Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

Trái đất nóng dần nhưng ngày càng xanh hơn



(Theo LiveScience.com)


Mặc dầu hãy còn nhiều tranh luận, nhưng hầu hết giới khoa học bây giờ đều đồng ý rằng khí hậu địa cầu đang ấm lên và sẽ gây nhiều hậu quả tai hại khó lường cho sinh hoạt của nhân loại trong tương lai. Những quan điểm phản bác sự kiện này hầu hết có nguồn gốc từ chính trị hay quyền lợi kinh tế và dần dần tỏ ra bị kém thế.





MẶT ĐỊA CẦU CHỈ CÒN LẠI ÍT NƠI HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ CÂY CỎ (KHOẢNG TRẮNG), NHƯ SA MẠC SAHARA, GOBI, Á RẬP, HAY VÙNG BĂNG TUYẾT. (HÌNH: BOSTON UNIVERSITY/R. MYNENI/VIA AP)


Nhưng theo nghiên cứu mới nhất, cùng với tình trạng nhiệt độ tăng lên, trái đất ngày càng xanh hơn. Nhiều vùng xưa kia băng giá bao phủ, đất trơ trụi hay chỉ là hoang mạc bây giờ cây xanh mọc lên. Trong hơn ¼ thế kỷ, từ 1982 đến 2009, cây cỏ che phủ một diện tích ngang với nội địa nước Mỹ.

Cây xanh là tốt với đời sống con người, tuy nhiên hiện tượng ấy đi cùng với những nguy cơ khác, và mọi sự không phải mãi mãi chuyển biến theo chiều hướng hiền hòa như thế. Vì vậy chưa thể biết hậu quả về lâu về dài sẽ như thế nào.

Tình trạng địa cầu ấm dần là do một hiệu ứng tương tự như ở các nhà kiếng để trồng cây. Các loại khí thải công nghệ, nhiều nhất là khí carbonic (CO2) tập trung trong bầu khí quyển tạo nên một lớp gọi là ‘khí nhà kiếng’ ngăn cản bức xạ nhiệt từ mặt đất thoát ra ngoài không gian.

Phản ứng quang hợp, hấp thụ khí carbonic và phối hợp với ánh sáng mặt trời, làm cây cối tạo ra nhựa để sống. Sự gia tăng khí carbonic giúp cho cây cối phát triển mạnh hơn. Chừng 32% diện tích mặt đất có cây cối bao phủ. Ngày nay, mỗi năm, những hoạt động của con người – bao gồm chạy xe, tàu, máy bay và năng lượng tiêu thụ ở các nhà máy – phát ra khoảng 10 tỷ tấn khí carbonic và phân nửa số này được giữ lại trong cây cối.

Zichun Zhu, nhà nghiên cứu thuộc Đại Học Bắc Kinh, nói rằng “sự xanh tươi của cây cỏ có thể làm thay đổi hoàn toàn chu trình chuyển hóa của nước và carbon trong hệ thống khí hậu.”

Đồng tác giả của bản nghiên cứu được đăng trên tạp chí Live Science số phát hành tháng Năm, giáo sư Shilong Piao, phân khoa Khoa Học Đô Thị và Môi Trường, Đại học Bắc Kinh, giải thích: “Nghiên cứu của chúng tôi không đề cập về hiện tượng xanh tốt và lượng carbon tích tụ trong thảo mộc, nhưng các nghiên cứu khác đã cho biết có sự gia tăng carbon trong đất kể từ thập niên 1980 phù hợp với hiện tượng mặt đất xanh tốt hơn.”

Tuy nhiên, chưa rõ mặt đất xanh cây cỏ như các dữ kiện thu được bằng vệ tinh trong những năm gần đây có thể được giải thích bằng sự tập trung khí carbonic trên tầng cao của bầu khí quyển hay không (lượng khí thải tập trung lớn nhất của địa cầu từ 500,000 năm nay). Thêm nữa, mưa, nắng, nitrogen trong đất và việc sử dụng đất đai cũng tác động đến sự phát triển cây cỏ.

Phối hợp tất cả dữ kiện do vệ tinh cung cấp và những mẫu lập ra bằng toán học cũng như mô phỏng của máy điện toán, toán nghiên cứu của Đại Học Bắc Kinh kết luận rằng 70% sự xanh tốt của cây cỏ là do từ khí carbonic tập trung trong bầu khí quyển.

Một đồng tác giả khác, Ranga Myneni, khoa học gia đất và môi trường ở Boston University, nói rằng “tác động quan trọng thứ nhì là nitrogen, ảnh hưởng khoảng 9%. Như vậy có thể thấy rõ vai trò của khí carbonic như thế nào.”

Dù cho cây xanh là đáng mừng, quá nhiều khí thải carbonic vẫn đem đến một loạt hậu quả đáng ngại, bao gồm địa cầu ấm dần, băng tan, nước biển dâng cao và những hiện tượng nguy hiểm trong thời tiết.

Philippe Ciais, phó giám đốc Phòng Thí Nghiệm Khoa Học Khí Hậu và Môi Trường ở Gif-sur-Yvette, Pháp, giải thích thêm: “Những nghiên cứu đã cho thấy cây cối có thể thích nghi, hay điều chỉnh, với tình trạng tập trung khí carbonic và đất kém màu mỡ theo từng thời gian.” (HC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét