Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

SỨC MẠNH CỦA SỰ TỬ TẾ





Nguyên Cẩn

Người ta thường cho rằng trong thời bao cấp, khó tìm thấy nụ cười. Không phải vì người ta quá lo toan cuộc sống mà quên mất nụ cười mà là vì ngày ấy cơ chế xin cho còn quá nặng nề (!) đến mức tìm được một cô mậu dịch viên hay anh nhân viên trực tổng đài điện thoại nói năng dịu dàng còn khó hơn hái sao trên trời. Giờ đây, vào các quán xá, cơ quan (trừ các cơ quan công quyền), công ty, ngân hàng, người ta bắt gặp nhiều nụ cười hơn, có khi cười theo “quán tính”, nhưng cũng vẫn cứ là cười kèm theo những lời chào hỏi ân cần. Sức mạnh của nụ cười và sự niềm nở, theo hai tác giả Linda Kaplan Thaler và Robin Koval, chính là sức mạnh của sự tử tế. Các tác giả dẫn chứng sự lớn mạnh của Tập đoàn The Kaplan Thaler bắt nguồn từ việc ký kết được hợp đồng với một trong những đối tác lớn là US Bank, ngân hàng lớn thứ sáu của Hoa Kỳ. Vào ngày đối tác đến, dù chuẩn bị rất kỹ, họ vẫn cảm thấy lo sợ khi trong chuyến viếng thăm này có ngài Chủ tịch US Bank, Richard Davis. Khi vị chủ tịch bước vào phòng họp cùng đoàn người của ông, ông nhắc ngay đến Frank, nhân viên bảo vệ bên ngoài. Ông nói: “Anh ấy đón tôi nhiệt tình quá. Thế nên tôi chợt nghĩ, sao mình không muốn làm việc với một công ty có những người như Frank chứ?”. Ông ấy nào biết, anh chàng bảo vệ nhiệt tình Frank luôn niềm nở và luôn chúc mọi người khách một ngày tốt đẹp mỗi khi họ đến công ty.

Dù rằng Davis không chỉ vì anh bảo vệ công ty mà giao kết làm ăn nếu không có ấn tượng về cách làm ăn của Kaplan Thaler Group, thế nhưng công của Frank không phải là nhỏ. Câu chuyện diễn ra tiếp theo được các tác giả ví như chuyện phim Disney với hàng triệu đô la rót vào tài khoản của mình. Khi viết “Sức mạnh của sự tử tế”, họ đã “hoàn toàn không còn tin vào triết lý phổ biến hiện nay là ‘Thật thà thường thua thiệt’” hay “Ở hiền chưa chắc gặp lành”. “Thành công của chúng tôi giành được không phải bằng gươm đao mà bằng hoa và chocolate. Sự lớn mạnh của chúng tôi không phải kết quả của nỗi sợ hãi và sự hăm dọa, mà bằng nụ cười và lời ngợi khen” (trích Sức mạnh của sự tử tế. Cách chinh phục giới kinh doanh bằng sự tử tế, Tác giả: Linda Kaplan Thaler và Robin Koval – Dịch giả: Trịnh Ngọc Minh. Nxb Tri Thức).

Hiệu quả của sự tử tế

Hiệu quả rõ nhất là The Kaplan Thaler Group đã trở thành một tên tuổi lớn trong ngành quảng cáo với gần một tỷ đô la doanh thu hàng năm. Điều đó khẳng định rằng những người tử tế hiền lành không phải luôn bị xem là những kẻ nhút nhát, thụ động, ba phải; không phải là “tấm thảm chùi chân”cho những người hung hăng. Vì hiền lành không có nghĩa là “ngây ngô” hay “ngớ ngẩn”. Các tác giả khẳng định “Hiền lành là một từ cứng rắn nhất trên đời. Nó có nghĩa là bước tới phía trước với sự tự tin trong sáng đến từ nhận thức, rằng ta phải hết sức nhân hậu và đặt nhu cầu người khác ngang với nhu cầu của chính mình”. Từ đó hãy suy ngẫm những lợi ích mà lòng nhân hậu đem lại (Ở đây, từ kindness được dịch là “nhân hậu” thì sẽ rõ nghĩa và rộng rãi hơn nếu chỉ dịch là “tử tế”):

Nhân hậu sẽ được hạnh phúc hơn trong tình yêu: Theo nghiên cứu của Đại học Toronto và theo thống kê về số vụ ly hôn thì những người có tính khí không quá sôi nổi và dễ cảm thông với người khác thường có tỷ lệ ly hôn thấp hơn nhiều (50%) so với những người khác.

Nhân hậu sẽ làm ra nhiều tiền hơn: Người ta tính chỉ số EQ và thấy rằng nó tương ứng với khả năng tăng thu nhập của công ty. Theo Giáo sư Daniel Golman thì trạng thái tinh thần hứng khởi và hỗ trợ lẫn nhau của nhân viên cứ tăng 2% thì thu nhập tăng 1% (cách tính được ghi lại bởi các nghiên cứu trong tác phẩm Tổng quan về lãnh đạo).

Nhân hậu sẽ làm khỏe người hơn: Tác giả dựa theo một nghiên cứu của Đại học Michigan cho thấy những người già ở Mỹ nếu chịu khó giúp đỡ người khác, dù là công tác thiện nguyện hay chỉ là giúp hàng xóm láng giềng thì tỷ lệ chết sớm giảm 60% so với những người chẳng bao giờ giúp ai.

Nhân hậu sẽ ít phải ra tòa: Điều này không mới vì có khi nào những người hiền lành lại lao mình vào những cuộc tranh chấp, dù là đất đai, hợp đồng hay va quẹt xe ngoài phố. Họ sẽ nhẫn nhịn xin lỗi và giải quyết ôn hòa. Theo Malcom Gladwell ghi nhận trong Blink: Sức mạnh của việc nghĩ mà không cần suy nghĩ” thì “các bác sĩ chưa bao giờ bị kiện cáo thường nói chuyện với bệnh nhân trung bình lâu hơn ba phút so với những bác sĩ đã ra tòa”.

Hãy khơi dậy sự tử tế hay lòng nhân hậu

Người ta nói rằng có một thứ rất quý bạn có thể cho đi mà không sợ phải mất gì trong túi hay tài khoản của mình: lời khen. Thế nhưng người ta vẫn cứ tiết kiệm và bủn xỉn trong việc ban phát những lời khen “miễn phí”ấy. Còn nữa, đâu là nụ cười trong cuộc sống hôm nay khi chúng ta giành nhau từng centimet vỉa hè, khi chúng ta chen chúc trên đường phố, chúng ta chỉ có một gương mặt: cau có và hung bạo (?). Hãy thử nhìn từng đoàn người mỗi buổi chiều nối đuôi nhau trên phố, từng đoàn người sắp hàng trên sân ga, thậm chí cả ở phi trường nơi gồm phần đông là những người khá giả, hãy chỉ ra những cái nhìn bao dung hay nụ cười thân thiện. (?). Ai nấy đều căng thẳng đến nỗi đánh mất cả sự “tử tế” ít ỏi đã được giáo dục một cách “quấy quá” trong chương trình học vốn đã mất cân bằng trầm trọng giữa trí dục và đức dục từ lâu (!). Những điều gì này không có gì mới vì tự hơn 2.5oo năm trước, Đức Phật đã dạy “Phàm cái gì mình không ưa, không thích, thì người khác cũng không ưa, không thích: vậy thì tại sao ta lại đem cái mình không ưa, không thích mà tròng vào cổ kẻ khác” (Tăng Nhất A-hàm). Có ai thích bị người khác đối xử tệ bạc, giận dỗi, chỉ trích bao giờ? Theo lập trường “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, Phật đã nêu lên bảy thiện nghiệp của thân và miệng gọi là Tự thông pháp mà Phật giáo đã tóm tắt ý nghĩa trong một bài kệ:

“Tâm rong ruổi tất cả phương hướng
Mà không thấy người nào đáng yêu hơn mình
Như thế người khác cũng cho chính họ là người đáng yêu hơn hết.
Bởi vậy, biết yêu mình thì đừng hại người” (Trung A-hàm, Kinh Thiện Sinh).

Nói cách khác, đó chính là ý nghĩa của Tứ nhiếp pháp mà Phật nhiều lần nhấn mạnh: “Này Gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối với bạn bè như phương Bắc: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt. Này Gia chủ tử, được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách như vậy, bạn bè có lòng thương kính vị thiện nam tử theo năm cách: Che chở nếu vị thiện nam tử phóng túng, bảo trì tài sản của vị thiện nam tử nếu vị này phóng túng; trở thành chỗ nương tựa khi vị thiện nam tử gặp nguy hiểm; không tránh xa khi vị thiện nam tử gặp khó khăn; kính trọng gia đình của vị thiện nam tử” (Trường bộ, kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt).

Tổ chức, dù lớn hay nhỏ, nếu sống và hành động theo Tứ nhiếp pháp thì sự đoàn kết và cấu trúc sẽ chặt chẽ và tạo nền móng cho sự phát triển vững bền, “như chiếc xe dựa vào sự điều khiển của người xà ích” (Kinh Thiện sinh). Đó chính là điều mà các tác giả Âu Mỹ đang ra sức cổ vũ cho “Sức mạnh của sự tử tế”.■

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giao số 91

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét