Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

TIẾN TỚI MỘT NỀN NHÂN BẢN TOÀN DIỆN






BẢN CHẤT NỀN TRIẾT HỌC ĐÔNG PHƯƠNG
DẪN NHẬP


Vào thời kỳ giữa hai Thế Chiến mà Phùng Hữu Lan có lần so sánh với tình trạng hỗn loạn của thời Chiến Quốc bên Tàu, một Hội Nghị Thế Giới về Triết Học đã được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1939 tại Đại Học Hawaii với sự đóng góp của các nhà khoa bảng hay tư tưởng gia hàng đầu thời đó như D.T. Suzuki thuộc Đại Học Kyoto, W.E. Hocking thuộc Đại Học Harvard……..dưới sự Chủ Tọa của C.A. Moore thuộc Đại Học Hawaii. Hội Nghị đặc biệt chú ý đến Ý Nghĩa và Vai Trò của nền Triết Học Đông Phương đối với người Tây Phương. Mục tiêu nhắm đến là sửa soạn cho mai hậu sự ra đời của một nền Triết Học Thế Giới bằng một Tổng Hợp về mặt Tư Tưởng lẫn Cứu Cánh của hai nền Triết Học Đông-Tây. Hội Nghị cho rằng Tây Phương cần có những viễn cảnh mới mẻ và rộng lớn hơn mà Đông Phương có thể cung cấp nguồn hứng chung cũng như những chủ thuyết riêng cho một cuộc Phục Hưng Tư Tưởng của Nhân Loại.

I) VÀI NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA NỀN TRIẾT HỌC ĐÔNG PHƯƠNG

A) TÍNH ĐA DẠNG, PHỨC TẠP VÀ PHONG PHÚ

Tuy nhiên, công việc nêu trên cũng không dễ thực hiện có lẽ vì hai lý do sau đây:

– thứ nhất tính chất Đa Dạng, Phức Tạp, Phong Phú của nền Triết Học Đông Phương

– thứ hai, Hội Nghị cố tránh thái độ vội vã cũng như khuynh hướng giản dị hóa quá mức trong việc tìm hiểu và đúc kết nội dung của nền Tư Tưởng Đông Phương, là điều có thể gây ra về phía người Tây Phương sự thiếu trân trọng cần có hay ít nhất giảm thiểu những thành kiến, hiểu lầm có khi đạt tới trình độ trầm trọng đáng tiếc đối với nền Tư Tưởng Đông Phương.

Tính chất Phong Phú, Phức Tạp của Tư Tưởng Đông Phương được thấy qua địa bàn rộng lớn của các khuynh hướng Triết Học đôi khi trái nghịch nhau bao gồm các chủ nghĩa Duy Vật hay Duy Khoái Lạc hiện hữu song song với chủ nghĩa Duy Linh của khuynh hướng Nhất Nguyên tuyệt đối cùng với chủ nghĩa Khổ Hạnh tột cùng. Ở đây ta thấy sư có mặt ở cạnh nhau của các chủ nghĩa Tiêu Cực và Tích Cực, Khổ Hạnh xuất thế đi kèm với Hưởng Lạc nhập thế, Nhất Nguyên đi cùng với Nhị Nguyên theo đường lối Cá Nhân chủ nghĩa, nhu cầu Tôn Giáo hiện hữu bên cạnh khuynh hướng Vô Thần hoặc chủ trương “bất khả tri”…..Tóm lại, trong thực tế không thể giản lược hóa nền Triết Học Đông Phương vào một khuynh hướng hay một thái độ sống duy nhất. Điều này cũng thật đối với Tây Phương.

Thật vậy, không những Tư Tưởng Trung Hoa hay Viễn Đông khác với Tư Tưởng Ấn Độ: vấn đề này sẽ được đề cập ở phần sau. Ngay trong nền Triết Học Ấn Độ, bên cạnh Ấn Độ giáo có nhiều hệ phái khác như Charvaka, Janism và Phật Giáo. Trong lòng Ấn Độ giáo, ta gặp nhiều khuynh hướng: không những Vedanta mà còn có Sankhya, Yoga, Mimamsa, Nyaya và Vaiseshika. Ngay Vedanta còn bao gồm nhiều quan điểm khác nhau như của Badarayana, Sankara và Ramanuja…..v.v…..Trong lòng Phật Giáo có sự hiện hữu song song của các khuynh hướng khác nhau như Hiện Thực vời Tương Đối, khuynh hướng Duy Tâm với quan điểm Hư Vô…..v.v….. cũng như tình trạng bất đồng về phương diện Giáo Lý giữa hai hệ phái Tiểu Thừa và Đại Thừa.

Trung Hoa cũng “trình làng” với một “bộ mặt” phức tạp không kém. Nho Giáo với Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử và nhiều nhân vật khác, Đạo Giáo với Dương Chu, Lão Tử, Trang Tử và nhiều người khác, Mặc Giáo, chủ nghĩa Khoái Lạc với Dương Chu và một vài tác giả “khuyết danh” cùng với Tân Nho Giáo ở đời Tống với Chu Hy, đời Minh với Vương Dương Minh và nhiều tác giả khác. Đó là chưa kể đến những cố gắng phát triển và thích nghi của Phật Giáo với môi trường Trung Hoa và Viễn Đông và vô số các cuộc thử nghiệm nhằm Tổng Hợp các khuynh hướng đương thời về mặt Văn Hóa lẫn Triết Học xảy ra ở Trung Hoa vào thời Trung Cổ…..

B) CÁC KHUYNH HƯỚNG TƯ TƯỞNG NỔI BẬT ĐÔNG-TÂY

Ts Shastri trong tác phẩm “The Essentials of Eastern Philosophy” có đề cập đến tinh thần Hoạt Động làm nên chính tinh hoa của đời sống theo quan điểm của người Tây Phương. Ông tiếp tục công việc tổng quát hóa và đưa ra kết luận sau đây :“Văn Minh Tây Phương thực ra là hiện thân của sự Thần Thánh hóa của lòng Ham Muốn” có tính cách “vô hồn, phi tôn giáo và giả tạo” cũng như “quá nhấn mạnh đến con người Cá Nhân”.

Theo Gs C.A. Moore, câu tuyên bố trên của Shastri quá đơn giản để trở thành chính xác. Tuy nhiên theo ông, đặc biệt trong công việc so sánh hai nền Văn Hóa Tư Tưởng Đông-Tây, các yếu tố về nền Văn Minh Tây Phương mà tác giả Shastri có đề cập ở trên là những điều mà người nghiên cứu phải chọn để làm điểm NHẤN MẠNH, mặc dầu trong dòng lịch sử của Tư Tưởng và Văn Minh Tây Phương có nhiều khuynh hướng khác đi ngược lại với quan điểm nêu trên.

Tóm lại, Đông Phương- cũng như Tây Phương- đã biết đến hầu hết các khuynh hướng Triết Học về Đời Sống như Tích Cực và Tiêu Cực, Khoái Lạc và Khổ Hạnh, Nhập Thế và Xuất Thế, Tôn Giáo và Phi tôn giáo, Nhất Nguyên và Đa Nguyên…..v.v…..Bên Đông Phương-cũng như bên Tây Phương- vài Chủ Trương hay Thái Độ Sống tiếp tục tồn tại trong khi các chủ trương khác biến mất theo dòng thời gian. Các chủ trương được tiếp tục bên Đông Phương bao gồm Ấn Độ giáo (đặc biệt trường phái Vedanta theo khuynh hướng của Sankara) , Phật Giáo và Nho Giáo là những trường phái đã chiếm được Ưu Thế, trong khi các khuynh hướng Triết Học khác tương đối đã bị mất ảnh hưởng.

C) HỘI NGHỊ KẾT LUẬN VỀ ĐẶC TRƯNG CỦA TƯ TƯỞNG ĐÔNG PHƯƠNG

1) VỊ TRÍ ƯU TIÊN CỦA THỰC NGHIỆM TRÊN LÝ THUYẾT
a) ĐẠI CƯƠNG

Có một điểm Đặc Trưng có thể làm mẫu số chung cho toàn thể các khuynh hướng của nền Tư Tưởng Đông Phương là cuối cùng mọi nền Triết Học phải nhắm đến mục tiêu THỰC TIỄN. Hệ luận được rút ra là Đạo Đức học hay Triết Lý Nhân Sinh phải làm nền tảng cho Triết Học, và Lý Thuyết chỉ được biện minh qua vai trò hướng dẫn Thực Nghiệm mà thôi!

Mới xem qua có vẻ là điều nghịch lý, nhụng Triết ĐÔNG có tính chất “Thực Tiễn” một cách sâu đậm trong tinh thần cũng như trên thực tế, còn Triết TÂY thì ngược lại. Là vì theo quan điểm Đông Phương, Triết phải gắn liền với Đời Sống và những vấn đè của nó một cách mật thiết; và bên Đông Phương trước kia hiếm khi, nếu có, xảy ra trường hợp Triết nắm giữ vai trò Hàn Lâm tức chỉ có tính cách thuần túy lý thuyết mà thôi !

Trái lại, từ thời đầu tiên ở Hy Lạp, Triết Tây được phát triển theo đà tiến của sự tò mò của con người, tức theo khuynh hướng “biết để mà biết” mà thôi! Do đó, nội dung Triết Tây thường ít gắn liền với đời sống.
b) ẤN ĐỘ
Lấy một thí dụ cụ thể là Triết Lý của Nhà Phật mà điểm khởi đầu theo nội dung của “Tứ Diệu Đế” là một vấn đề Thực Tiễn : đó là sự Đau Khổ của con người trước Sinh, Bệnh, Lão, Tử……Các việc còn lại theo ‘Tứ Diệu Đế” là tìm ra nguyên nhân gây ra đau khổ, nguyên nhân khiến đau khổ được chấm dứt cũng như tìm ra con đường giúp chấm dứt đau khổ. Tóm lại, tất cả các phân tích về các phương diện Tâm Lý, Siêu Hình, Đạo Đức trong Phật Giáo đều nhắm đến mục tiêu đem lại một giải pháp Thực Tiễn cho vấn đề Đau Khổ được nêu ra ở điểm khởi đầu.

Ấn Độ giáo , bao gồm các trường phái Veda, Upanishad, Bhagavad Gita, và tất cả sáu hệ phái Triết Học, cũng chú ý đến khía cạnh Thực Tiễn. Cũng cùng một cảm thức về tình trạng Đau Khổ trong cuộc sống bình thường của cõi nhân sinh- hay ít nhất cảm nhận rằng đời sống không được đầy đủ như mơ ước- là nguồn gốc của vấn đề đã được đặt ra từ thời Upanishad xuyên qua sáu hệ phái Triết Học, và bao gồm cả trường phái phi chính thống Jainism. Tức cũng theo cùng một mô thức với Phật Giáo trong cùng một vấn đề.

Chẳng hạn theo hệ phái Luận Lý Nyaya: “Đau Đớn, Sinh Nở, Hoạt Động, Sai Lạc, Hiểu Lầm, nếu được triệt tiêu theo thứ tự ngược chiều của các điều nêu trên, sẽ kéo theo trạng thái Giải Thoát khỏi thế giới “ta bà” này, là điều kiện cho niềm Hoan Lạc cao độ được đánh dấu bởi sự Thinh Lặng tối hảo. Một người nhờ dựa vào sự hiểu biết chân thực về 16 phạm trù Triết Học , có thể tránh khỏi các điều hiểu lầm nêu trên. Tóm lại giải pháp Thực Tiễn nhằm đạt được trạng thái Giải Thoát đi kèm với niềm“Hoan Lạc cao độ” vừa nêu trên có thể bắt nguồn theo hệ phái Nyaya, từ sự hiểu biết về bản chất của Thực Tại qua 16 phạm trù của chính hệ phái này. Phần trình bày trên cho ta một thí dụ Điển Hình về phương pháp đặt vấn đề và tìm ra giải pháp của nền Triết Học Ấn Độ.

Đối với các hệ phái Sankhya và Vaiseshika, sự bắt đầu theo nghiã đen của Kinh Điển là nhằm thiết định rằng Đau Khổ là vấn dề cần phải vượt qua. Còn với hệ phái Vedanta, đối tượng của việc tìm kiếm là sự hiểu biết về bản chất của Thần Brahman, mà Thần Brahman vô hạn là đầu mối của niềm Hạnh Phúc tột cùng. Tóm lại, với Vedanta động lực tìm kiếm của hành giả bắt nguồn từ một vấn đề Thực Tiễn là vấn đề Hạnh Phúc.

Với trường phái Yoga, mục tiêu của việc “Tập Trung tinh thần” cũng là để giải thoát khỏi Đau Khổ. Cuối cùng với hệ phái Purva Mimamsa, vấn đề khởi thủy là tìm cách xác định bản chất của “Dharma” (bổn phận), và sự tuân theo cũng như thi hành “Dharma” một cách chân thực sẽ kéo theo sự “Cứu Độ”.

c) TRUNG HOA VÀ VIỄN ĐÔNG

Còn với Nho Giáo và các hệ phái Triết Học khác tại Trung Hoa và Viễn Đông thì đông cơ và mục tiêu Thực Tiễn còn đậm nét hơn nữa. Theo Hồ Thích, các phương pháp Luận Lý và Khoa Học của Tây Phương không phải hoàn toàn xa lạ đối với đầu óc của người Trung Hoa và Viễn Đông và có thể tìm thấy trong nội dung lý thuyết của các hệ phái Triết Học không phải Nho Giáo ở các thế kỷ thứ năm, thứ tư và thứ ba trước Công Nguyên.

Có thể tự thân không phải chỉ nhắm vào mục tiêu Thực Tiễn mà thôi, các lý thuyết kể trên xuất hiện ở một trong những trường hợp sau đây: như phải giải quyết một vấn đề Thực Tiễn hay trường hợp hầu như chỉ vì động cơ và mục tiêu thực tiễn hoặc là được giải thích như thế, hay vì lý do lý thuyết bị “bỏ bê” do tính chất không thực tiễn của nó hoặc tại vì khi so sánh, Nho Giáo có tính thực tiễn cao hơn hay là tại vì Nho Giáo nắm giữ ưu thế đối với các nhà Tư Tưởng Trung Hoa và Viễn Đông…..v.v…..

Ngoài ra, lý do xuất hiện của Nho Giáo và các trường phái Triết Học khác cũng là do nhu cầu tìm ra một Giải Đáp cho một vấn đề Thực Tiễn đương thời : đó là tình trạng Hỗn Loạn, Vô Trật Tự cả về mặt Tư Tưởng lẫn điều kiện Sinh Sống của thời kỳ đó. Tuy nhiên cũng đã thấy những dấu chỉ đầu tiên báo hiệu sự xuất hiện của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của lề lối Suy Tư có tính cách xây dựng.

Triết Học đang trên đường đi tìm ĐẠO cũng có nghĩa là tìm con đường hay phương pháp thích hợp cho đời sống cá nhân, nhu cầu xã hội, hoạt động công cộng và sinh hoạt chính quyền nhằm mục tiêu tiến tới một Thế Giới trật tự hơn, hiểu biết hơn, tốt đẹp hơn !

Hơn nữa, Nho Giáo với vai trò lãnh đạo Tư Tưởng ở Trung Hoa và Viễn Đông là một Chủ Thuyết hướng về hành đông Thực Tiễn. Và Khổng Tử có lối tiếp cận rất Khoa Học trong việc xây đắp các lý thuyết của mình. Tuy nhiên có lẽ vì Khổng Tử hướng nhiều đến khía cạnh Nhân Bản với đủ mọi mối liên hệ phức tạp trong xã hội con người, do đó Ông không có đủ thì giờ phát triển tối đa khía cạnh Khoa Học trong Học Thuyết của mình chăng ?

Một người kế thừa Khổng Tử là Tuân Tử , đại diện cho khía cạnh THỰC TIỄN của Nho Giáo còn đi xa hơn Ông về phương diện này với chủ trương Chinh Phục và Sử Dụng Thiên Nhiên cho mục tiêu phục vụ con người thay vì dừng lại ở khía cạnh tìm hiểu Thiên Nhiên một cách vô vị lợi !

Khổng Tử còn phát triển thuyết Chính Danh của mình theo một đường lối rất Thực Tiễn của một lý thuyết về Tổ Chức và Cải Thiện xã hội . Tính chất Nhân Bản và Thực Tiễn của Chủ Thuyết không chỉ hiện hữu ở thời kỳ khởi thủy của Nho Giáo mà còn tiếp tục suốt dòng Lịch Sử cho đến tận Thời Mới với nội dung và phương pháp được trình bày một cách súc tích và đầy đủ trong sách “Đạo Học”.

Ngoài Nho Giáo thì bản chất của các trường phái còn lại như Lão Giáo, Mặc Giáo, Âm Dương, Danh Gia, Pháp Gia cũng đều hướng về khía cạnh Thực Tiễn. Lão Giáo so với các trường phái khác, tuy có vẻ “Siêu Hình” hơn cũng đi tìm Đạo như Nho Giáo tức tìm một con đường Thực Tiễn nhằm giải quyết tình trạng Hỗn Loạn về cả mặt Tư Tưởng lẫn điều kiện Sinh Sống của thời ấy. Giải pháp được Lão Tử đề nghị xuất hiện dưới hình thức của một loại triết lý “Trở Về Với Thiên Nhiên” nhằm phê bình chủ trương Nhân Nghĩa, Lễ Nhạc….. của Nho Giáo.

Dương Chu tuy trên nguyên tắc đồng ý với các Nguyên Lý Siêu Hình mà Lão Tử đã đề ra, nhưng lại có một lối giải thích khá khác biệt với Lão Tử trong việc áp dụng lý thuyết vào một vấn đề Thực Tiễn : thuyết “Vị Ngã” của Dương Chu có “dáng dấp” ít nhất một nửa của chủ nghĩa “Duy Khoái Lạc” (semi.hedonistic) của Tây Phương! Còn Trang Tử thì phát triển một hình thái Huyền Niệm có vẻ cùng cực cùng với một lý thuyết về tính Tương Đối của các khái niệm, nên đi xa hơn Lão Tử về phương diện này Tuy nhiên, Trang Tử vẫn còn giữ lại khía cạnh Thực Tiễn của Thầy mình trong việc giải quyết các vấn đề như được chứng minh qua nội dung của bảy chương căn bản nhất trong tác phẩm của Trang Tử.

Mặc Tử ngược lại, có đầu óc rất Thực Tiễn cả về mặt lý thuyết lẫn thực tế với chủ trương ‘Kiêm Ái” cùng với quan niệm của ông này về Của Cải và Dân Số như la tài sản quý báu nhất của một xã hội. Trong phép “Tam Biểu” của ông gồm ba biểu là “gốc, nguyên và dụng” , về “Dụng” là biểu quan trọng hơn cả, Mặc Tử chủ trương rằng “phải đưa ra làm việc hình chính xem có LỢI cho nhà nước trăm họ hay không ?” Rõ ràng là Mặc Tử với chủ trương “Duy Lợi” nêu trên rất hướng về khía cạnh Thực Tiễn và Ích Dụng của vấn đề!

Ngay các Danh Gia như Huệ Thí với câu tuyên bố “hãy yêu mọi vật bằng nhau vì vũ trụ là Một” cũng có vẻ nhắm vào một mục tiêu Thực Tiễn về mặt Chính Trị là dùng Siêu Hình và Luận Lý để biện minh cho thuyết “Kiêm Ái” của Mặc Tử! Còn phái “Âm Dương gia” thì chú ý tới khía cạnh Thực Tiễn như là một phương pháp Bói Toán hơn là khía cạnh Triết Lý! Cuối cùng, mối bận tâm của phe Pháp Gia có vẻ là đem lại Trật Tự thực tiễn cho xã hội bằng các phương tiện Pháp Lý chăng?.

Nhưng trên hết khía cạnh Thực Tiễn của Tư Tưởng Đông Phương có lẽ được phản ảnh một cách chính yếu qua quan điểm rằng Triết Học không chỉ dành cho một thiểu số Trí Thức, mà trái lại cho đại đa số quần chúng để SỐNG với, mặc dầu trên thực tế, họ chưa hiểu hết ý nghiã của Triết Thuyết. Riêng nhà Triết Học phải cố gắng sống một cuộc đời Đạo Đức cũng như tiếp cận cuộc sống một cách Toàn Diện chứ không chỉ dừng lại ở khía cạnh Trí Thức mà thôi. Lý do là Trí Thức và Thực Tiễn tuy Hai mà MỘT vì người ta sẽ không hiểu hết Chân Lý nếu không thực sống với nó!

2) “VIỄN CẢNH TỐI HẬU”

Ngoài đòi hỏi rằng TRI phải đi đôi với HÀNH, một nét Đặc Trưng khác theo Hội Nghị, là Triết ĐÔNG (Ân Giáo, Phật Giáo, Janism, và có lẽ cả Lão Giáo) rất chú trọng đến tình trạng và vị trí Tối Hậu của con người đối với xã hội và vũ trụ. Và điều trên được phản ảnh qua sự kiện là Giải Thoát (Moksha) luôn là cứu cánh của Ấn Giáo và hệ phái Jainism, cũng như Niết Bàn mới là mục tiêu thực sư của Phật Giáo.

Đường lối giải thích tỏ ra rất là giống nhau giữa các hệ phái liên quan đến bản chất của trạng thái Tối Hậu của người và vật mà Hội Nghị đặt tên là Thực Tại “Liên Tục, Vô Phân Biệt”(Undifferentiated Continuum) thường được mô tả với các từ ngữ như nhất nguyên, phi thế, tiêu cực và dứt bỏ, vượt lên thiện ác, giảm trừ tối đa các sinh hoạt của thế gian, cảm xúc bi quan đối với các giá trị của cõi hiện tượng…..v.v.…..

Tuy nhiên, các điều vừa nêu trên thường xuất phát từ lối giải nghĩa Cực Đoan hiện hữu bên cạnh những lối giải thích KHÁC Ôn Hòa hơn của các hệ phái khác nhau hoặc ngay trong cùng một hệ phái.

3) THỰC TẠI “HAI TẦNG”

Một thí dụ về lối giải thích Ôn Hòa là quan niệm về Thực Tại có “Hai Tầng”: như sự khác biệt giữa “ý kiến và hiểu biết”, “thực tại và biểu hiện”, “thực tại và hiện tượng”…..v.v…..

Ngoài ra, còn có chủ trương của hệ phái Karmayoga đòi hỏi hành giả phải thi hành bổn phận xã hội và đạo đức của mình , nhưng luôn luôn với tinh thần không “bám víu” vào thế giới hiện tượng “ít thật” của sự vật. Quan niệm trên cũng được minh nhiên chấp nhận bởi Phật Giáo, Ấn Giáo và hệ phái Jainism. Mặt khác, lý thuyết về “các tầng” hiểu biết cùng với tinh thần “Karmayoga” cũng được Lão Giáo chấp nhận qua ý nghĩa cao nhất của “Vô Vi” là “không phải là không làm, mà làm theo lẽ Tự Nhiên”.

Để biện minh cho lý thuyết “Hai Tầng” ở trên, có thể đơn cử thí dụ về trường hợp Phật Tổ khi Phật khen ngợi lối sống đạo đức của một Cư Sĩ , hay của Kinh Thần Ca, đại diện cho Ấn Giáo, nhấn mạnh đến các bổn phận và sinh hoạt hàng ngày của hành giả, hay của hệ phái Jainism cho thiết lập một bộ luật Tôn Giáo rất chi tiết dành cho các vị “Chủ Gia Đình”. Tuy nhiên, loại luân lý đạo đức nêu trên, giống như thế giới hiện tượng , chỉ có giá trị rất Tương Đối của một “thực tại hạng nhì” vì tự thân nó không đủ để dẫn dắt hành giả tới cõi Niết Bàn hay trạng thái Giải Thoát thực sự.

4) CHỦ NGHĨA “TIÊU CỰC” (theo định nghĩa của Tây Phương)

Hậu quả của nền Siêu Hình về một Thực Tại “Vô Phân Biệt” hay của tình trạng “Viễn Cảnh Tối Hậu” nêu trên là sự xuất hiện của chủ nghĩa “Tiêu Cực”

Sở dĩ bị gọi là “Tiêu Cực” là vì đứng từ quan điểm của người Tây Phương, chứ người Đông Phương không xem chủ trương của mình là “Tiêu Cực” vì đối với họ, vấn đề chỉ là chuyện từ bỏ một vật có giá trị thấp kém để đạt tới một Thực Tại lớn hơn hay một Giá Trị cao hơn.

Tuy nhiên, nếu như người Tây Phương, xem “Đời là Thực, Đời là chuyện đứng đắn, ” và sẵn sàng đáp “Vâng” với cuộc Đời một cách trọn vẹn, diễn tả Tinh Hoa của một nền triết lý Tích Cực, và nếu “Tích Cực” có nghĩa là chấp nhận cuộc Đời với tất cả hành trang của nó, để mà “sống với” một cách nghiêm chỉnh, một cách đầy đủ trọn vẹn (trong mức có thể), và trong một ý nghĩa nào đó, sống cho chính Cuộc Đời, thì chẳng lạ gì khi các loại thái độ của người Đông Phương đang được bàn đến, ngoại trừ Nho Giáo, bị người Tây Phương xem là “Tiêu Cực”

Nhưng không chỉ có một mà NHIỀU loại thái độ “Tiêu Cực” với những hình thức và mức độ khác nhau ở bên Đông Phương. Thực ra, ít có hệ phái nào đồng ý với nhau trong chi tiết, nhưng một cách chung chung, hầu hết chủ trương rằng phải LÊN ÁN hay ít nhất GIẢM THIỂU các loại sinh hoạt trần tục của Thế Gian này, nhất là thái độ dùng chính chúng như là CỨU CÁNH để biện minh cho chúng!

Trên căn bản của định nghĩa nêu trên, Phật Giáo, Ấn Giáo và có thể cả Lão Giáo, nếu đứng từ căn bản của Chân Lý Tối Hậu, đều có thể gọi là “Tiêu Cực” cả! Quan điểm về trạng thái “Giải Thoát Tối Hậu” giả thiết về sự đánh mất Cá Nhân tính với mọi sự phân biệt đi kèm, cùng với sự Dứt Bỏ cần thiết tùy theo mức độ đòi hỏi của mỗi Giáo Lý. Riêng về các hệ phái xuất phát từ Ấn Độ, thì tiêu chuẩn có thể làm mẫu số chung cho họ về phương diện này có lẽ là sự chấm dứt tiến trình Tái Sinh.

Tuy nhiên, như đà đề cập , thái độ “Tiêu Cực” vừa nêu trên thuộc về loại khuynh hướng có tính cách Cùng Cực, Triệt Để. Còn có một loại “Tiêu Cực” ÔN HÒA hơn được thấy qua chủ trương của hệ phái Karmayoga nhằm dung hòa hai thái độ mới xem có vẻ mâu thuẫn nhau :

_ Thái độ về “Karma” tức một loại “Triết Lý về Hành Động” nhằm áp dụng trong thế giới hiện tượng tương đối này: đó là chủ trương “có những công việc phải làm vì đó là bổn phận” của hành giả.

_ Thái độ Yoga hay “Tự Kiểm Soát” trước nhất Tâm Trí của mình để có thể hành đông mà không “bám víu” vào hành động và kết quả của nó. Mục tiêu nhắm tới là giúp hành giả giữ được “An Bình trong Tâm Trí”.

Và đó có lẽ không phải là quan niệm Hành Động của nhiều người Tây Phương, do đó họ vẫn giữ một cái nhìn TIÊU CỰC về lối hành động nêu trên của người Đông Phương. Thật vậy, thông thường đối với người Tây Phương, Hành Động thực sự thì phải “năng nổ”, “hoạt náo” có thể đạt tới trình độ Náo Động, là phải luôn luôn tỏ ra Bận Rộn nên câu trả lời chúng ta thường nghe ngày nay là “Tôi không có thì giờ. Bận lắm!”. Với người Tây Phương, Hành Động là để tự phát triển các khả năng tiềm tàng nơi mình và nhắm vào mục đích Thành Công, Danh Lợi, của cải, tiền bạc, “hãnh diện vì được người ta biết đến”, đạt được sự Thích Thú vì mạo hiểm. thử thách…..v.v….. Và đó có lẽ là tất cả Mục Tiêu của nhiều người Tây Phương ngày nay. Vậy nên không lạ gì khi họ xem lối sống của người Đông Phương cách chung là Tiêu Cực, Thụ Động…….Nhưng liệu họ có đạt được Hạnh Phúc với lối sống kiểu trên hay không ?

5) NHẤT NGUYÊN LUẬN

Một điểm khác biệt quan trọng khác giữa hai nền Triết Học Đông-Tây là nói chung, Đông Phương thiên vê “Nhất Nguyên luận”, trong khi Tây Phương thì nhấn mạnh quá đáng đến vai trò của con người Cá Nhân.

Nhất Nguyên luận đi tới chỗ cùng cực của nó, được thể hiện qua hệ phái Vedanta của Sankara xem tính chất “Liên Tục, Vô Phân Biệt” như là Thực Tai Tối Hậu. Chủ trương trên từ chối mọi phân chia hữu hạn, đặc thù bị xem là “không thực” hay “không đáng kể”. Hệ phái này đứng từ quan điểm của “viễn cảnh Tối Hậu” mà hệ quả của lối nhìn đó là các ý nghiã và giá trị của con người Cá Nhân đều bị vượt qua, vì chính cá nhân ấy đã bị ”nhập vào” Thái Nhất. Đó là điều mà nhiều người Tây Phương không chấp nhận.

Để biện minh, người Ấn Độ thường lý luận rằng con người đâu có đánh mất Thực Tại mà trái lại đạt được cõi Vô Biên cho mình. Cũng theo họ, con người đâu có đánh mất cái Ngã, mà Tự Hiện Thực bằng cách đồng hóa cái Ngã của mình với Tuyệt Đối. Tức là triển nở cái Ngã của mình vào cõi Vô Cùng. Do đó “Ta là cái Ấy” theo họ, không có nghĩa Hủy Diệt mà là Hiện Thực !

Trường hợp của Phật Giáo có vẻ khó xác định hơn, nhưng tựu trung cũng nằm trong dòng Triết Lý chủ trương Thực Tại là “Vô Phân Biệt”. Do đó có thể nói lý thuyết của Nhà Phật là Phi Ngã vì quan niệm cho rằng chính ý thức về Bản Ngã là nguồn gốc của Đau Khổ và Ác Nghiệp.

Quan điểm của Lão Giáo về Nhất Nguyên có lẽ ít triệt để hơn Ấn Giáo. Theo Lão, Đạo mới là Thực, là Một, là Nhất Thể. Đạo cũng sinh ra “Đa” nhưng đó chỉ là Biểu Hiện ở bên ngoài mà thôi. Lão từ chối chủ trương “Đa Nguyên siêu hình” vì theo Lão “Đa” không làm nên Thực Tại . Tuy nhiên, đồng thời và có lẽ khác với Ấn Giáo của Sankara, Lão có vẻ không chủ trương rằng ‘Đa” bị “cuốn hút” hoàn toàn vào “Nhất” . Lý do là mỗi cá thể muốn tuân theo Đạo một cách tối hảo nhất, thì trên thực tế phải tuân theo cái Đức, cái Tính của mình. Vì “Đa” do “Nhất” sinh ra, nên có lẽ vì vậy theo Lão không “phi thực”, tuy nhiên “Đa” chỉ ” thực nhất” khi tuân theo Đạo một cách tuyệt đối. Tựu trung, khuynh hướng của Lão là “Nhất Nguyên”, tuy không triệt để như Ấn Giáo.

6) HƯỚNG VỀ TINH THẦN

Một nét Đặc Trưng khác của Triết Học Đông Phương so với Tây Phương theo Hội Nghị, là nói chung Đông Phương thiên về khía cạnh TINH THẦN hơn Tay Phương, theo nghĩa là Đông Phương chú ý đến Ý Nghiã, Giá Trị của Sự Vật hay của Đời Sống hơn là chính Sự Vật và Đời Sống. Tây Phương trái lại có vẻ lo Sống hơn là Suy Nghĩ về Đời Sống!

Do đó, câu tuyên bố ở trên của Ts Shastri có thể hơi quá đáng nhưng cũng có chứa đựng một phần Sự Thật rằng “Văn Minh Tây Phương thực ra là hiện thân của sự Thần Thánh hóa của lòng Ham Muốn” có tính cách “vô hồn, phi tôn giáo và giả tạo” cũng như “quá nhấn mạnh đến con người Cá Nhân”.

Ngoài ra, do hai khuynh hướng Tiếp Cận sự vật và đời sống cũng như lối Nhấn Mạnh khác nhau, thiên về Tinh Thần hơn với Đông Phương và thiên về Vật Chất hơn với Tây Phương mà hệ quả là đưa tới hai lối Giải Thích cũng như hai Thái Độ Sông khácnhau, mặc dầu cả hai đều có một mối bận tâm và loại vấn đề phải giải quyết giống nhau lúc ban đầu.

Hãy lấy thí dụ về vấn đề “chủ nghĩa Khoái Lạc” để tìm hiểu về lối Tiếp Cận khác nhau của đôi bên.

CHỦ NGHĨA KHOÁI LẠC

Trong một nghĩa nào đó, Tư Tưởng Đông Phương cũng có mối liên hệ với khuynh hướng Khoái Lạc (Hedonistic). Chẳng hạn, chủ trương của Ân Giáo một mặt là tìm cách thoát khỏi tình trạng Đau Khổ của thế giới ta bà này bằng một trong hai phương pháp: “Moksha” (= Giải Thoát) hay “Bliss” (= Hoan Lạc với Thần Brahman). Mặt khác Ấn Giáo có vẻ không chú ý tới khía cạnh Đạo Đức, ngoài việc sử dụng Đạo Đức như phương tiện giúp tiến tới mục tiêu “hoan lạc” nêu trên! Phật Giáo cũng nhắm tới mục tiêu Giải Thoát tương tự với cùng đích của hành giả là “nhập Niết Bàn” tức cũng nhắm tới mục tiêu “hoan lạc” như Ấn Giáo. Do đó, ta có thể gọi chủ trương trên ít nhất bằng nhóm chữ “Khoái Lạc Tiêu Cực”!

Trung Hoa và Viễn Đông với quan niệm “Sống Giản Dị và Ham Muốn Vừa Phải” có thể áp dụng cho cả Lão lẫn Nho, cũng là một loại chủ trương “Hưởng Lạc” khác!

Tuy nhiên có một sự Khác Biệt nền tảng giữa quan niệm “Hưởng Lạc” của Đông Phương và chủ nghĩa Khoái Lạc của Tây Phương. Lý do là với Đông Phương, ta có thể áp dụng một lối nhìn KHÁC đối với cả Ấn Giáo lẫn Phật Giáo mà Giáo Lý vừa được trình bày ở phần trên dưới một khía cạnh mà thôi!

Thật vậy, dưới một góc độ khác, “Moksha”(=Giải Thoát) và “Nirvana”(=Niết Bàn) không chỉ có nghĩa là “giải thoát khỏi đau khổ” , mà còn là “giải thoát khỏi các điều kiện hạn chế và phân chia của cõi hiện tượng tương đối. Các trạng thái siêu tuyệt nêu trên là thành quả của công phu tu luyện nhằm đạt được Thực Tại tối hậu: vậy nên, đó không phải là “chủ nghĩa Khoái Lạc” theo nghĩa thông thường! Ngoài ra, Giáo Lý còn đòi hỏi nơi hành giả sự trong sạch Tâm Hồn cũng như thái độ Đạo Đức nơi ý nghĩ, lời nói, hành động nữa!

Điều trên cũng có thể áp dụng cho Trung Hoa, Viễn Đông, Nho Giáo và Lão Giáo !

Trái lại, chủ nghiã Khoái Lạc bên Tây Phương cũng có nghĩa là “Duy Khoái Lạc” và đặt Luân Lý, Đạo Đức trên căn bản của số lượng Khoái Lạc được hưởng thụ. Chủ nghĩa này không công nhận việc từ bỏ hay tiết chế khoái lạc bằng cách nhân danh một giá trị cao hơn!

Đó chính là sự Khác Biệt nền tảng giữa Đông Phương và Tây Phương, giữa lối nhìn TOÀN DIỆN của thế giới Tinh Thần và lối nhìn MỘT CHIỀU của thế giới Vật Chất!

D) VAI TRÒ GIÀN HÒA CỦA NHO GIÁO VỚI CUỘC TỔNG HỢP ĐÔNG-TÂY

Phần trình bày trên đây cho ta thấy là có quá nhiều Khác Biệt giữa hai nền Văn Hóa, Đông-Tây về các khía cạnh lối sống, cảm nghĩ, suy tư…..Khác Biệt có nhiều khi đạt đến mức độ Trái Nghịch nhau nữa. Do đó, có người đặt vấn đề rằng mới dừng lại ở giai đoạn tìm Giải Pháp cho mục tiêu Thông Cảm giữa đôi bên thôi mà đã là chuyện khó khăn rồi, do đó có lẽ khoan vội nói tới việc Giàn Hòa hai nền Tư Tưởng Triết Học nhằm đạt đến một cuộc Tổng Hợp Đông-Tây chăng ?!

Tuy nhiên, nếu nghiên cứu một cách thấu đáo để có một cái nhìn Toàn Diện hơn, thì tình hình có vẻ không dến nổi “u ám “ như vậy! Thật vậy, giữa hai cực Vô của Ấn Độ và Hữu của Tây Phương , con đường thứ Ba với vai trò Giàn Hòa nổi bật của Nho Giáo, nhất là Việt Nho, có vẻ đang “ló dạng” ở phía chân trời Văn Hóa, Triết Học của Nhân Loại! Chúng ta bắt đầu xét lại từng đề mục để xem có vai trò nào được dành cho sự đóng góp của Nho Giáo nói chung và Việt Nho nói riêng chăng?

1) LÝ THUYẾT VÀ THỰC NGHIỆM

Hôi Nghị có nhận xét rất Đúng rằng Triết ĐÔNG nhấn mạnh đến khía cạnh THỤC TIỄN vì quan niệm rằng Triết phải gắn liền với Đời Sống và vai trò của Lý Thuyết chỉ được biện minh như dẫn đường đến Thực Tiễn mà thôi! Tây Phương thì khác vì thiên về khía cạnh “biết để mà biết”.

Có lẽ vào thời rất xa xưa ở Tây Phương, khi Triết Học còn gắn liền với Minh Triết, thì Tây Phương cũng có quan niệm giống như Đông Phương là TRI phải đi đôi với HÀNH. Nhưng Triết Cổ Điển với Socrates chủ trương rằng “Tri” có thể không đi đôi với “Hành” vì chủ trương“biết để mà biết” mà thôi, vì theo Socrates “Biết đã là nhân đức” rồi thì cần gì phải Làm nữa! Thì từ đó, Triết Học trở thành Duy Lý, hàn lâm, xa rời với đời sống cụ thể và các vấn đề của nó. Nhưng ngày nay, với các nhóm Hiện Sinh và Hiện Tượng luận, Tây Phương đã bắt đầu ý thức về sự sai lầm của Socrates và đang tìm cách sửa sai. Riêng Nho Giáo với thuyết “Tam Tài” luôn hướng về Hành Động, và đường lối trên còn được minh nhiên hóa với lý thuyết “Tri Hành Hợp Nhất” của Nho Sĩ Vương Dương Minh nữa.

Về ý nghiã của từ ngữ “Thực Tiễn (practical), Hội Nghị có đưa ra hai lối giải thích:

_ lối thứ nhất áp dụng cho Ấn Giáo : khi nói Ân Giáo thiên về ‘Thực Tiễn” thì phải hiểu rằng Ấn Giáo sử dụng Giáo Lý như là một phương tiện để đạt được mục tiêu Giải Thoát hay Cứu Độ, hoặc Thể Nghiệm tâm linh. Và theo Hội Nghị, ở đây người Tây Phương có thể học hỏi điều này với người Đông Phương rằng các giá trị Tối Hậu như Giải Thoát hay Niết Bàn cũng có thể là Tinh Hoa của Thực Tiễn!

_ Trái lại, ý niệm “Thực Tiễn” có một ý nghĩa khác đối với người Tây Phương: thường hiểu như Hoạt Động, Bận Rộn, tình trạng“ bị nuốt trôi vào cái tức thì, khoảnh khắc”, “thường thiếu đường hướng hay giá trị tối hậu”…….

_ Tóm lại, Ấn Độ có lối nhìn dài hạn đối với ý niệm “Thực Tiễn”, còn lối nhìn của Tây Phương có tính cách ngắn hạn. Cũng theo Hội Nghị, Trung Hoa và Viễn Đông với thuyết Trung Dung có lập trường lành mạnh nhất nên tránh được cả hai khuynh hướng cực đoan của Ấn Độ lẫn Tây Phương. Thật vậy, người Viễn Đông không bận tâm đến vấn đề Giải Thoát, Cứu Độ hay kinh nghiệm Tôn Giáo, cũng không bị “nô lệ” cho những cái hiện tiền, tức thì, trần tục…..

2) VIỄN CẢNH TỐI HẬU VÀ THỰC TẠI “HAI TẦNG”

Đối với phần lớn người Tây Phương thì Đông Phương nói chung và Ấn Độ nói riêng thường có thái độ Cực Đoan trong Triết Học và Tôn Giáo như thói quen đặt vi trí của con người trong “viễn cảnh Tối Hậu” đối với xã hội và vũ trụ hoặc sử dụng những ý niệm cùng cực, triệt để như Giải Thoát, Cứu Độ……

Họ cũng thường không biết là đã có những lối giải thích Ôn Hòa hơn như quan niệm về Thực Tại “Hai Tầng” hoặc lý thuyết về Hành Động của hệ phái Karmayoga chủ trương “làm bổn phận chỉ vì bổn phận mà không “bám víu “ vào gì cả” !

Nhưng mục tiêu của lý thuyết “Thực Tại Hai Tầng” cũng như Karmayoga cũng chỉ là để điều chỉnh tính chất Cùng Cực, Triệt Để, quá đáng của ý niệm“viễn ảnh Tối Hậu” trong Ấn Giáo và các lý thuyết tương tự mà thôi, chứ chưa được dành cho ghế Danh Dự như thuyết TRUNG DUNG của Vương Nho hay AN VI của Việt Nho mà các Nguyên Lý Siêu Hình đã được đặt căn bản từ đợt căn cơ trên thuyết Tam Tài của Dịch Lý. Do đó, Trung Dung hay An Vi mới có khả năng Giàn Hòa được Hữu Vi của Tây Phương và Vô Vi của Ấn Độ.

3) TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC

Nếu Hữu Vi kéo theo tính “Tích Cực” của người Tây Phương và Vô Vi là nguyên nhân của thái độ “Tiêu Cực” của người Ấn Độ và những người có triết lý Sống tương tự. Và theo Hôi Nghị, Trung Hoa và Viễn Đông mới có thái độ “Trung Dung”.

Tiết Chế, Ôn Hòa, Điều Độ là những nét Đặc Trưng của Trung Hoa và Viễn Đông, mà theo Hội Nghỉ là kết quả tốt đẹp mà ‘Tam Giáo Đồng Nguyên” đã đem lại với “khẩu hiệu” “Sống Giản Dị và Ham Muốn Vừa Phải”. Tuy nhiên, cũng theo Hội Nghị, Lão Giáo có tính cách ‘Tiêu Cực” hơn nhiều khi so với Nho Giáo. Vì mục tiêu của Lão không phải là sống trọn vẹn đầy đủ mà là Sống Thọ và Hài Lòng. Thật là trái ngước với lối sống của người Tây Phương đã được đề cập ở phần trên.

Trái lại, Trung Dung của Nho không có nghĩa là “nửa nạc nửa mỡ” như có người hiểu, mà là, nếu lấy Tâm Lý mà xét, dung hòa Tình với Lý tới mức độ lý tưởng là ‘3 Tình 2 Lý” và dùng Chí để đẩy tương quan nêu trên tới mức “Chí Thiện”. Vì “Quân Tử vô sở bất dụng kỳ cực” có nghĩa là “không làm thì thôi, mà đã làm thì cố gắng làm cho tới nơi tới chốn”.

Do đó, so với Lão, Nho sống tích cực hơn nhiều, vì An Vi là một Triết Lý về Hành Động, nhưng cũng khác với Tây, An Vi là làm vì Nghĩa, chứ không làm vì bị cưỡng bách, vì lợi, vì danh….Do đo, Vương Nho với thuyết Trung Dung, Việt Nho với thuyết An Vi mới có khả năng giàn hòa được Vô Vi của Ấn Giáo và Lão Giáo với Hữu Vi của Tây Phương.(1)

KẾT LUẬN

Phần trình bày trên cho ta thấy lý do tại sao Nho Giáo đã được Hội Nghị Triết Học Thế Giới lần thứ nhất năm 1939 và lần thứ hai năm 1949 chọn để đóng vai trò Giàn Hòa Đông Tây về mặt Tư Tưởng, Triết Học từ tương quan giữa “Lý Thuyết và Thực Tiễn” qua vấn đề“ Viễn Cảnh Tối Hậu và Thực Tại Hai Tầng” đến mối liên hệ giữa hai yếu tố “Tích Cực và Tiêu Cực” trong thái độ Sống cũng như trong các lãnh vực khác….. Đối với tất các vấn đề nêu trên, Vương Nho với thuyết TRUNG DUNG, Việt Nho với thuyết AN VI đã chứng tỏ Khả Năng Siêu Đẳng trong việc Hóa Giải mâu thuẫn, bắt nhịp cầu Thông Cảm giữa Đông và Tây cũng như chỉ tỏ ra cho Nhân Loại Hướng Tiến Chung trong thời gian sắp tới. Do đò, Khổng Tử tỏ ra xứng đáng khi tại Hội Nghị Thế Giới về Triết Học được tổ chức vào năm 1949 tại Honolulu, Ông đã được bầu làm Nhạc Trưởng cho cuộc Hoà Tấu Đông-Tây mai hậu.
Lê Việt Thường


CHÚ THÍCH

(1) Charles A. Moore, “Philosophy – East and West”, Princeton University Press, Second Ptinting, USA, 1946

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét