác tuyệt đối”, thành công trong việc trình bày cho người đọc hiểu đâu là mối quan hệ giữa “ giải cấu trúc” và cái mà Kant hay Marx đã từng gọi là “phê bình”, chỉ rõ ra cái gì không phải là “giải cấu trúc” và nhất là hiểu rõ hơn vì sao “ giải cấu trúc” có thể là tất cả ngoại trừ việc là một học thuyết ngôn ngữ, những người đó sẽ giúp chúng ta càng ngày càng nhận ra rõ nét hơn sự vận hành quỷ quái của tất cả những cấu trúc mà Derrida đã phát hiện ra, “…trong cái khả năng cần thiết để không là..”, những điều kiện vừa là “khả thi” vừa là “bất khả thi”, những cấu trúc mà về cuối đời ông thường gọi đó là những cấu trúc “ tự- miễn dịch” ( dẫu rằng ông đã nghĩ về chúng từ trước năm 1967), chỉ ra những gì với tư cách là điều kiện cho một sự tự do hoàn toàn, có khả năng đem đến một cơ hội cho những “thể loại”như đạo đức học hay chính trị học trong tương lai. Và chúng ta muốn càng ngày càng nhìn thấy rõ hơn , bằng cách xuyên thấu qua những bề mặt đang che khuất những mối liên kết tinh vi và nhằng nhịt trong những văn bản ông đã viết trong vòng năm mươi năm, cảm nhận rõ hơn những hoàn cảnh ra đời đẹp đẽ và mong manh của những văn bản ấy. Và dẫu rằng những điều này chắc chắn sẽ xẩy ra , chúng ta vẫn sẽ cần và sẽ còn cần rất nhiều công sức và sự tập trung trí tuệ để bảo vệ / duy trì được tính nghiêm túc và phẩm giá của những công trình này để chống lại xu hướng bình dân hóa / tầm thường hóa đang diễn ra ở khắp nơi. Nếu có thể xem rằng một vài thứ hiện nay “coi như đã nắm bắt được” , chúng ta sẽ còn phải lao động rất nhiều để hiểu cặn kẽ một khối lượng rất lớn những nội dung (trù mật khắp nơi) trong các văn bản đã công bố ,chưa kể đến các mệnh đề được ông phác họa sơ bộ và nêu ra trong các hội thảo,các buổi xê-mi-na, đa phần còn chưa được sắp xếp chỉnh lý và in thành sách.
Thứ hai: Chúng ta có trách nhiệm phải mở rộng cánh cửa của lối đọc “ giải cấu trúc” cho những đối tượng mới, những văn bản mới, bất chấp rằng những văn bản này có mang tính “triết học” hay không, những văn bản có mang ý hướng “văn chương” hay “ngôn ngữ” hay không. Noi theo nhưng không cố rập khuôn Derrida,chúng ta sẽ làm điều đó và cố tránh tạo ra phương pháp hay một một lý thuyết nào đó. Chúng ta làm điều đó bằng cách thu nạp một/ nhiều phong cách, một /nhiều cử chỉ nhưng vẫn không ngừng sáng tạo hay sẵn sàng đón nhận tất cả những sự kiện mới nẩy sinh từ sự đọc. Sự đọc đó, trong dòng chẩy của nó, trong tiến trình của nó, phải được tiến hành theo một phương thức phi tuyến tính, không dự báo và không bao giờ có điểm kết thúc.

Thứ ba : đó sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, gần như là bất khả, nhưng đó lại là nhiệm vụ chủ yếu của cái di sản tinh thần này: đọc lại chúng bằng chính con mắt của Derrida, chưng cất ra từ đó cái sức mạnh mà nhiều lần ông đã mang đến cho từ “đọc” này. Không chỉ là việc giải mã chúng, bình luận chúng, diễn giải chúng,cũng không chỉ là việc lấy nguồn cảm hứng từ chúng đem áp dụng cho những sự đọc khác mà là đọc chúng bằng chính con mắt của Derrida, tạo ra một cách đọc (kiểu) derrida của chính Derrida. Chúng ta biết rằng các tư tưởng của Derrida,trong những lập luận chủ yếu, sinh ra trong quá trình đọc các văn bản khác nhau, nhưng đấy là một cách đọc không hề tương thích với các kiểu/ loại “ đọc” thu được từ những thao tác bình luận hay diễn giải. Như thế chúng ta có thể làm sáng tỏ phần nào cái cấu trúc phong phú và rất đa dạng của những văn bản kiểu Derrida, trong cái thứ hình học phi tuyến tính nhưng “ tự – tương thích” của ông như một thứ “tự – đọc”. Derrida đọc những người khác, tất nhiên là vậy, nhưng ông cũng tự đọc ông trong quá trình viết, tự đọc lại ông sau khi đã viết xong và những lần tự đọc lại đó lại làm đảo lộn tất cả , chúng như một chất xúc tác để ông phân bố lại, sắp xếp lại mối quan hệ giữa mình và những người khác. Vì vậy toàn bộ ( các tác phẩm) của Derrida phải được đọc trong toàn bộ (văn bản) Derrida. Đọc toàn bộ Derrida trong một tiến trình đọc từng dòng văn bản Derrida. Cái cấu trúc phức tạp trong các tác phẩm của Derrida mời gọi một cách đọc mới, cách đọc vượt trên lối bình luận và giải thích thông thường, một cách đọc “đồng sáng tạo”. Chúng ta phải học cách đọc những thứ khác biệt với chúng ta , chúng ta phải luôn đặt những kẻ khác vào trong hành trình đọc của mình. Cái mà tôi muốn trình bầy ở đây như một chủ đề hay một giả thuyết , đó là phải học cách đọc, phải thực hành đọc, Liệu chúng ta có khả năng làm được điều đó không ? liệu cuối cùng chúng ta có thể học được cách đọc như Derrida đã từng có? Đó chính là một nhiệm vụ và là một trong những di sản mà Derrida đã để lại cho chúng ta.

————————-


Dương Thắng dịch từ “ Apprendre à lire enfin” của Geoffrey Bennington , trong “ Le Dossier : Derrida en héritage ” . Le Magazine Littéraire. No 498.Juin 20

Phong cách của hưởng thụ






T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa


Vấn nạn lớn của các đại gia là họ tiêu xài đồng tiền họ chưa kiếm được, để mua những đồ chơi họ không cần, để gây ấn tượng với những người họ không ưa.

 


Tôi cười lớn khi ông boss của Luxury Guide và Robb Report nhờ tôi viết bài. Với dáng điệu lè phè bình dân, tôi thích hợp với các quán vỉa hè hơn là Café Armani ở Vincom Center. Tôi liên tưởng đến lời của Warren Buffett khi thiên hạ phẩm bình về các bộ áo quần nhăn nheo cũ kỹ,”Tôi mua đồ xịn đắt tiền đấy chứ. Nhưng khi tôi mặc vô, chúng luôn trông có vẻ rất rẻ tiền.” Bắt con khỉ già làm công tử Bạc Liêu thì óai ăm lắm, nhưng tôi chưa bao giờ quay lưng với thách thức.

Nguồn cội của văn minh

Tôi có một bài viết về lòng tham của con người trong bối cảnh nhố nhăng của xã hội vừa chuyển tiếp. Những Xuân Tóc Đỏ của thời đại Internet và tòan cầu hóa thường táo tợn và nhẫn tâm hơn các tên chụp giựt và cơ hội của thời Vũ Trọng Phụng. Danh từ “kinh tế thị trường” được bóp méo để tượng trưng cho chủ nghĩa của đồng tiền dơ bẩn.

Dĩ nhiên, là một tên tư bản ngoan cố, tôi phải biện hộ cho sự ngay thẳng của thị trường và tiền bạc. Nguyên nhân chính mà văn minh nhân lọai đạt đến đỉnh hiện nay là do sự thúc đẩy của lòng tham. Những quyền lực, danh vọng và của cải của nhân lọai đều phát sinh từ dục vọng. Dù đức Phật có phán là “dục vọng là cội rễ của mọi đau khổ”, hay đức Chúa Trời có đặt “tham lam” vào mười điều răn cấm, thì con người vẫn thỏai mái theo đuổi dục vọng của mình. Mỗi người một kiểu, nhưng tựu trung, vẫn là một cuộc chạy đua của những con chuột hôi hám (the rat race). Và ai chết đi với nhiều đồ chơi nhất thì người đó thắng (he who dies with the most toys wins).

Ngay cả các nền văn hóa cao cấp nhất của nhân lọai cũng nhờ vả rất nhiều vào tiền bạc và quyền lực của các nhà bảo trợ. Không có hòang tử Colloredo hay công tước Waldstein, chúng ta sẽ không thưởng thức được Mozart và Beethoven. Không có đế chế của Florentine, ta sẽ tìm đâu ra các tác phẩm nghệ thuật của Da Vinci hay Michelangelo. Trường thiên “Les trois mousquetaires” được Dumas dựng nên từ những cảm hứng của triều đại Louis XIII.

Tôi cũng không dấu diếm là suốt 42 năm lăn lộn trên thương trường, lòng tham vô đáy là cú hích bắt tôi phải đứng dậy tiếp tục cuộc chơi cho đến mức thành công. Dĩ nhiên, nó cũng dẫn đến nhiều thất bại điên rồ (ngực tôi vẫn còn vết mổ tim để minh chứng). Tôi sắm chiếc Lamborghini vào năm 33 tuổi, tôi bỏ hơn vài trăm ngàn dollars để mang một siêu mẫu Venezuela qua Paris chơi hai tuần, tôi lên báo Mỹ tuyên bố vung vít về thành quả của công ty tại Trung Quốc (tôi ví mình là người mở đường cho IT ở đây), tôi hoang phí sức khỏe trong những party thâu đêm hay những chuyến bay liên lục địa mỗi tuần. Tôi tạo nên những kẻ thù không cần thiết. Tất cả để “khoe” với thế giới là tôi đã “đạt” (arrived).

Phong cách của kiêu căng

Nói vậy để thấy rằng tôi rất thông cảm với những khoe khoang của người đang giàu có. Sĩ diện là một văn hóa lớn và lâu đời của các quốc gia Đông Á. Một thói quen thông dụng khi có tiền, có danh hay có quyền là thích khoe khoang, hay nói lịch sự hơn là thích biểu hiện, những gì mình vừa chiếm hữu, dù hợp pháp hay không. Thực tình, đây là một hành xử rất quen thuộc với mọi đẳng cấp thượng lưu trên thế giới. Vì ai có tham vọng và may mắn để sở hữu những chiến lợi phẩm đều có mong ước là mọi người phải chiêm ngưỡng và ghen tị với họ. Sự kiêu căng do lòng tự ái cao độ là căn bản của văn hóa sĩ diện nói trên.

Tuy nhiên người Âu Mỹ giỏi hơn trong việc đè nén sự phô trương quá mức thường thấy ở các đại gia Á Châu, nhất là ở những nhân vật mới giàu của các xã hội mới nổi như Trung Quốc và Việt Nam. Trong khi các triệu phú Âu Mỹ thích biểu hiện quyền danh và của cải tại những Câu Lạc Bộ rất riêng tư, kín đáo của tầng lớp giàu và nổi tiếng, thì các đại phú gia của Việt Nam thích biến những họat động cá nhân thành những sự kiện PR với sự tham dự đầy đủ của mọi mạng truyền thông. Hào quang phải được phát tán đến đầu đường xó chợ khắp xứ sở mới thỏa mãn được lòng tự kiêu, hay tiếng kêu, vĩ đại của các con ếch trong trận mưa rào hiện nay.

Và đại đa số người dân thường tán thưởng các màn trình diễn ấn tượng này. Những bài viết trên các báo về những nhân vật nổi tiếng và thú ăn chơi của họ, cùng hình ảnh diễm kiều của các chân dài bao quanh là những bài viết có nhiều độc giả hơn hẳn các mẫu tin về chính trị, kinh tế hay xã hội. Dĩ nhiên ai mà không ham muốn những tràng pháo tay nồng nhiệt đó?

Bối cảnh của hưởng thụ

Nhưng dù đồng cảm, tôi cũng vẫn có chút ngượng ngùng khi liên hoan cùng các bạn thành đạt của tôi trong môi trường hiện tại. Chiếc xe Rolls-Royce có vẻ lạc lỏng cạnh con trâu mệt mỏi giữa những mái tranh nghèo. Chiếc du thuyền Ferretti trông quá hách dịch cạnh chiếc xuồng câu trên giòng sông đục bẩn. Cái bể bơi cạnh biển ở Ana Mandara thấy sao trần trụi khi bị cặp mắt buồn bã của chú bé hốt rác nhìn vào từ rào tường. Một cô bé thật xinh với chuỗi ngọc Cartier và bộ veste Versace qua một khu phố ổ chuột có vẻ như thách thức lòng tự ái của mọi người.

Những trò chơi gọi là để biểu hiện “phong cách” hay “đẳng cấp” của những người may mắn ở Việt Nam dường như không hợp lúc, không hợp chỗ, không hợp thời. Chúng có vẻ gượng gạo, ép uổng như một vở kịch không bố cục, dựng lên trong vội vàng.

Có thể tôi đã già và thời oanh liệt của mình đã qua. Chắc tôi phải ra khỏi sân khấu để nhường chỗ cho những tài năng mới? Tôi đồng ý, nhưng xin thốt lên vài câu “cương bậy” với những người còn đang chơi.

Các bạn ơi, hãy nhớ là cuộc chơi nào cũng kèm theo những hóa đơn khá đắt. Thời vàng son lúc nào cũng qua nhanh và mưa bão lúc nào cũng đến sớm hơn dự đóan. Tuy nhiên, thất bại thực sự là người bạn tốt. Nó sẽ mang bạn về với thực tại và dạy dỗ uốn nắn những kỹ năng còn thiếu sót. Nó sẽ rèn luyện cho bạn đức tính kiên nhẫn, cần cù và lòng tha thứ, nhất là cho mình.

Tôi nhận chân rất trễ rằng những gì đẹp và bền vững là những gì đơn giản, êm nhẹ, luôn luôn bên mình mà không cần phải mua hay thâu tóm. Những buổi sáng sớm đi dạo một mình trên bờ biển vắng; những buổi chiều mưa mù trời bên gác nhỏ với con; những đêm khuya đọc sách nhớ lại chuyện xưa khi vung tay khua kiếm. Đó là những thú vui nhỏ bé của tuổi già và của giá trị thực sự trong đời sống.

Tôi học được từ một người bạn già và may sẵn cho mình một bộ complêt thật đẹp để mặc vào khi chết. Bộ áo quần này không có túi. Nó nhắc nhở tôi rằng tôi sẽ không đem đi được gì khi trở về với cát bụi.

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là aphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

NIỆM THỨC



Ơi người!
Cội nguồn con sông ác
Lớp lớp người thỏa mãn cái tôi

Cái tôi càng cao

Cái ác càng dầy
Ác lặn vào máu
Hồn nhiên, hồn nhiên

Ác lặn vào máu

Hồn nhiên bất diệt
Ác lặn vào máu
Hồn nhiên , hồn nhiên

Ác lặn vào máu

Hồn nhiên bất diệt
Ác lặn vào máu
Hồn nhiên , hồn nhiên

Nguyên trinh ngơ ngác

Ý thức chăng cái ác hồn nhiên

Ai thế chân em nguyên trinh ngơ ngác

Để em dầy dặn hồn nhiên ác đường đời
Xin chúc phúc cho nguyên trinh ngơ ngác
Tôi ý thức được tôi ác hồn nhiên




Hoàng Thị Kiều Anh

BÍ ẨN ĐỜI SỐNG

     


Chỉ có sự bí ẩn của đời sống mang lại cho ta khát vọng, niềm cảm hứng và nỗi an ủi.
 Đúng thế đấy. Một hôm nhận được thư của một độc giả  không quen biết:” Trước kia tôi cũng từng viết nhiều bài đầy khắc khoải như cô, nhưng bây giờ đã già rồi, lửa đã tắt, không viết được nữa…” Hay lần khác, cũng vì „văn chương chữ nghĩa” một người muốn gặp khi biết tôi đang ở nơi đó, và tôi đồng ý. Ông mang đến cho tôi một bó hoa rất to, không biết cầm thế nào và sau đó không biết để đâu? Chắc tôi đã làm ông thất vọng vì sự „xa cách lãnh đạm” không „thi ca”chút nào của tôi, khi tôi đề nghị chỉ xưng hô” anh, tôi, chị” và …thế thôi: gặp nhau trên mail… Nhưng chắc chắn tôi đã bị ghét, không nhiều thì ít, khi một lần từ chối không”chấp bút cùng nhau” với một người cầm bút khác.
Cái gì xảy ra vậy? Mày lại mắc bệnh tự kiêu tự phụ tự thỏa mãn của những kẻ hay dây dưa vói chữ nghĩa chăng? Không, chỉ vì một buổi„tự dưng” nhận ra mình chán sự quanh quẩn trong những quan hệ người, cứ quay vòng tròn lẫn nhau và vì nhau. Đúng thế,  có chạy đi đằng giời cũng không thoát khỏi mặt đất này, nhưng…chán. Vì đời sống đột nhiên trở nên trần trụi, cứ muốn diễn ra, cứ lộ nguyên hình trên một mặt phẳng, trong một cái khung, cùng một lúc, và rõ mồm một chỉ có ngần ấy …
Tôi nhớ tới một bộ phim đã từng làm tôi rất kinh ngạc: như  trên một sa bàn, hay đơn giản hơn, như trên một sân khấu, cùng lúc tất cả các nhân vật xuất hiện và tất cả mọi người cùng lúc làm những việc họ muốn. Chỗ này ăn, chỗ kia đánh nhau, chỗ nọ nhảy múa hát, chỗ ấy cày cuốc, chỗ đó yêu đương…Có một thời gian, tôi nhớ mình đã rất ”khoái chí” vì cái cách đặt vấn đề „hợp lý” đến như vậy, để tuốt lên mặt mâm trình bày, có gì ghê gớm đâu mà phải dấu diếm hoặc quan trọng hóa, nhân cách hóa, lý tưởng hóa?

Nhưng nỗi buồn, dấu đi đâu những nỗi buồn hả con người? tôi dám chắc rằng ai cũng có những nỗi buồn như tôi thuở ấy. Nó chỉ chấm dứt từ khi tôi gặp bác Hamvas Béla. Đúng thế, khi bác chỉ cho tôi: trái đất đã bị cắt đôi, con người đã bị cắt đôi, chỉ biết về một nửa bản thân mình, bởi  thế giới bên kia,  mặt  vô hình của sự sống đã bị”đánh cắp”.
Tên trộm nào làm điều đó vậy? Tên trộm duy nhất chính là ta, là con người, là chính mình, trong lúc quẩn quanh với miếng ăn hàng ngày, đã tưởng đời người sinh ra chỉ để vật lộn kiếm miếng ăn để sinh sôi nảy nở và chết đi vô nghĩa.  Và  những nỗi buồn đọng le lói không chịu tắt trong mỗi con người đã cứu sống nó. Con người đi tìm sự vắng thiếu của mình.
Tất cả những ai hiểu ra điều này, bỗng một ngày trở nên lãnh đạm. Không phải vì nó đã hóa đá vô cảm trơ trơ, mà đơn giản chỉ vì nó bắt đầu tĩnh trí, định trí. Và muốn thoát ra khỏi sự quanh quẩn „dàn hàng ngang” mà tiến trong cõi người. Nó trở nên xa lạ, xa cách, xa xôi, sa sầm, xa lắc…với trước hết chính mình.
Mọi cụ thể đột nhiên biến mất. Có thể tìm thấy gì trên mặt đại dương mênh mông vô tận, vô ích mắt đăm đăm? có thể gọi tên được chăng cảm giác tràn ngập một hình bóng, tính tình, giọng nói…vô hình trong tâm tưởng, khi nhớ đến một người, khi không hiểu tại sao, một ngày bỗng hình bóng ấy choáng ngợp cả tâm trí, trong từng khắc giờ trôi nhanh của ta? Cái gì vậy, cảm giác này? Đấy là ai? Sao con người suốt đời cứ mắc vào linh cảm đi tìm ai?
Trôi dạt, chỉ khả năng trôi dạt phù hợp với cảm giác này, có lẽ thế nên người ta lưu lạc tứ phương,  chỉ lưu vong - hiện trạng phổ biến hôm nay của thực tại người chứa chấp toàn bộ các tầng, các thang bậc tình cảm của mỗi kiếp sống, có phải thế không?
Tôi nhớ mình đã gặm nhấm rất lâu rất nhiều ngộ nhận. Đi từ lầm lẫn tìm kiếm này đến lầm lẫn tìm kiếm khác, mỗi lần dừng chân, lại thổn thức sống rất lâu trong góc hẹp đó, của một giới hạn cụ thể, rồi lại bỏ đi, cứ miên man, cứ lần hồi như thế…
Trong từng giây phút sống cụ thể hay chỉ trong hiển hiện tâm tưởng cũng thế thôi bạn ơi.  Chừng nào ta chưa vượt hẳn lên, cao hơn hẳn hiện tại, cứ như đã chắp cánh bay cao vút lên trời xanh như đôi cánh chim, vượt cao quá những ngọn cây cao nhất, và lẫn vào những tầng mây thăm thẳm của bầu trời vô tận…
Để đôi khi thầm thì tự hỏi mình: Ta đã dứt được một chút tình mặt đất? hay chỉ mở rộng hơn tấm lòng ôm ấp toàn bộ trời đất? Không biết!
Ôi, ta  đang đón chờ  gì sẽ đến với linh hồn ngơ ngác hôm nay đây?
( Nguyễn Hồng Nhung. 2013)

Nghệ thuật sống và nghệ thuật chết


Nghệ thuật sống ít khi "hoàn hảo" như nghệ thuật chết.
Nhưng nó sống !
Nghĩa là gì ?
Người đời, chẳng cần nghe ai tán, dễ dàng ghi tâm một giai điệu, một giọng hò, một điệu múa, một tia mắt, một vành môi, e tutti quanti.
Chẳng mấy ai nhớ nổi một khúc, thậm chí, một câu văn ! Nhất là khi nó hơi bị thừa chữ…
Thật đấy ! Bạn có thể nói chăng rằng phđ đã từng viết câu văn này : e tutti quanti ? Hè hè…
Ngôn ngữ viết là ngôn ngữ đã chết. Chết đi chết lại quá nhiều lần. Quá Lâu.
Vậy, ta nên viết ngăn ngắn thôi. Chết dài dài, chán lắm.
Nhất là với bọn trẻ con.
Chúng nó mà chán, ta khó lòng tồn tại ở đời.
Nếu có thể, thì làm thơ, dễ nhớ hơn nhiều. Hè hè.
Sức sống đặc thù của ngôn ngữ viết ? Tuy đã chết, nó vẫn có thể sống lại !
Nhờ thế, nó có thể ở đời hàng thế kỷ.
Cứ coi Pythagore (!!! hè hè) thì thấy !
Để ở đời, ngôn ngữ viết phải có khả năng tái sinh trong tấm lòng, lý trí hay tâm hồn người khác.
Khó đấy, bạn mình ơi.
Hè hè.


Phan Huy Đường