" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017
Hãy cứu lấy tiếng Việt!
Nước ta trải qua ngàn năm Bắc thuộc, một thế kỷ thực dân đô hộ, nhưng tiếng Việt vẫn trường tồn, vẫn lung linh tỏa sáng trong chính sự dung dị của mình. Tiếng Việt đã không bị bẻ cong, không bị biến mất trước tiếng Hán, tiếng Pháp và nhiều ngôn ngữ khác khi xâm nhập vào VN theo con đường của kẻ mạnh.
Tuy nhiên, đến nay, người ta thấy sự “lai căng” xuất hiện với tần suất rất lớn trong tiếng Việt, trong giao tiếp hàng ngày đã đành, chúng còn nghiễm nhiên tồn tại trong các văn bản, kể cả văn bản mang tính chính thống. Đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông báo động để cứu lấy tiếng Việt.
1. Cô giáo Triệu Thị Huệ (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM) thẳng thắn, muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thì trước tiên người lớn phải làm gương. Cô Huệ đặt vấn đề: “Với tình trạng sử dụng ngôn ngữ như hiện nay thì liệu 10 năm, 20 năm sau, tiếng Việt có còn giữ gìn được sự trong sáng? Chúng ta cần phải nhanh chóng đề ra biện pháp để bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt”.
GS Bùi Khánh Thế cho rằng, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng ta cần có Luật Ngôn ngữ, nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra, quanh hoạt động giao tiếp ngôn ngữ trong xã hội VN. “Như vậy chúng ta mới có cơ sở, căn cứ pháp lý, đủ sức bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt. Vị trí của luật này quan trọng ngang tầm với các luật khác, như Luật Đất đai, Luật Giáo dục”, GS Thế nhấn mạnh.
Việc sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay rất tùy tiện, tạp nham, cẩu thả. Nhiều người cho rằng ngôn ngữ “tuổi teen” không tác động lớn đến đời sống và sự học hành của thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay. Nhưng sự thực hoàn toàn ngược lại và khá nghiêm trọng.
Muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, trước tiên, người lớn cần làm gương Ảnh: T. Thanh
Đến nay, người ta thấy sự “lai căng” xuất hiện với tần suất rất lớn trong tiếng Việt, trong giao tiếp hàng ngày đã đành, chúng còn nghiễm nhiên tồn tại trong các văn bản, kể cả văn bản mang tính chính thống. Có người đã gọi đó là sự “lạm phát” sử dụng các yếu tố tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh. Người ta cũng nhận ra rằng, không chỉ giới trẻ thế hệ 8X, 9X còn nông nổi, bồng bột, thích cái mới lạ, khác người, thích “cá tính”, mà ngay cả các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã góp phần không nhỏ tạo nên sự hỗn loạn, “ô nhiễm” của đời sống ngôn ngữ.
Thật đáng buồn là trong giao tiếp hiện nay, thay vì nói “đồng ý” thì nhiều người lại dùng từ OK. Theo PGS. TS Đặng Ngọc Lệ, Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học VN, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TPHCM, giới trẻ hiện nay thích sử dụng ngôn ngữ “chat” trong giao tiếp và hành văn là do tâm lý muốn mình phải khác người. Tuy nhiên, khác người đâu phải chỉ ở việc nói năng ngô nghê, xâm hại chữ nghĩa của tổ tiên, của cha sinh mẹ đẻ mà thành.
Trong các công sở, ngay cả ở UBND các cấp, người ta vẫn nghe nhân viên nói với nhau: “Hôm nay đằng ấy “hép py” (happy) quá”, hay “Hôm nay gái già (!)nhìn “kiu” (cute) quá”, trong khi có thể nói “Hôm nay trông xinh thế”. Giảng viên Anh ngữ Tôn Thất Lan bức xúc nói: “Tôi thấy nhiều công ty để dòng chữ đọc rất ngượng ngạo: “Xin giữ cửa đóng lại”, ảnh hưởng từ câu “Keep the door closed”, trong khi tiếng Việt có câu rất hay: “Vui lòng đóng cửa”. Ông cũng đưa ra nhận định, theo ông bắt chước là một cách học tiếng Anh hiệu quả, nhưng ngoại hóa tiếng Việt như vậy chỉ cho thấy mình ra vẻ biết tiếng Anh, nhưng bộc lộ văn nói nghèo nàn. Đây là thói quen mà đến một lúc nào đó bạn sẽ phải lóng ngóng và khó khăn lắm mới viết được một câu văn hoàn chỉnh, dần đánh mất văn phong của ngôn ngữ tiếng Việt trong tương lai.
Đặc biệt, khi “chat”, người ta còn sáng tạo ra những kiểu ngôn ngữ kì dị hơn. Ví dụ như viết là “chời” thay vì “trời”, “cái zị zậy ta” thay vì “cái gì vậy ta?”. Họ tưởng làm thế để tạo nên sự dí dỏm nhưng thực chất đang làm ô nhiễm sự trong sáng của tiếng Việt.
2. Cùng với nỗi lo về sự lai căng, pha trộn, pha tạp trong ngôn ngữ, thì còn đó nỗi lo chính tả. Sự lẫn lộn trong phát âm và thói quen nói sao viết vậy, đã dẫn đến sự ngô nghê tức cười trong khá nhiều trường hợp. Sai chính tả nhiều nhất với không ít người sinh ra tại các địa phương phía Bắc là lỗi chữ “l” – “n”, “ch”-“tr”, đến độ phải đánh vần “n thấp với n cao”, “trờ nặng với chờ nhẹ” để phân biệt. Còn người sống ở địa phương phía Nam lại hay thừa (hoặc thiếu) chữ “g”, thay vì chữ “t” lại biến thành chữ “c” trong khá nhiều trường hợp. Nhưng đáng lo hơn cả là chuyện chính tả ngay trong nhà trường, vốn là nơi tôn nghiêm về chuẩn mực.
Cần giáo dục cho HS tình yêu tiếng mẹ đẻ
Có thể dẫn ra nhiều sự sai chính tả đến kinh dị nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại trên các biển quảng cáo, biển hàng trên các đường phố. Ví dụ, Tẩm quất thư dãn/ thư rãn (giãn), Lấy dáy (ráy) tai, Cấm kinh doanh, dịch vụ, bày bán hàng dong (rong) trên vỉa hè, Sôi (Xôi) thịt bánh bao, Nước ép trái cây – hoa quả rầm (dầm)…
Cũng cần nói thêm, trong các văn bản chính thức, rất nhiều khi không thống nhất về mặt chính tả. Ví dụ, với Thành phố Hồ Chí Minh, người ta viết tắt nhiều kiểu: Tp.Hồ Chí Minh, TP.HCM, TP HCM, TPHCM; hay như tỉnh Đắc Lắc, thì viết: Dak Lak, Đăk Lăk; tỉnh Bắc Cạn đôi khi vẫn viết là Bắc Kạn….
3. Trong quá trình giao lưu văn hóa, thì sự giao thoa ngôn ngữ là không tránh khỏi. Trên thực tế thì nhiều từ tiếng Việt cũng đã vay mượn từ tiếng hán, tiếng Pháp, nhưng đã “thuần hóa” thành tiếng Việt. Vấn đề cốt lõi là du nhập nhưng phải chọn lọc. Quy luật là một ngôn ngữ muốn tồn tại thì phải luôn vận động, phát triển. Ngôn ngữ đó không thể đóng kín mà phải tiếp xúc, giao thoa; quá trình này sẽ dẫn đến việc vay mượn. Không ai dám bảo đảm có ngôn ngữ nào trên thế giới tuyệt đối “thuần khiết”. Nếu không vận động trong sự giao thoa ấy thì ngôn ngữ (với tư cách là sinh ngữ- ngôn ngữ sống) sẽ biến thành tử ngữ- ngôn ngữ chết.
GS Trần Văn Khê kể rằng, năm 1957, khi ông sang Anh, gặp một học trò cũ sang học Anh ngữ tại London, cậu này ngỏ ý muốn ghi âm những bài dân ca do ông biểu diễn. Cậu đề nghị với tôi như sau: “Thưa thầy, em xin phép được record thầy hát những bài folksong. Nhưng em không có tape mới. Thầy chịu khó chờ đợi em wipe lại tape cũ rồi em sẽ record thầy”. Tôi nói ngay với cậu rằng: “Con mới sang London học tiếng Anh chưa đầy 3 năm mà không nói được một câu tiếng Việt suôn sẻ. Tại sao con không nói “Em xin phép thầy ghi âm những bài dân ca do thầy biểu diễn. Nhưng em không có băng từ mới, thầy chịu khó chờ đợi em xóa băng cũ rồi em sẽ ghi âm thầy” – GS Khê nhớ lại.
Kể lại chuyện này, GS Khê đi đến kết luận, ông lấy làm tiếc việc Tây hóa ngôn ngữ Việt là do giới trẻ hiện nay chưa biết cách tôn trọng tiếng Việt như là một nét văn hóa. Ông chân thành và tự hào cho biết, tuy sống gần 50 năm ở nước ngoài, dạy học 30 năm tại các trường ĐH ở Paris, trong hội đồng quốc tế âm nhạc, phải giao tiếp bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, nhưng khi nói tiếng Việt thì ông không hề bị tiếng ngoại quốc lấn át tiếng mẹ đẻ.
Đó thật là điều rất đáng suy nghĩ!
GS Trần Văn Khê: “Theo tôi, muốn giữ cho tiếng Việt được thuần chất, thì thứ nhất, mỗi người Việt cần phải thương yêu tiếng mẹ đẻ của mình. Thứ nhì, những người có trách nhiệm trong giới truyền thông đại chúng, các bạn dẫn chương trình những buổi truyền thanh hay truyền hình, những người viết báo, viết sách nên cẩn thận vì thính giả và độc giả dễ bị ảnh hưởng, nếu các bạn pha trộn tiếng nước ngoài khi giới thiệu một chương trình hay một đề tài liên quan đến văn hóa Việt. Gia đình và nhà trường có bổn phận phải giúp cho các em sử dụng tiếng Việt một cách đúng nơi, đúng chỗ và đúng lúc”.
Gia Linh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét