Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Nghĩa của tiếng Việt: Gác – từ trên lầu đến xưng hô lễ phép



Cùng học tiếng Việt



Chữ gác trong tiếng Việt hiện đại có 3 nghĩa chính.

1.
Nghĩa đầu tiên là cái lầu, hay cái nhà xây thành tầng cao, đôi khi chỉ cái phòng ở trên tầng. Đây là từ gốc Hán, 閣, đọc âm Hán-Việt là các. Tàng kinh các là gác chứa sách, khuê các là cái lầu nơi phụ nữ ở.

Nội các là từ chỉ chung các quan chức chính phủ, tức cơ quan Hành pháp dưới quyền Thủ tướng. Chữ này có gốc gác từ thời nhà Minh ở Trung Quốc khi Hoàng đế lập ra một ban cố vấn gọi lànội các, chỉ cái phòng bàn bạc bí mật ở sâu trong cung.

Tuy nhiên nghĩa hiện đại của nó thì bắt nguồn từ hệ thống Nghị viện của Anh quốc, dịch từ chữcabinet, vốn cũng có nguồn gốc tương tự trên.



Nữ hoàng Elizabeth II chụp ảnh cùng Nội các Cameron ở số 10 Downing năm 2012.

Ở châu Á, Nhật là nước đầu tiên dùng chữ nội các theo nghĩa hiện đại, chức danh chính thức của thủ tướng Nhật là Nội các Tổng lý Đại thần, tức là Đại thần tổng quản lý nội các; các bộ trưởng cũng gọi là Đại thần (Thần ở đây là chữ 臣, tức là bầy tôi của vua, chứ không phải thần của chữthần thánh). Cuối Thế chiến II, khi Nhật giành Việt Nam từ Pháp thì vua Bảo Đại cũng lập ra Nội các, đứng đầu là ông Trần Trọng Kim. Hiện giờ ở Việt Nam thì chúng ta không dùng từ này một cách chính thức.



Biểu tượng hoa và lá ngô đồng của Thủ tướng và Nội các Nhật Bản. Biểu tượng này trước đây là gia huy của dòng họ shogun Toyotomi, sau Minh Trị thì thành biểu tượng cho Chính phủ.

Xem phim cổ trang, bất kể Tàu Nhật Hàn Việt, chúng ta hay thấy ngày xưa hay gọi nhau tôn trọng là các hạ, có nghĩa là “người ở dưới gác”. Ngày xưa lại còn gọi vua là bệ hạ, gọi quý tộc làđiện hạ. Đây đều là các danh xưng kiêng kị. Tôi không dám nói trực tiếp với vua, với vương, mà chỉ dám nói với người đứng dưới bệ (bệ cửu trùng) hay người dưới điện, hay người dưới gác, để nhờ lên bẩm lại với người ở trên. Lâu dần thì thành cách gọi tôn xưng. Xin rất cảm ơn thầy Nguyễn Đại Cồ Việt của ĐHQG Hà Nội đã bổ sung giúp phần này.

2.
Nghĩa thứ hai là đặt (gác) một vật lên chỗ cao, hoặc hoãn lại, đình lại, tạm thời quên một chuyện gì đó đi (gác lại). Đây cũng là một từ gốc Hán, 擱, cũng đọc là các, nay đã được Nôm hóa.

3.
Nghĩa thứ ba là canh phòng, trông nom (canh gác). Đây lại là một từ gốc Pháp, garde. Nếu đọc sách cũ thì chúng ta hay gặp chữ người gác đan, hay gardien, tức người canh gác, ông bảo vệ. Chữ Tây này nếu tìm hiểu về từ nguyên cũng rất hay, vì nó đi vòng vèo từ tiếng tiền-German qua tiếng Latin, sau đó được đưa ngược về tiếng Anh vốn là tiếng có gốc German, khiến cho cách đọc bị Latin hóa. Các bạn quan tâm có thể xem trên trang facebook của bọn mình, vì cho lên đây thì lạc đề rồi.



Hai anh lính gác người Scot ở lâu đài Edinburgh đang thay ca. Cùng là bảo vệ Nữ hoàng và nhà của Nữ hoàng nhưng các anh lính gác Edinburgh thì mặc đồ xanh đen, váy kilt cùng giày trắng rất nổi, khác với lính ở Buckingham mặc áo đỏ quần đen đội mũ bearskin cao ngồng.



*

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét