" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016
Thì ra nói chuyện cũng là một loại tu dưỡng!
Tác giả: Theo letu.life | Dịch giả: Minh Nữ
Vương Dương Minh là một nhà tư tưởng nổi tiếng đời Minh. Có một lần, ông cùng học trò ra ngoài du ngoạn. Bên đường có hai người đang cãi nhau kịch liệt. Một người mắng: “Ngươi thật không biết thiên lý là gì”. Người kia phản bác: “Ngươi mới thật là không có lương tâm”. Cậu học trò liền quay sang nói với Vương Dương Minh: “Thầy xem, họ đang giảng đạo lý kìa”. Vương Dương Minh đáp: “Không, là họ đang chửi mắng người khác”. Dùng thiên lý và lương tâm để yêu cầu bản thân mình thì mới đúng là giảng đạo lý; dùng nó để yêu cầu người khác thì chính là mắng chửi người ta.
Trong đối nhân xử thế giữa người với người, nói chuyện chính là một loại tu hành thực tế, lời nói tán dương khen ngợi cũng là một loại thiện hạnh. Chuyện thị phi thường có nguyên nhân từ cái miệng; người nói, người nghe, lại có thêm người thứ ba vô tâm bàn luận khuấy đảo thị phi, khiến sự việc xấu càng thêm xấu. Bởi vậy mới có câu: “Dao ngôn chỉ vu trí giả”, những tin đồn vô căn cứ truyền đến tai người thông minh thì không thể tiếp tục truyền được nữa.
Người với người gặp nhau đã khó, được cùng nhau tề tựu một nơi còn khó hơn, thế nên đừng vì lời nói nhất thời mà phá hỏng đi thiện duyên khó được. Ngôn ngữ vốn câu thông với cảm tình và là công cụ để truyền đạt tư tưởng. Nhưng nếu không dùng lời nói đúng mực hợp lý mà lại dùng những lời dư thừa vô bổ thì cũng sẽ dẫn đến thị phi, phiền não.
Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Socrates là một người cực kỳ giỏi diễn thuyết, ông thường dạy phương pháp diễn giảng cho người khác. Một hôm, có một cậu thanh niên đến xin ông dạy cho kỹ xảo diễn thuyết. Socrates chờ anh ta thao thao bất tuyệt một hồi, rồi mới bảo anh ta nộp gấp đôi tiền học phí. Anh ta rất ngạc nhiên hỏi Socrates lý do tại sao, Socrates trả lời: “Bởi vì ngoài việc dạy anh nói ra tôi còn phải dạy anh cách ngậm miệng nữa.” Cổ nhân dạy: “Nhất ngôn chiết tẫn bình sinh phúc”, một câu nói có thể làm hao tổn hết phúc đức một đời. Nói năng cẩn thận quả là một việc tu thân quan trọng.
Mục đích của nói chuyện là để truyền đạt cho nhau những lời chân tình thân ái. Thông thường trong khi nói chuyện, có rất nhiều ngôn từ và cách diễn đạt cần chú ý, chẳng hạn như: “Là tôi bắt hắn đến”, tại sao không nói: “Là tôi mời anh ta đến”. “Nghe tôi nói đây” thì tại sao không nói “Chúng ta trao đổi một chút nhé”. “Bạn đừng có hối hận đấy” thì tại sao không nói “Bạn không suy nghĩ thêm chút nữa sao?” “Bạn phải cẩn thận chứ” thì tại sao không nói “Có lẽ bạn nên cẩn thận một chút”. Cùng một ý nghĩa, tại sao không thêm vào những từ ngữ dễ nghe? Bằng không, không những khiến người nghe khó chịu mà còn gây ra những hiểu lầm không cần thiết.
Khi Tấn Vũ Đế mới lên ngôi không lâu, bèn xem bói xem có thể tại vị hoàng đế được bao lâu, kết quả được một quẻ có chữ “Nhất” (tức là 1). Vũ Đế vô cùng không vui, quần thần cũng sợ đến mặt mày trắng bệch, không ai dám hé răng nửa lời. Lúc này, viên quan Bùi Khải mới tiến lên và bảo: “Vi thần nghe nói, trời mà được chữ Nhất thì thanh minh trong sáng, đất mà được chữ Nhất thì an bình yên ổn. Bậc vương hầu mà được chữ Nhất thì nhân dân yêu mến ủng hộ”. Mấy lời ngắn ngủi như vậy nhưng cũng đủ khiến Vũ Đế từ buồn chuyển thành vui, quần thần trước những lời động viên thiện ý của Bùi Khải cũng vô cùng thán phục. Có thể thấy rằng, bất luận việc gì cũng không tuyệt đối. Nắm giữ nghệ thuật nói chuyện, lựa chọn thời cơ thỏa đáng thì có thể biến buồn thành vui, dở lại hóa hay!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét