Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Phương Tây tạo ra khủng bố ở Trung Đông như thế nào?







Các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào dân thường vô tội, dù là vụ làm rơi một máy bay Nga trên bán đảo Sinai khiến 224 hành khách thiệt mạng, vụ thảm sát kinh hoàng tại Paris đã cướp đi 129 sinh mạng vô tội, hay vụ đánh bom đẫm máu ở Ankara làm chết 102 nhà hoạt động vì hòa bình, đều là những tội ác chống lại loài người. Thủ phạm của những vụ tấn công trên – Nhà nước Hồi Giáo (ISIS) – phải bị ngăn chặn. Làm được điều này đòi hỏi phải hiểu rõ nguồn gốc của mạng lưới những tín đồ Hồi Giáo tàn nhẫn này.



Có một sự thật đau lòng rằng, phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, phải chịu trách nhiệm khi đã tạo điều kiện để ISIS phát triển. Chỉ có thay đổi chính sách đối ngoại của Châu Âu và Hoa Kỳ đối với Trung Đông mới có thể làm giảm nguy cơ gia tăng khủng bố.

Các vụ tấn công gần đây có thể được xem như “khủng bố đáp trả”: hệ quả đáng buồn từ những hành động quân sự bí mật và công khai của Châu Âu và Hoa Kỳ tại Trung Đông, Bắc Phi, vùng Sừng Châu Phi, và Trung Á nhằm lật đổ các chính quyền và thiết lập những chế độ theo ý muốn của mình. Động thái này không chỉ gây ra sự xáo trộn và đau khổ trong những khu vực được nhắm tới, mà còn khiến người dân Mỹ, Châu Âu, Nga, và Trung Đông phải hứng chịu nguy cơ khủng bố.

Lịch sử thật sự của Osama bin Laden, Al Qaeda, hay sự hình thành của ISIS tại Iraq và Syria chưa từng thực sự được công bố. Khởi nguồn vào năm 1979, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đã tuyển quân, tập huấn và trang bị cho những thanh niên trẻ người Hồi Giáo dòng Sunni để chống lại Liên Xô tại Afghanistan. Rất nhiều người Hồi Giáo (kể cả ở Châu Âu) đã được CIA tuyển dụng để lập nên nhóm Mujahideen,[1] lực lượng chiến đấu đa quốc gia người Hồi giáo dòng Sunni, nhằm hất cẳng những người Liên Xô ngoại đạo ra khỏi Afghanistan.

Bin Laden, đến từ một gia đình Saudi giàu có, được chiêu mộ để cầm đầu và đồng tài trợ cho hoạt động này. Đây là cách hoạt động điển hình của CIA: dựa vào khoản kinh phí nhất thời có được từ một gia đình Saudi giàu có và các khoản lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu và buôn bán ma túy.

Bằng việc tuyên truyền tầm nhìn cốt lõi của thánh chiến (jihad) là để bảo vệ các vùng đất của người Hồi Giáo (Dar al-Islam) khỏi những kẻ ngoại đạo, CIA đã tạo ra một lực lượng chiến đấu dày dạn với hàng nghìn thanh niên trẻ rời gia đình để đầu quân cho cuộc chiến. Chính lực lượng chiến đấu sơ khai này và hệ tư tưởng thúc đẩy nó đã tạo ra nền tảng cho các cuộc nổi dậy của các chiến binh thánh chiến người Sunni, bao gồm cả ISIS. Mặc dù mục tiêu ban đầu của nhóm chiến binh này là Liên Xô, song giờ đây những “kẻ ngoại đạo” đó lại bao gồm cả Hoa Kỳ, Châu Âu (đặc biệt là Pháp và Anh), và Nga.

Vào cuối những năm 1980, khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan, một vài phần tử thuộc nhóm Mujahideen đã hình thành nên Al Qaeda (tiếng Ả-rập nghĩa là “căn cứ”), tên gọi để chỉ những cơ sở vật chất quân sự và địa điểm tập luyện tại Afghanistan mà CIA và Bin Laden đã xây dựng cho nhóm Mujahideen. Sau sự kiện Liên Xô rút quân, cụm từ Al Qaeda đã chuyển nghĩa từ căn cứ quân sự đặc nhiệm thành căn cứ tổ chức các hoạt động thánh chiến.

Hành động đáp trả chống lại Hoa Kỳ bắt đầu vào năm 1990, gắn với cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, khi Hoa Kỳ lập ra và mở rộng các căn cứ quân sự của mình trên vùng Dar al-Islam, đặc biệt là Ả-rập Xê-út, quê hương và là thánh địa của Hồi Giáo. Sự hiện diện ngày một mở rộng này của quân đội Mỹ đi ngược lại chính tư tưởng thánh chiến nòng cốt mà CIA đã rất vất vả để gây dựng nên.

Cuộc xâm lược Iraq vô cớ của Hoa Kỳ vào năm 2003 đã tạo ra những kẻ tham chiến tàn ác. Cuộc chiến không chỉ được châm ngòi từ lời nói dối của CIA, mà nó còn hướng tới mục đích thiết lập nên một chế độ do người Hồi giáo Shia lãnh đạo và phục tùng Hoa Kỳ, đối đầu với các chiến binh Sunni và nhiều người Iraq theo dòng Sunni khác vốn đang sẵn sàng cầm vũ khí. Gần đây hơn, Mỹ, Pháp và Anh đã lật đổ Muammar el-Qaddafi tại Libya, đồng thời Mỹ cũng bắt tay với các tướng lĩnh Ai Cập – những người đã lật đổ chính phủ của Đảng Huynh đệ Hồi Giáo được người dân bầu lên. Tại Syria, sau khi tổng thống Bashar al-Assad dùng bạo lực đàn áp các cuộc biểu tình hòa bình của công chúng năm 2011, thì Mỹ, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh trong khu vực lại cổ xúy cho phong trào nổi dậy quân sự, đẩy đất nước này vào vòng xoáy của bạo lực và hỗn loạn.

Những hành động trên liên tiếp thất bại thảm hại trong việc cho ra đời một chính quyền có tính chính danh, hay thậm chí chỉ là sự ổn định cơ bản. Ngược lại, bằng cách lật đổ các chính phủ ổn định lâu đời, dù mang tính độc tài, ở Iraq, Libya, và Syria, và bằng cách làm bất ổn Sudan và các nước Châu Phi khác vốn được cho là thù địch đối với Phương Tây, họ đã tạo ra nhiều sự hỗn loạn, gây ra cảnh đổ máu và nội chiến. Chính sự loạn lạc này đã tiếp tay cho ISIS thâu tóm và giữ vững lãnh thổ tại Syria, Iraq và nhiều nơi tại Bắc Phi.

Có ba bước cần thực hiện để đánh bại ISIS và những kẻ khủng bố bạo lực khác. Đầu tiên, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cần hủy bỏ những hành động quân sự bí mật của CIA. Việc sử dụng CIA với vai trò như một đội quân gây nhiễu bí mật từ lâu đã là một thất bại thảm hại, và tất cả đều bị che giấu dưới lớp mặt nạ bí mật của cơ quan này. Chấm dứt sự hỗn loạn mà CIA gây ra sẽ là bước tiến lớn giúp khép lại tình trạng bất ổn, bạo lực, và lòng thù hận đối với Phương Tây vốn đã châm ngòi cho chủ nghĩa khủng bố ngày nay.

Thứ hai, Mỹ, Nga, và các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên chấm dứt ngay mâu thuẫn nội bộ và thiết lập một khuôn khổ cho hòa bình tại Syria. Họ có lợi ích chung trong việc đối đầu với ISIS vì tất cả đều là nạn nhân của khủng bố. Thêm vào đó, hành động quân sự chống lại ISIS chỉ có thể thành công nếu có sự hợp thức hóa và ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Khuôn khổ của Liên Hợp Quốc nên bao gồm việc chấm dứt ngay lập tức cuộc nổi dậy chống lại Assad mà Mỹ, Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ đã theo đuổi lâu nay; ngừng bắn tại Syria; triển khai lực lượng quân sự do Liên Hợp Quốc ủy nhiệm nhằm đối phó với ISIS; và một quá trình quá độ chính trị tại Syria được tạo ra không phải bởi Hoa Kỳ mà bởi sự đồng thuận của Liên Hợp Quốc nhằm hỗ trợ quá trình tái cấu trúc chính trị phi bạo lực.

Cuối cùng, giải pháp lâu dài cho sự bình ổn khu vực nằm ở sự phát triển bền vững. Toàn bộ vùng đất Trung Đông không chỉ bị bao trùm bởi chiến tranh, mà còn bởi các thất bại ngày một lớn về phát triển kinh tế: tình trạng thiếu nước ngọt ngày một gay gắt, sa mạc hóa, thất nghiệp cao trong giới trẻ, hệ thống giáo dục nghèo nàn, và nhiều khó khăn khác.

Thêm các cuộc chiến tranh – nhất là những cuộc chiến mà Phương Tây cầm đầu hay có sự hậu thuẫn của CIA – sẽ không giải quyết được gì. Trái lại, tăng cường đầu tư vào giáo dục, y tế, năng lượng tái tạo, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, được hỗ trợ tài chính từ cả trong khu vực và toàn cầu, là chìa khóa thực sự để xây dựng một tương lai vững bền cho Trung Đông và cả thế giới.

Jeffrey D. Sachs là Giáo sư về Phát triển Bền vững, Chính sách và Quản lý Y tế, và là Giám đốc Viện Địa Cầu tại Đại học Columbia. Ông cũng đồng thời là Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Ông là tác giả các cuốn sách The End of Poverty, Common Wealth, và gần đây nhất là The Age of Sustainable Development.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Ending Blowback Terrorism

Nguồn: Jeffrey D.Sachs, “Ending Blowback Terrorism”, Project Syndicate, 19/11/2015.

Biên dịch: Lê Hạnh Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

—————

[1] Những đơn vị quân sự kiểu du kích của các chiến binh Hồi giáo trong cuộc chiến của Liên Xô tại Afghanistan (ND).

– See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/12/09/phuong-tay-khung-bo-trung-dong/#more-12604

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét