Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Thực trạng đáng buồn về việc dạy và học Văn ở trường phổ thông



NGUYỄN HOÀNG NGUYÊN (Cần Thơ)








Tôi là một giáo viên dạy Văn đã trên 20 năm. Đọc ý kiến của chị Chu Thị Hảo trên tạp chí Hồn Việt số 106 (tháng 8-2016), tôi cảm thấy không thể im lặng, vì vậy tôi mạn phép được trao đổi với chị Chu Thị Hảo. Tôi tin rằng những dòng tôi viết ra đây không phải chỉ là tâm sự của riêng tôi mà cũng là tâm sự của giáo viên dạy Văn cả nước, những người đang làm nhiệm vụ vô cùng cao quý là gieo mầm tinh hoa dân tộc cho nhiều thế hệ học sinh của mình… Nhưng làm cách nào để các em yêu Văn và say sưa với những áng văn hay của dân tộc như ngày xưa chúng tôi đã từng say mê… Điều đó thực quá khó!

Đọc bài viết của chị Chu Thị Hảo, tôi thấy chị toàn nói những điều chỉ đúng về mặt lý thuyết, đúng như trong “chủ trương đường lối” của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không hề đúng với thực trạng dạy Văn - học Văn đang diễn ra tại các trường phổ thông. Chị Chu Thị Hảo giảng dạy ở Trường bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý nên có lẽ chị không thực sự hiểu hết những bất cập, khiên cưỡng… đang diễn ra hằng ngày tại trường phổ thông. Người ta nói “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Chỉ có những giáo viên ở trường phổ thông đang trực tiếp đứng lớp dạy (với đối tượng là học sinh đủ mọi thành phần, mọi trình độ) thì mới “thấm”, mới thấy hết mặt trái của nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

Muốn áp dụng được những điều như chị Chu Thị Hảo nói (lấy học sinh làm trung tâm, học sinh là bạn đọc sáng tạo, học sinh phải vận dụng tri thức về lịch sử văn học, lý luận văn học, tri thức ngôn ngữ… để khái quát văn bản, học sinh được thực hành giao tiếp, đối thoại với nhau nhiều hơn...) thì ngành giáo dục phải thay đổi cách quản lý giáo viên và học sinh về mặt thời gian, cách đánh giá giáo viên, đánh giá học sinh cũng phải khác đi thì may ra mới “lấy học sinh làm trung tâm” được!

Dường như những cái mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra chỉ mang tính “lý tưởng”, nếu không nói là “hoang tưởng”. Dù nó hay ho thế nào nhưng nếu không áp dụng được vào thực tiễn giảng dạy ở trường phổ thông thì cũng trở thành “lý thuyết suông” thôi.

Chị Chu Thị Hảo có nhắc lại những lần tập huấn thay sách giáo khoa (SGK) và đổi mới phương pháp dạy học. Xin thưa: Tôi vẫn nhớ những mốc thời gian đó vì mỗi lần “đổi mới” như vậy thì giáo viên chúng tôi phải đi tập huấn mấy tuần nhưng nó chẳng mang lại lợi ích gì cho việc giảng dạy ở trường. Các cán bộ cốt cán của Phòng GD-ĐT, của Sở truyền đạt lại những điều mà họ được tập huấn ở Bộ, họ cũng nói những điều giống như chị Chu Thị Hảo đã nói trong bài báo; nhưng những điều đó có áp dụng được vào thực tế giảng dạy hay không thì họ cũng không biết, vì họ hầu hết làm việc ở Phòng, ở Sở hoặc làm quản lý ở trường chứ không trực tiếp đứng lớp dạy học sinh.

Vào đầu mỗi năm học, mỗi giáo viên được phát một bản “Phân phối chương trình”, trong đó quy định thời gian dành cho từng bài học cụ thể (ví dụ: đoạn trích “Trao duyên” chỉ được dạy trong 1 tiết, đoạn trích “Chí Phèo” chỉ dạy trong 2 tiết…), giáo viên phải cố gắng gói ghém dạy làm sao đừng bị cháy giáo án, đừng bị thiếu thời gian theo quy định vì Ban giám hiệu yêu cầu “giữa việc ghi tên bài học vào Sổ đầu bài, vào Lịch báo giảng theo Thời khóa biểu phải trùng khớp với thời gian quy định giảng dạy trong Phân phối chương trình. Nếu giáo viên nào ghi những bản đó không trùng khớp với nhau thì khi kiểm tra sổ sách sẽ bị phê bình vì làm sai quy định của ngành…”.

Muốn giáo viên và học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo nhưng lại trói buộc về mặt thời gian như vậy đấy, rồi lại suốt ngày bắt làm sổ sách thật đầy đủ để Ban giám hiệu kiểm tra. Lại nữa, muốn hình thành cho học sinh thói quen tự học, tự tìm tòi sách báo để đọc thì phải tạo điều kiện về mặt thời gian và tư liệu tham khảo cho học sinh. Trong khi thư viện của trường chỉ lèo tèo mấy cuốn SGK, mấy bộ đề ôn luyện đại học, mấy cuốn sách giải bài tập, sách học tốt, còn tác phẩm văn học thì rất hiếm hoi… Giả sử học sinh có tiền để tự mua các tác phẩm văn học thì cũng đâu có thời gian mà đọc. Sáng học, chiều học, tối học, đến khuya còn phải thức để làm hết các bài tập Toán, Lý, Hóa… trong SGK và sách nâng cao. Đọc vào lúc nào? Khái niệm“tự học” và “văn hóa đọc” đối với học sinh phổ thông là một thứ xa xỉ!

Tại sao đến tiết Văn, giáo viên cứ phải “học thay”, phải “cảm thụ giùm” học sinh, phải “đọc chép”… chứ không tổ chức cho học sinh tự tìm tòi đọc sách, tự cảm thụ… là vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, cả giáo viên và học sinh đều bị trói buộc về mặt thời gian.

Ví dụ: Trước khi học đoạn trích “Trao duyên”, giáo viên cũng giao cho học sinh về nhà tìm đọc tác phẩm Truyện Kiều và đọc kỹ đoạn trích “Trao duyên”. Nhưng hôm sau vào lớp, giáo viên hỏi các em đã đọc tác phẩm Truyện Kiều chưa thì chưa em nào đọc (kể cả đoạn trích trong SGK cũng chưa đọc). Hỏi tại sao thì các em đưa ra muôn vàn lý do: thư viện không có tác phẩm đó, chưa mua được, hôm qua em bận đi học cả ngày nên không tìm được sách để đọc v.v... Cuối cùng, thời gian không cho phép, giáo viên buộc phải dạy tiết Văn theo kiểu “độc thoại”, lại “cảm thụ giùm” học sinh, lại “đọc chép”… để kịp thời gian theo Phân phối chương trình và kịp phục vụ cho bài kiểm tra sắp tới.

Thứ hai, cả giáo viên và học sinh đều bị áp lực về kiểm tra, thi cử, điểm chác, thành tích.

Trong bản Phân phối chương trình có quy định rõ ràng về thời gian (ngày, tháng cụ thể) để làm bài kiểm tra. Một học kỳ có 4 bài kiểm tra 15 phút và 4 bài kiểm tra 90 phút. Vậy là trung bình tháng nào học sinh cũng phải làm 2 bài kiểm tra môn Văn. Kiểm tra, thi cử liên miên như thế thì chỉ lo dạy Văn - học Văn theo kiểu nhằm phục vụ cho thi cử, điểm chác, khiến cho tâm hồn khô cằn đi, chứ chẳng bồi đắp được gì.

Quy định ra đề cũng thật khiên cưỡng. Trường yêu cầu giáo viên phải ra đề theo cấu trúc: 3 - 7. Phần “Đọc - hiểu” chiếm 3 điểm thì có thể lấy ngữ liệu bên ngoài SGK, còn phần “Làm văn” 7 điểm thì bắt buộc học sinh phải phân tích hoặc cảm nhận một đoạn trích nào đó trong SGK mà học sinh đã được học. Cứ bắt buộc phải là đoạn trích đã được học rồi, chứ không được lấy đoạn trích khác của cùng tác phẩm đó. Trường còn yêu cầu giáo viên phải soạn Hướng dẫn chấm thật chi tiết, tỉ mỉ, phải cho điểm từng ý, phải đủ tất cả những ý như đã nêu, thiếu mất ý nào thì sẽ trừ điểm ý đó. Khi chấm bài thì trường quy định “chấm chéo”, tức là giáo viên lớp này chấm bài lớp kia. Vì giáo viên lớp này chấm bài của học sinh lớp khác nên họ cứ dựa vào “đáp án” để cho điểm chứ không sửa lỗi chính tả, câu cú, cách lập luận cho học sinh, họ cũng chẳng cần biết em học sinh đó có cố gắng, có tiến bộ hơn trước kia hay không.

Muốn giáo viên dạy Văn phải trở thành nghệ sĩ trên bục giảng thì trước tiên đừng ép giáo viên phải dạy Văn theo kiểu phục vụ cho kiểm tra, thi cử như thế! Bởi vì “thi sao thì học vậy”. Nếu muốn tổ chức cho học sinh học theo phương pháp mới thì trường đừng chạy theo thành tích nữa, đừng quá đặt nặng chuyện điểm chác mà hãy hướng đến cái đẹp của văn chương đã mang lại cho cuộc sống.

Có trực tiếp đứng lớp ở trường phổ thông thì mới thấy được những “chiêu” gian lận, đối phó… của giáo viên và học sinh hiện nay.

Trước tiên, nói về việc giáo viên dạy tiết thao giảng để cả Tổ Văn và Ban giám hiệu dự giờ. Một số giáo viên vì sĩ diện nên đã bày trò gian dối khi dạy tiết thao giảng. Trong tiết đó, họ “diễn xuất” khá đạt nhưng nguy hiểm ở chỗ là họ tự dối mình, dối đồng nghiệp và bày cho học trò nói dối. Trước khi thao giảng, giáo viên đó đã gặp học sinh để “gà bài”, “mớm bài” cho học sinh, đưa sẵn câu hỏi và đáp án trả lời cho học sinh. Lúc Ban giám hiệu và các giáo viên vào dự, thấy tiết học được tổ chức “quá tốt” thì khen (nào là theo đúng tinh thấn đổi mới, áp dụng được phương pháp dạy học tích cực vì suốt cả tiết học này giáo viên không cần phải giảng, không phải đọc chép mà học sinh tự làm hết, tự tìm hiểu tác phẩm, chuẩn bị bài ở nhà rất tốt, học sinh thảo luận với nhau theo nhóm rồi lên trình bày trước lớp…). Những tiết dạy “diễn kịch” như thế vẫn diễn ra thường xuyên ở các trường, vẫn được Ban giám hiệu khen nức nở, chỉ có học sinh và đồng nghiệp là đều “biết tỏng” cả rồi! Thế nhưng, khi đã dạy tiết thao giảng xong, qua buổi học hôm sau thì giáo viên đó lại mang cái bài đã dạy trong tiết thao giảng để dạy lại cho thật kỹ với lý do là“hôm trước dạy thao giảng, các em tự làm việc, cô không bắt chép bài nhưng hôm nay cô sẽ giảng lại bài hôm trước đã học để các em chép được đầy đủ hơn vì bài này có nằm trong đề kiểm tra sắp tới”.

Thao giảng, dự giờ, thi giáo viên giỏi, kiểm tra sổ sách, đánh giá xếp loại thi đua… đã khiến cho giáo viên ngày càng gian dối và tìm mọi cách đối phó với cấp trên. Chưa hết, hằng năm giáo viên phải nộp chuyên đề, sáng kiến kinh nghiệm. Lại thêm trò gian dối!

Khi nhà trường yêu cầu nộp “sáng kiến kinh nghiệm”, nếu tôi viết ra những cái chính mình đã áp dụng, ngắn gọn chừng 4-5 trang thì Ban giám hiệu chê là sơ sài. Còn một số giáo viên khác cóp pi đề tài của người khác ở trên mạng thì được khen là khoa học, công phu vì dài tới 20 trang. Điều đáng sợ là năm nào giáo viên cũng phải nộp “sáng kiến” nên họ đã trở nên “chai sạn”, không biết xấu hổ khi “đạo văn” nữa. Giáo viên mà như thế thì không cần nói nhiều cũng biết học sinh ra sao rồi!

Chị Chu Thị Hảo khá lạc quan khi đưa ra dẫn chứng là hai học sinh Đỗ Nhật Nam và Nguyễn Thị Thu Trang để kết luận rằng hai em này là sản phẩm tuyệt vời của nền giáo dục nước nhà, là đại diện cho học sinh Việt Nam. Tại sao chị chỉ nhìn vào vài trường hợp đặc biệt, vào loại “thần đồng” để rồi tung hê lên rằng chất lượng giáo dục của ta như vậy là quá tốt? Tại sao chị không xuống trường phổ thông mà khảo sát để thấy hàng trăm, hàng ngàn học sinh khác tuy đã học tới lớp 12 nhưng kiến thức không hơn một học sinh lớp 3? Những học sinh yếu kém này là sản phẩm của bệnh thành tích, của phổ cập giáo dục (vì phải đạt chỉ tiêu phổ cập nên nhiều em còn “mù chữ” cũng bị đẩy lên lớp, phải hoàn thành việc phổ cập thì mới có cái để báo cáo thành tích).

Lại nữa, theo thầy Võ Văn Khởi ở Tiền Giang, khi gửi thư góp ý với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, mỗi năm giáo viên và học sinh phải tham gia 15 cuộc thi thuộc loại phong trào, điều này càng tạo thêm áp lực cho giáo viên và học sinh. Giáo dục quá nặng về phong trào còn thực chất bên trong thì chỉ có người đứng lớp mới rõ hơn ai hết.

Về việc biên soạn SGK Ngữ văn thì chị Chu Thị Hảo ca ngợi hết lời, nào là khoa học, nào là hợp lý vì nó đảm bảo yêu cầu tích hợp ngang, tích hợp dọc… Vâng! Nhưng nó chỉ hợp lý trên giấy tờ thôi. Còn khi giảng dạy trên lớp thì giáo viên mới thấy được những cái bất hợp lý. Tại sao những tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều, Những người khốn khổ, Tam quốc diễn nghĩa… thiếu gì đoạn hay không trích mà lại chọn đoạn khô khan, kém hấp dẫn nhất trong tác phẩm để trích? Muốn học sinh đọc SGK thì nội dung sách phải hấp dẫn chứ, đằng này học sinh vừa mới cầm sách lên, xem qua đoạn trích đã thấy chán rồi thì còn đâu hứng thú để tìm đọc trọn vẹn tác phẩm nữa? Chúng ta cứ phê phán học sinh ngày nay lười đọc sách, kể cả SGK môn Văn cũng không chịu đọc, nhưng đã bao giờ chúng ta tự hỏi là tại sao lại như vậy?

Tôi nghĩ rằng thực tế dạy Văn ở trường tôi chắc cũng không khác những trường phổ thông khác vì cùng chung một quy chế như nhau. Những hiện tượng này đã từng bị phê phán trong phim truyền hình Rừng chắn cát phát sóng ở VTV, một bộ phim về giáo dục mà giáo viên chúng tôi rất tâm đắc. Trong một môi trường sư phạm mà những nhà quản lý giáo dục chỉ thích phô trương và chạy theo thành tích, còn giáo viên và học sinh thì tìm mọi cách để đối phó, để gian lận thì nền giáo dục đó làm sao mà vươn lên được… Đó là sự thật đau lòng của nền giáo dục chúng ta nhiều năm nay, báo chí cũng nói nhiều, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét