Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

Chơi cây là để luyện Lễ



Trên đường tìm về lẽ sống, ai cũng muốn đem cái tâm nhỏ bé của mình hòa vào cái tâm bao la của trời đất để được gần gũi với thiên nhiên vì thiên nhiên hiền hòa giống như một bà mẹ.

Thiên nhiên đẹp và hấp dẫn, ai cũng thấy điều đó nhưng bàn về giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa triết lý của cây cảnh thì lại có quá nhiều ý kiến khác nhau.

Trường phái tự nhiên cho rằng cây cảnh đẹp phải toát lên từ giá trị mỹ cảm, còn trường phái xã hội thì lại cho rằng cây cảnh đẹp phải có mối quan hệ gắn bó với đời sống con người, nhứt là đời sống tinh thần.

Chẳng hạn như mai, trúc, tùng đẹp vì nó tượng trưng cho những đức tính cao quý “ngự sử mai, quân tử trúc, trượng phu tùng”. Mai, đào khả ái, thanh cao lại còn là hoa Tết, là sứ giả của mùa Xuân. Cây liễu tượng trưng cho vẻ đẹp của phụ nữ “mình liễu, liễu yếu đào tơ”. Thơ ca Trung Quốc và Việt Nam thường ca ngợi “tùng hùng vĩ, mai thanh kỳ, trúc thanh nhã, liễu yểu điệu như thiếu nữ”, lại còn coi Tùng – Trúc – Mai là tam kiệt hoặc tam hữu. Trái lại cũng có một số cây bị người đời xa lánh vì nó không đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người “ma cây gạo, cú cáo cây đề”.

Cây cũng có thứ thanh cao, có thứ tầm thường, có thứ nhã, có thứ tục nên hầu hết những người sành điệu đều chọn những cây có ý nghĩa thanh cao và có giá trị nghệ thuật để đưa vào chậu, chẳng hạn như sung, ngâu, nguyệt quới, mai vàng, khế, lựu… hoặc những cây mang tính trầm mặc, u tĩnh, tiêu biểu cho sự ẩn dật như sanh, si, gừa, bồ đề… Thời phong kiến, các bậc vua chúa còn phân chia cây cảnh ra làm nhiều thứ bậc: vua chơi cây trắc bá, quan đại thần chơi cây loan, nho sĩ chơi cây si và bậc phong lưu chơi cây liễu. Người chơi cây cảnh ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của triết lý phương Đông. Lão Tử cho rằng “Đại khối trầm tĩnh vô ngôn”, một cây cảnh sống lâu năm cũng giống như một ông già minh triết đang trầm tư trước trời đất bao la. Vì vậy, người chơi cảnh rất thích băng rừng lội suối để săn tìm những dáng cây độc đáo, thân hình vặn vẹo, có gốc rễ ngoằn ngoèo, tượng trưng cho sự sống trơ trụi một mình giữa đỉnh hú mây ngàn mà vẫn hiên ngang vượt qua phong ba bão táp.


Mỗi người đều nhìn vẻ đẹp bằng cái tâm, bằng sự thể nghiệm, cũng như nhà văn Sơn Nam cho rằng cây cảnh đóng vai trò viên ngọc, cái đỉnh đồng. Nó gần gũi với con người và thơ mộng như một bài thơ siêu thoát, hiền lành. Có người say mê đến nỗi muốn thổi hồn vào từng gốc cây và trân trọng như gìn vàng giữ ngọc. Nhà thơ Cao Bá Quát cả đời chỉ bái phục có hoa mai “nhứt sinh đê thủ bái mai hoa”. Nguyễn Trung Ngạn coi mai hơn hẳn các loài hoa khác “Dã mai cốt cách nguyên phi tục”. Phan Kế Bính đã từng viết: “Nhàn cư vô sự”, lúc nhàn hạ ông cha ta tiêu khiển bằng cách đắp đá trồng cây để ký thác hoài bão, di dưỡng tính tình và giữ cho thần chí được k h o a n khoái. Cây cảnh có trăm ngàn cái đẹp, đẹp về hình thức lẫn nội dung, đặc biệt là ý nghĩa xã hội, nhưng cái đẹp thường là cái không thể cắt nghĩa được. Do đó nhà văn Sơn Nam đã viết: “Non bộ và cây cảnh bắt nguồn từ một triết lý, nói nôm na là một đạo nghệ, đạo nghĩa”.

Người xưa còn bảo : chơi cây kiểng là luyện lễ". Cái lễ ở đây là cái lễ đối với đất trời, cái lẽ sống của vạn vật. Biết yêu quí cái sự sống của cây cũng là biết yêu sự sống của con người và vì vậy người chơi cây kiểng sẽ tự bồi bổ lòng nhân ái của mình- điều duy nhất khiến con người hơn các động vật khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét