Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Hổ báo’ !




Tác giả: Hoàng Linh




Ngày càng có nhiều hành vi phi chuẩn mực trên đường phố

“Hổ báo” là từ mà dân mạng ưa dùng, xuất hiện thường xuyên trên các diễn đàn để chỉ những hành động bạo lực, khác thường… của “sửu nhi”, những kẻ trẻ người non dạ hung hăng. Nhưng mới đây, từ “hổ báo” đã được dùng để chỉ hành vi phi chuẩn mực của một số cán bộ trong quan hệ xã hội.



Hàng loạt vụ đánh người xảy ra gần đây như thanh tra giao thông đánh tiếp viên hàng không, cán bộ kiểm lâm đánh nhân viên trạm thu phí, hay mới nhất là vụ một cán bộ của Sở Ngoại vụ TP. Hà Nội đánh một tiến sĩ 76 tuổi, đã đặt ra câu hỏi: Sao một số cán bộ lại dễ dàng có hành vi “hổ báo” như vậy?



Cho dù cơ quan có trách nhiệm đã ban hành các quyết định kỷ luật đối với những công chức trên nhưng hành vi hổ báo của một số vẫn tiếp tục xảy ra. Chị Nguyễn Thị Minh Th. (SN 1993, quê ở tỉnh Ninh Bình) tới Công an phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) trình báo sự việc: tối 13.11, chị đang đi xe đạp điện cùng bạn ở đường Tây Sơn thì có xe ô tô xin vượt nhưng vì đường đông nên chị Th. không thể nhường đường ngay. Sau đó, người đàn ông lái xe ô tô vượt lên ép xe chị Th. dừng lại rồi bước xuống tát chị Th. Chị Th. không tin ở mắt mình khi mà một người đàn ông bề ngoài sang trọng có thể hành xử côn đồ như vậy trên phố đông.

Những người ưa dùng bạo lực thường được xem là những người thiếu giáo dục, thiếu học vấn, thiếu kỹ năng giao tiếp… Nhưng những “hổ báo” gây chấn động dư luận nêu trên không thuộc nhóm người thiếu học vấn mà là hàng “tinh hoa” trong xã hội: những cán bộ có học thức, địa vị xã hội,những người thuộc tầng lớp trên đưa đón con đi học bằng ô tô…

Lại có ý kiến cho rằng sự nóng nảy, hành vi bạo lực là một thói quen xấu khó kiểm soát của người Việt.
Nhưng trong ca dao, tục ngữ, truyện cổ… tổng kết các tính tật của người Việt không thấy có những hành vi “hổ báo”.

Từ gần thế kỷ trước, ngay trong quyển Việt Nam sử lược (in lần đầu năm 1919), phần đầu sách viết về “Người Việt Nam”, cụ Trần Trọng Kim đã đưa ra những nhận xét về tính cách tốt, xấu của người Việt theo kiểu chân thật thấy sao viết vậy: “Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tin tông giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác…” (xem Việt Nam sử lược, NXB Văn Hóa Thông Tin, 1999).

Năm 1913, trên Đông Dương Tạp Chí, cụ Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) có loạt bài viết “Xét tật mình” nói về một số tính xấu cần sửa của người Việt nhưng tuyệt không thấy nói tới những hành vi hung bạo trong quan hệ xã hội.
Như vậy hành động “hổ báo”, dùng nắm đấm thay cho thương lượng là một tật xấu mới phát sinh trong chính xã hội của chúng ta và không chỉ có ở một số cán bộ như trên đã nêu mà xuất hiện mọi lúc mọi nơi: va quẹt xe cũng đâm, đánh nhau; nhìn nhau thiếu thiện cảm (nhìn đểu) cũng xô xát chết người; mọi va chạm bình thường trong sinh hoạt đều có thể biến thành huyết án… Đó là câu chuyện dài.

Quay lại với chuyện những cán bộ có hành vi “hổ báo”, có ý kiến cho rằng việc tuyển dụng cán bộ, công chức quá nặng về bằng cấp, hộ khẩu, các mối quan hệ “con, cháu ông nào” mà chưa chú trọng nhiều đến văn hóa, đạo đức của người được tuyển dụng. Họ được học nhiều về chuyên môn nghiệp vụ nhưng không được đào tạo bài bản về đạo đức công vụ, về văn hóa giao tiếp nơi công sở và văn hóa giao tiếp với nhân dân đã được quy định rõ tại Luật Cán bộ, công chức. Họ không biết hy sinh, vị tha để hành xử đúng mực. Cái tôi của họ quá lớn dẫn đến thiếu nhân hậu đối với người khác.

Đó cũng chỉ là một góc nhìn. Trên thực tế luật cán bộ công chức đã có những quy định rõ ràng, chuẩn mực cho cán bộ công chức. Điều 17 Luật Cán bộ, công chức quy định: “Gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn”. Những hành vi “hổ báo” của cán bộ công chức do đó cần phải được xử lý theo luật,một khi họ không tự giác tuân theo thì các hình thức chế tài phải được áp dụng để ngăn chận những hành vi có nguy cơ biến thành tính tật của cán bộ, công chức.

Xét về tâm lý, nhiều cán bộ bước ra khỏi cơ quan công quyền vẫn nghĩ là mình có quyền lực, được ưu tiên… dẫn đến những hành vi coi thường các chuẩn mực cộng đồng nên mới có việc cán bộ kiểm lâm trèo vào trạm thu phí hành hung nhân viên soát vé, cán bộ thanh tra giao thông xô xát với nhân viên hàng không hay một cán bộ ngành ngoại vụ lại tung nắm đấm vào người đáng tuổi cha chú mình, hoặc quý ông bước xuống xe ô tô tát vào mặt một phụ nữ trên phố…

————–

http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/ho-bao–47900.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét