TIẾN THÀNH
Miền Bắc đã vào hè. Cái nắng oi ả, dù chưa có tiếng ve và hoa phương nhưng cũng báo hiệu cho một mùa thi, một mùa chia ly. Vậy là đã 18 năm mình xa quê, ở một thành phố lạ. Bằng đúng thời gian mình sinh ra ở quê đến khi rời đi, nên bây giờ không biết mình là người ở đâu nữa.
Nhìn bạn bè ngày xưa củng học chia sẻ những hình ảnh “gia đình hạnh phúc” ở Tây Nguyên, Sài Gòn, rồi ở nước ngoài, biết những người xa quê đã mấy chục năm, mình hiểu người ta sẽ không về quê nữa. Nhà ở quê bán rồi, có người giữ nhưng ít về. Chợt một suy nghĩ thoáng qua trong đầu, không hiểu quê hương là duyên hay định mệnh?
Nhìn những cuộc “di cư” hàng năm của người Trung Quốc, Việt Nam về quê ăn tết, ta hiểu với rất nhiều người quê hương vẫn là định mệnh. Nước Mỹ, đại diện cho các nước hiện đại cũng làm rất nhiều phim nói về đầm ấm gia đình, quây quần bên người thân trong dịp tết. Nhưng thử hỏi, một vài ngày như thế có ích gì?
Là một đất nước bước ra từ chiến tranh, người Việt Nam hiểu nỗi đau của chia ly. Chiến tranh kết thúc, hàng triệu người ly hương, người Việt Nam thấm hiểu niềm vui, nỗi buồn của chuyện hợp tan. Chả thế mà bài hát “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn lại được yêu thích đến vậy.
Ngày xưa giao thông và viễn thông chưa phát triển, thành ra ta thấy quả địa cầu này lớn lắm. Đi từ Hà Nội đến Sài Gòn có khi còn mất cả tháng, nữa là đi từ Sài Gòn ra nước ngoài. Cho nên ngày xưa nỗi nhớ là lớn lắm, tình cảm là lớn lắm.
Bây giờ nhớ nhau chỉ một cuộc điện thoại là được. Nhớ quá thì mua vé máy bay, xa mấy cũng chỉ nửa ngày là gặp được nhau. Cuộc sống hiện đại tiện lợi hơn nên mọi vất vả về thể xác và tâm hồn đã được lược bớt.
Ngày xưa lý tưởng và tình yêu là lớn lắm, lớn đến nỗi chỉ có hai thứ đó là người ta đã cho mình là giàu. Ngày nay nhà nhà, ai ai cũng có điện thoại, tivi, tủ lạnh, xe cộ; thành phố nào cũng có siêu thị điện máy, siêu thị tiêu dùng… Đồ đạc, của cải lan tràn xã hội mà ai ai cũng cho mình là nghèo. Rồi ganh đua, dẫm đạp lên nhau chạy theo những điều vớ vẩn.
Ngày xưa biên giới quốc gia là quan trọng lắm. Độc lập, tự chủ là ở đó. Cho nên người ta có thể hy sinh tất cả vì nó. Ngày nay ta hiểu biên giới còn nằm trong trong văn hóa, ở truyền thống dân tộc. Người dân còn giữ truyền thống văn hóa thì đất nước còn. Chứ có biên giới đó, mà người dân cứ chạy theo văn hóa nước khác thì cũng vô nghĩa. Ngày xưa nhìn thấy người Mỹ (giặc lái) thì ghét lắm, ngày nay đon đả mời người ta sang đầu tư, du lịch…
Quay lại chủ đề của bài, quê hương là duyên hay định mệnh? Tại sao trên đời có bao nhiêu cuộc hợp tan, gặp gỡ rồi chia ly, nào là thời phổ thông hay lên đại học, nào là chuyển công tác hay chia tay trong tình yêu; cuộc sống có bao nhiêu cuộc di dời nơi chốn, mà ta vẫn coi “nơi” quê hương là quan trọng nhất? Chả lẽ việc ta sinh ra ở đâu lại quan trọng thế sao?
Xin trả lời là quê hương cũng là duyên, và chả có nơi nào là định mệnh cả. Định mệnh là do ta tạo ra, trong các sự lựa chọn của mình. Mà thứ gì ta tạo ra là thứ ta có thể thay đổi được. Nên hãy “thiết kế” định mệnh cho mình theo sở thích để sống vui. Quan trọng là luôn nhớ: tất cả đều là duyên!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét