" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016
Hồi giáo thành “khủng bố” từ khi nào (bài 1): từ gợi tình xem thành đe dọa
Sáng Ánh
Năm ông áo lùng thùng quấn khăn trên đầu cỡi lạc đà cười tươi. Bảy cô hở rốn đeo nịt vú lèng xèng uốn éo. Nhạc xập xình và trẻ con người lớn vỗ tay thích thú. Quần chúng ở đây là bình dân Hoa Kỳ và ai nấy đều vui như là ngày hội. Thì đây là ngày hội, Hội Chà là (Date Festival) tại Indio, một thị trấn ở phía sa mạc tại Nam California.
Tại ngày Hội Chà Là. Hình từ trang này
Indio là nơi sản xuất chà là nhiều nhất thế giới và mỗi năm tổ chức ngày hội này để quảng bá, và tất nhiên là hội chà là thì không thể thiếu múa rốn với lại lạc đà. Nhưng đây là lần tôi dự hội vào đầu thập niên 1980s. Ngày hôm nay, vũ công hở rốn thì còn có thể chấp nhận, vì rõ ràng là họ không có mang áo giấu bom người. Nhưng gặp đàn ông râu ria và quấn khăn mặc áo thụng thì mọi người tại Mỹ sẽ bỏ chạy, nhìn nghi kỵ nếu không đuổi hẳn khỏi tàu bay.
30 năm trước hay 70 năm trước, cái nhìn của Tây phương về người Ả Rập và Hồi giáo là đàn ông 4 vợ (thích nhỉ) và đàn bà nguấy mông (thích chứ). Nam của họ thì lôi cuốn và nam tính, và nữ thì hấp dẫn và đa tình. Ahmad Ben Hassan là tên của nhân vật chính của bộ phim The Sheik(1921) đưa Rudolf Valentino lên hàng “sex symbol” của thế giới, “latin lover”, người tình miền Nam. Ông phát biểu, “Người da ngăm không phải là mọi. Văn minh Ả Rập là một trong những văn minh kỳ cựu của thế giới…Người Ả Rập là người tự trọng và trí óc sắc bén”; các bà các cô khi ấy hú hí đồng tình.
Rudolf Valentino. Hình từ trang này
Suốt những thập niên này, và 100 năm về trước, hình ảnh của Ả Rập, Hồi giáo trong văn hóa bình dân là thâm cung ngàn lẻ, là đèn thần Aladin hay Alibaba. Hình ảnh này ngây ngô và sai lệch, đồi cát ẩn hiện và háng phụ nữ sóng sánh, hương trầm và thảm trải. Ở một cấp cao hơn và trí thức thì cũng chẳng khác mấy, ta nghe Rimsky Korsakov (Scheherazade) và ngắm tranh ở truồng của Ingres. Đến đời của người viết này vẫn còn vậy, một phim kích dục ở Pháp trong những năm 70 mang tựa là “Em nằm xuống cát để anh tuôn ra dầu hỏa”.
Ingres, “Odalisque với một nô lệ”
Hiện nay thì hình ảnh này đã hoàn toàn đổi khác. Vậy trong 30, 40 năm qua, việc gì đã xảy ra?
Iran: Hồi giáo là áp bức phụ nữ
Ba Tư không phải là Ả Rập nhưng cái nhìn của Tây phương (và thế giới nói rộng) về Hồi giáo đã thay đổi, bắt đầu là do những biến chuyển tại đây vào cuối thể kỷ.
Năm 1953, Mossadegh, một nhà chính trị quốc gia thế tục và ôn hòa được dân chúng bầu lên. Tân thủ tướng này đòi quốc hữu hóa và kiểm soát các công ty dầu hỏa của Anh quốc. Vua Iran là Mohammad Reza Shah chạy sang Italy lánh nạn. Anh Mỹ bèn lật đổ Mossadegh và mang nhà vua trẻ trở về.
Mohammed Mossadegh, Thủ tưởng được bầu của Iran, tại phiên tòa sau khi bị Mỹ lật. Ảnh: AFP
Ông vua này thắt chặt chế độ quân chủ độc tài trong 26 năm, với bộ máy quân đội và công an, ông đàn áp mọi chống đối, đồng thời đưa Iran lên tầm thế giới bằng cách vung vít xa hoa. Thí dụ, ông thích đọc bách khoa về vũ khí Jane’s, kiểu Việt Nam ta ngày nay thích kỷ lục Guiness. Một hôm ông triệu quần thần hỏi tại sao Tây Đức lại là quốc gia trên thế giới đứng thứ tư về số chiến xa? Tụi bay mau làm sao đi mua đủ số cho ta vượt qua!
Vua Mohammed Reza Pahlevi và hoàng hậu là Empress Farah, thứ ba từ trái sang, cùng Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và Jacqueline Kennedy, tại Mỹ, 1962. Ảnh: Associated Press
Các phong trào thế tục quốc gia, cấp tiến, tả phái trong nước tìm mọi cách lật đổ ông vua này nhưng bất thành. 1979, một giáo sĩ lưu vong thu băng giảng đạo gửi về nước và quần chúng bình dân tôn giáo nổi lên khiến Mohamad Reza lại phải ra đi, lần này Mỹ cũng không cứu được.
Vua và Hoàng hậu Iran cùng hai con chạy sang Bahamas. Ảnh chụp tại Nassau, thủ đô Bahamas, khi họ bị báo giới vây quanh. Nguồn: Associated Press
Cách mạng Đen này hẳn là không ưa Hoa Kỳ rồi, và một số sinh viên (Vệ binh Cách mạng) chiếm tòa Đại sứ Mỹ bắt làm con tin. Đồng thời, xã hội Iran cũng thay đổi, chế độ mới muốn trở lại truyền thống tức là phụ nữ phải trùm khăn và mặc áo dài. Đây đổi ngược với thời quân chủ, khi hoàng hậu xỉa răng bằng tăm Cartier và là thành viên của Hàn lâm viện Nghệ thuật Pháp.
Quả là nữ quyền có thụt lùi tại Iran dưới chế độ giáo sĩ nhưng thụt lùi đau đớn nhất là quyền lợi kinh tế và chiến lược của Tây phương tại đây. Truyền thông nước ngoài bèn nhắm vào mặt này để đánh thần quyền, vì chẳng lẽ lại đánh nó vì nó đuổi Tây đuổi Mỹ và giành lại chủ quyền trên tài nguyên quốc gia? Hình ảnh Hồi giáo áp bức phụ nữ là từ đây, và đúng đắn, chí ít là dưới chế độ của các giáo sĩ Iran.
Cách mạng Hồi giáo ở Iran hồi 1979. Người dân mang ảnh của giáo chủ Khomeini
Nhưng, khoan! Đồng minh chí thiết của Tây phương trong khu vực là Saudi Arabia thì nữ quyền không bao giờ được truyền thông nhắc đến, miễn nó cứ làm tay sai dầu hỏa cho mình thì việc gì cũng OK. Nếu so sánh thì số phận phụ nữ tại Iran còn đỡ tủi hơn nhiều số phận của phụ nữ Saudi hay các quốc gia vùng Vịnh. Họ được lao động, được lái xe, được di chuyển, được ứng cử, được đi bầu, không che mặt và nhiều lúc quấn khăn đội đầu trễ nải rất xinh.
Các mẫu trang phục của Farnaz Abdoli, nhà thiết kế hàng đầu của Iran. Hình từ trang này
Tuy vậy nhưng đối với truyền thông Tây phương, Iran vẫn là nơi tệ nhất, đàn áp nữ quyền, hay dân chủ, nhân quyền, chỉ vì không phe tao.
(Còn tiếp)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét