Hiển thị các bài đăng có nhãn Vẽ đẹp Việt nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vẽ đẹp Việt nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Vẻ đẹp Việt Nam trong mắt bạn bè nước ngoài




VNExpess: Trang Buzzfeed vừa đăng tải những bức ảnh về thiên nhiên và con người Việt Nam với lời giới thiệu "sẽ khiến bạn phải lòng Việt Nam ngay lập tức'.


Báo Mỹ đánh giá những hồ nước như ở Mai Châu, Hòa Bình là thiên đường của người ưa xê dịch.

Chùa Cầu - Hội An, một công trình mà bạn sẽ rất khó tìm thấy ở nơi khác.

Nếu thích những trải nghiệm phiêu lưu mạo hiểm, bạn có thể thử cảm giác dùng dây thừng xuống thác ở Đà Lạt.

Đụn cát ở Mũi Né.

Từ đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế vắt ngang qua núi rừng ở Hà Giang.

Bạn cũng có thể mua các loại nông sản ngay giữa sông Cửu Long.

Đại dương ở đây cũng đẹp không kém và Nha Trang là nơi lý tưởng để trải nghiệm lặn biển ngắm san hô.

Bạn có thể đi thuyền xuyên qua hang ở Tràng An, Ninh Bình.

Sơn Đoòng - hang lớn nhất thế giới tại Việt Nam cũng đủ nói lên sức hút với du khách.

Khung cảnh yên bình mang đến những phút giây thư thái thực sự. Buzzfeed cũng hài hước khuyến cáo: "Nếu bạn khó có thể trở lại thì đừng bao giờ rời đi. Đừng nói rằng chúng tôi không cảnh báo bạn".

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

Kho báu cổ vật trong bảo tàng Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam



Hơn 500 cổ vật Phật giáo, trong đó có hiện vật được đánh giá ngang tầm bảo vật quốc gia, đang được trưng bày tại Bảo tàng văn hóa Phật giáo ở Đà Nẵng.

Bảo tàng văn hóa Phật giáo đặt tại chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) được UBND TP Đà Nẵng cấp phép thành lập cuối năm 2014. Không gian trưng bày khoảng 700 hiện vật ở tầng 2 của Ngũ Giác Đài Sen Ngọc đang được sắp xếp để chuẩn bị cho lễ khánh thành bảo tàng vào ngày 24/12 tới.


Nhà chùa đang lưu giữ hơn 500 cổ vật, tuy nhiên mới trưng bày 200 vì không gian có hạn. Trong ảnh là tượng Phật Quan âm làm bằng ngọc tỷ, xung quanh là các tượng La Hán.


Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết đây là Bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Các hiện vật mang phong cách không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á, thậm chí cả Ấn Độ. Nhiều chất liệu hay những cổ vật độc bản lần đầu tiên bắt gặp.


Bức tranh sơn mài khảm cừ hình đức Phật nhập niết bàn quý hiếm, được trưng bày cùng tượng Phật mang phong cách miền Bắc, bên cạnh có các thánh. Ở bảo tàng còn có nhiều tranh tượng Phật được vẽ bằng sơn mài trên giấy dó, hay thêu tay có tuổi thọ khoảng 300 năm.


Bảo tàng đang lưu giữ hai bức tượng Phật bằng hổ phách quý hiếm. Ông Thiện cho biết, nếu đây đích thực là nhựa cây đã hóa thạch thì niên đại phải lên đến hàng nghìn năm.


Tượng Phật nghìn tay được trưng bày tại bảo tàng.


Pho tượng mang phong cách Chămpa độc đáo khi được làm bằng chất liệu sắt. Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm cho biết, để xác định giá trị cổ vật, mới đây nhà chùa đã mời TS Phạm Quốc Quân và TS Nguyễn Đình Chiến vào giám định.


Bộ 8 tượng Phật Mật tông được tạc bằng chất liệu đồng xanh và đồng đỏ được đánh giá ngang tầm bảo vật quốc gia. Chất liệu lạ khiến bức tượng không bị oxy hóa khi để ngoài thời tiết ẩm thấp. Tư thế của các tượng đều khác lạ, trong đó nhiều tượng tạm thời được xác định có nguồn gốc thế kỷ thứ 9 dưới vương triều Chămpa - nơi hai tượng Phật khác được tìm thấy đã được công nhận là bảo vật quốc gia là tượng Phật Đồng Dương và tượng Bồ tát Tara. TS Nguyễn Đình Quân đã bất ngờ trước chất liệu làm những pho tượng này.


Tượng Quan Âm tứ thủ với mỗi bên vai bốn cánh tay và bốn mặt Phật nhìn về bốn hướng. Hiện, những pho tượng Phật được bày trí một cách tương đối theo chất liệu, phong cách.


Bức tượng này hiện chưa được xác định chất liệu. Một chú tiểu cho biết tượng chỉ cao và rộng chừng 30 cm2, nhưng phải đến 3 người lực lưỡng mới có thể nhấc bổng để di chuyển.


Không chỉ làm bằng chất liệu gỗ, đồng, sắt, nhiều bức tượng còn được làm bằng đá. Nhiều cổ vật được người dân hiến tặng.


Nguyễn Đông

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Con đường lãng mạn nhất Hà Nội chính thức mang tên Trịnh Công Sơn



LÊ MÂY (VIETNAM+)

 Thông tin chính thức từ gia đình cố nhạc sỹ, buổi lễ đặt tên đường Trịnh Công Sơn sẽ được diễn ra vào lúc 8 giờ 30 ngày 26/8 tại vườn hoa Lý Tự Trọng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Trước đó, quyết định đặt tên một con đường mang tên Trịnh Công Sơn tại Hà Nội được Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua ngày 6/7.


Tên cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn chính thức được đặt
cho con đường lãng mạn nhất Hà Nội. (Ảnh: BTC)

Được mệnh danh là con đường lãng mạn và đẹp nhất Thủ đô, ôm quanh ven hồ Tây, con đường mang tên Trịnh Công Sơn dài 900m, rộng 9,5–12,5m, kéo dài từ ngã ba, ngõ 612 Lạc Long Quân đến giao với dốc ngã ba đê Âu Cơ, quận Tây Hồ. Trước khi được đặt tên chính thức, con đường ven hồ Tây còn được nhân dân và giới nghệ sỹ gọi bằng hai cái tên lãng mạn khác là đường Sen Hồ Tây hoặc phố Sâm Cầm Hồ Tây.

Không khó để trả lời vì sao con đường ven Hồ Tây sẽ mang tên cố nhạc sỹ tài hoa xứ Huế.

Dường như, là ai khi đi qua con đường này, đều có chung cảm nhận con đường như mang dấu ấn, vận vào tính cách và âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Vừa nhỏ nhẹ, khiêm nhường, vừa an yên, lãng mạn.

Vẻ đẹp con đường Trịnh Công Sơn trong hoàng hôn... (Ảnh: BTC)

Là ai đó, khi đi qua con đường lãng mạn ấy, mà nhớ đến “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh Mặt Trời” trong “Nhớ mùa thu Hà Nội” của ông, hay chính hình hài “Đường phố dài một đường phố dài/ Đường phố này một chiều tôi tới/ Đi thong dong tôi chào vẫy mọi người /Đường phố cười,” thì hẳn dư vị đó không phải vô tình.

Công chúng yêu nhạc Trịnh, chắc vẫn còn nhớ bốn mươi lăm năm trước, Trịnh Công Sơn đã sáng tác ca khúc “Huế-Sài Gòn-Hà Nội.” Hẳn là ngày đó, chắc ông không nghĩ sẽ có một ngày tên mình được đặt cho những con phố ở những thành phố lớn của nước Việt: Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Hà Nội.

Theo gia đình cố nhạc sỹ, buổi lễ đặt tên đường Trịnh Công Sơn sẽ có sự tham dự của đại diện Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ, Hội nhạc sỹ, Hội Nhà văn, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Cùng trong tuần lễ đó, cùng với sự hiện diện của gia đình cố nhạc sỹ Trịnh công Sơn, chương trình Học bổng Âm nhạc Trịnh Công Sơn tại Thành phố Hồ Chí Minh (28/8) cũng sẽ chính thức ra mắt, nhằm hỗ trợ các tài năng âm nhạc Việt Nam cũng như cho các em có triệu chứng tự kỷ.

...Và trong sương sớm mùa Đông. (Ảnh: BTC)

Chương trình Học bổng còn có sự tham gia của RedOne, một trong những nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sỹ hàng đầu thế giới, từng nhiều lần giành được giải Grammy, hiện đang hợp tác với rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Lady Gaga, Nicky Minaj, One Direction, J.Lo, Usher, Quincy Jones, Enrique Iglesias, Nicole Scherzinger…/.


http://www.vietnamplus.vn/con-duong-lang-man-nhat-ha-noi-chinh-thuc-mang-ten-trinh-cong-son/339472.vnp

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Khám phá đàn tế trời bí ẩn của nhà Hồ


Đàn tế Nam Giao nhà Hồ có thể sẽ là một chìa khóa quan trọng để giải mã nghi lễ tế trời đất ở Việt Nam và trên thế giới.


Được khai quật từ năm 2004 tại xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, cách thành nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía Đông Nam, Đàn tế Nam Giao của nhà Hồ (đàn Nam Giao Tây Đô) là một công trình có giá trị lịch vử và kiến trúc đặc biệt của thời nhà Hồ.



Đàn tế Nam Giao có diện tích khoảng hơn 2 ha, lưng tựa Đốn Sơn (núi Đún), tiền án là "cánh đồng Nam Giao". Cấu trúc của đàn gồm nhiều cấp nền bao (nền Thượng, nền Trung, nền Hạ) thu hẹp dần từ thấp đến cao. Vật liệu kiến trúc chính để xây dựng đàn là đá xanh và nhóm vật liệu bằng đất nung (gạch, ngói…).



Dẫn vào trung tâm của đàn tế là con đường linh đạo được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn, dành cho vua quan đi vào để tiến hành lễ tế trời, cầu cho quốc thái, dân an hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ.



Trong lòng nền đàn cao nhất có dấu tích đàn tế hình tròn (Viên đàn), đường kính 4,75m.



Một công trình được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là giếng Vua, còn gọi là Ngự Dục, Ngự Duyên. Giếng có hình vuông, được kè đá theo các cấp bậc nhỏ dần vào lòng, nằm thấp hơn khoảng 10m so với nền đàn trung tâm.



Trong khu vực đàn tế còn tìm thấy dấu tích của hàng chục nền móng của các kiến trúc phụ, 5 cửa, dấu tích đường đi và dấu tích của 10 cống nước được xây dựng và bố trí hết sức khoa học nhằm bảo đảm cho việc tiêu thoát nước cho một công trình kiến trúc có diện tích rộng hàng chục nghìn m2.



Các đợt khai quật tại đây đã phát lộ một lượng gạch ngói khổng lồ cùng hàng ngàn di vật gồm có đồ gốm men, họa tiết trang trí kiến trúc, đồ kim loại.



Giới nghiên cứu nhận định, đàn tế Nam Giao nhà Hồ là một di tích kiến trúc quý hiếm, không chỉ đối với lịch sử triều Hồ mà còn là một mắt xích quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử đàn tế và nghi lễ tế trời đất ở Việt Nam và trên thế giới.

Theo KIẾN THỨC

Đảo đá khổng lồ độc nhất vô nhị trên Biển Đông




Ngoài hệ thống đường hầm dài 170 m, đảo Hòn Hải - cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam có địa hình phức tạp, vách dựng đứng cao hơn 100 m, nhiều vách hụt.




Hòn Hải còn được gọi là Hòn Khám (điểm A6 đường cơ sở lãnh hải Việt Nam), là một khối đá khổng lồ mang hình chiếc hài trên Biển Đông, đã có tên trên bản đồ quốc tế với tên gọi Poulo Sapate. Đảo Hòn Hải nằm cách đảo chính Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 65 km, có chiều dài khoảng 130 m, bề ngang chỗ rộng nhất khoảng 60 m, điểm cao nhất là 113 m tính từ mặt biển.



Ngày trước, ngư dân quanh vùng thường truyền miệng nhau về một khối đá khổng lồ giữa biển, khô cằn, không có nước ngọt, cây cối, là nơi sinh sống của hàng vạn chim nhạn, mòng biển, bồ nông. Vào mùa chim đẻ, cả bề mặt đảo đặc nghẹt trứng chim, lúc này hòn đảo sẽ được phủ một màu trắng kỳ lạ do phân chim tạo thành.



Nhận thấy đây là nơi có vị trí trọng yếu cũng như rất nguy hiểm nếu không có hệ thống đèn cảnh báo an toàn, do đó từ năm 1999, Bộ Quốc phòng phê duyệt phương án xây dựng công trình hải đăng trên đảo. Qua khảo sát, lực lượng công binh đánh giá Hòn Hải là khu vực cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, xung quanh có biên độ sóng lớn đến hàng chục mét và nhiều đá ngầm. Ngoài ra, thời tiết nơi đây cũng rất khắc nghiệt mỗi khi biển động kéo dài nhiều tháng. Có lần đoàn khảo sát ra đến đảo nhưng không cập thuyền được phải quay lại đất liền.



Hòn Hải có cấu tạo địa hình, địa chất rất phức tạp, vách đảo dựng đứng cao hơn 100 m thường xuyên có đá rơi, đá lở, nhiều vách hụt và đá ngầm. Chỉ sau 20 ngày đầu tiên thi công đã có người hy sinh, hàng trăm tấn vật tư bị sóng cuốn xuống biển. Sau nhiều nỗ lực đến cuối năm 2004 hạ tầng trên đảo đã được xây dựng xong.



Một hệ thống các công trình vĩ đại được xây dựng hoàn thành gồm tòa nhà kiên cố dưới chân đảo có diện tích gần 300 m2, bến cập tàu rộng 380 m2, có hệ thống phao neo và bãi liền bến 423 m2.



Một trong những công trình đặc biệt tại đây là hệ thống đường hầm dài 170 m với 4 cửa thông lên mặt đảo. Hầm được gia cố bằng bê tông cốt thép chống đá rơi, dư chấn. Cửa hầm nằm ở mặt sau của tòa nhà rồi kéo dài lên bề mặt đảo bằng 370 bậc thang.



Từ miệng hầm đến bề mặt đảo có một hệ thống 240 bậc thang được đổ bê tông kiên cố nối lên tận chân hải đăng Hòn Hải.



Ngọn hải đăng Hòn Hải độc lập giúp tàu thuyền hoạt động ngoài khơi tỉnh Bình Thuận định hướng và xác định vị trí của mình. Tầm nhận diện địa lý ban ngày là 26,5 hải lý, tầm chiếu sáng ban đêm là 24,5 hải lý.



Hải đăng được đặt tại điểm cao nhất của đảo là 113 m. Chiều cao tính từ chân đến đỉnh đèn là 10,4 m.



Hệ thống đèn sử dụng pin năng lượng mặt trời đảm bảo chiếu sáng liên tục. Bên cạnh đó là hệ thống tín hiệu của Viettel rút ngắn khoảng cách liên lạc giữa đảo và đất liền.



Hiện nay, hải đăng Hòn Hải do Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ, trực thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam quản lý. Anh Lê Ngọc Nam - phóng viên Tạp chí Biển chia sẻ: "Việc thiết lập và duy trì các ngọn hải đăng là nhiệm vụ nhân đạo, thể hiện nghĩa vụ và quyền chủ quyền của các quốc gia có biển, giúp người đi biển xác định vị trí và phương hướng trên biển nhằm thiết lập một môi trường an toàn về hàng hải, thúc đẩy các ngành kinh tế biển Việt Nam phát triển".



Bên cạnh ý nghĩa quan trọng về vị trí địa lý, lãnh thổ, lãnh hải, Hòn Hải còn là vùng đất lành với hàng chục nghìn con chim gồm 5 loài về sinh sống.



Do bề mặt đảo là đá nên hấp thụ nhiệt và giữ nhiệt tốt. Đây còn là môi trường thuận lợi cho các loại chim đẻ trứng không ấp như nhạn biển. Hàng năm cứ tầm tháng 6 và 7 chim nhạn lại kéo về đông nghẹt kêu vang cả một góc trời.



Theo thời gian bề mặt đảo bị bào mòn do sóng biển và thời tiết đã tạo nên những hình dạng đầy kỳ ảo và ấn tượng.



Tùy theo từng góc độ của tàu khi đi trên biển mà Hòn Hải mang nhiều hình dạng thú vị khác nhau. Có vị trí nhìn như hình khối đá tròn.



Trước đây, ngư dân thường gọi Hòn Hải là Hòn Hài vì nó có hình dạng như chiếc hài nằm trên biển.



Vào những ngày biển lặng trời êm, Hòn Hải hiện lên sừng sững giữa đất trời, biển khơi. Đây là một trong nhiều cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.

HẢI AN (TRI THỨC)