Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Nhà văn Trang Thế Hy và thơ triết luận về thân phận con người, cuộc đời



Bước qua tuổi "U 80", nhà văn Trang Thế Hy mới xuất bản tập thơ đầu tay mang tên: "Đắng và ngọt". Đây là tập thơ song ngữ Việt - Anh do NXB Thanh Niên ấn hành vào tháng 12/2009. Nhà văn Trang Thế Hy từng nổi tiếng với những tập truyện ngắn như: Mưa ấm (1981), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ mười ba (1989), Tiếng khóc và tiếng hát (1993), Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (2008),... Đọc thơ của Trang Thế Hy, người yêu thơ cảm nhận được một phong cách thơ mang tính triết luận với tư duy thơ thâm trầm, sâu sắc về thân phận con người và cuộc đời. Tư duy thơ của Trang Thế Hy khỏe khoắn, câu thơ co duỗi linh hoạt, thấm đẫm chất văn xuôi, nhưng vẫn giữ được chất thơ ẩn chứa trong hình tượng chủ đạo của bài thơ.
Đã gần 18 năm, kể từ ngày nhà văn Trang Thế Hy rời Thành phố Hồ Chí Minh về sống ẩn cư tại quê nhà ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Những người yêu mến Trang Thế Hy có nhiều cách nhìn, cách lý giải khác nhau về việc ẩn cư của ông. Trang Thế Hy thì cho rằng việc này chính là... "đi chỗ khác chơi". Ông cho biết: "Tôi có được suy nghĩ này từ lời khuyên của một nghệ sĩ già, ông bảo: khi nào con viết hết được rồi thì nên biết đi chỗ khác chơi, đừng có bẹo hình bẹo dạng trong chốn trường văn trận bút, nhất là đừng để cho những người yêu mến mình phải đọc những câu lếu láo". Những lần ghé thăm và trò chuyện cùng Trang Thế Hy, tôi cảm nhận được sự hóm hỉnh, tính cách ung dung, tự tại và tư duy thâm trầm, sâu sắc của nhà văn Trang Thế Hy về con người, cuộc đời và văn chương nghệ thuật.
Phong thái và cách nói chuyện của nhà văn Trang Thế Hy giống như một hiền nhân hơn là một... nhà thơ. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm nhận được chất thơ thấp thoáng trong từng câu nói, phong thái và kiểu tư duy của nhà văn Trang Thế Hy. Theo cảm nhận của tôi, Trang Thế Hy là nhà thơ "ẩn danh" không chỉ trong cuộc đời mà trong cả trong những tác phẩm truyện ngắn của ông.
Thơ của Trang Thế Hy là thứ thơ đã được chưng cất từ những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc, mang tính máu thịt về số phận con người và cuộc đời. Trang Thế Hy là nhà văn làm thơ nên thơ của ông thường có sự pha trộn giữa giọng điệu của các nhân vật và giọng chủ đạo của nhà thơ để tạo dựng sự đối thoại và sự phức hợp giữa những giọng điệu khác nhau:
"Mẹ dạy:
"Có một thời ông nội cũng thơm bánh sữa như con hôm nay
đó là món quà thời gian tặng ông nội cách nay bảy mươi năm
"Thời gian như trẻ con hả mẹ,
Vui thì cho, giận thì đòi lại?"

(Lời dạy của mẹ về thời gian và văn minh)

"CHÀNG thấy NÀNG đẹp rồi chàng mới yêu,
Anh thì ngược lại,
anh yêu em trước rồi sau đó mới biết rằng em đẹp"
Lời nói dối ngược ngạo luật phản xạ của anh chồng
làm ửng hồng đôi má cô vợ trẻ.

(Lời nói dối nhân ái)
Trang Thế Hy thường sử dụng một vài yếu tố của cốt truyện, trong đó có sự đối thoại giữa các nhân vật để mở rộng cách nhìn, cách cảm về con người, sự vật. Tính triết luận trong thơ Trang Thế Hy không phải là sự triết lý khô khan mà chính là sự thăng hoa của cảm xúc, sự tan chảy của trí tuệ và sự chân thành của tiếng nói trái tim con  người:
"Miếng bánh mang dấu răng NÀNG  nằm buồn hiu
và khô queo trên mặt dĩa đầy xác kiến.
NÀNG đã từng cắn CHÀNG và CHÀNG biết răng
NÀNG không có độc.

Vậy cớ sao dấu răng NÀNG trên miếng bánh bị bỏ
quên lại tiêm vào tâm hồn CHÀNG một giọt nọc
không bao giờ tan của nỗi đau tuyệt ngọt?"

(Dấu răng)
Nỗi nhớ nhung
từ trái tim
chảy tràn xuống trang giấy thành thơ. 

Nàng ngỡ đó là định lý, nên thích lưu đày chàng
thật lâu trong cõi nhớ để gặt được nhiều thơ
nói về nàng.

(Định lý và định lý) 
Cái lạnh buồn của buổi chiều ẩm ướt giữa mùa mưa gợi lên trong tâm hồn người chuẩn bị biến thành tro câu tự hỏi không có lời giải đáp:
"Người bạn đường quyến rũ và tráo trở có tên là HY VỌNG
còn đang đi với ta hay đã bỏ rơi ta để đỏng đảnh với ai rồi?"

(Người bạn đường có tên là hy vọng)
Tư duy triết luận của nhà văn Trang Thế Hy không chỉ bộc lộ trong truyện ngắn, trong thơ mà còn biểu hiện qua những cuộc trò chuyện với mọi người và các cuộc trả lời phỏng vấn. Theo quan niệm của ông, nhà văn, nhà thơ không chỉ là người biết ứng xử có văn hóa mà còn phải biết gìn giữ nhân cách của mình trên từng trang viết, từng tác phẩm. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Trang Thế Hy từng thổ lộ: "Cái gì mình không yêu mến hay chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu mến nó. Tôi luôn luôn tự dặn dò mình như vậy cả trong cuộc sống, chứ không phải chỉ khi viết văn thôi".
Nhà thơ không phải là người viết nên những câu thơ có vần điệu du dương, bay bổng mà chính là người phát hiện và khắc họa được chất thơ trong thẳm sâu tâm hồn con người và thế giới bí ẩn của sự vật, thiên nhiên. Nhìn ở góc độ bản chất của cơ chế sáng tạo thi ca, Trang Thế Hy là một nhà thơ theo đúng nghĩa - dù ông dành nhiều tâm huyết và thời gian cho công việc sáng tác truyện ngắn.
V.T.C

NGỤM BUỒN EM GIẤU DƯỚI ĐÁY SÔNG




Ngụm buồn em giấu dưới đáy sông
Bao tháng năm yên ngủ
Bất chợt một hôm giật mình tỉnh giấc
Hốt hoảng nhả từng ngụm buồn
Trừng lên vỡ tan thành con sóng
Rượt đuổi theo nhau khao khát khuấy động bến bờ

Tôi mơ màng đi giữa dòng sông
Đắm đuối vớt trăng trong cơn say phiền muộn
Chạm những con sóng luân hồi từ đáy dòng sông dâng hiến
Để ngã nhào theo đuổi bóng trăng tan

Tôi lịm dần trong mơ màng đắm đuối
Rã rời tan dưới đáy lòng sông
Chợt bàng hoàng với từng luồng sinh khí
Những ngụm buồn lặng lẽ áp môi hôn

Tôi trở về bên bến bờ cô độc
Ngắm trăng soi trên mặt nước yên bình
Và khờ khạo từng đêm chờ đợi
Ngụm buồn em giấu dưới đáy sông

VUI BUỒN MỘT CHYẾN ĐI





Vào đầu thập niên 90, tôi được một anh bạn là giám đốc một công ty quốc doanh đài thọ một chuyến đi Nam-Bắc. Vào lúc đó, các doanh nghiệp quốc doanh của tỉnh, bước vào cơ chế thị trường hầu hết đều sập tiệm, riêng doanh nghiệp của anh bạn thì vẫn còn trụ được. Đó cũng là nhờ vào sự năng nổ của anh. Anh đã chạy vạy khắp cả nước để tìm kiếm hợp đồng, tìm công việc nuôi bộ máy của mình.
 Anh H. chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, gia đình anh và gia đình tôi cũng là chỗ quen biết. Sau loạt bài về Lương y Huỳnh Thúc Sỹ, tôi qua lại với anh nhiều hơn vì mẹ anh là một trong những bác sĩ đã cung cấp những thông tin rất quan trọng. Anh lo cho tôi đi chuyến này là mong tôi có nhận thức đầy đủ hơn về tình hình của đất nước giai đoạn này.Nhưng anh lại buộc tôi phải hứa là : không được viết gì!. Tôi đã chấp nhận. Chuyến đi đã để lại cho tôi một ấn tượng khá quan trọng, khiến tôi hiểu rõ hơn về tình trạng tham nhũng nhưng tôi đã thực hiện đúng lới hứa, cho đến bây giờ. Tôi chỉ viết về những nghĩa cử rất đẹp mà trong chuyến đi tôi ghi nhận được và đăng trên báo tỉnh.

Đó là chuyện, ngày chúng tôi đến Huế. Trong cái lất phất của mưa xuân
“… mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao…

Chính lúc đó tôi mới cảm nhận được hết vẽ đẹp giai điệu " Diễm xưa" của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Hẳn nhiên chúng tôi ghé vào Tham quan thành nội để hiểu biết về kiến trúc cung đình xưa. Trong thành nội có một điểm bán sách và tôi lại là người mê sách nên ghé vào. Tôi mua một cuốn sách về  viết về Huế với giá bìa là 15.000đ. Tôi đã đưa tờ 20.000đ rồi đi vội theo anh em trong đoàn( anh em công nhân đi làm). Chị bán hàng lu bu vì đông khách nên cũng không kịp thối tiền cho tôi. Với tôi, 5.000đ cũng không là lớn nên tôi cũng không chờ chị thối lại tiền. Chúng tôi đi vòng vo hết mọi nên, hơn tiếng sau chúng tôi mới ra cổng và tôi hầu như quên bẳng cái chuyện mua sách. Vừa ra đến cổng, chị bán sách dường như đã đứng đợi từ lâu, thấy tôi chị mừng rỡ bước đến, nhỏ nhẹ nói :
-         “ Xin lỗi chú, lúc nãy tôi chưa kịp thối tiền cho chú”.
Quả thật tôi đã ngỡ ngàng, rồi mới nhớ lại việc tôi mua sách. Chị trao tôi tờ 5.000đ và lặp lại lời xin lỗi. Tôi cầm tiền, chỉ cười mà không biết nói gì cả. Khi chị bỏ đi, tôi mới vội chạy theo gọi chị để nói lời cám ơn và xin chị cho biết tên họ. Chị cười và lắc đầu rồi đi vội vào trong.
Câu chuyện thứ hai, khi chúng tôi ra Hà Nội. đúng vào cái rét nàng Bân- năm đó lạnh chỉ còn 8 độC.Hẳn nhiên, với người miền Nam như tôi thì đó là cái lạnh run người nhưng có lẽ dễ chịu hơn cái lạnh ở quê tôi bởi sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm .. Quê tôi, mùa đông năm 76 ,đêm nhiệt độ  xuống15- 18 độ,  ba tôi chất củi, đốt lửa bên ngoài vách giường ngủ để sưởi ấm cho tôi

Hôm đó,  chúng tôi lang thang phố phường Hà nội- đúng vào lúc chợ Đồng Xuân vừa xãy ra hỏa hoạn. Chúng tôi ghé Văn Miếu, đến Chùa Một Cột, Hồ Tây, đền Trấn Võ- và hẳn nhiên là phải đến Viện bảo tàng Mỹ thuật.
Tôi vào mua vé, người bán vé bán cho chúng tôi 2 vé tham quan,  giá 10.000đ/vé. Tôi mua vé vào đưa cho cô tiếp tân . Cô xem vé rồi nhìn chúng tôi hỏi: các anh ở miền Nam ra phải không?”. Tôi gật đầu. Cô bảo: Sao các anh mua vé này.Đây là vé vào cửa bán cho người nước ngoài. Các anh chỉ phải mua vé 500đ thôi.” Anh bạn tôi nghe nói vậy thì cười bảo : Chắc ông bán vé thấy tụi này giống dân nước ngoài vậy. Tôi bảo : Thôi kệ, mua rồi., vào cửa là được.
Cô tiếp tân, cười nói: Hai bác chờ em  nhé.
Vậy là cô đi thẳng ra quầy bán vé. Cô đổi vé xong cầm vào đưa chúng tôi và cả tiền thối lại. Tôi cầm tiền và cũng chỉ biết nói lời cám ơn. Trong lòng tôi nghĩ : sao có người dễ thương đến vậy? Quan niệm của tôi về con gái Bắc: chanh chua, điêu ngoa vốn từ nhỏ được nghe nhiều giờ như thay đổi hẳn.
Có lẽ, đây là điều thú vị nhất cho chuyến đi “ bụi” Nam – Bắc gần hơn tháng  của tôi.Còn một điều khiến tôi khá thích thú là sự hiếu khách của người miền Bắc và cảm tình của người dân bắc dành cho người miền Nam chúng tôi.
Hôm chúng tôi ra Hà Nội-  vợ chồng người anh bà con của anh S. đã đến tận nhà nghỉ Giảng Võ đón chúng tôi về nhà anh chị chơi. Biết người miền Nam không quen cái lạnh xứ Bắc, anh chị đem theo 2 chiếc áo ấm cho chúng tôi mượn . Anh còn  cho chúng tôi mượn chiếc xe honda- phương tiện để anh đi dạy( anh dạy Sử ở trường Đại học Khoa học Xã hội Hà nội)-cho chúng tôi tiện đi lại.
Quê anh sơn ở Hà Đông- chúng tôi về thăm và lần đầu tiên tôi hình dung rõ nét về “ làng Bắc bộ”. Chúng tôi được tiếp đón ân cần và chu đáo, dù đây là lần đầu tiên anh Sơn qua lại với những người bà con. Dấu ấn dòng họ luôn đậm nét trong suy nghĩ của người miền Bắc không nhợt nhạt như trong Nam. Nghe chúng tôi là nhà báo ở miền Nam ra, nhiều người trí thức của làng  sang chơi và mời chúng tôi về nhà. Tôi nhớ, chú Ba vốn là viện trưởng viện kiểm sát của một huyện – mời chúng tôi về thăm nhà chú. Tôi đã hơi ngạc nhiên bởi sự đơn sơ mang cái nghèo chân chất của người cán bộ miền Bắc. Chúng tôi ngồi trò chuyện trên một chiếc vạt giường kê dưới nền đất nhưng tôi cảm thấy  ấm áp ở nơi xứ lạ quê người này.
Rồi chúng tôi đi thăm mộ gia tộc, nhìn thửa ruộng bé tẹo của mỗi gia đình mà thương cho sự cần cù của người nông dân xứ Bắc.Tôi nghĩ đến những năm tháng chiến tranh hẳn người miền Bắc phải chịu đựng biết bao gian khổ.
Từ giã những người bà con của anh Sơn, chúng tôi chia tay trong sự tiếc nuối bởi khó có ngày gặp lại nhau.
( còn tiếp)

TÌNH




                              
   Đêm.  

Ngày vui qua mau
Phút buồn dài mãi
Trả về hiện tại
Trong đêm hiện hình
Chỉ mình riêng mình
Đếm thầm giọt nhớ
gió khe khẽ thở
Nuối tiếc điều chi?
Để lá thầm thì
Ru hoài không ngủ!
Nụ quỳnh bừng nở
Cho sương đọng nhờ
Màu trắng thương mơ
Vương hoài tiếc nuối!
Đêm ơi đừng vội
Cho quỳnh dâng hương!

Thu NguyenthiKim



Tình


Tình vốn không màu
Nên nào nhạt phai
Không vn hình hài
Đi về phiêu linh
 
Bước trong cõi tình
Nhẹ như hơi thở
Cửa tim đóng mở
Giữ lại được gì?
 
Đời người mấy khi
Đam mê quyến rủ
Khát khao vẹn đủ
Yêu thương hội tụ
 
Bên đời không mơ
Mất còn hờn tủi
Gần gũi xa xôi
Một cõi thiên đường

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Dinh thự độc đáo với kiến trúc đối xứng


Dinh thự đầy phong cách với hào nước tuyệt đẹp bao quanh.
 Trước mắt các bạn là khung cảnh nhìn từ trên cao của một trong những dinh thự đẹp nhất Miami (Mỹ). Đây là một thiết kế ngoạn mục của kiến trúc sư Charles Sieger. Dinh thự tuyệt đẹp này được thiết kế theo phong cách đối xứng.


Nếu để ý, bạn sẽ thấy ngôi biệt thự này được thiết kế một cách đối xứng.

Con đường duy nhất để vào căn biệt thự có những luống cây xinh xắn 2 bên.
Toàn cảnh mặt trước của dinh thự.
Hồ cá Koi là một điểm nhấn thích mắt ở mặt trước ngôi nhà.
Giữa hồ bơi có vòi phun nước.
Chốn thư giãn bên hồ xanh trong.
Phòng bếp siêu sang trong dinh thự cuốn hút ánh mắt mọi người từ cái nhìn đầu tiên.
Phòng khách rộng rãi, thanh lịch mà kiêu sa.
Nội thất cổ điển.
Vào gian phòng nào ta cũng phải choáng ngợp về độ hoành tráng.
Được chụp ảnh, quay phim tại một địa điểm đẹp như thế này quả là rất tuyệt. Nghệ sĩ Rap Birdman từng 'đốt cháy' ngọn lửa âm nhạc của mình tại đây.

Chiến Tranh


Thơ Thái Bá Tân
57
Tôi biết nói gì về chiến tranh?
Bẩy mốt tuổi bác tôi vào Quảng Ngãi
Từ Nghệ An tìm xác con, trở lại
Với một gói xương mùn trên vai.

Quảng Ngãi - Nghệ An đường khó và dài,
Bác tôi cõng, đưa con về đất tổ,
Vâng, người con lẽ ra nuôi cõng bố...
Tôi biết nói gì về chiến tranh?


58

Tôi biết nói gì về chiến tranh?
Năm 67 nhà tôi ba lần sập.
Tôi thoát chết, thằng em tôi bị lấp.
Qua một năm mà mẹ tôi lưng còng.

Bây giờ nhà tôi đã dựng xong.
Tất cả hầu như xưa, có lẽ.
Chỉ cái lưng của mẹ tôi vẫn thế.
Tôi biết nói gì về chiến tranh?

59
Tôi biết nói gì về chiến tranh?
Em tôi sinh đúng khi nhà bom nổ.
Mẹ tôi ngất, bụi bám đen người nó.
Nhưng lạ lùng nó sống tận hôm nay.





Ốm, thần kinh, yếu gầy -

Mười lăm tuổi, em tôi chưa biết nói,
Và tất nhiên không bao giờ biết nổi
Thế nào là chiến tranh.

60
Tôi biết nói gì về chiến tranh?
Anh trung sĩ phục viên gặp vợ
Sau mười năm - buồn vui bỡ ngỡ,
Bỗng bàng hoàng biết vợ mới sinh.

Năm năm chung sống hòa bình,
Anh trung sĩ không cho con gọi bố.
Họ cùng sống, ba người ba nỗi khổ,
Cái khổ những ngày sau chiến tranh.

61
Tôi biết nói gì về chiến tranh?
Nhiều cô gái rất ngoan và có lẽ
Cũng rất xinh, nhưng chiến tranh, cứ thế,
Cứ thế mà vui, mà muộn chồng.

Là một trong nghìn, trong triệu đàn ông,
Tôi cứ nghĩ không hiểu sao, điều đó
Có thể lỗi một phần tôi, dù nhỏ...
Tôi biết nói gì về chiến tranh?

62
Tôi biết nói gì về chiến tranh?
Khi làng tôi, cả bây giờ cũng vậy,
Cũng như xưa, đi khắp làng chỉ thấy
Phụ nữ, trẻ con và người già..

Biết nói gì? Khi đâu đó xa xa,
Mỗi lần nghe máy bay, thấy khói,
Là mẹ tôi nhìn tôi lo lắng hỏi:
Không lẽ, lạy trời, không lẽ lại chiến tranh?





63

Tôi biết nói gì về chiến tranh?
Vâng, nói thẳng như một người chân thật,
Khi đất nước những ngày gian khổ nhất,
Tôi đã mừng được tới học đất Nga.

Và học song, cũng là khi nước nhà
Được thống nhất, chiến tranh kết thúc.
Nhưng trong tôi, chiến tranh còn tiếp tục -
Giữa tôi cuộc đời và tôi lương tâm.

64
Tôi biết nói gì về chiến tranh,
Cả chiến tranh thiêng liêng, vĩ đại?
Anh chiến đấu, hy sinh và mãi mãi
Mọi người sẽ nhắc tên?

Chưa bao giờ là thằng hèn,
Tôi không muốn làm anh hùng, được nhớ.
Tôi cầm súng nếu cần, nhưng vẫn sợ,
Và ghét vô cùng các loại chiến tranh.

Phú Quang: Đắp tượng đài cho những người tình bằng âm nhạc


PNCN - Phú Quang lúc nào cũng mặc đẹp, ngồi quán cà phê đẹp, xung quanh là những phụ nữ đẹp. Có nhà báo nói đùa, mỗi đêm nhạc Phú Quang hết mấy dãy ghế là tình cũ, vừa nghe nhạc vừa rút mùi-xoa chấm nước mắt (hẳn do đinh ninh những tình khúc đó là về mình?).
Đàn ông kỹ lưỡng từ áo chemise ủi thẳng nếp, túi xách sang trọng (một cách kín đáo), đến chiếc bật lửa, cái bút… mang theo phải “đủ chuẩn” lịch lãm - hẳn phải là người yêu bản thân lắm. Thế nhưng trong các câu chuyện của Phú Quang, luôn có gì đó thật cay đắng, ẩn sau những hài hước, những cố tình diễu nhại chính mình và sự đời…


Còn nhớ, vào trước buổi diễn đêm nhạc Phú Quang tại Nhà hát Hòa Bình TP.HCM (tháng 4/2011), nhạc sĩ phải đi cấp cứu. Những người vào thăm kể, tình trạng sức khỏe của ông thê thảm lắm. Trước đó, ông vẫn bị bạn bè tếu táo gọi là “chủ tịch hội tiểu đường VN” (Phú Quang chung sống với bệnh đái tháo đường suốt 20 năm nay, lại hay khoe “có một đống u cục trong người”) - nên những người yêu mến ông không khỏi lo lắng. May mọi chuyện lại ổn. Lần này gặp lại, thấy Phú Quang tóc (nhuộm) đen nhánh, da dẻ hồng hào, phục sức thời trang, trẻ trung hơn rất nhiều so tuổi thật. Câu chuyện với ông bắt đầu bằng chủ đề sức khỏe và chợt nhận ra lý do Phú Quang vượt qua được những lần bạo bệnh có vẻ như không phải nhờ yoga như ông nói; mà hình như nhờ chính “màu” thanh xuân trong tinh thần và cách sống của ông.



Cuộc đời bị thử thách đến tận cùng

* Quá nhiều lần bệnh tật, ông có còn bị sốc khi nghe những chẩn đoán xấu của bác sĩ về sức khỏe của mình?

- Ngày xưa bác sĩ từng bảo, giỏi lắm cậu sống được tới 30 tuổi. Hồi trẻ, tôi đã ốm đau quặt quẹo: gai đôi cột sống, thần kinh tọa, áp huyết cao 180/140… đến nỗi cứ đến trưa là đầu tôi như bốc khói, mạch đập rần rật muốn nổ tung. Tôi luôn đau đớn đến mức mỗi bước chân là một giọt nước mắt phải bật ra. Lần đầu đối diện với cảm giác sinh tử là năm 23 tuổi, tôi bị một khối u ở lưng có chín cái “chân” đã ăn lan vào gần phổi. Phẫu thuật xong, một đoàn bác sĩ của Pháp thăm khám, tôi nghe họ trao đổi riêng với nhau “khổ thân, bệnh nhân trẻ này bị ung thư”. Sau đó, tôi sống trong tâm trạng của người chờ tuyên án tử chính thức. Trong 15 ngày hậu phẫu, chứng kiến sự qua đời của những bệnh nhân cạnh giường mình - cảm giác ở ngưỡng cửa cái chết thật khủng khiếp. May là đến lần xét nghiệm thứ ba, có kết quả là không phải u ác tính. Sau cú sốc năm 23 tuổi, những tin dữ về bệnh tật sau này không làm tôi chấn động như thế nữa. Ngay cả chuyện đời sống cũng vậy, khi bạn đã phải trải qua một chuyện khủng khiếp quá ngưỡng rồi, những tai nạn đều là bình thường, bạn có thể thản nhiên và bình tĩnh đối diện. Cách đây hơn 10 năm, bác sĩ cũng ba lần báo tôi bị ung thư tuyến giáp, chẳng biết có thật hay không nhưng đến giờ tôi vẫn ổn. Người Hà Nội có câu rất hay: “Những thằng hay ăn hay chơi, sống 30 tuổi bằng người 100” - thì tính ra, tôi đã sống quá dài ấy chứ…

* Ông luôn có phong thái như một đại gia nhàn tản, ngoài 60 tuổi vẫn là một trong những nhạc sĩ đắt show nhất, vợ mới thì trẻ đẹp, con cái là nghệ sĩ tài danh… Ông trời đã bù đắp cho sự thiệt thòi về sức khỏe để tặng Phú Quang một đời sống có thể gọi là nhung lụa đó thôi…

- Nhung lụa là cái bề mặt mọi người vẫn thấy, còn phía sau nó là biết bao vết sẹo của sự hồ nghi, tổn thương và vùi dập mà suốt thời trai trẻ tôi đã phải trải qua. Nhìn lại, tôi thấy cả cuộc đời mình đều bị thử thách đến tận cùng. Tôi có câu hát “Một đời đam mê, một đời giông tố”, nó như vận vào mình. Vì thế, âm nhạc là để tôi trả ơn cho những gì tốt đẹp và cả những nỗi buồn mà cuộc đời đã dành cho mình.

* Để vượt qua được “những vết sẹo” của đời sống như ông nói, hẳn phải có một phương cách?

- Để sống được đơn giản, mình là chính mình, khó khăn lắm. Tôi phải tự nhắc mình nhìn cuộc đời bằng cách nhìn của A.Q, để dễ sống. Khi gặp cay đắng quá, tôi thường tự nhủ “Trời có mắt, không phụ ai có lòng”. Hình như bây giờ ông trời ấy nôn nóng khẩn trương hơn? Luật nhân quả không chờ cho tới kiếp sau đâu bạn, vay kiếp này - trả luôn kiếp này đấy! Mình cứ sống cho phải với chính cái tâm của mình.



Tôi rất dễ tổn thương

* Cái tôi cốt lõi của Phú Quang có gì gần với hình ảnh người đàn ông bảnh bao, phụ nữ đẹp vây quanh, dùng đôi mắt A.Q để nhìn cuộc đời?

- Có vẻ như tôi được cuộc đời cho nhiều. Nhưng, cái giá Phú Quang thật sự phải trả lại luôn đắt hơn người khác. Thực tế tôi rất dễ tổn thương, nhưng tự thấy việc chảy nước mắt hay nhận lòng thương hại của người khác là việc đáng xấu hổ nên đã luôn phải tìm cách giấu con người thật của mình, diễn vai vui vẻ và giễu cợt. Tôi không được yên tĩnh lắm, nhưng bộ mặt nhăn nhó hay buồn bã thì hầu như không ai có thể thấy. Bạn sẽ luôn gặp tôi với diện mạo bảnh bao và hài lòng.

* Cái vai diễn vui vẻ và hài lòng ấy hẳn đã làm yên tâm nhiều người và biết đâu cũng là cách ám thị để bản thân sống dễ hơn? Bạn bè ông vẫn bảo, Phú Quang tỉnh táo lắm, ông ta chẳng dại gì mà điên dở kiểu “nghệ khùng” đâu…

- Điên dở có khi chỉ là cái vỏ để dọa ma, nó không quyết định năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ. Cái tỉnh táo nhất của tôi là điều gì đã đổ vỡ, thì không loay hoay tìm cách cứu vãn hay lấy lại, tôi sẽ dùng phương pháp A.Q để khỏi vật vã: mình không có điều đó trong đời, mất công tiếc làm gì!



* Nhưng nếu đổ vỡ lại liên quan đến biến cố cuộc đời của những người khác, thì sự tỉnh táo ấy có khi lại là lạnh lùng nhẫn tâm?

- Có phải bạn muốn ám chỉ đến chuyện tan vỡ hôn nhân của tôi và biến cố lên những đứa con? Có những chuyện thuộc về số phận thì ta dù cố gắng cũng không thể cứu vãn. Tôi đã hết sức thận trọng trước khi sự đổ vỡ xảy ra, còn đến lúc khóc lóc cũng không đem điều gì trở lại được, thì ích gì nếu ta tự mình day dứt? Tôi không quan niệm, phải duy trì cuộc hôn nhân duy nhất trong đời mới là người tử tế. Điều đó trong nhiều trường hợp là áp đặt khiên cưỡng và đày đọa. Với tôi, quan trọng là các con đều trưởng thành lành mạnh, chúng yêu thương và coi bố như người bạn lớn. Và, tôi có thể đàng hoàng gặp tất cả những vợ cũ, tình cũ như bạn bè.

* Một người đàn ông trải nghiệm nhiều cuộc hôn nhân, thì sướng hay khổ?

- Nếu anh ta định có nhiều vợ thì cũng nên lần lượt, chứ đồng thời thì đương nhiên khổ rồi (cười to).

* Những người đàn bà để lại trầm tích sâu sắc trong đời ông, có dễ quên họ được không?

- Tôi đã đắp tượng đài cho những người tình bằng âm nhạc. Theo bạn có thể quên được không?

* Phú Quang không có chuyện tình ái với các ca sĩ (hoặc có mà chưa bị lộ), vì sao nhỉ?

- Khi làm việc với một ca sĩ, nghĩa là phải “bóc” tâm hồn của họ đến tận cùng. Mà tình yêu thì luôn cần những khoảng mờ tối và bí ẩn. Nếu rõ ràng quá như thế, tôi không còn rung động để yêu được.



Không còn thời gian để oán ghét


* Ông bán vé các liveshow của mình thật giỏi, người ghét Phú Quang cũng phải công nhận điều ấy…


- Cũng có không ít nhà sản xuất hỏi tôi “vì sao ông tổ chức bán vé siêu thế?”. Câu hỏi đã cho thấy sự thất bại của họ, bởi băn khoăn gốc rễ phải là “làm thế nào để khán giả xúc động và muốn gặp lại?” thì họ lại không nghĩ đến. Tôi tự hào, vé các đêm nhạc của tôi có thể bị chê đắt, nhưng chương trình Phú Quang thì không có người bỏ về giữa chừng. Người ta cứ nói vì ông Phú Quang quan hệ giỏi, nhiều người nể nang ủng hộ mua vé. Cứ cho là đúng như thế, thì tôi cũng chỉ bán được một lần thôi, hoặc nể quá họ thà cho tiền để khỏi đi xem cho phí thời gian. Làm sao có thể bịp được khán giả suốt hơn 20 năm nếu tôi không hết lòng trân trọng khán giả? Tôi quan niệm trân trọng khán giả nghĩa là mình phải làm tử tế hết khả năng, từ âm nhạc của mình, những yếu tố sân khấu, cho đến tấm vé người ta cầm trên tay…

* Bài hát Điều giản dị của ông có cái tứ rất thú vị: càng xa thì càng yêu. Ông nhận ra điều này từ chia cách nào?

- Tôi viết bài này không chỉ qua chiêm nghiệm về tình yêu trai gái như người ta vẫn nghĩ, mà còn về những điều tha thiết trong cuộc sống. Sẽ có nhiều lúc trong đời mỗi người, đến khi mất mát hay cách xa mới biết là đáng quý. Trường hợp cá nhân tôi thì “càng xa em, ta càng thấy yêu em” là cảm xúc với “người tình” Hà Nội. Chính vì thế, cuối cùng tôi phải trở về, bởi Hà Nội là cội rễ tâm hồn của tôi.

* Trong chuyện tình yêu, ông có phải trải qua mất mát nào mới nhận ra là mình tha thiết?

- Cái gì quý giá, tôi đều tự biết để ý thức giữ gìn. Nhưng tôi không có cái vĩ đại là chết vì mối tình không đạt đến. Nói thật, tôi chẳng mất công đau khổ để yêu những người không yêu mình. Nếu mình không xứng đáng được người ta yêu thì họ cũng không xứng đáng với tình yêu của mình. Ở đây, trường hợp nào thì cũng đủ lý do để không cần tồn tại tình yêu ấy.

* Không còn ở tuổi có thể phung phí năm tháng, ông dành ưu tiên cho điều gì?

- Đã đến tuổi phải bình thản trước mọi điều, tôi vẫn tiếc và lúc nào cũng thấy mình thiếu thốn thời gian. Bây giờ, tôi không còn thời gian và tâm trạng để nghĩ đến kẻ xấu và những chuyện oán ghét nữa. Tôi nhận ra rằng, sống ở đời phải biết, chứ không phải là sống khôn hay sống dại.

* Ông đã từng cho ai đó niềm tin không?

- Có! Tôi đã cho bằng âm nhạc. Tôi nhớ mãi câu chuyện của một bệnh nhân suy thận, cô ấy định tự tử để chấm dứt cuộc sống không lối thoát. Tôi đã tặng cô ấy những album của mình, cô gái nhỏ khóc, nói rằng: “Âm nhạc của chú đã tái sinh cháu, cho cháu biết là không được đầu hàng số phận”. Bạn tin không, cảm giác khi biết âm nhạc của mình đã cứu vớt được cho một ai đó, đấy chính là hạnh phúc!

* Cảm ơn nhạc sĩ Phú Quang về cuộc chuyện trò này.

Quỳnh Lam (thực hiện)

Lá ngô đồng rụng

(Lời bài hát Ca trù)
Tác giả: Khuyết danh 缺名
Dịch Đỗ Quang Liên

梧桐一葉落

天下共知秋

十分明鏡在南楼

鴈聲斷衡陽之浦

孤鶴半江橫白露

牧牛一笛老秋風

姑蘇城外寒鐘

半天落江楓漁火

客遊於赤壁之下

一闌船泛泛過欄杆

少焉月出東山


Ngô đ
ng nht dip lc
Thiên h  cng tri thu
Thp phn minh kính ti Nam lâu
Nhạn thanh đon Hành Dương chi ph
Cô hc bán giang hoành bch l
Mc ngưu nht đch lão thu phong
Cô Tô thành ngoi hàn chung
Bán thiên lc giang phong ngư ha
Khách du ư Xích Bích chi h
Nht lan thuyn phiếm phiếm quá lan can
Thiu yên nguyt xut đông san

Lá ngô đồng rụng

 Khắp nhân gian cùng cảm dáng thu sang; 
Đỉnh lầu Nam vằng vặc ánh trăng vàng, 
Tiếng nhạn vẳng bến Hành Dương vắng vẻ. 
Hạc lẻ sông qua sương trắng rẽ, 
Trâu về sáo vọng gió thu đưa. 
Thành Cô Tô lạnh lẽo tiếng chuông chùa, 
Giữa trời rớt lửa chài phong bến; 
Dòng Xích Bích khách lãng du thầm mến, 
Một lá thuyền bịn rịn vượt lan can. 
Núi đông chợt ló trăng vàng…

Nguyệt dạ ca (2)


Lưu Hương Ký留香記

Tác giả: Hồ Xuân Hương 
胡春香

月夜歌(二) 
花其字兮葩其詩
霞為裳兮雲為衣
亦既遘兮我心則怡
語曷寄兮递遲
愁留湘水聴
悶壓蜀山低
日月兮無根兮
情之所鐘
不知其期



Hoa kỳ tự hề ba kỳ thi 
Hà vi thường hề vân vi y 
Diệc ký cấu hề ngã tâm tắc di 
Ngữ hạt ký hề thê trì 
Sầu lưu tương thủy thính 
Muộn áp thục sơn đê 
Nhật nguyệt hề vô căn hề 
Tình chi sở chung
Bất tri kỳ kỳ

Dịch Bùi Hạnh Cẩn

Bài ca đêm trăng (2) 
Hoa làm chữ chừ, nhụy làm thơ, 
Ráng làm xiêm chừ, áo là mây, 
Cũng đã gặp nhau chừ, lòng ta vui vầy; 
Lời gửi chừ sao chậm chầy; 
Sông Tương nghe buồn chảy, 
Non Thục sầu nên đầy; 
Trời trăng chừ không gốc chừ, 
Chung đúc mối tình,
Biết bao giờ đây?

Cầu vồng tháng bảy






Tháng bảy mặt trời ngỡ ngàng treo nắng
Cho ta  lóng ngóng  đợi cầu vồng
Mưa ngâu chưa đến tình đã tắt ?
Nửa mảnh tim yêu đã lụi tàn.

Thu về mang lá vàng ủ ấm
Nhặt mảnh tim khô đốt chút tình
Niềm tin bật lửa run rẩy cháy
Hoài nghi lặp lòe thả nhớ bay

Trời vẫn vô thường mây che nắng
Lá vẫn vô tình xây mộ vàng
Bờ vai gầy guộc nào đủ chắn
Cơn giông tháng bảy đến sỗ sàng

Mưa ngâu đến cầu vồng có bắc
Em có cùng tôi bước qua sông?
Lửa tình sợ hãi rồi sẽ tắt
Còn mảnh tim nào để đớn đau.