" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016
Suy ngẫm về tự do
Tác giả: Nguyễn Văn Trọng
Tôi nhận thấy nhiều người Việt thường hiểu TỰ DO như đồng nghĩa với “muốn làm gì thì làm“; họ cho rằng đòi hỏi TỰ DO giống như đòi hỏi tình trạng vô kỉ luật, vô chính phủ gì đó. Những người này hình như lo lắng nhiều cho tình trạng xã hội hỗn loạn hiện nay, nên biểu lộ một thái độ không mấy thiện cảm với khái niệm TỰ DO. Sự hiểu lầm này trước đây hình như cũng khá phổ biến ở phương Tây nên các tác giả bàn về tự do đều rất cẩn trọng trong định nghĩa khái niệm của mình. J.S. Mill quan tâm đến khoảng không gian riêng tư của cá nhân không trực tiếp ảnh hưởng đến xã hội, vì thế xã hội không nên can thiệp vào.
Ông muốn thiết lập ranh giới cho sự can thiệp chính đáng của xã hội vào cuộc sống cá nhân. I. Berlin thừa nhận tự do là một từ ngữ khá mơ hồ và tăm tối, vì thế mà người ta gán cho từ ngữ ấy vô số ý nghĩa khác nhau. Ông bàn về hai khái niệm khác nhau của TỰ DO: tự do phủ định (negative) và tự do khẳng định (positive). G.P. Fedotov cho rằng thật hiển nhiên là không gian tự do cá nhân trong mối quan hệ với xã hội không thể là vô hạn được vì như thế là triệt tiêu luôn cả khái niệm xã hội như một cộng đồng sinh hoạt có tổ chức. Như vậy cách hiểu TỰ DO như “muốn làm gì thì làm” khiến cho khái niệm TỰ DO trở thành vô nghĩa và G.P. Fedotov cho rằng đó là thủ thuật quen thuộc mà các kẻ thù của TỰ DO ưa sử dụng để bác bỏ quyền tự do.
Đối với tôi thì việc tiếp thu khái niệm TỰ DO thể hiện trên hai bình diện:
Một là: xã hội sẽ không có tự do, nếu mỗi thành viên của nó không biết tôn trọng không gian tự do của người khác. Mỗi thành viên của xã hội phải xem xét hành vi của bản thân mình trong ứng xử đối với tha nhân có vượt quá ranh giới của tính chính đáng hay không, có xâm phạm vào không gian tự do (theo ý nghĩa phủ định) của người khác hay không. Đây là thái độ cần thiết của mỗi người nhằm tạo nên một xã hội văn minh, biết tôn trọng sự khác biệt của người khác trong chừng mực sự khác biệt ấy không xâm hại đến lợi ích xã hội.
Như vậy trước hết nhận thức về tự do đòi hỏi mỗi người có thái độ biết kiềm chế bản thân trong việc can thiệp vào công việc của người khác chứ không phải là “muốn làm gì thì làm“. Ngay cả những người với thiện ý muốn “nhào nặn” người khác theo mẫu hình mà họ cho là tốt đẹp, thì cũng phải tự tra vấn bản thân xem: làm như thế họ có phủ nhận khả năng tự trị của người bị “nhào nặn” và có tự xem mình như Thượng đế hay không, làm như thế họ có vi phạm quy tắc vàng về đạo đức “kỉ sở bất dục vật thi ư nhân”(điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác) như Khổng Tử đã phát biểu hay không.
Hai là: mỗi người nên suy ngẫm về việc sử dụng không gian tự do của mình như thế nào để cho cuộc sống của mình có ý nghĩa, đây chính là nội dung của tự do khẳng định. Hai tác phẩm Tất định luận và tự do lựa chọn (I. Berlin), Con người trong thế giới tinh thần, (Trải nghiệm triết học cá biệt luận) (N.A. Berdyaev) có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề này. Tự do trong ý nghĩa khẳng định hàm nghĩa mỗi người có tự do lựa chọn cứu cánh[1] cho cuộc đời mình và điều này thể hiện phẩm giá làm người.
Đây không phải là việc dễ dàng vì nó đòi hỏi con người phải tự nhận thức được bản thân mình, từ đó xác định một hệ thống giá trị nhân bản như cứu cánh cho cuộc đời mình. Điều này đòi hỏi một hiểu biết[2] nhất định. Không phải bất cứ ai cũng kham nổi gánh nặng này, nên con người thường hay từ bỏ tự do lựa chọn trong ý nghĩa nhân bản để quy phục theo các áp lực nô dịch đến từ các dục vọng bất thiện. Trong tác phẩm To Have or To Be (Sở hữu hay hiện hữu) triết gia Đức Erich Fromm đưa ra hai kiểu mẫu sống: kiểu mẫu sở hữu và kiểu mẫu hiện hữu. Kiểu mẫu sở hữu xem giá trị cuộc sống là ở những gì con người sở hữu và chiếm đoạt được. Kiểu mẫu hiện hữu xem giá trị cuộc sống là ở những phẩm tính tinh thần mà con người đạt được.
Tôi rất chú ý tới nhận xét của N. Berdyaev:”Ý chí vươn tới hùng mạnh, vươn tới ưu thế và thống trị, chính là bệnh cuồng si, đó không phải là ý chí tự do và ý chí vươn tới tự do.” Ham muốn làm ông chủ chính là biểu hiện của tình trạng nô lệ. Tôi có ấn tượng sâu sắc với tiểu luận “John Stuart Mill và những cứu cánh của cuộc sống” của I. Berlin (trong dịch phẩmTất định luận và tự do lựa chọn). I. Berlin đã nhận xét về J.S. Mill như sau:”Đối với ông [J. Mill] con người khác con vật trước hết chẳng phải vì có lí trí cũng chẳng phải vì biết tạo ra công cụ và phương pháp, mà vì con người có khả năng lựa chọn, con người thể hiện mình nhiều nhất trong việc tự lựa chọn chứ không phải được lựa chọn cho [mục đích nào đó], là người cưỡi ngựa chứ không phải là con ngựa, là người tìm kiếm những cứu cánh chứ không đơn thuần là phương tiện, – những cứu cánh mà anh ta theo đuổi mỗi người theo cách riêng của mình…” Sau đó I. Berlin nhận xét tiếp:”Mill tin tưởng rằng con người mang tính tự phát, rằng con người có tự do lựa chọn, rằng con người tự nhào nặn nên tính cách của mình, rằng do kết quả tác động qua lại của con người với tự nhiên và với những người khác mà một thứ gì đó mới mẻ liên tục xuất hiện, và rằng cái mới mẻ ấy đúng là thứ đặc trưng nhất và nhân bản nhất của con người.“
Tự do lựa chọn cứu cánh của cuộc sống trong lịch sử liên quan nhiều đến các phong trào tôn giáo. Tôn giáo về tổng thể là một vấn đề đa chiều và phức tạp. Các nhà nghiên cứu thường chú ý đến một số phương diện nhất định của các phong trào tôn giáo trong lịch sử. Về phần mình, tôi chỉ quan tâm đến tôn giáo về phương diện văn hóa tinh thần – những gì dẫn đưa các thành viên của cộng đồng tôn giáo vào một định hướng tinh thần nhất định.
Tôi không đề cập đến diễn biến của các phong trào tôn giáo đã biết trong lịch sử thông qua hoạt động của các giáo hội, vốn là vấn đề chứa đựng nhiều mâu thuẫn lịch sử rất phức tạp. Tôi chú ý đến định nghĩa tôn giáo của E. Fromm, khi ông cho rằng “tôn giáo” của một cộng đồng là “bất cứ một hệ thống tư tưởng và hành động nào được chia sẻ bởi một nhóm người, cung cấp cho mỗi cá nhân một khung định hướng và một mục tiêu để hiến dâng”. Tôi cho rằng xét về phương diện văn hóa tinh thần thì cuộc sống tôn giáo là cuộc sống cá nhân riêng tư trong thâm nhập vào chiều sâu của nó. N. Berdyaev tự cho mình là tín đồ Kitô giáo nhưng không ràng buộc bản thân với bất cứ giáo hội nào.
Tự do lựa chọn cứu cánh của cuộc sống được khẳng định bởi những người có khuynh hướng triết học hiện sinh, chỉ chú trọng đến thân phận của con người. Họ khẳng định hai phẩm tính đặc thù của con người là chủ thể tính và tự do tính. Chủ thể tính hàm nghĩa con người không phải là một “sự vật” mà là một tiểu vũ trụ có thế giới nội tâm (thế giới tinh thần) không đồng nhất với thế giới tự nhiên của các “sự vật”. Con người không phản ứng lại một cách nhất định như các “sự vật”.
Chủ thể tính gắn liền với tự do tính, khẳng định con người là một nhân vị tự do.[3] Con người có thể tự do lựa chọn đi xuống thấp tới những thang bậc thấp kém nhất của thế giới thú vật, nhưng cũng có thể nâng cao bản thân mình lên tới phạm vi cao cả nhất của thần thánh. Là nhân vị tự do nên con người phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Khi một người chối bỏ tự do (để đổi lấy miếng ăn hay sự an toàn chẳng hạn), thì anh ta cũng mất đi phẩm giá làm người để rơi xuống hàng “sự vật”. Nhưng việc chối bỏ tự do suy đến cùng thì cũng vẫn là một lựa chọn và anh ta phải chịu trách nhiệm với lựa chọn ấy của mình. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo thì con người tự tạo nghiệp cho mình bằng những lựa chọn mà anh ta thực hiện trong cuộc đời mình; mọi sinh linh tự quyết định bản chất và hiện hữu cho chính nó bằng các hành động của nó.[4] Hệ quả là: sự đa dạng là bản chất của con người chứ không phải là điều kiện nhất thời.
Các nhà văn lớn của nhân loại có thể khám phá được những tình huống sa đọa khác nhau của con người và qua đó dạy cho con người những bài học nhân bản. Các nhân vật tiểu thuyết của Dostoevsky phạm những tội ác vì những cám dỗ bất thiện, nhưng những cám dỗ ấy được che đậy bởi những động cơ có vẻ bề ngoài thánh thiện. Bi kịch của các nhân vật ấy là trong sâu thẳm của tâm hồn, họ vẫn biết rằng họ đã phạm tội ác và họ trải nghiệm những giày vò khủng khiếp trong nội tâm. Dostoevsky cho rằng cuộc sống đầy những bất an trong tâm như thế chính là địa ngục trừng phạt họ vì những tội ác đã làm.
Tự do lựa chọn cứu cánh của cuộc sống xưa nay vẫn luôn là trách nhiệm làm người đầy khó khăn. Trong xã hội cổ đại việc phân biệt thiện ác có vẻ đơn giản hơn và cuộc sống giản dị về vật chất khiến cho con người có nhiều giây phút tĩnh lặng ở lại một mình với chính mình để đối thoại với lương tâm của mình (cũng tức là đối thoại với Thượng đế của mình đối với những người theo tôn giáo). Cuộc sống hiện đại với đủ thứ ác quỷ đội lốt thánh nhân khiến cho việc phân biệt thiện ác trở nên khó khăn phức tạp hơn.
Nhịp sống hiện đại đầy tất bật hối hả khiến cho con người hiếm khi có được những giây phút tĩnh lặng ở một mình với chính mình và hình như con người hiện đại cũng cố tình lảng tránh những phút giây như thế, rất có thể là do e ngại tình trạng bất an nội tâm xảy ra sau đó. E. Fromm cho rằng nỗi sợ hãi phải ở một mình với chính mình thực ra là cảm giác bối rối cận kề với nỗi kinh hãi phải nhìn thấy con người vừa quen thuộc lại vừa lạ lùng, chúng ta thấy khiếp sợ và bỏ chạy. Phải chăng vì vậy mà con người đương đại thường lựa chọn nhập bọn với lũ người chẳng ra gì để nhậu nhẹt hay tán nhảm, còn hơn là ở một mình với chính mình?
[1] Tôi dùng từ “cứu cánh” theo nghĩa của Từ điển tiếng Việt ( tr. 243, Hà nội, 1992) như là “mục đích cuối cùng”. “Cứu cánh” và “phương tiện” là cặp phạm trù đối lập với nhau.
[2] Erich Fromm (1900-1980) phân biệt hiểu biết (understanding) là phẩm tính đặc thù của riêng con người khôn ngoan (homo sapiens) khác với trí tuệ tài khéo (manipulative intelligence) như một công cụ nhằm đạt được những mục đích thực dụng, là phẩm tính con người có chung với thú vật.
[3] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, NXB Văn học và Công ty sách Thời đại, 2005, tr. 25-34.
[4] J. Takakusu, Tinh hoa triết học Phật giáo, Tuệ Sỹ dịch, NXB Phương Đông 2008, tr. 49.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét