Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Thất bại ư? Chuyện nhỏ ấy mà!



Mỗi người trong chúng ta, dù muốn dù không, đều tồn tại trong một không gian và một thời gian nhất định. Trước khi học thuyết tương đối của A.Einstein ra đời, tư duy khoa học chịu sự chi phối của định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, qua đó coi không gian là quảng tính với ba chiều: dài, rộng và cao; còn thời gian là đường thẳng một chiều từ quá khứ đến tương lai; không gian và thời gian là tuyệt đối, ở bất kỳ nơi nào và ở bất kỳ thời điểm nào. Đến khi quan niệm tương đối của A.Einstein ra đời, quan niệm về không gian và thời gian thay đổi hẳn, qua đó không gian thêm chiều thứ tư là thời gian, và thời gian thì không còn là một chiều tất định nữa, mà nó còn có thể cong, tuỳ theo vận tốc của vật thể...


Đấy là những phát kiến của khoa học hiện đại về không gian và thời gian, chúng mở ra những chiều kích mới trong việc khám phá những phát kiến khác còn vĩ đại hơn nhiều. Trong phạm vi những gì tồn tại trên mặt đất, hành tinh của chúng ta, trong vòng quay liên miên bất tận nằm trong hệ mặt trời, thì không gian ở bất kỳ đâu trên mặt đất vẫn chỉ là ba chiều, và thời gian vẫn tuyệt đối một chiều không thể thay đổi, không thể vãn hồi...


Nhưng ngoài không gian và thời gian khách quan đó, chúng ta còn nằm trong một không gian và thời gian khác, ấy là không gian và thời gian thuộc về tâm lý. Không gian của tâm lý có thể tích tụ tại một điểm, có thể phóng chiếu đến vô hạn; và thời gian không chỉ là quá khứ đến tương lai, mà còn có thể biến tương lai thành quá khứ và quá khứ vọt thẳng đến tương lai. Đó là sức mạnh của sự tưởng tượng, sức mạnh của tư duy, sức mạnh của cái mà hôm nay tôi muốn nói với bạn - sức mạnh của ước mơ.





Ước mơ - về khái niệm - là một dạng mong muốn thuộc về tương lai. Ước ao và mơ mộng. Chúng không có mặt ở quá khứ, chúng chưa có mặt ở hiện tại, nhưng mình mong muốn nó sẽ có mặt ở tương lai. Đó là điều mà ta gọi là ước mơ.


Không ai sống mà không có một ước mơ nào đó. Có ước mơ trên chính trường, có ước mơ trên mặt trận quân sự, có ước mơ trên thương trường, có ước mơ trong lĩnh vực tôn giáo... hay đơn giản chỉ là ước mơ về một đời sống gia đình hạnh phúc. Ai cũng có một ước mơ, nhỏ có ước mơ nhỏ, lớn có ước mơ lớn... Mục đích của mỗi người là vô cùng.


Về mặt thể, ước mơ như cái đích mà mũi tên cần nhắm tới. Về mặt dụng, ước mơ là sức mạnh đẩy mũi tên ra khỏi cung tên. Không có ước mơ, mũi tên vẫn mãi nằm trên cung tên, và cả cung tên lẫn mũi tên đều trở nên vô dụng. Vì vậy, sống cần có ước mơ, không có ước mơ thì không ai sống làm gì cả.


Không có ước mơ nào là vô nghĩa và vô ích cả, kể cả những ước mơ mà hôm nay có thể coi là không tưởng, nhưng rất có thể ngày mai nó có thể thành hiện thực. Cách đây một ngàn năm, nếu ai đó bảo 
con người có thể bay cùng chim trên mây xanh là điên khùng, nhưng bây giờ, việc chúng ta lên máy bay ngồi ngắm trời trong mây trắng như cơm bữa là chuyện quá bình thường. Vậy nên, hãy cứ ước mơ, dù ước mơ đó có điên khùng như thế nào đi chăng nữa. Có một câu nói vui rằng: không ai đánh thuế giấc mơ, vì thế đã mơ thì mơ cái gì rực rỡ và hoành tránh một tí.


Thế nhưng, trên con đường thực hiện ước mơ đó, người thông minh phải biết đặt cho mình những lộ trình cụ thể, có thể thực hiện được, chứ không phải cứ ước mơ cao xa rồi nhắm mắt lại mộng mơ và tưởng tượng. Chẳng hạn bạn là một cô bé học sinh trường Ams... và như bao học sinh khác khi bước vào ngôi trường danh tiếng này, bạn chỉ coi ngôi trường ấy như động lực cũng như nội dung giảng dạy của nó để tiến vào một trường Đại học danh tiếng hơn nữa. Vậy ước mơ vào trường Ams chỉ là một ước mơ nhỏ trên chặng đường thực hiện ước mơ lớn... và đậu vào trường Đại học danh tiếng rồi, bạn lại phải coi ngôi trường đó như là bước đệm để thực hiện ước mơ lớn hơn nữa... Cứ như vậy, từng bước, từng bước... bạn đi hết cuộc đời với những mục tiêu đã được dự định. Không ai ôm mãi ngôi trường Ams, nhớ nhung mãi ngôi trường Đại học... để rồi dừng luôn ở đó cả.

Có hai trường hợp khiến ước mơ của ta chẳng bao giờ thực hiện: thứ nhất, ước mơ rất cao rất xa nhưng không có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện ước mơ; thứ hai, ước mơ ấy vượt quá khả năng thực tế mà bạn có thể thực hiện, ngay kể cả từng lộ trình nhỏ cũng vượt quá thực tại của bạn.

Trong trường hợp thứ nhất,ta có thể kể đến câu ngạn ngữ: ngồi chờ sung rụng. Câu ngạn ngữ ấy rất quen thuộc, nhưng đừng quên ai trong chúng ta cũng đã hoặc đang mắc vào nó. Bạn có bao giờ đi chùa cầu may mắn, đã từng ước ao được lượm một bọc tiền to đùng, trúng tờ vé số độc đắc...hay đơn giản cầu nguyện được yêu và cưới một người chồng chân thành?? Việc phụ thuộc vào may rủi, hên xui... ấy chính là hạt giống của những kẻ thiếu những bước đi cụ thể để thực hiện giấc mơ. Trong Đạo Phật có câu nói rất hay: Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả. Sự khác biệt giữa một người giải thoát và người u mê nằm ở chỗ, Bồ tát biết cái quả bắt nguồn từ cái nhân nên mọi sự cẩn thận luôn được suy xét từ nhân của vấn đề, trong khi một chúng sinh thì cứ trông chờ kết quả thôi, và vì vậy khi kết quả bất như ý xảy đến thì mới ngỡ ngàng đến bàng hoàng sửng sốt...

Trong trường hợp thứ hai,ngay kể cả khi bạn chia nhỏ được lộ trình thực hiện giấc mơ, thì bạn vẫn có thể thất bại như thường. Ấy là lộ trình bạn chia nhỏ đó không bắt đầu từ thực tế bạn đang có. Giả dụ mơ vào trường Ngoại thương rất tuyệt đấy, bạn cũng cố gắng chăm chỉ suốt ba năm học phổ thông đấy, nhưng rất có thể ba năm học ấy chưa đủ để nâng tầm bạn từ một học sinh trung bình yếu thành giỏi hoặc xuất sắc, và vì thế, với thời gian chưa đủ để thực hiện, vẫn có thể khiến ước mơ của bạn xa rời tầm với. Trong cuộc sống sau này cũng vậy, khi bạn va chạm với thực tế nhiều hơn, chính thực tế sẽ giúp bạn điều chỉnh dần ước mơ cao đẹp của bạn thành vừa tầm với bạn...

Bạn có tin vào Tất định luận không?Tất định luận là luận thuyết cho rằng mọi thứ đều đã được an bài, đều đã được định sẵn, dù có cố gắng mấy đi chăng nữa nhưng số mệnh đã an bài mình như vậy thì cũng chỉ như vậy mà thôi? Nếu bạn tin vào nó, thì bạn có thể đắp chăn đi ngủ được rồi đó, không cần cố gắng, không cần nhọc công, chẳng sợ phiền não, chẳng lo đau khổ. Số bạn là hoàng hậu, thì cứ ngủ ở trong chăn thì ông vua cũng tới rước bạn về làm vợ. Số bạn là ăn xin thì dù có là hoàng hậu cũng bị phế truất xuống kẻ tôi đòi. Bạn dám đánh cược cuộc đời mình thế không? Nếu bạn dám đánh cược cuộc đời bạn cho số mệnh, cho mọi việc đã được an bài, thì không cần phải hỏi tôi nữa, đắp chăn đi ngủ cho khoẻ. Nếu bạn vẫn đang nỗ lực hàng ngày hàng giờ để biến ước mơ của bạn thành hiện thực, thì bạn có thể vứt Tất định luận vào sọt rác được rồi, không cần phải bàn bạc thêm về nó nữa. Còn thỉnh thoảng bạn vẫn đem nó ra để nói, thì tôi nói thẳng, đó chỉ là lời nói vuốt đuôi tự sướng của bản thân, nhằm an ủi hay phủi bỏ trách nhiệm trước những thất bại của chính mình. Và những kẻ tự an ủi mình bằng luận điệu số mệnh an bài đó, tôi nói thẳng, hắn chẳng bao giờ lớn được. Thất bại chồng thất bại, vấp ngã chồng vấp ngã mà thôi.


Ai có thể toại thành những ước mơ và ai có thể bị thất bại với những ước mơ của mình?Tôi nghĩ rằng, ai trong chúng ta cũng đã từng thất bại và ai trong chúng ta cũng đã từng thành công. Có kẻ thành công với những ước mơ nhỏ nhưng lại thất bại với ước mơ lớn, và có kẻ lại thành công với ước mơ lớn nhưng lại thất bại với ước mơ nhỏ. Hạng Võ là tướng quân bách chiến bách thắng trong mọi trận đánh nhỏ, nhưng trận đánh quan trọng nhất của đời mình lại thất bại dưới tay Lưu Bang. Lưu Bang thất bại liên tiếp các trận đánh nhỏ, nhưng nhờ mưu lược mà cuối cùng lại chiến thắng trận đánh cuối cùng. Vì vậy, việc sống với chiến thắng và sống với chiến bại chỉ là một phần trong chặng đường trải nghiệm của bản thân, không có gì lạ lẫm cả.


Làm sao để đối mặt với thất bại đó? Đối mặt là phải đối mặt thôi, chẳng có cách nào né tránh được cả. Bạn có trốn lên cung trăng thì sự thật là bạn đã thất bại vẫn cứ là thất bại. Vì vậy, đừng ảo tưởng là mình có thể tránh được. Nhưng đối mặt như thế nào? Có hai cách thôi, một là thất bại xong thì nằm luôn, hai là đối mặt với nó trong ngạo nghễ.


Thế nào là thất bại thì nằm luôn?Ấy là tâm trạng tự ti nảy sinh, tự cảm thấy mình bất lực, đẩy trách nhiệm đó sang số phận an bài... Ví dụ bạn thất bại trong kỳ thi Đại học vừa qua, một mặt bạn tự an ủi bản thân rằng "học tài thi phận", một mặt bạn cảm thấy đời mình thế là hết. Có kẻ từ bỏ con đường học vấn, có kẻ nhảy sông tự vẫn...


Thế nào là thất bại trong ngạo nghễ?Ấy là kẻ đối mặt với thất bại như một sự thực hiển nhiên. Hắn không trốn tránh sự thật, nhưng không đẩy trách nhiệm thất bại sang cho hoàn cảnh, điều kiện hay số phận... Hắn chấp nhận hắn đã thất bại, và hắn cố tìm nguyên nhân vì sao hắn đã thất bại để hoặc là sửa chữa nguyên nhân ấy, nếu là nguyên nhân thứ yếu; hoặc là làm lại từ đầu, nếu ấy là nguyên nhân quan trọng nhất... Và ước mơ vẫn tiếp tục, hoặc điều chỉnh ước mơ sao cho phù hợp với thực tế hơn... Cái này, trong kỳ thi Đại học, ta tạm gọi là có nhiều nguyện vọng để lựa chọn vậy. Đời không có gì chấm dứt chỉ vì một, hoặc một vài lần thất bại...

Thất bại có buồn không?
Chỉ có thằng điên mới không buồn
Nhưng buồn xong thì sao nữa?
Hoặc là tiếp tục hành trình thực hiện ước mơ
Hoặc là điều chỉnh ước mơ cho phù hợp với hoàn cảnh mới


Nên nhớ,kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt
Nhưng chẳng có kẻ tuấn kiệt nào mà chưa từng kinh qua vài lần thất bại
Bất kể trong lĩnh vực nào
Thất bại nằm ngay trong thành công, cũng như Thành công nằm ngay trong lòng thất bại


Read more:http://www.suynghiem.vn/2015/08/that-bai-u-chuyen-nho-ay-ma.html#ixzz3hcvDgtKg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét