Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

CHUYỆN VỀ CÔ BÉ “CHIM CÁNH CỤT” ĐẦY NGHỊ LỰC Ở SÀI GÒN



DANIEL VŨ





Bụ bẫm, tinh nghịch và lúc nào cũng cười đùa vui vẻ, hồn nhiên, cô bé “chim cánh cụt” Nguyễn Hoài Thương khiến ai gặp cũng muốn ôm và nắm đôi tay, đôi chân cụt ngủn tròn trịa của em.


Em vẫn cười dù cuộc đời bất hạnh.

Nguyễn Hoài Thương (7 tuổi, ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) là con gái thứ hai của vợ chồng anh Nguyễn Văn Lợi và chị Trần Thị Cẩm Giang. Em sinh ra đã không có chân tay do di chứng của chất độc da cam.

Giây phút nhìn thấy con, thay vì hạnh phúc, chị Giang đã gào khóc và nghĩ đến chuyện quyên sinh cùng với đứa con gái bất hạnh. Cả hai vợ chồng chị đều làm công nhân, sống trong căn nhà gỗ tạm bợ, rách nát, chỉ lo cho đứa con gái đầu ăn học thôi đã chật vật hụt trước, thiếu sau.

Thương chào đời, gia đình nhỏ đã khó lại càng khó. Chị Giang phải nghỉ luôn ở nhà trông con, rồi cực chẳng đã chị phải bồng bế con gái đi khắp nơi bán vé số. Thế nhưng nghèo mặc nghèo, tuần nào chị Giang cũng ôm con lên xe buýt vượt mấy chục cây số đi tập vật lý trị liệu ở quận 3. Bao công khó của hai mẹ con đã giúp Thương có thể cầm bút viết như các bạn bình thường. Bốn tuổi em đã tự làm được tất cả mọi việc: từ ăn uống, đánh răng, thay quần áo, soạn sách vở, đồ dùng.

Năm nay Thương cũng vào lớp 2 như các bạn và được chế một cái tay giả có đục lỗ tròn để đặt vừa cây viết. Những ngày đầu tiên của lớp 2 là những ngày cô bé vất vả viết những bài chính tả, làm những phép tính đầu tiên bằng cánh tay giả. Ba mẹ chế một cái bàn gỗ bốn bánh để em trượt qua trượt lại trong nhà trên sàn gạch bông. Đi đâu mẹ cũng mang theo để khi xuống xe Thương có thể tự trượt được. Nhưng Thương vẫn ao ước được đi lại.

Kỳ nghỉ hè vừa rồi, Hội Nạn nhân chất độc da cam hỗ trợ chi phí lắp chân nên hai mẹ con tha nhau ra tận Hà Nội để tìm chỗ đúc chân giả và tập cho Thương bước đi. Đến giờ, sau hơn một tháng tập luyện, Thương đã có thể di chuyển được 5 – 6 bước. Bác sĩ cho biết chân em bị cong, cần phải phẫu thuật.

“Nhưng đâu đã lo được tiền để làm tiếp. Từ khi con đi học, tôi cũng nghỉ hẳn bán vé số để đưa đón, chỉ tranh thủ mua mít về bán bên vệ đường kiếm chút đồng lời”, chị Giang cho biết.


Năm nay vào lớp 2, Hoài Thương mướt mồ hôi tập viết với cánh tay giả. Nhưng không sao, được đi học là niềm vui của cô bé.


Sau khi cẩn thận xếp hết sách vở vào hộc bàn, Thương tự dùng đôi tay “cánh cụt” của mình để đu vào ghế ngồi.


Đôi chân giả để tập đi trở thành trò giải trí của Thương giữa những giờ tập luyện vất vả.


Tập đi với đôi chân giả rất đau đớn, nhưng Thương chịu đựng được tất cả. Ngày nào cô bé cũng phải tập luyện theo thời biểu rất nghiêm ngặt của mẹ: sáng đi học, chiều tập đi từ 14h đến 16h30, tối học bài.


Tám chuyện với “hội bạn thân” trong giờ ra chơi.


Cô giáo bảo Thương tiếp thu tốt nhưng vì viết khó khăn nên thường chậm hơn các bạn. Vì vậy Thương phải nỗ lực nhiều hơn các bạn cùng lớp.


Thương thích đi lắm và rất chăm chỉ tập luyện nhưng vẫn không khỏi nhăn nhó vì đau đớn khi mẹ gắn đôi chân giả.


Ai gặp Thương cũng “yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên” bởi vẻ nhí nhảnh, tươi rói của cô nhóc.


Đây là cái máy tính được một nhà hảo tâm tặng. Bố mẹ chẳng biết dùng nhưng cô bé biết mở cả Google để tìm video học cách làm kem vì em rất thích ăn kem.


“Chim cánh cụt” rất thích ngồi xem ba chăm sóc chú chim bìm bịp nhỏ. Thỉnh thoảng còn vui vẻ đùa giỡn, nói chuyện với chú chim.


Bữa ăn nào Thương cũng ngồi “ôm nồi” giành phần xới cơm cho cả nhà.


Nụ cười sảng khoái của cô bé giờ tan học. Ở trường có bạn có bè rất vui.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét