Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Ảo tưởng tài năng, lạm phát lời tâng bốc!







Lâu nay, các phát ngôn thái quá, ảo tưởng về tài năng và những lời khen có phần quá đáng trên báo chí như đã trở thành hiện tượng phổ biến trong sinh hoạt xã hội. Và hệ quả là chúng ta được chứng kiến sự “lên ngôi” của thói phù phiếm, mà xét từ bản chất thì đã đến lúc cần được cảnh tỉnh.

Chúng ta đều biết bóng đá là bộ môn thể thao được ưa thích tại Việt Nam với hàng triệu người hâm mộ. Nhưng sự thất thường của bóng đá Việt Nam tại các giải đấu chính thức từ khu vực đến châu lục đang đặt ra câu hỏi về khả năng thật sự của cầu thủ, huấn luyện viên, về chiến lược phát triển bóng đá. Tuy nhiên, sự tự tin của người trong cuộc cùng người hâm mộ, lại được nuôi dưỡng một phần là do sự tâng bốc của báo chí. Thường là mỗi giải đấu nào đó bắt đầu là nhiều người lại đặt kỳ vọng quá cao, và khi giải đấu kết thúc với thất bại của đội tuyển hoặc câu lạc bộ là lập tức truy nguyên thất bại, và thường trút lên huấn luyện viên, lãnh đạo ngành bóng đá. Thậm chí vì quá tin vào chất lượng lứa cầu thủ trẻ của câu lạc bộ nọ, bất chấp việc lứa cầu thủ này mới có một mùa giải thất vọng, người ta lại đổ lỗi cho huấn luyện viên đội tuyển. Nào là có biểu hiện trù dập cầu thủ, chê bai đội bóng khác chơi rắn, thô bạo, nào là cầu thủ trẻ chỉ có cơ hội phát triển khi thi đấu tại môi trường đỉnh cao bóng đá nước ngoài! Và trong các ảo tưởng mà một số người đã khoác lên cho bóng đá Việt Nam, phải nhắc tới sự kiện tại buổi ký hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ trẻ nọ với CLB bóng đá đang thi đấu ở giải hạng hai của Nhật Bản, một Phó Chủ tịch VFF đã cao hứng phát biểu: “Xin gửi gắm…, cháu phải cố lên. Khi đến với CLB Mito, phải thể hiện bản lĩnh một con người Việt Nam mà ngày xưa, cách đây hơn 40 năm chúng ta từng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Ông Phó Chủ tịch VFF đưa ra một so sánh thiết nghĩ cần cẩn trọng cân nhắc trước khi công bố. Vì, dù ký kết hợp đồng quan trọng thế nào thì vẫn liên quan lợi ích của một cá nhân hay tổ chức (mà thực chất là bán sức lao động lấy tiền) nên không thể so sánh giữa ký kết hợp đồng – một việc rất bình thường trong bóng đá chuyên nghiệp, với hành động cao cả của cha anh chúng ta mấy chục năm trước vượt Trường Sơn, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Sau thất bại trên các đấu trường ở cấp đội tuyển và câu lạc bộ, có vẻ bóng đá Việt Nam vẫn chưa nhiều tiến bộ. Hy vọng các cơ quan hữu quan xem xét, nghiên cứu để hoạch định một chiến lược phát triển bóng đá thích hợp, có hiệu quả.

Từ bóng đá nhìn rộng ra, có thể nói căn bệnh ảo tưởng như đang có nguy cơ trở nên phổ biến và trầm trọng. Như ngày 18-11-2015, một buổi họp báo đình đám đã được tổ chức để công bố sự kiện công ty MSN của Hàn Quốc trao giải “ngôi sao châu Á xuất sắc nhất” cho một ca sĩ Việt Nam có chất giọng trung bình. Tại đó, ca sĩ tiết lộ một người đẹp vốn nổi danh vì phát ngôn gây sốc, khoe ảnh khoe thân hơn là sự nghiệp biểu diễn thời trang cũng được MSN vinh danh là “nghệ sĩ trẻ châu Á”. Và nam ca sĩ không giấu tự hào khi khẳng định “đó là sự ghi nhận, đánh giá của những người có chuyên môn, kinh nghiệm… là việc làm khôn ngoan của những cái đầu lớn…” và “Giải thưởng Văn hóa – Giải trí Hàn Quốc (KCEA) là một giải thưởng uy tín do do Bộ Văn hóa – Giải trí Hàn Quốc phối hợp với Hiệp hội người mẫu châu Á tổ chức”. Còn nhà quản lý của người đẹp thì chia sẻ: “Để trao giải thưởng này…, họ đã tìm hiểu rất kỹ, đo lường, đánh giá từ nhiều nguồn khác nhau chứ không phải bỗng dưng mà chọn”. Kỳ lạ là nếu danh tiếng giải thưởng đúng như lời nam ca sĩ và vị đại diện người mẫu khẳng định thì tại sao chỉ có vài ba tờ báo tiếng Hàn đề cập tới sự kiện này?

Ở đây có sự nhầm lẫn (vô tình hay cố ý?) về tên gọi giữa Giải thưởng Văn hóa – Giải trí Hàn Quốc – KCEA, của công ty tư nhân MSN với Giải thưởng Văn hóa đại chúng và nghệ thuật – KCAA, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước này tổ chức. Lại nữa, ở Hàn Quốc cũng không có cơ quan nhà nước nào có tên gọi là “Bộ Văn hóa – Giải trí”. Trong khi, KCAA là giải thưởng uy tín, thường được tổ long trọng vào cuối tháng 10 hằng năm, thì KCEA chỉ là giải thưởng nhỏ, ít người quan tâm. Sau 22 lần tổ chức, KCEA chỉ được các nghệ sĩ Hàn Quốc mới chân ướt, chân ráo vào nghề chú ý. Năm nay, KCEA tổ chức vào ngày 26-11 trùng với giải Rồng Xanh (một giải thưởng quan trọng của điện ảnh Hàn Quốc), nên hầu hết các ngôi sao Hàn Quốc nổi tiếng đều từ chối dự giải thưởng của họ. Có lẽ vậy, KCEA phải tìm đến một số nghệ sĩ khu vực châu Á như một giải pháp tình thế, lôi kéo sự chú ý của công chúng. Tuy nhiên, ngôi sao điện ảnh Nhật Bản K.Wantanabe (Oăn-ta-na-be), ngôi sao võ thuật Thái-lan T.Jaa (T.Ja) đều không có mặt trong buổi lễ, thay vào đó là nghệ sĩ đến từ Trung Quốc, Thái-lan, Việt Nam. Trên thực tế, danh hiệu “Ngôi sao châu Á xuất sắc nhất 2015” chỉ là một trong nhiều kỷ niệm chương “siêu sao khu vực châu Á” (Asia Superstar) được MSN trao, không nằm trong hệ thống giải chính thức của KCEA hay đơn vị tài trợ Hiệp hội người mẫu châu Á. Và đã không đến dự lễ trao giải của KCEA, K.Watanabe và T.Jaa còn làm tổ chức này “phiền lòng” khi họ vẫn đăng tải hoạt động đóng phim, sinh hoạt thường nhật của mình trong khi chính buổi “lễ trọng đại vinh danh” họ đang diễn ra…

Chuyện chưa lắng thì cuối tháng 12-2015, việc đại diện Việt Nam không đạt được kết quả như ý tại chung kết Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu hoàn vũ tiếp tục là đề tài gây tranh cãi trên mạng xã hội và nhiều báo điện tử. Thắng thua vốn chuyện thường tình của mọi cuộc thi, nhưng có vẻ các người đẹp và một bộ phận khán giả Việt Nam không cần hiểu vấn đề. Họ quá tin vào mấy màn trình diễn của bản thân, mấy lời nhận xét xã giao của một số người nổi tiếng, sự bình chọn của khán giả nhà thay vì chú ý tới nỗ lực từ đại diện của các quốc gia khác. Đến khi bị loại, họ đưa ra đủ mọi lý lẽ cho rằng kết quả bị dàn xếp, ban giám khảo cố tình thay đổi thể lệ cuộc thi, thiên vị thí sinh khác và trù dập người đẹp Việt Nam. Nhiều khán giả quá khích còn lên fanpage chính thức của hai cuộc thi sắc đẹp này trên facebook để phê phán, lăng mạ ban tổ chức cùng các đương kim hoa hậu, gây ra ấn tượng xấu trước bạn bè quốc tế về người Việt Nam. Thậm chí, có người còn đề nghị tẩy chay cuộc thi, rồi “suy tôn” hai người đẹp là Hoa hậu thế giới, Hoa hậu hoàn vũ trong mắt… người hâm mộ Việt Nam! Ít ai chịu nhìn thẳng vào thực tế là đứng sau các cái tên hoa mỹ Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Trái đất là các tập đoàn truyền thông hùng mạnh, các thương hiệu thời trang lớn. Hoa hậu sẽ là gương mặt đại diện, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp này trong suốt một năm (hai người đẹp Việt Nam đã từng chiến thắng tại các cuộc do hai công ty tư nhân là Elite Việt Nam, Hoàn Vũ Sài Gòn tổ chức cũng phải đáp ứng các yêu cầu như vậy). Ngoài gương mặt và thể hình, họ còn phải sở hữu kỹ năng trình diễn, giao tiếp, vốn ngoại ngữ tốt… Nên không ngẫu nhiên, ngôi hoa hậu thường là về tay người mẫu chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản từ khi còn rất trẻ.

Nhưng ở Việt Nam, đó là câu chuyện hoàn toàn khác, khi một số người đẹp đang sống bằng danh hiệu “hoa hậu”. Họ liên tục xuất hiện trong nhiều sự kiện lớn nhỏ với xe hơi đắt tiền, trang phục và trang sức sang trọng, song nguồn gốc của mấy thứ này lại luôn là điều nghi vấn, khi một số người trong số họ cho đến nay chưa hề có công việc đem lại thu nhập cao, ổn định? Mỗi dòng thông báo, hình ảnh được họ chia sẻ lên mạng xã hội là nhanh chóng nhận được sự tung hô, tán dương ồn ào của một bộ phận công chúng. Xét từ vẻ ngoài của sự hào nhoáng, dường như “hoa hậu” là một công việc hái ra tiền nhất là khi nhiều người đẹp đã bỏ công sức tham dự các cuộc thi lớn nhỏ trong và ngoài nước bất chấp cả việc đăng ký “chui”, trái quy định pháp luật để giành “vương miện”. Năm 2010, một người mẫu từng bị gán biệt danh là “người đẹp nói dối” sau khi lập lờ về giải thưởng mà mình nhận được trong mấy cuộc thi hoa hậu vô danh ở nước ngoài. Ngày 16-11-2015, cuộc thi Người đẹp du lịch Huế lại bị xử phạt vì cố tình “tự phong” vương miện hoa hậu. Ngày 30-11-2015, một người khác đứng trước án phạt khi đăng ký “chui” và giành vương miện tại một cuộc thi hoa hậu ở nước ngoài. Khi nhu cầu được biết đến, được nổi tiếng nhờ vương miện hoa hậu như ngày một tăng, và như là tỷ lệ thuận với một số sự vụ tiêu cực, lại không khỏi băn khoăn, nghi ngờ tính mục đích của các cuộc thi người đẹp.

Danh tiếng, lợi ích hay đơn giản là nhu cầu được nhắc đến trên báo chí, truyền thông khiến không ít người rơi vào tình trạng ngộ nhận về bản thân hoặc có cái nhìn sai lệch về một số hiện tượng trong đời sống văn hóa, xã hội. Khi đặt cái tôi lên trên hết, lại được dư luận cưng chiều, vuốt ve con người rất dễ ngộ nhận về mình, để khi thất bại thì coi đó là bị đối xử bất công, mà quên rằng danh tiếng chỉ có được khi mỗi người luôn khiêm tốn bền bỉ phấn đấu, tự chứng tỏ được tài năng đích thực. Đáng tiếc, thay vì khổ công rèn luyện, có người lại mải mê cố chạy theo cái danh phù phiếm. Trong bất cứ lĩnh vực hoạt động xã hội nào, mong muốn được xã hội ghi nhận và tôn vinh là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, ghi nhận, tôn vinh chỉ thật sự có ý nghĩa khi được đặt trong, được xem xét từ quan hệ giữa công sức đóng góp của mỗi người với hiệu quả của hoạt động trước xã hội, công chúng. Chạy theo những gì phù phiếm, hoặc ảo tưởng sẽ rất dễ mang lại sự chê cười, thậm chí là đáng thương trước mắt cộng đồng.

VIỆT QUANG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét