Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Nhà văn Trang Thế Hy và thơ triết luận về thân phận con người, cuộc đời



Bước qua tuổi "U 80", nhà văn Trang Thế Hy mới xuất bản tập thơ đầu tay mang tên: "Đắng và ngọt". Đây là tập thơ song ngữ Việt - Anh do NXB Thanh Niên ấn hành vào tháng 12/2009. Nhà văn Trang Thế Hy từng nổi tiếng với những tập truyện ngắn như: Mưa ấm (1981), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ mười ba (1989), Tiếng khóc và tiếng hát (1993), Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (2008),... Đọc thơ của Trang Thế Hy, người yêu thơ cảm nhận được một phong cách thơ mang tính triết luận với tư duy thơ thâm trầm, sâu sắc về thân phận con người và cuộc đời. Tư duy thơ của Trang Thế Hy khỏe khoắn, câu thơ co duỗi linh hoạt, thấm đẫm chất văn xuôi, nhưng vẫn giữ được chất thơ ẩn chứa trong hình tượng chủ đạo của bài thơ.
Đã gần 18 năm, kể từ ngày nhà văn Trang Thế Hy rời Thành phố Hồ Chí Minh về sống ẩn cư tại quê nhà ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Những người yêu mến Trang Thế Hy có nhiều cách nhìn, cách lý giải khác nhau về việc ẩn cư của ông. Trang Thế Hy thì cho rằng việc này chính là... "đi chỗ khác chơi". Ông cho biết: "Tôi có được suy nghĩ này từ lời khuyên của một nghệ sĩ già, ông bảo: khi nào con viết hết được rồi thì nên biết đi chỗ khác chơi, đừng có bẹo hình bẹo dạng trong chốn trường văn trận bút, nhất là đừng để cho những người yêu mến mình phải đọc những câu lếu láo". Những lần ghé thăm và trò chuyện cùng Trang Thế Hy, tôi cảm nhận được sự hóm hỉnh, tính cách ung dung, tự tại và tư duy thâm trầm, sâu sắc của nhà văn Trang Thế Hy về con người, cuộc đời và văn chương nghệ thuật.
Phong thái và cách nói chuyện của nhà văn Trang Thế Hy giống như một hiền nhân hơn là một... nhà thơ. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm nhận được chất thơ thấp thoáng trong từng câu nói, phong thái và kiểu tư duy của nhà văn Trang Thế Hy. Theo cảm nhận của tôi, Trang Thế Hy là nhà thơ "ẩn danh" không chỉ trong cuộc đời mà trong cả trong những tác phẩm truyện ngắn của ông.
Thơ của Trang Thế Hy là thứ thơ đã được chưng cất từ những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc, mang tính máu thịt về số phận con người và cuộc đời. Trang Thế Hy là nhà văn làm thơ nên thơ của ông thường có sự pha trộn giữa giọng điệu của các nhân vật và giọng chủ đạo của nhà thơ để tạo dựng sự đối thoại và sự phức hợp giữa những giọng điệu khác nhau:
"Mẹ dạy:
"Có một thời ông nội cũng thơm bánh sữa như con hôm nay
đó là món quà thời gian tặng ông nội cách nay bảy mươi năm
"Thời gian như trẻ con hả mẹ,
Vui thì cho, giận thì đòi lại?"

(Lời dạy của mẹ về thời gian và văn minh)

"CHÀNG thấy NÀNG đẹp rồi chàng mới yêu,
Anh thì ngược lại,
anh yêu em trước rồi sau đó mới biết rằng em đẹp"
Lời nói dối ngược ngạo luật phản xạ của anh chồng
làm ửng hồng đôi má cô vợ trẻ.

(Lời nói dối nhân ái)
Trang Thế Hy thường sử dụng một vài yếu tố của cốt truyện, trong đó có sự đối thoại giữa các nhân vật để mở rộng cách nhìn, cách cảm về con người, sự vật. Tính triết luận trong thơ Trang Thế Hy không phải là sự triết lý khô khan mà chính là sự thăng hoa của cảm xúc, sự tan chảy của trí tuệ và sự chân thành của tiếng nói trái tim con  người:
"Miếng bánh mang dấu răng NÀNG  nằm buồn hiu
và khô queo trên mặt dĩa đầy xác kiến.
NÀNG đã từng cắn CHÀNG và CHÀNG biết răng
NÀNG không có độc.

Vậy cớ sao dấu răng NÀNG trên miếng bánh bị bỏ
quên lại tiêm vào tâm hồn CHÀNG một giọt nọc
không bao giờ tan của nỗi đau tuyệt ngọt?"

(Dấu răng)
Nỗi nhớ nhung
từ trái tim
chảy tràn xuống trang giấy thành thơ. 

Nàng ngỡ đó là định lý, nên thích lưu đày chàng
thật lâu trong cõi nhớ để gặt được nhiều thơ
nói về nàng.

(Định lý và định lý) 
Cái lạnh buồn của buổi chiều ẩm ướt giữa mùa mưa gợi lên trong tâm hồn người chuẩn bị biến thành tro câu tự hỏi không có lời giải đáp:
"Người bạn đường quyến rũ và tráo trở có tên là HY VỌNG
còn đang đi với ta hay đã bỏ rơi ta để đỏng đảnh với ai rồi?"

(Người bạn đường có tên là hy vọng)
Tư duy triết luận của nhà văn Trang Thế Hy không chỉ bộc lộ trong truyện ngắn, trong thơ mà còn biểu hiện qua những cuộc trò chuyện với mọi người và các cuộc trả lời phỏng vấn. Theo quan niệm của ông, nhà văn, nhà thơ không chỉ là người biết ứng xử có văn hóa mà còn phải biết gìn giữ nhân cách của mình trên từng trang viết, từng tác phẩm. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Trang Thế Hy từng thổ lộ: "Cái gì mình không yêu mến hay chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu mến nó. Tôi luôn luôn tự dặn dò mình như vậy cả trong cuộc sống, chứ không phải chỉ khi viết văn thôi".
Nhà thơ không phải là người viết nên những câu thơ có vần điệu du dương, bay bổng mà chính là người phát hiện và khắc họa được chất thơ trong thẳm sâu tâm hồn con người và thế giới bí ẩn của sự vật, thiên nhiên. Nhìn ở góc độ bản chất của cơ chế sáng tạo thi ca, Trang Thế Hy là một nhà thơ theo đúng nghĩa - dù ông dành nhiều tâm huyết và thời gian cho công việc sáng tác truyện ngắn.
V.T.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét