Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Nỗi niềm của đất ai hay?


Tiết Thanh minh tháng ba đã đến. Các ngả đường nhộn nhịp dòng người đi tảo mộ như trẩy hội. Ngày xưa mồ mả thường đặt`nơi xa làng, lẻ tẻ trên các cánh đồng, đượng đống. Các chi ngành chia thành từng đoàn vác cuốc, mang dao phát cỏ, gồng gánh lễ lạt nào rượu thịt, xôi, cơm, cùng vàng hương mấy thẻ, trầu cau mấy buộc... tề tựu trên các cánh đồng. Mọi người vừa đắp mộ cầu tổ tiên phù hộ con cháu “nhân khang vật thịnh” vừa nghe những lời giáo huấn. Người mất chuyện còn. Con cháu được rành rẽ tích cũ, chuyện xưa, lấy đó làm niềm tự hào, làm bài học, tấm gương cho gia đình, dòng họ, cho chính mình. Qua đây người ta nhận họ hàng, ngôi thứ, thắt chặt thêm tình máu mủ ruột rà. Khi nén hương tàn chừng phân nửa, là “hoá vàng” tạ ơn “thổ thần thổ địa” bảo vệ mộ phần. Vàng đốt làm bằng giấy bản, giấy rơm in hình đồng tiền chinh có bốn chữ nho cổ… Rồi già trẻ cùng nhau quây quần uống rượu, ăn cơm ngay trên vạ cỏ giữa hương đồng gió nội. Sau quãng đường xa bộ hành, lúc này đúng là ăn “mầm đá” cũng ngon, cũng thú vị làm sao!
Ngày xa ấy, đám trẻ con chúng tôi cứ mỗi độ hoa xoan nở tím trong làng, lại nhắc nhớ nhau: -Sắp được đi tạ mộ rồi...! Tôi là con trai lớn trong nhà, lại thuộc hàng đứng đầu chi ổ, có người tóc muối tiêu, râu dài cũng phải gọi tôi bằng chú, bằng anh; nên thường được theo cha đi nhận mộ. Háo hức trên bờ ruộng, tôi chạy tới những nấm mộ như những chiếc thúng con úp trên cánh đồng phủ lớp cỏ mịn màng xanh mướt, như thấy từ trong đất quê toả ra hơi thở ấm áp của cụ cố, của ông nội, bà nội tôi. Tiếng của bà nội tôi văng vẳng bên tai như người còn đó cầm chiếc roi tre nhỏ gọi tôi khi tôi là thằng bé mải miết rong chơi, tắm lội cùng con trâu đầm trên dòng sông trước cửa làng. Tôi được biết dưới tầng đất sâu ấy là nơi ký thác xương cốt của tổ tiên tôi, của dòng máu họ hàng hang hốc nhà tôi. Tôi thường đứng lặng đằng sau nghe cha tôi khấn vái. Tiếng lầm rầm của ông như thấu đạt tới linh hồn người bên kia, rất rõ. Hình như những nén nhang cũng lay động, ảo mờ những vệt khói lam bay lên, rớt lại mùi thơm nhẹ tận đáy lòng. Những đứa trẻ bọn tôi luôn được đi, bao giờ cũng nhớ mộ tổ họ, mộ ông bà hơn cả người lớn.
Nhưng bây giờ, thanh minh lại khác nhiều lắm. Người ta đi tảo mộ không còn thuần phong như ngày xưa nữa. Vàng mã tốn kém và trào lưu xây mộ lại tràn lan. Thực trạng đó đang như một cuộc chạy đua và khiến người nông dân nghèo mang nỗi lo day dứt. “Sống vì mồ mả, đâu vì cả bát cơm”. Câu nói đó trở thành đầu lưỡi. Nhất là những nhà giàu, hoặc có kiều ngoại, quan chức, những người làm ăn phất to, trúng lớn. Hôm qua còn chạy từng hạt gạo, hôm nay dư ăn dư để, liền chạnh nghĩ đến mồ mả. Họ coi đây là dịp tạ ơn ông bà ông vải vì “mộ phát”, “mộ kết”! Đồ tế lễ thịnh soạn bày ra nào gà chưng, bánh quả, bia hộp bia chai cùng vàng mã rực rỡ. Người đời phóng đặt ra hàng xấp, hàng thỏi giấy hoặc đô la âm phủ cùng đủ thứ vàng mã: ngựa voi đủ màu, hài hia đủ loại, cả ti vi, máy tính, ôtô, xe máy... đốt hoá cháy bùng bùng. Các già làng thắc mắc: “Mùa thanh minh nào con cháu cũng bày vẽ đốt lắm ngựa xanh, ngựa đỏ, voi trắng thế kia, liệu dưới đó các cụ có đủ chuồng, dư cỏ dư mía cho chúng ở, chúng ăn? Riêng khoản vàng mã, dân 8 xã tổng mình cũng đốt vèo hàng trăm triệu bạc không đâu vào đâu trong tiết tháng Ba!
Những năm gần đây, ở các làng quê bỗng dưng có hai mùa xây mộ: tháng hai tháng ba và sau thu hoạch vụ mười. Nhân thời tiết đất trời khô hanh, người ta tranh thủ chuyên chở nguyên vật liệu ra các nghĩa địa xây cất mộ đông vui, nhộn nhịp như công trường xây dựng. Người ở xa thì hoặc tranh thủ về quê, hoặc gửi tiền của đầu tư cho người ở nhà thanh minh, xây mộ. Xe đạp, xe máy, ô tô đậu từng đoàn ngoài các nghĩa địa như đi trẩy hội. Người có tiền khởi xướng đầu tàu kéo theo gia ổ. Kẻ túng thiếu thì vì danh dự o ép mà chặc lưỡi đôn đáo vay mượn, bán thóc lúa, lợn gà để đóng góp, kẻo hổ thẹn. Cốt sao mộ to rộng, cao sang. Cần thiết thì chịu chơi, mua cả đất mộ hàng xóm! Trước đây mộ quây bằng gạch vôi xỉ, nay tháo ra, đổ gạch chỉ Yên Hưng, Giếng Đáy, Hạ Long xuống xây lại cho vĩnh cửu! Trước ghi tên bằng mũi đinh khắc vào xi măng, giờ đặt bia đá, bia in chân dung, thếp chữ vàng, chữ bạc. Nhiều khu mộ trông chẳng khác mấy cuộc triển lãm ngoài trời, hoặc một đô thị vừa cổ vừa kim!
Cái làng nhỏ của tôi cũng có tới ba khu nghĩa địa. Dân để mộ tuỳ hứng vì xã chưa qui hoạch rõ ràng. Mùa xây mộ đến, các cánh ruộng, gò đống ven làng đâu cũng thấp thoáng những đám xây mộ. Thôi thì người nào bóng ấy. Cố giữ mộ kẻo năm trước năm sau dễ lẫn vào thiên hạ, sẽ mang tiếng là nhà mất mộ như chơi! Không ít xảy ra tình trạng tranh giành phần đất, phần mộ, giằng co mang nhau đến Uỷ ban. Chính quyền cũng chịu bó tay vì biết dựa vào luật nào? Khu nghĩa địa phía đông từng xảy ra chuyện con cháu ông chú ở xa về chơi trội xây mộ to cao, mái đao cong vút, ngất ngưởng che sang mộ ông bác. “Gà tức nhau tiếng gáy”. Con cháu bên này không chịu nổi cảnh “thượng long đoạt hướng”, liền gây sự ép bên kia phá đi xây lại. Nếu không sẽ quyết chí xây đè lên!
Đi sâu vào các nghĩa địa Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải... ngỡ như lạc vào một mê hồn trận mồ mả, lạc vào muôn hình khối bê tông! Hộp vuông, hộp dài. Lầu cong, chóp nhọn. Mái bằng, mái bán nguyệt. Tầng hai, tầng ba. Nửa tây nửa ta. Có khu mô phỏng y một con tàu há mồm, một ngôi biệt thự, một toà lâu đài... Tất cả trát xi măng, ốp đá xanh, lát gạch men nội ngoại. Diện tích mỗi mộ hẹp nhất cũng bốn, năm m2, rộng từ mười đến hai chục m2. Rồi hơn nữa, có khu mộ gia đình chiếm cả sào ruộng. Chi phí mỗi mộ thấp nhất cũng từ một vài triệu, cao đến năm, bẩy triệu đồng trở lên. Có khu tới năm, sáu chục, rồi hàng trăm triệu đồng, bằng cả một cơ ngơi nhà ở cấp bốn! Con cháu coi công trình lăng mộ như một niềm tự hào, mãn nguyện. Có hai anh em nhà kia cùng mẹ đẻ ra sẵn sàng tranh giật nhau từng tấc đất đến đổ máu, ra toà, đến nỗi ông bố uất quá, sinh bệnh, liền gọi con lại bảo: “Cha chết, đem mà chôn dọc áo quan để dôi đất cho chúng bay!”. Nhưng họ lại bỏ phí hàng mét, hàng chục mét vuông đất ngoài cánh đồng cho cỏ mọc, cho khối bê tông câm lặng trơ gan, vô ích cùng tuế nguyệt! Gia đình anh Nam đang làm 50 ha đầm thuỷ sản bị mấy cơn bão liên tiếp gây vỡ đầm, nước dâng ngập lụt trút sạch đàn tôm ra biển. Trắng tay, không còn đồng nào để gây lại vụ mới. Đang lo bạc mặt thì nhận được tin của ông trưởng ngãnh họ “bổ đầu” đóng góp và gợi ý chủ đầm “hảo tâm” một khoản để xây dựng mộ các cụ! Vợ anh nửa cười nửa mếu: -Tiếng cả nhà không. Biết làm sao bây giờ?
Năm, sáu năm trước, đi đưa một đám tang ở nghĩa địa Phong Cốc, tôi được nghe một sự tích về một ngôi mộ vừa cất dựng mất trên chục triệu đồng. Đó là ngôi mộ mẹ một ông người làng trước đây đi lính “khố xanh” cho Pháp. Năm 1954, ông ta tản cư vào Nam, bặt hẳn tin tức. Đất nước thống nhất, ông về quê vừa dò hỏi vừa xem bói tìm mộ mẹ, nhưng mãi không thấy. Cuối cùng nhờ ông hàng xóm có sào ruộng nhớ ra: “Thuở ấy đói kém người chết như rạ. Mộ cụ chôn xấp chôn xáo ở góc ruộng, xung quanh đổ toàn vỏ ốc làm dấu tích...” Sau nhiều ngày cất công đào bới, nhận đúng mộ mẹ ngày xưa, ông ôm mặt khóc như một đứa trẻ trước hũ tiểu sành dập vỡ... Sang xong hài cốt mẹ vào bộ “trong quang ngoài quách” bằng đá gralitô, ông chọn thợ xây kiên cố, trang trí ngôi mộ rất cầu kỳ. Ông bảo mọi người: “Khỏi phải băn khoăn, miễn sao cho đẹp, cho bõ ngày cụ tôi còn sống chẳng được hưởng gì! Đã có con cháu bên Mỹ nó tắc về!”... Quanh đó mấy ngôi cũng vừa mọc lên chẳng kém phần đồ sộ. Được biết có tập đoàn lăng mộ ốp lát hoa xuể, mỗi cụ một lầu son, do một đứa cháu làm ăn gặp vận đỏ làm chủ chi, kén hẳn thợ khéo từ Hải Dương, Nam Định về bắc giàn giáo thi công cả tháng trời... Giữa thượng đồng còn nổi lên một ngôi mộ ốp lát đá đen nhánh, vươn lầu cao ngất nghểu. Tới gần hoá ra mộ của một “tướng cướp giang hồ”! Cô vợ vượt biên hồi xưa, giờ cư trú ở nước ngoài gửi đô la về xây mộ chồng... Cách đây hai mươi năm, cánh đồng của làng “dân cả xã lớn” này thẳng cánh cò bay, mượt mà sóng lúa đến tận bờ tre. Nay màu xanh nuôi sống người đã bị bóc đi hàng chục ha nhường chỗ cho “vương quốc Thiên cổ” khô khốc bê tông!
Năm ngoái đi tảo mộ còn thấy những lũng ruộng cấy lúa, trồng rau giữa các gò đống. Năm nay đã bình địa, chi chít các hình khối còn hăng vôi vữa, xi măng. Phải lâu lắm, dễ đến hai giờ đồng hồ, anh em tôi tản ra căn đi căn lại, mới tìm được mộ bà ngoại lấp trong cơ man những ngôi mộ xây chen chúc dày đặc. Ngốt hết cả ruột gan! Phần mộ bà ngoại tôi bị người ta bên cạnh xây đè lên hẳn một vạ tường! Chỉ một tẹm nữa thôi là mộ bà ngoại bị “thôn tính” thành chân móng của họ! Tôi còn đang bùi ngùi thì gặp một đoàn cũng đang dò dẫm giữa “siêu thị” mộ để tìm mộ nhà mình. Một cụ già che ô, chống gậy, thở không ra hơi, than vãn:
- Ngày xưa chỉ vun nấm đất, nấm cỏ thì mộ không sao. Bây giờ thiên hạ đua nhau xây đắp lại đâm mất mộ. Làng nước đua nhau tung tiền ra đồng. Mộ gì mà y nhà nghỉ mát! Nhà nghèo sợ lẫn, sợ mất mộ cũng đành chịu lôi cuốn vào cuộc. Ngữ này ta cũng phải xây thôi, khỏi thấp kém, tủi thân!
- Họ cậy tiền làm to -một cụ cắt ngang -càng có chỗ cho cánh thợ cấy, thợ gặt ngồi nghỉ trưa ăn cơm hoặc ngả lưng đánh giấc.... Một cụ khác hóm hỉnh xen vào: -Có mà tiện cho bọn trai gái, bọn nghiện hút chúng kéo tạt ra đây!... Anh bạn tôi là người từng trải, nhiều lần vào Nam ra Bắc, tỏ vẻ sành sỏi:
- Chưa bằng Hải Phòng, Hạ Long, Nha Trang, Sài Gòn... nghĩa địa của họ còn xây dữ dội, hiện đại hơn nhiều. Nghĩa trang Đèo Bụt, Đèo Khế ven dốc Quốc lộ 18A, như một toà thành La Mã cổ đại thu nhỏ trong thung lũng núi đá. Giờ toà thành này đã quá tải, người ta phải “đóng cửa” và lập ngay một nghĩa địa khác ở khu 7 cho các linh hồn kịp “nhập cư”. Hơn chục năm nay đa số các “hộ khẩu tóc xanh” do nghiện hút, HIV nhập vào ồ ạt! Còn bên Hải Phòng… Nghĩa địa Tĩnh Hải, có nhà bỏ tới bảy, tám trăm triệu xây khu mộ gia đình kén toàn đá Thanh Hoá về thi công, riêng bộ chân móng sâu tới 1 mét, rồi đắp vẽ đủ thứ hoa hoè hoa sói. Người ta còn xí đất mặt đường trong nghĩa địa lo trước cho cả người sống nữa kia… Anh còn cao hứng: -Vừa rồi báo chí đăng dân trong Huế chạy đua xây mộ như một cuộc tái phục kiến trúc thành quách cổ. Có ông khách du lịch ngoại quốc đến thăm cứ lầm tưởng đấy là di tích “Di sản Văn hoá”! Có khu mộ ngốn gần ba, bốn chục nghìn USD trên diện tích 600 m2, ngang với kinh phí và khuôn viên dựng lại đình làng quê ta!... Cũng chưa ăn thua! Còn có khu mộ gia đình xây cất tới tỷ mốt, tỷ hai, thậm chí xấp xỉ 2 tỷ đồng VN nữa kia!...
Ai nghe xong cũng lắc đầu lè lưỡi:
- Thế thì “phố hoá” cho người Thiên cổ đến nơi mất rồi! Mộ thường dân bây giờ còn đặc biệt hơn cả lăng tẩm vua chúa ngày xưa!
Mộ xây gia tăng. Nghĩa địa ngày càng nở ra. Người ta chỉ cốt xây cao to, bền đẹp, chứ ít ai quan tâm đến môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm, đến đất đai rồi đây sẽ ra sao? Hoặc biết là nguy cơ mà chưa có cách nào khắc phục được. Không ít kẻ còn bỏ tiền ra mua đất, xây thùng mộ chiếm chỗ trước để phòng hậu sự đất đai lên giá! Ông Dương Miền khi còn là chủ tịch Mặt trận xã từng lo lắng:
- Nếu cứ đà này thì chỉ dăm chục năm nữa, lấy đâu ra đất để ký táng? Tỷ dụ như làng ta đây hiện có 5000 dân? Nghĩa là sẽ có lần lượt 5000 ngôi mộ! Cải táng đặt sít nhau cũng phải mất hơn chục nghìn mét vuông! Trong khi đó làng chỉ có chưa đầy 190 ha canh tác đang như vũng nước co dần! Và ông cũng từng nêu nguyện vọng trong các cuộc họp: -Đã đến lúc Nhà nước ban hành Luật mộ táng để giúp các địa phương quản lý đất đai sinh lợi, bảo vệ tài nguyên nông nghiệp và môi trường sinh thái! Tiếc rằng ý tưởng thì hay, thức thời quá, mà tiếng nói ông như hạt cát trong cơn lốc “hiện đại hoá mộ phần” chưa ai dám ra cản lại!
Qua các cuộc cải táng, trong những lúc chuyện trò, tôi thấy tâm tư của người nông dân cũng bắt đầu những suy nghĩ mới:
- Người đẻ, đất có đẻ đâu! Dân ta cũng cần thay đổi nhận thức và tâm lý về địa táng hiện nay. Nên dần dần thực hiện hoả táng bằng đài hoá thân Hoàn vũ như ở Hải Phòng và một số nơi. Ngoài Cẩm Phả, người ta đã đưa vào sử dụng đài hoàn vũ “An Lạc Viên”, đồ sộ và hiện đại lắm! Đến đó ta như lạc vào cõi tiên cảnh, chả còn gì cảm giác chết! Quê mình đây có muốn đưa người quá cố sang đài Hải Phòng hoặc đài Cẩm Phả cũng không xa mấy! Vừa sạch sẽ, gọn gàng, vừa tiết kiệm mọi mặt, đỡ dềnh dàng bao nhiêu thủ tục cúng bái... Thấy được “nền văn minh hoá thân”, có nhiều cụ già đã phát biểu: tôi cũng chỉ muốn gói ghém xương cốt trong một nắm tro. Ai cũng vậy thì rõ ràng ta để dôi được bao nhiêu đất đai cho đời sau! Nhưng chỉ lo không biết đám con cháu nó có làm theo ý mình không?...
Đứng trên bờ đê nhìn xuống các cánh đồng nhấp nhô nghĩa địa, tôi bâng khuâng suy nghĩ: Rồi đây, 6 vạn nhân khẩu hiện tại ở vùng 8 xã làng đảo quê tôi sẽ theo bước chân nhau về cõi hư vô. 6 vạn ngôi mộ sẽ xếp trên mặt bằng chưa đầy 10 nghìn ha! Chắc chắn thế rồi. Có ai làm khác được đâu! Thì vùng đất cửa sông Bạch Đằng này, không biết các thế hệ sau, sau nữa có kịp“bồng bế nhau lên ở núi non”!? Và nơi đâu, bao làng quê, phố phường cũng san sát “phố mộ”, thì núi non liệu có còn chỗ không?
Thành phố của người chết đang lấn từng thước đất sinh nhai của người sống! Đằng sau cái đẹp “thanh minh vào tiết tháng Ba” và “mộ hoá phố” đang là nỗi niềm xót xa của đất! Ai hay tấm áo xanh của đất đang tiếp tục mỗi ngày bị xé thêm ra?.
Dương Phượng Toại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét