Nguyễn Hữu Liêm
Cách đây đúng 47 năm, (2022-1975), tuần nầy, Quân đội Nhân Dân miền Bắc mở đầu các mũi tiến công vào Sài Gòn, chấm dứt cuộc chiến Bắc Nam đã kéo dài hơn 10 năm. Đất nước thống nhất. Nhân dân hai miền thở dài mừng lo khi máu xương nay đã hết đổ.
Định mệnh Lịch sử
Chúng ta hãy nhìn lại cuộc chiến Quốc Cộng 10 năm đó để suy gẫm ít nhiều về bản sắc nhân văn và con người của hai phía. Hình như ai cũng thấy rằng, miền Nam, phía Quốc gia, trước sau cũng phải thua. Khi so sánh về bản sắc và tính chất nhân văn của hai miền Nam Bắc, giữa Quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Quân đội Nhân Dân (QĐND), thì mặc dầu hai phía trong chiến tranh đều là quân nhân người Việt Nam, nhưng bên QĐND được trang bị nhiều ưu thế, từ tinh thần chiến đấu đến vũ khí, chiến thuật, lãnh đạo, chính trị và thời thế. Số phận VNCH hình như đã được an bày - không phải như là một mục tiêu chính sách - nhưng là của một định mệnh lịch sử.
Bỏ qua những yếu tố chính trị, lãnh đạo, hay quân sự thì phía miền Bắc có cả một chiều dài lịch sử sau lưng họ. Đó là ý chí độc lập, thống nhất đất nước. Miền Bắc phải hoàn tất thiết yếu tính cho một bản sắc sử mệnh mà thời đại đã giao cho họ.
Còn phía miền Nam thì bị lịch sử bỏ rơi. Nó tiếp nối một gia sản chính trị và tâm lý từ vai trò lệ thuộc ngoại bang. Họ thụ động chiến đấu - mà không hề mang một ý chí hay ý thức về sứ mệnh chiến tranh cho mình. Người dân miền Nam, và cả quân đội VNCH, đã giao hoán lòng yêu nước cho đối phương và vì thế đánh mất luôn linh hồn ái quốc. Chiến tranh đối với phe Quốc gia chỉ là một chuyện cực chẳng đã, một phản ứng tự vệ - họ thụ động tin vào vai trò và tính toán của người Mỹ cho chiến cuộc. Nhưng, chính vì điểm hời hợt và thụ động đó, miền Nam đã vô tình mang một bản sắc chính nghĩa vượt làn ranh Quốc Cộng. Vì sao?
Trái với miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN vốn tập trung hoàn toàn năng lực tập thể cho mục tiêu chiến tranh, VNCH, trái lại, từ chính quyền cho đến quần chúng, là hiện thân của một ý chí tự do và nhân bản trên cơ sở cá nhân. Dù trong thời chiến, nhưng văn chương, âm nhạc, thi ca của miền Nam vẫn chỉ nói về tình yêu, về con người và số phận – chứ gần như không hề đề cập đến mối hiểm nguy độc tài áp bức mà họ đang phải đối đầu. Dù bộ máy tâm lý chiến VNCH có cố gắng nhắc nhở về hiểm họa cộng sản, dân miền Nam vẫn không thèm nghe – vì họ coi chuyện đó là một thể loại tuyên truyền hạ đẳng. Dân miền Nam, qua tâm chất ôn hòa và thông thoáng, biểu lộ tinh thần tự do qua tâm lý chán ngấy và nghi ngờ chiến tranh. Và đó là điểm yếu sinh tử cho họ khi phải đối đầu với một đối phương như là Đảng CSVN. Trong khi dân miền Nam chỉ có mục tiêu là hòa bình, thì miền Bắc là chiến thắng.
Văn hóa Nam Bắc: Tâm hồn Hy Lạp đối với khí chất Do Thái
Hiệp định Geneve 1954, chia cắt Việt Nam thành hai phía Nam Bắc rõ rệt trên bình diện chính trị. Nhưng chính trị ở đây là sự thể hiện và kết thành từ một định mệnh văn hóa. Nó phát xuất từ tâm chất và bản sắc tâm lý của dân hai miền, vốn rất khác biệt nhau.
Chiến tranh Quốc Cộng đó, bỏ đi yếu tố ngoại bang, là một biểu lộ cho một mâu thuẫn văn hóa và con người Nam Bắc - mà sử mệnh Việt Nam phải đến lúc cần phải được tiêu hóa và hóa giải. Ba mươi tháng Tư, 1975 chỉ là một hồi kịch cuối cùng vốn đã được viết sẵn từ trong bản sắc xung đột văn hóa Bắc Nam. Như là một tuồng cải lương đầy bi tráng, nó đã đến hồi kết thúc, xả hơi, mà ngay cả phe thua trận cũng đã phải thở phào nhẹ nhõm.
Ta có thể suy rộng ra rằng, trên sân khấu chiến tranh Bắc Nam thưở đó, phe miền Nam mang bản sắc tâm hồn văn minh Hy Lạp cổ đại, vốn thoải mái với ý chí thẩm mỹ, hài hòa, trật tự, và họ chỉ biết sống với hiện tại kéo dài gần như vô tận. Tức là, chiến tranh đối với họ không cho một mục đích nào cả. Họ chiến đấu để duy trì đời sống yên lành và yên ổn - và mong ước cao nhất vẫn chỉ là chấm dứt chiến tranh. Dân miền Nam hoàn toàn không mang ý chí lịch sử - vì sử hồn của dân tộc đã bị miền Bắc chiếm hữu. Trong khi miền Bắc mang linh hồn tập thể, thì miền Nam chỉ có tâm hồn cá nhân.
Dân Nam bộ muốn vĩnh cửu hóa hiện tại – như một bác xích lô ở Sài Gòn sau khi kiếm được cuốc xe, mua xị đế, đến gốc cây lề đường, ngủ một giấc an lành, không sợ trộm cắp, không màng chi ngày mai. Họ chỉ muốn biến cái hiện tại thuần thưởng ngoạn thành ra một vòng tròn vĩnh cửu bất tận cho đời sống tự nhiên, vô tư của mình. Có nghĩa rằng, họ không mang ý chí hay suy nghĩ về tương lai – dù họ đang mê muội bước dần đến một tương lai kinh hoàng.
Trong khi đó, miền Bắc là hiện thân của một bản sắc từ văn minh Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo khi họ đặt cứu cánh chiến tranh thành chân lý. Chiến thắng là chủ đích lịch sử. Dân Bắc bộ thì muốn xóa hiện tại bằng viễn cảnh tương lai – và chỉ mong cho thời gian phải chấm dứt bằng ý chí chinh phục thế gian.
Miền Bắc thấy ở cuối đường binh biến là một khả thể và cơ hội cứu rỗi khi đất nước thống nhất, khi tổ quốc sẽ sạch bóng quân thù xâm lược, và nhân dân sẽ sống ấm no hạnh phúc trong một trật tự thiên đường mới trên trái đất lãnh đạo bởi đấng cứu thế Hồ Chí Minh và giáo hội Đảng CSVN.
Chuyển hóa suy thức Không gian lên với Thời gian
Trước chiến tranh, khi người miền Nam nhìn qua người khác nơi ngõ làng, họ chỉ thấy đó là những anh chị hàng xóm, thân cận với ta. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” là thế. Họ chỉ suy nghĩ trên bình diện không gian.
Người Cộng sản miền Bắc thì khác. Họ muốn nâng cái nhìn không gian của dân Nam lên với phạm trù thời gian. Anh hàng xóm không còn là người bên cạnh nhà - mà nay hắn là vô sản, hay là địa chủ, hay là phản động. Tức là, người Cộng sản khái niệm hóa cái nhìn mang tâm chất nông dân lên tầm mức ý niệm theo thời gian.
Vì thế, bản sắc siêu hình sâu xa của cuộc chiến vừa qua là cả một trường biện chứng đối nghịch và tiến hóa giữa hai phạm trù không gian và thời gian.
Miền Nam là không gian; miền Bắc là thời gian. Khi người CS miền Bắc tiên phong đi trước nhân dân miền Nam, nắm được ý chí lịch sử với một cơ đồ khái niệm mới qua nghi lễ rửa tội bằng nước thánh ý thức hệ, họ cương quyết phá vỡ lề lối suy nghĩ thuần không gian (bờ cõi, thân xác) của nhân dân. Vì thế, làn ranh chia cắt Bắc Nam phải được xóa bỏ. Theo đó, dự án lịch sử qua chân lý chiến thắng phải được hoàn tất nhằm thỏa mãn cơn khát khái niệm theo thời gian của những cán bộ Cộng sản Việt Nam tiên phong nay đã say men ý thức hệ.
Một đức tin cứu rỗi mới
Có nghĩa rằng đối với người CSVN thì chủ nghĩa Mác-Lê là một thể loại cứu rỗi luận – eschatology – vốn điều hướng tâm ý nhân gian về một biến cố lịch sử mang tính chất đồng quy cho tất cả ước mong bằng một phát xét cuối cùng.
Điều nghịch ngẫu cao độ ở đây là điều rằng, khi chủ thuyết Cộng Sản phủ nhận toàn triệt gia tài và giá trị Thiên Chúa giáo - và người CS hãnh diện tự coi mình đã tiêu diệt hết thần linh - thì chính họ lại hăng say hiện thực hóa bản sắc cứu rỗi luận của Thiên Chúa giáo vốn nay đã không còn hiệu năng. Vì vậy, thành công và chiến thắng của miền Bắc trong cuộc chiến đó là một chiến thắng tôn giáo tự bản chất.
Nhưng sau 1975, lịch sử hậu chiến đã theo thời gian biến hóa và hoán chuyển vai trò Bắc Nam một cách ngoạn mục. Khi người Bắc chiến thắng vào tiếp quản miền Nam, kẻ mang niềm tin ý thức hệ và chân lý chiến tranh nay được trung hòa và khai mở bởi cái bản sắc vô chân lý, vô sử tính, không giáo điều của dân Nam.
Như một câu chuyện thời chiến kể rằng, trong trận Mậu Thân 1968, có mấy anh bộ đội xung kích mang súng AK và B40, đầu đội nón cối, đi lạc vào một con hẻm ở một thành phố miền Nam, có mấy bà Nam bộ ra chỉ đường cho họ để đến đánh căn cứ quân sự VNCH nơi mà chồng con, anh em của họ đang đồn trú. Cái hiện tại không cứu cánh của người miền Nam là lý do thất bại; nhưng cũng với cái tâm ý thuần vô tư đó, nay nó đã trở thành nước thánh mới đang được rắc lên tâm hồn dân Bắc như một ý nguyện cứu rỗi lại cho những anh chị CS kiên cường và khắc nghiệt vốn đã chiến thắng bằng niềm tin cứu rỗi.
Như là di sản văn minh Hy Lạp đã khai hóa văn minh Thiên Chúa giáo thời Trung cổ ở Tây Âu bằng cái đẹp, cái đúng vĩnh cửu, thì bản sắc tâm hồn an nhiên tự tại của dân Nam đã khai hóa khí chất hung hăng và hãnh tiến của người CS Bắc Việt. Miền Bắc đã chiến thắng miền Nam bằng chính trị và quân sự - nhưng miền Nam lại dung hóa và khai thông miền Bắc với tâm hồn chân thật và nhân hậu. Người Bắc nhận ra được giá trị và cứu cánh cuộc đời ở nơi dân Nam.
Một ngày nào đó sẽ có một chủ nhà, ví dụ, gốc Hải Phòng, nhìn thấy một chàng ăn trộm trên mái nhà của anh đành lên tiếng nghiêm trang nhưng ôn hòa khuyên người lạ mặt kia hãy cẩn thận kẻo té bị thương và bắc thang cho người ấy leo xuống đất an toàn – sau khi đã gọi cho công an đến xử lý. Đức tính nhân từ mang tính chất Nam bộ của vị chủ nhà sẽ cứu vớt kẻ trộm, biểu dương tinh thần ôn hòa và trọng pháp, với một nhân sinh quan đức độ ngay cả đối với kẻ đối nghịch nguy hiểm. Đối với chủ nhà này, cứu rỗi nằm ngay trong hiện tại, nơi những tác hành bình thường mà khi hành động ông đã không biểu lộ lòng hung dữ, thù hận, hay mong cầu điều gì cho mình.
Về lâu về dài, mẫu người và văn hóa miền Bắc sẽ - hãy nên - là một phiên bản của tâm chất người Nam. Khi quốc gia đi về phía Nam, hướng ra Biển Đông, ra thế giới thì cần một niềm tin mới – một đức tin không tôn giáo, không ý thức hệ chính trị, một hoài vọng nhân bản về một khả năng cứu rỗi từ văn hóa cho dân tộc hai miền - khi mà tất cả những di sản đau thương của chiến tranh Bắc Nam thế kỷ trước sẽ chỉ còn là một ký ức nhẹ nhàng đi vào quên lãng.
NHL
30 tháng 4 là ngày thống nhất đát nước
Trả lờiXóa