Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

TỤC THỜ MÃ VIỆN Ở VIỆT NAM





Trương Thái Du 

Cách đây 12 năm, BBC có một bài viết gây nhiều tranh cãi và bất ngờ: “Ký ức về Mã Viện ở miền Bắc Việt Nam“. Nội dung ở đấy giới thiệu học giả Olga Dror từ đại học Cornell và các nghiên cứu liên quan đến tục thờ Mã Viện tại Việt Nam. Bài báo kết luận: “Bà không thể giải thích vì sao ngôi làng lại thờ một viên tướng Trung Hoa đã đàn áp các nữ anh hùng dân tộc chiến đấu vì tự do của đất nước. Bà chỉ có thể nói rằng việc thờ Mã Viện là một truyền thống mà người địa phương đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và rằng việc thờ viên tướng này là điều bà được dạy khi còn trẻ. Điều này đặt giả thiết rằng Mã Viện đã được cả người Việt Nam và Trung Quốc thờ như một vị thần bảo vệ”.

Trước đó, cũng BBC nhắc đến quyển “Một luận thuyết nhỏ về những giáo phái của người Hoa và Đông Kinh” của bà Olga Dror, kèm theo một phần bài giới thiệu sách của tiến sĩ Li Tana, ĐH Quốc gia Úc, in trong Journal of Southeast Asian Studies năm 2003:

“Theo Dror, các đền thờ Mã Viện tồn tại không chỉ ở Hà Nội mà cả ở Cổ Loa, cũng như Thanh Hóa và Phúc Yên. Cô còn tìm thấy rằng ở Bắc Ninh nơi người dân thờ Hai Bà Trưng, họ cũng thờ Mã Viện ở trong cùng một ngôi đền. Tất cả những điều này tìm thấy ở miền Bắc, thật kinh ngạc.

Còn ở miền Nam Việt Nam, được đặt ở các hội quán người Hoa, tục thờ Mã Viện từng được người ta tin là đã do Hoa Kiều đem vào Việt Nam. Điều này là vì tước danh của Mã Viện là Phục Ba (chinh phục sóng dữ), nó đặc biệt đáp ứng nhu cầu của các lái buôn thường gặp nguy nan trên biển, và ông là một nhân vật Trung Hoa hùng mạnh được xem là có thể bảo vệ quyền lợi của người Hoa ở Việt Nam. Nhưng như Dror chỉ ra, còn nhiều khía cạnh khác của vấn đề này. Giờ đây tôi (tác giả Li Tana) thấy rất có thể câu chuyện lại diễn ra theo hướng ngược lại, tức là người Hoa đã lấy lại tục thờ Mã Viện từ người Việt Nam, bởi khi họ đến Việt Nam, việc thờ phụng Mã Viện như một thần bản địa đã diễn ra rộng khắp. Điều này cũng giải thích vì sao Mã Viện lại được gọi là bản thổ công”.

Thật ra cả hai bà tiến sĩ đều chưa đi đến cái mốc đầu tiên trong sử Việt khẳng định tục thờ Mã Viện ở Việt Nam đã xuất hiện từ rất lâu, đến nỗi nó đã trở thành “cổ tích – vết tích cổ xưa” trong An Nam Chí Lược viết bởi Lê Tắc khoảng năm 1335:

威武廟: 東坡記漢兩伏波皆有功於嶺南之民, 前伏波邳離路侯, 後伏波新息馬侯. 南越自三代不能平, 秦雖通道置吏旋復為夷. 邳離始滅其國開九郡. 然至東漢女子徴側反震動六十餘城. 時世祖初平民勞厭兵方下玉關謝西域. 況國荒何足以辱王師. 非新息苦戰則九郡左袵至今矣. 由此論之兩伏波廟食嶺南均矣. 海上有伏波祠元豐中詔封忠顯王. 凡濟海必卜焉謂可濟則濟否則止, 使人信之如度量衡必不吾欺者. 嗚呼非盛德其孰能如此. 某以罪謫儋耳三年, 今乃復還海北往返皆順風無以答神, 貺乃碑而銘之:

至險莫測海與風

至幽不仁魚與龍

至信可恃惟二公

寄命一葉萬仞中

自此而南洗心胷

撫循良民必清通

自此而北端汝躬

屈伸窮達常正忠

生為人英死愈雄

神雖無言我意同

Tạm dịch: (Dấu vết xa xưa thứ hai sau Việt vương thành là) Uy Vũ Miếu: Đông Pha (tức Tô Đông Pha 1037 -1101) viết rằng nhà Hán có hai Phục Ba tướng quân đều có công với dân Lĩnh Nam, thứ nhất là Bi Li Lộ Hầu (tức Lộ Bác Đức – người đã tiêu diệt họ Triệu ở Nam Việt năm 111 BC), thứ hai là Tân Tức Mã Hầu (tức Mã Viện – người đã dập tắt khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 43). Đất Nam Việt từ thời Tam Đại (Hạ – Thương – Chu) không thể bình định được, thời Tần tuy đã mở đường đến nơi, xếp đặt quan lại cai trị nhưng rồi cũng trở lại tình trạng man mọi. Đầu tiên Lộ Bác Đức diệt Nam Việt mở mang chín quận. Tuy nhiên đến đầu nhà Đông Hán, bà Trưng Trắc nổi dậy làm chấn động hơn 60 thành trì. Thời ấy vua Thế Tổ (Hán Quang Vũ Đế) mới lên ngôi, dân tình lao khổ chán ghét chiến tranh, cửa ải Ngọc Quan bị dẹp, đường sang Tây Vực cắt đứt. Hơn nữa nước (Việt) ta xa xôi hẻo lánh, chẳng đáng phiền lụy đến quân triều đình. Nếu không có Tân Tức Hầu (Mã Viện) khổ chiến, thì cả chín quận đến giờ vẫn mặc áo cài khuy bên trái (ý nói sinh hoạt với phong tục và văn hóa phương nam). Do đó miếu hai vị Phục Ba được thờ phụng nhiều nơi ở Lĩnh Nam. Bên bờ biển (Quảng Đông ngày nay) cũng có đền thờ Phục Ba, được nhà Tống sắc phong Trung Hiển Vương vào giữa những năm Nguyên Phong (1078 – 1085). Mỗi khi đi biển, mọi người thường đến đây cầu xin, nếu quẻ bói bình an thì đi, nếu không thì dừng lại, dân chúng sùng tín như đong đếm, vì chưa từng bị dối lừa. Ôi! công đức không cao dày, làm sao linh nghiệm như thế. Tôi (Tô Đông Pha) từng mắc tội bị đày đi Đam Nhĩ (Đảo Hải Nam) ba năm, hôm nay được về lại biển bắc, đi về đều sóng yên biển lặng, không có gì báo đáp thần nhân, bèn dựng bia đá có khắc minh văn như sau:

Nguy hiểm nhất là cuồng phong bất trắc của biển cả

Đen đủi nhất là gặp cá to như rồng dữ

Tin tưởng nhất là được nương nhờ hai ngài Phục Ba

Gởi sinh mệnh như một chiếc lá giữa muôn trùng dặm nước

Gột tẩy sạch mọi sợ hãi trong tâm can lúc đi xuống phương nam

An ủi lương dân mọi sự sẽ hanh thông

Thẳng một mạch quay về phương bắc

Làm rõ oan ức, thông suốt đạo lý trung nghĩa

Bình sinh là kẻ xuất chúng, chết anh hùng

Các ngài chẳng nói gì hẳn đồng ý với tôi như vậy.

Rất tiếc Lê Tắc không ghi chú Uy Vũ Miếu nằm ở địa phương nào tại Việt Nam, trong khi đó 伏波祠 – Phục Ba Từ – Đền thờ Phục Ba bên bờ biển mà Lê Tắc nhắc đến có thể chính là Phục Ba Từ (vẫn còn giữ nguyên tên) tại Trạm Giang – Quảng Đông – Trung Quốc (ảnh dưới). Không loại trừ Tô Đông Pha bị đi đày từ Quảng Châu. Do đó cũng có thể tồn tại một đền Phục Ba khác tại hải cảng Quảng Châu, nơi Lộ Bác Đức đã đánh thành Phiên Ngu của Nam Việt.



Trạm Giang chính là trị sở xa xưa của quận Hợp Phố thời Hán, nơi Mã Viện tập hợp binh thuyền trước khi viễn chinh đến Việt Nam dập tắt cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng. Những nguyên nhân có thể có đã đưa Mã Viện và Lộ Bác Đức vào đền thờ ở phương nam có thể liệt kê như sau:

a. Giản dị nhất là vì Hầu hiệu của hai ông đều là Phục Ba – Khuất phục sóng dữ. Nó đã trở thành tín ngưỡng của những người đi biển nói chung và dân di cư gốc Âu Việt từ lãnh thổ Nam Việt cũ xuống Việt Nam từ sau năm 111 BC. Không loại trừ ở Bắc Việt, miếu thờ Phục Ba là nơi hương khói cho cả Lộ Bác Đức và Mã Viện. Đặc biệt là phong tục thờ Phục Ba của di dân Hoa Nam đến Nam Việt Nam từ cuối thời Minh chắc chắn không phải từ việc hàm ơn Mã Viện hoặc bắt chước tục thờ Mã Viện của người Bắc Việt như Li Tana đề xuất ở trên.

b. Mã Viện là một viên tướng xâm lược nổi tiếng, đồng chủng, đồng văn và suốt 200 năm đồng triều với các quan lại Hán cai trị khắp châu thổ sông Hồng và sông Mã từ sau năm 43, việc thờ tự ban đầu xuất phát từ đấy.

c. Như đã khảo sát trong “Nguồn gốc dân tộc Việt Nam“, thành phần di truyền chính của người Kinh Việt Nam hiện nay là từ Hoa Nam. Công cuộc thực dân của Mã Viện đã mở toang cánh cửa di dân xuống châu thổ sông Hồng và sông Mã. “Công ơn” ấy có thể đã được ghi nhớ bằng các miếu thờ Mã Viện rất phổ biến ở Bắc Việt trước đây.

***

Trên không gian mạng Việt ngữ chúng tôi thấy có tác giả Lý Vĩnh Huê với tục danh “Hoa Bộ” hay Robert Lý nổi tiếng từng khảo cứu một bài thơ của Lê Quý Đôn, xin chép lại ở đây để mọi người tham chiếu:

《經鬼門謁伏波將軍廟》 KINH QUỶ MÔN YẾT PHỤC BA TƯỚNG QUÂN MIẾU

瞻謁山祠向水涯 Chiêm yết sơn từ hướng thủy nhai

修然心緒動追依 Tu nhiên tâm tự động truy y

鄉並款段仙為者 Hương tịnh khoản đoàn tiên vi giả

塞漠旌旄壯亦哉 Tái mạc tinh mao tráng diệc tai

當日偉談傳米穀 Đương nhật vĩ đàm truyền mễ cốc

千秋公議恨雲臺 Thiên thu công nghị hận Vân đài

炎郊處處依餘庇 Viêm Giao xứ xứ y dư tý

鳶詀元曾此地來 Diên chiếm Nguyên tằng thử địa lai



散盡千金惠故人 Tán tận thiên kim huệ cố nhân

間並一劂事明君 Gian tình nhất quyết sự minh quân

應知功大多貽累 Ưng tri công đại đa di lụy

只為情深苦服勞 Chỉ vị tình thâm khổ phục lao

能記荒蔞酬主簿 Năng ký hoang lâu thù chủ bạc

仙緣薏苡圓將軍 Tiên duyên ý dĩ viên tương quân

至今浩氣英風在 Chí kim hạo khí anh phong tại

繚繞吳山粵嶠雲 Liễu nhiễu Ngô sơn Việt kiệu vân



(Tạm dịch: QUA QUỶ MÔN VIẾNG MIẾU PHỤC BA TƯỚNG QUÂN

Bái viếng núi đền nhìn ra chân trời; Tấm lòng kính cẩn nhớ về thuở nào. Làng quê thờ phụng vị tiên; Cờ xí biên ải thêm hùng tráng thay. Thuở ấy bậc lưu hầu truyền dạy [cho dân trồng] mễ cốc; Ngàn thu bàn luận còn ghi mối hận đài mây. Cả Viêm bang lẫn Giao Chỉ thảy được nương nhờ; Diều hâu Nguyên Mông từng thử ghé chốn này.

Trút ngàn vàng đền ơn người cũ; Cùng nắm con dao thờ minh chúa. Đành chịu công lớn nhiều âu lo; Chỉ bởi thâm tình nên phải chịu khổ. Cỏ hoang còn biết báo đáp quan ngài; Lau lách nhờ duyên trọn theo tướng quân. Chí khí phi thường đến nay vẫn còn; Quanh quẩn trong mây ở núi Ngô non Việt).

***

Người Việt Nam hiện nay luôn thắc mắc tại sao cha ông họ từng thờ tự một kẻ xâm lược. Lịch sử cần phải được truy xét biện chứng, nếu không tư duy chúng ta cứ quanh quẩn trong lối mòn tù đọng mà không tự ý thức được. Chẳng hạn việc tồn tại đền thờ Sầm Nghi Đống ở Hà Nội là rất bình thường. Thứ nhất là do triều Tây Sơn rất ngắn. Thứ hai là tâm tình hoài Lê ở châu thổ sông Hồng rất mạnh. Sầm Nghi Đống là đồng minh của nhà Lê, cũng như mới đây quân đội Mỹ là đồng minh của Nam Việt Nam và người Việt ở California đã đang và sẽ dựng những tượng đài vinh danh tướng lính Mỹ đã sát cánh cùng họ trong chiến tranh Việt – Mỹ.

Tuy nhiên tục thờ Mã Viện xưa cũ hơn và ẩn giấu một bí ẩn mà chúng tôi đã khai mở trong quyển sách “Khảo chứng tiền sử Việt Nam bằng Cổ thư và Thiên văn học“. Nó liên quan đến quá trình hình thành dân tộc Việt Nam, chủ yếu từ nhánh Hoa Nam đã Nam Tiến trong suốt 2000 năm qua!

T.T.D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét