Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

Chữ Hán không phải là tiếng Hán


Chữ Hán không phải là tiếng Hán




Một ngôn ngữ bao giờ cũng gồm tiếng nói (âm) và chữ viết. Tiếng Việt ta là một thứ tiếng riêng biệt trên thế giới, dù từ vựng mượn hơn 60% từ tiếng Hán. Còn chữ viết, hiện chúng ta dùng hệ chữ Latin (a, b, c) – bỏ hệ chữ tượng hình như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…


Bàn về tham luận “đề nghị dạy chữ Hán trong nhà trường để giữ gìn tiếng Việt và văn hóa Việt Nam” gây nhiều tranh cãi, ông Đoàn Lê Giang có bài viết nêu rõ quan điểm của mình để những người ngoài chuyên môn (Ngôn ngữ học) cũng hiểu được.

Chữ Hán là gì?

Chữ Hán là chữ được sinh ra từ nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, vào nước ta từ đời Hán (đầu công nguyên), được các thế hệ cha ông ta Việt hóa nó, đọc bằng âm Hán Việt (tương tự như Hàn Quốc có âm Hán Hàn, Nhật Bản có âm Hán Hòa (Onyomi).

Chữ Hán đã tạo nên 60-70% vốn từ vựng tiếng Việt. Ví dụ: Hà Nội hoàn thành chỉnh trang đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc, thì có lẽ 100% là từ gốc Hán các thời khác nhau. Chữ Hán là loại chữ tượng hình, chữ Sơn (山) giống núi, chữ Hỏa (火) giống lửa…

Có người cho là nên dùng chữ Nho cho khỏi nhầm. Dùng cũng được, nhưng nó không chuẩn, vì chữ ấy không chỉ dùng trong các văn bản Nho giáo, mà cả Phật giáo, Đạo giáo và cả những văn hóa khác. Có người nói nên dùng chữ Hán Nôm. Không được, vì trên đời không có chữ đó, mà chỉ có chữ Hán và chữ Nôm.

Vậy chữ Hán là nói tắt của chữ Hán cổ đọc theo âm Việt. Cách nói này rất phổ biến, và được giới nghiên cứu mặc nhiên thừa nhận. Vậy chữ Hán không phải là tiếng Hán, càng không phải Trung văn.

Tại sao chúng ta nên học chữ Hán?

Vì hai lý do. Lý do thứ nhất: chúng ta muốn hiểu sâu được tiếng Việt thì chúng ta cần biết gốc gác tiếng Việt ra sao, tra cứu thế nào.

Ví dụ: từ Minh Tâm, nghĩa là sáng lòng, vì chữ Minh là sáng. Nhưng học trò thắc mắc thế U Minh thì là gì, sáng tối à? Không, “Minh” trong trường hợp này lại là “Tối”. U Minh là mờ mịt. Học trò lại hỏi: Thế Đồng Minh là cùng sáng à? Không, Đồng Minh là cùng phe, vì nó xuất phát từ nghĩa: cùng hội thề. Vì chữ Minh là Thề.



Vậy làm thế nào để cô giáo trả lời học sinh những câu hỏi ấy, làm thế nào cho học sinh không hỏi cô mà cũng biết được? Có hai cách:

Cách 1. Học âm Hán Việt, tự tra từ điển tiếng Việt. Đa số những người giỏi tiếng Việt hiện nay đều hình thành bằng con đường ấy. Nhưng thực ra họ cũng không thật tự tin vì từ ngữ thì vô bờ, sai đúng lẫn lộn, người ta không thể tự tin hoàn toàn được.

Cách 2. Học chữ Hán để có ấn tượng là chữ Hán rất nhiều từ đồng âm, nhiều nghĩa khác nhau. Sau đó biết cách tra từ điển. Từ điển chữ Hán có nhiều loại, rất phức tạp, phải học để có một chút vốn liếng mới tra được. Bằng cách này người ta có thể tự tra cứu, tự học tiếng Việt suốt đời.

Lý do thứ hai: học chữ Hán để cho chúng ta hiểu được văn hóa Việt Nam, chúng ta cảm thấy gắn bó với ông cha. Vì từ trước khi bỏ chữ Hán hoàn toàn vào đầu Thế kỷ 20, toàn bộ di sản văn hóa Việt Nam được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm (một thứ chữ được hình thành từ chữ Hán). Chúng ta học chữ Hán để chúng ta hiểu sâu tiếng Việt, từ đó có thể hiểu được vốn văn hóa Việt Nam.

Văn hóa cổ dù có được dịch ra tiếng Việt, như các công trình của Lê Quý Đôn chẳng hạn, nếu không có vốn chữ Hán nhất định, đọc vẫn rất khó hiểu.

Đọc Truyện Kiều, nếu có biết chữ Hán, chữ Nôm thì mới hiểu thấu đáo cái hay của nó. Chúng ta nếu có biết chút ít chữ Hán thì đến các di tích văn hóa (đình chùa miếu mạo), nhìn một tập thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, chúng ta không thấy xa lạ, không thấy mình là “những đứa con thất cước của giống nòi” (chữ của Hoài Thanh).

Học chữ Hán có dễ không?

Học để trở thành học giả uyên thâm dịch được sách vở cổ thì rất khó, nhưng học để biết một số chữ, để biết tra từ điển Hán Việt, từ đó có thể tự học tiếng Việt suốt đời thì rất dễ. Vì người học chỉ học có hai kỹ năng: đọc, viết, mà không phải học kỹ năng nghe, nói. Đồng thời học chữ Hán như xem tranh, như học ghép hình rất dễ nhớ và thú vị.

Chúng ta là người Việt Nam, văn hóa chúng ta là văn hóa Đông Á, coi trọng gia đình, sống cần kiệm, đề cao đức liêm chính, hiếu kính, hiếu học…Tất cả những điều ấy có xấu không, có nên bỏ không, và có bỏ được không? Phương Tây cũng có điều ấy, đạo đức phương Tây được hình thành từ Cơ Đốc giáo và văn hóa truyền thống của họ, còn đạo đức chúng ta thì từ văn hóa bản địa và văn hóa Đông Á (Nho giáo, Đạo giáo của Trung Quốc, Phật giáo của Ấn Độ).

Những điều ấy được các bậc hiền triết phương Đông nói rất hay và từ rất sớm, các sách vỡ lòng chữ Hán ngày xưa vừa dạy chữ, vừa dạy người thông qua các sách đó rất thú vị và dễ nhớ. Vậy chúng ta có nên học một chút tinh hoa từ đó qua sách chữ Hán nhập môn không?

Nếu chúng ta chỉ lo đuổi theo phương Tây, bằng lòng với thứ ngôn ngữ trong các hộp thoại, tin nhắn với các ký tự lổn nhổn, tiếng Anh lẫn tiếng Việt thì rõ ràng nguy cơ làm giảm sự trong sáng tiếng Việt, mai một văn hóa truyền thống còn cao hơn rất nhiều.

Nguồn Vietnannet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét