Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Trang Sử Chưa Được Tiết Lộ Về Hoa Kỳ




Hoàng Hữu Phước, MIB



Hôm nay các phương tiện truyền thông đại chúng ở New Zealand – và tất nhiên cũng ở Việt Nam – đồng loạt đưa tin về chuyến thăm Việt Nam và Nhật Bản của Tổng Thống thứ 44 của Hoa Kỳ Ngài Barack Hussein Obama Đệ Nhị. Chuyến thăm này của Ngài Obama (a) một mặt làm tiu nghỉu những kẻ chống Việt đã loan tin hàm hồ láo xạo về việc hủy bỏ chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Hoa Kỳ để phản đối việc Việt Nam bầu lại Chủ Tịch Nước, Chủ Tịch Quốc Hội, và Thủ Tướng trước nhiệm kỳ – một việc hoàn toàn phù hợp Hiến Pháp Việt Nam và luật pháp Việt Nam mà tất cả các nguyên thủ của tất cả các nước trên toàn thế giới phải công khai công nhận và công khai tôn trọng, (b) một mặt tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu quốc tế và các nhà báo lão luyện trên thế giới tập trung viết về tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và Nhật Bản. Một trong vô số các bài viết ấy là của nhà báo Edu Montesanti, tác giả quyển Những Sự Dối Trá Và Tội Ác Của Cuộc Chiến Chống Khủng Bố (Lies and Crimes of “War on Terror”), phỏng vấn độc quyền Giáo sư Peter Kuzinick, công dân New York, Giáo sư Lịch Sử Đại Học Hoa Kỳ và Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Nguyên Tử Hoa Kỳ, mà tôi dịch sang tiếng Việt như dưới đây để cung cấp cho bạn đọc có thêm thông tin về một giai đoạn lịch sử không thể nào quên của nhân loại. Trong bài phỏng vấn này, Giáo sư Peter Kuzinick nói về việc thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagazaki, về tội ác cùng các dối trá của Mỹ đàng sau cuộc chiến tranh tại Việt Nam cũng như về sự thật đằng sau cuộc xâm lược của Mỹ tại Việt Nam, và vì sao Mỹ có cuộc Chiến Tranh Lạnh với Liên Xô cũng như vì sao cuộc chiến ấy cùng truyền thông chính thống đã ảnh hưởng đến thế giới ngày nay, lợi ích từ cuộc ám sát Tỏng Thống Kennedy, chủ nghĩa đế quốc Mỹ đối với Châu Mỹ La Tinh thời Chiến Tranh Lạnh và ngày nay dưới vỏ bọc giả trá của Chiến Tranh Chống Khủng Bố và Chiến Tranh Chống Ma Túy.
*********

Edu Montesanti: Thưa Giáo sư Peter Kuznick, xin cảm ơn ông rất nhiều vì đã cho phép tôi được phỏng vấn ông. Trong quyển Lịch Sử Chưa Được Nói Đến Của Hoa Kỳ, ông cùng đồng tác giả Oliver Stone có tiết lộ rằng việc ném các quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki của Tổng thống Harry Truman là không cần thiết về mặt quân sự, cùng những lý do đằng sau nó. Xin Giáo sư vui lòng bình luận về các sự nêu lên này

Peter Kuznick: Thật là thú vị khi tôi nói chuyện với những người ở nước khác thì hầu hết đều cho rằng các vụ thả bom nguyên tử là không cần thiết và không thể biện minh được, trong khi hầu hết người Mỹ vẫn tin rằng việc thả những quả bom nguyên tử ấy là hành động thực sự nhân đạo vì chúng cứu sống hàng trăm hàng ngàn người Mỹ rất có thể sẽ chết trong một cuộc xâm lược của hàng triệu người Nhật.

Đó là một ảo tưởng để tự an ủi mà nhiều người Mỹ hằng tin sâu sắc, đặc biệt nơi những bậc lão niên. Đây là một trong những huyễn hoặc sơ đẳng phát sinh từ Đệ Nhị Thế Chiến. Nó có từ sự cố ý tuyên truyền của Tổng Thống Truman, Bộ Trưởng Chiến Tranh Henry Stimson, và nhiều vị khác, những kẻ loan truyền thông tin sai lạc rằng các quả bom nguyên tử đã buộc Nhật Bản phải đầu hàng. Truman tuyên bố trong cuốn hồi ký của ông rằng các quả bom nguyên tử đã cứu sống nửa triệu người Mỹ. Tổng Thống George H.W. Bush sau đó nâng con số lên thành “nhiều triệu người”. Thực tế là vụ thả các quả bom nguyên tử đã không hề cứu sống người Mỹ cũng như không hề đóng góp đáng kể nào vào sự quyết định đầu hàng của Nhật Bản. Các quả bom nguyên tử ấy lẽ ra đã khiến kéo dài chiến tranh hơn và gây thiệt hại nhân mạng nhiều hơn cho Mỹ. (giải thích thêm của Hoàng Hữu Phước: hai quả bom nguyên tử rất có thể đã làm Nhật Bản nổi giận điên cuồng tập trung báo thù Mỹ nếu như bộ binh Nhật Bản không bị Liên Xô tiêu diệt ở Mãn Châu Quốc). Chỉ có một sự thật là chúng đã giết hàng trăm ngàn người Nhật và gây thương tích cho nhiều người hơn thế.

Theo báo cáo tháng 1 năm 1946 của Bộ Chiến Tranh Hoa Kỳ, các quan chức hàng đầu Nhật Bản đã có rất ít cuộc thảo luận về các vụ đánh bom nguyên tử, nghĩa là chúng không dẫn đến quyết định đầu hàng. Điều này mới đây đã được công nhận một cách khá gây sửng sốt bởi Bảo Tàng Quốc Gia của Hải Quân Hoa Kỳ tại Thủ đô Washington, khi báo cáo rằng “Sự tàn phá rộng lớn bởi các vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki và sự sát hại 135.000 người Nhật đã có rất ít ảnh hưởng đến quân đội Nhật Bản.”

Tuy nhiên, việc Liên Xô đem quân vào Mãn Châu Quốc đã làm Nhật Bản đổi ý. Ít người Mỹ biết rằng trong tổng số 7 vị Đô Đốc và tướng lĩnh năm sao của Mỹ đã có ngôi sao thứ năm trong cuộc chiến ấy thì đã có 6 vị nói rằng các quả bom nguyên tử hoặc không cần thiết về quân sự hoặc đáng bị lên án về mặt đạo đức hoặc cả hai. Các vị ấy gồm có Tướng Douglas MacArthur, Dwight Eisenhower, Henry “Hap” Arnold, và các Đô đốc William Leahy, Ernest King, cùng Chester Nimitz Leahy, chánh văn phòng của tổng thống Roosevelt và Truman. Vị này nói rằng các vụ đánh bom nguyên tử vi phạm “mọi chuẩn mực đạo đức Kitô giáo mà tôi từng nghe nói đến cũng như tất cả các luật thời chiến được biết đến.” Ông phát biểu rằng “Nhật Bản đã đã bị đánh bại và sắp sửa đầu hàng. Việc sử dụng các loại vũ khí man rợ này tại Hiroshima và Nagasaki không trợ giúp cụ thể nào trong cuộc chiến chống Nhật Bản của chúng ta. Là người đầu tiên sử dụng bom nguyên tử, chúng ta đã áp dụng một tiêu chuẩn đạo đức thường thấy của bọn man di thời Tiền Trung Cổ “.

Tổng thống Mỹ Eisenhower đồng ý rằng người Nhật đã bị đánh bại từ trước rồi. Tướng MacArthur nói rằng Nhật Bản lẽ ra đã đầu hàng nhiều tháng trước nếu Mỹ bảo Nhật Bản rằng Nhật Bản có thể duy trì hoàng đế của họ, cái điều mà cuối cùng Mỹ cũng đã cho phép Nhật Bản có được.

Thế thực ra đã đã xảy ra việc gì? Khoảng mùa xuân năm 1945, rõ ràng hầu hết các lãnh đạo Nhật Bản đều biết họ không thể thắng cuộc chiến tranh. Vào Tháng Hai 1945, Hoàng tử Fumimaro Konoe, cựu Thủ tướng Nhật Bản, đã viết thư cho Hoàng đế Hirohito, “Nhi thần rất tiếc phải kính bẩm với Đức Kim Thượng rằng thất bại của Nhật Bản là không thể tránh khỏi.”

Cảm nhận này cũng được thể hiện bởi Hội đồng Chiến Tranh Tối Cao vào tháng Năm 1945 khi họ tuyên bố rằng “Việc Liên Xô tham chiến sẽ giáng một đòn chí tử vào Đế Chế chúng ta” và được lặp đi lặp lại thường xuyên sau đó bởi các nhà lãnh đạo Nhật Bản.

Mỹ, vốn đã giải được bảng mật mã của Nhật Bản và đã chặn được đường dây cáp truyền tin của Nhật Bản, đã hiểu biết đầy đủ về sự tuyệt vọng ngày càng tăng của Nhật Bản muốn chấm dứt chiến tranh nếu Mỹ đồng ý cho họ “đầu hàng.” Nhật Bản đâu chỉ bị đánh bại tơi tả về quân sự, hệ thống đường sắt của Nhật cũng lâm vào cảnh bị phá huỷ còn nguồn cung cấp thực phẩm bị cạn kiệt. Đich thân Tổng Thống Mỹ Truman đã gọi bức điện thu được ngày 18 tháng Bảy là “bức điện của Nhật Hoàng yêu cầu hòa bình.” Nhà lãnh đạo Mỹ cũng biết rằng những gì Nhật Bản thật sự sợ hãi là khả năng của một cuộc xâm lược của Liên Xô mà Nhật Bản không thể nào ngăn chặn được.

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã không biết rằng tại Hội Nghị Yalta, Stalin đã đồng ý tham chiến tại Thái Bình Dương ba tháng sau khi kết thúc cuộc chiến ở Châu Âu. Nhưng Truman biết và hiểu hết ý nghĩa của nó. Ngay từ ngày 11-4-1945, Phụ trách Cơ Quan Tình Báo Hốn Hợp thuộc Tham Mưu Liên Quân Mỹ đã báo cáo rằng “Nếu bất cứ lúc nào mà Liên Xô tham chiến, tất cả người Nhật Bản sẽ nhận ra rằng thất bại tuyệt đối là không thể tránh khỏi.”

Tại Potsdam vào giữa tháng Bảy, khi Truman nhận được xác nhận của Stalin rằng Liên Xô sắp tham chiến, Truman vui mừng và đã viết trong nhật ký của mình, “Cho bọn Nhật đi đoong khi điều đó xảy ra”. Ngày hôm sau, ông đã viết cho vợ mình rằng, “Chúng ta sẽ kết thúc chiến tranh sớm một năm, và sẽ nghĩ về bọn trẻ sẽ không bị chết. ”

Vì vậy, có hai cách để kết thúc chiến tranh mà không phải thả bom nguyên tử. Thứ nhất là phải thay đổi yêu đầu hàng vô điều kiện và thông báo Nhật Bản rằng họ có thể giữ lại hoàng đế, điều mà hầu hết các nhà làm chính sách Mỹ muốn như vậy do họ biết Nhật Hoàng là chìa khóa cho sự ổn định hậu chiến. Thứ hai là chờ cuộc xâm lược Nhật Bản của Liên Xô sẽ bắt đầu lúc nửa đêm ngày 08 tháng 8.

Chính cuộc đưa quân vào chiếm Nhật ấy mới là đòn quyết định chứ không phải bom nguyên tử, có tác dụng lâu dài và gọn hẹp hơn. Cuộc xâm lược của Liên Xô hoàn toàn làm phá sản chiến lược ketsu-go của Nhật Bản (giải thích thêm của Hoàng Hữu Phước: chiến lược Ketsu-Go tức Chiến Lược Giáng Đòn Quyết Định tiêu diệt lực lượng hải quân Hoa Kỳ trên biển để Hoa Kỳ không thể đổ bộ Nhật Bản, bằng cách ngày đêm tìm diệt các hàng không mẫu hạm Mỹ, và tăng cường phòng vệ bằng hải lục không quân để tiêu diệt bất kỳ đoàn quân Mỹ nào lọt vào được lảnh thổ Nhật Bản). Hồng Quân Liên Xô hùng mạnh đã nhanh chóng tiêu diệt Đạo Quân Quan Đông của Nhật Bản. Khi Thủ Tướng Kantaro Suzuki được hỏi tại sao Nhật Bản cần thiết phải đầu hàng Hoa Kỳ một cách nhanh chóng, ông trả lời rằng nếu Nhật Bản chậm chân thì “Liên Xô sẽ không những chỉ chiếm Mãn Châu, Hàn Quốc, Karafuto, mà còn chiếm cả Hokkaido. Điều này nếu xảy đến sẽ phá hủy nền tảng của Nhật Bản. Chúng tôi phải kết thúc chiến tranh khi còn có thể thỏa thuận với Hoa Kỳ.” Cuộc tiến quân của Liên Xô đã thay đổi cán cân quân sự, chứ còn những quả bom nguyên tử trông khủng khiếp thế đấy đã không giúp được gì. Người Mỹ đã oanh tạc thiêu rụi các thành phố Nhật Bản trong nhiều tháng trời. Như Yuki Tanaka đã chứng minh cho thấy Mỹ đã oanh tạc thiêu rụi hơn 100 thành phố của Nhật Bản. Sự thiêu hủy đạt mức cao nhất 99,5% tại trung tâm thành phố Toyama. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã chấp nhận để Hoa Kỳ cứ quét sạch các thành phố của Nhật Bản. Hiroshima và Nagasaki chỉ là có thêm hai thành phố bị biến mất mà thôi, mặc cho mức độ tàn phá hay chi tiết khủng khiếp đến đâu. Nhưng cuộc xâm lược của Liên Xô đã chứng minh sức tàn phá sẽ còn ghê gớm hơn rất nhiều như lãnh đạo của cả Mỹ và Nhật Bản đều biết sẽ như thế.

Tuy nhiên, Mỹ muốn sử dụng bom nguyên tử làm lời cảnh báo nghiêm khắc dành cho Liên Xô về những gì đang sẵn chờ đợi họ nếu họ dám can thiệp vào kế hoạch của Mỹ đối với quyền bá chủ hoàn cầu sau chiến tranh. Đó chính xác là điều mà Stalin cùng các lãnh đạo Liên Xô ở Điện Kremlin đã nhận ra qua các vụ ném bom nguyên tử ấy. Việc sử dụng bom nguyên tử của Mỹ ít ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo Nhật Bản, nhưng nó chứng tỏ là nhân tố chính trong khởi động cuộc Chiến Tranh Lạnh. Và nó đặt cả thế giới trên một đường trượt đến sự hủy diệt. Đã có ít nhất ba lần vào những tình huống khác nhau mà Tổng thống Mỹ Truman suýt khởi động một quá trình có thể dẫn đến sự kết thúc sự sống trên hành tinh này khi ông đã liều lĩnh dấn bươc. Khi ở Postdam, lúc nhận được báo cáo về sức mạnh của việc cho nổ thử nghiệm bom nguyên tử ngày 16 Tháng Bảy tại New Mexico, ông viết trong nhật ký của mình: “Chúng ta đã tạo ra được quả bom khủng khiếp nhất trong lịch sử thế giới. Nó có thể là sự tiêu diệt trong biển lửa như tiên tri trong Thời Thung Lũng Euphrates sau Nô-Ê cùng con tàu Ark tuyệt vời của ông ấy.” Vì vậy, việc ném bom nguyên tử đã đóng góp rất ít hoặc chẳng đóng góp gì cả vào việc kết thúc chiến tranh, nhưng nó bắt đầu một quá trình tiếp tục đe dọa nhân loại với sự hủy diệt tận ngày nay – những 70 năm sau vụ ném bom. Như Stone và tôi đã nêu trong quyển Lịch Sử Chưa Được Nói Đến Của Hoa Kỳ, giết thường dân vô tội là một tội ác chiến tranh. Đe dọa nhân loại tuyệt diệt còn tồi tệ hơn thế nữa. Đó là tội ác tồi tệ nhất của mọi thời.

Edu Montesanti: Trong chương về Chiến Tranh Việt Nam, có tiết lộ rằng các lực lượng vũ trang Mỹ đã tiến hành ở đất nước nhỏ bé ấy việc ném bom với số lượng lớn hơn nhiều so với tổng số bom đã ném trong Đệ Nhị Thế Chiến. Xin Giáo sư nói rõ hơn và vui lòng cho biết vì sao việc đó lại xảy ra.

Peter Kuzinick: Mỹ ném nhiều bom chống lại đất nước Việt Nam bé nhỏ, so với số bom mà tất cả các bên đã sử dụng trong tất cả các cuộc chiến tranh trước đó trong lịch sử – tức nhiều hơn gấp 3 lần tổng số bom mà các bên đã sử dụng trong Đệ Nhị Thế Chiến. Cuộc chiến tranh đó là sự tàn bạo tồi tệ nhất, là thí dụ tồi tệ nhất về sự xâm lược của nước ngoài, kể từ khi kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến. Mười chín triệu ga-lông chất diệt cỏ đầu độc nông thôn Việt Nam. Rừng rậm ba cấp xinh đẹp của Việt Nam đã biến mất một cách hiệu quả. Mỹ đã phá hủy 9.000 trong số 15.000 thôn ấp của Nam Việt Nam.

Mỹ cũng phá hủy tất cả sáu thành phố công nghiệp ở miền Bắc cũng như 28 trong số 30 thị trấn và 96 trong số 116 thị xã. Mỹ nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong số những người đã từng đặt vấn đề sử dụng cũng như có lúc ủng hộ việc sử dụng bom nguyên tử là Henry Kissinger. Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara nói chuyện với sinh viên của tôi đã cho biết ông tin rằng 3.800.000 người Việt Nam đã chết trong chiến tranh.

Như vậy, cuộc chiến thực sự rất khủng khiếp và người Mỹ chưa bao giờ chuộc tội. Thay vì được ban cho giải thưởng Nobel Hòa bình cho việc kết thúc chiến tranh Việt Nam, Henry Kissinger phải ở trong chuồng xử án ở Hague cho tội ác chống lại loài người.

Edu Montesanti: Xin Giáo Sư hãy nói về những kinh nghiệm của ông trong những năm 60 ở Việt Nam, và tại sao Mỹ quyết định tham gia cuộc chiến tranh chống lại quốc gia đó.

Peter Kuznick: Oliver và tôi tiếp cận chiến tranh từ những quan điểm khác nhau. Ông ấy đã bỏ học tại Đại Học Yale để tình nguyện tham gia chiến đấu tại Việt Nam. Ông bị thương hai lần và được trao tặng một anh dũng bội tinh. Tôi thì khác, từ đầu đã quyết liệt phản đối việc Mỹ xâm lược Việt Nam.

Là một sinh viên đại học năm thứ nhất, tôi bắt đầu lập một nhóm phản chiến. Tôi tích cực tổ chức chống chiến tranh. Tôi ghét chiến tranh. Tôi ghét những kẻ phải chịu trách nhiệm về chiến tranh. Tôi nghĩ rằng tất cả bọn họ là tội phạm chiến tranh và tôi vẫn cho là như vậy. Tôi đã tham dự nhiều cuộc xuống đường tuần hành chống chiến tranh và phát biểu thường xuyên tại các sự kiện công cộng. Tôi hiểu, như anh bạn của tôi là Daniel Ellsberg thích nói như thế, rằng chúng ta đã ở phía sai trái.

Mỹ đã dần dần dấn thân. Trước tiên, Mỹ tài trợ cho chiến tranh thực dân Pháp và sau đó tự mình chiến đấu sau khi người Việt đánh bại người Pháp. Tổng thống Kennedy gửi 16.000 “cố vấn”, nhưng rồi nhận ra chiến tranh là sai lầm và đã lên kế hoạch để kết thúc chiến tranh giá như ông không bị sát hại. Động cơ của Mỹ là lẫn lộn. Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà dân tộc chủ nghĩa, ông còn là một người cộng sản. Không nhà lãnh đạo Mỹ nào muốn để thua một cuộc chiến tranh vào tay những người cộng sản bất cứ tại đâu.

Điều này đặc biệt đúng sau chiến thắng của cộng sản ở Trung Quốc vào năm 1949. Nhiều người lo sợ hiệu ứng domino rằng Việt Nam sẽ dẫn đến những chiến thắng của cộng sản khắp Đông Nam Á. Điều đó sẽ khiến Nhật Bản bị cô lập và Nhật Bản cuối cùng rồi cũng sẽ quay sang khối cộng sản để tìm đồng minh và đối tác thương mại. Vì vậy, một động lực khác là địa chính trị.

Một động lực khác nữa là kinh tế. Các nhà lãnh đạo Mỹ không muốn để mất nguồn lao động giá rẻ, nguyên liệu, và các thị trường ở Đông Dương. Một lý do khác là các tổ hợp quân sự-công nghiệp tại Mỹ – tức các ngành công nghiệp “quốc phòng” và các nhà lãnh đạo quân sự liên minh với chúng – đã được vỗ béo và phát tài từ chiến tranh. Chiến tranh là lý do tồn tại của họ, và họ thu lợi dồi dào từ chiến tranh ở cả lợi nhuận tăng cao và thăng quan tiến chức.

Vì vậy, nó là một sự kết hợp của việc duy trì tính ưu việt của Mỹ trên thế giới, bảo vệ và khai thác lợi ích kinh tế Mỹ, và một đầu óc phi lý nguy hiểm chống cộng muốn đánh bại những người cộng sản ở mọi nơi.

Edu Montesanti: Giáo sư có thể cho biết những lý do thực sự đằng sau cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô là gì?

Peter Kuznick: George Kennan, quan chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã cung cấp cơ sở lý luận cho lý thuyết ngăn chặn, đặt ra những động cơ kinh tế đằng sau Chiến Tranh Lạnh trong một bản ghi nhớ rất sáng tỏ vào năm 1948, trong đó ông nói: “Chúng ta chiếm khoảng 50% tài sản của thế giới, nhưng chỉ chiếm 6,3% dân số địa cầu…chúng ta không thể không là đối tượng của lòng ghen tị oán giận.Nhiệm vụ thực sự của chúng ta trong thời gian tới là nhằm tạo ra một mối quan hệ mẫu cho phép chúng ta duy trì vị trí quá bất bình đẳng này.” Mỹ theo đuổi công việc này. Đôi khi điều đó khiến Mỹ cần phải hỗ trợ của các chế độ độc tài tàn bạo. Đôi khi Mỹ cần phải hỗ trợ các chế độ dân chủ. Cuộc chiến xảy ra trên các bình diện văn hóa, chính trị, ý thức hệ, và kinh tế.

Henry Luce, nhà xuất bản của tạp chí Time và Life đã phát biểu năm 1941 rằng thế kỷ 20 phải là thế kỷ của Mỹ. Mỹ sẽ thống trị thế giới. Mỹ đã dấn thân để đạt được như vậy. Liên Xô, do đã từng bị xâm lược hai lần qua Đông Âu, muốn có một vùng đệm giữa họ và Đức. Mỹ đã phản đối các lĩnh vực kinh tế và chính trị nào hạn chế sự thâm nhập kinh tế của Mỹ. Mặc dù Hoa Kỳ và Liên Xô đã chưa bao giờ có chiến tranh trực tiếp với nhau, họ đã đấu với nhau trong nhiều cuộc chiến tranh do họ giật dây. Loài người đã may mắn sống sót qua thời kỳ ảm đạm này.

Edu Montesanti: Giáo sư nhận xét thế nào về chính trị Mỹ đối với Cuba kể từ cuộc Cách Mạng Cuba, và đối với Mỹ Latinh nói chung kể từ khi Chiến Tranh Lạnh?

Peter Kuznick: Mỹ hoàn toàn kiểm soát nền kinh tế và chính trị Cuba từ những năm 1890 cho đến cuộc cách mạng năm 1959. Tổng thống Cuba Batista hỗ trợ các nhà đầu tư Mỹ. Mỹ đã can thiệp nhiều lần vào nội bộ Mỹ Latin giữa năm 1890 và năm 1933 và sau đó tái diễn trong năm 1950. Castro đại diện cho bước đột phá lớn đầu tiên của chu kỳ đó. Mỹ muốn tiêu diệt Castro và bảo đảm không có ai khác ở Mỹ Latinh theo gương Castro. Mỹ thất bại. Mỹ đã không phá hủy được cuộc cách mạng của Castro, nhưng Mỹ đảm bảo rằng Cuba sẽ không thành công về kinh tế hay tạo ra nền dân chủ của nhân dân mà nhiều người mong mỏi.

Tuy nhiên, Cách mạng Cuba đã thành công trong những cách khác. Cuộc cách mạng đã tồn tại trong suốt Chiến Tranh Lạnh và cho đến nay. Cuba đã truyền cảm hứng cho các cuộc cách mạng Mỹ Latinh khác mặc dù các biệt đội tử thần do Mỹ đào tạo và hậu thuẫn đã tuần tra khắp lục địa sát hại hàng trăm ngàn người.

Các trường học Mỹ cho toàn Châu Mỹ đã tích cực tạo nên các lãnh đạo các thủ lãnh của biệt đội tử thần. Hugo Chavez và những vị khác theo con đường của Fidel trong truyền cảm hứng cho người dân Nam Mỹ đã không còn. Nhiều nhà lãnh đạo tiến bộ đã bị lật đổ trong những năm gần đây.

Hiện nay Dilma Rouseff đang chiến đấu để tồn tại, nhưng Evo Morales và Alvaro Garcie Linera ở Bolivia đang đứng vững tự hào và đứng trên cao để chống lại những nỗ lực của Mỹ đang muốn trở lại thống trị và bóc lột Mỹ Latinh. Nhưng trên khắp Châu Mỹ Latinh, các nhà lãnh đạo tiến bộ đã hoặc bị lật đổ hoặc đang bị làm cho suy yếu bởi các vụ scandal. Các nhà tân-tiến-bộ do Mỹ hậu thuẫn đang sẵn sàng một lần nữa để cướp các nền kinh tế địa phương phục vụ lợi ích của tư bản nước ngoài và trong nước. Đó không phải là một hình ảnh đẹp. Người dân sẽ phải chịu đựng vô vàn trong khi một số ít trở nên giàu có.

Edu Montesanti: Theo nghiên cứu của Giáo sư thì ai đã giết Tổng thống John Kennedy? Những lợi ích đàng sau vụ ám sát kinh hoàng đó là gì?

Peter Kuznick: Oliver đã làm một bộ phim tuyệt vời về vụ ám sát Kennedy – Phim JKF. Chúng tôi không cho rằng chúng tôi cần phải xem xét lại những vấn đề trong cuốn sách và tài liệu của chúng tôi. Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào những gì nhân loại đã mất mát khi Kennedy đã bị cướp khỏi chúng ta. Ông đã phát triển cực kỳ trong thời gian ngắn ngủi tại vị của mình.

Ông đã bắt đầu như một chiến binh thời Chiến Tranh Lạnh. Đến cuối cuộc đời, sau những bài học ông nhận ra trong hai năm đầu tiên cầm quyền và lấn cấn bởi cuộc Khủng Hoảng Tên Lửa Cuba, ông mong muốn một cách tuyệt vọng kết thúc Chiến Tranh Lạnh cùng cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Nếu ông không bị giết, như Robert McNamara nói, thế giới cơ bản đã khác đi rồi. Mỹ sẽ rút khỏi Việt Nam. Chi phí quân sự sẽ giảm mạnh. Mỹ và Liên Xô sẽ đã tìm ra cách để làm việc cùng nhau. Cuộc chạy đua vũ trang sẽ được chuyển đổi thành một cuộc chạy đua hòa bình. Nhưng ông có nhiều kẻ thù trong cộng đồng quân sự và tình báo và trong khu vực quân sự của nền kinh tế. Ông cũng bị ghét bởi những kẻ phân biệt chủng tộc miền Nam, bọn Mafia, và cộng đồng Cuba-kiều lưu vong phản động. Nhưng những kẻ núp đằng sau vụ ám sát của ông có nhiều khả năng đến từ các cánh quân sự và tình báo.

Chúng tôi không biết ai đã làm điều đó, nhưng chúng ta biết quyền lợi của những ai đã được tăng cao nhờ vụ ám sát. Với tất cả các lỗ hổng trong câu chuyện chính thức như chi tiết của Ủy Ban Warren, rất khó để tin rằng Lee Harvey Oswald đã hành động một mình và rằng viên đạn ma thuật đã gây nên tất cả những gì gây ra sự tàn phá ấy.

Edu Montesanti: Giáo Sư có cho rằng chủ nghĩa đế quốc Mỹ đối với khu vực hiện nay, đặc biệt là các cuộc tấn công chống lại các nước tiến bộ, về bản chất là cùng chính sách với thời Chiến Tranh Lạnh không?

Peter Kuznick: Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ muốn có một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới với một đối thủ thực sự có thể cạnh tranh trên toàn cầu. Như những người tân-bảo-thủ tuyên bố sau sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ thực sự muốn có một thế giới đơn cực, trong đó chỉ có một siêu cường và không có đối thủ.

Ngày nay các nước tiến bộ có ít đồng minh lớn hơn là họ đã có trong thời Chiến Tranh Lạnh. Nga và Trung Quốc tạo ra sự cân bằng nào đó với Mỹ, nhưng hai nước này không thực sự là những nước tiến bộ thách thức trật tự thế giới tư bản chủ nghĩa. Cả hai đều đang bị vướng trong các vấn đề nội bộ của họ và những bất bình đẳng.

Có vài mô hình xã hội chủ nghĩa dân chủ cho thế giới noi theo. Mỹ đã ra tay lật đổ và phá hoại hầu hết các tư duy tiến bộ và các chính phủ có tầm nhìn xa. Hugo, mặc dù có những thái quá, vẫn là một vai trò kiểu mẫu. Ông đã đạt được những điều tuyệt vời cho người dân nghèo Venezuela. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào những gì đang xảy ra tại Brazil, Argentina, Honduras, đó lại là một bức tranh rất u buồn.

Cần có một làn sóng cách mạng mới trên khắp thế giới thứ ba với các nhà lãnh đạo mới cam kết diệt trừ tham nhũng và đấu tranh cho công bằng xã hội. Riêng tôi phấn khích trước sự phát triển gần đây ở Bolivia, dù cho đã có kết quả của cuộc bầu cử vừa qua.

Edu Montesanti: Giáo sư thấy văn hóa Chiến Tranh Lạnh ảnh hưởng thế nào đến Mỹ và xã hội thế giới ngày nay? Vai trò của chế độ Washington và phương tiện truyền thông chính thống đối với vấn đề đó?

Peter Kuznick: Các phương tiện truyền thông là một phần của vấn đề. Họ đã phục vụ cho sự xáo trộn hơn là giáo dục và khai sáng. Họ truyền bá ý tưởng rằng có những nguy hiểm và kẻ thù rình rập khắp nơi, nhưng họ không đề ra giải pháp tích cực nào. Hậu quả là người ta bị khống chế bởi sự sợ hãi và phản ứng một cách phi lý. Cựu Phó Tổng Thống Mỹ Henry Wallace, một trong những nhà thấu thị hàng đầu của Mỹ trong thế kỷ 20, đáp lại bài phát của Winston Churchill về Bức Màn Sắt năm 1946 bằng cách cảnh báo rằng: “Nguồn gốc của tất cả các sai lầm của chúng ta là sự sợ hãi … Nếu những nỗi sợ này tiếp tục, sẽ đến ngày con và cháu của chúng ta sẽ phải trả giá cho những nỗi lo sợ này với những dòng sông máu …Thoát ra khỏi nỗi sợ hãi, các quốc gia vĩ đại xử sự như loài cầm thú bị dồn vào chân tường, chỉ biết nghĩ duy mỗi đến sự được sống còn“.

Điều này cũng như vậy trên bình diện cá nhân khi người ta sẽ hy sinh tự do của mình để được an ninh lớn hơn. Chúng ta đã thấy nó đã diễn ra như thế tại Mỹ sau sự cố 9/11. Chúng ta đang thấy như vậy tại Pháp và Bỉ.

Thế giới đang chuyển động sai hướng. Sự bất bình đẳng đang gia tăng. 62 người giàu nhất thế giới bây giờ đã giàu có hơn, so với 3,6 tỷ người nghèo nhất. Đó là sự tởm lợm. Không có biện minh nào cho sự nghèo đói trong một thế giới phong phú tài nguyên đến thế. Trong thế giới này, các phương tiện truyền thông phục vụ nhiều mục đích, mà mục đích ít được họ thực thi nhất trong số đó là cung cấp và trang bị cho mọi người thông tin người ta cần có để thay đổi xã hội và thế giới.

Các phương tiện truyền thông thay vì phóng đại nỗi sợ hãi của người dân để họ sẽ chấp nhận chế độ độc tài và các giải pháp quân phiệt cho những vấn đề không cần có giải pháp quân sự, cung cấp những trò giải trí vô hồn để đánh lạc hướng mọi người quên đi vấn đề thực sự, và mê hoặc mọi người vào cơn mộng du với sự thờ ơ. Đây đặc biệt là một vấn nạn ở Hoa Kỳ, nơi nhiều người tin rằng có một nền báo chí “tự do”. Còn nơi nào có sự kiểm soát báo chí, người ta lại tiếp cận truyền thông với sự hoài nghi. Nhiều người Mỹ cả tin không hiểu các hình thức tinh tế hơn của báo chí trong xảo trá và lừa dối.

Tại Mỹ, các phương tiện truyền thông chính thống hiếm khi đưa ra quan điểm thách thức suy nghĩ truyền thống. Ví dụ, tôi liên tục nhận được lời mời phỏng vấn bởi các hãng truyền thông hàng đầu tại Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, và các nơi khác, nhưng tôi hiếm khi được báo chí tại Hoa Kỳ phỏng vấn. Các đồng nghiệp tiến bộ của tôi cũng không được mời đến những chương trình truyền thông chính thống của Mỹ. Vì vậy, đúng là có một biện pháp nhất định của tự do báo chí ở Hoa Kỳ, nhưng sự tự do ấy bị làm suy yếu không phải phần lớn tại chính phủ mà tại báo chí tự kiểm duyệt và tự bịt miệng các tiếng nói tiến bộ. Nhiều người trong phần còn lại của thế giới cũng vậy khi rất cởi mở phê phán Hoa Kỳ nhưng không thẳng thắn như thế khi chỉ trích chính sách của chính phủ của chính họ.

Edu Montesanti: Giáo sư nghĩ sao về ý kiến cho rằng “Chiến Tranh Chống Khủng Bố” và thậm chí “Chiến Tranh Chống Ma Túy” của Mỹ đặc biệt là ở Mỹ Latinh là cách Mỹ đã tạo ra để thay thế Chiến Tranh Lạnh, để mở rộng quyền lực quân sự và thống trị thế giới?

Peter Kuznick: Mỹ bác bỏ các phương pháp của chế độ thực dân cũ. Mỹ đã tạo ra một loại đế chế mới được củng cố bằng từ 800 đến 1000 căn cứ quân sự ở nước ngoài mà từ đó các lực lượng đặc biệt của Mỹ hoạt động tại hơn 130 quốc gia mỗi năm.

Thay cho các lực lượng xâm lược bao gồm các đội quân bộ binh đông đảo mà lịch sử đã chứng minh bất thành ở nước này nước nọ, Mỹ hoạt động theo những cách bí mật hơn và ít vụng về hơn. Phương pháp ưa thích của Obama trong việc giết người là sử dụng máy bay không người lái.

Có biết bao giá trị pháp lý khả nghi cho ra những kết quả đầy nghi vấn. Chác chắn chúng có hiệu quả nhất định trong giết chóc, song có biết bao bằng chứng cho thấy cứ mỗi một “tên khủng bố” bị giết là tạo ra 10 tên khác lấp vào chổ trống của y.

Cuộc Chiến Chống Khủng Bố mà Mỹ và các đồng minh đã tiến hành trong 15 năm qua đã chỉ tạo ra thêm nhiều kẻ khủng bố. Giải pháp quân sự hiếm khi hữu hiệu. Cần có các phương pháp tiếp cận khác nhau và chúng sẽ phải bắt đầu bằng việc phân phối lại các nguồn tài nguyên của thế giới để làm cho mọi người muốn sống chứ không phải muốn giết và muốn chết. Mọi người cần có niềm hy vọng.

Người ta cần có cảm nhận về kết nối. Họ cần phải tin rằng một cuộc sống tốt hơn là điều khả thi cho họ và con cái của họ. Quá nhiều người cảm thấy tuyệt vọng và xa lánh. Sự sụp đổ của mô hình Xô Viết đã để lại một chỗ hỗng. Như Marx đã cảnh báo từ lâu, Nga đã quá lạc hậu về mặt văn hóa và kinh tế để phục vụ như là một mô hình cho sự phát triển xã hội chủ nghĩa toàn cầu.

Cuộc Cách mạng Nga đã bị thử thách ngay từ đầu bởi các thế lực tư bản xâm lấn. Vấn đề nảy sinh ngay từ đầu. Sau đó, chủ nghĩa Stalin đem đến chuối những kinh hoàng. Trong phạm vi mà mô hình Xô-viết đã trở thành tiêu chuẩn thế giới cho sự thay đổi mang tính cách mạng, đã có rất ít hy vọng cho việc tạo ra một thế giới mỹ mãn. Mô hình Trung Quốc cũng không cung cấp một tiêu chuẩn tốt hơn. Cũng vì vậy mà một số người đã quay sang Hồi giáo cực đoan, đem đến cơn ác mộng của chính nó. Khi chính phủ tiến bộ tiếp tục vấp ngã, sự bá chủ của Mỹ được mạnh lên. Tuy nhiên, Mỹ đã có ít những tích cực đem đến cho thế giới. Thế hệ tương lai sẽ nhìn lại, xem cái Pax Americana tức cái Nền Hòa Bình Giữa Các Siêu Cường Dưới Quyền Mỹ này không phải là thời đại khai sáng mà là một thứ chiến tranh triền miên và sự bất bình đẳng không ngừng gia tăng.

Về nguyên tắc, dân chủ rất tốt nhưng ít thăng hoa trong thực tế. Và bây giờ với các mối đe dọa hạt nhân gia tăng và sự thay đổi khí hậu cũng đe dọa sự tồn tại tương lai của nhân loại, tương lai trở nên không còn chắc chắn. Mỹ sẽ bám vào các cuộc chiến tranh chống khủng bố và chiến tranh chống ma túy để duy trì những sự chênh lệch mà George Kennan vạch ra 68 năm trước. Nhưng đó không phải là con đường tiến lên phía trước.

Thế giới có thể nhìn chính trị nội tình Mỹ như một sự tuột dốc xuống sự điên rồ – một dấu hiệu hý hước của sự thất bại hoàn toàn của nền dân chủ Mỹ – nhưng sự thành công của Bernie Sanders người kém thế, và ngay cả những cuộc nổi dậy phản kháng trong các cơ sở của Đảng Cộng Hòa cho thấy người Mỹ đang khao khát có sự thay đổi. Cả Hillary Clinton và Đảng Cộng Hòa, với mối quan hệ gắn bó của họ với giới tài phiệt Phố Wall và các giải pháp quân sự, sẽ không đòi hỏi có sự tôn trọng bên ngoài của một số thành phần hạn chế của dân chúng.

Họ có thể giành chiến thắng, nhưng thời gian của họ bị hạn chế. Mọi người ở khắp mọi nơi đang tuyệt vọng đợi chờ câu trả lời mới, tích cực, tiến bộ. Rõ ràng là một số người như chúng ta thấy hiện nay trên khắp châu Âu, sẽ thiên về giới mỵ dân cánh hữu vào thời điểm khủng hoảng, nhưng điều này ít nhất một phần do cánh tả đã thất bại trong việc cung cấp thứ lãnh đạo mà thế giới cần đến.

Một cánh tả hồi sinh là chìa khóa để cứu lấy hành tinh này. Chúng ta đang không còn thời gian. Con đường phía trước sẽ không dễ dàng. Nhưng chúng ta có thể chiến thắng và phải chiến thắng.

*********

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét