Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

QUANH CÁI CHẾT CỦA MỘT CON CHUỘT






Truyện ngắn : Phạm Phú Quãng


Ngồi trong quầy thu ngân, bà chủ tiệm vàng Kim Siêu Tinh lau hai bàn tay nung núc những mỡ bằng một chiếc khăn trắng tinh tươm. Bà lau cổ tay, lau bàn tay, rồi đến các ngón tay. Các ngón tay mập lùn như những quả chuối cau, được thắt ngấn bằng nhiều cái nhẫn, cái thì vàng chóe bằng kim loại, cái thì xanh biếc bằng ngọc thạch. Bà lau rất kỹ. Những chiếc móng tay quét sơn đen bóng trở nên quá nhỏ bé trên các đầu ngón tay mập mạp cũng được bà lau rất kỹ. Bà vừa lau vừa chửi. Bà chửi mấy đứa bán hàng chỉ biết nhấm nháy cái điện thoại nhắn tin đong giai, rồi bà chửi đến lão chồng quý hóa chỉ biết tối ngày nhậu nhẹt say sưa và mang tiền bà đi nướng vào mấy cái chiếu bài. Đó là chưa kể đến một vài lần bà bắt được ông đang nhìn mông, nhìn ngực mấy đứa bán hàng. Bà chửi tất, chửi cả một lũ ăn hại.


***


Chuyện là vậy, là vì cái con chuột nó chết.


***


Nhà bà làm nghề kim hoàn đã bốn đời. Tiền, vàng từ xưa đã nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Cuộc sống sung túc cứ hiển nhiên như là trong chum, trong vại nhà bà. Bà có ném cho ai rồi nó cũng tự tìm đường quay lại.


Thời gian gần đây trong nhà bà xuất hiện một con chuột, loại chuột già rất khó trị. Bà thử đủ mọi cách mà cũng không thành. Nào bẫy, nào keo dính, nào thuốc, đều chẳng ăn nhằm gì, mà bà lại nhất quyết không nuôi mèo. Bà ghét cái thứ luôn luẩn quẩn dưới chân rồi rắc lông khắp nhà. Con chuột thì cứ như con ma nhỏ, thoắt ẩn, thoắt hiện, cắn phá bất cứ thứ gì ăn được. Phàm những hôm nào bà đặt bẫy hoặc bỏ thuốc vào thức ăn thì nó lại cắn thêm của bà vài thứ đồ, như dây quạt, dây nồi cơm điện, giày da, góc sô pha… như muốn trả thù bà. Hết cách, bà đành để mặc, coi như đó là một phần tất yếu bà phải chịu vậy. Để tránh sự phá hoại của nó, hàng ngày bà vứt thức ăn thừa vào góc bếp. Bà không để cho nó đói. Đôi khi bà nghĩ “Dù sao cũng còn đỡ hơn cái lão chồng vô tích sự kia. Từ lúc bước chân về làm rể trong nhà bà, lão chẳng làm nên trò trống gì ngoài việc phá tiền của bố mẹ bà, rồi bây giờ là tiền bà”.


***


Ngày trước bà gặp lão thì lão đang thuộc vào hàng quý hiếm. Lão là vận động viên boxing chưa có lấy một trận thua trên sân nhà, lại đẹp trai, nhất là khoản giường chiếu thì thuộc đẳng cấp súc vật. Bà chết mê, chết mệt lão ở cái khoản này. Bố mẹ bà thì trăm đường ngăn cản, ngay hôm đầu tiên dẫn chàng về ra mắt, khách vừa bước ra khỏi cổng thì bố mẹ bà đã đóng cửa buồng và nói với con gái:


– Thiếu gì đàn ông mà lại rước cái thứ lưng dài đầu ngắn như vậy về làm chồng? Gia đình ta ba đời kinh doanh phát đạt cũng bởi luôn có người đàn ông chịu khó, giỏi giang. Bố mẹ nhìn anh ta không phải là kiểu người đó, con lại là con một.


Bà vẫn cưới lão về làm chồng, cung phụng lão. Giờ nghĩ lại bà thấy bố mẹ bà quả là lõi cái sự đời. Sự nghiệp huy hoàng của chồng bà vụt tắt chỉ sau một vài trận thua, một vài lần bị đối xử bất công, mà trong cái ngành thể thao thì kẻ cầm cân nghiêng nhiều gấp trăm lần người cầm cân thẳng. Uất ức, chồng bà lao vào uống rượu, cờ bạc. Cực chẳng đã, bố mẹ bà lại phải dốc tiền ra trả nợ cờ bạc, rồi dốc tiền ra mua lại hai chữ “công bằng” cho chàng rể quý. Nào ngờ khi đã có hai chữ “công bằng” lận lưng quần, khi không còn sợ bị đối xử bất công nữa thì chồng bà lại không còn nằm trên đỉnh cao của phong độ. Con ma cờ bạc và cụ Lưu Linh đã đưa đường dẫn lối chồng bà sang bên kia dốc đồi. Thua thêm vài trận, chồng bà đã hoàn toàn biến thành một con người khác. Một con nghiện cờ bạc, một kẻ nát rượu. Mà cay đắng hơn cả là cái thứ bà cần nhất, cái đẳng cấp súc vật kia cũng bị cụ Lưu Linh đem làm cái vòi xả rượu mất rồi. Con bò tót hung hãn ngày nào giờ chỉ đáng là con đỉa. Bà lại đang lúc phơi phới xuân thì. Thế rồi không để cho bố mẹ bà buồn, để quên đi cái cục vô tích sự hằng đêm vẫn phả hơi rượu nồng nặc vào mặt bà mà miệng nói mê kêu con Bát sách, con Cửu vạn, bà lao vào học kinh doanh, bà làm tiền. Vậy mà bà quên được thật, bà tìm được niềm vui trong việc kiếm tiền. Chỉ có điều bà làm thì chồng bà phá. Nhưng cũng không sao, bà vẫn kiếm đủ cho lão phá, miễn đừng mèo mả gà đồng, đừng trai trên gái dưới là bà nhắm mắt cho qua.


***


Sắp đến Trung Thu, hôm qua bà đi mua bánh. Còn phải lễ lạt cho ông Quan, ông Đội nữa chứ. Cái thời buổi kinh tế khó khăn này, nghề vàng cũng lao đao lắm, thêm vào đó Nhà nước lại siết chặt. Bà phải xoay sang buôn xanh, buôn ngoại tệ, làm dịch vụ chuyển Đô la, tiền mặt… Làm chui. Vậy nên phải lễ lạt, phải lạy. Bà mua rất nhiều bánh ngon, hiệu Long Đình. Mỗi hộp lên tới gần năm triệu đồng. Về đút thêm phong bì, phong bao rồi cho vào ngăn tủ, định bụng sáng hôm sau sẽ đi phát. Nào ngờ khi đóng cánh tủ, bà không để ý, có một hộp bánh kênh ra ngoài, cánh tủ khép vào không hết.


Sáng ra bà như phát điên khi mở tủ. Các túi quà bị cắn nham nhở, các hộp bánh thượng hạng chẳng còn cái nào nguyên vẹn. Đến các phong bì chứa đầy tờ năm trăm nghìn cũng bị cắn rách tứ tung. Giữa cái mớ hỗn độn đó là một con chuột mắt lờ đờ đang nằm thở thoi thóp. Nó béo nẫn, sạch sẽ, bộ lông mượt mà. Một con chuột nhà giàu. Nhưng nó sắp chết. Bà gọi mấy đứa bán hàng, đứa nào cũng bảo sợ chuột. Chúng nó bảo bà vứt con chuột đi thì mới dám dọn. Bà gọi lão chồng, lão còn bận nhâm nhi cốc rượu suông thay cho việc đánh răng rửa mặt buổi sáng. Lè nhè lão nói:


– Bà tự đi mà làm, việc đ. gì phải mua cả đống bánh về để cho chuột nó ăn rồi lại bắt người khác phải dọn.


Phần thì tiếc của, phần thì tiếc công đi mua, đi chọn. Nén cục tức, bà xé tờ báo, một tay cầm đuôi con chuột, một tay xách chiếc ví tiền. Bà đi vứt. Bước ra khỏi cửa nhà bà là mặt đường Hàng Đào tấp nập người xe qua lại. Ngay trước mặt cửa hàng, xuống hết vỉa hè là chiếc miệng cống đen ngòm hôi hám. Phía bên kia đường, dưới chân chiếc biển chờ xe buýt là chiếc thùng rác công cộng. Một thằng bé gầy gò, lấm lem đang dựa lưng vào đó mà ngủ. Chiếc nón lá thủng lỗ chỗ cũng lấm lem như nó úp trên mặt. Một manh áo rách tơi tả không che được cái bụng dẹp lép đang thoi thóp thở với những cái xương sườn. Tay nó giữ khư khư một chiếc ca nhựa loang lổ bẩn có vài đồng tiền lẻ bên trong. Bà xách con chuột đi qua đường, định bụng sẽ ném nó vào thùng rác. Vừa lúc đang đến giữa đường thì một chuếc xe buýt trờ tới. Mùi khói dầu và hơi nóng của nó phả vào người bà. Liếc nhìn chẳng thấy ai để ý, bà liền vứt con chuột xuống đường rồi vội bước quay lại. Cũng đúng lúc đó hai cô bán hàng bê chiếc chậu đựng những cái bánh Trung Thu thượng hạng bị chuột cắn ra đến đường. Một chút tần ngần rồi đổ ụp xuống miệng cống.


***


Bên kia đường thằng bé đã tỉnh giấc. Mùi khói dầu và hơi nóng của chiếc xe buýt đã đánh thức nó. Gỡ chiếc nón ra khỏi mặt, nó dụi mắt nhìn vào chiếc ca nhựa. Vẫn chỉ có một đồng một nghìn và hai đồng năm trăm nhàu nát nó đã tự bỏ vào từ sáng hôm qua. Mặc dù chịu đói cả ngày, nhưng nó vẫn quyết giữ cho bằng được ba tờ tiền nhàu nát này. Đó là tiền mồi. Sau một thời gian hành nghề, nó biết phải có tiền mồi, phải có cái để cho người ta còn biết là nó xin gì. Phải bôi bẩn, phải ăn mặc rách rưới, phải ngủ ở những nơi tồi tàn nhưng lắm người qua lại. Chỗ này là một nơi lý tưởng, chí ít ra thì sáng hôm qua khi mới tới đây nó cũng nghĩ vậy. Nhất là lại nằm vào giữa khu đông đúc những người giàu có, những cửa hàng to đẹp với bao nhiêu là đèn màu xanh đỏ như thế này. Nhưng có lẽ nó đã lầm. Nó buồn bã nghe tiếng réo rắt của bụng nó xen lẫn với tiếng xe, tiếng người. Nó rời mắt khỏi chiếc ca nhựa, ngước nhìn ra đường. Nó thấy con chuột với cái bụng căng phình nằm giữa lòng đường đang nhìn nó, một cái nhìn yếu ớt. Nó thấy một cặp mông nẫn mỡ đang ngọ ngoạy xa dần sang phía bên kia đường. Thấy hai cô bán hàng đang nghiêng cái chậu bánh xuống miệng cống. Nó vùng dậy hét lên:


– Đừng!


Nhưng đã muộn, cả chậu bánh đã tuồn vào trong miệng cống. Cả thằng bé, bà chủ tiệm vàng và hai cô bán hàng đều giật mình. Nó giật mình vì tiếc chậu bánh. Hai cô bán hàng giật mình vì một điều vụng trộm bị phơi bày. Bà chủ tiệm vàng giật mình vì một lý do khác. Chẳng là khi bà vừa bước chân xuống lòng đường, cái cục tức vẫn còn nằm ngang cổ họng thì bà sực nhớ tới thằng bé ăn xin. Nó đã nằm cạnh cái thùng rác bên kia đường suốt từ sáng ngày hôm qua, bà biết vậy nên bà tránh, bà không đi sang bên kia đường. Vừa rồi giận quá làm bà quên mất, tay bà lại còn cầm ví tiền, bà lại là người giàu có. Chẳng lẽ sang tới đó lại không cho thằng bé lấy một vài đồng. Thật may, đúng lúc chiếc xe buýt xuất hiện, tấm bình phong cho bà víu xuất hiện. Bà liền giả vờ bịt mũi nhăn mặt ném con chuột xuống đường và quay lại. Tiếng hét của thằng bé như nói với bà “Bà đừng giả vờ nữa. Tôi thấy rồi, tôi biết hết rồi”. Bà lấm lét quay lại nhìn. Vẻ mặt thất vọng và ánh mắt tiếc rẻ của thằng bé hướng về cái miệng cống làm bà thấy yên tâm. Vậy là nó tiếc chỗ bánh. Vậy là nó không biết.


Vào nhà, rửa tay thật kỹ rồi bà ra quầy thu ngân. Hình ảnh con chuột với cái bụng căng phình, hơi thở thoi thóp, hình ảnh thằng bé gầy gò ốm yếu với cái bụng cũng dẹp lép và thoi thóp, hình ảnh cái chậu chứa đầy bánh Trung Thu, cứ quay quẩn trong óc bà. Bà lấy tiền ra đếm, rồi bà lấy sổ bán hàng ra xem. Chúng vẫn quay cuồng trong óc bà. Bẩn quá, nhớp nháp quá. Bà dẹp tiền, dẹp sổ, lấy chiếc khăn tay. Bà lau mặt, lau tay. Hồ như muốn lau đi tất cả những hình ảnh cứ quẩn quanh đó. Rồi bà dừng lau, vẻ mặt thoáng chút tiếc rẻ. Không ai biết bà tiếc rẻ điều gì? Chỉ nghe sau đó tiếng bà lanh lảnh. Bà chửi mấy đứa bán hàng, rồi bà chửi lão chồng vô tích sự.


Bên kia đường, thằng bé đã thôi không nhìn vào cái miệng cống. Nó cố quên đi những cái bánh Trung Thu trong cái chậu. Miệng nó tứa đầy nước bọt. Nó nhìn con chuột. Con chuột vẫn nằm đó, vẫn thở thoi thóp. Những chiếc xe vẫn tấp nập qua lại, vẫn chưa một chiếc nào chèn lên con chuột. Thằng bé đứng dậy, úp cái nón rách lên đầu, nhặt mấy đồng tiền lẻ trong ca nhựa đút vào túi quần rồi cầm chiếc ca đi về phía con chuột. Nó định bụng sẽ mang con chuột bỏ vào thùng rác. Vừa được vài bước chân, nó nghe tiếng nổ “bụp”. Một chiếc ô tô vừa chèn qua con chuột. Con chuột bẹp dí như một con khô mực, nhầy nhụa những máu. Xung quanh cơ man nào là trứng, là hạt sen, đậu xanh, thịt mỡ… làm nhân bánh. Thứ bánh thượng hảo hạng của Long Đình. Thằng bé quay mặt, lén nuốt nước bọt rồi đổi hướng chân đi. Ánh mắt nó ngời lên rồi chùng lại.






Một tấn trò đời khốn nạn, một vở diễn thương tâm vừa diễn ra ngay nơi giàu có bậc nhất Thủ Đô, nơi giá tiền một mét đất có thể nuôi sống được cả một gia đình nông dân suốt ba thế hệ. Không một ai xem, chẳng một ai chú ý. Chỉ duy nhất một thứ vẫn còn chú ý. Đó là con chuột, hay đúng hơn là linh hồn con chuột, đang vắt vẻo trên đầu cột biển chờ xe buýt. Nó nhẹ nhàng bay sang tiệm vàng Kim Siêu Tinh, nhẹ nhàng chui vào đầu bà chủ tiệm. Nó gặp và hỏi con Suy Nghĩ:


– Sao bà chủ có vẻ tiếc nuối điều gì?


Con Suy Nghĩ trả lời:


– Bà tiếc vì nếu nghĩ ra sớm thì gọi thằng bé ăn xin vào cho nó chỗ bánh chuột gặm đó rồi bảo nó dọn cho. Vừa không phải bẩn tay lại được tiếng cho người nghèo mà vẫn không tốn tiền.


Linh hồn con chuột lại nhẹ nhàng chui ra khỏi đầu bà chủ tiệm vàng, nhẹ nhàng bay sang đường và chui vào đầu thằng bé ăn xin. Nó lại tìm gặp con Suy Nghĩ và hỏi:


– Sao ánh mắt thằng bé lại sáng lên?


Con Suy Nghĩ trả lời:


– Tại vì thằng bé vừa rút ra được một bài học mới. “Không ăn xin ở nơi có nhiều người giàu”.


Linh hồn con chuột lại hỏi:


– Vậy sao mắt thằng bé lại chùng lại nhanh thế?


Con Suy Nghĩ trả lời:


– Tại vì nó nghĩ đến cái đói.


Linh hồn con chuột lại nhẹ nhàng bay ra khỏi đầu thằng bé, nó đậu lên đầu cột biển báo xe buýt và nghĩ. Nó nghĩ về cái chết của con chuột, kiếp trước của nó. Đến giờ nó vẫn không thể hiểu tại sao nó chết? Chết vì ăn quá nhiều bánh Trung Thu hay vì ăn phải những đồng giấy bạc? Rõ ràng đêm hôm trước nó nghe bà chủ tiệm vàng nói “Các ông Quan, ông Đội thì từng này chứ mười lần thế các ông cũng nuốt hết”, vậy mà nó chỉ mới ăn được có một góc mà đã chết. Nó tự nhủ sẽ tìm gặp cho được ông Quan, ông Đội. Phải hỏi cho được cách ăn, cách nuốt. Vì nó nghe nói rằng nếu biết cách ăn, cách nuốt, lại có sẵn bản chất hay chui lủi, không sợ bẩn của loài gặm nhấm nó sẽ được đầu thai làm ông Quan, ông Đội. Mà làm ông Quan, ông Đội thì còn gì bằng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét