Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

NHÂN TÌNH và TÌNH NHÂN




Hoàng Tuấn Công


Trong khi nói và viết, không ít người nhầm lẫn giữa hai từ“nhân tình” và “tình nhân”. Đôi khi người ta xem “nhân tình” hay “tình nhân” đều có nghĩa là người tình hoặc người yêu. Một số người lại lầm tưởng: “tình nhân” là người yêu trong quan hệ yêu đương đứng đắn, hợp pháp. Còn “ nhân tình” là cách ám chỉ những người có quan hệ bất chính, khi cả hai (hoặc một trong hai) đã có vợ, có chồng. Ví dụ “Ông ấy bắt nhân tình với một cô đang còn trẻ lắm” hoặc “Ông ấy có nhân tình nhân ngãi...” Cách dùng sai, hiểu sai từ nhân tình, tình nhân không chỉ tồn tại trong đời sống đại chúng mà còn ảnh hưởng tới cả những người cầm bút.

Câu mở đầu bài thơ “Ghen” Nguyễn Bính Viết: “Cô nhân tình bé nhỏ của tôi ơi”. (Thơ Nguyễn Bính thường có nhiều dị bản). Nếu quả thực đây là văn bản đáng tin cậy thì Nhà thơ đã dùng từ “nhân tình” với nghĩa không chính xác là người yêu, người tình. Trong khi hiểu đúng nghĩa, “nhân tình” là tình người, và “tình nhân” mới có nghĩa là người tình, người yêu.
Từ điển Hán Việt (Đào Duy Anh) giải nghĩa:
-“Nhân tình: tình dục của người, tình riêng đối với nhau (tình dục ở đây hiểu theo nghĩa là tình cảm, lòng ham muốn nói chung của con người, chứ không phải tình dục trong quan hệ tình dục-HTC chú thích)
-“Tình nhân: Hai người trai gái yêu nhau gọi là tình nhân”.
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên):
-“Tình nhân [cũ, hoặc văn chương] người yêu: Tình nhân lại gặp tình nhân, hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình (Kiều).
Thành ngữ Hán Việt có câu “Nhân tình thế thái” (hoặc Thế thái nhân tình) có nghĩa là: tình người, thói đời. Cụ Tú Xương khi nói về tình người bạc bẽo thời bấy giờ (thực dân phong kiến) cũng đã viết: “Đ. mẹ nhân tình đã biết rồi, Lạt như nước ốc bạc như vôi”. Hay “Trước đèn xem truyện Tây minh, Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le” (Lục Vân Tiên) Ở đây, từ nhân tình đã được dùng chính xác với nghĩa là tình người.
Có lẽ, do sự lẫn lộn trong nói và viết quá nhiều nên trong Từ điển tiếng Việt(Hoàng Phê chủ biên) đã đi đến sự “thỏa hiệp” với cái sai. Đó là sau khi giải nghĩa:"Nhân tình: tình cảm giữa con người với nhau, tình người (nói khải quát); Nhân tình thế thái lòng người và thói đời", đã ghi nhận cách dùng lẫn lộn trong thực tế: “nhân tình” đồng nghĩa với “tình nhân, người tình, nhân ngãi” và giải nghĩa: “Nhân tình:người có quan hệ yêu đương với người khác (thường là không chính đáng), trong quan hệ với người ấy”.
Trong khi, thực tế đáng mừng là từ "tình nhân" đã và đang được mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ sử dụng đúng. Ví như nói "Ngày lễ tình nhân" chứ không nói Ngày lễ nhân tình !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét