Hiển thị các bài đăng có nhãn chuyện xưa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn chuyện xưa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Luận về… cái sự học (Trích Luận ngữ tân thư)



Đã gọi là thầy (sư) thì không phân biệt cao thấp, cứ hơn một tí tẹo là có thể làm thầy (nhất tự vi sư, bán tự vi sư). Chung quy chia làm hai hạng. Hạng tiên sư và hạng tục sư.
Hạng tiên sư vì người mà dạy cách làm người. Hạng tục sư vì tiền mà dạy cách làm tiền. Hạng tiên sư “lôi“ kiến thức (vốn có sẵn) trong bụng học trò ra. Hạng tục sư “nhét“ kiến thức từ ngoài vào. Tin theo tiên sư thì con người là tiểu vũ trụ. Tin theo tục sư thì con người là cái thùng chứa sách.

Hạng tiên sư chỉ cho học trò thấy cái chỗ thiếu của mình. Hạng tục sư chỉ cho học trò thấy cái chỗ giỏi của mình. Thấy thiếu thì lo lắng, muốn được bổ sung, vì thế kiến thức tăng tiến. Thấy giỏi thì hung hăng, muốn được thi thố, vì thế kiến thức dừng lại. Hạng tiên sư nương theo con người mà hành đạo. Hạng tục sư nương theo chính trị mà hành nghề.

Nước có đạo lý thì tiên sư nhiều hơn tục sư. Nước vô đạo lý thì tục sư nhan nhản, có khi bói không ra một mống tiên sư nào. Chính trị đứng đắn chú trọng đến tiên sư. Chính trị lưu manh chú trọng đến tục sư. Bởi thiên hạ ai cũng quan tâm đến việc làm người thì chính trị khó bịp, ngôi vua nguy như đèn ra trước gió, phải tử tế lắm mới mong giữ được. Thiên hạ ai cũng quan tâm đến việc làm tiền thì chính trị tha hồ bịp, ngôi vua chả cần tử tế vẫn có thể muối mặt mà cố đấm ăn xôi.

Giáo dục cốt làm thay đổi dân trí. Song không phải bao giờ cũng theo hướng nâng cao. Giáo dục vì dân nhằm vào cái chỗ sáng suốt của dân. Giáo dục lừa dân nhằm vào cái chỗ mê lú của dân. Huống chi cái việc học làm người kia lại vô cùng khó khăn. Bậc tiên sư dù cố đến mấy, rốt cuộc chỉ mang tiếng vẽ đường cho hươu chạy. Mấy ngàn năm càng vắng ngắt bóng người…

Vẫn “Lời tựa“ trong “Luận ngữ tân thư“. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó:

Khổng Phu Tử một hôm đang thư thái, bỗng buột mồm nói ra câu: “Hành tương tựu mộc tác nhân nan“ (Người ta thường sắp chui vào quan tài rồi, mới biết làm người là một việc khó). Các học trò nhao nhao thắc mắc. Ai cũng cho rằng Ngài nói vậy là hơi bi quan. Làm người mà khó đến như thế, thì chẳng lẽ cuộc đời này toàn… khỉ hết hay sao? Rằng cứ theo cái thuyết chữ “Nhân“ của Ngài, thì miễn sao sống cho tử tế, có hiếu với bố mẹ, ông bà, không ăn cắp ăn trộm, không lừa đảo hay hại ngấm hại ngầm ai… là thành người được rồi. Chứ có gì ghê gớm mà Ngài phải kêu khó.

Khổng Tử bèn thuyết liền một hồi:

-Các ngươi chỉ biết một mà chưa biết hai. Làm người trước tiên cần phải biết phân biệt. Mà phân biệt đâu phải là một kiến thức đơn giản. Không biết phân biệt sẽ không bao giờ cho ra cái hồn người. Kẻ không biết phân biệt có ba việc mù mờ (nguyên văn: tam sự bất tri) như sau: Thứ nhất, ăn không biết thế nào là ngon, uống chẳng biết thế nào là dở… như thế gọi là: “thực bất tri kì vị“. Thứ hai, nói không biết nên nói với ai, nghe chẳng biết nên nghe ai nói… như thế gọi là: “xử bất tri kì nhân“. Thứ ba, đi không biết nên đi theo đường nào. Ngồi chẳng biết nên ngồi chỗ nào cho đúng… như thế gọi là: “hành bất tri kì đạo“.

Huống chi các ngươi chỉ biết nghe theo một chiều, hiểu theo một chiều, tin theo một chiều… duy nhất. Trên đời này không cái ngu nào sánh bằng ngu đó. Không cái lười nào sánh bằng lười đó… Vừa ngu, vừa lười đến tận cùng như thế, thì làm sao có thể tự hiểu được mình. Kẻ không hiểu được mình thì đứng không biết mình đang đứng chỗ nào, đi chẳng biết mình sẽ đến đâu… Thế rồi tự cao tự đại, thế rồi vỗ ngực xưng danh… tự cho là mình khôn nhất thiên hạ. Lời nói hay chẳng bao giờ lọt vào tai nữa, cứ một mực tin theo những hạng đểu giả. Kiến thức như thế thì dẫu cao mấy, thực chất cũng chẳng khác gì kiến thức của một anh hoạn lợn. Không những tự gây họa cho mình, mà còn gây họa cho người khác. Có khi gây họa cho cả thiên hạ chưa biết chừng.

Các học trò nghe đến đó thì sợ toát mồ hôi. Bèn hỏi:

-Thế nào là tự gây họa cho mình?

Khổng Tử bảo:

-Người ta vạch ra cái chỗ dở của mình để mong mình sửa, thì lại tưởng là người ta chửi. Người ta nịnh cái chỗ đểu của mình để hòng kiếm chác, thì lại tưởng là người ta khen… Rốt cuộc người đáng lẽ là bạn, thì lại nghĩ là thù. Kẻ đáng lẽ là thù, thì lại cho là bạn… Lẫn lộn, u tối đến như thế mà không gặp họa thì xưa nay chưa ai từng nghe nói đến bao giờ.

Các học trò nghe thấy thế thì càng sợ hơn nữa. Lại hỏi tiếp:

-Thế nào là gây họa cho thiên hạ?

Khổng Tử bảo:

-Hạng người ấy mà làm tướng thì mất toi thành. Làm quan phủ, quan huyện nào thì dân trong phủ, huyện ấy điêu đứng. Làm vua thì cả nước khốn nạn, thậm chí còn mất nước vào tay ngoại bang. Làm thầy thì ngu đến cả trăm đời sau… Thế gọi là gây họa cho thiên hạ.

Các học trò hỏi tiếp:

-Vậy cứ theo ý Phu Tử thì bao giờ chúng tôi mới có thể học thành người?

Khổng tử trả lời:

-“Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lẽ đời (nhi bất hoặc – hết ngờ vực). Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng trời (tri thiên mệnh – biết mạng trời).

Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng trời. Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng người (nhi nhĩ thuận – nghe thuận tai).

Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng người. Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng mình (tòng tâm kì dục, bất du củ – tùy lòng muốn mà vẫn không thay đổi quy củ).

Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng mình. Song không thể dạy các ngươi khiến được lòng mình (lạc dĩ vong ưu – vui (theo đạo lý) mà quên hết buồn phiền).

Ta có thể dạy các ngươi khiến được lòng mình. Song không thể dạy các ngươi (thấu suốt đạo lý) đến nỗi quên đi cả sự tồn tại của mình (bất tri lão chi tương chí – không hề biết tuổi già của mình sắp đến)…

Xem thế thì biết, cái sự học làm người kia là… không biết đến bao giờ“.

Các học trò nghe như vịt nghe sấm. Bèn đề nghị:

-Phu Tử có thể giảng kĩ hơn một chút được không? Vẫn biết học làm người là một việc khó khăn, lâu dài. Song cớ sao lại rắc rối như thế?

Khổng Tử bảo:

-Đó là những thang bậc từ thấp đến cao của cái sự học (hạ học nhi thượng đạt). Cũng là những điểm “chết“ (nguyên văn: tắc tử) của kiến thức. Vượt qua được những mốc ấy là một việc khó khăn nhất trong cái sự học của muôn đời. Dừng lại ở bất cứ mốc nào cũng lập tức biến thành người ngu.

Các học trò lại hỏi:

-Thế nào là biến thành người ngu?

Khổng Tử bảo:

-Kẻ ngu nhất trên đời là kẻ tự bằng lòng với kiến thức của mình. Dẫu đã thấu hết lẽ đời thì cũng không bao giờ hiểu được lòng trời. Dẫu đã thấu được lòng trời thì cũng không bao giờ hiểu được lòng người. Dẫu đã thấu được lòng người thì cũng không bao giờ hiểu được lòng mình… Từ khi làm thầy, ta kị nhất loại học trò học đến đâu giỏi đến đó. Học kiểu ấy nguy như trứng để đầu gậy. Bởi kiến thức có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Kiến thức đã dừng lại, thì hậu quả tai hại sẽ không biết đâu mà lường được. Có khi còn biến thành một kẻ lưu manh trí thức lúc nào không hay.

Nói đến đó, Khổng Tử bỗng buột mồm thốt ra một câu than thở:

-Ôi! Kẻ học giả lúc nào cũng có sẵn sàng một cơ hội lớn để trở thành một tên… thậm ngu ngốc, thậm lưu manh.

Các học trò nghe vậy thì không ai bảo ai, tất cả đều nhất tề thở dài đánh sượt một cái. Lại hỏi tiếp:

-Phu Tử nói thế thì chúng tôi cũng đành cố gắng học được đến đâu hay đến đó, học mãi không dám dừng lại. Chứ còn biết làm thế nào. Không hiểu những đời sau này không có Phu Tử, thì rồi có ăn thua gì không? Hay là chỉ sinh ra rặt những hạng bịp bợm, kiến thức đã như anh hoạn lợn, mà đểu giả, bất lương thì không ai sánh bằng. Nhưng chẳng hay Phu Tử có thể lấy ví dụ về cái việc học làm người là rất khó ấy, cho chúng tôi nghe được không?

Khổng Tử bèn ví dụ bằng mấy câu chuyện sau đây:

Câu chuyện thứ nhất:

Ta (Khổng Tử) từng có một học trò xưng là Tử Hư. Y là một người rất say mê cây cối. Cây càng cổ thụ, y càng mê mẩn. Không ngày nào là y không tìm đến một nơi có cây cao bóng cả, có tán rộng như những chiếc dù vĩ đại, che rợp cả một vùng, cành lá xanh tốt sum xuê để ngắm nghía, xuýt xoa… Ngắm mãi không biết chán, xuýt xoa mãi không mỏi mồm. Lại tưởng tượng mỗi tán cây như một nước, mỗi nhánh, cành như một phủ, huyện, mỗi lá cây như một kiếp người… còn thân cây như một vị hoàng đế. Sự hâm mộ kể cũng đến thế là cùng.

Một hôm, y chợt phát hiện thấy từ một thân cây to lớn mà xưa nay y vẫn hâm mộ, vẫn ngắm nghía ấy bỗng nhú ra những mẩu gì tròn tròn, xam xám, mềm mại như lông thú. Những mẩu ấy cứ mỗi ngày lại thò dần ra. Vài hôm sau thì rõ là những cái đuôi chồn. Những cái đuôi chồn vắt vẻo, ngoe nguẩy ở thân cây nom đến kinh. Cây không mọc cành, đơm lá… mà lại mọc ra những cái đuôi chồn? Đó là điều mà y không thể chấp nhận, không thể tin được.

Y quyết tâm giữ gìn sự hâm mộ, còn hơn giữ gìn con ngươi của mắt mình. Nhưng những cái đuôi chồn thì cứ sờ sờ ra đấy, làm y không chịu nổi. Y bèn thắc mắc với ta. Ta bảo: “Ngươi đã có thể tin được rằng mỗi thân cây như một vị vua, thì tại sao lại không tin được rằng từ đó có thể mọc ra những cái đuôi chồn? Chớ vì sự hâm mộ mà sinh ra lú lẫn. Kiến thức của ngươi một khi đã cố chấp như thế thì khó có thể làm người được“.

Câu chuyện thứ hai:

Ông Mỗ làm quan tể ở ấp Trâu là một người có tiếng ngay thẳng, thanh liêm, rất ghét thói nịnh bợ. Vì thế pháp luật được thi hành. Dân ấp Trâu vui vẻ làm ăn, không tranh giành, đểu cáng với nhau. Trẻ con biết kính trọng người lớn, người lớn thương yêu, đùm bọc trẻ con. Ban ngày ra đường không ai nhặt của rơi. Tối về nhà không phải khóa cổng. Con trai, con gái đi riêng hai bên đường, không bậy bạ, sàm sỡ với nhau… Tất cả nhờ ở cái đức của ông quan Mỗ ấy mà có được như thế.

Tưởng làm người mà được như ông Mỗ thì ai còn nghi ngờ gì nữa. Tất nhiên xung quanh ông cũng không thiếu những kẻ xấu, những kẻ cơ hội, bất lương. Chúng tìm mọi cách để nịnh nọt, lung lạc cái đức của ông hòng kiếm chác này nọ. Song ông Mỗ không những không hề lay chuyển, mà còn thẳng tay trừng trị, khiến chúng không dám ho hoe gì nữa. Ấp Trâu ngày càng thịnh vượng.

Thế mà cũng chẳng được bao lâu. Có ai ngờ một người như ông Mỗ cũng đến lúc thay đổi. Ông bắt đầu thích những lời tâng bốc, ca ngợi. Ông bằng lòng và kiêu ngạo với những gì mình đạt được. Ông nhắm mắt, bịt tai trước những lời nói thẳng, những kẻ can gián. Thậm chí còn sai người bắt bớ, bỏ tù họ. Dần dần, ông biến hẳn thành một ông quan bịp bợm, lèo lái, vừa thích nịnh, vừa ăn của đút như ranh. Đám tay chân cũng nhanh chóng a dua theo. Chúng tha hồ nhân danh pháp luật để ăn cắp trắng trợn mọi thứ của dân, không cho dân được kêu ca, oán thán gì…

Ấp Trâu trở thành một nơi tăm tối nhất thiên hạ, chính trị đểu giả, lưu manh không nơi nào sánh bằng. Dân chúng bị cưỡi lên đầu lên cổ đã đành, lại còn không dám hó hé, suốt ngày phải ca ngợi, mở mồm ra là phải nói lời biết ơn cái lũ đầu trâu mặt ngựa, cầm đầu là ông quan Mỗ ấy(!). Biết ơn lũ kẻ cướp là một việc xưa nay chưa từng có. Chắc chỉ diễn ra ở nơi có cái thứ chính trị đã biến thành lưu manh như kiểu ấp Trâu mà thôi.

Tại sao ông Mỗ lại thay đổi nhanh chóng, lại trở thành một kẻ thối nát ghê tởm như vậy? Trong khi ông từng có tiếng là một người ngay thẳng, ghét cay ghét đắng bọn nịnh hót kia mà. Ai đã bỏ bùa mê thuốc lú cho ông?

Nguyên nhân té ra rất đơn giản. Tất cả chỉ tại lũ chó nhà ông. Trong nhà ông Mỗ nuôi một đàn chó, gầy, béo, đốm, khoanh, vàng, vện… đủ cả. Hàng ngày đi làm về, chúng tranh nhau vẫy đuôi mừng ông rối rít. Con thì liếm chân, liếm tay, con thì ngửi quần áo, con thì cố tru lên những tiếng sủa ra vẻ hớn hở, vui mừng… Chúng thi nhau nịnh ông bằng đủ các động tác, cử chỉ làm ông vô cùng hả hê.

Ông Mỗ từ chỗ thích cái sự nịnh nọt ấy của lũ chó, dần dần đâm ra thích được cả người nịnh. Nhất là những kẻ có cái lối nịnh cũng na ná như lũ chó kia thì ông lại càng thích. Mà những kẻ đó nào có thiếu gì. Tài bắt chước chó của họ thì không chê vào đâu được. Họ không những nịnh bằng giọng lưỡi, động tác, bằng sự liếm láp y hệt loài chó… mà còn nịnh bằng cả văn chương, nhạc, họa… Thậm chí sẵn sàng bóp méo cả sử sách để làm hài lòng ông…

Thế mới biết làm người quả là một việc khó khăn. Duy trì sự tử tế quả là một công phu nan giải. Có khi bị hỏng, bị dang dở giữa chừng chỉ vì lũ chó nuôi trong nhà. Vì thế, kẻ đã quyết chí làm người thì phải cảnh giác với từ con chó trở đi.

Những điều trên đây rút ra từ ghi chép của Nhan Hồi -một học trò yêu của Khổng Tử. Khổng Tử có lần đã nói: “Này Hồi! ta sở dĩ thích ngươi, chính bởi ngươi là một học trò học đến đâu thấy thiếu đến đó. Vì thế kiến thức không bao giờ dừng lại, cái ngu, cái xấu không có cơ hội đến gần được với ngươi…“. (nguyên văn: tri nhi bất hạn, ngu xú bất cận).



Phạm Lưu Vũ


Cuộc sống xoay vần, trong họa có phúc



Có nhà vua nọ sống trong cung điện nguy nga. Một lần nhà vua vui mừng tiếp kiến với một giáo sĩ Do Thái đặc biệt, vị giáo sĩ này sống ở thủ đô của vương quốc. Hai người trò chuyện về các chủ đề khác nhau, định lực và trí tuệ sắc bén của giáo sĩ làm nhà vua ngạc nhiên hết lần này đến lần khác. Không ai có thể so sánh trong vai trò cố vấn và trí tuệ của giáo sĩ thông tuệ.

Nhà vua có một niềm đam mê du ngoạn trong đất nước, ông mời vị giáo sĩ cùng đi để họ có thể thảo luận về diễn biến của vương quốc. Trong cuộc nói chuyện, vị giáo sĩ Do Thái luôn đan xen vào cuộc đàm thoại ý tưởng của đấng tối cao, sự an bài của Chúa, không ngừng nói về các sự kiện xảy ra với sự hiện diện huyền bí của bàn tay Chúa trời.

Trong chuyến đi chơi, nhà vua quyết định đi săn. Vị giáo sĩ Do Thái được nhà vua lựa chọn để làm người bạn đồng hành, vua nhấn mạnh rằng vị giáo sĩ phải đi săn cùng với ông. Không quen thuộc với các môn thể thao, vị giáo sĩ dò dẫm với cây súng trường, và một tai nạn đáng tiếc xảy ra khi viên đạn vô tình thoát khỏi cây súng. Một tiếng thét lớn xuyên qua rừng, và không ai khác hơn chính là của nhà vua, vì trong lúc loay hoay với cây súng giáo sĩ đã bắn nhầm vua, làm mất một ngón tay của Ngài.

Trong cơn giận dữ nhà vua ra lệnh bỏ tù vị giáo sĩ, cận vệ nhanh chóng đưa giáo sĩ vào một trong các buồng giam của lâu đài.

Năm tháng trôi qua chấn thương của nhà vua từ từ chữa lành. Bàn tay Ngài đã mạnh mẽ hơn, và mong muốn có một chuyến đi chơi. Cuối cùng nhà vua lên kế hoạch một chuyến đi xa hoa nhất đến nhiều vùng đất xa xôi.

Trong suốt chuyến đi của mình, nhà vua đã thiếu đi sự khôn ngoan và sự đồng hành của vị giáo sĩ nọ.

Nhà vua đã được cảnh báo trước không được rời khỏi khu vực cắm trại, vì người bản địa thù địch lẩn nấp. Nhưng tinh thần mạo hiểm của nhà vua được châm ngòi bởi ý tưởng nhìn thấy khu vực cấm đó. Trong chuyến du ngoạn bên ngoài trại, nhà vua đã bị bắt bởi các bộ lạc ăn thịt người. Theo tập quán của họ, họ kiểm tra “hàng hóa” của họ trước khi nấu. Họ đã hoảng hốt khi thấy rằng các món ăn hấp dẫn trước mắt họ có một ngón tay bị mất tích. Ngay lập tức họ tuyên bố đó là điềm xấu, và thả vua gần khu trại của Ngài. Nhà vua ngay lập tức thay đổi hướng và chỉ đạo đoàn tùy tùng của mình trở về nhà, ông muốn nói chuyện với giáo sĩ Do Thái.

Khi họ đến thủ đô, vua lập tức ra lệnh thả vị giáo sĩ. Nhà vua hỏi vị giáo sĩ: “Này giáo sĩ, ông đã luôn luôn nói về an bài của Chúa, và tất cả mọi việc là từ trời ban xuống và điềm tốt cho chúng ta, và ta đã thấy ở đây. Nhưng giáo sĩ, ta có một câu hỏi: Đâu là an bài của Chúa mà có liên quan đến ông? Ông đã ở trong ngục tối một thời gian; có gì là điềm tốt trong đó?”

Vị giáo sĩ mỉm cười khi ông trả lời: “Tâu bệ hạ, nếu tôi không ở trong ngục tối, tôi sẽ đi với Ngài, và tôi đã bị ăn thịt rồi”. Nhà vua hỏi tiếp: “Bài học gì cho chúng ta khi trải qua những việc này?”

Sau khi một số suy nghĩ giáo sĩ Do Thái đã trả lời:

“Cuộc sống xoay vần, trong họa có phúc. Chúng ta phải có niềm tin rằng tất cả những kinh nghiệm của chúng ta, ngay cả những việc dường như tiêu cực, thực sự vẫn là điều tốt.”

Từ Ân biên dịch
(Nguồn sưu tầm)
(Đại Kỷ Nguyên VN)

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Hạt giống sự thật


 Cách đây rất lâu, có một quốc vương vốn là một con cóc thành tinh, ngoại hình vô cùng xấu xí. Ban ngày nó khoác lên lớp da bên ngoài của con người, biến hóa thành hình dáng giống như con người vậy. Nhưng vẫn là cặp mắt lồi, môi vành miệng rộng, bụng bự căng tròn. Nó đã làm rất nhiều chuyện xấu, muôn dân trăm họ chỉ dám căm tức trong lòng chứ không dám nói ra, vậy nên mọi người đã lén lút đặt biệt danh cho nó là: vua cóc ghẻ.

Một ngày kia, có một tiên nữ vô cùng xinh đẹp từ trên trời giáng hạ xuống, ánh mắt của cô giống như các vì sao, y phục của cô giống như những áng mây lành rực rỡ, mái tóc đen dài xõa xuống đến tận đầu gối, trên đầu đội vòng hoa bảy màu. Vị tiên nữ này cất lên những bài ca hay nhất thế gian. Cô đi qua sa mạc, sa mạc liền biến thành ốc đảo; cô băng qua những đồi núi hoang vu, những đồi núi hoang vu đó lập tức biến thành những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ. Cô đi đến nơi nào thì nơi đó sẽ không còn ưu sầu, không còn thù hận. Những ai chỉ cần gặp được cô, đều có thể trở nên khỏe mạnh và hạnh phúc. Mọi người yêu mến cô vô cùng.

Việc này đã nhanh chóng lan truyền đến tai của vua cóc ghẻ, nó vừa căm tức vừa đố kỵ, cái bụng bự trắng bệch tức đến nỗi gióng lên từng hồi từng hồi. Nó điên cuồng la hét: “Cái gì chứ! Mọi người đều ca ngợi nó sao? Đều yêu mến nó sao? Hừ! Một nhãi ranh nhỏ bé, nó lại mê hoặc biết bao nhiêu thần dân của ta như vậy sao! Uy vọng của nó lại dám vượt qua cả một quốc vương đường đường như ta hay sao!” Lòng đố kỵ khiến cho tên quốc vương xấu xa độc ác này phát cuồng, tròng mắt của nó trợn tròn và dựng ngược, cái bụng bự tức đến muốn nổ tung cả lên.

Vua cóc ghẻ quyết định sẽ giết chết vị tiên nữ này, nhưng luôn luôn muốn tìm một lý do thỏa đáng. Thế là vua cóc ghẻ vắt óc tìm kế, tiến hành phỉ báng vu khống đối với vị tiên nữ này, rồi nói với mọi người rằng: “Vẻ đẹp của tiên nữ là do ma quỷ biến thành, sẽ mang đến tai họa cho mọi người.” Đồng thời còn ra lệnh cho đám nhạc công của nó khua chiêng đánh trống thổi kèn suốt cả ngày, mọi người bèn tin theo những lời dối trá rợp trời dậy đất ấy.

Vị tiên nữ lo lắng những lời dối trá ác độc sẽ hủy diệt nhân loại. Cô biết rằng: chỉ có hạt giống sự thật mới có thể đánh thức tâm hồn mê mờ của mọi người, mới có thể cứu vãn sinh mệnh của mọi người. Bất chấp sự đuổi bắt của đám yêu binh, tiên nữ vẫn mang “hạt giống sự thật” đi truyền rộng. Lúc mới bắt đầu, rất nhiều người không dám tin tưởng cô, dần dần mọi người phát hiện ra vị tiên nữ này chẳng những trông rất xinh đẹp, mà còn rất chân thành, thiện lương. Mọi người đều biết mình đã bị lừa.

Có một ngày, tiên nữ đã đi rất nhiều nơi, vừa mệt vừa đói. Cô đến nhà của một người nghèo khổ, nhà này chỉ có một bà cụ hai mắt đã bị mù và một đứa cháu nhỏ. Họ đã dâng lên tô cháo duy nhất cho tiên nữ. Vị tiên nữ ăn xong mỉm cười cảm tạ họ, còn gửi lời chúc phúc cho họ. Đôi mắt của bà cụ đột nhiên sáng trở lại, bà phát hiện rằng cái tô đã biến thành vàng.

Tiên nữ lại đi đến một làng quê, đám yêu binh đuổi theo sau rất gấp. Một người nông dân mời cô đến nhà của mình để ẩn núp, người nông dân vừa ra khỏi cửa, đám truy binh đã đến trước cửa rồi.

“Ngươi có nhìn thấy một yêu nữ đi ngang qua đây không?” Truy binh hỏi.

“Ồ, có phải người mà các ông nói là một cô gái vô cùng xinh đẹp không? Tôi có thấy, cô ấy hình như đi về hướng đông. Bên đó có con đường, bây giờ chắc đã ra khỏi thôn rồi.”

Tiếng vó ngựa xa dần, người nông dân đi vào trong nhà, cung kính nói với vị tiên nữ rằng: “Xin cô hãy ở lại một khoảng thời gian, trong thôn vẫn còn rất nhiều người chưa có được ‘hạt giống sự thật’.” Tiên nữ đã đồng ý, người nông dân lên núi đốn củi, trên đường đi đột nhiên một ngọn núi bị sạt lở, rất nhiều người bị đè chết, chỉ có người nông dân là bình an vô sự.

Người nông dân vừa bước vào cửa nhà, đứa con nhỏ vui mừng chạy đến nói: “Cha ơi! Hãy mau đến xem này!” Đi theo đứa con, người nông dân phát hiện người vợ nằm bệnh liệt giường suốt mấy năm nay, giờ đã sắc mặt hồng hào mà đứng lên trở lại.

Người nông dân có phần không dám tin vào mắt mình nữa: “hạt giống sự thật” lại thần kỳ đến như vậy sao!

Người vợ nói: “Bây giờ em đã hoàn toàn khỏi hẳn rồi, hôm nay em sẽ chuẩn bị cơm trưa cho mọi người.” Vợ của người nông dân mở nắp nồi ra, cả nhà kinh ngạc phát hiện trong nồi toàn là những hạt cơm gạo trắng như tuyết nóng hổi dậy mùi thơm phức.

Hàng xóm A Điêu của người nông dân ấy là một kẻ lưu manh chơi bời lêu lổng, một ngày nọ y thua bạc trở về nhà, nghe nói rằng ai tố cáo tiên nữ có thể được thưởng rất nhiều tiền, thế là y liền chỉ điểm cho vua cóc ghẻ.

Vua cóc ghẻ vô cùng mừng rỡ, đã thưởng cho A Điêu rất nhiều vàng, và còn muốn giữ y ở lại làm quan lớn. Quốc vương sai hai thị vệ bên cạnh mình là A Miêu và A Cẩu đi bắt người tiên nữ xinh đẹp kia. Nhưng sự việc này vừa khéo lại bị người hầu rót trà tên A Quải (quải tức là què) nghe thấy. A Quải từ sớm đã nghe nói đến dung mạo xinh đẹp, tấm lòng thiện lương, còn cứu giúp rất nhiều người tốt của tiên nữ, cậu quyết định lập tức đi báo tin cho cô.

Trên đường đi, A Quải ngạc nhiên phát hiện rằng đôi chân của mình không còn bị què, hơn nữa còn có thể đi nhanh như bay. Khi A Miêu, A Cẩu đuổi đến nơi, tiên nữ đã an toàn rời khỏi từ lâu rồi, hai tên thị vệ trên đường trở về hoàng cung đã bị một chiếc xe ngựa chạy như bay đụng phải, chết rất thê thảm.

Vua cóc ghẻ vừa nghe xong liền nhảy dựng lên lồng lộn, rút thanh kiếm đeo trên lưng ra, trách mắng A Điêu vì tiền thưởng mà đưa tin vịt, A Điêu sợ đến ướt cả quần, quỳ mọp xuống đất: “Xin hãy tha cho tiểu nhân, xin hãy tha cho tiểu nhân!” A Điêu bị đâm chết, vàng từ trong ngực lăn ra, rơi vãi khắp sàn.

Vị tiên nữ nói với mọi người một bí mật to lớn: vì vua cóc ghẻ đã phạm nhiều tội ác, lại có rất nhiều người đã đồng lõa mà hùa theo nó, vậy nên Thiên Thượng sẽ trừng phạt loài người. Khi cái cây khô trăm năm ở trước cung điện kia nở hoa, những người mà không có được “hạt giống sự thật” sẽ bị tai họa giáng xuống đầu.

Sau khi vua cóc ghẻ nghe được lời đồn này liền cười ầm lên. Nó nghĩ: “Chỉ cần khi cây khô nở hoa mà kiếp nạn vẫn không đến, mọi người tự nhiên sẽ không tin vào lời của tiên nữ nữa.” Nó liền sai người đi loan tin khắp nơi: ba ngày sau cây khô sẽ nở hoa, gọi mọi người đến xem.

Hôm đó, vua cóc ghẻ dẫn theo người đến trước cung điện từ sớm. Nó đem những bông hoa giả đã làm sẵn gắn lên trên cành cây, khi gắn đến bông hoa thứ chín, vua cóc ghẻ đột nhiên hiện nguyên hình, biến thành một con cóc ghẻ ba chân. Lúc này mọi người từ bốn phương kéo đến, mọi người vừa nhìn thấy đã biết rõ chân tướng của tên quốc vương, bèn hô lên: “Giết nó đi! Giết nó đi!”

Con cóc ghẻ nhảy vào trong nước hòng bỏ trốn, trên trời bắn ra vô số mũi tên màu vàng, thi thể của nó ngã xuống nằm ngửa bụng, nổi lên trên mặt nước.

Lúc đó, đại hồng thủy từ trên trời giáng xuống! Mọi người vừa kêu khóc, vừa chen lấn nhau bỏ chạy để bảo toàn tính mệnh.

Vị tiên nữ xinh đẹp đứng trên mây ngũ sắc, vòng hoa trí huệ trên đầu lấp lánh ánh quang, cô khẽ động cánh tay áo mấy cái, trong nước xuất hiện những bông sen cực lớn. Những người đã có được “hạt giống sự thật” đều đứng ở chính giữa. Hoa sen càng dâng càng cao, những người không chịu tiếp nhận “hạt giống sự thật” không ngừng chìm xuống dưới, chìm xuống dưới, rơi vào trong hồng thủy sóng gió cuồn cuộn.

Đại hồng thủy rút đi, những người lương thiện được giữ lại, bắt đầu khai hoang trồng trọt, dựng nhà bắc cầu, kiến tạo cuộc sống mới trên vùng đất đã được hồng thủy tẩy sạch.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/2005/01/29/30893.寓言:真理的种子.html

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Đàm luận về số mệnh



Tác giả: Lục Văn | Dịch giả: Serena D


Ảnh: Epochtimes

Vào triều Thanh, hiền giả Kỳ Hiểu Lam viết cuốn “Duyệt vi thảo đường bút ký”, trong đó ông miêu tả về một vị Đạo sỹ tài ba đàm luận về số mệnh. Nội dung rất sâu sắc và thiết thực cho đến tận ngày nay. Dưới đây là nội dung chủ yếu của câu chuyện:

Minh Thịnh là huyện lệnh của huyện Hiền. Ngày nọ ông tiếp nhận một vụ án oan, muốn vì dân thường mà xử lại nhưng lại sợ thượng cấp không vừa ý, vì thế mà rất lưỡng lự. Trong số thuộc hạ có người tên là Môn Đấu, người này có một người bạn có công năng đặc dị, vì vậy Minh Thịnh bèn phái Môn Đấu đi thỉnh mời vị kia để đoán trước sự tình và chỉ cho cách làm thế nào mới tốt.

Môn Đấu tuân lệnh đến thỉnh mời. Vị kia nghe xong trang trọng trả lời, “Minh Thịnh huyện lệnh thân như cha mẹ của chúng dân trong huyện, thì nên xem xét dân chúng có bị oan hay không, hơn là dò xét thượng cấp có vừa ý hay không. Chẳng lẽ ông ấy đã quên câu chuyện của Lý Vệ tiên sinh năm xưa?”.

Môn Đấu trở về, bẩm báo lại đầu đuôi mọi sự. Minh Thịnh vừa nghe thì giật mình cả sợ, nhớ lại xưa kia Lý Vệ tiên sinh đã từng kể cho ông ta một câu chuyện. Nhưng người này là người như thế nào mà lại biết được chuyện ấy? Thật là thần kỳ. Nhưng dù sao đi nữa, Minh Thịnh giờ đã biết cần xử lý vụ việc ra sao.

Trước khi trở thành quan Tri phủ, một lần Lý Vệ lên thuyền vượt sông, thì gặp một vị Đạo nhân. Để tiết kiệm chút tiền mọn, một hành khách đã tranh cãi với chủ thuyền. Đạo sỹ thở dài, “Đối với một kẻ sắp bị chết đuối, ông ta vẫn còn tranh cãi chỉ vì một chuyện tầm thường, thật là không đáng!”.

Lý Vệ nghe xong, lúc đó không hiểu Đạo sỹ nói lời ấy là có ý gì. Một lát sau, đột nhiên một cơn gió mạnh bắt đầu thổi trên sông. Vị hành khách kia không giữ được thăng bằng, bị ngã xuống nước và chết đuối. Lý Vệ giờ mới biết vị Đạo sỹ có năng lực siêu phàm. Lúc đó, gió càng ngày càng mạnh, con thuyền chòng chành muốn lật. Đạo sỹ bước chân theo trận đồ, không ngừng niệm thần chú. Cơn cuồng phong rất nhanh chóng dừng lại, mọi người đều được cứu sống. Lý Vệ hướng về Đạo sỹ bái ba bái tạ ơn cứu mạng. Đạo sỹ bèn nói, “Vừa rồi người kia chết đuối, là vì mệnh của ông ta đến đó đã tận, ta không thể cứu được. Ông là quý nhân, hôm nay gặp họa nhưng được giải cứu, cũng là trong mệnh đã định như vậy, ta không thể không cứu. Cho nên ông không cần cám ơn ta”.

Lý Vệ nghe xong, thụ giáo được rất nhiều, lại bái tạ và nói: “Nghe ngài dạy bảo, từ đầu tới cuối tôi đều được lợi ích. Từ nay về sau cả đời tôi sẽ an phận mà thủ mệnh”.

Đạo sỹ nói, “Ông nói lời này không hoàn toàn là đúng. Một cá nhân đối với vinh nhục, thăng trầm, phú bần, đều không truy cầu thì người đó là đang an phận, tức là an mệnh, chính là thuận theo tự nhiên. Không an mệnh, tức là lừa đảo lẫn nhau, đấu đá với nhau, chuyện xấu gì cũng làm. Những việc như vậy thảy đều tạo nghiệp. Ví như Lý Lâm Phủ, Tần Cối, bọn họ nếu có thể thủ mệnh, thuận theo tự nhiên thì sau đều được làm Tể Tướng, bởi số mệnh đã định như thế. Nhưng bọn họ năm đó chỉ vì tranh giành địa vị Tể Tướng, mà bài trừ những người trái ý, dùng hết tâm kế mà hãm hại trung lương, đâu biết rằng dù có cố hay không thì sau này đều được làm Tể Tướng, vì thế chỉ là tự mình gia tăng ác nghiệp mà thôi. Về phần quốc kế dân sinh lợi hay hại thế nào không thể nói mệnh; đối diện với trăm họ đang trong cảnh khốn cùng, oan ức thì không thể để mặc như thế, nhưng cần tùy kỳ tự nhiên. Hết thảy những người phụ trách thì đều phải chịu trách nhiệm. Gia Cát Khổng Minh từng nói: “Thần cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi, còn về việc thành hay bại, lợi hay không, thì thần không rõ, nhưng cũng có khả năng lường trước được!”. Chính là đạo lý ấy. Trời Đất dưỡng dục nên nhân tài, quốc gia thiết đặt vị trí cho các cấp quan lại, mục đích là để ích nước lợi dân. Thân là quan lại, nắm giữ quyền hành, mà bó tay ủy thác hết cho số mệnh, thì Trời Đất cần gì phải sinh ra những người tài như thế, quốc gia cần gì phải thiết lập quan lại như thế? Cao nhân thánh hiền cần phải hiểu được Mệnh, đó chính là đạo lý chân thực, hy vọng ông có thể lĩnh hội được toàn diện”.

Đạo sỹ nói xong xuống thuyền, nhanh chóng biến mất.

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Hy vọng, sợ hãi và thời gian


Khi Hasan, một nhà hiền triết Hồi giáo sắp qua đời, có người hỏi ông: “Thưa Hasan, ai là thầy của ngài?”. Hasan đáp: “Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy tượng trưng của ta như sau.


Ảnh: Nghethuatsong

Người thầy đầu tiên là một tên trộm. Có một lần ta đi lạc trong sa mạc, khi ta tìm đến được một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều đi ngủ cả. Nhưng cuối cùng ta cũng tìm thấy một người, ông ta đang khoét vách một căn nhà trong làng. Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở đâu, ông ta trả lời: “Khuya khoắt thế này thật khó tìm chỗ nghỉ chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với một tên trộm”.

Người đàn ông ấy thật tuyệt vời. Ta đã nán lại đấy hẳn một tháng! Cứ mỗi đêm ông ta lại bảo: “Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!”. Mỗi khi ông ta trở về ta đều hỏi: “Có trộm được gì không?”, và ông ta đều đáp: “Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ”. Ta chưa bao giờ thấy ông ta trong tình trạng tuyệt vọng, ông ta luôn hạnh phúc.

Ta đã nhiều lần suy ngẫm và suy ngẫm trong nhiều năm ròng để rồi không hiểu ra được một chân lý nào. Ta đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, tuyệt vọng đến nỗi ta nghĩ mình phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Ngay sau đấy ta chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết một cách tin tưởng: “Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!”.

Người thầy thứ hai là một con chó. Khi ta ra bờ sông uống nước, có một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng đó là một con chó khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn quay trở lại. Cuối cùng, mặc kệ nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Ta hiểu đây là một thông điệp đã được gửi đến cho ta: Con người phải biết chiến thắng nỗi sợ trong lòng bằng hành động.

Người thầy thứ ba là một đứa trẻ. Ta đến một thành phố nọ và thấy một đứa trẻ trên tay cầm một cây nến dã thắp sáng để đặt trong đền thờ. Ta hỏi đứa bé: “Con tự thắp cây nến này phải không?”, đứa bé đáp: “Thưa phải”. Ta hỏi: “Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không?”, đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: “Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?”.

Cái tôi ngạo nghễ của ta hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của ta cũng sụp đổ theo. Lúc ấy ta ngộ ra sự dốt nát của bản thân. Và từ đó ta buông bỏ tất cả những tự hào về kiến thức của mình trước cái học không cùng của vũ trụ.

Đúng là có thể nói ta không có một ai là thầy, nhưng điều này không có nghĩa ta không phải là một học trò. Ta xem tự nhiên là thầy, tinh thần học hỏi của ta luôn rộng mở. Ta học hỏi từ tất cả, từ nhành cây ngọn cỏ, từ đám mây trên trời kia, từ người tự cho là cao quý đến kẻ hèn ác hung tàn.

Ta không chỉ có một người thầy vì ta có hàng triệu triệu người thầy mà ta có thể học.

Điều này có nghĩa là: Hãy luôn là một học trò hiếu học, có tinh thần học hỏi, khả năng học hỏi, luôn sẵn sàng học hỏi. Học để biết cách học tất cả, để biết nhận biết cho được ý nghĩa của Hy vọng, sợ hãi và thời gian.


Tác giả: Nghệ thuật sống | Dịch giả: Sơn Hà tổng hợp

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Sử tích câu thành ngữ “Hồ trung thiên địa”



Tác giả: Michael Anderson - Sound of Hope | Dịch giả: Sơn Hà



Thế giới trong một chiếc bình (Ảnh: TalesOfWisdom)

Câu nói “Hồ trung thiên địa” (Thế giới trong một chiếc bình) là một thành ngữ Trung Quốc bắt nguồn từ câu chuyện kể về một người trông coi đạo quán Vân Đài tên là Trương Thân từ thời Đông Hán, người luôn mang theo mình một bình rượu, và gọi thế giới bên trong chiếc bình là “Hồ Thiên”. Bởi thế, người ta bèn gọi ông là “Hồ Công”.

Cách thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên khoảng ba trăm dặm, có ngọn núi gọi là Vân Đài, vốn là một mảnh đất thiêng liêng của Đạo giáo. Theo các ghi chép của Đạo giáo, Trương Đạo Lăng, người được tôn là Chính Thiên Nhất Sư, đã dẫn 370 đệ tử lên núi Vân Đài tu luyện. Không lâu sau, thấy đạo quán không có người coi sóc, ông bèn sai đệ tử của mình là Trương Thân làm công việc đó.

Dưới sự trông nom cẩn thận của Trương Thân, đạo quán ngày càng trở nên hưng thịnh. Bấy giờ có một người tên là Thi Tồn hết lòng mong mỏi muốn tu luyện đắc Đạo thành tiên. Anh ta nghe nói Trương Đạo Lăng cử một vị thần tiên tên là Hồ Công làm người coi sóc đạo quán Vân Đài, bèn lặn lội đến đó học Đạo từ Hồ Công. Tương truyền có một câu chuyện đặc biệt đằng sau cái tên của ông.

Người ta thấy Trương Thân lúc nào cũng mang theo bên mình một bình rượu. Hễ ông niệm thần chú là bên trong chiếc bình liền hiện ra một thế giới có mặt trời, mặt trăng, các vì sao, bầu trời trong xanh, trái đất, những ngọn núi, những cánh rừng, đồng cỏ, hoa thơm, đền đài, lầu các,… Kỳ bí hơn là cứ đến ban đêm, Trương Thân lại đặt chiếc bình trên mặt đất, sau khi niệm thần chú liền chui vào trong chiếc bình để tận hưởng thế giới thần tiên trong đó.


Ông gọi thế giới bên trong chiếc bình là “Hồ Thiên”. Bởi vậy, người ta mới gọi ông là “Hồ Công”. Trong mấy nghìn năm lịch sử Trung Hoa, Khổng giáo, Phật giáo và Đạo giáo đã bồi đắp nên một nền văn hoá đầy màu sắc cho đất nước Trung Quốc, cũng đã lưu truyền lại biết bao nhiêu câu chuyện tu luyện. Những người không tin vào thần thánh có thể nghĩ rằng những điều này chỉ là cổ tích thần thoại, nhưng chúng thực sự là những chuyện có thật trong lịch sử. Con người hiện đại dùng câu thành ngữ “Hồ trung thiên địa” để miêu tả tiên cảnh trong Đạo giáo, hoặc là một nơi siêu xuất khỏi thế gian phức tạp này. Nếu như chúng ta có thể thay đổi quan niệm thông thường đã cứng nhắc, thì rất có thể sẽ tìm thấy chính mình ở trong một thế giới khác, giống như là “Hồ trung thiên địa” vậy.

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Nhà tiên tri nổi tiếng người Mỹ Edgar Cayce tiên đoán về thế kỷ 21




Tác giả: Nguyên Tuyền chỉnh lý

 “Nhà tiên tri ngủ gật” Edgar Cayce (1877-1945) rất nổi tiếng ở phương Tây, lời tiên tri của ông bao hàm nhiều lĩnh vực, độ chuẩn xác cực cao, đề cập đến các cá nhân, đoàn thể, quốc gia, tình thế thế giới, và cả hướng đi trong tương lai của nhân loại. Giống như ông có thể “thấy tận mắt” trọn đường đời của một người nào đó kể cả các chi tiết tỉ mỉ, có thể nói ra công việc trong tương lai của đứa bé còn trong tã lót. Ông còn tiên đoán chính xác về hai lần thế chiến, khủng hoảng kinh tế năm 1929, việc giành độc lập của Ấn Độ, Israel lập quốc, cùng các vấn đề hỗn loạn do chủng tộc ở nước Mỹ, Tổng thống nước Mỹ qua đời trong nhiệm kỳ, cùng với sự kiện từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và thành lập thể chế xã hội mới của Nga trong vài thập niên sau, những lời tiên đoán này của ông hết thảy đều đã được nghiệm chứng. Người ta còn thành lập “Quỹ Cayce” (Edgar Cayce Foundation) để tiến hành tổng hợp và kiểm tra tất cả những lời tiên đoán của ông, kết quả thống kê đưa ra xác suất chuẩn xác khiến mọi người sợ hãi thán phục.

Cayce có niềm yêu thích đặc biệt đối với nền văn minh tiền sử Atlantis đã chìm trong Đại Tây Dương, cả đời ông đã từng đề cập vấn đề này mấy trăm lần, không chỉ tường thuật lại chi tiết, tỉ mỉ đặc trưng, mà còn tiên đoán Atlantis vào năm 1968 mới được con người phát hiện. Năm 1968, người ta quả nhiên phát hiện dưới đáy biển Bimini ở Đại Tây Dương có một con đường hình vuông bằng đá lớn, đây chính là vùng biển Atlantis mà Cayce đã miêu tả.

Nhưng Cayce lại không cho mình là có siêu năng lực, ông nói rằng những năng lực này là bản năng bẩm sinh của bất kỳ ai; chỉ có người đã loại bỏ đi chấp trước vào lợi ích cá nhân đến mức nhất định (detachment from self-interest) mới có thể có được năng lực này, và rằng khả năng của con người là vượt quá trí tưởng tượng của con người hiện đại.

Cả đời ông để lại gần 15.000 lời tiên tri, trong đó tiên tri về hướng đi tương lai của nền văn minh chỉ chiếm một bộ phận rất nhỏ, nhưng gây rất nhiều hứng thú đối với rất nhiều người, dẫu cho có một ít nội dung cho đến nay vẫn không thể hoàn toàn giải mã.

Thế chiến lần thứ II chính là đại nạn trong lịch sử của nhân loại, bởi vậy đối mặt với tương lai của thế giới đang đi về hướng mờ mịt, rất nhiều người đã đến xin sự chỉ dẫn của Cayce. Trước khi thế chiến thứ II bắt đầu, Cayce đã tiên đoán rằng có sự trỗi dậy của Hitler, Nhật Bản, thời gian chiến tranh kết thúc, và sau chiến tranh Nga cuối cùng sẽ từ bỏ chủ nghĩa cộng sản để hướng về dân chủ. Nhưng giống như ông đã nói rất nhiều lời tiên tri xuất phát từ sự gợi ý từ các sinh mệnh ở không gian cao tầng hơn, tầm mắt quan sát của Cayce cũng không bị giới hạn ở bề mặt vật chất, rất nhiều giống như “tường thuật trực quan” lại vô cùng chính xác một cách tinh diệu, ý vị sâu xa mà lại khiến người ta say mê.

Khi giảng đến chiến tranh thế giới và cục diện thế giới thật ra đều liên quan đến ý thức và tội nghiệp của mọi người, Cayce đánh giá một cách sinh động tình huống của các quốc gia như sau: Như trùm tài chính, một hội kín cùng nước Đức—nơi phát nguyên chủ nghĩa cộng sản—được xưng là “khoác lên mình tấm áo của Hội huynh đệ, trở thành quỷ hút máu của thế giới”, Italia là “vì một bát súp thịt mà bán rẻ chính mình”; Nhật Bản năm 1931 xâm nhập vào Trung Quốc là muốn “trở thành lực lượng chi phối”; đế quốc Anh già nua “mặt trời không bao giờ lặn” lại “một mực tự cho là có cách nghĩ cao minh hơn các quốc gia khác”, tội của nước Pháp là “phóng đại dục vọng thân thể”; tội của Ấn Độ là “ngoại trừ tìm kiếm trong nội tâm ra, có văn minh xán lạn nhưng lại khước từ thực hiện”; tội của nước Mỹ là “đã quên mất nguyên tắc Thượng Đế là đồng tại với chúng ta”. Những bình luận trực quan này khiến người ta cảm thấy thú vị, cũng rất sâu sắc.

Tuy nhiên, những lời tiên đoán và đánh giá của Cayce đối với Trung Quốc mới là tường tận nhất.

Ngày 24 tháng 1 năm 1925, trong trạng thái tiên tri Cayce đã chủ động kể ra sự tình sẽ phát sinh ở Trung Quốc: “Giữa năm 1931, Trung Quốc sẽ ở vào một giai đoạn đặc biệt, tại Mãn Châu sẽ xuất hiện tai hoạ đổ máu…”, đây chính là nói về sự kiện Nhật Bản xâm Hoa vào 6 năm sau. Ngày 30 tháng 7 năm 1927, ông tiếp tục đọc lên tình hình mà bản thân thấy được: “Một vài sự kiện đặc biệt phát sinh ở trên thân thể người Trung Quốc, ở trên thân thể người Nhật, một số lực lượng người ngoài hành tinh xâm lấn từ bên ngoài đã có được thế lực rồi…”, điều này có chút khiến người ta khó hiểu, bởi vì lúc đó mọi người không có bao nhiêu khái niệm về người ngoài hành tinh và sự can thiệp vào nền văn minh, nhưng Cayce cũng đã nói ra.

Nhưng khiến người phương Tây kinh ngạc nhất chính là ông đã đưa ra lời tiên đoán cho một giai đoạn của Trung Quốc:

“Trung Quốc thông qua sự phát triển chậm chạp mà bảo tồn nền văn minh của mình… Nàng có một ngày sẽ thức tỉnh, cắt đứt bím tóc! Bắt đầu suy nghĩ thực tế!” Cayce tuyên bố: “Có một ngày, nơi Trung Quốc ấy sẽ là cái nôi thai nghén ra Christianity (theo ngôn ngữ tiếng Anh hiện đại, nghĩa bề mặt là chỉ Cơ Đốc giáo), cũng áp dụng trong sinh hoạt của mọi người. Đúng vậy, sự kiện này đối với mọi người mà nói thì rất xa xôi, nhưng đối với Thần thì rất nhanh—rất nhanh, Trung Quốc sẽ tỉnh lại!”

Đoạn câu sau khiến người ta khó lý giải, bởi vì Cơ Đốc giáo đã ra đời từ sớm, nhưng người ta vẫn trung thực ghi lại nguyên văn lời của ông: “Yea, there in China one day will be the cradle of Christianity, as applied in the lives of men. It is far off, as man counts tune, but only a day in the heart of God. For tomorrow China will awake.”

Đối với điều này, các học giả phương Tây đã đưa ra một cách giải thích, tức là lời tiên đoán có thể chỉ về việc Trung Quốc sẽ xuất hiện một tín ngưỡng tương tự như Phật giáo, Cơ Đốc giáo, một tín ngưỡng và văn minh mới sẽ được sinh ra đời, đối với tương lai rất có ảnh hưởng, đây là lý giải không ở trên chữ nghĩa bề mặt đối với từ Christianity [1].

Cayce đối với biến hoá của tương lai cũng đề cập rất cụ thể: Ở thế kỷ 21, mọi người sẽ nhận ra trục trái đất đang di động; khí hậu biến đổi, toàn cầu sẽ ấm lên, vùng băng giá sẽ ấm áp; động đất phát sinh nhiều lần, nước biển dâng lên, một phần nước Mỹ sẽ bị ngập, phần lớn nước Nhật sẽ bị chìm; thế giới thiếu lương thực, miền Trung nước Mỹ, Argentina và Châu Phi sẽ trở thành vựa lúa của thế giới; Washington vẫn là trung tâm quyền lực của thế giới…

Mark Thueston là chuyên gia nghiên cứu các lời tiên tri của Cayce. Khi phát hiện ra tính chuẩn xác khiến người ta thán phục trong những lời tiên tri của Cayce, ông bắt đầu tiến hành biên soạn lại một cách chu đáo hơn 10.000 lời tiên đoán, đặt tên là “Lời tiên tri của Cayce về thế kỷ 21” (Cayce’s Prediction for the 21th Century), sau còn chỉnh lý thêm “Những lời tiên tri chưa trở thành hiện thực của Cayce trong thế kỷ 20″, cung cấp nghiệm chứng và tham khảo cho người đời sau, và dưới đây là chín lời tiên đoán quan trọng trong số đó:

1. Một phương pháp chữa bệnh mới sẽ xuất hiện—căn cứ vào sự lưu động và chuyển hoán trong hệ thống năng lượng của thân thể người và tâm linh;

2. Nguyên thần không chết, sự luân hồi của sinh mệnh sẽ được đại chúng phổ biến và tiếp nhận;
3. Khoa học và tâm linh chấm dứt tranh luận;

4. Bề mặt trái đất sẽ phát sinh biến đổi to lớn, kể cả sự thay đổi khí hậu;

5. Trọng tâm của thế giới sẽ chuyển về phương Đông, Trung Quốc Đại Lục sẽ chiếm vị trí trọng yếu;

6. Các phát hiện khảo cổ về văn minh tiền sử sẽ dần dần thay đổi nhận thức của nhân loại đối với lịch sử;

7. Trực giác và siêu năng lực sẽ xuất hiện rộng rãi, rất nhiều người có thể trực tiếp câu thông với không gian khác;

8. Nguyên tắc vũ trụ “Thái Nhất” [2] sẽ trở thành phép tuân thủ trong mọi hoạt động của nhân loại: một tín ngưỡng mới hoàn toàn sẽ xuất hiện, cũng chỉ đạo tất cả khoa học, chỉnh thể “Thái Nhất” của nhân loại sẽ trở thành hạch tâm cho tất cả hoạt động chính trị và kinh tế của thế giới xoay quanh, tín ngưỡng mới là ánh sáng của vũ trụ.

9. Chúa Cứu Thế sẽ đến.

Thời điểm Cayce giảng thuật những lời tiên tri này, nhân loại vẫn chưa tiến vào thời đại điện tử, và thế chiến thứ II cũng chưa kết thúc; rất rõ ràng, Cayce có năng lực và trí tuệ vượt xa phạm vi hiểu biết của thời đại ông.

“Các chòm sao và thiên tượng đang biến hoá, đến lúc đó, bản thân nhân loại sẽ bắt đầu thức tỉnh và thay đổi. Rất nhiều linh hồn vĩ đại trong lịch sử đã qua đời sẽ trở về, sinh ra ảnh hưởng cực lớn đến thế giới.” Cayce nói, đợi “khi thời gian Điều Chỉnh kết thúc”, “chính nghĩa sẽ tồn tại vĩnh viễn trên trái đất”.

Hôm nay, Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) bắt nguồn từ Trung Quốc truyền ra khắp nơi trên thế giới, đem đến cho nhân loại nhiều ngạc nhiên, đưa tới sự chấn động cho giới khoa học kỹ thuật, giới văn hoá, và giới tu luyện khắp toàn cầu. Sự đặc biệt của Pháp Luân Công và con đường đã qua hơn 20 năm là ăn khớp với rất nhiều lời tiên đoán trong lịch sử; trong thời đại tìm kiếm sự thật và hy vọng này, nó dẫn khởi sự chú ý của ngày càng nhiều người, mở ra hiểu biết mới về vũ trụ, thời-không, và văn minh nhân loại.

Chú thích:

[1] Christianity: trong tiếng Anh hiện đại thông thường là chỉ về Cơ Đốc giáo; thật ra trong tiếng Anh nó có rất nhiều hàm nghĩa, tiếng Anh cổ điển của từ này ngụ ý chỉ về thánh tính và niềm tin thần thánh. Trong lời tiên tri, có thể Cayce đã dùng từ này như một ẩn dụ về một loại tín ngưỡng tinh thần tương tự Cơ Đốc giáo. Ngoài ra, tra từ nguyên, Christianity có từ căn là Christ (Cơ Đốc, Chúa Cứu Thế), xuất phát từ văn bản Do Thái là Masiah (Di Trại Á), ý tức là Chúa Cứu Thế; rất nhiều học giả cận đại đã khảo chứng và phát hiện Đấng Cứu Thế (Masiah) của tôn giáo phương Tây và Phật Di Lặc (Maitreya) trong chữ Phạn có sự liên hệ, ông Tiền Văn Trung (Qian Wenzhong) gần đây đã công khai đưa ra quan điểm học thuật “Phật Di Lặc tương lai trong Phật gia và Chúa Cứu Thế của Cơ Đốc giáo là cùng một người”.

[2] Thái Nhất: là khái niệm mà các nhà triết học phương Tây đưa ra, thường chỉ về bản nguyên và cội nguồn của vạn vật trong vũ trụ.

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

LỪA GẠT NGƯỜI VÔ THỨC




Giác Hạnh Tâm dịch


Dương Trung là người giúp việc của Đới Hiến Khả, nhà Đới Hiến Khả rất giàu có, ông lệnh cho Dương Trung giúp ông phụ trách kinh doanh một nông trang; Dương Trung kinh doanh rất nỗ lực, lợi nhuận mà anh thu hoạch cũng rất nhiều. Sau đó, Đới Hiến Khả chết đi, để lại một đứa con trai tên là Bá Giản, tuổi còn rất nhỏ, nó rất vui vẻ và thích sống vật vờ với những thiếu niên không tốt, ăn uống phung phí; không được mấy năm thì toàn bộ gia sản bị phá sạch, chỉ còn lại nông trang kia mà người giúp việc Dương Trung đã kinh doanh. Bá Giản đi đến nông trang nương nhờ Dương Trung, Dương Trung bèn thanh lý tài sản nông trang và giao lại tất cả cho Bá Giản. Bá Giản rất vui mừng, lại tiêu hoang giống như trước kia; Dương Trung khóc và khuyên Bá Giản đừng xài tiền bừa bãi, Bá Giản không chịu nghe.
Có một hôm đám thiếu niên bất thiện mà Bá Giản giao lưu trước kia, lại đến nhà tìm Bá Giản để tụ tập, ăn uống và cờ bạc trong nhà. Dương Trung, trong tay cầm con dao đi về phía trước, kéo một đứa thiếu niên cầm đầu trong bọn ra và nói: “Tôi phục vụ chủ nhân đã hơn ba mươi năm, sau khi chủ nhân chết, tiểu chủ nhân thì trẻ tuổi, không hiểu biết, các anh là những “Cô hồn các đảng” thừa cơ hội dụ hoặc nó để làm hỏng việc; bây giờ gia sản nhà họ Đới đã bị phá hết rồi, may mà tôi giữ gìn nông trang của người chủ, lẽ nào các anh muốn cho toàn bộ tài sản của nhà họ Đới còn có bấy nhiêu bị phá hết sao? Bây giờ, trước tiên tôi chặt cái đầu của anh, rồi sau đó lại đi đến quan phủ tự thú để báo đáp hương hồn người chủ nhà của tôi ở trên Trời!” Sau khi những người này nghe xong thì tâm phục và khẩu phục xuống đất, hướng về Dương Trung nhận tội, và nói: “Chúng tôi từ nay trở đi cũng không dám đến nhà họ Đới nữa!”. Dương Trung bèn lấy ra một số vải vóc biếu họ.
Sau khi tháo gỡ bế tắc cho họ, Dương Trung khóc và xin lỗi tiểu chủ nhân rằng: “Cử động vừa rồi của lão bộc e rằng đã làm tiểu chủ nhân giật mình, mong tiểu chủ nhân từ đây về sau sửa đổi lại hết những thói quen từ trước, không nên kết giao với bạn ác, chỉ nghe kiến nghị của lão bộc thì lão bộc nhất định giúp đỡ tiểu chủ nhân hết tâm hết sức, chỉ cần hai, ba năm thì sản nghiệp của nhà họ Đới sẽ được khôi phục và hưng thịnh; nếu không như thế, lão bộc lúc đó sẽ nhảy xuống biển tự sát, vì lão bộc thực tại là không nhẫn tâm thấy tương lai của tiểu chủ nhân sẽ chết đói và mất mặt với nhà họ Đới vậy!” Sau khi nghe xong, Bá Giản rất cám ơn và hổ thẹn, chỉ đáp ứng lại bằng cách khóc mà thôi. Quả nhiên thời gian chưa được mấy năm Dương Trung đã khôi phục toàn bộ tài sản nhà, đất ban đầu của nhà họ Đới. Sau đó, lão bộc Dương Trung sống rất thọ mà vẫn khỏe mạnh.


Giải thích: người không có kiến thức, phải nên đánh thức họ tùy theo việc, cảnh cáo họ bằng nghĩa lý, khai mở họ bằng thiện và ác, khiến họ được giác ngộ, không để họ vì bị mê hoặc mà đọa lạc. Làm sao có thể để họ bị lừa bịp một cách dễ dàng còn chúng ta vì đó mà làm ngơ sao? Kinh Thủ Lăng Nghiêm có nói: “Người vì mê loạn không hiểu biết, nếu kẻ nào khiến chúng sanh vì si mê lầm đường thì sau khi chết kẻ đó phải đọa vào địa ngục vô gián.”

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Cái thấy từ bên trong








 Cách ta nhìn cuộc sống và người khác là thước đo bên trong lòng ta cạn, hẹp, sâu, dày ra sao.

1. Chuyện xưa kể rằng, một hôm, Tô Đông Pha(*) đến chùa Kim Sơn viếng thăm Thiền sư Phật Ấn. Đàm đạo cả ngày, bấy giờ Tô Đông Pha mới hỏi Thiền sư Phật Ấn rằng: - Bạch Đại sư! Ngài ngồi đây nhìn thấy tôi giống cái gì? Thiền sư Phật Ấn trả lời một cách trang nghiêm và trân trọng: - Xem ra giống một vị Phật!

Trong tâm của Tô Đông Pha nghe vậy hớn hở vui mừng. Thiền sư Phật Ấn mới hỏi lại Tô Đông Pha: - Ông thấy ta ra sao? Bấy giờ Tô Đông Pha nhìn thấy Thiền sư Phật Ấn mập tròn, bèn đáp: - Nhưng mà tôi nhìn ngài giống một đống phân trâu.

Tô Đông Pha sung sướng tươi cười cứ nghĩ là mình đã chiến thắng. Khi đó, Tô Đông Pha mới hỏi Thiền sư Phật Ấn rằng: - Ngài tôn tôi là Phật, nhưng tôi nói ngài là một đống phân, ngài không giận sao?

Thiền sư Phật Ấn trả lời rằng: - Tôi nên vui mừng mới đúng làm sao mà nổi giận được.

Tô Đông Pha hỏi tại sao? Thiền sư Phật Ấn trả lời: - Bởi vì mình là Phật nên nhìn người khác là Phật, chính mình là đống phân thì nhìn người khác là đống phân mà thôi!

2. Chuyện xưa, nhưng ai đọc và bao giờ đọc, chịu khó suy ngẫm cũng đều học được bài hay. Thực tế cho thấy, ta thường ngó bên ngoài, thích soi mói, chỉ lỗi người khác hơn là kiểm điểm tự thân. Vì vậy, ta sẽ ngày càng xấu đi thay vì sẽ tốt lên vì bản thân không tự sửa mà đem mong cầu người khác sửa để rồi khổ theo cái chưa tốt của họ (theo mình).

Ta dễ thấy cái dở của người, đó là một tập khí. Vì trong ta dở. Dở ở chỗ thực tập chưa có hay bốn tâm: từ, bi, hỷ, xả. Nếu thiệt thương, thiệt hoan hỷ... thì ta nhìn cuộc sống tươi hơn, dẫu nó biểu hiện thế nào thì lòng ta cũng luôn có sẵn bốn chữ “tư duy tích cực” để nhìn nhận, sống cùng thực tại một cách an vui, an ổn nhất có thể. Và, dẫu người ta có xấu xí cỡ nào thì xả là việc của mình cần nhớ để thăng bằng nội tâm.

Thực sự, ở một ai đó, ở cuộc sống và cõi Ta-bà mình đang sống không đến nỗi nào, nếu ta dùng “mắt thương nhìn cuộc đời”. Tất nhiên, đó là đôi mắt đã được rèn trui từ sự tĩnh lặng, quán chiếu sâu sắc theo cách Phật dạy: nhân quả, vô thường, vô ngã... Trên công thức “Tứ diệu đế”, thấy rõ “Bát Chánh đạo” là con đường đưa tới giác ngộ, giải thoát thì ta bồi tô cho tự thân thêm vững chãi.

Như một người học trò hay thuộc làu công thức và các phương pháp đi tới bài giải thì đáp số cho một bài toán (dẫu khó) mà mình gặp phải trong cuộc đời cũng sẽ không thành vấn đề hoặc không là quá khó. Khi đó, tham-sân-si đã được ta kiểm soát ngay từ khi khởi lên những ý niệm nhỏ nhiệm thì việc chuyển hóa chắc chắn dễ dàng và không cần phải kìm nén gì cả thì ta cũng nói lời ái ngữ, làm điều từ bi. Trong tâm ta tự toát ra cách nghĩ, lời nói, ứng xử như thế nên thân ta toát ra năng lượng bình an mà ai cũng có thể cảm nhận được.

3. Cách ta nhìn cuộc sống và người khác là thước đo bên trong lòng ta cạn, hẹp, sâu, dày ra sao. Trong dân gian người ta thường nói “lấy bụng ta suy ra bụng người” là vì vậy. Do đó, dẫu ta có là người khéo diễn cỡ nào thì việc ứng xử với cuộc sống sẽ khiến “cái kim trong bọc có ngày sẽ lòi ra”. Tức là, khi đó “tướng từ tâm sanh”, mọi người sẽ thấy được tâm hồn ta qua cách ta nói, ta làm.

Đương nhiên, cách ta nói, ta làm sẽ khiến cho cách ta nghĩ được kiện toàn theo hướng tốt lên hay sẽ càng trở nên ấu trĩ - đó là sự tương tức, nương nhau mà biểu hiện của ba nghiệp. Vì thế, không phải tự nhiên nhà thiền khuyên dùng lời ái ngữ, cử chỉ nhẹ nhàng trong mọi trường hợp, mà bởi chính việc giữ thân (oai nghi) cũng là phương tiện giúp tâm trở nên ngăn nắp dần và ngược lại, theo một quy luật phát triển của vòng xoắn ốc.

Nhớ câu chuyện của Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn để nhớ rằng, đừng tưởng khi ta chê bai, hạ bệ người khác thì người khác sẽ xấu đi. Đừng quên, đó là thước đo lòng mình và nếu cái nhìn và đánh giá của ta là một sự cố ý trù dập thì chẳng khác gì hốt cát mà ném lên trời, bụi bay vào mắt cay xè, ta là người lãnh đủ mà thôi...


Lưu Đình Long

____________________


(*) Tô Đông Pha là một nhà thơ lớn vào thời Tống ở Trung Quốc, được mệnh danh là Bát đại Đường Tống; có thời ông làm quan ở Thiểm Tây và Hàng Châu. Ông cũng rất hâm mộ đạo Phật và tự xem mình như một Phật tử. Ông và Thiền sư Phật Ấn là đôi bạn thân. Hai người thường xuyên đàm đạo về Phật giáo và thơ phú.

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Con rùa nói lên lời



 Tấn Nghĩa



Chuyện tiền thân Kachapa (chuyện số 215, phẩmĐám cỏ thơm [biranatthambahaka]) nói về cái hại của việc nói nhiều.

Chuyện kể rằng:

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba- la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một đại thần; lớn lên, ngài trở thành vị cố vấn của vua về thánh sự và thế sự. Nhưng vua có tánh nói nhiều. Khi vua nói, không ai cơ hội xen vào. Và Bồ-tát muốn ngăn chặn vua nói nhiều, nên cố tìm một cơ hội.

“Nói” là hành vi cơ bản của con người. Hành vi này xuất phát từ việc phát âm những ngôn từ trong suy nghĩ và dùng để truyền đạt các ý nghĩ từ cá nhân này đến cá nhân khác. Nếu xét về mặt mục đích, khi bàn về việc“nói”, người ta không chỉ đề cập đến hành vi phát âm theo một ngôn ngữ nào đó mà có thể chỉ chung cho các cách truyền đạt bằng ngôn từ. Chẳng hạn, viết sách là một cách “nói”, chat trên mạng cũng là một cách “nói”. Ngày nay, việc thanh thiếu niên nghiện lướtweb, chơi facebook cũng ở dạng “nói nhiều” mặc dù họ chỉ bấm phím hay kéo chuột. Ngoài ra, mọi người còn có các cuộc “độc thoại”trong đầu mình, đó cũng là hành vi “nói”. Hành vi này có đặc điểm là chẳng cần có đối tượng để truyền đạt thông tin, chỉ cần “một mình mình biết, một mình mình hay”.

Lúc bấy giờ, trong khu vực Tuyết Sơn, một con rùa sống ở một hồ nước. Hai con ngỗng trời trẻ đi tìm mồi, đến kết thân với con rùa ấy. Dần dần, chúng trở thành rất thân thiết. Một hôm ngỗng trời con nói với rùa:

– Này bác rùa, chỗ chúng tôi ở tại Tuyết Sơn, trên cao nguyên núi Cittakùta, trong một cái hang bằng vàng, trú xứ rất đẹp. Hãy đi với chúng tôi nhé!

– Làm sao tôi đi được?

– Chúng tôi sẽ đưa bác đi, nếu bác có thể giữ gìn cái miệng của bác và đừng nói một điều gì hết.

– Ðược, tôi sẽ giữ gìn. Hãy đem tôi đi.

Chúng chấp thuận,bảo con rùa ngậm một cây gậy, còn chúng cắn vào hai đầu gậy, rồi bay lên hư không.

Yêu cầu của hai con ngỗng trời là con rùa phải ngậm miệng, nghĩa là không được nói bằng cách phát âm. Con rùa cảm thấy điều này cũng dễ nên đồng ý ngay. Thật ra, việc này rất khó. Nếu ai thực hành “tịnh khẩu”, im lặng trong một thời gian sẽ thấy việc này hoàn toàn không dễ dàng.

Bọn trẻ con trong làng thấy con rùa được các con ngỗng trời trẻ đưa đi như vậy, liền la lên:

– Hai con ngỗng trời mang con rùa lên cái gậy!

Con rùa muốn nói lên: Nếu bạn ta đưa ta đi thì có can hệ gì đến các ngươi, đồ vô loại kia?

Chắc là bọn trẻ con chỉ trỏ lên con rùa, có thể có đứa rắn mắt còn ném đá hay bắn sỏi… Các câu reo hò của bọn trẻ làm cho con rùa bực mình. Nó thầm nghĩ trong đầu: nếu bạn ta đưa ta đi thì có can hệ gì đến các ngươi, đồ vô loại kia. Các ý nghĩ này chính là “lời nói”, mặc dù nó chưa được phát âm ra. Lỗi của lời nói có bốn loại. Loại đầu tiên là nói dối. Loại thứ hai là nói ác. Loại thứ ba là nói lời gây chia rẽ. Loại thứ tư là nói chuyện phiếm hay nói lời vô ích. Con rùa khi nghĩ trong đầu “nếu bạn ta đưa ta đi thì có can hệ gì đến các ngươi” là đang phạm vào lỗi nói lời vô ích. Còn việc mắng thầm lũ trẻ “đồ vô loại kia” phạm vào lỗi nói ác. Một người vi phạm điều khoản không nói lời vô ích nếu có đủ hai phần:

– Có ý muốn nói lời vô ích.

– Đã nói những chuyện vô ích.

Lời nói vô ích là lời nói không đem lại lợi ích gì cho bản thân và cho người khác.

Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, đối với các thầy, khi gặp mặt nhau có hai việc nên làm là: nói về việc tự điều chỉnh hay nên im lặng như các bậc thánh”. Nói lời vô ích gồm cả việc bàn tán những tin tức trên báo chí, tivi, radio, internet khi nó không dính dáng tới bản thân mình và mình cũng không có khả năng gây một tác động nào làm biến chuyển tình hình ấy. Một số lời nói vô ích cụ thể gồm các chuyện tầm phào về: Vua, Chủ tịch, Tổng thống, Quan chức, Chính phủ, Trộm cướp, Quân đội, Tai họa, Chiến tranh, Cơm gạo, Đồ uống, Vải vóc, quần áo, Loại hoa, vòng hoa, Chỗ ở, chỗ nằm, Mùi thơm, dầu thơm, Bà con, dòng họ, Xe cộ, Xóm làng, Quận huyện, Thành phố, Vùng quê, Đàn bà, Đàn ông, Chàng trai, Cô gái, Các cuộc đấu bóng đá, Thể thao, Sự can đảm, Đường sá, Bến nước, Bà con quá cố, Nhảm nhí, Sự tạo thiên lập địa, Số phận, luân hồi, Đại dương, Rừng, núi, Sông, biển…

Nói lời vô ích gồm cả việc không thực hiện những lời đã hứa hoặc việc đặt kế hoạch lớn lao rồi không tiến hành, không theo dõi để cho kế hoạch hoàn thành. Hiện tượng này xảy ra trong các hội nghị, khi mà người ta thảo luận các sự kiện và các giải pháp không có thực tế làm nền tảng: nhiều người đều biết như vậy nhưng vẫn tham gia phát biểu. Sự nói lời vô ích cũng bao gồm các cuộc tự thoại trong đầu vào mọi lúc, từ lúc thức dậy tới lúc đi ngủ và ngay cả trong giấc mơ. Cách điều chỉnh chính là giữ im lặng (với các câu chuyện bên ngoài) và thực tập một hình thức làm ổn định suy nghĩ (tự thoại bên trong).

Những người phạm lỗi nói lời vô ích cũng bao gồm cả những người làm nghề sáng tác văn học, kịch bản, những người diễn kịch, đóng phim… với các nội dung phục vụ sự tranh đoạt, bạo lực, tình dục, vì họ làm cho người khác tiêu khiển, say mê mà không đem lại ý thức tự điều chỉnh cho người khác.

Trong khi ấy, hai con ngỗng trời đã bay mau đến khoảng trên cung điện vua trong thành Ba-la-nại. Con rùa vừa nhả cây gậy định nói, liền rơi xuống trong sân trống và bị vỡ làm hai.

Con rùa đã nói thầm trong đầu từ trước. Theo quán tính, các câu nói thầm đó sẽ được phát âm ra để cho đối phương biết. Khi mở miệng, con rùa bị rơi xuống vỡ làm đôi. Đấy là hậu quả thấy ngay của việc không giữ gìn lời nói. Lỗi lời nói vô ích là lỗi nhẹ nhưng nó lại được tích lũy thường xuyên và có khuynh hướng phát triển thành một loại bệnh: nghiện nói. Do đó, lỗi nói lời vô ích cũng dẫn đến những hậu quả nặng. Nếu hậu quả nhẹ cũng là:

– Nhiều người không tin lời tâm huyết mà mình nói.

– Nhiều người không có cảm tình với mình.

– Không được kính trọng.

– Không thể nói cho người khác tin.

– Nghèo khổ.

– Không có quyền lực.

– Suy nghĩ không sâu.

Trở lại với câu chuyện, khi thấy con rùa rơi xuống sân thì tiếng ồn ào nổi lên. Chuyện kể tiếp:

Vua đem theo Bồ-tát cùng với các đại thần vây quanh, đi đến chỗ ấy, thấy con rùa, hỏi Bồ-tát:

– Này bậc Hiền trí, vì sao con rùa này rơi xuống?

Bồ-tát suy nghĩ: ‘Chờ đợi đã lâu, ta muốn giáo huấn vua và đang tìm một phương tiện. Nay thời cơ đã đến. Chắc con rùa này kết thân với những con thiên nga, được chúng đưa đi đến Tuyết Sơn. Chúng bảo rùa ngậm cây gậy và đưa nó đi giữa hư không, rồi có lẽ con rùa nghe lời ai đó nói, không thể giữ gìn cái miệng, nó muốn nói nên nhả cái gậy ra, liền rơi từ hư không xuống như vậy, và đi đến chỗ chết’. Và Bồ-tát thưa với vua:

– Thưa Ðại vương, những ai lắm mồm miệng, nói không dừng nghỉ, đều phải gặp tai họa như vậy. Rồi Bồ-tát đọc bài kệ này:

Con rùa nói lên lời, Lời nói tự hại mình,

Tuy khéo ngậm cái gậy, Mở miệng tự sát hại. Hãy thấy rõ điều này, Bậc Nhân chủ vĩ đại, Hãy nói lên vừa phải, Cẩn thận nói đúng thời. Kẻ nào nói nhiều lời, Như con rùa gặp nạn.

Lời nói thiện là lời nói lợi mình, lợi người, lợi cho môi trường. Nó có các đặc tính:

– Không phạm vào bốn lỗi của lời nói (dối, ác, chia rẽ, vô ích).

– Nói đúng thời điểm.

– Nói lời hòa dịu.

– Nói lời có lợi ích.

– Nói lời thông cảm thương xót (từ bi).

Trong kinh Vương tử Vô Úy (kinh số 58 thuộc Trung Bộ), Đức Phật phân tích rõ các trường hợp nên nói hoặc không nên nói; trong đó có bốn trường hợp không nên nói và hai trường hợp nên nói.

Bốn trường hợp không nên nói, theo Đức Phật dạy, có thể được diễn giải như sau:
Điều tự thân mình biết là không chân thật, không đem lại lợi ích, và khiến người nghe không ưa thích.
Điều tự thân mình biết là chân thật nhưng không đem lại lợi ích và khiến người nghe không ưa thích.
Điều tự thân mình biết là không chân thật cũng không đem lại lợi ích, mặc dù khiến người nghe ưa thích.
Điều tự thân mình biết là chân thật nhưng không đem lại lợi ích, mặc dù lời nói ấy khiến người nghe ưa thích.

Chỉ có hai trường hợp nên nói là:
Điều chân thật và đem lại lợi ích, mặc dù người nghe không hài lòng. Điều này cần phải nói đúng nơi, đúng lúc.
Điều chân thật, đem lại lợi ích, người nghe hài lòng. Vua biết Bồ-tát vì mình kể chuyện này, nói rằng: Thưa bậc Hiền trí, có phải vì tôi mà bậc Hiền trí nói? Bồ-tát trình bày rõ ràng và trả lời: Đại vương hay người khác nếu nói quá nhiều đều gặp nạn như vậy. Nhà vua từ đấy trở đi từ bỏ tánh nói nhiều và trở thành người ít nói. ■

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Sống trong sợ hãi



 “Con yêu! Chừng nào con còn sống trong quá khứ, muốn quay trở lại quá khứ; và chừng nào con còn lo nghĩ về tương lai, muốn làm chủ lấy tương lai, thì con còn sống trong sợ hãi.





Một người nọ sau khi từ giã cõi đời và được về bên Thượng Đế, anh ta mạo muội xin phép Thượng Đế cho anh ta được sống lại một vài giai đoạn trong đời anh ta. Sau khi suy nghĩ và thấy anh này cũng có một đề nghị hơi lạ, Thương Đế đã đồng ý.

Anh ta xin tiếp, “Thưa Ngài, sau mỗi quãng đời, xin cho con được dừng lại và về gặp Ngài để hỏi một vài thắc mắc có được không?” Thượng Đế cũng tỏ vẻ vui lòng ưng thuận. Vậy là người này trở lại kiếp người.


1/ Anh ta làm lại một cậu học trò với bao bận rộn với việc học hành, nhưng cũng không ít vui chơi hồn nhiên giải trí. Nhưng khi phải vượt qua những kỳ thi, thì cậu học trò lại tỏ ra lo sợ. Cậu ta lo sợ bị thi rớt, sợ bị điểm thấp, sợ bị chúng bạn chê cười…

Cậu ta xin dừng cuộc đời lại đó và đi hỏi Thượng Đế. “Thưa Ngài, tại sao con phải lo sợ những chuyện thi cử?”
“Con lo sợ chúng vì con đã nhìn cuộc đời của con như thể chỉ có chuyện thi cử mà quên đi những chuyện khác xung quanh con,” Thượng Đế trả lời.

2/ Anh ta trở lại dương thế và tiếp tục làm người.
Giai đoạn này, anh ta có người yêu, lập gia đình, có con và tưởng chừng như anh ta đã vượt qua những nỗi lo sợ của thời trẻ con. Thế nhưng, anh ta vẫn lo sợ. Anh sợ vợ anh phản bội, con anh không đủ sức khỏe, công việc làm ăn không ổn định.
Anh dừng cuộc đời lại và đi hỏi thượng đế. “Thưa Ngài, dù biết rằng con đã không nhìn cuộc đời như trước đây nữa, nhưng sao con vẫn lo sợ?”

Thượng Đế đáp, “Con lo sợ vì con muốn sở hữu chúng vĩnh viễn; con không muốn bị mất chúng. Con nên nhớ, điều gì con càng muốn nắm giữ, thì con càng lo sợ chúng bị mất đi.”

3/ Trở lại cuộc sống dương thế lần thứ ba, giờ đây ở tuổi cao niên, sau bao tháng ngày sợ hãi, lo lắng, ông già trông bình an và chấp nhận hơn. Ông không lo sợ bị mất vợ và lo lắng cho con cái như trước đây.
Nhưng trong tâm thức ông, một nỗi lo âu, sợ hãi vẫn ám ảnh ông. Nỗi lo sợ của ông không còn là nỗi lo liên quan đến “cơm áo, gạo tiền” như trước đây, nhưng ông lại sợ bị lãng quên những công trạng của thời trai trẻ; ông lo những thành quả ông góp cho đời sẽ bị mất dấu tích. Kỳ lạ thay, ông lại lo không còn được cảm nếm những nỗi lo sợ của thời học trò, của thời thiếu niên, của người thanh niên mà ông đã trải qua.

Ông quá tò mò nên quay về hỏi Thượng Đế, “Thưa Ngài, tại sao những điều lúc trước làm con lo sợ, thì bây giờ con lại sợ không còn được cảm nếm những nỗi sợ ấy nữa?”

Thượng Đế đáp, “Con yêu! Chừng nào con còn sống trong quá khứ, muốn quay trở lại quá khứ; và chừng nào con còn lo nghĩ về tương lai, muốn làm chủ lấy tương lai, thì con còn sống trong sợ hãi.

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

CON NGỰA TRẮNG CỦA MỘT NGƯỜI NGHÈO KHỔ



Ngày xửa ngày xưa có một người nghèo khổ. Ông ta có một con ngựa nhỏ. Ông chỉ có mỗi một con ngựa, dùng để chở củi về nhà. Tất nhiên đấy là một việc vô cùng cực nhọc đối với một con ngựa, vì ai cũng thắng hai ngựa vào kéo một cỗ xe, đây chỉ có một.

Một hôm ngựa nói với ông chủ:

- Ông ơi, ông hãy mua thêm một con ngựa nữa đi, vì kéo xe một mình mệt lắm ông ơi.

- Ta cũng muốn mua lắm, nhưng ta không có tiền.

- Nếu ông không có tiền, ông hãy cho phép cháu đi kiếm thêm một người bạn.

- Không được, nhỡ mi bỏ đi mất thì sao, để ta lại phải cõng củi trên lưng à?

- Không- chú ngựa nói- rồi ông sẽ thấy, cháu sẽ quay trở về mà. Ông cứ cho cháu đi đi! Một ngày thôi cũng được!

Đi thì đi!

Người nghèo khổ tin lời chú ngựa, và thả cho chú đi. Chú ngựa phóng ra đồng cỏ và gặp một chú ngựa khác.



- Chào bạn, bạn có đến chỗ tôi không, tôi đang kéo xe một mình. Chúng mình sẽ thành một đôi, mọi công việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

- Ấy chết, tôi đi sao được, việc trên cánh đồng cỏ này của tôi thích hơn nhiều.

Chú ngựa lại phi tiếp, và lại gặp một chú ngựa khác.

- Bạn ngựa thân mến ơi, đến chỗ tôi đi! Tôi đang kéo xe một mình, ông chủ của tôi nghèo lắm, ông ấy không đủ tiền để mua thêm một bạn ngựa khác.



- Đời nào tôi lại đi, ở đây sướng lắm, được thả rông một mình này, lại không phải chở củi nữa này…



Chú ngựa của người nghèo khổ cứ phi mãi , đến tận khi mệt nhoài, chú đành lăn ra nằm nghỉ trong rừng. Thế nào mà chú lại nằm lên đúng miệng một hang cáo. Cả một đại gia đình Cáo đang sống ở đấy.



Một bé Cáo muốn chui ra khỏi hang, nhưng không tài nào ra được vì một khoảng trắng toát đè lên cửa hang. Nó quay vào, mách Cáo mẹ:

- Ôi mẹ ơi, con không thể nào ra ngoài được vì tuyết rơi dày đến nỗi bịt kín cả cửa hang rồi.



- Ơ! con có bị điên không đấy?- Cáo mẹ ngạc nhiên- đang mùa hè, làm gì có tuyết?



- Có tuyết thật mà, con thấy một màu trắng toát, ngoài ra chẳng nhìn thấy gì cả.



Nghe vậy, Cáo cụ bèn bảo một Cáo anh:

-Cháu hãy thử ra xem sao,vì cháu lớn hơn và thông minh hơn, cháu hãy nhìn cho kỹ ngoài cửa hang có cái gì.

Cáo anh chạy ra xem xét, cũng chỉ thấy một màu trắng toát đè lấp cửa hang, nó quay vào và nói:

-Đúng rồi, đúng là tuyết rơi thật rồi.

- Hừ! để ta ra, để ta xem!- Cáo cụ lầm bầm.

Đầu tiên, cụ Cáo cũng tưởng màu trắng toát đó là tuyết thật, nhưng khi nhìn thật kỹ thì không phải là tuyết, mà có thể là một con vật gì đó. Cáo cụ cào đất ở miệng hang cho rộng hơn và chui lên. Sau một hồi vất vả, cụ ta trườn lên khỏi miệng hang, và nhìn thật kỹ: úi chà chà! một con ngựa trắng!

- Ha, ha, ha…con ngựa này chết rồi!



Cáo cụ hân hoan:



- Thật là một bữa đánh chén tuyệt vời! nhưng nó nằm thế này thì cả gia đình ta, ai mà lên được. Cần phải kéo nó sang một bên. Thôi, để ta sang gọi ông Sói hàng xóm giúp ta một tay.



Cáo cụ sang nhà hàng xóm và nói với Sói:

-Này ông bạn Sói ơi, ra đây giúp tôi một tay với! Có một con ngựa trắng to lắm nằm chết ngay trên cửa hang nhà tôi. Ông giúp tôi kéo nó sang một bên nhé.

Trời! Sói hàng xóm xiết bao mừng rỡ .

-Cực kỳ!- nó kêu lên khi nhìn thấy con ngựa trắng- Ông biết gì không? Hãy buộc đuôi của tôi vào đuôi của con ngựa trắng này, rồi tôi sẽ kéo sang một bên cho ông.

Nói vậy nhưng trong bụng, Sói nghĩ thầm:” Đúng là đồ Cáo ngốc, ta sẽ kéo thẳng về hang của ta chứ, hè,hè, hè…”.

Thế là Cáo cụ buộc chặt đuôi của Sói vào đuôi của chú ngựa trắng. Sói ta mắm môi mắm lợi kéo, kéo nhưng không được, sao nặng thế?

Ngựa trắng chỉ đợi có thế, chú nhảy chồm dậy, phi nước đại, băng qua các bụi cây, gạt phăng các cành cây, rồi kéo sói về nhà bác nghèo khổ. Trong khi phóng như bay chú vẫn không quên đá vài nhát ra phía sau cho sói lăn ra chết, rồi phóng thẳng vào sân nhà ông chủ của mình.



Con sói tham lam và ngu ngốc đã chết ngoẻo.

Lúc ấy người nghèo khổ đang ngồi buồn rầu ủ rũ đợi chú ngựa trắng của mình quay về, bác ta không tin là chú sẽ quay lại.

Khi nhìn thấy ngựa trắng, bác ta mừng quá, thấy ngựa trắng kéo về thêm một con Sói sau đuôi, bác còn mừng hơn.

Bác nghèo khổ tháo đuôi Sói ra khỏi đuôi ngựa, lột da và mang ra chợ bán. Tiền bán da Sói bác lấy mua ngay một con ngựa.

Từ đó trở đi bác nghèo khổ có những hai chú ngựa, bác thắng luôn cả hai chú vào xe và thế là ngày ngày hai chú ngựa vui vẻ cùng bác chở củi từ rừng về nhà.

Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung

(Trích tập: Những chuyện cổ Hungary hay nhất)

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?


Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một xâu chuỗi Phật Tổ từng đeo mà nổi tiếng.
Nơi thờ phụng sợi chuỗi chỉ có thầy trụ trì và 7 đệ tử biết.


Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Trên mạng

7 người đệ tử đều rất có ngộ tính, thầy trụ trì cảm thấy tương lai đem y bát truyền cho bất kỳ người nào trong bọn họ, đều có thể làm rạng rỡ Phật Pháp. Không ngờ, xâu chuỗi đột nhiên biến mất.



Thầy trụ trì bèn hỏi 7 đệ tử: “Các ngươi ai đã lấy xâu chuỗi, chỉ cần trả về vị trí cũ, ta sẽ không truy cứu, Phật tổ cũng không trách tội.” Các đệ tử đều lắc đầu.

7 ngày trôi qua, xâu chuỗi vẫn không được trả về. Thầy trụ trì lại nói: ”Chỉ cần ai đó thừa nhận, xâu chuỗi sẽ thuộc về người đó.“ Lại trải qua 7 ngày, vẫn không ai thừa nhận.

Thầy trụ trì rất thất vọng: “Ngày mai các người hãy rời khỏi chùa xuống núi hết đi, riêng kẻ đã lấy xâu chuỗi ta cho phép ở lại đây.“
Qua ngày hôm sau, 6 đệ tử thu dọn xong hành lý, thở nhẹ một hơi dài, nhẹ nhàng ra đi. Chỉ có một người ở lại.
Thầy trụ trì hỏi đệ tử ở lại :
– Xâu chuỗi đâu ?
– Con không lấy.
– Vậy tại sao chịu mang lấy tiếng trộm cắp?
– Mấy ngày nay các huynh đệ đều nghi ngờ lẫn nhau, nếu có người đứng ra, mới giải thoát cho chuyện này.
Lại nói:
– Xâu chuỗi tuy mất , Phật vẫn còn đây.
Thầy trụ trì cười, lấy xâu chuỗi từ tay áo mình ra, đeo vào tay người đệ tử.

Đây là câu chuyện làm tôi cảm ngộ rất lâu.
Không phải mọi việc đều cần nói rõ ràng, cái quan trọng hơn nói rõ ràng đó là: có thể gánh vác, có thể hành động, có thể hóa giải, có thể sắp xếp, có thể thay đổi, nghĩ về mình, càng phải nghĩ cho người khác, đây chính là Phật pháp.

Người hiểu bạn, không cần phải giải thích,

Người không hiểu bạn, giải thích cũng vô ích.

Đây không chỉ là một loại cảnh giới, mà hơn hết là một loại đại trí huệ.

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Ba kẻ đại khôn và đại ngu



Tác giả: Nguyễn Tất Thịnh (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia).



Có Ông Vua rất phù phiếm, một ngày kia nổi hứng triệu Tể Tướng đến đòi phải đi tìm bằng được ba người Đại Khôn đến.

Tể Tướng đi vài ngày ra ngoài Kinh Thành tìm được một người đàn ông đói rách ở nơi Kẻ Chợ, luôn tự coi mình là Kẻ Sĩ, mang về gặp Vua.

Nhà Vua rất ngạc nhiên hỏi: Tại sao hắn ta lại có thể coi là người Đại Khôn được cơ chứ?

Tể tướng bẩm: Bệ Hạ có thể hỏi anh ta mọi điều mà Người chưa được biết, anh ta có thể nói rành mạch đâu ra đấy ạ.



Quả nhiên như vậy, Vua đồng ý mà hỏi tiếp: Thế người Đại Khôn thứ hai là ai?

Tể Tướng khiêm nhường: Thưa, đó chính là Thần đây ạ!

– Ô, sao lại không phải là người khác nhỉ?

Tể tướng đáp: Nếu Thần không phải là người Đại Khôn thì sao có thể biết mà tìm được hắn ta là Đại Khôn mà đưa về đây yết kiến ạ!?

– Ừ nhà Ngươi nói đúng lắm. Thế còn người thứ ba?

Tể Tướng lễ phép: Muôn tâu… đó chính là Bệ Hạ ạ!

Nhà Vua quá ngạc nhiên ngả hẳn người ra sau Ngai vàng – Thật kinh ngạc là Đức Vua lại rất ngạc nhiên về điều ấy – nên hỏi: tại sao Ngươi lại nghĩ thế?

Tể Tướng đáp: Bệ Hạ phải là Đại Khôn mới có thể biết Thần là xứng đáng mà bổ nhiệm trọng trách Tể Tướng! Ồ…

Nhà Vua cảm thán: Ngươi đã hoàn thành việc Ta yêu cầu!



Một thời gian sau, Vua lại thấy buồn buồn mà đòi Tể Tướng phải đi tìm về cho mình ba kẻ Đại Ngu. Tể Tướng đi vài ngày ra ngoài Kinh thành tìm người đàn ông đói rách nơi Kẻ Chợ, luôn coi mình là Kẻ Sĩ kia mang về. Vua quá ngạc nhiên nhỏm người lên Ngai vàng hỏi: Cớ sao lại coi hắn ta là Đại Ngu nhỉ?

-Thưa Bê Hạ, hắn luôn tự coi mình là Kẻ Sĩ mà chịu phận đói rách nơi đầu đường xó chợ mà mong chút cơm thừa canh cặn thì có đúng là Đại Ngu không đây?

Vua cười nói: Đúng, thật thảm hại, hắn ta đúng là Ngu Tâm. Thế còn kẻ thứ hai?

Tể Tướng cui đầu đáp: Dạ thưa chính là Ngu Thần đây ạ! Ngươi nói gì? Một người như Ngươi sao tự nhận mình kém cỏi đến thế?

– Tâu Bệ Hạ, Ngu Thần nhận trọng trách lo việc Dân Sinh mà không chuyên chú lại mất thời gian, tâm sức lang thang ngoài Kẻ Chợ cốt tìm về đây được một kẻ Đại Ngu, rồi để những Kẻ Sĩ phải đói rách thì chính Thần là Ngu Tài rồi!

Vua buồn buồn ngả người sâu và Ngai vàng, một lúc sau nói: Đúng, một Tể Tướng như thế thì thật ăn hại. Rồi nhướn mắt về Tể Tướng trầm giọng hỏi: Kẻ thứ ba, ý của Ngươi là …? … Đúng không nhỉ?

Vâng – Tể Tướng quì xuống, dướn cổ lên về phía Vua nói: Bệ Hạ đáng ra phải lao Tâm lo việc Quốc Kế thì lại bắt Tể Tướng đi tìm kẻ Đại Ngu trong Thiên Hạ, thì đó có thể coi là Đại Ngu – là Ngu Trí được không a? Muôn tâu, kẻ Ngu Tâm có thể chữa, Ngu Tài như Thần đây có thể thay, nhưng Bệ Hạ không thể Ngu Trí, bởi như thế thì báo hại Xã tắc mất thôi!

Kết của câu chuyện này là gì tùy các Bạn sau khi đọc nó. Với tôi, Ngu hay Khôn của một kẻ, một người không là vấn đề lắm. Điều quan trọng là Nhận thức của mọi người như thế nào các Bạn ạ, để đi đến hành động chung mà mọi người mong ước...

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Con rùa nói lên lời

 Tấn Nghĩa


Chuyện tiền thân Kachapa (chuyện số 215, phẩm
Đám cỏ thơm [biranatthambahaka]) nói về cái hại của việc nói nhiều.

Chuyện kể rằng:

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba- la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một đại thần; lớn lên, ngài trở thành vị cố vấn của vua về thánh sự và thế sự. Nhưng vua có tánh nói nhiều. Khi vua nói, không ai cơ hội xen vào. Và Bồ-tát muốn ngăn chặn vua nói nhiều, nên cố tìm một cơ hội.

“Nói” là hành vi cơ bản của con người. Hành vi này xuất phát từ việc phát âm những ngôn từ trong suy nghĩ và dùng để truyền đạt các ý nghĩ từ cá nhân này đến cá nhân khác. Nếu xét về mặt mục đích, khi bàn về việc“nói”, người ta không chỉ đề cập đến hành vi phát âm theo một ngôn ngữ nào đó mà có thể chỉ chung cho các cách truyền đạt bằng ngôn từ. Chẳng hạn, viết sách là một cách “nói”, chat trên mạng cũng là một cách “nói”. Ngày nay, việc thanh thiếu niên nghiện lướtweb, chơi facebook cũng ở dạng “nói nhiều” mặc dù họ chỉ bấm phím hay kéo chuột. Ngoài ra, mọi người còn có các cuộc “độc thoại”trong đầu mình, đó cũng là hành vi “nói”. Hành vi này có đặc điểm là chẳng cần có đối tượng để truyền đạt thông tin, chỉ cần “một mình mình biết, một mình mình hay”.

Lúc bấy giờ, trong khu vực Tuyết Sơn, một con rùa sống ở một hồ nước. Hai con ngỗng trời trẻ đi tìm mồi, đến kết thân với con rùa ấy. Dần dần, chúng trở thành rất thân thiết. Một hôm ngỗng trời con nói với rùa:

– Này bác rùa, chỗ chúng tôi ở tại Tuyết Sơn, trên cao nguyên núi Cittakùta, trong một cái hang bằng vàng, trú xứ rất đẹp. Hãy đi với chúng tôi nhé!

– Làm sao tôi đi được?

– Chúng tôi sẽ đưa bác đi, nếu bác có thể giữ gìn cái miệng của bác và đừng nói một điều gì hết.

– Ðược, tôi sẽ giữ gìn. Hãy đem tôi đi.

Chúng chấp thuận,bảo con rùa ngậm một cây gậy, còn chúng cắn vào hai đầu gậy, rồi bay lên hư không.

Yêu cầu của hai con ngỗng trời là con rùa phải ngậm miệng, nghĩa là không được nói bằng cách phát âm. Con rùa cảm thấy điều này cũng dễ nên đồng ý ngay. Thật ra, việc này rất khó. Nếu ai thực hành “tịnh khẩu”, im lặng trong một thời gian sẽ thấy việc này hoàn toàn không dễ dàng.

Bọn trẻ con trong làng thấy con rùa được các con ngỗng trời trẻ đưa đi như vậy, liền la lên:

– Hai con ngỗng trời mang con rùa lên cái gậy!

Con rùa muốn nói lên: Nếu bạn ta đưa ta đi thì có can hệ gì đến các ngươi, đồ vô loại kia?

Chắc là bọn trẻ con chỉ trỏ lên con rùa, có thể có đứa rắn mắt còn ném đá hay bắn sỏi… Các câu reo hò của bọn trẻ làm cho con rùa bực mình. Nó thầm nghĩ trong đầu: nếu bạn ta đưa ta đi thì có can hệ gì đến các ngươi, đồ vô loại kia. Các ý nghĩ này chính là “lời nói”, mặc dù nó chưa được phát âm ra. Lỗi của lời nói có bốn loại. Loại đầu tiên là nói dối. Loại thứ hai là nói ác. Loại thứ ba là nói lời gây chia rẽ. Loại thứ tư là nói chuyện phiếm hay nói lời vô ích. Con rùa khi nghĩ trong đầu “nếu bạn ta đưa ta đi thì có can hệ gì đến các ngươi” là đang phạm vào lỗi nói lời vô ích. Còn việc mắng thầm lũ trẻ “đồ vô loại kia” phạm vào lỗi nói ác. Một người vi phạm điều khoản không nói lời vô ích nếu có đủ hai phần:

– Có ý muốn nói lời vô ích.

– Đã nói những chuyện vô ích.

Lời nói vô ích là lời nói không đem lại lợi ích gì cho bản thân và cho người khác.

Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, đối với các thầy, khi gặp mặt nhau có hai việc nên làm là: nói về việc tự điều chỉnh hay nên im lặng như các bậc thánh”. Nói lời vô ích gồm cả việc bàn tán những tin tức trên báo chí, tivi, radio, internet khi nó không dính dáng tới bản thân mình và mình cũng không có khả năng gây một tác động nào làm biến chuyển tình hình ấy. Một số lời nói vô ích cụ thể gồm các chuyện tầm phào về: Vua, Chủ tịch, Tổng thống, Quan chức, Chính phủ, Trộm cướp, Quân đội, Tai họa, Chiến tranh, Cơm gạo, Đồ uống, Vải vóc, quần áo, Loại hoa, vòng hoa, Chỗ ở, chỗ nằm, Mùi thơm, dầu thơm, Bà con, dòng họ, Xe cộ, Xóm làng, Quận huyện, Thành phố, Vùng quê, Đàn bà, Đàn ông, Chàng trai, Cô gái, Các cuộc đấu bóng đá, Thể thao, Sự can đảm, Đường sá, Bến nước, Bà con quá cố, Nhảm nhí, Sự tạo thiên lập địa, Số phận, luân hồi, Đại dương, Rừng, núi, Sông, biển…

Nói lời vô ích gồm cả việc không thực hiện những lời đã hứa hoặc việc đặt kế hoạch lớn lao rồi không tiến hành, không theo dõi để cho kế hoạch hoàn thành. Hiện tượng này xảy ra trong các hội nghị, khi mà người ta thảo luận các sự kiện và các giải pháp không có thực tế làm nền tảng: nhiều người đều biết như vậy nhưng vẫn tham gia phát biểu. Sự nói lời vô ích cũng bao gồm các cuộc tự thoại trong đầu vào mọi lúc, từ lúc thức dậy tới lúc đi ngủ và ngay cả trong giấc mơ. Cách điều chỉnh chính là giữ im lặng (với các câu chuyện bên ngoài) và thực tập một hình thức làm ổn định suy nghĩ (tự thoại bên trong).

Những người phạm lỗi nói lời vô ích cũng bao gồm cả những người làm nghề sáng tác văn học, kịch bản, những người diễn kịch, đóng phim… với các nội dung phục vụ sự tranh đoạt, bạo lực, tình dục, vì họ làm cho người khác tiêu khiển, say mê mà không đem lại ý thức tự điều chỉnh cho người khác.

Trong khi ấy, hai con ngỗng trời đã bay mau đến khoảng trên cung điện vua trong thành Ba-la-nại. Con rùa vừa nhả cây gậy định nói, liền rơi xuống trong sân trống và bị vỡ làm hai.

Con rùa đã nói thầm trong đầu từ trước. Theo quán tính, các câu nói thầm đó sẽ được phát âm ra để cho đối phương biết. Khi mở miệng, con rùa bị rơi xuống vỡ làm đôi. Đấy là hậu quả thấy ngay của việc không giữ gìn lời nói. Lỗi lời nói vô ích là lỗi nhẹ nhưng nó lại được tích lũy thường xuyên và có khuynh hướng phát triển thành một loại bệnh: nghiện nói. Do đó, lỗi nói lời vô ích cũng dẫn đến những hậu quả nặng. Nếu hậu quả nhẹ cũng là:

– Nhiều người không tin lời tâm huyết mà mình nói.

– Nhiều người không có cảm tình với mình.

– Không được kính trọng.

– Không thể nói cho người khác tin.

– Nghèo khổ.

– Không có quyền lực.

– Suy nghĩ không sâu.

Trở lại với câu chuyện, khi thấy con rùa rơi xuống sân thì tiếng ồn ào nổi lên. Chuyện kể tiếp:

Vua đem theo Bồ-tát cùng với các đại thần vây quanh, đi đến chỗ ấy, thấy con rùa, hỏi Bồ-tát:

– Này bậc Hiền trí, vì sao con rùa này rơi xuống?

Bồ-tát suy nghĩ: ‘Chờ đợi đã lâu, ta muốn giáo huấn vua và đang tìm một phương tiện. Nay thời cơ đã đến. Chắc con rùa này kết thân với những con thiên nga, được chúng đưa đi đến Tuyết Sơn. Chúng bảo rùa ngậm cây gậy và đưa nó đi giữa hư không, rồi có lẽ con rùa nghe lời ai đó nói, không thể giữ gìn cái miệng, nó muốn nói nên nhả cái gậy ra, liền rơi từ hư không xuống như vậy, và đi đến chỗ chết’. Và Bồ-tát thưa với vua:

– Thưa Ðại vương, những ai lắm mồm miệng, nói không dừng nghỉ, đều phải gặp tai họa như vậy. Rồi Bồ-tát đọc bài kệ này:

Con rùa nói lên lời, Lời nói tự hại mình,

Tuy khéo ngậm cái gậy, Mở miệng tự sát hại. Hãy thấy rõ điều này, Bậc Nhân chủ vĩ đại, Hãy nói lên vừa phải, Cẩn thận nói đúng thời. Kẻ nào nói nhiều lời, Như con rùa gặp nạn.

Lời nói thiện là lời nói lợi mình, lợi người, lợi cho môi trường. Nó có các đặc tính:

– Không phạm vào bốn lỗi của lời nói (dối, ác, chia rẽ, vô ích).

– Nói đúng thời điểm.

– Nói lời hòa dịu.

– Nói lời có lợi ích.

– Nói lời thông cảm thương xót (từ bi).

Trong kinh Vương tử Vô Úy (kinh số 58 thuộc Trung Bộ), Đức Phật phân tích rõ các trường hợp nên nói hoặc không nên nói; trong đó có bốn trường hợp không nên nói và hai trường hợp nên nói.

Bốn trường hợp không nên nói, theo Đức Phật dạy, có thể được diễn giải như sau:
Điều tự thân mình biết là không chân thật, không đem lại lợi ích, và khiến người nghe không ưa thích.
Điều tự thân mình biết là chân thật nhưng không đem lại lợi ích và khiến người nghe không ưa thích.
Điều tự thân mình biết là không chân thật cũng không đem lại lợi ích, mặc dù khiến người nghe ưa thích.
Điều tự thân mình biết là chân thật nhưng không đem lại lợi ích, mặc dù lời nói ấy khiến người nghe ưa thích.

Chỉ có hai trường hợp nên nói là:
Điều chân thật và đem lại lợi ích, mặc dù người nghe không hài lòng. Điều này cần phải nói đúng nơi, đúng lúc.
Điều chân thật, đem lại lợi ích, người nghe hài lòng. Vua biết Bồ-tát vì mình kể chuyện này, nói rằng: Thưa bậc Hiền trí, có phải vì tôi mà bậc Hiền trí nói? Bồ-tát trình bày rõ ràng và trả lời: Đại vương hay người khác nếu nói quá nhiều đều gặp nạn như vậy. Nhà vua từ đấy trở đi từ bỏ tánh nói nhiều và trở thành người ít nói.

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

- Chuyện bà vợ xin Phật bảy bát nước cứu khổ



Ngày xửa ngày xưa, tại một ngôi làng nọ có một gia đình bá hộ nối tiếng giàu có nhất vùng. Người người nể phục, nhà cao cửa rộng, đồng ruộng thì mênh mông bát ngát, thẳng cánh có bay, gia súc thì từng đàn, lúa chất đầy bồ, trong nhà không thiếu thứ gì, kẻ ăn người ở có tới chừng mấy mươi người. Cao lương mỹ vị ăn mãi không hết.

Gia đình bá hộ có hai người con, một trai một gái. Ai cũng khôi ngô tuấn tú, xinh đẹp và nết na. Nhưng rồi tai họa đã giáng suống gia đình họ, khi người con gái vì uất ức với mối tình cùng chàng thi sĩ mà quyên sinh, còn cậu con trai trong một lần đi săn trong rừng sâu, bất cẩn bị sập bẫy mà trở thành kẻ tàn phế.

Người mẹ vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. Bà sống trong nỗi ám ảnh và oán hờn. Ngày ngày bà ăn chay niệm Phật cầu xin được bình an và không còn phiền muộn. Rồi một ngày kia, bà cho gọi tất cả những người dân mang nợ với gia đình bà đến và phán rằng:

- Từ xưa tới nay, gia đình ta ăn ở có trên có dưới, ai khó khăn ta đều cứu giúp, cho vay bạc và lúa gạo, sau mỗi lần thu hoạch thì gia đình các ngươi đều có trả nhưng vẫn không thể hết. Nay ta cho gọi các ngươi tới để xóa tất cả các món nợ từ trước đến nay. Dù nợ nhiều hay ít. Từ nay trở về sau, giữa gia đình ta và gia đình những nông dân này không còn bất kỳ món nợ nào.

Những người nông dân nghèo khổ vui mừng khôn xiết, tay bắt mặt mừng, có những người đã quỳ lạy cảm tạ tấm lòng của bà mà khóc nức nở, nguyện làm thân trâu ngựa để báo đáp ơn này. Nhưng bà một lòng từ chối “Kẻ ăn người ở trong gia đình ta nay đã có đủ vì vậy ta không cần thêm nữa, các ngươi hãy về lo làm ăn và sống cuộc sống như mình mong muốn”

Việc làm này của bà, những tưởng rằng như vậy thì trong lòng bà sẽ thấy thanh thản nhưng sao vẫn nặng trĩu một nỗi buồn.



Nhân dịp một lần vào viếng chùa, bà đã xin gặp vị Hòa thượng và bạch rằng hãy cho bà xin một bài thuốc để diệt trừ khổ đau và phiền não. Vị Hòa thượng mỉm cười hiền hậu nhìn người phụ nữ sang trọng, quý phái nhưng có khuôn mặt đượm buồn mà nói, bà hãy tìm đến bảy gia đình chưa bao giờ biết khổ, xin mỗi gia đình một bát nước. Với bảy bát nước đặc biệt này, tôi sẽ nấu thành một loại thuốc giải cứu những sầu muộn trong lòng bà.

Ngay sau đó, bà lên đường tới thăm gia đình thứ nhất mà bà quen biết bấy lâu nay, bà nghĩ rằng ắt hẳn gia đình này đang hạnh phúc và bà có thể xin được một bát nước. Quả là éo le, sau khi nghe bà trình bày, chủ nhà nhìn bà với ánh mắt ngấn lệ, rằng bà đã đến không đúng nhà và tìm không đúng người.

Lúc này, người chủ nhà bắt đầu kể về câu chuyện gia đình, họ đã sống những ngày đau khổ, bất hạnh ra sao, con cái khiến họ mệt mỏi và buồn phiền như thế nào v.v… Nghe xong, bà lại nói những lời động viên, an ủi, vỗ về yêu thương trước khi bà tới thăm gia đình khác.

Cả ngày hôm ấy, bà không xin được một bát nước nào. Nước là thứ đi đâu cũng có thể lấy, dễ tìm nhưng bà không thể xin được. Gia đình nào cũng có nỗi sầu khổ riêng, không ai giống ai và tất cả những điều ấy khiến bà chạnh lòng, như một phản xạ rất tự nhiên, của một người phụ nữ đã trải qua những mất mát những đau thương trong cuộc sống, bà đều nói lời khích lệ tinh thần, hay đơn giản chỉ là lắng nghe họ tâm sự đề thấu hiểu những gì họ đã trải qua bằng tất cả tình yêu thương vốn có.

Suốt những tháng ngày sau đó, bà kiên nhẫn đi xin, nhưng cũng không tìm thấy gia đình nào hạnh phúc thật sự như bà vẫn thấy. Nơi nào cũng chất chứa nỗi niềm khổ đau và hờn tủi. Bà luôn bận tâm suy nghĩ làm thế nào để an ủi, giúp mọi người thoát khỏi phiền não, xoa dịu đau thương, và bà đã quên đi đau khổ của chính mình.

Giờ đây hơn bao giờ hết, bà thấy lòng mình thật thanh thản, nhẹ nhàng. Khi ta cho đi cũng là khi ta nhận lại nhiều hơn thế, nỗi buồn sẽ vơi đi khi ta cởi mở lòng mình, đón nhận lời sẻ chia, lời thân thiện từ những người chung quanh.

Sẽ không có bất kỳ loại thuốc nào có thể “chữa lành” những phiền muộn trong mỗi thân thể con người. Cách mà vị Hòa thượng chỉ cho người phụ nữ bất hạnh kia thật sâu sắc và ý nhị. Sự từng trải, lòng khoan dung, tình yêu thương của một người đàn bà từng làm vợ, làm mẹ của những đứa con, đã giúp bà nhận ra rất nhiều thứ xung quanh cuộc sống này. Điều mà từ trước tới giờ bà chưa một lần được biết và thấu hiểu.

Bảy bát nước, bà mãi không bao giờ tìm thấy nhưng con số bảy cho bà nhiều trải nghiệm đáng quý, nó giống như thiên thần hộ mệnh dẫn dắt bà đến với những điều bản thân tưởng chừng như không thể. Nỗi đau mà bà đang chịu đựng rất nhỏ so với những người khác, phải chăng đó là một điều hạnh phúc?

Đôi khi trong cuộc sống, có những thời điểm mà tất cả mọi thứ chống lại bạn, đến nỗi bạn cảm tưởng rằng mình không thể chịu đựng hơn được nữa, nhưng hãy cố gắng đừng buông xuôi và bỏ cuộc, vì sớm muộn gì rồi mọi thứ cũng sẽ qua đi. Chính nụ cười của bạn mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh, và tất nhiên nó cũng mang lại hạnh phúc cho chính bản thân bạn nữa. Điều ngọt ngào nhất bao giờ cũng đến phía sau những nỗi cô đơn dù không thể diễn tả thành lời.

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Sự hoàn hảo



Con người chúng ta ai cũng bị ám ảnh bởi ý nghĩ “Ta phải hoàn hảo”. Có lẽ chính những suy nghĩ này đã khiến cho chúng ta không ít lần phải rên lên “Đời là bể khổ”.

Ta luôn đấu tranh với bản thân để ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng là “nhân” thì “vô thập toàn”. Khi phạm sai lầm ta bị dằn vặt, lo sợ không còn được tôn trọng, tin tưởng. Sai lầm chỉ hữu ích khi nó khuyến khích ta tiến lên, ngược lại nó sẽ làm tê liệt con người với mặc cảm mình thật vô dụng, bất tài.

Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, có một vòng tròn. Vòng tròn ta rất tự hào về thân hình của mình, tròn một cách hoàn hảo đến từng milimét. Thế nhưng, một sáng nọ thức dậy, nó bỗng thấy mình mất một góc lớn hình tam giác.

Buồn bực, vòng tròn tìm mảnh vỡ hình tam giác bị mất. Vì không còn hoàn hảo nên nó lăn rất chậm chạp. Nó bắt đầu ngợi khen những bông hoa dại đang tỏa sắc bên đường. Nó tâm tình cùng sâu bọ. Nó tận hưởng ánh sáng mặt trời ấm áp. Vòng tròn tìm được nhiều mảnh vỡ nhưng chẳng mảnh nào vừa cả. Nó lại tiếp tục tìm kiếm. Một ngày kia nó tìm được một mảnh hoàn toàn vừa khít. Nó sướng đến run người. Giờ đây nó lại hoàn hảo như xưa.

Nó ghép mảnh vỡ kia vào rồi lăn đi. Nhưng, ơ kìa! Sao nó lăn nhanh đến thế!
Nhanh đến nỗi các bông hoa nhòe đi trong mắt nó, tiếng chuyện trò thì bạt đi trong gió. Vòng tròn nhận ra thế giới xung quanh nó trở nên khác hẳn khi nó lăn quá nhanh. Nó bèn dừng lại, đặt mảnh vỡ bên đường rồi chầm chậm lăn đi!

Bài học cái vòng tròn tặng tất cả chúng ta là: Thật kỳ lạ khi con người ta mất đi một cái gì đó lại thấy mình hoàn hảo. Một người có tất cả mọi thứ trên đời lại là kẻ nghèo túng. Bạn sẽ không biết thế nào là ước mơ, là hy vọng, là nuôi dưỡng vì một ngày mai tốt đẹp hơn. Bạn sẽ không bao giờ biết cảm giác sung sướng khi có ai đó yêu thương bạn và cho bạn cái bạn tha thiết mong muốn!

Cuộc sống không phải là cái bẫy để chờ chúng ta sa vào rồi kết tội. Cuộc sống có chút gì đó như mùa bóng, khi đội mạnh nhất cũng có thể bị thua và đội yếu nhất cũng có những giây phút huy hoàng. Mục đích của chúng ta là thắng nhiều hơn bại.

Hãy biết chấp nhận sự bất toàn là một phần tất yếu của con người. Nếu ta đủ dũng cảm để yêu thương, đủ sức mạnh để để tha thứ, đủ hào phóng để chia sẻ hạnh phúc cho kẻ khác, đủ thông minh để hiểu rằng tình yêu thương luôn bao bọc chúng ta. Khi ấy ta đã đạt đến sự toàn mỹ mà nhiều người chỉ dám mơ ước.

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Cần hiển tài thì phô tài, cần vô dụng thì hiện vô dụng.



Trang Tử dẫn một đoàn môn sinh lên núi thăm bằng hữu.Đến chỗ rừng sâu heo hút, thấy đám tiều phu đang đốn cây. Trang Tử hỏi: - Vì sao các anh chặt hết mấy cây kia, chỉ lưu lại mỗi một cây to này?


Tiều phu nói:

- Cây này xem bề ngoài đẹp đẽ vậy chứ vô dụng lắm, chẳng xài được gì cả!

Trang Tử quay đầu ngó môn sinh bảo:

- Cây này nhờ vô dụng mà được lưu lại, các anh phải học theo như vậy!







Đi qua núi, trời sắp sụp tối, Trang Tử dẫn môn sinh đến nghỉ đêm nơi nhà người bạn.

Người bạn đã lâu không gặp Trang Tử, mừng rỡ sai con:

- Hãy mau giúp cha làm thịt chim đãi khách!

Con cầm dao lên, hỏi cha:

- Nhà mình có hai con chim, nên giết con nào?

Người cha bảo:

- Tất nhiên là con không biết hót!

Nói xong, người cha mỉm cười bảo Trang Tử:

- Con tôi khờ quá, có vậy mà cũng hỏi, con chim không biết hót thì vô dụng quá, giữ lại làm chi?

Trang Tử quay đầu bảo môn sinh:

- Con chim được sống là nhờ biết hót, các anh phải học tập điều này.

Sáng hôm sau, các trò không nhịn được, hỏi Trang Tử:

- Thưa thầy, chiều qua vào rừng, thấy cây vô dụng được chừa lại, thầy bảo học nó. Rồi đến lượt con chim, nhờ có tài mà được sống, thầy cũng bảo học nó. Lời thầy dạy thực mâu thuẫn quá, rốt cuộc chúng con phải theo bên nào? - Hữu tài hay vô tài? Hữu dụng hay vô dụng?

Trang Tử cười to, nói:

- Các anh phải dùng trí phán đoán, tùy thời mà cư xử, ứng biến chứ! Hễ thấy cần hiển tài thì phô tài, cần vô dụng thì hiện vô dụng. Còn bình thường thì hãy trụ ở giữa hữu và vô, vậy thôi.

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Cuộc thi trèo cây





Tại một khu rừng nọ, nhằm tìm ra những con vật tài giỏi để giao một số trọng trách, người ta tổ chức một kỳ thi với sự tham gia của các con vật tại đó, gồm: Quạ, Khỉ, Chim cánh cụt, Voi, Cá, Hải cẩu và Chó.

Khi cả bọn đông đủ, vị giám thị ra đề. “Để công bằng, tất cả phải làm chung một bài kiểm tra: Hãy leo lên cái cây kia!“.

Cuộc thi bắt đầu. Quạ thi đầu tiên và tạo được sự bất ngờ vì sự giỏi giang của mình, nó chọn con đường nhanh nhất là bay thẳng lên đỉnh cây.

Giám thị coi thi phán rằng: “Con rất giỏi và thông minh, chọn con đường nhanh nhất, không theo một trình tự nào và tới được đỉnh cây chỉ trong vài giây, con được 10 điểm.“

– “Cảm ơn thầy, đó là điều hiển nhiên.” – Quạ đáp.

Đến phiên Khỉ thi, một sự khởi động nhẹ nhàng, Khỉ vặn mình để chuẩn bị trèo lên cây, chiếc cây cao nhưng khỉ vẫn mỉm cười và tự tin rằng chuyện này trong tầm tay mình vì ngày nào nó chả luyện trèo hết cây này, đến cây khác nhuyễn như cháo. Thật vậy, Khỉ chỉ cần chốc lát là leo lên tận đỉnh của cây và thầy giám thị vui vẻ chấm:

– “Con làm tốt lắm, đi theo trình tự, theo đúng bài bản và đã leo lên được đỉnh cây nhưng con không có sự thông minh, con chỉ có ý chí và cần cù của con nên con cũng thành công. Ta cho 9 điểm.“

– “Cảm ơn thầy, cần cù, chăm chỉ là một phần của thành công ạ.” – Khỉ đáp.

Đến phiên Chim cánh cụt thi, cảm thấy rụt rè và sợ hãi khi thấy cái cây quá to và cao, đang đứng rui rẩy thì Voi lên tiếng.

– “Thưa, con xin phép cho con thi trước được không ạ?“
– “Ta đồng ý.” – Giám thị trả lời.

Thế là Voi thay Chim cánh cụt thi trước và điều bất ngờ xảy ra khi voi húc liên tục cả thân hình đồ sộ của mình vào thân cây, khiến thân cây rung chuyển, chao đảo và rồi ngã bật gốc xuống. Thầy giám thị tức tối liền quát to:

– “Cậu làm cái quái gì thế? Định phá kỳ thi của ta sao?”
– “Dạ, không ạ, đó chỉ là cách của con, mặc dù có tổn hại nhưng con vẫn hoàn thành bài thi.“

Voi ung dung đi từ gốc cây đến đỉnh cây. Và lần lượt từ Chim cánh cụt, Hải cẩu và Chó chỉ cần leo lên thân cây và đi từ gốc đến đỉnh cây 1 cách dễ dàng và về đích hoàn thành bài thi.

Nhưng riêng cá thì không thể, nó không thể nào ra khỏi bể để làm bài kiểm tra giống như các bạn mình, Quạ và Khỉ nhìn khinh khi, dè bỉu, giám thị cũng liên tục hối thúc không chút cảm thông. Nó buồn lắm và tự trách mình thật tệ hại, kém cỏi so với người khác, một cảm giác bất tài, vô dụng choán tâm trí nó. Ý định nảy sinh trong đầu cá bây giờ là chết để được giải thoát, một kẻ bất tài thì chết cũng có gì đáng tiếc chứ.

Nhưng khi cá chưa kịp làm gì, bỗng nó thấy cả nhóm Voi, Chim cánh cụt, Hải cẩu và Chó cùng nhau đẩy cái cây xuống dòng sông gần đó, rồi nhanh chóng, bọn chúng đưa cá đến gần sông thả xuống nước và từ đó cá cũng bơi từ gốc lên đỉnh cây và hoàn thành bài kiểm tra một cách thuận lợi.

ST

Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Người thông minh nhất trên đời là người thành thật nhất



Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều người quan niệm “thẳng thắn thật thà thường thua thiệt”, họ thường chấp vào được mất ở trước mắt mà quên rằng, chỉ có dám sống thật với chính mình, chúng ta mới đủ sức vượt qua những khó khăn của cuộc sống và đạt được thành công xuất sắc trong sự nghiệp.

Án Thù là một nhà văn, nhà chính trị nổi tiếng thời Bắc Tống. Những nhà thơ lớn thời đó như Âu Dương Tu, Phạm Trọng Yêm, v.v… đều là học trò của ông.

Năm mười ba, mười bốn tuổi, Án Thù đã nổi tiếng khắp nơi về sự học rộng, đa tài của mình. Các quan lại địa phương rất mến mộ tài năng của ông và đã quyết định tiến cử với triều đình, cho ông đi gặp hoàng thượng.

Thật trùng hợp! Khi Án Thù đến kinh thành thì cũng đúng là lúc đang diễn ra kỳ thi đình. Người tham gia cuộc thì này là đều là những ông cống, ông nghè được các địa phương lựa chọn, cử đi thi. Án Thù không phải tham gia thi tuyển, mà được tiến cử đến gặp nhà vua. Nhưng Án Thù cho rằng, chỉ có thông qua thi cử mới có thể đánh giá mình có tài học thực sự hay không. Vì thế ông chủ động xin được tham dự kỳ thi và đã được nhà vua ân chuẩn.

Tham gia kỳ thi này có hơn 1.000 người. Có nhiều người là học giả cao tuổi đã liên tục ứng thí trong nhiều năm, mái đầu đã điểm bạc. Có nhiều người là thí sinh trẻ tuổi đang tràn đầy sức xuân và người ít tuổi nhất trong kỳ thi này chính là Án Thù.

Lúc đầu, ông cũng hơi lo lắng, nhưng ngay sau đó ông tự trấn an rằng tuổi của mình còn nhỏ, nếu kết quả thi không cao thì điều này chứng tỏ học vấn của mình vẫn còn nông cạn, vốn kiến thức của mình vẫn chưa đủ, cần phải tiếp tục khắc khổ học tập, có gì phải lo lắng, sợ hãi chứ? Sau khi nhận đề thi, Án Thù xem cẩn thận, và cảm thấy ngạc nhiên khi phát hiện đề thi này ông đã từng làm trước đây và được rất nhiều người thầy danh tiếng khen ngợi.

Lúc bấy giờ tâm trạng án Thù rất mâu thuẫn. Quả thực bài văn đó do ông tự viết, bây giờ chỉ cần chép lại, đương nhiên nó cũng phản ánh được trình độ học vấn của bản thân, không thể nói là sao chép được, hơn nữa quan chủ khảo và các thí sinh khác đều không biết. Thế nhưng, ông lại nghĩ bài văn đó do mình ngồi ở nhà viết đương nhiên sẽ thuận lợi hơn ngồi viết ở trong phòng thi. Nếu ở phòng thi thì chưa chắc đã viết tốt được như thế.

Án Thù nhớ đến lời dạy của thầy: “Nghiên cứu học vấn cần phải trung thực, nếu như buông lỏng thì chỉ làm hại bản thân mà thôi..” Nghĩ vậy, nên ông quyết định nói ra sự thật, yêu cầu quan chủ khảo đổi cho ông đề thi khác. Thế nhưng luật lệ trường thi rất nghiêm khắc. Mấy lần Án Thù định lên tiếng đều bị quan giám thị ngăn lại. Bất đắc dĩ Án Thù phải lấy bài văn đã viết làm cơ sở sau đó tiến hành sửa chữa, thêm thắt. Án Thù đã hoàn thành bài thi một cách nhanh chóng.

Sau vài ngày chấm thi vất vả, các quan chủ khảo công bố, Án Thù là một trong những thí sinh có điểm cao nhất và được vào cung điện diện kiến nhà vua để tiến hành thi thêm lần nữa.

Khi gặp Án Thù, nhà vua vui mừng nói: ”Bài thí của nhà ngươi trẫm đã đích thân xem rồi, không ngờ nhà ngươi nhỏ tuổi mà có tài học vấn sâu rộng như thế?” Nghe nhà vua nói thế, Án Thù vội vàng quỳ xuống tâu rằng mình có tội. Rồi ông kể lại cho nhà vua nghe về sự may mắn trong kỳ thi vừa rồi, đồng thời xin nhà vua ra cho mình một đề thi khác để làm ngay trong cung điện.

Sau khi nghe Án Thù nói xong, cung điện bỗng im phăng phắc. Ai cũng ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Cậu bé này quả là ngốc, người khác mong được may mắn như vậy mà không được, thế mà cậu ấy còn muốn đổi đề khác để thi lại.” Một lát sau, nhà vua cười lên thật to và nói: ”Quả thật trẫm không nhìn nhận ra. Nhà ngươi không những có tài học vấn uyên bác, mà còn rất thành thật. Được rồi trẫm sẽ cho ngươi được toại nguyện.”

Ngay lập tức, nhà vua cùng các đại thần bàn bạc với nhau, rồi đưa ra một đề bài có mức độ khó hơn để Án Thù làm ngay trước mặt mọi người. Án Thù cố gắng kiềm chế sự căng thẳng, hồi hộp, tập trung tâm trí nhanh chóng hoàn thành bài thi và nộp cho nhà vua. Mọi người xem xong đều trầm trồ khâm phục. Nhà vua cũng rất vui mừng, khen ngợi Án Thù không ngớt lời và phong ngay cho ông học vị tương đương với tiến sĩ. Đồng thời nhà vua còn dặn dò các đại thần phong cho Án Thù một chức quan, để ông có điều kiện rèn luyện, hy vọng sau này ông sẽ trở thành rường cột của đất nước. Ngay sau đó, Án Thù được bổ nhiệm một chức quan nhỏ ở viện hàn lâm, nhưng vì bổng lộc ít nên cuộc sống của ông hết sức chật vật.

Thời bấy giờ thiên hạ thái bình, trong kinh thành đâu đâu cũng thấy cảnh vui chơi, đàn hát. Các quan trong triều ai cũng ba ngày một tiệc lớn, năm ngày một lần đi du ngoạn. Cuộc sống thật nhàn hạ, thoải mái. Án Thù cũng rất thích uống rượu, làm thơ và mong muốn được giao lưu với các văn nhân khắp thiên hạ nhưng hiềm một nỗi không có tiền nên ông không thể thực hiện được ý muốn của mình. Ngày nào cũng vậy, sau khi làm xong công việc, ông lại trở về thư phòng đọc sách, hoặc cùng bạn bè bàn luận về văn chương.

Một thời gian sau, triều đình muốn tuyển chọn một viên quan phò giúp Thái tử, với điều kiện học vấn cao và phẩm hạnh phải tốt. Các đại thần phụ trách việc tuyển chọn rất thận trọng trong lần tuyển người này. Họ tiến hành xem xét, sàng lọc nhiều lần, nhưng vẫn chưa lựa chọn được ai. Nếu chọn lựa người không đảm đương được nhiệm vụ họ sẽ bị nhà vua quở trách.

Một hôm, nhà vua ra chiếu chỉ, yêu cầu các quan phụ trách việc tuyển lựa phải đưa Án Thù vào danh sách các ứng viên. Vì thời gian trôi qua đã lâu nên rất nhiều đại thần không biết Án Thù là ai. Sau khi dò hỏi, họ mới biết đó là một viên quan nhỏ trong viện hàn lâm. Mọi người đều cảm thấy kì lạ bởi không hiểu tại sao nhà vua lại đánh giá Án Thù cao như vậy.

Thì ra, nhà vua nghe nói Án Thù suốt ngày đóng cửa đọc sách, không bao giờ tiệc tùng chơi bời, lại nghĩ đến sự thể hiện của Án Thù trong cung điện, nên ông cho rằng Án Thù không chỉ là người có tài năng mà còn là người chăm chỉ, thật thà. Lựa chọn một người như thế phò tá cho Thái tử quả là rất thích hợp. Chính vì thế, nhà vua đích thân đề cử Án Thù.

Trước khi nhận chức vụ mới, theo thông lệ Án Thù phải đến cảm tạ nhà vua. Sau khi căn dặn Án Thù, nhà vua khen ngợi ông: ‘‘Ngày ngày đóng cửa đọc sách, không tiệc tùng rượu chè, quả là một tấm gương sáng cho mọi người học tập.”

Án Thù nghe xong, bèn cúi đầu nói: ”Thần không phải là không muốn rượu chè, vui chơi cùng với văn nhân trong thiên hạ. Nhưng chỉ vì thần nghèo túng, không có tiền nên không thể giao du cùng với họ. Nếu thần có tiền, chắc chắn thần cũng sẽ làm như người khác. Thần cảm thấy hổ thẹn trước lời khen của bệ hạ!”

Nhà vua nghe xong rất cảm động và nghĩ bụng: Nhất định mình phải trọng dụng những người thành thật như thế này.

Từ đó trở đi, chức quan của Án Thù ngày càng cao, danh tiếng cũng càng ngày bay xa. Nhưng ông luôn giữ được đức tính thành thật và tinh thần cần cù chịu khó cho đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Một nhà văn nổi tiếng đã từng nói: ”Có sự thành thật, cuộc sống con người sẽ tràn ngập ánh nắng.” Biểu hiện cụ thể của đức tính thành thật là dám nói lên sự thật, không nói những điều dối trá. Làm việc nghiêm túc, nói năng thật thà, đó là phẩm chất đạo đức mà một người muốn đạt được thành công xuất sắc trong sự nghiệp cần phải có.

Một vị chính trị gia lớn đã từng nói: ”Những người tự cho mình là thông minh thường không có được những kết cục tốt đẹp. Người thông minh nhất trên thế giới là người thật thà nhất. Bởi vì chỉ có những người thành thật mới vượt qua được sự thử thách của lịch sử và thực tiễn.”