Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Lê Thiếu Nhơn với lối ngụy biện “kiểm dịch” đi ngược lại các giá trị nghệ thuật và nhân sinh




Lâu nay, giới văn chương xuất hiện những nhà văn, nhà phê bình, nhà báo văn hóa câu kết với nhau tạo thành một thế lực cát cứ, chuyên kéo quân đi “kiểm dịch” toàn thể giới văn nghệ sĩ Việt Nam. Trong đạo quân kiểm dịch viên mẫn cán này, anh Lê Thiếu Nhơn – Ủy viên Hội đồng Lý luận-Phê bình của Hội Nhà văn TP.HCM – thường được nhắc tên như một chiến sĩ tiền phong xông xáo nhất. Hôm trước, biết tôi có hứng thú với các nhà kiểm dịch, bạn tôi đưa tôi đọc một bài mà anh Nhơn viết hồi 2012. Trong bài này, mang tên “Ai đủ sức viết diễn từ Nobel?“, anh Nhơn khăng khăng phủ nhận quyền tự do sáng tác, và hằn học mạt sát những nhà văn yêu cầu quyền tự do sáng tác.

Dù nhìn từ góc độ văn hóa hay pháp luật, những phát ngôn như vậy cũng gây ảnh hưởng rất xấu tới môi trường sinh hoạt văn nghệ, trật tự xã hội và phẩm giá con người của chúng ta. Nên trước khi bàn sâu hơn về nạn “kiểm dịch” bừa bãi của giới kiêu binh văn nghệ nước mình, tôi xin phân tích bài của chiến sĩ Lê Thiếu Nhơn, để dẹp tan những lấn cấn của anh Nhơn về vấn đề quyền tự do sáng tác.

I- Trùng trùng ngụy biện

Nét nổi bật nhất nơi bài viết của anh Nhơn là nó nhiều ngụy biện.

Hãy lược bỏ mớ ngôn từ dẫn dắt và đánh lạc hướng, để nhìn rõ mạch logic chủ đạo trong bài viết của anh:

[Một nhà văn Trung Quốc giành giải Nobel] + [Trung Quốc không nới lỏng kiểm duyệt]

-> [Hệ thống kiểm duyệt xâm hại quyền tự do sáng tác không cản trở sự phát triển của các tài năng văn học]

-> [Những văn nghệ sĩ đòi hỏi quyền tự do sáng tác đều bất tài, đòi quyền tự do chỉ là một lối “làm dáng” để câu khách]

Trong mạch logic này, có hai lối ngụy biện chủ đạo:
Biến cái cá biệt thành cái phổ quát

_ Giải Nobel là một giải thưởng để vinh danh cá nhân. Nobel Văn học được trao cho cá nhân Mạc Ngôn, chứ không phải cho dân tộc Trung Quốc. Theo lập luận của Lê Thiếu Nhơn, khi một công dân Trung Quốc được giải Nobel, ta đã có bằng chứng vững chắc để tin rằng nền văn học Trung Quốc rất phát triển. Áp dụng lối ngụy biện này, ai cũng có thể đi đến kết luận rằng Mỹ và Trung Quốc là hai nước yêu chuộng hòa bình nhất thế giới, chỉ vì giải Nobel Hòa bình được trao cho Lưu Hiểu Ba và Obama.

_ Mạc Ngôn chỉ là một case cá biệt, không thể dùng một case cá biệt để chứng minh “qui luật phổ quát” tồn tại nơi giới nghệ sĩ toàn cầu. Chế độ kiểm duyệt xâm hại các quyền tự do căn bản chưa giết chết tài năng Mạc Ngôn, nhưng không thể lấy đó để chứng mình rằng nó chưa từng, và sẽ không giết chết những tài năng khác. Trừ kẻ dốt nát, hoặc những kẻ giả vờ dốt nát ra, có lẽ không ai không biết hậu quả thảm khốc và đau buồn của những “văn tự ngục” trong lịch sử. Ấy là chưa kể nếu tài năng của Mạc Ngôn không bị “Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản” ném khỏi trường tiểu học, rồi tạm chôn vùi trên bãi chăn thả gia súc, thì nó sẽ còn nảy mầm sớm hơn, và đã vươn xa hơn.
Áp đặt nguyên nhân cho kết quả

_ Khi yêu cầu quyền tự do sáng tác, mỗi nghệ sĩ lại có nhiều lý do riêng. Cần lưu ý rằng vì quyền này nằm trong phạm vi của quyền tự do phát biểu, được đề cập đến trong các văn kiện thuộc Bộ luật Nhân quyền Quốc tế của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã ký thông qua, nên bất kể vì lý do gì, thì yêu cầu nêu trên cũng chính đáng. Tuy vậy, anh Lê Thiếu Nhơn lại vơ đũa cả nắm, khi tuyên bố rằng người ta yêu cầu quyền tự do sáng tác chỉ vì họ bất tài, hèn nhát và có nhu cầu “làm dáng” để trục lợi. Tôi nghĩ anh nên tự hỏi trong hội đồng chấm giải Nobel, những cây bút từng đoạt giải Nobel và lượng công chúng theo dõi giải thưởng ấy, có bao nhiêu người tin rằng quyền tự do phát biểu cần được xem như một quyền con người cơ bản và bất khả xâm phạm, ở mọi thời đại và mọi quốc gia.

Anh Nhơn, anh có nghĩ rằng họ đều bất tài? Anh có coi họ là “tầm thường và hèn nhát”? Anh có cho rằng họ chỉ đang “làm dáng” để trục lợi?

Nếu anh không dám chụp những lời mạt sát ấy lên đầu họ, thì sao lại một mực chụp chúng lên đầu giới nghệ sĩ Việt Nam?

Vì anh, cùng những “kiểm dịch viên” khác như Nguyễn Hòa, Chu Giang,… vẫn coi văn đàn trong nước như cái ao làng mà mình nắm quyền sinh quyền sát, thỏa sức kiêu binh lộng hành?

Vì khác với các cây bút xứ người, giới nghệ sĩ nước mình chưa biết mở mồm bảo vệ nhau, nên các anh mới tha hồ khôn nhà dại chợ như thế?

Hay đơn giản hơn, vì anh thiếu hiểu biết, nên không rành những chuyện nằm ngoài cái đáy giếng của giới văn công?



II- Thiếu hiểu biết

Nét nổi bật thứ hai nơi bài viết này là nó phơi bày sự thiếu hiểu biết của tác giả. Anh Nhơn dành một nửa bài viết để miệt thị những cây bút đòi hỏi “tự do sáng tác kiểu phương Tây”. Không thấy anh định nghĩa “tự do sáng tác kiểu phương Tây” là gì, và có gì khác tự do sáng tác “kiểu Việt Nam”. Trừ phi có những lí do bí ẩn khiến anh phải phát ngôn trái với hiểu biết của mình, tôi đành phải kết luận rằng anh hơi thiếu hiểu biết.

Về cơ bản, quyền tự do sáng tác thuộc phạm vi quyền tự do phát biểu. Đây là một quyền con người phổ cập, được quy định trong Bộ luật Nhân quyền Quốc tế mà Liên Hợp Quốc đã thông qua.

Điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền:

“Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.“

Điều 19 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị:

“Mọi người đều có quyền giữ vững quan điểm mà không bị can thiệp. Mọi người đều có quyền tự do thể hiện; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt thông tin và ý tưởng của tất cả các loại, không kể biên giới, bằng miệng, bằng văn bản hoặc ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác của sự lựa chọn của mình.”

Cả hai văn kiện này, Việt Nam đều đã ký. Một khi đã ký, phải có nghĩa vụ tuân theo.

Đã là quyền, thì phải được đảm bảo, bất kể mục đích của người đòi quyền.

Đã là phổ cập, thì phải có hiệu lực ở mọi nơi mọi lúc. “Quyền tự do sáng tác kiểu phương Tây”, suy cho cùng, là cụm từ vô nghĩa trên đầu môi những kẻ thiếu hiểu biết về chính trị và pháp luật.

Khi cho rằng chỉ người phương Tây mới có quyền tự do sáng tác, phải chăng các chiến sĩ “kiểm dịch” tin rằng người Việt không xứng đáng bình đẳng, bình quyền với người phương Tây?

Phải chăng dân tộc ta, nhân dân ta không xứng đáng được hưởng những quyền tự do, độc lập ấy? Và bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, cùng những máu xương mà nhân dân đã đổ để nó được thực thi, chỉ là một nhầm lẫn tai hại?

Nếu bản Tuyên ngôn Độc lập không nhầm lẫn, và nhân dân không nhầm lẫn, thì kẻ nhầm lẫn là nhà “kiểm dịch” Lê Thiếu Nhơn.

Chúng ta chúc anh Nhơn có sự can đảm tối thiểu để thừa nhận cái sai của mình. Và cũng chúc anh dành nhiều thời gian hơn để cải thiện tay bút.

Trong ròng rã nửa cuối bài, anh Nhơn sủi bọt mép ca thán về nền văn thơ nước Việt. Anh nhận định rằng các cây bút Việt đa phần bất tài và hèn nhát, chỉ loanh quanh viết vài thứ vuốt ve, mơn trớn để kiếm tiền và kiếm danh. Sau khi đọc thơ anh Nhơn cùng số bài vở mà anh đăng trên blog, tôi bắt đầu hơi đồng ý về nhận định này. Chẳng biết thơ anh có “giúp ích cho cuộc đời” không, nhưng tôi tin rằng nó tuyệt đối không “nâng cao thẩm mỹ của nhân loại”. Giá anh bớt thì giờ dành để đấu đá đua tranh, thì văn anh có khi đã đàng hoàng hơn một chút. Tôi không hiểu vì sao anh vừa chê cái thối của giới nghệ thuật Việt, vừa bỏ hàng năm ròng để nhai đi nhai lại cái thối này trên đầu môi chóp lưỡi, thay vì nhổ nó ra để tập trung cho việc sáng tác của bản thân.



Nguyễn Vũ Hiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét