Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Phân loại vài trường phái triết học theo “Lý Thuyết Hiểu Biết”




Đầu tiên người ta quan niệm giác quan cho ra hiểu biết về sự vật. Rồi mới nhận ra là giác quan có thể cho ra những hiểu biết sai lầm, và càng không thể cho biết toàn bộ sự vật. Nói cách khác, sự vật cho tôi một số cảm tưởng về nó, nhưng những thông tin ấy không cho biết nó như thế nào, là gì … Hố sâu giữa sự vật và tôi được Hegel phát biểu như sau : làm sao để sự vật “tự nó” có thể trở thành “của tôi”. Tức là phải tìm ra phương tiện lượng định sự vật, để đi đến một hiểu biết nào đó về nó.

Nếu nghĩ rằng phương tiện lượng định sự vật đến từ tâm não của chính mình, thì bạn đứng trong trường phái DUY TÂM. Triết lý này cho là bạn phóng ra thiên nhiên những gì đã được lập trình sẵn trong đầu óc, và sự hiểu biết sự vật phản ảnh chính tâm thức của bạn.

Nếu nghĩ rằng phương tiện lượng định sự vật đến từ chính sự vật, thì bạn thuộc về trường phái DUY … NGHIỆM (đứa nảo bảo “duy vật” : bị đòn !). Ở đây, sự vật cho bạn các phương tiện để hiểu biết nó, hay, nói cách khác, tâm trí của bạn chỉ tiếp nhận những gì sự vật gửi đến bạn. Hume, Aristote … khi cho rằng : không gì biết được, hay có được trong tâm trí, mà không từng đi qua giác quan, phát biểu ý tưởng này.

Nếu bạn nghĩ phương tiện lượng định nói trên vừa thuộc về sự vật, vừa thuộc về tâm trí, thì bạn thuộc về trường phái “CẤU TẠO” – Constructivism (hay “ba phải”, tùy ý). Trường phái này tự nhận là phát nguồn từ quan điểm của Kant, theo đó sự vật cho chúng ta một hình ảnh được chúng ta phối trí theo những quy định của tâm trí.

Nếu bạn nghĩ phương tiện lượng định sự vật đến không đến từ sự vật, cũng không đến từ tâm trí mình, mà đến từ tương quan giữa hai phạm trù này, biệt lập với sự chủ quan của chúng ta, cũng như biệt lập với chính sự vật , thì bạn thuộc về CẤU TRÚC CHỦ NGHĨA. Theo phái này, những gì sự vật biểu hiện ra, ví như những âm thanh, chỉ hiểu được, tức trở thành câu nói, nếu những biểu hiện ấy kết nối với nhau trong một cấu trúc, như những âm thanh được kết nối trong một ngôn ngữ.

Từ Aristote, phương tiện hiểu biết sự vật phải tuân theo luận lý (logique). Nếu bạn áp dụng luận lý ấy trong phạm trù Duy Tâm, cho rằng hiểu biết sự vật tùy thuộc Tâm mình, thì cái lý ấy gần với Tâm Lý học. Nếu bạn đứng trong lập trường duy nghiệm, cho rằng cái lý ấy nằm trong chính sự vật, thì có thể nói nó tương hợp với “bản thể luận” (ontology), vì nói về một sự vật : “nó LÀ gì” (ontos nghĩa là “LÀ” – to be, être). Nếu bạn chỉ tập trung vào khoảng cách giữa chủ thể và khách thể, thì cái lý ấy áp dụng vào việc hoàn chỉnh những hình thức tìm kiếm sự thật, tức luận lý học thuần túy.

Nếu muốn tóm tắt “Lý Thuyết Hiểu Biết” một cách đơn giản thì có thể nghĩ như sau :
Chúng ta có một hiểu biết nào đó, đúng, sai, vừa đúng vừa sai v.v… không cần “biết” (!), nhưng tựu chung, “Lý Thuyết Hiểu Biết” chỉ là đặt câu hỏi : bao nhiều phần của sự hiểu biết ấy đến từ chính chúng ta (bộ óc bị lập trình), bao nhiêu phần đến từ sự vật, bao nhiêu phần đến từ cả hai, và từ khoảng cách giữa chủ thể và khách thể.

Nếu muốn, bạn có thể đi thêm một bước, với Marx, và cho rằng “Lý Thuyết Hiểu Biết” là một lý thuyết hành động. Thật vậy, hiểu biết về một sự kiện chỉ là một sự đối thoại giữa những ý thức có hiểu biết về sự kiện ấy, với thôi thúc hành động, để kiểm nghiệm chúng, và đi đến những hiểu biết mới, gần với sự thật hơn.



Nguyễn Hoài Vân–

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét