Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

VỊ TRÍ CỦA MÔN LỊCH SỬ TRONG NỀN GIÁO DỤC PHỔ THÔNG HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP






GS. NGND. Vũ Dương Ninh
(Đại học Quốc gia Hà Nội)
( Tham luận tại Hội thảo của Hội sử học Việt Nam về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông ngày 15/11/2015)
Trong nhiều năm gần đây,việc dạy và học Lịch sử luôn trở thành đề tài được xã hội quan tâm, nhất là vào mỗi dịp thi tốt nghiệp phổ thông hay tuyển sinh đại học. Không ít học sinh chán môn Sử, không thích học Sử và tỏ ra vui mừng khi môn Sử không còn là môn học bắt buộc trong các kỳ thi.
Trăn trở nhiều về hiện trạng này, giới sử học đã có nhiều cuộc hội thảo trên quy mô cả nước hoặc trong phạm vi từng địa phương để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Có nhiều lý do khách quan và chủ quan, dẫu sao những người làm công tác giáo dục lịch sử cũng thấy rõ trách nhiệm của mình, cần có sự thay đổi lớn từ việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa đến phương pháp giảng dạy trên lớp và hoạt động ngoại khóa. Nhiều dự định được chuẩn bị cho đợt “cải cách căn bản và toàn diện” của ngành giáo dục nói chung và môn lịch sử nói riêng.
*
Bên cạnh sự nỗ lực của các thày cô giáo giảng môn Lịch sử, không thể không nói đến một lý do vô cùng quan trọng có tác động bất lợi đối với vị trí của môn Lịch sử trong nhà trường. Đó là trong một vài thập kỷ qua, cách đối xử không đúng đắn, thiếu công bằng, có phần tùy tiện của cấp quản lý Bộ Giáo dục đối với môn học này. Không nhớ từ năm học nào, lấy lý do “giảm tải” cho học sinh, môn Lịch sử không còn được coi là môn thi chính thức như các môn học khác trong chương trình thi tốt nghiệp phổ thông.
Số phận long đong của nó bắt đầu từ chỗ quy định Sử và Địa là hai môn thi “luân phiên”– năm nay thi Sử, năm sau thi Địa, rồi lại quay vòng như vậy. Không có một cơ sở khoa học nào cho chủ trương này.
Nhưng chưa dừng lại ở đó. Tiếp theo, môn Lịch sử được quy định là môn “thay thế”,nghĩa là chỉ nơi nào, học sinh nào không thi ngoại ngữ thì có thể thi môn Sử. Thế là số đông học sinh ở các thành phố, các vùng tương đối phát triển chọn thi ngoại ngữ, còn vùng sâu, vùng xa và những học sinh không học hoặc học kém ngoại ngữ mới thi môn Sử. Điều đó có nghĩa môn Lịch sử tuy còn đó nhưng đã mất địa vị của một môn học độc lập, bắt buộc, ngang bằng với các môn học khác.
Vẫn chưa hết, trong những kỳ thi gần đây, Lịch sử được coi là môn “tự chọn” nghĩa là hoàn toàn không bắt buộc. Tuyệt đại đa số học sinh chuẩn bị thi khối A hoặc khối B sẽ bỏ rơi môn Lịch sử, do vậy mới có hiện tượng nhiều hội đồng thi chỉ có một số rất ít em thi Sử, nhà trường vẫn phải lập ban bệ đầy đủ theo đúng quy chế.
Và cho đến hôm nay, dưới danh nghĩa “tích hợp”, môn Lịch sử đã biến mất khỏi chương trình với tư cách một khoa học có chức năng riêng biệt và vô cùng quan trọng. Được giải thích rằng nó được vận dụng vào môn “Công dân và Tổ quốc”. (Quả thật, tôi không biết trên thế giới có nước nào dạy môn học mang tên này không?)
Điểm lại quá trình trên, có thể thấy rất rõ môn Lịch sử đã bị đẩy lùi từng bước, loại bỏ từng bộ phận, và cuối cùng không còn vị thế của một môn học riêng biệt ngang bằng như các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
*
Trong lời phát biểu trên báo chí tuần qua, vị lãnh đạo Bộ Giáo dục tuyên bố: “ Tôi khẳng định Bộ Giáo dục – Đào tạo không bỏ môn lịch sử, cũng không coi nhẹ môn Lịch sử khi xây dựng môn học mới” (Báo Tuổi trẻ ngày 4-11-2015, tr. 13). Đúng vậy, từ trước đến nay, chưa bao giờ Bộ Giáo dục có một văn bản, một chỉ thị nào coi nhẹ môn Sử hoặc loại bỏ môn Sử.
Nhưng cuộc sống thực tế hoàn toàn khác. Đáng lẽ “học gì thi nấy” thì với chủ trương của Bộ, các trường và cả xã hội đã vận dụng thành “thi gì học nấy”. Bởi vì mục đích của người học là thi đỗ, tiêu chí của nhà trường là tỷ lệ số học sinh đỗ thật cao. Cho nên, các môn thuộc loại thi “luân phiên”, thi ‘thay thế” …, được Ban Giám hiệu các trường chỉ đạo dạy dồn, học dồn để dành hầu hết thời gian cho các môn thi tốt nghiệp, thi tuyển đại học. Vị trí của môn Sử và một vài môn khác bị đẩy lùi dần thành môn phụ trên thực tế và đến nay, nó mất tên chính danh trong chương trình Trung học cơ sở dưới cái vỏ “Công dân và Tổ quốc”. Nó bị lẫn vào môn Khoa học xã hội (tự chọn) trong chương trình cho học sinh theo phân ban khoa học tự nhiên và chỉ còn là môn học chính thức đối với học sinh chọn phân ban khoa học xã hội. Có nghĩa rằng lớp trí thức trẻ tương lai (trừ số ít chọn ngành khoa học xã hội) sẽ không hiểu hoặc hiểu biết lơ mơ về lịch sử của dân tộc mình, về lịch sử của đất nước mình.
Trong khi đó, nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, môn Lịch sử được giảng dạy từ bậc tiểu học cho đến trung học, nuôi dưỡng tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ một cách cẩn thận, có hệ thống. Môn Lịch sử đã giáo dục niềm tự hào chính đáng về truyền thống văn minh Trung Hoa từ thời cổ đại, về công cuộc xây dựng đất nước Trung Quốc, kể cả khơi gợi nỗi nhục vì một thế kỷ bị phương Tây thống trị. Qua đó, môn Lịch sử đã thức tỉnh tinh thần dân tộc khi bước vào thời đại mới đưa đất nước lên vị thế cường quốc hàng đầu thế giới. Đồng thời, môn Lịch sử cũng gieo mầm tư tưởng bá quyền, nước lớn với địa vị thượng đẳng giữa các dân tộc, các quốc gia. Các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải cùng bộ máy tuyên truyền của họ đi đâu cũng nói các đảo ở Biển Đông là thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ thời cổ đại. Sách Lịch sử Trung Quốc khai thác về “con đường tơ lụa”, về cuộc hành trình trên biển của Trịnh Hòa và nhiều sự kiện lịch sử khác để gieo rắc vào đầu một tỷ rưỡi người dân của họ về chủ quyền mênh mông của Trung Quốc, về đường ranh giới “hình chữ U”, “hình lưỡi bò” đầy ngụy tạo trên Biển Đông. Các sách sử Trung Quốc đều nói về cuộc chiến tranh năm 1979 như một cuộc “phản kích tự vệ”, một đòn trừng phạt đối với Việt Nam, một bài học “dạy cho Việt Nam”. Rất rõ ràng, môn Lịch sử đã thực sự được sử dụng như một vũ khí tinh thần để phục vụ tiến trình “trỗi dậy”, cho ý đồ bành trướng, bá quyền của Trung Quốc.
Nhưng Việt Nam đã giữ một thái độ im lặng đến khó hiểu về những sự kiện trên. Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 chỉ được viết về cuộc chiến tranh biên giới vỏn vẹn 12 dòng, nhiều bài viết về cuộc tấn công xâm lược của Trung Quốc năm 1979 được các tạp chí lớn của đất nước từ chối không đăng vì “lý do tế nhị” (?!). Cho đến hôm nay, tình trạng này vẫn không thay đổi nếu không muốn nói là có xu hướng nặng thêm. Và cuộc Hội thảo được tổ chức hôm nay là một minh chứng cho tình trạng đó mà các nhà sử học, với trách nhiệm nặng nề của mình buộc phải lên tiếng.
*
Vào thập niên 50 – 60 của thế kỷ trước, trong điều kiện gian khổ của cuộc kháng chiến, sách in lèm nhèm, đèn dầu tù mù, ăn không đủ no, lại vừa học vừa sơ tán … nhưng môn Lịch sử cũng như các môn học khác được thày dạy, trò học một cách nghiêm túc, hào hứng và có hiệu quả. Từ những tấm gương anh hùng của các sự kiện lịch sử qua hàng ngàn năm đấu tranh vì độc lập, thế hệ thanh niên thời đó đã hăng hái lên đường đi cứu nước. Và đến lượt họ lại nêu lên nhiều tấm gương hy sinh vì nước, hình ảnh của họ lại bước vào “trang sách những em thơ”.
Nhớ lại thời đó, hai vị Bộ trưởng bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng bộ Đại học Tạ Quang Bửu rất quan tâm đến môn Lịch sử. Các vị đã có nhiều buổi làm việc với Hội đồng ngành Sử, luôn nhắc nhở sứ mệnh của việc giáo dục lịch sử, và đã từng đích thân xuống dự giờ giảng môn Sử ở các trường để góp ý kiến. Giáo sư Tạ Quang Bửu – một nhà toán học lỗi lạc đã có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử và sự quan tâm đặc biệt đối với sử học. Ngay sau Hiệp định Paris, Giáo sư chỉ thị tổ chức ngay một đoàn cán bộ sử học của hai trường Tổng hợp và Sư phạm vào vùng Đông Hà (Quảng Trị) vừa được giải phóng để đi thực tế về cuộc kháng chiến, qua đó suy nghĩ về nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Rõ ràng là dưới sự lãnh đạo của những vị cố bộ trưởng tài cao đức trọng, có tầm nhìn xa rộng và sự hiểu biết sâu sắc, môn Lịch sử đã được dặt đúng vị trí của nó, đã gánh vác trách nhiệm nặng nề và đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
*
Từ những điều trên, có thể đi đến một vài giải pháp thiết yếu sau đây:
Một, khẳng định rằng môn Lịch sử phải là một môn học độc lập, có vị trí ngang bằng với các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông.
Hai, quy định dứt khoát rằng môn Lịch sử phải là một môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Cần tiến tới coi Lịch sử Việt Nam như một môn thi trong kỳ thi tuyển chọn nhân viên vào các cơ quan, doanh nghiệp… và sẽ trở thành môn thi đối với những người muốn nhập quốc tịch Việt Nam.
Ba, giới sử học cần mạnh dạn cải cách, xây dựng hệ thống chương trình, sách giáo khoa mới, bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, có sức hấp dẫn phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi học sinh. Đồng thời bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ các thày cô giáo thực sự có tâm huyết và năng lực trong việc truyền đạt tinh thần và kiến thức lịch sử đến thế hệ trẻ. Nghĩa là làm thế nào để học sinh thực sự yêu thích môn Lịch sử, hiểu biết về lịch sử và vận dụng kiến thức lịch sử vào công cuộc dựng xây đất nước.
Chỉ có nhận thức đúng đắn về vị trí môn Lịch sử và chuyển đổi mạnh mẽ trong cách dạy và học từ cả hai phía – người lãnh đạo, quản lý và người trực tiếp giảng dạy – thì môn Lịch sử mới làm trọn nhiệm vụ trong nền giáo dục nước nhà.
Tháng 11 – 2015

GS. Vũ Dương Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét