Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

vân tưởng y thường hoa tưởng dung [1]



Nguyễn thị Hải Hà



Trong tứ đức công, dung, ngôn, hạnh, nếu đọc từ trái qua phải thì dung đứng hàng thứ nhì. Nếu đi từ phải qua trái thì dung đứng hàng thứ ba. Dầu gì đi nữa nó vẫn không đứng hàng thứ nhất. Tuy nhiên xem chừng rất nhiều người trên thế giới, kể cả dân Âu Mỹ, không hề bị Trung Hoa áp đặt phong tục lên xứ sở của họ, đã đặt chữ Dung lên hàng đầu.


Dung theo từ điển Hán Việt của ông Đào Duy Anh có nghĩa là dáng mạo bên ngoài. Không thấy từ điển nói dung có nghĩa là hình dáng đẹp. Không hiểu tại sao khi dung trở thành một trong bốn cái đức hạnh của phụ nữ, người ta cứ nằng nặc bắt phụ nữ chúng tôi phải đẹp.

Định nghĩa cái vẻ đẹp bên ngoài của người phụ nữ thay đổi theo thời gian (xưa và nay) và không gian (từ quốc gia này đến quốc gia khác, từ thành đến tỉnh). Tuy nhiên ngay cả khi so sánh vẻ đẹp của phụ nữ cùng thời và cùng trong quốc gia, thậm chí cùng làng, mỗi cá nhân có một định nghĩa hay quan niệm về cái đẹp khác nhau.

Người xưa có câu kẻ sĩ vì người thấu hiểu mình mà liều chết, người phụ nữ vì người ngắm mình mà làm điểm trang. Có nghĩa là khi muốn làm vui lòng, hay vui mắt một người nào đó, người phụ nữ có thể thay đổi dung nhan của mình, từ xấu biến ra đẹp, hay ít xấu đi, và từ đẹp có thể biến thành người đẹp hơn. Điều này cũng nói lên một điều, cái đẹp của diện mạo là cái có thể thay đổi được.


Tuy nhiên cũng có người quan niệm nếu sinh ra đời với nhan sắc xấu xí thì người ta phải chịu xấu xí suốt đời. Chiyo, nhân vật chính trong quyển “Memoirs of a Geisha,”[2] là một cô bé nghèo bị bán vào một trà viện làm người hầu hạ giúp việc vặt. Một hôm Chiyo được mang ra nhà tắm công cộng, tắm rửa kỳ cọ cho sạch sẽ, rồi mặc một cái áo kimono bằng lụa màu xanh da trời có thêu cỏ xanh và hoa vàng rực rỡ. Cô được cho đi hầu hạ Hatsumomo để học nghề làm geisha. Ai cũng nói Chiyo xinh đẹp, và cô có đôi mắt màu xám rất đặc biệt. Vì ghen tị, và biết là cô bé Chiyo được huấn luyện để một ngày nào đó sẽ thay thế địa vị của mình, Hatsumomo rất hà khắc với Chiyo. Khi Chiyo đang hầu giúp Hatsumomo trang điểm, Hatsumomo nói toạt vào mặt của Chiyo là cô bé không thể nào trở nên đẹp đẽ được nếu chỉ dùng son phấn, và cái mùi cá biển tanh tưởi, Chiyo sinh ra trong một làng dân chài, thì không thể nào tan biến. Còn nếu đã xấu mà nghèo thì còn mức độ tệ hại càng tăng. Dĩ nhiên Hatsumomo nói điêu như thế chỉ vì ghen tị chứ không phải là sự thật. Bởi vì trên thế giới nói chung, và Hoa Kỳ nói riêng, cái kỹ nghệ thay đổi nhan sắc biến người xấu thành ra đẹp, làm người đẹp trở nên đẹp hơn là một kỹ nghệ có ngân quỹ lớn nhất trên thị trường.


Tùy theo địa phương và phong tục, người ta chú trọng nét đẹp của những bộ phận khác nhau trên thân thể của người phụ nữ. Phụ nữ Âu Mỹ thời nay thích phô trương vẻ đẹp của đôi chân và bộ ngực. Đối với đàn ông Nhật, vẻ đẹp cái cổ của người phụ nữ Nhật sau lớp áo kimono cũng tương đương với vẻ đẹp của đôi chân và bộ ngực của người phụ nữ Tây phương. Các geisha khi mặc kimono, họ để cổ áo ở phía sau trễ xuống thật sâu đến độ thấy được vài đốt xương đầu tiên của cột xương sống. Có lẽ điều này cũng tương tự như một cô gái trẻ ở Paris mặc váy ngắn. Các cô geisha khi điểm trang họ bôi phấn trắng dày như một cái mặt nạ nhưng họ cố tình chừa ra, để trần một khoảng da sát chân tóc. Trong khi son phấn làm cho vẻ mặt của cô có vẻ giả tạo như mặt nạ thì cái khoảng da trần càng trở nên gợi cảm, các đấng lang quân “dana”[3] càng bị cái khoảng da trần này thu hút đặc biệt hơn.


Ngày nay người ta không chỉ sửa đổi được nét đẹp trên mặt như mũi, mắt, môi, răng, người ta còn sửa đổi cả ngực, mông và phái tính. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, dù dân tộc họ vẫn còn chậm tiến và kỹ thuật thay đổi hình dáng không tối tân, người ta có thể thay đổi những bộ phận trên thân thể của người phụ nữ tưởng chừng như không thể nào sửa chữa được. Thí dụ như làm sao để có cái cổ dài hơn.





Nguồn ảnh[4]



Phụ nữ Padaung ở Burma đã đeo vào cổ rất nhiều vòng kiềng chồng lên nhau để làm cho cổ dài hơn. Thật ra những vòng này đã đè xương cổ của họ xuống để cổ họ có vẻ cao hơn. Chẳng những người ta có thể kéo dài cổ người ta còn có thể làm xương sọ dãn ra.









Đây là bức ảnh của người vợ mà Tù trưởng bộ lạc Mangebetou yêu nhất. Thoạt nhìn có thể người đọc chỉ thấy kiểu tóc thật là cầu kỳ, tuy nhiên nếu nhìn kỹ sẽ thấy người ta quấn xương sọ để làm xương sọ dãn dài ra. Tác giả của bức ảnh này là Georges-Marie Haardt chụp trong khoảng thời gian 1926.



Phụ nữ ít khi hài lòng với hình dáng của mình. Người Việt Nam thích có làn da trắng ngà, ra đường thì trùm khăn che mặt đeo găng tay trong khi người Âu Mỹ tốn thì giờ và rất nhiều tiền để phơi cho da của họ trở nên nâu, có rất nhiều khi họ bị bỏng đỏ như con tôm hùm bị luộc nhưng không thể nâu rám nắng. Ngay cả khi họ biết những tia tử ngoại gây ra ung thư da, vào mùa đông họ vẫn vào các phòng thẫm mỹ để phơi nắng nhân tạo cho da trở nên rám nắng. Họ quan niệm màu da rám nắng làm cho họ có vẻ khỏe mạnh và có tiền (đi du lịch ở các miền nắng ấm). Người Việt mình thích uốn cho tóc quăn thành từng lọn như tóc của người Âu Mỹ trong khi các cô gái da đen, tóc của họ vốn xoăn tít, tốn rất nhiều tiền dùng hơi nóng và chất hóa học để kéo cho tóc của họ được thẳng như tóc người Á Châu.


Phụ nữ châu Âu và châu Á không thích có lông tơ trên mép nên khi chúng mọc hơi rậm một chút là họ dùng sáp để nhổ cho sạch trong khi người Ainu của Nhật Bản có tập tục xâm màu xanh đậm lên môi phụ nữ cho giống bộ râu mép bằng cách thoa hóng khói lên dao và cắt lên môi.







Ngày nay, tục lệ này cũng như nhiều tục lệ làm đẹp khác đã trở nên lỗi thời. Thí dụ như tục bó chân của người Trung Hoa, nhuộm răng của người Việt Nam. Tôi không biết chắc nhưng đoán tục cà răng căng tai của người thiểu số Việt Nam có lẽ cũng không còn. Ngày nay người ta cố gắng nhịn ăn tập thể dục đễ giữ cho thân hình được thon thả. Nét gầy được xem là tiêu chuẩn của cái đẹp hôm nay. Tuy nhiên nếu chúng ta quan sát các bức tranh mỹ thuật Tây phương vào thế kỷ mười sáu và mười bảy, các người mẫu thời bấy giờ phải nói rất là đẫy đà. Thí dụ như người vợ trong bức tranh the Banker and his wife của Reymerswaele năm 1540, một vài bức tranh trong đó có bức tự họa của Artemisia Gentileschi, hay Aurora của Reni. Ngay cả việc gầy béo cũng thay đổi theo thời gian. Những năm 80, người mẫu nổi tiếng, như Kate Moss, thường gầy rộc trơ xương đến độ giống như người ghiền ma túy.


Ai cũng có một khái niệm thế nào là đẹp, nhưng thường là mơ hồ. Có người nghiên cứu cho rằng nét mặt phải đối xứng, và có một tỉ lệ nhất định giữa kích thước, độ xa gần to nhỏ của mắt môi mũi trên khuôn mặt để được gọi là đẹp. Vào thời phong kiến, các quan lại Trung Hoa viết một cuốn cẩm nang bao gồm 24 tiêu chuẩn hướng dẫn các quan địa phương chọn người đẹp để tiến cung hầu vua. Người Trung Hoa đã sáng tạo biết bao nhiêu mẫu người đẹp vẫn còn được ca ngợi mãi đến ngày nay như Bao Tự, Tây Thi, Đắc Kỷ, Điêu Thuyền, đã từng khuynh đảo Trung Hoa, thì cũng chính họ đã sáng tạo ra một người phụ nữ có thể xem là nhà tiên phong của phong trào nữ quyền của Trung Hoa. Nhân vật ấy là Chung Vô Diệm. Bà hoàng hậu đầu sừng xấu xí kinh hồn này đã chinh Đông kích Tây để bảo vệ giang sơn của chồng trong khi nhà vua tha hồ ân ái trụy lạc với các quí phi hương trời sắc nước. Các nàng quí phi tìm cách giết bà để được lên ngôi hoàng hậu nên bị bà giết như giết ngóe làm đấng vương quân vừa đau đớn vừa sợ hãi mà chỉ dám khóc thầm. Để bà được quân vương chiếu cố, với hy vọng sinh con trai nối ngôi vua, một vị tiên nào đó đã phải cho bà đeo một viên ngọc làm biến hình, cho bà tạm thời mất cặp sừng để dung nhan bà trở nên dễ nhìn một chút chớ không thôi vua sợ không dám đến gần người đã bảo vệ giang sơn của mình. Ai cũng bảo trai tài gái sắc. Trường hợp bà Chung Vô Diệm thì phải nói trai sắc gái tài. Thời xưa là thế chứ thời bây giờ chắc là bà đã giáng chức ông chồng để lên ngôi đế.

Đã là phụ nữ thì phải đẹp. Đẹp người đẹp nết. Không đẹp người thì nết phải đẹp gấp đôi. Có nghĩa là gì gì đi nữa đàn bà cũng phải đẹp. Nhà văn Võ Hồng đã phát biểu như thế này “Cần có thêm một nụ cười, những nụ cười. Đúng vậy, nụ cười cần thiết làm rạng nở một khuôn mặt. Đôi mắt có dịp để sáng lên long lanh, đôi hàm răng ngà có dịp để làm đắm đuối tâm hồn kẻ nhìn. Như một món ăn tuyệt hảo phải có đủ yếu tố ngon miệng, thơm nơi mũi và nhìn đẹp mắt, một người đàn bà muốn ngự trị nơi tâm hồn người đàn ông phải có những ưu điểm nhiều mặt.”[5]


Ngày nay phụ nữ làm đủ mọi cách để giữ và làm tăng vẻ đẹp. Chúng ta đã thấy nhuộm tóc, tẩy răng, chích Botox, bơm ngực, sửa mũi, cắt mắt, căng da, xâm mình, xỏ lỗ tai hằng chục lỗ, xỏ lỗ mũi, xỏ lỗ rốn, xỏ môi, và còn hằng bao nhiêu thứ. Người ta tốn tiền mua áo nịt ngực để làm tăng vẻ đẹp của bộ ngực. Rồi khi phụ nữ Mỹ đòi quyền bình đẳng, người ta thò tay vào áo lôi cái áo nịt ngực ra ném vào đống lửa đốt cho cháy tiêu. Khi báo chí ngày nay in hình những bộ ngực trần có thể bị buộc tội là khiêu dâm, thì có rất nhiều người phụ nữ trên thế giới để trần bộ ngực là một hình ảnh quốc hồn quốc túy.

Phụ nữ Papua Guinea trong bộ y phục cổ truyển. Trong khi phụ nữ thời nay tốn biết bao nhiêu tiền vào các loại áo nịt ngực thì phụ nữ xứ Papua Guinea phô bày của trời cho đúc sẵn một tòa thiên nhiên.





Ảnh của Nguyễn thị Hải Hà



Phụ nữ Mehinaku đội những cái mão của đàn ông để nhảy múa trong buổi lễ yamurikumá. Họ ca ngợi, những người đàn bà (theo lời truyền tụng) sống trong làng không có đàn ông đã săn bắn bắt cá và cúng tế lễ bái, như đàn ông. Mặc dù phụ nữ trong cổ tích (hay huyền thoại) này có đặc tính như những người nữ binh trong vùng Amazon, phụ nữ Mehinaku không phải là những người chiến đấu.





Phụ nữ của bộ lạc Ouled Nails, vùng Tougort của quốc gia Algeria. Phụ nữ ở đây nổi tiếng về múa bụng. Những xâu chuỗi kết bằng đồng tiền xu có khi được đeo trên cổ có khi được đeo vòng ngang đầu.


Lý Bạch làm thơ rằng “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung” có nghĩa là nhìn mây mà tưởng xiêm áo của nàng, nhìn hoa mà tưởng khuôn mặt nàng. Ngược lại với khái niệm nhìn hoa mà nhớ gương mặt người đẹp, những nữ vũ viên Yakan của người thiểu số ở Phi Luật Tân đã chấm phấn trắng đầy mặt nên nhìn gương mặt đẹp của họ tưởng như ngắm nhìn nét hoa.[6]







Cái quan niệm trai tài gái sắc ít nhiều cũng đã ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn vẹn tài năng người phụ nữ. Đã sinh ra làm đàn bà thì không cần phải có tài tế thế trị bang, hay quản trị kinh doanh, cũng không cần giỏi về khoa học hay nghệ thuật. Chỉ cần đẹp mà thôi. Tôi có một chị bạn quan tâm đến nhan sắc của chị đến độ chị luôn luôn thức giấc trước khi chồng chị thức giấc và suốt cuộc đời, chị tự hào, không bao giờ để chồng chị bắt gặp mặt chị trần trụi không phấn son.

Theo nhà thơ Đoàn Phú Tứ, ngày xưa có một nàng vương phi lúc cuối đời khi dung nhan bà trở nên sa sút tiều tụy bà tránh gặp mặt rồng, với hy vọng giữ mãi trong ông một hình ảnh đẹp của mình. Thay vì gặp vua bà gửi một phần mái tóc (có lẽ vẫn còn rất đẹp) và nhà thơ Đoàn Phú Tứ đã diễn tả qua một đoạn thơ trong bài Màu Thời Gian:

Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình muôn thuở còn hương


Tôi nghĩ, không nhan sắc đôi khi cũng là một điểm lợi. Nếu một người đàn bà nhan sắc tầm thường, thành công về một lãnh vực nào đó người ta sẽ không nghĩ là người này thành công nhờ vào nhan sắc. Đôi khi tôi tự nhủ nếu Anna Karenina và Thúy Kiều chỉ là những phụ nữ nhan sắc tầm thường có lẽ cuộc đời họ không đến nỗi bất hạnh.

Túy Hồng trong truyện ngắn Thư Tình đã bàn chuyện trai tài gái sắc như sau:

Tình yêu, việc lớn em làm. Đời em chỉ có một chuyện là chuyện tình. Em không muốn ai biết, em không hề khoe với ai tao đã có người yêu… Em giữ kín như em đậy vung kín nồi cơm khi cạn nước. Em yêu anh thật tham, thật sân, thật si. Yêu bằng tất cả cái cốt đa tình… Tự trời không, tình yêu đến; tự vô vi, tình yêu đến không chuẩn bị, không đón chờ…

Anh có tài, em không có gì hết. Đã không có gì hết em lại chẳng phải giai nhân. Em thương cái tài của anh như cái đầu thương cái gối, như bàn chân thương đôi guốc, như chiếc cổ mơ một món đồ trang sức. Nước mình người học giỏi thì nhiều, nhưng người có tài thật ít; bởi đó anh là thứ quý, anh là cây tứ quý.

Em là một cô gái xấu xí, không có vốn trời… Ngày nào cũng soi gương mà không thấy gì lạ, chẳng thấy hiện tượng mới. Nhưng em vẫn bằng lòng mình, không ai bằng lòng mình hết thì mình bằng lòng mình vậy.”[7]


Bà biết tự bằng lòng với chính mình chứ không giống như cô gái trong một bài hát của một nhạc sĩ trẻ gốc người Việt Nam ở Úc châu. Anh viết một bài hát rất cảm động về một cô gái rất xinh đẹp nhưng khi cô soi gương cô tự thấy mình xấu như ma quỷ vì thế cô rất là đau khổ. Người mình thường hay nói, đẹp hay xấu tùy người đối diện. Cô người yêu của Nguyễn Bính ra thành phố học làm đẹp thế mà nhà thơ của chúng ta cứ van xin cô làm ơn đừng thay đổi “Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.” Cái đẹp vì thế rất là tương đối. Quan niệm như bà Túy Hồng, mình tự bằng lòng với nhan sắc của mình, là một quan niệm rất khôn ngoan.

Đôi khi chỉ vì muốn thay đổi những khuyết điểm trên gương mặt mình hay thân thể mình, nhiều phụ nữ đã trải qua những cuộc giải phẫu, thường thì không mấy nguy hiểm, nhưng đôi khi vì dị ứng với thuốc tê và thuốc tê, có thể đưa đến cái chết. Cứ khoảng 50,000 ca giải phẫu là có một ca chết trên bàn giải phẫu vì dị ứng thuốc tê và thuốc mê. Trong phim “Nights in Rodanthe”[8] có một đoạn ngắn nói về một người đàn ông trên đảo Rodanthe có vợ chết trên bàn mổ chỉ vì bà muốn cắt bỏ cái bướu nằm chìm dưới da trên mặt. Bà bảo bà muốn làm đẹp cho ông. Và khi bà mất rồi ông đau đớn than rằng chỉ có bà thấy cái bướu đó làm cho bà không đẹp chứ đối với ông bà lúc nào cũng đẹp, và đẹp nhất là đôi mắt nâu dịu dàng đã khép lại nghìn đời. Như đã nói, phụ nữ thường hay khắt khe với nhan sắc của mình; chứ khi đã yêu người đàn ông thường yêu cả những cái được xem là khuyết điểm, cái răng khểnh, nốt ruồi trái chỗ, cái sẹo ở chân tóc, v.v… thậm chí ngày xưa có người yêu một người đàn bà chột mắt, say mê đến độ đã nghĩ rằng tất cả phụ nữ có hai mắt đều bị một mắt thừa. Và nhân vật chính của bà Nguyễn thị Thanh Sâm trong quyển Cõi Đá Vàng đã yêu một người phụ nữ mắt hiếng, lớn tuổi hơn anh chàng, đến độ đồng ý chịu bị khai trừ ra khỏi đảng Cộng Sản để được giữ người yêu.

Tôi không biết có cái gì cứ thôi thúc tôi nghĩ hoài về cái đẹp bên ngoài của phụ nữ. Nó làm tôi trăn trở đủ để ngồi viết một bài dài. Rồi tôi nhận ra, vô thức của tôi ngấm ngầm bị tổn thương chỉ vì một nhận xét của người cô đã hơn bảy mươi tuổi. Cô nói lúc không có mặt tôi vì tưởng tôi đã đi ngủ: “Cái con Hà nó làm sao thế? Sao mà tóc nó bạc thế mà không chịu nhuộm đi?” Tôi nghe có tiếng suỵt của các người em họ. Tóc tôi dài, vẫn bóng, vẫn mướt, vẫn dày, và vẫn mềm. Tóc bạc chỉ là tóc khác màu. Tóc highlight thì đã sao nếu tâm hồn tôi vẫn trẻ? Dẫu tôi hằng nghĩ rằng tôi bằng lòng với cái tuổi sắp già của tôi nhưng hình như tôi không mấy thành thật với chính mình. Bởi vì nếu tôi thật sự bằng lòng với chính mình tại sao tôi lại trăn trở. Rồi tôi lại nhủ lấy mình, ai đó đã từng nói rằng, cái đẹp giống như ánh sáng của cái đèn lồng phải từ trong tâm tỏa ra; thôi thì ráng dối lòng mà tự tin là mình vẫn còn trẻ và …đẹp. Nhé, ráng tin nhé!




[1] Thanh Bình Điệu của Lý Bạch

[2] Tác giả Arthur Golden

[3] Người tài trợ cho nghệ nhân geisha.

[4] Đa số ảnh dùng trong bài này được sưu tập trên internet nhưng không nhớ nguồn. Rất có thể những tấm ảnh này xuất hiện trên tạp chí National Geographic Society vào những năm 2009 hay xưa hơn.

[5] Trích trong truyện ngắn Mong Manh Một Thoáng , tuyển tập Văn Miền Nam tập Ba, Thư Ấn Quán năm 2009, trang 1506-7.

[6] Nguồn ảnh: http://s144.photobucket.com/user/rosarinho9/media/Yakanbride-BasilanIsland.jpg.html



[7] Trích truyện ngắn Thư Tình, tuyển tập Văn Miên Nam tập Ba, Thư Ấn Quán 2009, trang 1307-8.

[8] Truyện của Nicholas Sparks, phim do Richard Gere và Diane Lane thủ vai, George C. Wolfe đạo diễn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét