Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

“Khinh” và “Mọn”


Cùng học tiếng Việt



1. Khinh

Khinh vốn là từ Hán Việt mang nghĩa “nhẹ”, 輕 có hình cỗ xe và dòng nước chảy, ý nói xe nhẹ nên chạy được nhanh.

Từ đó, khinh phát triển ý thành động từ, mang nghĩa “xem nhẹ”, hay tiêu cực hơn là “coi thường”, như trong khinh rẻ, khinh bỉ.

Người Tàu khi gọi khí hiđrô đã dùng chữ khinh, nhưng thay cái xe bằng bộ khí, 氫, mang ý chỉ hiđrô là khí nhẹ nhất. Trước khi thống nhất về danh pháp khoa học, khinh khí là cũng là một tên gọi của hiđrô trong tiếng Việt, và hiện giờ chúng ta còn chữ khinh khí cầu.



Các khinh khí cầu chuẩn bị cất cánh tại Chambley-Bussieres, Pháp, hôm 27. 7. 2012, nhằm đạt kỷ lục số khinh khí cầu cùng bay lên một lúc tại Festival quốc tế về Khinh khí cầu ở Lorraine. Ảnh: Alexandre Marchi

Trước đây hầu hết khinh khí cầu đều được bơm khí hiđrô. Nhưng từ sau thảm họa Hindenburg nổi tiếng của ngành hàng không năm 1937: chiếc tàu bay khinh khí LZ 129 Hindenburg của Đức phát nổ gần New Jersey, Hoa Kỳ, người ta phải xem lại việc sử dụng cái khí trùm gây nổ này và thay bằng nhiều loại khí nhẹ khác để đảm bảo an toàn hơn.



LZ 129 Hindenburg phát nổ. Hình dựng lại, lấy từ trang behance.net

So sánh một tí: Trong khi người Tàu gọi là khinh khí, người Việt gọi là khí hiđrô (cách gọi này bắt nguồn từ cuốn Danh từ Khoa học của GS Hoàng Xuân Hãn) thì người Nhật và người Triều Tiên gọi hiđrô là thủy tố (Nhật: suiso, Hàn: suso) dịch đúng theo gốc tiếng Hy Lạp mà các ngôn ngữ Tây dùng, hudorgennao = ta tạo ra nước.

2. Mọn

Mọn là từ Nôm, mang nghĩa nhỏ, bé. Chữ Nôm viết mọn là gồm chữ Tiểu biểu ý (nhỏ) và chữ biểu âm là Môn (cái cửa門), hoặc chữ Muộn (trái tim nằm trong cái cửa悶).

Mọn không còn được dùng nhiều trong tiếng Việt hiện đại, chỉ còn dùng khá hạn chế, và có thể kèm thêm sắc thái nhún nhường. Thế nhưng trong thơ Nôm thời Lê và ca dao tục ngữ vẫn thường hay gặp từ mọn dùng thay cho từ nhỏ. Phải chăng trước đây, trong tiếng Việt cổ, từ mọnđược dùng rộng rãi hơn?

Ví dụ:

1. cha già con mọn


Cha già con mọn. Hình từ trang made4lovers

2. “Thuyền mọn còn chèo chẳng khứng đỗ
Trời ban tối, ước về đâu?”

Nguyễn Trãi – Quốc âm thi tập, Ngôn chí bài 13

(Thuyền nhỏ còn chèo không dừng được
Trời tối rồi, biết về đâu?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét