Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Chỉ số phát triển con người & Chỉ số thất bại của quốc gia






Trong quá trình tòan cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay nhân lực lao động quốc gia trở thành thương phẩm quốc tế. Các quốc gia có xu hướng hợp tác và nhất thể hóa vào các tổ chức kinh tế chính trị để tăng cường việc trao đổi thương mại, sử dụng hiệu quả tiềm lực quốc gia và nâng cao vị thế chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia của mình.

Trong nửa sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 ngoài Liên Hiệp Quốc tổ chức hợp tác chính trị toàn cầu lớn nhất chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của hàng loạt tổ chức quốc tế và khu vực từ những tổ chức chính trị có tính chất Câu lạc bộ tham vấn toàn cầu như G7 và G20 hay vực như APEC đến các tổ chức hợp tác kinh tế chính trị từng phần và “lỏng lẻo” như ASEAN hay toàn diện và “chặt chẽ” như EU.
Sắp tớiđây là TPP (Trans-Pacific Partnership) và TATIP (Transatlantic Trade and Investment Partnership).Toàn cầu hóa và hội nhập là xu hướng không thể đảo ngược.
Việc xác định trình độ phát triển và khả năng phát triển bền vững của một quốc gia là rất quan trọng để đánh giá tổng hợp “trọng lượng trong thực tế tương tác” của một quốc gia khi tham gia vào tổ chức quốc tế.
Trọng lượng thực tế trong tương tác của một quốc gia bao gồm một chuỗi các chỉ số được thiết lập một cách khoa học, đượ c giới khoa học và kinh tế chính trị trên toàn thế giới thừa nhận và sử dụng để xây dựng hoặc điều chỉnh các chính sách vĩ mô trong hoạt động một quốc gia hay cuả các tổ chức quốc tế.
Không phải lúc nào các chỉ số này cũng được thừa nhận dễ dàng. Chẳng hạn Chỉ số mức độ cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) của Tổ chức Minh bạch quốc tế bị khá nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam nghi ngờ tính khách quan.
Vơí thời gian uy tín của Tổ chức Minh bạch quốc tế được nâng cao và CPI được thừa nhận rộng rãi, được các nhà chính trị sử dụng một cách biểu cảm và đôi khi khá tùy tiện.
Chẳng hạn chúng ta còn nhớ phát biểu của một quan chức cao cấp rằng “tình trạng tham nhũng ở Việt Nam trong những năm vừa qua là ổn định” . Ông này khẳng định như vậy chỉ trên một cơ sở duy nhất: chỉ số CPI và thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng toàn cầu của Tổ chức Minh bạch quốc tế gần như không thay đổi.
Mặt khác việc tìm hiểu các chỉ số này thực sự cần thiết vì cho phép chúng ta biết khá chính xác “Who is who ?” và giúp chúng ta nhìn nhận khách quan và toàn diện hơn một sự việc.
Chẳng hạn các Bảng xếp hạng của Time Higher Education và QS giúp chúng ta hiểu đúng tại sao ở Việt Nam hiện có hơn 200.000 thạc sĩ và cử nhân chưa có việc làm mà cũng không thể “xuất khẩu” đi đâu được như có người đề nghị.
Việc tìm hiểu một số chỉ số khác lại có thể giúp chúng ta hiểu tại sao nước này được mời mà nước khác chưa được mời vào tổ chức quốc tế nào đó. Cũng như thái đối xử của cộng đồng một tổ chức hợp tác quốc tế đối với từng quốc gia trong quá trình hoạt động về sau của tổ chức quốc tế này.
Tôi xin phép giới thiệu hai chỉ số thuộc loại này. Hai chỉ số cơ bản nhất xác định trình độ phát triển và khả năng phát triển bền vững của một quốc gia.
Bài viết này tổng hợp tư liệu từ một số nguồn. Tôi hệ thống lại để chúng ta cùng tìm hiểu.
Thứ nhất là Chỉ số phát triển con người (Human Development Index – HDI là chỉ số tổng hợp của tuổi thọ trung bình, tỷ lệ biết chữ, giáo dục, các tiêu chuẩn khác như phúc lợi trẻ em và một số nhân tố khác trong cuộc sống các quốc gia trên thế giới.
HDI giúp tạo ra một cái nhìn tổng quát sự phát triển của một quốc gia. Đây cũng là chỉ số xác định sự ảnh hưởng của các chính sách kinh tế đến chất lượng cuộc sống. Nghĩa là phản ánh cả chất lượng cuả sự phát triển.
HDI được đề xuất và phát triển bắt đầu từ năm 1990 bởi nhà kinh tế người Pakistan Manbub ul Haq và nhà kinh tế Ấn Độ Amartya Sen (giải Nobel kinh tế năm 1998).
Theo quan điểm của các họ c giả này mục tiêu của việc phát triển con người là nhằm mở rộng cơ hội lựa chọn cho người dân và tạ điều kiện để họ có thể thực hiện sự lựa chọn đó một cách tự do.
Những lựa chọn quan trọng và cơ bản nhất là được sống lâu và khỏe mạnh, được học hành và có được một cuộc sống ấm no. Từ đó họ đã xác định năm đặc trưng của quan điểm phát triển con người là:
Con người là trung tâm của sự phát triển.
Người dân vừa là phương tiện vừa là mục tiêu của phát triển.
Việc nâng cao vị thế của người dân (bao hàm cả sự hưởng thụ và cống hiến).
Chú trọng việc tạo lập sự bình đẳng cho mọi người dân về mọi mặt: tôn giáo, dân tộc, giới tính, quốc tịch…
Tạo cơ hội lựa chọn tốt nhất cho người dân về: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa…
HDI là một thước đo tổng quát về phát triển con người. HDI cho phép đo thành tựu trung bình của một quốc gia theo ba tiêu chí sau:
Sức khỏe: Một cuộc sống dài lâu và khỏe mạnh, đo bằng tuổi thọ trung bình.
Tri thức: Được đo bằng tỉ lệ số người lớn biết chữ và tỉ lệ nhập học các cấp giáo dục (tiểu học, trung học, đại học).
Thu nhập: Mức sống đo bằng GDP bình quân đầu người.
HDI được tính theo thang điểm từ 0-1.0. HDI đã được các tổ chức của Liên Hiệp Quốc thừa nhận là một chỉ số tương đối khái quát để đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia.
Hàng năm Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đều công bố xếp hạng toàn cầu các quốc gia theo chỉ số HDI. Các quốc gia được xếp hạng từ cao xuống thấp theo điểm số.
Cách phân loại quốc gia theo chỉ số HDI được UNDP công bố vào năm 2011 theo chỉ số HDI như sau: Điểm trên 0.8 là rất cao, từ 0,7-0,8 là cao, từ 0,52-0,7 là TB, từ 0,29-0,51 là thấp và dưới 0,29 là rất thấp.
Từ Bảng xếp hạng theo cách này ta có vài số liệu để tham khảo cho các nước châu Á:
Quốc gia tốt nhất là Nhật Bản xếp thứ 12 (HDI 0,901 điểm); Hồng Kông 13 (HDI 0,898 điểm); Hàn Quốc – 15 (HDI 0,897 điểm); Israel -17 (HDI 0,888 điểm); Singapore -26 (HDI 0,866 điểm); UAE (Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) -30 (HDI 0,846 điểm); Qatar -37 (HDI 0,831 điểm); Malaysia -61 (HDI 0,761); Kuwait -63 (HDI 0,76; Trung Quốc -101 (HDI 0,687); Thailand -103 (HDI 0,682); Mông Cổ -110 (HDI 0,653); Philippines -112 (HDI 0,644); Indonesia – 124 (HDI 0,617); Việt Nam- 128 (HDI 0,593); Ấn Độ -134 (HDI 0,547); Campuchia và Lào-138,139 (HDI 0,522); Pakistan-145 (HDI 0,504); Bangladesh-146 (HDI 0,500);Myanmar-149 (HDI 0,483).


HDI của châu Á. Ảnh: Internet

Rõ ràng ngoài các yếu tố về giáo dục, y tế, thu nhập thì tham nhũng có ảnh hưởng trực tiếp đến HDI. Dễ dàng nhận thấy liên hệ này qua Xếp hạngmức độ cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) của Tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2011 cho các nước châu Á có HDI cao nhất :
Singapore – 5 (CPI 92 điểm); Hồng Kông -12 (CPI 84 điểm); Nhật Bản – 13 (CPI 80 điểm); Qatar – 22 (CPI 72 điểm); UAE (Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) – 28 (CPI 68 điểm); Israel – 36 (CPI 58 điểm); Hàn Quốc – 43 (CPI 54 điểm); Malaysia – 60 (CPI 43 điểm).
Amartya Sen là người châu Á đầu tiên nhận giải Nobel kinh tế. Có thể nói trong số tất cả các nhà kinh tế nổi tiếng thế giới hiện nay Amartya Sen đại diện chân chính nhất của các nước chậm phát triển nghèo khổ.
Amartya Sen cũng là người đầu tiên phát hiện ra mối liên hệ giữa nghèo đói và việc thiếu tự do dân chủ. Nhiều nước có thể chế độc tài trong tình trạng nghèo đói. Ngược lại, phần lớn các nước dân chủ đều là những nước giầu có.
Amartya Sen sau khi nghiên cứu quan hệ giữa nạn nghèo đói và mức độ dân chủ đã đưa ra một lời tuyên bố nổi tiếng: “Không bao giờ từng có một nạn đói nào đáng kể xẩy ra ở một nước độc lập, dân chủ và có tự do báo chí. Nạn đói chỉ xẩy ra ở những nước độc tài hay bị chiếm đóng”.
Ông là tác giả của cuốn sách nổi tiếng ”Development as Freedom” (“Phát triển là Tự do”). Trong đó, Amarrtya Sen khẳng định: tự do vừa là mục tiêu tối hậu, vừa là cứu cánh để phát triển kinh tế.
Theo ông, những mục tiêu mà các nhà kinh tế thường cho là tối hậu: tăng trưởng kinh tế, tiến bộ công nghệ, ngay cả hiện đại hóa, phải được đánh giá bởi mức độ đóng góp của chúng vào tự do của con người.
Tương tự như nghèo đói, tham nhũng thường lan rộng ở những nước thiếu tự do dân chủ. Hậu quả của tham nhũng là người dân không có được sự chọn lựa tốt nhất giá cả hàng hóa dịch vụ công, tư.
Tham nhũng làm tăng mọi chi phí quản lý về phía công quyền và trong xã hội, hạn chế sự sang tạo, và nuôi dưỡng tội phạm.
Tham nhũng làm giảm đầu tư trong ngoài nước, giảm phát triển. Quan trọng nhất là tham nhũng tạo điều kiện cho tư bản than hữu (cronyism) phát triển. Làm tăng chênh lệch giàu nghèo và căng thẳng trong xã hội.
Kết quả là làm mất động lực phấn đấu của thế hệ trẻ, của tài năng. Hạn chế sự phát triển của công dân dẫn đến việc làm giảm khả năng cạnh tranh của quốc gia. Tức là tiền đề cho sự thất bại của quốc gia.
Xin phép chuyến sang thảo luận chỉ số thứ hai. Chỉ số thất bại quốc gia. Chỉ số thất bại hay còn gọi là chỉ số FSI (Failed States Index) một chỉ số quan trọng thể hiện khả năng phát triển và phát triển bền vững của một quốc gia.


FSI Quốc tế. Ảnh: Internet

Từ lâu các nhà triết học đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân phát triển thành công của các quốc gia. Trong thế kỷ 20 các nhà khoa học xã hội dần đã đi đến kết luận khá thống nhất là văn hóa chính là yếu tố quyết định sự phát triển của một quốc gia.
Một trong những triết gia đầu tiên trong lĩnh vực này Max Weber (1864-1920) người Đức. Max Weber coi đạo đức Thiên chúa Tin lành là nền tảng tinh thần của Chủ nghĩa tư bản (CNTB) châu Âu ở các nước tư bản đầu tiên.
Max Weber cho rằng nền văn hóa Thiên chúa Catholique La Mã là kém thích hợp hơn cho phát triển CNTB và Thiên chúa Orthodox (Chính thống) càng kém thích hợp hơn nữa cho phát triển tư bản.
Riêng đối với văn hóa Khổng Giáo, Max Weberc có cái nhìn rất bi quan cho đó là một nền văn hóa hoàn toàn không thích hợp để phát triển CNTB.
Việc các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều của Khổng Giáo như Nhật, Hàn Quốc , Đài Loan, Singapore phát triển thành công cuối thế kỷ 20 làm các học giả phải tìm hiểu sâu hơn về việc thành công và đặc biệt sự thất bại của các quốc gia trong sự nghiệp phát triển.
Những học giả hàng đầu về lý thuyết thất bại của các quốc gia là Jared Diamon, Daron Acemoglu và James Robinson. Họ bắt đầu tìm cách lý giải việc thất bại/thành công sự phát triển tư bản của một quốc gia.
Các tác giả này đã trình bày quan điểm của mình trong cuốn sách nổi tiếng “Tai sao các quốc gia thất bại” (Why nations fail).
Tuy nhiên việc tìm cách định lượng khả năng phát triển thành công/thất bại của một quốc gia vẫn là môt câu hỏi bỏ ngỏ.
Câu hỏi này chỉ mới được giải đáp rất gần đây. Đã xuất hiện môt chỉ số mới đinh lượng sự thành bại của quốc gia.
Chỉ số thất bại hay còn gọi là chỉ số FSI (Failed States Index) là một chỉ số do Quỹ vì Hòa Bình (Fund for Peace) một Think tank độc lập với tạp chí Foreign Policy sáng lập ra.
Quĩ này đã tổng hợp liên tục 90.000 nguồn dữ liệu định lượng khác nhau (được công khai từ đầu năm đến cuối năm) của 177 quốc gia trên thế giới, để gộp thành 12 thang điểm đo từ mức độ phát triển kinh tế cho đến chỉ số về sự công bằng trong xã hội. Sau đó, tạp chí Foreign Policy công bố Bảng Xếp hạng các quốc gia được khảo sát theo chỉ số FSI bắt đầu từ 2005.
Việc Quỹ Vì hoà bình đưa ra khái niệm chỉ số FSI là cố gắng đầu tiên dùng phương pháp định lượng để nhận dạng các quốc gia thất bại và hoạch định các chính sách thích hợp với các quốc gia này.
Có 12 chỉ tiêu (Indicator) đánh giá, gồm 4 chỉ tiêu xã hội, 2 chỉ tiêu kinh tế, 6 chỉ tiêu chính trị. Mỗi chỉ tiêu được đánh giá theo thang điểm 10; điểm càng cao tức là càng thất bại, điểm càng thấp thì càng thành công. Cộng điểm của 12 chỉ tiêu này lại được tổng số điểm đánh giá mức độ thất bại, tức FSI của quốc gia đó.
Chỉ tiêu xã hội gồm: (I-1) Áp lực gia tăng dân số; (I-2) Sự di chuyển lớn dân tị nạn trong nội bộ quốc gia tạo ra nguy hiểm nhân đạo; (I-3) Viêc tồn tại các nhóm thù địch nhau hoặc các nhóm cuồng tưởng (paranoia); (I-4) Dân chúng di cư ra khỏi đất nước vì lý do kinh tế, chính trị.
Chỉ tiêu kinh tế gồm: (I-5) Trình độ phát triển kinh tế không đồng đều theo các nhóm dân hay là phân hóa giàu nghèo; (I-6) Suy thoái kinh tế nặng.
Chỉ tiêu chính trị gồm: (I-7) Mức độ tham nhũng của chính quyền; (I-8) Tình trạng suy thoái của các dịch vụ công; (I-9) Sự trì hoãn hoặc độc đoán trong quá trình chấp hành luật pháp và vi phạm nhân quyền một cách phổ biến; (I-10) Sự lạm quy ền các cơ quan an ninh (nhà nước bên trong nhà nước); (I-11) Tình trạng bỏ ra nước ngoài của những người tài; (I-12) Sự can thiệp của các nước ngoài hoặc thế lực chính trị bên ngoài.
Các quốc gia phân làm 3 loại tùy theo tổng số điểm FSI:
loại Báo động (Alert) có FSI từ 90 điểm trở lên, là các nước thất bại nhất, kém ổn định nhất;
loại Cảnh giác (Warning) có FSI từ 60 đến dưới 90 điểm;
loại Vừa phải (Moderate) – 30 đến dưới 60 điểm;
loại Bền vững (Sustainable) – dưới 30 điểm là các nước thành công, ổn định nhất.
Nghĩa là tổng số điểm FSI càng nhỏ thì càng thành công và ngược lại. 60 quốc gia xếp hạng từ 1-60 có thể coi là các quốc gia thất bại.
Dư luận một số nước châu Phi phản ứng mạnh khi thấy nước mình bị xếp hạng thấp, cho rằng đây chỉ là cách đánh giá theo quan điểm của phương Tây, còn đa số các nước không bình luận.
Trung Quốc năm 2009 bị xếp hạng thuộc nhóm quốc gia thất bại nhưng cũng không có phản ứng gì.Vì vậy cách đánh giá này được cộng đồng quốc tế coi là khá khách quan.
Tạp chí Foreign Policy số tháng 7-8/2010 đã công bố kết quả khảo sát các quốc gia thất bại năm 2010 (Wiki) như sau:
Somalia 3 năm liền đứng đầu bảng xếp hạng quốc gia thất bại với tổng số điểm FSI là 114,3..Tiếp sau là Chad, Sudan, Zimbabwe, Cộng Hòa Congo, Afghanistan, Iraq, Cộng hòa Trung Phi, Guinea, Pakistan, Haiti, Bờ Biển Ngà (Ivory Coast), Kenya, Nigeria, Yemen, Myanmar, Ethiopia, Đông Timor, Bắc Triều Tiên, Niger thuộc số 20 quốc gia thất bại cao nhất, loại Báo động.
Hầu hết những quốc gia này đều nghèo đói, rối loạn, chính trị độc tài chuyên chế, nhiều người dân vì khổ cực phải bỏ nước ra đi.
Các quốc gia xếp ở cuối bảng (số thứ tự lớn nhất) là các quốc gia ổn định nhất, tốt nhất. Có 13 quốc gia thuộc loại Phát triển Bền vững gồm: Na Uy thứ 177 ( FSI 18,7 điểm). Sau đó là Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Ai-len, Đan Mạch, New Zeland, Áo, Úc, Lu-xem-bua, Hà Lan, Ca-na-đa và Irelandthứ 165 (FSI 29,8 điểm).
Ở châu Á, quốc gia tốt nhất là Nhật Bản xếp thứ 164 (FSI 31,3 điểm); Singapore -160 (FSI 34,8 điểm); Hàn Quốc – 153 (FSI 41,3); Qatar -139 (FSI 51,8); UAE -137 (FSI 52,4); Mông Cổ -129 (FSI 60,1); Kuwait -125 (FSI 61,5)….Malaysia -111 (FSI 69,2); Việt Nam- 95 (FSI 76,6); Thailand -81 (FSI 78,8); Ấn Độ -79 (FSI 79,2); TQ -62 (FSI 83); Indonesia 61 (FSI 83,1; Israel-54 (FSI 84,6); Philippines -51 (FSI 87,1); Campuchia và Lào-40,41 (FSI 88,7); Myanmar-16 (FSI 99,4).
Xếp hạng của các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và G7 như sau: tốt nhất là Anh – thứ 161 (FSI 41,8), Pháp – 159 (FSI 34,9), Mỹ – 158 (FSI 35,3), Nga – 80 (FSI 79), Trung Quốc – 62 (FSI 83). Nhật Bản – 164 (FSI 31,3) và Đức -157 (FSI 35,4).
Tại sao một nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới như Trung Quốc lại bị xếp vào nhóm quốc gia thất bại? Đó là vì Trung Quốc có chỉ số FSI quá lớn về các chỉ tiêu sau: – sức ép dân số (chỉ số Demographic Presures bằng 9, do có nhiều ngườ i Trung Quốc di cư ra nước ngoài), – phân hóa giàu nghèo quá chênh lệch (chỉ số phát triển không đồng đều Uneven Development bằng 9,2), – tồn tại vấn đề nhân quyền (chỉ số Human Rights bằng 8,9).
Trường hợp Việt Nam các chỉ tiêu từ I-1 đến I-12 của Việt Nam có số điểm như sau: 6,9; 5,2; 5,3; 5,9; 5,9; 6,6; 7,3; 6,4; 7,3; 6,0; 7,0; 6,2; Tổng cộng được 76,6 điểm, vẫn thuộc vào loại quốc gia cần được cảnh giác.
Có 3 chỉ tiêu cao từ 7,0 trở lên, đó là chỉ tiêu tham nhũng có số điểm là 7,3; chỉ tiêu nhân quyền – 7,3; chỉ tiêu thất thoát nhân tài -7,0.
Nhìn vào Bảng phong thần về chỉ số FSI. Tôi xin phép lưu ý hai trường hợp.
Thứ nhất là Trung Quốc. Việc Trung Quốc dù kinh tế phát triển rất nhanh vẫn bị xếp vào nhóm các quốc gia thất bại chính là cái giá phải trả cho việc phát triển “nóng” bất chấp sự hủy hại môi trường tự nhiên và môi trường xã hôi. Đó cũng giá phải trả cho sự bất tương xứng giữa sức sản xuất và quan hệ sản xuất (thể chế).
Thứ bậc của Trung Quốc trong Bảng xếp hạng theo FSI giúp chúng ta hiểu tại sao các bài viết cảnh báo về khả năng sụp đổ, “hạ cánh cứng” của kinh tế Trung Quốc xuất hiện thường xuyên.
Điều này cũng giúp chúng ta hiểu tại sao các tổ chức kinh tế thế giới không “mặn mời” Trung Quốc tham gia và ông Obama nhất định không chấp nhận “trật tự kinh tế quốc tế theo kiểu Trung Quốc”.
Thứ hai là trường hợp Ethiopia. Ethiopia được coi là một trong những cái nôi của loài người. Ethiopia cũng là quê hương của Nữ hoàng Saba, người tình của Hoàng đế Solomon huyền thoại trong Kinh Thánh.
Сuố i thế kỷ 1 TCN, trên bờ Hồng Hải châu Phi xuất hiện vương quốc Aksum của dân tộc Sabae (tiếng Do Thái cổ là Sheba). Quốc gia do dòng họ Solomon cai quản, họ gọi mình là dòng dõi trực tiếp của Thánh đế Solomon và hoàng hậu Saba (Sheba).
Kitô giáo trở thành quố c giáo của vương quốc Aksum vào thế kỷ thứ 4 dưới thời vua Ezana khiến Ethopia là nơi thứ 3 trên thế giới công nhận Kitô giáo là quốc giáo. Chỉ sau Armenia và Gruzia.
Bên cạnh La Mã, Trung Quốc và Ba Tư, Đế quốc Aksum của Ethiopia được xem là một trong 4 cường quốc lớn nhất thế giới vào thế kỷ thứ 3.
Trong suốt thời kỳ Tranh giành thuộc địa ở châu Phi, Ethiopia là quốc gia châu Phi duy nhất bên cạnh Liberia giữ vững được chủ quyền là một quốc gia độc lập. Đồng thời là một trong 4 thành viên châu Phi thuộc Hội Quốc Liên (1936). Sau một giai đoạn ngắn bị người Ý chiếm đóng, Ethiopia tự giải phóng (có Anh giúp) và trở thành thành viên sáng lập của Liên hiệp quốc.
Tóm lại Ethiopia là một dân tộc kiêu hãnh có một quá khứ huy hoàng và từng là niềm tự hào của châu Phi.
Người Ethiopia đã thất bại vì “ngủ quên” trên vinh quang của quá khứ. Có thể kể thêm trường hợp Hy Lạp.
Xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập là không thể đảo ngược. Mỗi quốc gia trong ván cờ toàn cầu hóa cần thường xuyên theo dõi, cần biết rõ một cách định lượng “trọng lượng thực tế trong tương tác” – chỉ số sức khỏe của mình so sánh với các quốc gia khác để tìm cách khắc phục điều chỉnh.
Chỉ có ứng xử như vậy quốc gia mới mong được mời tham dự vào cuộc thi đấu toàn cầu không có giải lao và điểm dừng.
Chỉ có như vậy mới tránh được nguy cơ bị đẩy ra chầu rìa hay xuống sân sau trong tiến trình

Там Чан Конг – TamHmong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét